Sáng tác

Mối tình đầu. Truyện ngắn của tác giả Trần Thu Hằng

Trần Thu Hằng
Truyện
08:00 | 14/08/2024
Baovannghe.vn - Tôi không định viết cái Ác, cũng không chủ ý viết cái Thiện. Câu chuyện đến với tôi trong thời khắc đặc biệt, khi câu hỏi về lương tâm con người day dứt tôi
aa
Mối tình đầu. Truyện ngắn của tác giả Trần Thu Hằng
Mối tình đầu - truyện ngắn của Trần Thu Hằng

Vào một buổi trưa nắng gắt, tiếng mìn phá đá vang lên làm rung triền đá lỏng lẻo bên hồ nước xanh, có một đôi tình nhân bỏ học trốn vào rừng cây tràm tránh nắng, và tránh những con mắt tò mò. Cô gái nằm trên lá, mở mắt nhìn những đốm trời xanh ngắt, và gió lay động xôn xao, bụi phấn hoa phủ vàng đôi mắt cô. Nắng màu xanh... Chàng trai tên Nhân, hình như vừa phải trải qua một cơn xúc động, đang nằm úp mặt trên ngực cô gái, những ngón tay lùa vào lá khô, vào mái tóc dày của người yêu. Làn môi tái nhợt bị cắn rách của cô thoáng run, thoáng cười. Không hiểu sao, cô đã nghe những lời khản đặc của chàng trai:

- Kiên chết trên tay anh. Máu nó phun vào tóc anh. Hạnh ơi! Nó chỉ kịp nói: "Đừng nói cho mẹ tao biết là tao ăn cắp..."

Hạnh lặng yên đặt tay lên lưng áo đẫm mồ hôi của Nhân. Cô đang nằm trên mặt đất chói gắt những nhịp rung của tiếng mìn phá đá.

- Mẹ nó lòa, cho nên không nhìn thấy nét mặt của nó lúc nó chết. Hạnh ơi! Em có biết không! Một cái mặt đen bầm, méo mó như con thú mắc bẫy. Hai mắt nó không sao nhắm lại được. Mẹ nó vẫn luôn tin nó bị cảm mà chết.

- Nhưng anh Kiên đã chết vì cái gì?

Hạnh giơ tay ôm đầu Nhân, định ngồi dậy, nhưng Nhân giữ chặt bả vai của Hạnh ghì xuống, mái tóc rễ tre tua tủa của anh rợp lên khuôn mặt thanh tân của cô gái.

- Nó chết... vì đánh nhau, thanh toán lẫn nhau giữa các bè đảng sinh viên... Nhân hụt hơi, không nói được nữa, đôi vai rung bần bật.

- Anh Nhân, anh... Hạnh cuống quýt, một lần nữa muốn ngồi lên. Song Nhân như một tảng đá chết đè lên người Hạnh, toàn thân co rút lại giữa tấm áo đẫm ướt.

- Vì sao nó có thể chết... Nó chết trước mặt anh, trong tay anh.

- Ai đã giết anh ấy? - Hạnh quằn người vì đau, nước mắt trào lên.

Nhân bật ngửa người lên, đầu đập vào gốc cây gãy đang rướm nhựa, làm rơi túm dây lục buộc tóc của Hạnh. Hạnh quỳ lên, bám vào cánh tay Nhân.

- Anh, em xin lỗi...

Nhân lắc đầu:

- Nhiều đứa lắm! Nhưng anh nhớ hết gương mặt của tất cả... Anh đã thề phải trả thù cho Kiên... Nhưng đã năm năm rồi, anh chưa làm được gì cả... Chưa làm được gì cả...

Hạnh:

- Anh chưa bao giờ như thế này cả, anh Nhân...

