Sáng tác

Phu đàn Nam Giao. Truyện ngắn của Trần Thu Hằng

Trần Thu Hằng
Truyện
11:30 | 08/09/2024
Baovannghe.vn - "Chiều chiều trước bên Văn Lâu Ai ngồi ai câu...” Con đò tối bưng, chật chội. Lão không sao nhìn rõ mặt người đàn bà ấy, nhưng nghe được giọng
aa
Phu đàn Nam Giao - truyện ngắn của Trần Thu Hằng
Phu đàn Nam Giao - truyện ngắn của Trần Thu Hằng

I.

Hơn bốn mươi năm qua, Hữu Tri không còn nhớ cái ngày được tiến cử vào hoàng cung, tưởng không bao giờ lão nhớ cái ngày một bàn tay lạnh buốt đã chạm vào cơ thể mình như thế nào. Nhưng đúng là bàn tay ấy đã dẫn Hữu Tri đi trong suốt bốn mươi năm qua, lúc nào cũng làm cho lão ớn lạnh và sợ sệt. Lão ớn lạnh, ruột đau xót trong khi ăn, khi ngủ, và cả khi cầm cây chổi cán dài đi trong rừng thông dưới chân Đà Tế. Lão quét lá và trông coi cây cối suốt bốn mươi năm qua. Lâu thật nhưng lão không kịp nhận ra. Mỗi sáng, mỗi chiều lão quét lá thông như những người phu khác. Tháng hai, lại chuẩn bị đón nhà vua đến làm lễ tế. Mười mấy năm gần đây, mỗi ba năm lão mới được thấy thuyền vua ghé đến Dương Xuân. Lão thuộc lòng từng gốc cây, từng viên đá một. Thế mà từ bây giờ, lão không còn được thấy chúng nữa.

Viên hoàng thân trông coi phu tế đã đến. Lại một người mới, dáng cao gày, mặt nhọn, những ngón tay rất dài. Cứ vài ba năm, đám phu lại gặp một vị chấp sự mới, họ chẳng bao giờ bằng lòng với đám phu lưng dài vai rộng mà chỉ biết quét lá, tỉa cây này. Viên hoàng thân tự tay lục soát tay nải của lão, trước khi cho lão đi. Khi mệ quay ra và giơ tay làm một cử chỉ kiêu sa, chạm vào ngực Hữu Tri, lão chợt run bắn mình, mặt tái nhọt đi và lắp bắp :

- Lạy Mệ, tấm thân trong sạch không có một tì vết nào đâu ạ!

Lúc này, lão chợt thoảng nhớ ngày được đưa vào hoàng cung và nằm lặng chờ bàn tay lạnh buốt khi chạm lên thân thể mình.

Viên hoàng thân mỉm cười, đôi mắt có vằn hơi tối lại. Đôi môi Mệ trễ xuống, vẻ vui thích. Rồi Mệ bảo:

- Lấy tiền cho hắn. Nề, sướng nhé! Hoàng thượng cấp cho lão hẳn hai chục quan tiền...

Hai chục quan tiền! Lão quỳ sụp xuống, hai tay giơ quá đầu nhận lấy khay tiền, lần đầu tiên trong đời cảm thấy sức nặng của đồng tiền trĩu lên mình. Cái vạt áo dài bằng nhiễu trước mặt lão súng sính, quết bụi lấm tấm. Thế là lão lại nhớ đến cái ngày tiến cung, cách đây hơn bốn mươi năm...

- Lão sướng nhé! Có hơn hẳn lúc lão bán mình không? Bao nhiêu nào?

- Kính Mệ! Hai quan ạ.

Mệ chợt cười vang. Ngửa đầu nhìn lên ngọn thông mà cười vang. "Kha... Kha.... khaaa... Hai quan à?" Cổ Mệ đỏ tía lên. Có ai đưa cho lão tay nải và cái nón mê lão vẫn đội dưới nắng hè, đẩy lão đi. Hai mươi bốn người phu tế đứng rải rác dưới những gốc thông kín đáo vái chào lão. Không biết sau lượt lão, ai là người sẽ đi khỏi rừng này.

