Sự kiện & Bình luận

“Phan Văn Quý, đúng là quý thật!”

Hạnh Đỗ
Bút ký phóng sự
09:43 | 12/02/2025
Đây là nhận xét của cố Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dành cho người lính được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa 23 tuổi - Phan Văn Quý. Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, rồi bươn ra làm kinh tế với xuất phát điểm gần như bằng không, trở thành doanh nhân thành đạt, lại lặng lẽ trong các hoạt động thiện nguyện, con đường nào của Phan Văn Quý cũng có lúc lên đèo xuống dốc, hệt như cái thời ông làm lính lái xe ở Trường Sơn, giữa mưa bom bão đạn.
aa

Khi được hỏi về những hành trình ấy, ông chia sẻ với giọng điệu từ tốn, nhiều phần khiêm cung: mình chỉ là một hạt cát thôi, may mắn sống sót trở về thì cố gắng làm những việc thiết thực cho quê hương, đồng đội và cộng đồng... Đó là những việc mà mình phải làm, nên làm!

Sống là sẻ chia

“Phan Văn Quý,  đúng là quý thật!”
Anh hùng LLVTND Phan Văn Quý. Ảnh NVCC.

Sau nhiều dịp tham gia đồng hành cùng các tổ chức từ thiện, tôi (người viết) mới nhận ra những bất cập trong cách làm từ thiện kiểu “cho người ta xâu cá chứ không cho cần câu”. Về sau, qua những khóa huấn luyện của một số tổ chức nước ngoài, tôi mới biết rằng, để trở thành một “người cứu trợ” đủ chuẩn, cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Đối với đội cứu trợ thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần... thì yêu cầu còn cao hơn nhiều.

Cho nên, khi thấy cách mà Anh hùng Phan Văn Quý làm từ thiện, tôi hỏi có phải ông từng được học về công việc này, người cựu binh Trường Sơn trả lời rằng: “Tôi tự học hỏi, chiêm nghiệm và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, với tôi, làm gì cũng cần phải bài bản: từ lái xe, kinh doanh hay làm từ thiện, gốc có vững cây mới bền”.

Phan Văn Quý sinh ra và lớn lên ở làng Yên Nhân, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nơi khí hậu khắc nghiệt quanh năm, mùa khô thì hạn, mùa mưa thì lụt. Chính hoàn cảnh khó khăn đó đã dưỡng thành tính tình kiên định, cứng cỏi để sau này ông từng bước vượt qua những giông bão thác ghềnh cả ở chiến trường và thương trường, trở thành một doanh nhân thành công từ hai bàn tay trắng.

“Phan Văn Quý không dựa vào dĩ vãng, không sống bằng vinh quang quá khứ. Anh xin nghỉ hưu khi tuổi đời còn trẻ, rời quân đội với quân hàm trung tá và bắt đầu khởi nghiệp. Khi doanh nghiệp của mình phát triển ổn định, anh có điều kiện để san sẻ cho những người khó khăn”, đây là chia sẻ của nhà thơ Trần Đăng Khoa về người sáng lập Tập đoàn Thái Bình Dương, một tập đoàn kinh tế tư nhân đã có rất nhiều đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.

Mặc dù trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp khiến cho ngay cả thời gian dành cho bản thân, gia đình cũng là “xa xỉ”, song Phan Văn Quý vẫn chọn cách làm từ thiện “mất thời gian” là cung cấp cho những người cần được giúp đỡ một cái “cần câu”, thay vì chỉ cho “xâu cá”. Xâu cá chỉ giải quyết được khó khăn phần ngọn, trong khi cần câu mới thực sự giải quyết vấn đề từ gốc.

Cái đận ông Quý quyết định giúp vùng quê Nhân Thành thay đổi, không ai nghĩ ông lại làm rốt ráo đến như thế. Đầu tiên, ông đề xuất và tham gia tài trợ việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội xã Nhân Thành, rồi tài trợ việc lập quy hoạch phát triển nông nghiệp huyện Yên Thành. Đây là điều mà ông đã học được khi đi khảo sát đầu tư ở những nước tiên tiến, rằng muốn phát triển bền vững thì cần phải có quy hoạch rõ ràng và phù hợp. Không có quy hoạch tổng thể sẽ khiến xây dựng nông thôn manh mún, dễ bị chồng chéo, lãng phí.

