Điện chập xoèn xoẹt suốt ngày nhưng cũng chẳng mấy người bận tâm.Tầng một cho thuê cửa hàng. Tầng hai vợ chồng chúng nó ở. Tầng ba, cô cháu gái học năm cuối, mai mốt với kỳ thi đại học tới gần. Vậy là rõ ràng, rành mạch. Không ai xâm phạm biên giới của ai. Chào hỏi tất bật đầu buổi sáng và phờ phạc nhìn lại nhau cuối buổi chiều. Điện thoại từ tầng hai gọi lên tầng bốn, từ tầng ba gọi xuống tầng hai ríu ra ríu rít. Nhiều lúc ông cụ cũng áy náy với kiểu nửa nhà nửa khách sạn ấy. Nhưng chúng nó cũng chẳng có thời gian nghe cụ già lẩm cẩm giãi bày tâm sự.
"Thôi, ông đừng xuống dưới này. Bước những từng ấy bậc cầu thang có mà long chân. Ông cần gì cứ bảo chúng con một tiếng. Tối rảnh, chúng con sẽ lên thăm ông".
"Nhưng mà này."
Ông có nài nỉ thêm dăm câu ba điều nhưng điện thoại đầu dây kia đã dập xuống. Vậy là ông cứ lẩn thẩn đợi cả ngày chờ gặp con. Mãi đến tận mười hai giờ đêm ông vẫn còn sợ chúng nó chuẩn bị gõ cửa vào nên không dám đi ngủ. Thực ra anh con trai và cô con dâu cũng đã quên mất lời hẹn ấy. Tan việc ở công sở, đi ăn nhà mới của cậu bạn cùng cơ quan. Về đến nhà là nằm lăn ra ngủ. Ngủ được là tốt. Còn chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau với rất nhiều lo toan, bận bịu.
Cả nhà có mỗi ông cụ ăn uống điều độ nhất. Bởi ngoài cái việc lo ăn cho đúng bữa hình như chẳng còn gì cho ông phải suy nghĩ. Bữa bữa, con bé giúp việc mang cơm lên cho ông. Hồi đầu ông thấy kỳ kỳ:
"Tôi có phải cán bộ nằm vùng đâu mà phải tiếp tế như vậy. Đợi cả nhà về, có bố có con, có ông có cháu cho vui. Chứ ai lại làm thế".
Anh con trai, ra dáng một người lãnh đạo, quyết định chắc nịch:
"Không có bàn cãi nữa! Con Oanh đi học thêm, tám, chín giờ tối mới về. Vợ chồng con thì cũng thất thường. Lại thêm hội hè tiệc tùng liên miên, chắc gì đã ăn cơm ở nhà. Vậy nên không phải đợi ai cả, ông cứ ăn trước cho chúng con yên tâm".
Không cãi được thật. Ông cụ tự nhủ: "Thành phố nó thế!" Cái tầng tư quá rộng cho những bữa ăn và giấc ngủ. Đủ tầm cao cho ông hàng ngày ngắm nhìn đường phố chi chít người xe cộ nhặng lên trong tiếng động cơ và mùi khói thải. Cửa hàng cửa hiệu đèn xanh đèn đỏ như bát phẩm mầu bị đổ. Không ngày nào không có dăm vụ xô xát xảy ra. Nhưng ở cái tầng tư này, lúc nào ông cũng sẽ được yên ổn.
Con bé giúp việc không bao giờ nói thừa nửa chữ. Lẳng lặng như một cái bóng dọn dẹp hết phòng này sang phòng khác. Mà cũng có ai kiểm tra công việc của nó đâu. Nhưng dường như một thú vui đối với nó vậy. Nhiều lúc gặng hỏi hoặc tìm cách trò chuyện với cô bé con không được, ông đành thở dài. Từ đận ở quê ra, sao ông thấy cái gì cũng lạ. Có hôm mon men đến được cửa phòng của anh con trai, nhìn nó cau có, đăm chiêu phát khổ sở, ông cụ lại len lén quay trở lên. Đi qua phòng cháu gái, nhìn con bé gầy tong teo với đôi kính cận dày cộp trên mặt, cũng lại nhíu mày, bóp trán, ông thoáng xót xa. Nhiều lúc cũng muốn làm được một cái gì đó giúp con, giúp cháu được thư giãn, nhưng suy nghĩ mãi, ông không biết phải làm gì. Có lẽ ông đành chịu mất con mất cháu bởi quỹ thời gian không biên giới ấy chẳng đủ chỗ cho ông.