Nhân nhìn vào mắt Hạnh, ngây dại. Chạm phải tròng mắt rưng rưng của người yêu, Nhân rũ người xuống. Anh nói: "Suốt năm năm, không đêm nào anh ngủ được. Kiên là bạn thân của anh. Lúc đưa xác nó đi rồi, mẹ nó hốt hoảng gọi anh là Kiên... Kiên - Nhân - Nhân - Kiên... May mà anh đã có em, không thì... Đôi đồng tử màu nâu chói sáng những giọt nước mắt của Nhân.

Hai người ôm chầm lấy nhau, lặng lẽ kết thành một giữa những bóng nắng đỏ vàng rừng cây nhiệt đới. Mìn phá đá vẫn đều đều vọng đến khiến đất trời tách nhau ra từng mảng xung quanh họ. Hạnh cảm thấy bàn tay Nhân đang run rẩy bám vào con tim thơ trẻ của cô.

- Em yêu anh. Em sẽ làm tất cả để anh được hạnh phúc...

Nhân cùng cực lắc đầu. Bởi chính câu nói của chính mình, bởi cái lắc đầu chán nản tuyệt vọng ấy làm Hạnh cảm thấy mình vụt lớn lên. Cô ngồi yên trong vòng tay anh, lắng nghe nhịp tim đập thình thịch trong ngực Nhân, lắng nghe cơn run rẩy nhè nhẹ, thỉnh thoảng cựa dậy giữa hai bờ vai to lớn và giữa hai đùi khỏe mạnh của anh. Họ ngồi như thế, quên những cơn gió rung giật cây trong buổi chiều rộng hút, ném xuống những mảng trời tối sẫm. Tiếng mìn phá đá đã ngưng bên kia mặt hồ rộng và những mỏm đá cụt. Những vết rạn vỡ của trời đất được quét lên một quầng sáng cuối cùng của ngày. Rừng cây yên lặng mê mải, chỉ trừng trừng con mắt của Nhân.

Trăng lên, quyến rũ. Đôi mắt Nhân vẫn chưa nguôi đi cơn hoảng loạn. Hạnh cảm thấy gió lạnh xuyên qua bàn tay Nhân, anh run lên.

- Về đi em!

Bỗng có tiếng nói xa lạ, thoảng qua trên đầu Hạnh nhưng cô phải nhớ suốt đời.

- Ngồi im. Đứng dậy là chết!

Hạnh nắm chặt lấy bàn tay Nhân. Anh vùng đứng lên.

- Anh...

Ánh đèn pin vung lên một đường tròn, lóa sáng dưới ánh trăng. Có một bàn tay thô bạo xé toạc ngực áo của Hạnh.

- Chạy đi em!

- Anh Nhân!

Hạnh thét lên. Bốn năm sau đó, cô không hề gặp lại Nhân.

*

Trong bốn năm đó, Hạnh đã làm tất cả những gì con người cần phải làm. Cô vốn là con gái của một ông giáo về hưu, mà quê hương ở rất xa. Cô đã vượt gần hai ngàn kilomet để đi học đại học, một thân một mình với trái tim bé bỏng trong lồng ngực. Đêm hôm đó, trái tim dường như ngừng đập bên lối mòn rừng. Một người thợ đập đá đi qua rừng cây đó thật sớm, chiếc xe đạp màu đỏ của anh ta chở theo sau chiếc búa đập đá to cộ. Chính anh ta đã nhìn thấy Hạnh, thân thể rách toang lõa lồ nằm trên lá đẫm sương. Trước cảnh tượng ấy, anh ta không hề xót thương, không hề động lòng trắc ẩn. Một cái chết quá bi thảm cũng khiến người ta không thể xúc động. Song anh ta ngần ngại dừng xe lại, đẩy nó nằm ngang ra, bước đến gần cô.

Hạnh không còn thở nữa, tóc bết sương, gương mặt như một mảnh sứ vỡ bị chà xát sứt sẹo. Người thợ đập đá không thể ghé tai xem tim cô gái còn đập hay không, anh bế cô lên, như bế một đứa trẻ bị chết đuối, đi xuyên rừng và thả cô xuống hồ nước lạnh buốt màu xanh. Cô từ từ trôi, mặc dù hồ không có sóng, từ từ chìm xuống. Nhưng anh thợ đập đá thoáng thấy cơ thể ấy vặn vẹo, anh vội vã băng xuống nước, mặc dù hồ rất sâu, để cứu cô.

