Dịch giả Nga Igor Viktorovich Britov hiện sống ở Moskva. Tất cả hoạt động nghề nghiệp của ông gắn liền với Việt Nam. Năm 1988, ông tốt nghiệp Trường đại học quan hệ quốc tế Moskva. Đã từng thực tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn 30 năm ông làm việc tại đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga”. Mười năm trước, ông thử dịch một truyện ngắn Việt Nam yêu thích ra tiếng Nga. Công việc sáng tạo này trở nên hấp dẫn và lôi cuốn. Năm 2005, ở Moskva, tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam, phần lớn do I.V. Britov dịch, đã được xuất bản. Hiện nay, ông đang chuẩn bị xuất bản tuyển tập truyện ngắn tiếp theo.
Một góc nước Nga. Ảnh internet |
Năm 2018, các truyện ngắn Việt Nam do ông dịch đã được đăng tải trên một số số của tạp chí “Văn học nước ngoài”. Ông là tác giả của các bài báo khoa học về lý thuyết dịch văn bản nghệ thuật. Hiện nay, ông giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam tại Học viện quốc tế Moskva. Nhiều năm liền, ông là hội viên Hội nhà báo Nga. Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu “Cán bộ văn hóa ưu tú Nga”. Ông cũng được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng huy chương Hữu nghị vì những đóng góp vào sự phát triển hợp tác thông tin và văn hóa.
Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu một bài viết của I.V. Britov mới đăng trên tạp chí “Văn hóa Nga”.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ở nước Nga, nhiều năm liền văn học Việt Nam không được dịch và xuất bản. Chỉ vào năm 2012, xuất hiện một cuốn sách Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Nga sau một thời gian dài gián đoạn – truyện dài của Khái Hưng Hồn bướm mơ tiên. Sau đó, các tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lạnh lùng của Nhất Linh, các tập thơ của Ngô Văn Phú, Mai Văn Phấn và tuyển tập truyện ngắn vừa nói trên Ngải đắng trên núi cao được xuất bản.
Tuyển tập truyện ngắn Ngải đắng trên núi cao của các nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Chu, Y Ban, Tạ Duy Anh, Thùy Linh đã được xuất bản ở Moskva năm 2015. Đây là một sự kiện quan trọng trong việc quảng bá văn học Việt Nam ở nước Nga. Tôi rất vui mừng vì có dịp tham gia vào việc chuẩn bị xuất bản cuốn sách này với tư cách dịch giả cùng với những người khác.
Năm ngoái (2018), lần đầu tiên sau 30 năm, tạp chí Văn học nước ngoài của Nga đã đăng tải các truyện ngắn của các tác giả Việt Nam. Trên số tháng 5, độc giả có thể đọc truyện ngắn của Nguyễn Thu Trân Xóm sở Mỹ, còn số tháng 8 đăng tải truyện ngắn Ông cá hô của Lê Văn Thảo. Có thể coi những cuốn sách và truyện ngắn này trên tạp chí là những thành công đáng kể trên con đường quảng bá văn học Việt Nam ở nước Nga.
Tuy nhiên, khi so sánh số lượng này với những gì đã được xuất bản dưới thời Xô viết, bạn hiểu ra rằng nó như giọt nước trong biển cả. Mới đây, khi đọc lời giới thiệu của Nikolay Ivanovich Nikulin, dịch giả các tác phẩm văn học Việt Nam và chuyên gia về lịch sử văn học Việt Nam, trong tuyển tập Hương cỏ mật xuất bản năm 1973 (hơn 20 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Liên Xô, lúc bấy giờ chưa có nhiều nhà Việt Nam học người Nga), tôi bắt gặp những dòng như sau: “Độc giả Liên Xô không phải lần đầu tiên khám phá cuốn truyện ngắn đương đại Việt Nam. Chưa kể nhiều tác phẩm đã được đăng tải trên báo chí định kỳ, có thể nêu tên gần 2 chục tuyển tập đã xuất hiện trong thời gian gần đây được dịch ra tiếng Nga”. Và sau đó, trong những năm 70-80, còn có 15 tập Thư viện văn học Việt Nam và nhiều thứ khác...
