Năm ngoái, hai cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk (Nobel Văn học 2006) cùng một lúc được xuất bản bằng tiếng Nga - “Những ý nghĩ kỳ quặc của tôi” và “Người đàn bà tóc hung”. Tháng 11, nhà văn nổi tiếng được trao tặng giải thưởng “Yasnaya Polyana” mang tên Lev Tolstoy. Ngày 22/2/2017, ông đến Moskva giới thiệu những cuốn sách mới của mình và nhận giải thưởng. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện của nhà văn với phóng viên.
![]() |
Orhan Pamuk (Nobel Văn học 2006) |
-Đã nhiều lần ông tỏ lòng mến mộ đối với Tolstoy và Dostoyevsky. Và có cảm giác rằng cuốn tiểu thuyết của ông “Những ý nghĩ kỳ quặc của tôi” là tiểu thuyết kiểu Tolstoy: Từ tốn, đều đều, chi tiết…
- Tất nhiên, đây là cuốn tiểu thuyết kiểu Tolstoy - ở chỗ nó mang tính toàn cảnh, và lối kể chuyện từ từ đóng vai trò lớn trong đó. Nhân vật chính cũng không phiến diện: Tôi mô tả cả những mặt tốt lẫn xấu của anh ta.
“Người đàn bà tóc hung” là cuốn tiểu thuyết kiểu Dostoyevsky, nếu có thể nói như vậy: Tình yêu bất hạnh, nhân vật chao đảo giữa cái thiện và cái ác, xung đột nội tâm… lại còn quá nhiều điều xảy ra và cốt truyện mang tính thông tục rõ rệt, những điều vốn đặc trưng đối với Dostoyevsky.
- Tại sao hai cuốn tiểu thuyết viết kế tiếp nhau lại khác nhau như vậy?
- Tôi rất vui vì những cuốn tiểu thuyết được công bố tuần tự lại khác nhau như vậy. Ngay từ thời trẻ, tôi đã đề ra một nguyên tắc: Không bao giờ viết những cuốn sách giống nhau, không chỉ về mặt đề tài và bút pháp mà cả hình thức, bề ngoài. “Cuốn sách đen” là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tôi ở Mỹ. “Tuyết” - ở Trung Quốc. “Tên tôi là Đỏ” - ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi thay đổi theo từng cuốn sách, thường xuyên nghĩ về hình thức, về việc ai sẽ là người kể chuyện. “Người đàn bà tóc hung” là tiểu thuyết trí tuệ ngắn, mặc dù cơ sở của nó là một câu chuyện có thực.
Như bạn biết đấy, Hegel là người đầu tiên xác định đặc điểm lịch sử của các hình thức văn học. Trước ông, phong cách và thể loại ở trạng thái tĩnh, các tác giả định hướng vào một khuôn mẫu có sẵn. Chính Hegel đã áp dụng khái niệm tinh thần tự phát triển- sự tiến bộ, phá hủy và tái tạo trong một hình thái mới. Nghĩa là ông cho phép lịch sử phát triển. Điều này giúp các tác giả mạnh dạn sử dụng bất cứ hình thức, phong cách nào và triển khai chúng. Và hiện nay, ở tuổi 65, tôi có thể không nghĩ về lịch sử văn học, mà nghĩ nhiều về tính hài hước của mình. Ví dụ, “Những ý nghĩ kỳ quặc của tôi” trong một chừng mực nhất định là cuốn tiểu thuyết kiểu cũ theo phong cách thế kỷ XIX. Đồng thời trong đó có nhiều cái riêng của tôi.
Nếu bạn hỏi tôi về “Người đàn bà tóc hung” thì tôi sẽ trả lời rằng, ở một mức độ nào đấy nó là sự nghiên cứu so sánh về mặt nghệ thuật các cơ sở văn hóa của các nước phương Tây và phương Đông. “Oedipus làm vua” của Sophocles được liên tưởng tới chủ nghĩa cá nhân. Đó là câu chuyện về việc con giết bố, về sự độc đoán: Con trai không biết bố mình - và giết ông ta. Trường ca của Firdoursi “Shah-namé” về việc bố giết con. Nhưng chúng ta thế nào cũng có cảm giác tội lỗi, tội lỗi, tội lỗi. Tôi thích đề tài tội lỗi.
- Tại sao?
