1. Vừa qua, nhiều tỉnh thành ở nước ta tổ chức hội thảo làm phim dựa trên bối cảnh của địa phương, nơi có những phong cảnh đẹp, chẳng hạn như Phú Yên, Nha Trang, Bình Định… Việc các địa phương và ngành điện ảnh tổ chức hội thảo làm phim, dựa vào phong cảnh, cũng là một điều thú vị và đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức. Về mặt lợi ích, những địa điểm đẹp đó là những lời mời cho những ai có ý tưởng làm phim kết hợp với du lịch, tạo ra những cơ hội quảng bá hoặc nâng cao giá trị của các địa phương qua các bộ phim. Những hội thảo đó cũng kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Họ được khuyến khích để khám phá thiên nhiên và làm việc với những bối cảnh xung quanh.
Việc tổ chức hội thảo một cách chung chung, không có những định hướng cụ thể, đã làm cho các nhà làm phim cảm thấy mông lung. Địa phương nào cũng đẹp, nhưng từng địa phương cần những gì cụ thể, thì không xác định được. Các nghệ sĩ, trong đầu, có thể có nhiều ý tưởng, nhiều kịch bản, nhưng không ai biết, kịch bản nào là trọng tâm, kịch bản nào thứ yếu. Không có mục tiêu cụ thể khiến các nhà làm phim không thể hình dung nội dung kịch bản. Họ gặp khó khăn trong việc tạo ra sản phẩm rõ ràng.
2. Nhìn rộng ra, trên thế giới cũng có nhiều hội thảo tương tự. Nhưng tất cả không tập trung vào các dự án phim điện ảnh. Phần lớn là các dự án làm phim tài liệu, phim truyền hình nhiều tập. Chẳng hạn, ở Mỹ, nhiều dự án làm phim tài liệu hoặc phim nghệ thuật thường ít có sự chuẩn bị kịch bản. Các nhà làm phim thường dựa vào những cảnh quay tự nhiên hoặc, kịch bản có thể thay đổi trong quá trình quay. Cách làm này tập trung khám phá những đặc sắc của bối cảnh thiên nhiên một cách trực tiếp trong phim. Ở Đức, phong cách “cinema verite” (phim sự thật) cũng thường không có kịch bản cố định. Các nhà làm phim thể hiện phản ứng của nhân vật trong các tình huống tự nhiên. Hoặc ở Australia, sự sáng tạo của các nhà làm phim trong công cuộc khám phá bối cảnh được thể hiện ở sự tương tác giữa các nghệ sĩ với địa điểm quay phim.
Tất cả những cách làm trên đòi hỏi những người làm phim phải có kiến thức sâu sắc về thiên nhiên, địa chất, khí hậu, thời tiết và, nhất là khả năng cảm nhận cái đẹp, khả năng đánh thức những cảm xúc thông thường. Những bộ phim này rất được khán giả yêu thích trong các chương trình khám phá thiên nhiên.
3. Việc làm phim như động lực thúc đẩy du lịch không phải lúc nào cũng mang đến một màu hồng. Đối với một số dự án điện ảnh thành công, tạo ra cơn sốt du lịch, chúng ta có thể chứng kiến những ví dụ sinh động như The Lord of the Rings (2001-2003). Bộ phim hấp dẫn không những có cốt truyện hay mà còn nhờ vào những cảnh quay hùng vĩ của New Zealand. Chính quyền nước này đã thúc đẩy ngành du lịch bằng cách xây dựng các tour du lịch để hành khách có thể trải nghiệm các bối cảnh trong phim. Hoặc Mamma Mia (2008) là bộ phim âm nhạc nổi tiếng có nhiều cảnh đẹp được quay ở hòn đảo Skopelos ở Hy Lạp. Bộ phim góp phần đáng kể trong việc quảng bá khách du lịch đến tham quan các bãi biển và các làng chài xinh đẹp. Những bộ phim trên đều có kịch bản trước. Các nhà làm phim chọn bối cảnh quay phim sau.
Nhưng không phải mọi việc đều thành công tốt đẹp. Đơn cử ở Thái Lan, bộ phim The Beach (2000) đã trở thành biểu tượng của ngành du lịch nước này, nhưng lại gây ra nhiều hệ lụy. Đạo diễn Danny Boyle và nhà sản xuất Andrew Macdonald đã mua bản quyền chuyển thể cuốn The Beach (1996) của Alex Garland lên màn ảnh rộng. Sau đó biên kịch John Hodge đã đến Thái Lan để khảo sát địa điểm quay, tiến hành mời tài tử Leonardo DiCaprio đóng chính. DiCaprio nhận cát-xê 20 triệu đô la, và nhân vật được đổi quốc tịch từ Anh sang Mỹ.
Phim có nhiều thay đổi, từ cốt truyện phụ, cái kết (so với tiểu thuyết gốc) và cả bối cảnh. Có một khoảng cách giữa các ngọn núi trên bãi biển thực tế ở Thái Lan. Đội ngũ hiệu ứng đặc biệt đã thêm kỹ thuật số một số ngọn núi xung quanh trong giai đoạn hậu kỳ. Cảnh thác nước, nơi DiCaprio và những người khác nhảy từ một vách đá cao xuống nước bên dưới, được quay tại Công viên quốc gia Khao Yai ở miền trung Thái Lan cùng nhiều thay đổi khác. Phim công chiếu toàn cầu, thu về doanh thu hơn 144 triệu USD, gần gấp 3 số kinh phí bỏ ra.