Người thợ đã đưa cô vào lán trại ở vùng khai thác đá. Những người thợ khác, đa số là đàn ông, tìm cách cứu chữa cho cô. Họ cho biết, cách đây chừng nửa năm, tức là hè năm học trước, đã có một nữ sinh viên bị hãm hiếp dã man trong rừng cây mà cô và Nhân thường ngồi. Nghe đâu cô gái đã nhảy xuống hồ chết vì quá tủi nhục. Họ ngỏ lời giúp Hạnh về quê, nếu cô muốn. Nhưng cô trả lời là không thể được.

Người chỉ huy công trường, sau khi biết một nữ sinh viên gặp nạn không thể về quê hoặc đi đâu được nữa, đã đưa cô về dạy học cho con của những người làm đá. Ngày ngày, bên Hạnh vẫn vang lên tiếng mìn phá đá, tiếng cần trục rít lên giữa không trung. Trong bốn năm đó, cô vẫn sống gần rừng cây thơ mộng và chết chóc kia, rất gần, rất gần, nhưng không một lần nào quay trở lại...

Suốt bốn năm đó, cô không hề gặp lại Nhân.

Người thợ đập đá có chiếc búa lớn và chiếc xe đạp màu đỏ cọc cạch vẫn hàng ngày đạp xe qua rừng cây vào lúc năm giờ sáng Anh ta làm việc suốt mười giờ đồng hồ giữa lòng chảo khi nắng như nung, khi mưa đọng bùn, thỉnh thoảng mới đến thăm nơi Hạnh ở. Anh mang cho cô một con chó nhỏ tinh khôn, anh ta bảo: "Cô ở đây có một mình, dân xung quanh toàn giang hồ tứ chiếng..." Và anh ta không bao giờ nhắc đến điều này nữa, vì thấy cô thoáng rùng mình, gương mặt xám đi rất nhanh và đôi mắt hoảng loạn…

Mùa mưa dữ dội kéo đến. Công trình khai thác đá gần như bị đình đốn vì mưa lâm thâm lê thê không thể đặt mìn an toàn được. Nhưng rồi người chỉ huy công trình bị thúc ép bởi những hợp đồng, đã không chờ nắng lên, cho đặt ba kíp mìn ở một chỗ trũng... Sét đánh xuống, người thợ đập đá có chiếc búa lớn và chiếc xe đạp màu đỏ cọc cạch đang bửa một khối đá lớn, đã bị mìn giật tan xác. Anh ta không phải người đầu tiên bị chết như thế. Người ta nhặt những mảnh thân thể của anh rồi vội vã tránh xa khoảng trũng ấy. Hạnh và con chó nhỏ chạy đến bị giữ chặt lại, dìu trở về. Người ta ngờ rằng còn một kíp mìn chưa phát nổ, còn nằm ở đó. Vào một đêm mưa nhiều, con chó bị mất tích...

Người chỉ huy công trường hỏi xin cưới Hạnh làm vợ, nhưng cô kiên quyết chối từ. Một mình sống trong căn phòng nhỏ, giữa những lớp học vắng về đêm, cô thường đau khổ nuối tiếc: "Vì sao tôi không chạy đến gần và ôm lấy anh ấy trong vòng tay, vì sao tôi không thể yêu anh ấy?” ...

Chính trong lúc đó, Nhân đã đến tìm gặp Hạnh.

- Anh vừa tốt nghiệp Đại học. Nhân nói. Cho đến lúc này anh không thể nào trì hoãn được nữa. Hạnh ơi! Anh không xứng đáng là một con người. Càng không xứng đáng là một người yêu... Nhưng anh không thể quên em, anh không một giây phút nào quên được em. Suốt bốn năm trời...

- Anh im đi. Anh đi đi.