- Tại vì tôi thường xuyên cảm thấy mình có lỗi. Đó là nguyên nhân thứ nhất. Thứ hai, tội lỗi là bản chất của đạo đức học và phần lớn các tôn giáo. Tội lỗi cho phép hiểu con người trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta đồng nhất bản thân với những người không giống chúng ta. Chúng ta giao tiếp với những người không giống chúng ta. Chúng ta quan tâm tới những người đau khổ. Tội lỗi thức tỉnh chúng ta làm điều đó. Không, chúng ta không thích thú vì cảm thấy có tội với những người khác. Nhưng đó là nghệ thuật của tiểu thuyết, tinh thần của tiểu thuyết - bằng trái tim cảm nhận được tội lỗi. Người ta viết tiểu thuyết vì họ có những cơ bắp đặc biệt- tài năng.
- Có thể nói rằng tiểu thuyết “Người đàn bà tóc hung” của ông được xây dựng trên sự xung đột giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Còn có một điểm nữa: Các cốt truyện con giết bố và bố giết con không những khác nhau mà còn giống nhau. Cả hai đều là những quan hệ không bình thường, bệnh hoạn. Liệu có thể tiếp tục so sánh và nói - một cách tương đối - rằng văn hóa phương Tây và phương Đông có nhiều điểm chung hơn là khác biệt?
- Văn hóa luôn luôn giống nhau. Tôi hay nói: Đây là văn hóa phương Đông, kia là văn hóa phương Tây, chúng ta nói về điều đó, nhưng rốt cuộc nó không quan trọng. Đó là song đề của cả cuộc đời tôi. Trong tiểu thuyết sử thi “Những ý nghĩ kỳ quặc của tôi”, tôi quên đâu là phương Đông, đâu là phương Tây, và chỉ dõi theo nhân vật khiêm nhường của tôi suốt 40 năm. Trong “Người đàn bà tóc hung” tôi cho phép mình tùy tiện sử dụng các ý tưởng lớn, bất cứ sự nhào lộn phong cách nào - đó là một cuốn sách khác về nguyên tắc..
- Ông nghĩ gì về vai trò của cốt truyện trong tiểu thuyết hiện đại? Cái gì quan trong hơn - cốt truyện hay logic tính cách nhân vật?
- Tôi thực sự thích câu hỏi của bạn - các sinh viên Đại học Columbia thường hỏi tôi câu ấy (cười).
Tiểu thuyết không chỉ là cốt truyện. Chúng ta thấy rằng cốt truyện là một cái gì đấy giống như cây: Nó có cành, nhánh và lá, vai trò của chúng giống như các tình tiết và đề tài mà bạn cần nói.
Không chỉ cốt truyện thôi thúc chúng ta viết tiểu thuyết, mà tất cả những chiếc lá mà tôi cần kể về chúng. Những cái lá này - là những yếu tố nhỏ của kinh nghiệm, sự hồi tâm, ký ức, vẻ đẹp, những điều nhỏ nhặt nhất. Chúng thôi thúc tôi viết tiểu thuyết. Và cốt truyện kết nối chúng - tầm quan trọng của nó ở đấy.
Lại còn có ý kiến cho rằng cốt truyện phát triển tiểu thuyết. Nhưng cốt truyện là một cái gì khác. Nếu như cốt truyện quá rõ ràng và quá nhiều chuyện xẩy ra, thì rõ ràng cuốn sách sẽ được đọc nhanh, còn sự thích thú sẽ chóng trôi qua. Quan trọng là nhận thức được hướng vận động chung của cuốn tiểu thuyết - bạn muốn đi tới đâu.
- Ông nói rằng khi thu thập tài liệu cho tiểu thuyết “Những ý nghĩ kỳ quặc của tôi” ông đã làm quen với nhiều tiểu thương ở Istanbul. Chuyện xảy ra như thế nào?
- Ồ! Tôi nói với họ rằng muốn mua và uống một ít nước buza (thức uống có men làm bằng ngô non). Một số người trong họ nhận ra tôi, một số không. Tôi nói rằng tôi là nhà văn, đang viết cuốn tiểu thuyết và muốn trò chuyện với họ. Họ kể về việc họ đến Istanbul như thế nào, sống và làm việc ra sao - chúng tôi nói mãi, nói mãi… Tôi nói chuyện với những người bán nước buza, thịt gà và gạo. Cuộc trò chuyện rất vui vẻ.
Hai mươi năm gần đây, khi nhìn thấy một cái gì đó thú vị hay một con người thú vị, tôi tìm mọi cách tiếp xúc với anh ta, tự giới thiệu, nói rằng tôi là nhà tiểu thuyết, và hỏi anh ta có đồng ý trả lời phỏng vấn của tôi không. Tôi làm việc như vậy.
