Phụ nữ tân văn chỉ nhóm các nhà văn, trí thức hoạt động trên tờ Phụ nữ tân văn hoạt động từ năm 1929 đến 1935. Phụ nữ tân văn là tờ báo phụ nữ thứ hai xuất hiện tại Nam Bộ (sau tờ Nữ giới chung (1/2-19/7/1918), do bà Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu, chủ trương). Số đầu tiên xuất bản ngày 2 tháng 5 năm 1929 tại Sài Gòn. Người sáng lập báo là bà Nguyễn Đức Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh), chủ nhiệm báo là ông Nguyễn Đức Nhuận. Phụ nữ tân văn là tuần báo phát hành ngày thứ năm, khổ 23,2cm x29,9cm, gồm có từ 26 tới 32 trang ruột (không kể trang bìa và các trang quảng cáo). Khi đánh giá về đóng góp của Phụ nữ tân văn, Nguyễn Văn Xuân cho rằng đây là tờ báo “thành công nhất từ trước đến nay ở miền Nam, là cái thành tựu rất cao của những cố gắng của trí thức miền Nam trên con đường hiện đại hóa văn học và báo chí”.
Trước năm 1930, ở Việt Nam có rất ít báo Quốc ngữ dành riêng cho giới phụ nữ, mặc dù lúc này tư tưởng canh tân đang dấy lên và vấn đề phụ nữ đã được bàn luận đến nhiều trong xã hội. Đến năm 1918, lần đầu tiên tại Nam Bộ và Việt Nam mới xuất hiện tờ báo dành riêng cho phụ nữ, đó là tờ Nữ giới chung do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Tuy nhiên tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng thì phải đình bản. Kể từ đó cho đến đầu năm 1929, khi báo Phụ nữ tân văn ra đời tại Sài Gòn, thì Việt Nam mới lại có một tờ báo riêng dành cho phụ nữ, mở đầu cho một giai đoạn phát triển của dòng báo phụ nữ trong làng báo giới Việt Nam giai đoạn từ 1930 đến 1945.
Báo Phụ nữ tân văn không chỉ bàn luận về các vấn đề của phụ nữ, mà nhìn rộng hơn, đã đề cập đến nhiều vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước... Trong gần 6 năm tồn tại (1929-1935), Phụ nữ tân văn đã đề xuất nhiều phong trào vận động nữ quyền và giải phóng phụ nữ, khởi xướng phong trào Thơ mới, tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuếch trương các phong trào xã hội, giúp đỡ cho phụ nữ, học sinh và những người nghèo trong xã hội…
Phụ nữ tân văn có cách trình gọn gàng, ngoài bìa có hình ba cô gái Trung Nam Bắc với câu:
Phấn son tô điểm sơn hà,
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.
Ngay trong số đầu tiên, Phụ nữ tân văn đã nêu lên mục đích của tờ báo là đề cập đến những vấn đề liên quan đến phụ nữ, vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ tân văn có những mục thường xuyên như sau:
1. Thời sự
2. Vấn đề giải phóng phụ nữ
3. Phụ nữ và gia đình (gia chánh)
4. Vệ sinh, khoa học
5. Đoản thiên tiểu thuyết
6. Tiểu thuyết
7. Ngồi lê đôi mách
8. Nhi đồng
Phụ nữ tân văn trong 6 năm tồn tại đã cho xuất bản được 273 số đánh số và 2 số Xuân 1932 và 1933 không đánh số. Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, hiện chỉ sưu tầm được khoảng 200 số rải rác trong các năm. Như vậy cũng có thể đủ cứ liệu để khái quát nên diện mạo và những thành tựu trên tờ báo này. Nhìn nhận một cách khách quan, báo Phụ nữ tân văn đã có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, đóng góp quan trọng nhất của tờ báo là đấu tranh nữ quyền, những hoạt động xã hội tích cực, những tư tưởng mới về giáo dục nhất là giáo dục phụ nữ. Xuất hiện trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX, khi đời sống văn học đã bắt đầu sôi nổi, và hoạt động báo chí đã bắt đầu trở nên quen thuộc, Phụ nữ tân văn, qua nghiên cứu của chúng tôi, trước hết là tờ báo dành cho phụ nữ. Bởi vì vào thời điểm đó, không một tờ báo nào trong số hàng trăm tờ báo là diễn đàn cho phụ nữ lên tiếng về những vấn đề liên quan đến giới, bình đẳng giới, cũng như những hoạt động xã hội giúp ích cho cuộc sống vốn đầy nặng nề và bất công của người phụ nữ. Ngoài việc phổ biến kiến thức, hướng dẫn thực hành, tờ báo kêu gọi chính phủ ủng hộ chủ trương nữ quyền, nhằm mang đến cho phụ nữ những quyền lợi cơ bản về việc được tiếp cận giáo dục, được học nghề, được đối xử bình đẳng, được quyền tái giá, tái hôn, được có quyền về kinh tế trong gia đình... Những công việc liên quan đến phụ nữ, như xây dựng Nữ công học hội, kêu gọi tài trợ cho du học sinh nghèo học giỏi được đi du học Pháp, hướng dẫn nấu ăn, vệ sinh thân thể, đã thực sự mang đến cho đời sống xã hội nói chung, người phụ nữ thành thị nói riêng, một làn gió mới. Trước đó, Nữ giới chung chưa làm được điều này.