Tại sao hiện nay ở Nga các tác phẩm của nhà văn Việt Nam ít được dịch? Sở dĩ như vậy là vì có nhiều khó khăn hiện nay đang gặp phải trên con đường quảng bá văn học Việt Nam ở Nga. Trước khi nêu lên những khó khăn này, tôi muốn trở lại với một sự kiện cách đây gần 4 năm. Khi tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ ba diễn ra ở Hà Nội năm 2015, tôi có may mắn được gặp ông Phạm Vĩnh Cư, một trong những người sáng lập trường phái dịch thuật Việt Nam, nhờ đó bạn đọc Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các kiệt tác của văn học Nga. Theo Phạm Vĩnh Cư, trong công việc dịch thuật có ba vấn đề: lựa chọn được tác phẩm xứng đáng để dịch, tìm được dịch giả chuyên nghiệp và xuất bản sách. Trong hoạt động dịch văn học Việt Nam ở Nga, việc giải quyết các vấn đề nêu trên đều gặp rất nhiều khó khăn.
Về việc lựa chọn các tác phẩm của Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng. Tầm quan trọng của nó được xác định bởi hai yếu tố. Thứ nhất, cần lựa chọn những tác phẩm có thể thu hút được sự chú ý của độc giả Nga. Thành công của cuốn sách trên thị trường Nga phụ thuộc vào điều này. Thứ hai, cần lựa chọn những tác phẩm cho phép độc giả Nga ít nhiều hình dung được một cách trọn vẹn về trình độ và chất lượng của văn học Việt Nam. Sau khi xuất bản tuyển tập “Ngải đắng trên núi cao”, một tờ báo mạng đăng bài trả lời phỏng vấn của tôi nhân sự kiện này, và một trong những độc giả Việt Nam đã bình luận như sau: “Rất tiếc, hiện nay trong văn học Việt Nam, xuất hiện những thợ viết vô tích sự. Mấy năm gần đây, không có một bài thơ nào đáng đọc, một cuốn tiểu thuyết nào sáng giá. Nhà văn đổ xô đi học tiếng Anh để dịch những tác phẩm hạng bét của các tác giả Anh, Mỹ. Các nhà văn của chúng tôi chỉ có một mục đích: đi sang Mỹ, giành được những giải thưởng văn học ở đấy, sau đó hô hoán lên rằng ta là nhà văn lớn”. Vâng, có những nhà văn xu thời. Nhưng dù sao tôi cũng sẵn sàng tranh luận với tác giả lời nhận xét mang tính chất phê phán nói trên. Tôi rất thích thú đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đương đại. Rất có thể, tôi may mắn “gặp phải” những tác giả xứng đáng.
Nói chung, những năm gần đây, trong văn học Việt Nam, đã diễn ra những thay đổi lớn: cả tiêu cực lẫn tích cực. Đã xuất hiện những đề tài mới, những khuynh hướng mới (chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại). Cần lưu ý rằng sau năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới trong tất cả các lĩnh vực của đất nước, các quá trình diễn ra trong đời sống văn học Việt Nam rất giống với những thay đổi trong không gian văn học Xô viết giai đọan cải tổ. Những thay đổi đòi hỏi sự nhận thức, để làm điều đó cần các nhà phê bình văn học biết tiếng Việt. Ở Nga hiện nay chỉ có một nhà Việt Nam học nghiên cứu sâu văn học Việt Nam, đó là Tatyana Nikolayevna Filimonova, phó tiến sĩ ngữ văn, tác giả nhiều bài báo và báo cáo tại các hội nghị khoa học, hiện giảng dạy tại Viện các nước Á Phi thuộc Đại học Quốc gia Moskva. Năm 2017, bà xuất bản cuốn sách Tổng quan về văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đây là công trình khoa học nghiêm túc đầu tiên về văn học Việt Nam ở nước Nga trong những thập niên gần đây. Các công trình nghiên cứu của các nhà phê bình văn học phải định hướng cho việc lựa chọn tác phẩm để dịch.
Hiện nay Quỹ hỗ trợ cho việc quảng bá văn học Nga tại Việt Nam và văn học Việt Nam ở Nga giúp quyết định dịch những tác phẩm nào. Quỹ được thành lập mấy năm trước đây do dịch giả văn học Nga nổi tiếng Thúy Toàn đứng đầu, ông cũng là người thành lập bảo tàng tư nhân văn học Nga đầu tiên tại Việt Nam. Khi lựa chọn tác phẩm dịch, bản thân tôi cũng tham khảo ý kiến của đại diện Quỹ này, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, dịch giả văn học Nga Nguyễn Thị Kim Hiền hiện đang sống và làm việc tại Moskva.