Một Hạnh không còn tuổi đã hiện lên và nói với Nhân như thế.

- Anh đến đây không phải là rũ bỏ một quá khứ. Hạnh, ngày xưa em đã tin anh...

Hạnh từ từ ngẩng cao đầu lên, đôi mắt không rời Nhân. Cô đã nhận ra con người rệu rã trong cái vỏ bọc cường tráng và đáng tin cậy khi xưa. Thời gian cho Hạnh biết một con người đứng hai chân trên mặt đất không phải khi nào cũng thăng bằng. Quá khứ nặng nề đang chực quật anh đổ xuống.

- Thế thì, anh đến đây để làm gì?

Cô hỏi, giọng đều đều, rất nhỏ. Nhân giật mình, không sao nói lên lời.

- Anh có biết không, suốt bốn năm nay tôi không hề trở lại khúc đường ấy. Tôi sẽ không bao giờ trở lại quãng đường ấy nữa.

Tiếng nói của Hạnh khô khốc như chính những tảng đá trong phút rời nhau ra. Nhân như bị điện giật, anh lao đến gần, siết lấy bờ vai gầy của cô, hối hả quì xuống:

- Hạnh, hãy đưa anh theo. Hãy cho anh theo cùng em. Anh không còn con đường nào khác.

Hạnh thoáng rùng mình:

- Anh ư? Tôi ư? Vì sao thế? Vì sao anh chưa chết đi?

Nhân ghì chặt lấy hai đầu gối cô:

- Hạnh đừng xua đuổi anh. Suốt bốn năm rồi, anh đã không còn là con người nữa. Anh không sống nữa. Anh chỉ thở mà thôi. Đừng bỏ rơi anh vào lúc này. Hãy nghe anh nói... Trước khi đến đây, anh đã chuẩn bị cái này... Em hãy cầm lấy cái này, và bắn nó vào đầu anh. Chính nơi này, nơi này đã sinh ra con người hèn hạ này... anh không dủ can đảm để sống. Và nếu em... Không, anh không thể đòi hỏi gì ở em. Hãy cầm lấy và bắn anh đi...

Đáp lại lời cầu khẩn thống thiết ấy, Hạnh chỉ lặng lẽ đứng lên, bước lui ra xa với nụ cười khô héo:

- Anh hãy chết cho đường hoàng một chút. Đứng thẳng lên và bắn thẳng vào óc anh đi.

Nhân như cái máy, đứng dậy và nhìn Hạnh. Cô gầy yếu như một cái cây tàn úa, nhưng vẻ tàn úa ấy lại che giấu bão táp vào trong. Lạ thật, đã bao giờ cô ấy như thế này đâu?

- Làm sao anh có thể làm thế, khi mà..

- Khi mà chính anh đã giết cả Kiên bạn thân của anh, phải không?

Nhân giật bắn mình, chồm đến bám lấy hai vai cô.

- Kiên nào, Kiên nào kia chứ Hạnh? Anh đã nói với em, Kiên đã chết trên tay anh kia mà!

Hạnh vùng ra, ném mạnh cái vật màu đen nhấp nhánh xuống đất:

- Anh tránh ra! Chính anh đã giết chết Kiên. Chính giọng nói của anh cho tôi biết điều đó. Ngày ấy, tôi còn quá trẻ, tôi đã không thể hiểu được vì sao tôi ngất đi trong tay anh, anh lại nói về…

- Tôi không giết thằng Kiên! -Nhân hét lên, mắt trợn trừng. Trong một giây, tính hoàn hảo của hình thể, của nhân cách và của cả quá khứ bị xé toang. Ai biết điều đó, ai tin điều đó? Kiên là bạn thân nhất của tôi...

- Tôi yêu anh, tôi phải biết điều đó chứ!

Nhân ngã xuống, không một tiếng vang.

