Tôi vào nghề khá muộn. Mãi đến năm tuổi đã ngoài ba mươi, tôi vẫn chưa hề viết một bài báo. Tác phẩm đầu tay của tôi cũng mới chỉ xuất bản sau ngày tôi bốn mươi tuổi. Tuy vậy, giờ đây nghĩ lại, tôi không hề cảm thấy tiếc rẻ hay ăn năn về sự chậm trễ ấy. Trước hết là vì thế hệ chúng tôi đã được bồi dưỡng trong những điều kiện khách quan, chủ quan khác với các nhà văn trẻ ngày nay. Chúng tôi không hề được cái may mắn là ngay từ đầu đã có thể chỉ học tiếng mẹ đẻ, chỉ chuyên chú về một việc tập viết tiếng Việt. Riêng về phần tôi, trước khi về với văn học dân tộc, tôi đã phải học nghề qua văn học Trung Quốc và văn học Pháp. Tôi không hề nghĩ rằng đó là may hay rủi, là thiệt hay hơn. Tôi vẫn quan niệm rằng: Sống không nên nhìn lại quá khứ để chỉ nêu lên với mình mỗi một câu hỏi "Nếu như..." Thực tế đã xảy ra rồi, đặt giả thiết nếu như làm gì? Nói cho cùng, lúc đầu tôi cũng chưa hề bao giờ nghĩ rằng rồi đây mình sẽ đi vào nghề viết văn nữa cơ. Ấy thế nhưng đường đời run rủi, ngẫu nhiên đối với đời sống đôi lúc vẫn có những tác động nhất định. Đối với nghề viết văn, khá nhiều sự kiện bất ngờ trong cuộc đời vẫn ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm, quan niệm về cuộc sống cũng như nếp suy nghĩ và phong cách của người cầm bút. Câu hỏi ý nghĩa hơn ở đây là: Trong những trường hợp nhất định con người đã xử sự thế nào, và lối xử sự ấy có giá trị gì hay không?
Tôi không hề bao giờ nghĩ rằng văn chương chỉ là "cái nghề hèn mọn" của những kẻ "ngồi chạm trổ sâu bọ" - điêu trùng tiểu kỹ! Không! Một bài văn, một bài thơ hay, một tác phẩm văn chương thật sự có giá trị vẫn là thức ăn tinh thần cần thiết cho loài người, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Câu thơ của Viên Mai - Lập thân tối hạ thị văn chương - thiết tưởng cần phải hiểu đúng theo ý của tác giả: Những kẻ lăm le đem văn chương làm kế "lập thân" mới chính là những người đáng khinh bỉ.
Giáo sư Đặng Thai Mai - Ảnh: Tư liệu |
Tôi đã lớn lên trong một môi trường yêu thích văn chương. Dưới ảnh hưởng của giáo dục gia đình, của thế hệ cha chú, của thầy của bạn, tôi cũng đã biết những giờ phút mê ly, khi được đọc một bài thơ hay, một tập sách tốt. Tôi sẽ không nói rằng trong quá trình nhận thức và thưởng thức giá trị văn chương, khẩu vị thẩm mỹ của mình không hề có chỗ lệch lạc, sai trái. Nhưng về mặt này, cái may mắn đặc biệt đối với tôi là đã gặp được những người thầy, những người bạn luôn luôn sẵn sàng góp cho tôi những đính chính, bổ sung cần thiết.
Cũng không phải là từ những năm mười tám, đôi mươi, cái ước mong xây dựng sự nghiệp văn chương chưa hề bao giờ lảng vảng trong tâm hồn tôi. Cũng như bao nhiêu bạn thanh niên yêu văn hồi ấy, tôi cũng đã bao phen ủ ấp cái tham vọng viết ra được cái gì đây và cái gì đó sẽ được in ngay lên mặt giấy, sẽ được mắt xanh của người đọc để ý tới - con người ta, kể cả những người viết văn, nhất là những người viết văn, mấy ai là không ngây ngất với chữ danh? Tuy vậy, bài học kinh nghiệm ở đây đối với tôi từ lâu thật sự là bài học dè dặt. Trong câu chuyện sáng tác này, tôi thấy rằng: Trừ những bậc thiên tài, "xin khen không dám nói" còn những người "thiên phận tầm thường" thì in mình ra muộn muộn tí mà có phần hay. Ngày còn ở nhà trường, tôi có một anh bạn đã từng được anh em tặng cho cái danh hiệu "thư sĩ". Quả là "danh bất hư truyền". Hễ chộp được bất kỳ cái gì đã được in lên báo, lên giấy, thôi thì anh ta đọc ngốn đọc ngấu, đọc tất và tin tất. Khi chúng chê bạn cười thì anh ta chỉ trả lời: Viết thành câu văn, câu thơ thì cái "dở" cũng hay, cái "xấu" cũng tốt, nghe chửa? Ấy thế nhưng đến năm học cuối cùng, anh ta đã đọc được một tập thơ khá dở. Và rồi chúng tôi thấy anh đứng vụt dậy tuyên bố: Trời ơi, nếu cái ông này đừng in tươi, in sống ông lên thế này thì người đời sẽ có đói thiếu hay gầy còm hay ốm yếu đi tí nào không?