Để đề án quy hoạch bám sát thực tế, phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của các vùng, ngành, ông đã trao đổi với lãnh đạo địa phương, rồi mời các chuyên gia và cán bộ địa phương đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước. Tiếp đến, ông mời Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Liêu, cũng là một người con của Yên Thành (nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, Sinh thái Môi trường) làm chủ nhiệm đề tài Quy hoạch. Từ đó, từng mẫu đất, mẫu nước của Yên Thành đều được nghiên cứu, xét nghiệm, phân tích... để tìm ra những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất. Quy hoạch được duyệt, người dân Yên Thành đều có được một hướng dẫn khoa học, tỉ mỉ, chi tiết về việc nên nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất mà không phải “thấy người ta trồng dưa hấu thu hoạch cao thì cũng nhổ lúa ngô đi trồng dưa hấu rồi đến lúc sản phẩm dư thừa lại phải kêu gọi cộng đồng giải cứu”.

“Phan Văn Quý,  đúng là quý thật!”
Lễ khánh thành và trao tặng tượng “Thực địa chiến trường” phác họa chân dung Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh NVCC.

Lại nói, không chỉ tích cực tham gia góp ý, hỗ trợ tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm, tổ chức hội thảo lấy ý kiến về quy hoạch, mà ông Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương còn tài trợ chi phí để triển khai các công việc này. “Muốn thuyết phục người khác không có cách nào là mình phải làm trước”, ông Quý giải thích khi tôi hỏi làm thế nào để lãnh đạo và nhân dân các nơi có thể đạt thành ủng hộ cách làm của ông nhanh chóng đến thế? Chỉ vài năm làm nông theo hướng hiện đại hóa này, cam Yên Thành giờ nổi tiếng không kém gì cam Vinh, nhiều hộ dân thoát nghèo, nhà cao tầng mọc lên san sát.

Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế quê hương, ông Quý và công ty của mình còn đề xuất nhiều sáng kiến và đồng hành tài trợ cùng địa phương triển khai thành công nhiều chương trình, dự án quan trọng, đem lại những thay đổi và diện mạo mới cho quê hương, như: Quy hoạch thiết kế và triển khai xây dựng, cải tạo, trùng tu Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Cả; Tài trợ xây dựng và đồng hành trong công tác đào tạo nghề của Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành; Tài trợ xây dựng Trung tâm Y tế phía nam huyện Yên Thành và hỗ trợ mua thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa của huyện; Tài trợ xây dựng Nhà máy nước sạch xã Nhân Thành… Tất cả những thay đổi này đã góp phần giúp Yên Thành mở rộng kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bản thân Anh hùng Phan Văn Quý đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

Với giá trị cốt lõi “nhân văn”, được biết, ông Quý và công ty của mình đã tham gia sáng lập và là nhà tài trợ của một số tổ chức xã hội, từ thiện như: Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, Quỹ Tâm Tài Nghệ An, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn Thái Bình Dương của ông đã dành nhiều kinh phí và tài trợ nhiều trang thiết bị vật chất và các hiện vật khác cho các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần thiết thực vào công tác an sinh xã hội, chung tay sẻ chia cùng cộng đồng.

Nghĩa tình đồng đội

Cuối năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Phan Văn Quý cũng như nhiều thanh niên khác đã làm đơn xung phong vào bộ đội. Vào Trường Sơn, Phan Văn Quý trở thành lính lái xe của Tiểu đoàn ô tô 52, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571. Trong gần bốn năm làm nhiệm vụ vận tải quân sự ở tuyến lửa Trường Sơn, Phan Văn Quý đã lái xe chạy được hơn 65.000 km an toàn, tiết kiệm gần 7.000 lít xăng, là người dẫn đầu trong phong trào giữ tốt, dùng bền, “yêu xe như con, quý xăng như máu” của Sư đoàn 571. Ông đã có nhiều sáng kiến để gia cố xe như: dùng ke sắt thùng đạn, mảnh pháo sáng ốp vào đầu dầm của xe để khi va chạm xe đỡ bị xây xát, dùng thanh gỗ làm cần số để tránh nhảy số trong quá trình cơ động, dùng dây lò xo gắn vào cửa hậu nối với thùng xe, giữ cho cửa hậu của xe ổn định, không bị bật ra, bảo vệ an toàn cho hàng hóa...