Về các dịch giả. Hiện nay ở Nga không có đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam chuyên nghiệp. Hai dịch giả chủ chốt: Marian Nikolayevich Tkachyov và Nikolay Ivanovich Nikulin, đã qua đời. Trong số những dịch giả uy tín hiện chỉ còn Inessa Petrovna Zimonina. Chính nhờ các dịch giả này, dưới thời Xô viết, một khối lượng lớn truyện vừa, truyện cổ tích, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ của Việt Nam đã được xuất bản. Hiện nay, các giảng viên tiếng Việt đang làm việc tại các trường đại học ở Moskva chủ yếu chỉ dịch một lần các tác phẩm văn học Việt Nam. Đó là một công việc đặc thù. Trong 30 năm gần đây, không xuất hiện các dịch giả văn học chuyên nghiệp mới từ tiếng Việt. Ở đây có nhiều nguyên nhân.
Một trong các nguyên nhân là thiếu nhu cầu, thứ hai, dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga là một công việc khó khăn, nhưng lại không béo bở về mặt vật chất. Bản thân tôi cũng đang dịch trên tinh thần hoàn toàn nguyện. Tuy nhiên, trong vấn đề đào tạo các dịch giả chuyên nghiệp văn học Việt Nam ra tiếng Nga đã le lói tia hy vọng. Hai năm trước, Trường đại học ngôn ngữ Moskva đã tuyển sinh được một lớp sinh viên, các sinh viên này sẽ học môn “Lý thuyết dịch văn học Việt Nam ra tiếng Nga” ở năm cuối. Rất có thể, ai đó trong họ sẽ dành tâm huyết cho loại hình sáng tạo này. Dịch văn học không những là nghệ thuật mà còn là một khoa học, dịch giả phải biết giải quyết một loạt những khó khăn: ngôn ngữ, văn hóa, cảm xúc-nghệ thuật. Nhưng ở đây xuất hiện một vấn đề khác: không có sách giáo khoa về môn học đó. Dựa vào kinh nghiệm dịch thuật của mình, tôi đã biên soạn một tài liệu giảng dạy chuyên ngành, nhưng đã mấy năm nay không tìm được nhà tài trợ để giúp xuất bản.
Về xuất bản sách. Chúng ta biết rằng để xuất bản một cuốn sách tác giả phải tự bỏ tiền ra, hoặc tìm nhà tài trợ. Xin đơn cử một ví dụ cụ thể. Hiện nay còn một tập truyện ngắn của 20 tác giả Việt Nam nữa do tôi dịch đang được chuẩn bị xuất bản. Cuốn sách sẽ xuất bản... ở Hà Nội. Tại sao lại ở Hà Nội, chứ không phải ở Moskva? Tiếc rằng ở Moskva, chúng tôi không tìm được nhà tài trợ. Cộng đồng người Việt ở Moskva không đặc biệt quan tâm tới việc quảng bá văn học Việt Nam ở Nga. Tôi đã nhiều lần gặp gỡ các doanh nhân Việt Nam và các tổ chức xã hội Việt Nam để xin giúp đỡ, nhưng không ai hưởng ứng. Thế nhưng sự giúp đỡ lại đến từ Hội nhà văn Việt Nam thông qua nhà xuất bản Hội nhà văn. Xin được bày tỏ lòng biết ơn to lớn về sự giúp đỡ này. Tôi rất phấn khởi vì cuốn sách sẽ ra mắt vào năm nay vốn là năm giao lưu chéo Nga-Việt, Việt-Nga.
Như vậy, hiện nay bản thân dịch giả phải là một nhà quản lý để xuất bản sách. Sự giúp đỡ của phía Việt Nam là cực kỳ cần thiết. Việt Nam ngày càng chứng tỏ khả năng kinh tế của mình và có cơ sở để cho rằng sự quảng bá văn hóa của đất nước trên thế giới sẽ được mở rộng. Chi phí cho hoạt động này nhất định sẽ được bù lại. Việc đầu tư vào chính sách hợp tác văn hóa quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam và bầu không khí tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Kết luận của tôi rất rõ ràng: hiện nay việc xuất bản văn học Việt Nam ở Nga trong một chừng mực lớn là vùng hoạt động của chính người Việt Nam. Vâng, có thể nhận được sự giúp đỡ từ phía các cơ quan Nga, có thể sử dụng nhiệt tình của các nhà Việt Nam học người Nga, nhưng việc quảng bá văn hóa Việt Nam đích thực ở nước Nga chỉ được thực hiện với sự tham gia của chính những người Việt Nam ở các cấp độ khác nhau.
Trần Hậu (dịch từ báo Văn hóa Nga, 2019)
Nguồn Văn nghệ số 19/2019