Hạnh lùi trở về chiếc bàn nhỏ, nhìn xuống tấm thân bất động hãi hùng của Nhân:

- Không phải tôi buộc tội anh đâu. Những việc anh đã làm, chính anh chứ không ai khác có thể biết được. Anh hãy đứng lên và tiếp tục sống đi, tôi không bao giờ buộc tội anh.

Cô ngồi xuống.

Nhân tìm cách ngồi dậy.

- Phải, tôi đã giết chết Kiên. Chính tôi chứ không phải ai, không phải một lí do... Gần mười năm, tôi sống trong một tâm trạng tuyệt vọng. Tôi luôn muốn chuộc lại tội lỗi. Nhưng tôi biết, không bao giờ chuộc khối...

Hạnh bịt chặt tại lại:

- Đừng nói nữa. Anh hãy đi đi, đi đi, đi đi... Đi đi, đừng bao giờ quay trở lại đây. Đừng bao giờ gặp mặt tôi nữa. Nhân, anh hãy đi đi, tôi van anh!

- Tôi đã ăn cắp một chiếc xe đạp, cô có nghe chưa? Nhân chộp lấy hai tay Hạnh, nói và để mặc nước mắt chảy ròng ròng. Của một thằng bạn cùng phòng. Ngày ấy, tôi đói, tôi đói và tôi không tìm ra cách nào khác. Trước đó, tôi đã bị sỉ nhục vì cái nghèo lâu rồi, nhiều rồi, tôi không muốn điều ấy tiếp diễn nữa. Vì thế mà tôi đã ăn cắp. Nếu không... Cô có biết thế nào là một thằng sinh viên đói không? Cô có biết thế nào là con người bị đói chưa? Vào lúc lương tâm trong sạch như một tờ giấy trắng, thì cái đói thật ghê gớm. Tôi đã không dừng được. Không ai biết tôi đã lấy chiếc xe đạp ấy. Tôi đã tưởng… Nhưng trường đại học không phải là chợ trời. Cô hiểu đấy. Nó có pháp luật của nó, một thứ pháp luật sắt thép, đến nỗi mù quáng, đã túm lấy ngực thằng Kiên quật xuống "Mày là thằng ăn cắp!" Đêm đó nó là người về khuya nhất rồi lại đi sớm nhất. Chúng nó vây lại, đánh thằng Kiên, không cho thằng Kiên chạy. Thằng Kiên càng chối chúng càng đánh dữ dội hơn. Chúng nó trừng phạt kẻ ăn cắp một cách dã man, đến nỗi thằng Kiên không còn tin chính mình - là vô tội nữa. Bởi thế mà khi hấp hối, máu nó vấy lên tóc tôi, nó dặn lại: "Mày đừng nói với mẹ tao là tao ăn cắp..." Trời ơi! Tôi đã đứng ở đấy, chứng kiến chúng nó đánh thằng Kiên đến nát bấy mà không dám lên tiếng "Nhân, vì sao mày không đánh nó"...!! Trời ơi!

Tôi đã bỏ học sau đó một tuần. Tôi cố tránh việc phải rời trường bằng cách ăn cắp, đã dẫn đến kết cục đúng như thế. Trước đó, tôi mang xác thằng Kiên về nhà, mẹ nó ôm ghì lấy tôi vào ngực và khóc: "Con ơi! Con của mẹ!" Tôi nói dối rằng nó bị cảm mà chết. Cha mẹ tôi im lặng nhìn tôi và tôi cũng bỏ nhà đi từ hôm đó. Tôi lang thang bốn năm năm ròng, cho đến khi tôi tròn hai mươi bốn tuổi? Tôi là một thằng sinh viên, cái chất sinh viên vẫn còn bám sâu trong máu tôi, bắt tôi vùng vẫy trong nỗi ám ảnh. Tôi phải chết! Tôi là người phải chết. Vậy thì tôi phải sống để làm gì? Tôi là một con người. Tôi sống để làm gì. Tôi trở lại Đại học, sau những kì thi, tôi gặp em...

- Nhân!

Tiếng kêu yếu ớt tắt ngấm trên mặt bàn. Hạnh gục xuống.