Lão đi, là lão chết. Ai cũng bảo thế. Lão cũng nghĩ thế. Vì suốt cả đời, lão quanh quẩn ở đây, quét lá chăm cây không dám rời một bước. Mùa xuân cho chí mùa đông, hết hạ chí rồi đông chí, lão chỉ biết đi vào rừng thông rồi lại về khu nhà ẩn dưới chân đồi. Nhưng bây giờ, khớp xương trong người lão long ra. Những bước chân rệu rã, chậm chạp...

Nhưng dù sao, Hữu Tri còn có tiền trong túi. Vua ban cho lão hai chục quan tiền, để chấm dứt cuộc đời làm phu làm tế. Trước đây, phu đàn Nam Giao chỉ có chết đi, chứ không ai bị đuổi như lão. Lão còn nhớ rất kĩ, cha mẹ lão bán lão cho một vị quan, chỉ được hai quan tiền. Vị quan ấy nhắc đi nhắc lại cho lão nghe, đến lúc lão biết nghe lời... Ngày ấy lão mới mười bảy tuổi, và đã không chết mặc dù máu chảy suốt mấy ngày liền. Máu chảy ra từ trong người lão, ấy là lão đã được đổi kiếp. Cái tên Hữu Tri có từ khi ấy, do quan nội thị trong triều đặt cho. Lão vĩnh viễn từ bỏ cái tên Rau thiếu thời của mình. Nhưng có một điều vị quan không ngờ đến được đó là Hữu Tri không được hầu cận nhà vua mà lại bị đưa xuống làng Dương Xuân, làm phu đàn tế.

Một năm sau, đức Thế tổ băng hà. Thế là lão ở lại đàn tế cho đến giờ.

Hữu Tri ra bến sông. Những con đò bé tí phơi mình bên bờ cạn, chẳng ai qua sông giữa trưa thế này. Người lái đò ngồi trong chỗ vắng. Nếu ông ta không lên tiếng, có lẽ Hữu Tri nghĩ đó là một con bù nhìn vô dụng, bị cất vào đây.

- Lão già! Lão đi đâu đây?

Lão dừng lại, môi mấp máy, hình như ở đâu đó trên dòng sông, mẹ lão đã đẻ ra lão, cũng ở một con đò những con đò này. Quen được nhìn bầu trời cao rộng trên ngàn thông, và Giao Đàn sừng sững trơ cùng tuế nguyệt, lão bỗng hãi sợ khi phải ngồi vào lòng đò lấp rấp bùn đất. Ông lái đò chống sào xuống, cố sức quay mũi con đò, chèo đi hối hả. Đến nỗi Hữu Tri ngạc nhiên vì sao ông ta vội thế. Lão cảm thấy choáng váng hết mặt mày.

- Lão đi đâu? Lão nói đi!

Ông lái đò quát lên, giọng hỗn xược. Hữu Tri đánh rơi cái nón mê xuống sông, nước cuốn băng đi. Mắt lão mờ nhòa, xót gắt lên. Giao Đàn vẫn nổi trên gò đất cao như áng rùa thần. Cổ họng lão đã ứ đầy tiếng khóc, không sao ngăn được nữa. Nhưng lão chẳng buồn lau nước mắt.

- Tội nghiệp! Loan lạc đến nơi rồi. Tuổi già đến là khổ.

II.

Câu nói ấy thoảng qua trong lúc gió trên không trung xiết mạnh như một cơn giận dữ. Tiếng nước chảy không dứt. Nhưng Hữu Tri đã không khóc khi chiều hôm sau, ở mé chợ Đông Ba, lão bị giật mất tay nải trong đó có hai chục quan tiền. Lão cũng chẳng thể nào chết được, vì không sao bắt mình trầm xuống dòng sông tanh tanh mùi đất này. Cha mẹ lão đã đẻ ra lão trên mặt sông, và chắc đã khấn với thủy thần chẳng để cho lão chết. Mấy ngày liền, nhìn vạn đò đen rầm như mắc cửi, lại thấy những con thuyền lớn ghé vào tận thành nội, lão mới biết là lão chẳng chết được yên lành như những người phu tế được vùi vào đất sâu dưới gốc thông già. Xé rách bộ quần áo trên người, lão theo bọn hành khất chầu chực ở bến sông, chờ đò chở hàng đi qua.