Phụ nữ tân văn đồng thời còn là một tờ báo văn chương dành cho tất cả độc giả Bắc Trung Nam, không phân biệt giới. Bằng vào khối lượng tác phẩm đủ các thể loại chính của văn học như: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, nghiên cứu phê bình..., bàn về chữ quốc ngữ..., Phụ nữ tân văn đã trở thành một diễn đàn thu hút hầu hết những cây bút tài hoa của không chỉ Nam Kỳ, mà còn cả Trung và Bắc Kỳ. Về truyện ngắn, theo khảo sát của chúng tôi, truyện ngắn được đăng tải khá thường xuyên trên mục “đoản thiên tiểu thuyết”. Hiện chúng tôi đã sưu tầm được 60 truyện ngắn được đăng ở mục này, trong đó có những cái tên khá nổi bật trên văn đàn thời kỳ này như: Ngẫu Trì, Nguyễn Tiến Lãng, Trần Quang Nghiệp, Trần Thanh Mại, Nguyễn Thị Manh Manh, Vân Đài… Ngoài ra còn một số cây bút thường xuyên đăng tải truyện ngắn trên Phụ nữ tân văn nhưng rất tiếc cho đến thời điểm này chúng tôi chưa nắm được tiểu sử của họ như Bích Thủy, Nguyễn Việt Lang, Nguyễn Thị Phương Lan, Viên Hoành…
Về thơ, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đánh giá Phụ nữ tân văn là nơi khởi nguồn cho phong trào Thơ mới, với 2 gương mặt tiêu biểu trên báo Phụ nữ tân văn là Phan Khôi và Nguyễn Thị Kiêm (bút hiệu là Manh Manh nữ sĩ).
Ngày 10/3/1932, trên Phụ nữ tân văn số 122 đăng bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ với bài Tình già của Phan Khôi đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận, bút chiến diễn ra trong cả nước. Phụ nữ tân văn đã đăng tải cả hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Bài thơ Tình già khi ra đời ít được mọi người thích. Nhiều người cho rằng bài thơ dài dòng và không có nguyên tắc. Về hình thức, bài thơ không được gọn, nhưng về nội dung, ý tứ thì rõ ràng, dễ hiểu và thật thà. Chính Phan Khôi cũng nói đó là một lối thơ thử nghiệm (un essai), mục đích là đem những tâm tình trong lòng mình mà bày tỏ chứ chẳng theo một niêm luật nào cả. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Kiêm, đại diện phái ủng hộ, diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn tối ngày 26/7/1933 về lối thơ mới. Cô Kiêm phát biểu: “Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị đẹt mất, thì rất cần phải có một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thơ này khác hơn lối xưa nên gọi là thơ mới” (Bài diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm về “lối thơ mới”, Phụ nữ tân văn số 211, tr.9). Sau đó trên số báo Xuân 1933, Phụ nữ tân văn đăng bài thơ Viếng phòng vắng của nữ sĩ Manh Manh. Lời thơ phóng túng, ý tưởng mạnh bạo, nhưng không kém phần tao nhã. Tiếp sau đó, đăng nhiều bài thơ mới của nữ sĩ Manh Manh như: Lá rụng, Hai cô thiếu nữ, Canh tàn… Nhiều bài thơ của Hồ Văn Hảo, Con nhà thất nghiệp, Tình thâm, Hương nồng…, gây nhiều tiếng vang lớn trong làng thơ Việt Nam lúc bấy giờ. Không chỉ viết những bài thơ đăng trên báo, cô Nguyễn Thị Kiêm còn đăng đàn diễn thuyết về đề tài Thơ mới tại trụ sở Hội Khuyến học Nam Kỳ ở Sài Gòn… Phong trào Thơ mới do Phụ nữ tân văn phát động đã gây nên cuộc bút chiến sôi động và kéo dài trên các diễn đàn báo chí từ Nam chí Bắc trong nhiều năm liền mà trước đó chưa từng diễn ra. Thơ mới được khởi xướng ở Sài Gòn trên tờ báo Phụ nữ tân văn, được các thi sĩ ở ba miền Bắc, Trung, Nam nhiệt tình hưởng ứng và sáng tác ra những bài thơ có tính nghệ thuật cao, đến nỗi các nhà thơ theo trường phái cũ không có ý kiến gì được. Sau những năm 1930, báo chí ở miền Bắc phát triển vượt trội hơn miền Nam, phong trào Thơ mới được chuyển ra đất Bắc rất thành công.
Trần Văn Trọng
Nguồn Văn nghệ số 25/2024