Ở đây, lại nói về sự bài bản: bên cạnh các sáng kiến bảo vệ xe, ông Quý còn chủ động học hỏi kỹ thuật sửa chữa xe ô tô để có thể chủ động khắc phục các sự cố xảy ra trên đường. Trước mỗi lần nhận nhiệm vụ vận chuyển, Phan Văn Quý luôn kiểm tra tỉ mỉ tình trạng kỹ thuật, hệ số an toàn cùng các thiết bị phụ tùng theo xe cũng như vật tư dự phòng. Đi đến đâu, người chiến sĩ mới chỉ có đôi năm tuổi nghề cũng có ý thức quan sát, thu hồi các loại thiết bị, phụ tùng của những xe địch bị đánh cháy hoặc hư hỏng dọc đường, phân loại và cất trữ cẩn thận vào những ống nhỏ được xếp ngăn nắp dưới ghế của phụ xe để dự phòng cho những sự cố có thể gặp phải bất cứ lúc nào trên đường.

“Phan Văn Quý,  đúng là quý thật!”
Tập đoàn Thái Bình Dương trao tài trợ cho công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ theo Đề án 150 của Chính phủ nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, tháng 7-2017. Ảnh NVCC.

Với nhiều thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ vận tải quân sự, tháng 6/1976, Phan Văn Quý đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa 23 tuổi và là anh hùng thuộc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có tuổi đời trẻ nhất khi được phong.

Trở về từ chiến trường với thương tật loại A, bậc 4/4, cựu binh Phan Văn Quý vẫn nói rằng mình rất may mắn, so với rất nhiều anh em, đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm xuống. Cho nên đối với những việc tri ân đồng đội hay giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, ông chưa bao giờ từ nan.

Ông Quý kể rằng, trong số bạn học cùng lớp ông thần tượng hai người, một trong số đó là liệt sĩ Ngô Xuân Thanh. Chiến tranh kết thúc, Phan Văn Quý từng lộn lại chiến trường xưa tìm tung tích người bạn học của mình. Chính ông cũng không lường được, cuộc tìm kiếm này vậy mà kéo dài bảy năm. Nhờ những chuyến đi liên tục, ông may mắn gặp được đúng người từng chôn cất liệt sĩ Ngô Xuân Thanh. Cũng từ hành trình này ông mới ngẫm ra, việc tìm mộ liệt sĩ thực ra không thể chỉ dựa vào những thông tin báo tử, vì thực tế có khi khác xa so với những thông tin giản lược mà gia đình liệt sĩ nhận được.

Trong những lần tham gia làm công tác tri ân, gặp mặt các gia đình liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều mẹ bày tỏ tâm nguyện: “Mẹ chỉ có một mong muốn duy nhất là trước lúc nhắm mắt xuôi tay, tìm và đưa được hài cốt con mình trở về với gia đình”... Điều đó cứ thôi thúc ông phải làm được việc gì đó thiết thực để có thể trả lại tên cho nhiều đồng đội đã hy sinh.

Ông đã đề xuất ý tưởng và đề nghị các cựu binh cùng đồng hành với mình về việc thành lập Quỹ Tìm lại tên cho đồng đội để hỗ trợ những gia đình liệt sĩ gặp khó khăn trong quá trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, với kinh phí hoàn toàn do các thành viên sáng lập đóng góp và một phần là nguồn xã hội hóa.

“Những việc làm quy mô, kế hoạch tổng thể, thì Nhà nước đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề nhỏ nhưng hết sức thiết thực đối với các gia đình liệt sỹ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin. Nếu Quỹ được thành lập, chúng tôi chỉ tập trung hỗ trợ gia đình, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tư vấn, hỗ trợ một phần kinh phí cho ba vấn đề sau: thứ nhất, giúp họ có thể tiếp cận nhanh nhất các nguồn thông tin về hài cốt liệt sỹ. Thứ hai, hỗ trợ đưa các thân nhân về các nghĩa trang liệt sỹ, về các chiến trường xưa để tìm các nguồn thông tin về các liệt sỹ. Cuối cùng, hỗ trợ các gia đình liệt sỹ giám định ADN hài cốt tại các trung tâm có chức năng giám định ADN của Nhà nước theo đúng quy định”, ông chia sẻ.

Hiện kinh phí, văn phòng và cả nhân lực, vật lực để thành lập Quỹ Tìm lại tên cho đồng đội đã sẵn sàng. Những người cựu binh lo lắng càng để lâu thì việc giám định gen để trả lại tên cho liệt sĩ càng khó khăn do mẫu vật bị hư hại theo thời gian, trong khi hồ sơ thành lập Quỹ vẫn đang trong quá trình chờ thông qua.