Thế rồi, viết thành tác phẩm là một chuyện, in ra được một tác phẩm là một chuyện khác. Các nhà văn chúng ta ngày nay có lẽ ít người hiểu được bao nhiêu uẩn khúc, lo âu, phiền hà, đôi khi còn là nhục nhã của những con người muốn có được cái vinh dự ra mắt trước công chúng độc giả với cái danh hiệu mình là tác giả tập thơ này, tập truyện kia. Tôi vừa nói đến công chúng độc giả. Các nhà nghiên cứu văn học của chúng ta lâu nay ít khi thấy làm một công trình nghiên cứu đầy đủ và nghiêm túc về phương diện này, ấy thế nhưng theo ý tôi, đây là một yếu tố quan trọng vào loại hàng đầu đối với người sáng tác. Các bạn nhà văn Việt Nam ngày nay có đến hàng triệu độc giả, không những chỉ trong tập thể chuyên nghiệp, mà phần lớn lại là trong nhiều lớp người lao động trong đủ mọi ngành nghề; lao động trí óc, lao động chân tay; từ nhà chính trị đến bác sĩ, kỹ sư, giáo viên; từ bộ đội đến công nhân, nông dân. Đó là một vinh dự mà nhà văn các thế hệ trước thực tình cũng chưa bao giờ mơ tưởng tới. Hồi ấy, mỗi tác phẩm được in ra năm, ba nghìn cuốn đã là một kỷ lục rồi. Nhưng năm, ba nghìn độc giả ấy cũng là một công chúng hỗn tạp. Khẩu vị của họ không phải luôn luôn là lành mạnh về khiếu thẩm mỹ; nhận thức của họ về ý nghĩa một tác phẩm cố nhiên chỉ có thể hời hợt, nông nổi. Tình huống này không thể không ép uổng nguồn cảm hứng và thu hẹp tầm mắt người sáng tác. "Viết cho ai đọc?" bao giờ cũng là một vấn đề đối với người hoạt động văn học. Trong một xã hội u mê ám chướng của chế độ thực dân và phong kiến, văn học nghệ thuật muốn thật sự có ý nghĩa và tác dụng tiên phong quả thật là một câu chuyện thiên nan, vạn nan. Mà khi tác giả, buộc phải a dua chạy theo thị hiếu, theo khẩu vị của một lũ người ích kỷ, hống hách vì "trong tay đã sẵn đồng tiền" thì phát huy tài năng, cứu vãn lấy cái bản ngã của mình, lẽ đương nhiên chỉ là ảo tưởng, là hão huyền dối người dối mình mà thôi; nói gì đến mục đích cải tạo xã hội, bồi dưỡng con người.
Câu chuyện thiết thực hơn là câu chuyện giá trị lao động. Vào những năm trong ngoài 40, một hôm, anh X tới chơi nhà và đã có "nhã ý" tặng tôi một tập thơ của anh vừa xuất bản. Chúng tôi nói chuyện từ tác phẩm của anh đến tình hình xuất bản sách báo và thị trường tiêu thụ. Tôi nhìn vào bìa sách thấy chỉ số in và giá tác phẩm. Tôi ngỏ ý mừng vì anh ta có được món tiền tiêu. Nhưng mặt anh bạn đã nhàu hẳn lại rồi anh kể lại với tôi: Thì anh tính, lão chủ nó bảo là thời buổi này nghề in không nuôi sống người nữa, rồi nó kể ra bao nhiêu phần trăm vào tay nhà in, bao nhiêu vào tay hàng sách lại còn tiền thuế của cửa hàng, "vi thiềng" cho người nọ người kia để có thể có giấy phép được phát hành, có giấy, có mực mà in. Mà rồi còn phải tính đến những quyển sách ứ lại trên quầy hàng, trong kho sách nữa chứ. Sách có phải là món hàng ăn tươi của mọi người đâu! Gánh phở vừa ra tới đầu phố, chỉ nửa giờ, một giờ sau là bán hết. Còn sách? Lão chủ vừa nói vừa cầm lên một tác phẩm vừa in xong, bìa mới toanh, vứt đánh xạch vào góc bàn và nói tiếp - Sách, phải chờ hàng tháng, có khi hàng năm ứ đọng lại trong kho ấy chứ! Thế thì, anh nghĩ xem, tôi cũng chỉ phải thở dài với hắn thôi, làm thế nào?