Đang lúc buồn như trấu cắn, ông chú thất thểu khăn gói dưới quê lên chữa bệnh.
"Uống dăm cái thuốc rồi mà vẫn không đỡ bác ạ. Chẳng ăn được gì sất. Người cứ mệt mệt là. Đành lên đây xem cái thuốc thủ đô nó thế nào".
Lâu lâu mới gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Tự dưng có bầu có bạn để trò chuyện cho khuây khoả. Thôi thì như con trẻ được tấm bánh về chợ. Trên trời, dưới bể, rồi họ hàng làng xã, chẳng còn thiếu chuyện gì. Thời đại công nghiệp, bác sĩ tư đến tận nhà khám bệnh cắt thuốc. Khỏi sợ cái cảnh cơm cặp lồng, giường mang biển, áo ghi tên và mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Đôi bạn già củ rủ cù rù chăm sóc nhau. Lũ con cháu phó mặc, cũng chỉ ngày gọi điện, tối tranh thủ đảo qua, thăm hỏi à uôm mấy câu. Ai đời đau bụng lại vạch lưng lên xem. Khẩu phần ăn được tăng gấp đôi ông chú thắc mắc:
"Thế là khoán gọn à? Bác cũng quen à?"
Chẳng được bao lâu. Ông chú bắt đầu thèm thuốc lào, thèm cơm cà mắm muối. Chép miệng:
"Người thành phố khác người ta quá bác nhỉ. Chứ cái thứ đồ hộp ấy em thấy kinh là. Sống không ra sống, chín không ra chín, bác nhẩy?"
Thơ thẩn nhớ đàn gà đàn lợn dưới quê. Nhớ lũ cháu tròn chắc như củ khoai chạy uỳnh uỳnh suốt ngày quanh mấy cót thóc. Bát đũa chẳng còn cái nào lành lặn. Nhưng tất cả đều thân thuộc, gắn bó máu mủ.
Bệnh tình vừa đỡ, ông chú đã nhanh nhẩu thu gom đồ đạc, miệng hát i ới.
"Em phải về bác ạ. Chứ ở đây em thấy nó thế nào ấy. Bác thì đã quen, nhưng em thì chịu!"
"Đã mất công lên đây rồi, cố mà chữa cho dứt bệnh. Chứ không về nhà, ốm lăn ra lại chẳng quá tội hơn".
"Đành rằng đúng như thế. Nhưng ruột gan em cứ như dội nước sôi ấy".
Vậy là mất bạn. Ông cụ thơ thẩn vào ra. Vừa bật vô tuyến, vừa mở đài cũng chẳng xoá nổi cảm giác hiu quạnh. Bỗng dưng giận con, cắt ngoét cái dây điện thoại. Ông con chập tối hớt hải chạy lên với dăm cân hoa quả:
"Ông làm con hết hồn. Cứ sợ ông bị làm sao”.
Ông cụ thủng thẳng:
"Tôi chả làm sao. Bây giờ có việc gì anh lên tôi hoặc tôi xuống anh. Bỏ cái đồ ấy đi. Tôi dùng không quen. Chứ không có khi tôi bị làm sao thật mới có cơ trông thấy mặt anh"
Rân rấn nước mắt, bỏ lên giường nằm. Anh con trai lẳng lặng nối lại dây điện thoại rồi trở xuống nhà dưới.
Bỗng dưng ông cụ có những thói quen kỳ lạ: Ngồi hàng tiếng trong toa-lét để đánh cờ một mình. Ăn cơm thì tãi đầy ra đĩa rồi bê ra sát mép ban công, nhẩn nha gẩy từng hột vào miệng. Con bé giúp việc tranh thủ ngồi đánh một giấc rõ say. Chẳng ai nói với ai. Thành thử trong nhà lúc nào cũng chỉ có hai cái bóng lặng lẽ, im lìm.
Đột nhiên ông cụ bỏ nhà đi. Con bé con buổi sáng mang bữa lên không thấy ngỡ cụ chỉ dạo quanh quẩn dưới đường. Nhưng hết buổi sáng, đến bữa trưa vẫn không thấy cụ đâu. Nó lật đật tìm số điện thoại nơi làm việc của anh con trai, hốt hoảng báo tin.
"Chắc ông đến nhà bạn bè rồi dùng bữa luôn. Cháu cứ ăn cơm đi".