Nhưng nhiều tranh cãi đã xảy ra trong khi làm phim. Hãng 20th Century Fox san ủi và cải tạo cảnh quan bãi biển tự nhiên của Ko Phi Phi Le để làm cho nó giống thiên đường hơn. Quá trình sản xuất đã thay đổi một số cồn cát và dọn sạch một số cây dừa và cỏ để mở rộng bãi biển. Các nhà bảo vệ môi trường đã kiện vì hệ sinh thái bị phá hỏng và các nỗ lực đền bù, phục hồi không hiệu quả. Năm 2006, Tòa án Tối cao Thái Lan đã duy trì phán quyết của tòa phúc thẩm rằng việc quay phim đã gây hại cho môi trường. Các bị đơn trong vụ kiện bao gồm 20th Century Fox và một số quan chức chính phủ. Lượng khách du lịch đổ về bãi biển tăng mạnh do bộ phim đã gây ra thiệt hại về môi trường cho vịnh và các rạn san hô gần đó, khiến chính quyền Thái Lan phải đóng cửa bãi biển vào năm 2018. Khi tác phẩm được chiếu tại Thái Lan vào năm 2000, một số chính trị gia nước này đã tức giận về cách Thái Lan được mô tả trong phim và kêu gọi cấm bộ phim này. Việc mô tả văn hóa ma túy được cho là đã tạo nên hình ảnh xấu cho Thái Lan và việc đặt một bức tượng Phật trong quán bar được coi là sự xúc phạm.
4. Việc làm phim dựa vào bối cảnh thiên nhiên để thúc đẩy, quảng bá du lịch hoàn toàn không đơn giản. Nhiều bộ phim nước ngoài lấy bối cảnh Việt Nam nhưng hiệu ứng du lịch không hề tăng. Đó là chưa nói đến sự khập khiễng trong quá trình vận hành, dẫn đến việc bộ phim có cấu trúc “đầu Ngô mình Sở”, nhân vật ngớ ngẩn, tình tiết vô lý… Đặc biệt, việc mở hội thảo không quan trọng bằng việc cần có những kế hoạch tiếp theo.
Câu chuyện về bộ phim Perfect Days (2023) kể về cuộc sống đời thường của Hirayama, một người dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng ở Tokyo của đạo diễn Wim Wenders do Nhật Bản và Đức hợp tác sản xuất là một ví dụ thú vị. Đây là bộ phim giành được Giải thưởng của Ban giám khảo và Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kōji Yakusho (LHP Cannes 2023), được đề cử cho Phim truyện quốc tế hay nhất tại Giải Oscar lần thứ 96.
Bộ phim lấy bối cảnh thủ đô Tokyo nhưng đạo diễn không dành nhiều thước phim để miêu tả những phong cảnh độc đáo của thành phố tuyệt vời này. Thay vào đó, ông tập trung kể câu chuyện về một người đàn ông trung niên làm nghề cọ rửa các nhà vệ sinh công cộng của thành phố. Không có những nhân vật nam thanh nữ tú, không có những nhà chọc trời, quán bar hoặc vũ trường... nhân vật chính trong phim là người đàn ông bình thường, làm cái nghề mà thiên hạ coi là mạt hạng. Nhưng diễn viên Yakusho đã thể hiện rất chân thực nhân vật của mình. Cách ông cọ rửa các nhà vệ sinh công cộng vô cùng chu đáo. Ông như ôm lấy bồn cầu, cọ rửa nó như tắm cho đứa con. Trong khi đồng nghiệp trẻ tuổi vừa làm vừa nghe điện thoại. Thậm chí có cảnh, ông dắt tay một cô bé bị lạc ra trả cho mẹ. Bà mẹ trẻ không cảm ơn, còn lấy khăn ướt lau tay cho con vì tay ông vừa cầm tay cô bé. Nhưng ông không một lời chê, không một ánh nhìn buồn, vẫn tiếp tục công việc với lòng tận tụy. Để trang bị thêm đạo cụ cho diễn viên, ngoài chổi, khăn, xô chậu, đạo diễn cho nhân vật một cái máy ảnh cũ. Để ông, lúc rỗi, đưa máy ảnh lên chụp những vòm cây xanh. Khi lên xe đi làm, ông thích nghe những bản nhạc mà ông yêu thời trẻ. Và tối về, ông đọc sách. Người thân trong gia đình, cô em gái, có lần băn khoăn hỏi: ‘’Có phải anh làm nghề cọ toilet không?’’ Ông gật đầu chân thành.
Bộ phim được cả thế giới yêu thích. Nhà phê bình Hsin Wang đã mô tả bộ phim là kiệt tác để đời của Wim Wenders. Nhà báo điện ảnh người Đức Dieter Oßwald đánh giá đây là bộ phim hay nhất trong nhiều năm. Ông khen ngợi bộ phim giống như một tuyên ngôn, chỉ ra một cách nhìn mới mà còn là một cách sống mới. Màn trình diễn của diễn viên Kōji Yakusho đã thu hút sự tán thưởng vì khả năng truyền tải đời sống nội tâm cực kỳ phong phú, gần như hoàn toàn không dựa vào lời thoại.
Hình ảnh trong phim Perfect Days của đạo diễn Wim Wenders. |