Chỉ có mấy ngày mà thân lão quắt lại, những tướng tốt trên người sau bốn mươi năm nay chẳng còn gì, lại chảy ra như cây nến sáp. Lão đã soi mình xuống nước và nhận ra như thế. Lão âm thầm nhìn lên những gương mặt khác, chỉ thấy tối sầm một cảm giác hoảng loạn. Hình như tất cả mọi người đều bị đuổi khỏi chốn dung thân, giống như lão vậy. Ngày chẳng còn là ngày, đêm chẳng còn là đêm nữa.

Chẳng được vài ngày sau, mưa đổ xuống đất Thuận Hóa, ban đầu, còn nhè nhẹ, rụt rè, sau tràn xuống dữ dội, thừa thãi. Dòng sông Hương Uyển duềnh lên trắng xóa, phình rộng ra khiến vạn đò loãng ra như thứ canh lão được ăn trong bốn mươi năm qua. Bắt đầu mùa mưa, làng Dương Xuân bắt đầu đỏ ngầu và lá rụng đầy mặt đất. Những tấm lụa xanh trên Viên Đàn, tầng cao nhất những lụa vàng ở Phương Đàn được gỡ đi. Đèn chiếu nơi đàn hạ tắt ngấm. Chẳng có ai lai vãng ở những bậc thềm đàn Nam Giao cho đến mùa xuân. Một âm thanh gió sẽ tràn ngập quanh Giao Đàn, như hơn bốn mươi mùa mưa qua.

Lão chui vào một cái chỗ rách nát bên sông. Ngồi suốt ngày ở đó, nhìn người qua lại trong những bộ áo tơi kín mít. Lão biết mình không thể lao ra ngoài trời như bọn họ, lão sẽ đói lả dần và không còn tiếp tục phải cảm thấy cơ thể mình phân rã ra.

Trong khoảng thời gian lê thê, vô hồn ấy, mắt lão nhắm lại và lão nghe trong trời đất một tiếng nhạc quen thuộc tuy gió sụt sùi làm vỡ bong bóng nước dưới chân. Tiếng nhạc đã vang lên một đêm nào đó trong hơn bốn mươi năm qua rồi sao? Hữu Tri cảm thấy mình chẳng còn chờ đợi được nữa. Hơn bốn mươi năm, lão không biết mình chờ đợi gì. Huống chi là khoảnh khắc này. Huống chi là lão bây giờ...

Nhưng kìa, một con đò lạc lõng đi qua sông, chẳng vội vã, chẳng hốt hoảng, lờ đờ như chiếc lá ướt đẫm trong vũng nước. Tuy mưa giăng đầy mặt sông, lão vẫn thấy lờ mờ ánh đèn, một tiếng hát vật vờ bay trong không trung. Lão lê bằng cả hai chân và hai tay ra ngoài. Không còn biết bây giờ là đêm hay là ngày, nhưng chắc chắn, lão vẫn còn sống.

Hữu Tri cứ tưởng tiếng gọi của lão đến được con đò khách. Nhưng thật ra, đó cách bờ rất xa và cứ xa mãi. Tiếng hát cũng dần xa mãi, nghe chẳng ra lời.

- Đò ơi!

Lão cứ cố gọi, nhoai mình ra giữa dòng sông.

Không biết vì sao, có lẽ phép lạ lại diễn ra một lần nữa trong đời lão song không phải là sự đổi kiếp. Lão được vớt lên con đò, mà ngay cả lúc mê cho đến lúc tỉnh dậy, tiếng hát nghiêm cẩn, tái tê của người đàn bà ngồi bên mép chiếu vẫn vang lên nhập vào tiếng phách đàn rời từng tiếng một:

"Chiều chiều trước bên Văn Lâu

Ai ngồi ai câu...”

Con đò tối bưng, chật chội. Lão không sao nhìn rõ mặt người đàn bà ấy, nhưng mà nghe giọng hát thì có lẽ đã qua thời xuân sắc từ lâu. Ba bốn người đàn ông áo lương dài, khăn đóng ngồi ôm cằm, bó gối xung quanh, bên cạnh là những cái li rỗng không. Lão được đặt ngồi sau lưng họ, dựa vào tấm lưng như gốc cụ của cây thông bị mài mòn nhiều năm gỗ lên sần sùi mà không bao giờ trổ được cành mới. Những đôi guốc mòn vẹt xếp ngay ngắn ngoài khoang, ướt đẫm. Và người lái đò, trùm áo tơi ngồi quay lưng về phía khoang đò dáng hình cộm lên trong mưa.