*

Đêm đã nửa đêm. Con người ấy thành kính ôm cô trên tay, đặt lên manh giường nhỏ cô đã nằm trong suốt bốn năm. Anh vuốt lại tóc cho cô, làn tóc khô chết như đang hồi sinh, bồng lên, tỏa quanh trái tim cô. Anh run rẩy nâng bàn tay cô, hôn lên từng ngón bất động, và anh khóc. Qua màn sương dày đặc đang bao phủ lấy tiềm thức, cô thấy anh đứng lên, đôi vai lực lưỡng khòng xuống như đã già đi hàng trăm tuổi. Nhưng tiềm thức báo cho cô biết rằng anh nhặt khẩu súng lên và chuẩn bị bước ra khỏi cánh cửa đêm này. Anh đi, chỉ thấy lương tri khắc khoải dõi theo, tuyệt vọng. Làm sao tỉnh dậy khỏi cơn mê này, làm sao thoát khỏi cõi đau mê man này. Làm sao gọi tên anh ấy, cái tên mà cha mẹ đã gọi anh, mọi người đã gọi anh...

- Nhân!

Cô ôm choàng lấy Nhân. Anh mở to mắt, thở hắt ra. Đôi mắt anh tuyệt vọng.

- Anh chờ em tỉnh lại. Anh xin vĩnh việt em. Anh có tội...

- Không, Nhân! Cô hoảng hốt níu lấy tay Nhân. Anh mà đi, thì anh sẽ chết. Em làm sao sống nổi?

- Không, đó là điều mà em nghĩ mà thôi. Chỉ con người như anh mới không có quyền tồn tại... Chính em đã cho anh niềm tin về con người. Em sẽ sống.

Đến lúc ấy, Hạnh đã làm một điều, mà chính cô không thể tin nổi. Một mệnh lệnh dữ dội đập vào tim cô: "Hãy hôn anh ấy. Hãy giữ anh ấy lại..." Khi hai làn môi chạm nhau, dường như một sức sống mới thức dậy trong linh hồn chung của họ. Hạnh run bắn lên, cô rên rỉ: "Hãy ở lại với em. Đừng đi, Nhân! Anh đừng đi..."

Nhân câm lặng. Đôi mắt Nhân mờ đục, gần như lòa hẳn trước nét mặt đau đớn lẫn hạnh phúc tột cùng của Hạnh. Cô ấy chưa từng như thế! Hai đôi tay chấp lại, siết chặt đến rã rời. Hạnh lại nhắc lại, khi ôm ghì lấy tấm thân to lớn của Nhân: "Anh phải sống!" Bàn tay cô, làn môi cô nóng bỏng. Và Nhân lần đầu tiên khỏa thân trong cái nhìn rờ rỡ của Hạnh.

- Anh có yêu em không?

Nhân choàng ôm lấy người Hạnh, siết chặt, thật chặt, đến ngạt thở cái thân xác yếu gầy ấy. Nhưng rồi sợ cô đau hay bởi ám ảnh của đêm trăng trong rừng tràm ngày trước, anh nhè nhẹ đỡ lấy lưng cô.

- Anh yêu em. Anh tôn thờ em. Trời ơi! Anh đang làm gì thế này?

- Anh đang là của em! - Hạnh nói trong nước mắt.

Con người muốn vượt qua cái Ác, nhưng không vượt khỏi giới hạn của chính mình. Vào giây phút họ có thể hòa hợp với nhau trọn vẹn nhất, Nhân chợt nhớ một điều gì đó. Anh rùng mình, lạnh toát và... bỏ chạy.

- Nhân!

Hạnh đã kêu lên một tiếng căm hờn. Cô vừa bắn vào anh bằng khẩu súng chính anh mang đến.

Khi có người chạy đến, Nhân đang hấp hối trên vũng máu. Hình như anh nói:

- Hạnh... Hãy... quên anh...

Trần Thu Hằng | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa
Văn nghệ Trẻ, số 2/1997
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.