| | |
Ngày tôi mới bắt đầu đi dạy học, các cậu học sinh của tôi (có lẽ vì thấy thầy mình ăn nói cũng tương đối trôi chảy) nên thỉnh thoảng vẫn khuyên tôi nên viết văn cho đăng báo, nhưng tôi luôn lắc đầu nói với anh em: Hễ đang còn chế độ kiểm duyệt thì tôi quyết chẳng viết gì đâu. Mà các cậu còn muốn mình viết bằng tiếng Pháp chứ gì? Xin miễn đi. Người Việt Nam viết bằng tiếng Pháp khó lắm. Thế rồi, vì bệnh lười cũng có, vì ngại ngùng cũng có, tôi đã không hề nghĩ đến chuyện viết văn viết báo.
Tôi chỉ mới bắt đầu viết từ ngày thành lập Mặt trận Bình dân do Đảng lãnh đạo. Hồi này, dưới nhiều áp lực của cuộc đấu tranh trên đất nước cũng như ở bên Pháp, chính quyền thuộc địa đã phải nới tay trong chính sách văn hóa của chúng. Trong Nam ngoài Bắc, các cơ quan ngôn luận của Đảng đã tập hợp được khá nhiều nhà báo, nhà văn tiến bộ. Đối với tôi, đây cũng là một dịp thuận lợi để đem ngòi bút mình phục vụ chủ trương của Đảng. Hằng tuần, tôi đã có thể đóng góp vào một vài cột báo tiếng Việt, tiếng Pháp. Nhưng chỉ ba năm sau, cuộc Chiến tranh thế giới bùng nổ và cái gọi là quyền tự do ngôn luận ở Đông Dương cũng bị thủ tiêu. Trên dải đất hình chữ S này, bầu không khí chính trị, văn hóa lại ảm đạm hơn bao giờ hết. Nhiều anh em bị bắt đi an trí. Phần lớn các đồng chí lãnh đạo đã thoát ly, đi vào bí mật để tổ chức lực lượng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh một mất một còn chống chủ nghĩa thực dân Pháp, chống đế quốc Nhật. Tuy vậy, mối liên lạc giữa Đảng với giới văn học nghệ thuật không hề bị cắt đứt. Đối với anh em, bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 thật sự là một kim chỉ nam. Cho nên, trên các báo công khai hồi này thỉnh thoảng vẫn có thể đọc được một bài văn nghị luận, một mẩu truyện ngắn, một bài thơ có nội dung tốt, có hình thức hay. Cố nhiên, phần lớn các tờ lá cải hồi này đều được ấn hành dưới sự chỉ huy chặt chẽ của chính quyền thuộc địa. Và trong giới cầm bút cũng không hiếm những tâm hồn bế tắc. Nói cho cùng, trong bọn họ có nhiều người đáng thương hơn đáng trách. Trong khí quyển âm u của đất nước đang rên rỉ dưới hai tầng áp bức có lẽ họ cũng không phải là những người hoàn toàn ươn hèn, tuyệt vọng. Nhiều người cũng vẫn muốn đi tìm một lý tưởng đẹp, muốn cất cánh bay cao, nhưng biết làm sao? Họ không có phương hướng và tầm mắt cũng như trí tưởng tượng của họ đã bị một lớp mây mù phủ đặc khi chân trời từ từ khép lại.
Lứa tuổi thanh niên, được hướng dẫn đúng đắn, được bồi dưỡng chu đáo trên đường đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại bao giờ cũng là hy vọng đẹp đẽ và lực lượng tiền phong chắc chắn của loài người. |
Điều may mắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân tiến lên không ngừng và lớp thanh niên, trí thức thật sự yêu nước đã tìm được một hướng đi chắc chắn cho tư duy, cho nghệ thuật của mình. Lứa tuổi thanh niên, được hướng dẫn đúng đắn, được bồi dưỡng chu đáo trên đường đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại bao giờ cũng là hy vọng đẹp đẽ và lực lượng tiền phong chắc chắn của loài người.
Một câu hỏi nên được đặt lên ở đây: Nếu sau ngày Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang kết thúc mà cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chưa thành công thì vận mệnh văn học nước nhà, vận mệnh nhà văn chúng ta giờ đây sẽ ra sao?
Đặt vấn đề như vậy cũng là giải quyết vấn đề rồi.
Bản thảo hồi ký Quá trình rèn luyện nghề viết văn của tôi của Giáo sư, nhà văn Đặng Thai Mai hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. |