Khoan nói đến thời gian chờ đợi này, trước đó, Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam do ông Quý tham gia vận động thành lập vẫn luôn là một trong những địa chỉ tin cậy, là cây cầu nối những tấm lòng hướng về công tác tri ân ở khắp các địa phương trên cả nước. Hơn 13 năm kể từ ngày thành lập Hội, Cựu chiến binh Phan Văn Quý cùng Tập đoàn Thái Bình Dương đã đồng hành và tài trợ cho hoạt động của Hội, giúp Hội có kinh phí thực hiện các hoạt động thiết thực để tri ân liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa. Từ nhiều năm nay, Tập đoàn của ông Quý liên tục tài trợ cho Hội thực hiện giám định ADN nhằm xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin theo Đề án 150 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, Hội đã hỗ trợ cho các tổ chức có liên quan và các gia đình, thân nhân liệt sĩ tìm kiếm, quy tập được hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng; hỗ trợ tổ chức giám định ADN hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ; đã giám định xong hơn 600 hài cốt, tỷ lệ đúng danh tính liệt sĩ khoảng 70%. Hội đã tổ chức hàng chục lần trao kết quả giám định gen cho gia đình thân nhân liệt sĩ, góp phần giúp tìm kiếm và trả lại tên cho hơn 700 liệt sĩ, hỗ trợ cất bốc di chuyển gần 1.000 hài cốt liệt sĩ về quê hương yên nghỉ, theo nguyện vọng của gia đình.

Cũng chính Anh hùng Phan Văn Quý, từ mười năm trước, ở thời điểm còn là Đại biểu Quốc Hội đã là một trong những người đầu tiên đề xuất công nhận danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm ghi nhận tình cảm, sự sáng tạo của nhân dân ta dành cho đội quân được Bác Hồ sáng lập, giáo dục, rèn luyện; ghi nhận nỗ lực phấn đấu của Quân đội ta qua các thời kỳ. Đồng thời, giúp cho danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ và những giá trị của danh hiệu này được gìn giữ và tiếp tục tỏa sáng.

Theo ông Quý, “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là một thuật ngữ thuần túy mà danh xưng đó bao hàm cả một bộ tiêu chí phản ánh bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, tác phong công tác... của người quân nhân cách mạng. Chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ sẽ không ngừng được bổ sung, hoàn thiện như quá trình tự thân phát triển của một giá trị văn hóa.

Đề xuất này của ông đã được nhiều Đại biểu Quốc hội khóa XIII và các cơ quan truyền thông ủng hộ.

“Phan Văn Quý,  đúng là quý thật!”
Trao tặng tranh “Cô Hằng” (một trong gần 300 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thụ đang được Tập đoàn Thái Bình Dương mua từ nước ngoài và lưu giữ, bảo quản) cho bà Nguyễn Thị Hằng - người chiến sĩ bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: NVCC

Giữ gìn văn hóa Việt

Năm ngoái, trong thời điểm cả nước nín thở theo dõi hành trình trở về của chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo và hành động hào hiệp của một nhà sưu tầm tư nhân ở Bắc Ninh, ít người biết, từ trước đó, cựu chiến binh Phan Văn Quý cũng đã âm thầm đưa về nước cả một bộ sưu tập tranh Đông Dương từ tay một nhà sưu tầm người Thái Lan.

Câu chuyện ông kể lại rằng: một ngày kia đi uống cà phê với người bạn nguyên là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật, ông được biết một nhà sưu tầm người Thái đang sở hữu hàng trăm bức tranh quý của Việt Nam và đang muốn bán, trong đó có cả những tranh Đông Dương của các họa sĩ triệu đô như: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Mai Văn Hiến, Nguyễn Thụ… Không muốn những tác phẩm này lại lưu lạc đất khách thêm một lần nữa, ông Phan Văn Quý đã quyết định mua lại toàn bộ đem về Việt Nam với tâm niệm: “Những tinh hoa văn hóa Việt Nam cần phải được lưu giữ tại Việt Nam để người dân được chiêm ngưỡng và thưởng lãm các tác phẩm Việt trên quê hương mình”.

Hiện bộ sưu tập này cùng nhiều tác phẩm mỹ thuật phong phú, đa dạng của các thế hệ họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam đang được lưu giữ và trưng bày ở ngay trụ sở của Tập đoàn. “Chúng tôi trưng bày để giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đến với công chúng, và nhất là những khách hàng, đối tác trong và ngoài nước của công ty. Giới thiệu để cho người ta biết nhiều hơn đến văn hóa của mình, mỹ thuật của mình. Một khi họ thêm hiểu, thêm yêu đất nước con người Việt Nam thì việc kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước và các địa phương sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Quý chia sẻ.