Con bé yên tâm đành chén gọn hai suất và đi ngủ. Chiều vẫn không thấy ông về. Tìm hết nhà họ hàng, người quen và dưới quê. Suốt đêm cả nhà thấp thỏm. Bật điện lên phòng ông thấy cả một tủ hoa quả đầy chặt đã bắt đầu ủng, rơi bét ra cả nền nhà. Quắc mắt quát:
"Mày chăm ông thế này đấy hả? Có mỗi cái việc cho ông ăn cũng không biết đường mà làm".
Con bé thút thít khóc chẳng biết thanh minh thế nào. Dù sao ông cũng đã bỏ đi với bất kỳ lý do nào. Sáng sớm hôm sau, cả nhà chia nhau mỗi người một hướng đi tìm. Cũng may là chủ nhật. Con cháu càu nhàu.
"Con thấy ông thế nào ấy. Khó gần lắm. Có khi để ông về quê lại hơn. Chứ bắt tội nhau thế để làm gì. Con mà không có bạn bè chơi với chắc cũng khùng thôi".
Không ai còn lòng dạ để bàn ra tính vào nữa. Nhiệm vụ số một tìm được ông! Chẳng lẽ phải báo lên vô tuyến, họ hàng biết được lại có cớ để nói bóng nói gió. Mà chăm sóc ông cũng chỉ được đến thế, ông còn đòi hỏi gì hơn! Chồng truy vợ, mẹ truy con. Mọi người nhìn nhau bằng con mắt hình sự.
Giữa lúc cả nhà tuyệt vọng nhất thì ông về, mặt bình thản, không nói năng gì. Tay phải cầm một túi dù cũ kỹ. Ông đi thẳng cầu thang lên gác. Cả nhà ngơ ngẩn ngồi nhìn. Anh con trai bị ức chế, mặt đỏ gay, chạy đuổi theo.
"Con muốn hỏi, tại sao ông lại làm thế. Ông coi vợ chồng con còn ra cái gì nữa. Tự nhiên đùng đùng bỏ đi làm chúng con mất ăn mất ngủ. Ông đi đâu thì đi, cũng phải nói với chúng con một tiếng chứ. Thật chẳng ra thể thống gì!”
Ông ngồi lên cái sập gụ, chậm rãi pha chè, chắt một ít ra cái chén hạt mít rồi đưa lên miệng nhấp nhấp. Đoạn ông đặt cộp cái chén xuống quát gằn giọng:
- "Anh Cả!"
Chưa bao giờ ông cụ tức giận như thế. Bàn tay bám vào bàn run lên. Hai con ngươi mắt dấp dính nước.
"Tôi có phải là bố anh không, hả anh cả?"
Anh con trai nhũn như con chi chi, lắp bắp:
"Sao bỗng dưng bố lại hỏi thế ạ?"
“Anh hỗn! Tôi đang hỏi anh kia mà. Nằm lên giường!” "Nhưng...”
"Anh có biết đây là cái gì không?”
Anh con trai run rẩy nhìn theo tay ông cụ. Chiếc túi vải cũ kỹ được mở ra. Bên trong là một chiếc roi mây được bện một cách chắc chắn.
"Đúng, nó là một cái roi. Từ ngày hôm qua đến mãi sáng nay tôi mới tìm được nó để cho anh. Khi anh lớn, tôi chưa từng đánh anh. Vì thế tôi làm hư anh. Bây giờ có thể là quá muộn, nhưng vẫn còn hơn không. Anh nằm lên giường đi!"
Hai mẹ con sốt ruột đợi ở nhà dưới, không hiểu có chuyện gì xảy ra. Đến lúc nghe thấy tiếng roi quất vun vút thì tái mặt nhìn nhau rồi hối hả chạy lên. Một cảnh tượng thật chưa từng có: Anh con trai nằm úp bụng trên giường. Vệt roi quất hằn đỏ sau lưng. Ông cụ ngồi cạnh bàn nước, mặt nhợt nhạt. Chiếc roi mây quẳng giữa sàn.
Tầng một cho thuê cửa hàng. Tầng hai vợ chồng anh cả ở. Tầng ba, con cháu gái ôn thi đại học. Tầng bốn để không, đầy bụi và gió.
Từ ngày ông cụ bỏ về quê, con bé giúp việc đâm buồn. Thỉnh thoảng nó vẫn lên phòng của ông, lau chùi đồ đạc và trông xuống phố. Nhà ở mà im lìm như khách sạn vắng người.
Con cháu gái đã ra dáng thiếu nữ. Nhưng chẳng mấy lúc mẹ con trò chuyện được với nhau.
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn Internet |