Sau đó một số người, tất nhiên, nhận ra mình trong tiểu thuyết. Nhưng, thứ nhất, tôi không bao giờ viết về một người. Thứ hai, tôi tránh viết cuốn sách, dựa trên câu chuyện của một con người. Không một cuộc đời nào xứng đáng trở thành cơ sở của cuốn tiểu thuyết. Nhân vật văn học bao giờ cũng là sự kết hợp nhiều người. Tôi thường nghe nói: “Ô, ngài Pamuk, hãy viết về cuộc đời tôi! Tôi sẽ kể hết - sẽ rất thú vị!” Nhưng sự thú vị chỉ xẩy ra khi bạn lắng nghe con người này hay hàng trăm người khác. Một cuốn tiểu thuyết cần nhiều câu chuyện. Cuộc đời một con người chưa phải là một cuốn tiểu thuyết hay. (Cười)
- Lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ cực kỳ phức tạp: Nền văn hóa hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ kế thừa văn hóa La Mã, Bizantine, văn hóa Hồi giáo, văn hóa châu Âu - đó là một bản thảo hết sức đa dạng, trong đó có rất nhiều lớp. Theo ông, từ những mảnh ghép văn hóa và văn minh đó làm thế nào dệt nên được một bức khảm lý tưởng để tạo ra sự phong phú, chứ không phải xung đột? Liệu có thực hiện được điều đó không?
- Tất cả các cuốn sách của tôi đều nói về điều đó - làm thế nào tiếp cận được những tư tưởng, hình thức và giá trị châu Âu từ bản sắc riêng của chúng tôi, nghĩa là lịch sử, tôn giáo, quá khứ. Đối với tôi ở đây không có mâu thuẫn. Tôi không tin vào sự sụp đổ của nền văn minh, tôi tin vào sự hài hòa của nền văn minh. Vâng, có nhiều nền văn hóa, tư tưởng, tất tần tật. Nhưng điều gì liên kết chúng ta? Điều gì làm cho thế giới thú vị hơn? Một câu chuyện được kể. Những chiếc lá trong cốt truyện mà tôi đã nói trên đây. (Cười)
- Ở những nhà văn sống lâu trong môi trường ngoại ngữ đang hình thành nên những quan hệ đặc biệt với tiếng mẹ đẻ. Nhiều người nói rằng điều ấy có ích đối với họ, giải phóng khỏi tất cả những cái thừa. Nửa năm sống trong môi trường Anh ngữ hỗ trợ hay cản trở ông?
- Đôi khi tôi cảm thấy cô độc ở New York. Nếu vợ tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ thì đôi khi đến 10 ngày tôi không nói tiếng Thổ với ai. Lúc bấy giờ tiểu thuyết là nơi duy nhất tôi có thể nói bằng tiếng mẹ đẻ. Nhưng tôi không buồn - tôi có thể nói chuyện điện thoại với vợ.
Đôi khi người ta hỏi tôi: “Anh có định chuyển đến sống ở New York không? Ở Thổ Nhĩ Kỳ tình hình chính trị căng thẳng đến thế”. Nhưng tôi không muốn mất Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này quan trọng đối với tôi. Tôi đã mấy lần viết báo bằng tiếng Anh cho các tạp chí hàn lâm, không - tôi rất nhớ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ra ngoài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ như Joyce; viết “Ulysses” ở Trieste… hoặc Gogol viết “Những linh hồn chết” ở Roma… Đúng! Điều đó làm cho hồi ức trở nên ngọt ngào hơn. Nếu như bạn cảm thấy nhớ nhung thì mỗi một tình tiết nhỏ cũng được nhìn thấy rõ nét từ trong xa cách. Điều đó tốt đối với nhà văn.
- Liệu ông có thể viết cuốn tiểu thuyết không phải về Istanbul không?
- Tôi hiện là giáo sư Đại học Columbia. Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ dạy học, nhưng 10 năm trước tôi được mời đến làm việc ở Đại học Columbia. Ở Thổ Nhĩ Kỳ lúc bấy giờ tôi bị đàn áp, vì vậy tôi nghĩ rằng New York là một nơi rất dễ chịu, và nhận lời. Sau nhiều năm giảng dạy người ta hỏi tôi: “Bây giờ ông viết tiểu thuyết về chúng tôi chứ?” Tôi trả lời: “Đừng băn khoăn, tôi sẽ viết tiểu thuyết về khuôn viên trường đại học”.
Nhưng đúng 5 tháng trước, tôi nghĩ rằng, (hạ giọng), quả thật tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết mà địa điểm xảy ra câu chuyện sẽ là New York. Đây là một phản ứng tình cảm đối với những gì đang xảy ra hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi không hoàn toàn tin tưởng điều đó. Nhưng đây là lần đầu tiên vì tình hình chính trị tôi quyết định làm cái điều tôi đã nói với những người hâm mộ của mình.
Trần Hậu
Theo Lenta.ru
Nguồn Văn nghệ số 11/2017