Dường như công việc gìn giữ, phát triển văn hóa đã đem đến cho người cựu binh Trường Sơn nhiều nguồn cảm hứng mới. Ông đã có ý tưởng và hợp tác với các nhà điêu khắc nổi tiếng thực hiện một số tác phẩm điêu khắc phác họa chân dung những tướng lĩnh, anh hùng và những danh nhân có nhiều đóng góp lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vào tháng 9/2020, một bức tượng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Tố Tâm đã được Tập đoàn Thái Bình Dương trao tặng cho Trường THPT Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội, là quê hương của anh hùng Trịnh Tố Tâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Anh hùng Trịnh Tố Tâm đã cùng đơn vị tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, bắn rơi và phá hủy ba máy bay, nhiều xe quân sự của địch. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Trịnh Tố Tâm có 53 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ, được mệnh danh là “Vua mìn đèo Hải Vân”. Năm 1971, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 27 tuổi).

“Phan Văn Quý,  đúng là quý thật!”
Lễ trao tặng tượng Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm cho trường THCS Ứng Hòa B. Ảnh NVCC.

Thay vì trưng bày ở bảo tàng, bức tượng Anh hùng Trịnh Tố Tâm được trưng bày ngay tại trường học, giúp các em học sinh tiếp cận được những thông tin lịch sử trực tiếp, thú vị hơn. Các thầy, cô giáo cũng có thể truyền đạt kiến thức đến học sinh một cách trực quan sinh động hơn. Trong buổi lễ trao tặng, nhiều người đã rất xúc động về việc “anh hùng tạc tượng anh hùng”.

Trước đó, Anh hùng Phan Văn Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương cũng đã kết hợp với nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho ra đời một số tác phẩm bằng tượng đồng dành tặng các tên tuổi, như: “Thực địa chiến trường”, phác họa chân dung Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (hiện đang được đặt tại phòng khánh tiết của Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh); “Giữa trọng điểm Seng Phan”, phác họa chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật...

Theo ông Quý, việc điêu khắc tượng không những là tri ân các anh hùng mà còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật được lưu truyền, để giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này hiểu hơn về cội nguồn lịch sử dân tộc và nuôi dưỡng nét đẹp tinh thần Việt Nam.

“Mỗi người một cách nghĩ, một cách làm, các hoạt động xã hội, thiện nguyện mà Phan Văn Quý và đơn vị của mình đã và đang thực hiện vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ, nhưng lại có sức lan tỏa và mang đậm chất nhân văn sâu sắc, vì cộng đồng”. Đó là nhận định của Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam khi nói về hành trình lặng lẽ nhưng không ngừng nghỉ của Anh hùng Phan Văn Quý, “đúng là Quý thật”, như lời nhận xét của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

Kho báu bling bling dưới chân nghệ sĩ trẻ

Kho báu bling bling dưới chân nghệ sĩ trẻ

Baovannghe.vn - Có nhiều nguyên nhân giúp Bắc Bling gây sốt. Trong đó, yếu tố cốt lõi là ca sĩ Hòa Minzy và ekip của mình đã kết hợp thông minh các chất liệu văn hóa dân gian với nghệ thuật hiện đại.
Miễn toàn bộ học phí, thuận lợi và thách thức

Miễn toàn bộ học phí, thuận lợi và thách thức

Baovannghe.vn- Trong phiên họp ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị quyết định, từ năm học 2025-2026 miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên cả nước. Đây là chủ trương lớn của Đảng, mang nhiều ý nghĩa kinh tế và xã hội sâu sắc. Đặc biệt là tạo điều kiện bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi tầng lớp dân cư, bất kể hoàn cảnh kinh tế hay địa vị xã hội.
Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Mùa xuân bất diệt"

Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Mùa xuân bất diệt"

Baovannghe.vn - Chiều 14/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Mùa xuân bất diệt của cố họa sĩ Lê Lam, một trong những đại diện tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện thực cách mạng Việt Nam.
Vườn thiền cổ tích - Chùm thơ của Lê Phương Liên

Vườn thiền cổ tích - Chùm thơ của Lê Phương Liên

Baovannghe.vn - Vườn thiền Thong Dong rất xanh. Bao nhiêu cỏ cây hoa lá. Gió mưa cũng về rất lạ. Nắng vừa buông đã sương đầm.
Cùng Mekong Art trải lòng qua ngôn ngữ hội họa

Cùng Mekong Art trải lòng qua ngôn ngữ hội họa

Baovannghe.vn - 93 tác phẩm của 77 họa sĩ Mekong Art đang sinh sống ở khắp các tỉnh thành phía Nam vừa được giới thiệu đến công chúng tại Hội Mỹ thuật TP HCM.