Lão ngồi nghe tiếng hát giống như bốn mươi năm trước giấu mình trên chạc cây nhìn con thuyền từ ngoài sông tiến về phía Giao Đàn, nghe tiếng hát cao với tới trời không còn biết sự. Đêm ấy, vua ngự ở Tả cung chuẩn bị ngày hôm sau làm lễ tế. Và đoàn tiên nữ trên con thuyền rồng huy hoàng xuất hiện, múa hát ngay dưới những gốc thông non, giống như truyền thuyết từ đời vua Đường Minh Hoàng vậy. Lão không nghe rõ họ hát những gì song sau đó, khi huyền thoại nhà vua trai giới gặp tiên lan truyền khắp nơi, sử quan trong triều đã viết lại bài hát ấy:

Phiêu phiêu vạn lí giá tường yên

Tần tốc khinh trì bộ bộ tiền

Yểm ái vân phi dao túc địa

Du quan phong sâu quá xung thiên

Tòng Kim lưu hoán sơn hà đới

Khuế đạp yêu ma Thái họa biên

Lai tịch tịch, khứ phiêu phiêu

Thế giới sa hà tiếu ngạo diêu

Hoa thường hảo, nguyệt thường chiêu

Nhân tại càn khôn đệ nhất tiêu...”(1)

Bài hát dứt. Trong phút chốc, đoàn tiên nữ biến mất. Ánh sáng tắt đi. Chỉ còn những ngôi sao le lói qua những tầng lá mỏng, như thể tất cả vẻ đẹp rực rỡ đã bay về trời. Nhưng bài hát ấy vẫn còn ở lại, để ngợi ca những vị Thế tổ những ngày cuối cùng ở dương thế. Bởi vì đến tháng chạp năm đó, đức hoàng thượng băng hà.

Ca nữ rướn ngực lên, dưới ánh đèn vàng vọt trong khoang, tấm áo nhung đen phập phồng. Chỉ có thế thôi, và giọng hát tiêu tao, đầy tiếc nuối:

"Thuyền ai... thấp thoáng... bên sông"

Hữu Tri cho tay vào ngực áo, run run lấy ra một vật, song giữ chặt trong lòng bàn tay. Cái vật ấy, lão đã giữ suốt hơn bốn mươi năm qua. Chẳng phải là nó vẫn nằm giữa những ngón tay run rẩy của lão sao? Lão xòe tay ra cái vật lấp lánh ấy tóe lên một thứ ánh sáng ma quái.

- Chiến tranh đấy. Quân Phú lang sa đấy.

Tiếng khàn khàn rầu rĩ của một văn nhân cất lên.

- Chẳng phải, chớp hiện trên trời đấy!

Giữa tiếng thì thào sợ sệt bỗng tiếng "Ôi! " âm thầm vang lên làm tiếng phách ngừng bặt. Tiếng mưa gió đập lên mui đò nghe rõ mồn một.

- Tài nữ làm sao thế?

Lại tiếng khàn khàn không còn sinh khí khiến Hữu Tri ngẩng lên nhìn một ngón tay gầy guộc lộ khỏi tay áo nhung hẹp đang chỉ về phía lão, hay đúng hơn là về hướng bàn tay lão đang xòe ra một cách ngu ngốc.

- Này, lão ăn mày. Lão ăn cắp vật báu này ở đâu?

Một văn nhân xoay hẳn mình sang, hỏi lão. Lão co tay lại, nói giọng phều phào nhưng không run sợ một mảy may:

- Cho ta ở lại đây một đêm với mụ. Ta sẽ cho mụ...

Mắt lão cũng tóe lên tia nhìn ma quái, không khác gì vật đang nằm trong tay lão. Người đàn bà kêu "Ối!" một tiếng, như bị bóp cổ. Tiếng thổn thức trong bóng tối chuyển thành tiếng khóc không thể cưỡng lại, không cất được nên lời. Hữu Tri tưởng đám văn nhân sẽ nổi giận đùng đùng, và khoang đò vỡ ra không phương cứu vãn. Lão nín thở chờ đợi. Nhưng bọn họ lặng câm, giương mắt nhìn tên hành khất già bẩn thỉu nửa nằm nửa ngồi cùng một tấm chiếu dài với mình. Tiếng khóc đã trở thành tiếng khóc rũ rượi, khiến Hữu Tri chán chường tột đỉnh. Thế mà hết đêm ấy, lão mới rời con đò khách, bước lên bờ sau một đêm lênh đênh cùng mưa gió.

III.

Hữu Tri đi như chạy trong rừng thông. Mưa sầm sập, đất nhão nhoẹt dưới chân lão. Chân lão dẫm lên cái lá nào là nát bét cái lá ấy. Lão cuồng lên vì thấy lớp lá nửa xanh nửa vàng vướng lại trong dòng nước bẩn. Ước gì lão có được một cây chổi trong tay... Ước gì lão có thể bỏ lên những bậc thềm đàn hạ, nằm áp mặt vào những viên đá mát lạnh, nơi bước chân vua đã đặt lên.

Bốn mươi năm qua, lão đã được thấy biết bao lần vua bước lên đàn hạ, rồi đàn trung (Phương Đàn), đàn thượng (Viên Đàn) Tế thần, quan tướng quỳ mọp xuống, úp mặt xuống những dấu chân của vua. Gia Long, rồi Minh Mệnh Thiệu Trị, Tự Đức và những đế hệ sau... Nhưng chỉ có một con người mặc áo long cổn màu thanh thiên, nổi bật trên đỉnh Viên Đàn chăng đầy gấm xanh là hiện hữu. Tiếng vua vang vang khắp trời đất, chỉ là tiếng vang, bởi Hữu Tri không thể nghe rõ và không thể hiểu... Đối với lão, chỉ có một màu xanh bất tử ngự trị trên giao đàn đó là bóng thông mát rượi, bình yên.

IV.

Đò đi qua Thiên Thọ lăng(2), người đàn bà thắp ba nén hương trong khoang đò vắng, kính cẩn hướng ra ngoài trời mưa sùi sụt. Gương mặt vẫn lẩn trong bóng tối, chỉ có tấm áo nhung đen bắt ánh sáng, óng ánh không dứt.

- Tiên đế ơi! Thiếp đã tìm thấy chiếc trâm vàng người ban cho thiếp nhưng vì sao lại là đàn tế Giao? Bốn mươi năm qua thiếp đã bao lần ngồi đò qua bến Dương Xuân, mà sao không thể nhận ra nơi ấy? Đúng là thiếp đã đánh rơi nó ở đàn tế Giao. Nhưng nó chẳng bao giờ thuộc về thiếp cả. Vì bốn mươi năm trước, lần đầu tiên mang nó thiếp đã đánh mất, và đã đánh mất cả lòng yêu Tiên đế dành cho thiếp. Còn bây giờ, nó đang nằm dưới đáy sông này. Giờ đây, Tiên đế đã ở trên trời cao rồi. Chỉ có thiếp và cái vật trang sức tầm thường kia là muôn đời bị vùi chôn cùng với cỏ nội hoa hèn. Bốn mươi năm thiếp không được nhìn thấy mặt người. Và mãi mãi, sẽ không bao giờ còn gặp Tiên đế nữa. Nhưng xin người yên tâm. Ngoài thiếp ra, chẳng ai biết câu chuyện giữa người và thiếp cả. Trên trời kia chẳng ai biết câu chuyện giữa người với thiếp...

Chú thích:

(1) dịch: Phơi phới muôn dặm cưỡi mây lành

Bước bước trước đuổi đi mau chóng nhẹ nhàng

Chập chờn bay trên mây rút đất ngắn lại

Chỗ chơi gió lộng tung qua trời

Từ nay soi mãi trên dải non sông

Xua đuổi yêu ma về núi Thái Họa

Lúc đến lặng lẽ, lúc đi phơi phới

Sao bà thế giới cời cợt tiêu dao

Hoa thường đẹp, trăng thường tỏ

Người ở tầng thứ nhất trong trời đất

(trích của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề)

(2) Thiên Thọ lăng: Lăng của Gia Long hoàng đế

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Cây gạo ở chợ chiều - Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào
Văn nghệ Trẻ, số 11/1997
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.