Diễn đàn lý luận

Đi qua nỗi sợ: Đảo chiều trong cái nhìn trẻ em và những đóng góp của Nguyễn Đình Thi cho văn học thiếu nhi

Trịnh Đặng Nguyên Hương
Lý luận phê bình
08:00 | 25/01/2025
Baovannghe.vn - Bên cạnh những thành công về cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, giọng kể biến hóa, linh hoạt, Cái Tết của Mèo con còn mang tới đóng góp mới khi đề xuất cái nhìn “đảo chiều” về trẻ em. Nhà văn đề cao, ghi nhận những ưu điểm nổi bật của trẻ em và khẳng định: Trẻ em cần người lớn nhưng người lớn cũng cần trẻ em để có được bình an và hạnh phúc. Tác phẩm vì thế đem đến cái nhìn tươi sáng và gửi gắm tư tưởng nhân văn về mối quan hệ gắn bó, hài hòa trong sự hiểu biết và tình yêu thương giữa người lớn và trẻ em.
aa
Đi qua nỗi sợ: Đảo chiều trong cái nhìn trẻ em và những đóng góp của Nguyễn Đình Thi cho văn học thiếu nhi
Cuốn sách "Cái Tết của Mèo con" của nhà văn Nguyễn Đình Thi, tranh của họa sĩ Ngô Mạnh Lân (NXB Kim Đồng)

Truyện thiếu nhi Việt Nam hiện đại thường đề cao ý nghĩa giáo dục, “chức năng giáo dục là chức năng hàng đầu của văn học thiếu nhi” [1, tr.66], các sáng tác cho thiếu nhi cần phải “góp phần bồi dưỡng tư tưởng và tình cảm các em, đào tạo các em thành con người mới toàn diện” [2, tr.45], bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, các tác phẩm viết cho thiếu nhi cần “góp phần hình thành nhân cách và đạo đức của lớp trẻ” [3, tr.27]. Với việc đề cao chức năng giáo dục, có thể thấy, hầu hết các tác phẩm viết cho thiếu nhi thường đề cập tới những câu chuyện xoay quanh trẻ em, ở đó, nhân vật thiếu nhi sống, học tập, vui chơi, trải qua những khó khăn, thử thách khác nhau từ đó học được những bài học để khôn lớn, trưởng thành. Tuy nhiên, có thể vì tập trung hướng tới mục tiêu giáo dục trẻ em và quan niệm trẻ em là đối tượng cần được người lớn quan tâm, yêu thương, chăm sóc nên chủ đề nỗi sợ là một chủ đề dường như vắng bóng trong văn học thiếu nhi Việt Nam. Nằm trong bối cảnh đó, Cái Tết của Mèo con (1961) của Nguyễn Đình Thi (1924-2003) là tác phẩm khá đặc biệt bởi lẽ từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhà văn đã tập trung khai thác nỗi sợ như một chủ đề xuyên suốt. Nỗi sợ có mặt trong nhiều không gian, thời gian khác nhau, làm tê liệt tinh thần cả người lớn và trẻ em.

Đã có một số nghiên cứu đề cập tới truyện ngắn Cái Tết của Mèo con và lý giải thành công của tác phẩm viết cho thiếu nhi duy nhất này của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Phần lớn các bài viết tập trung ca ngợi hình tượng nhân vật Mèo con, chú mèo dũng cảm, dấn thân, dám hành động mà chưa có nghiên cứu nào phát hiện và nhận diện vấn đề nỗi sợ trong tác phẩm. Bài viết là một sự bổ khuyết cần thiết khi phát hiện, nhìn nhận vấn đề nỗi sợ được khai thác như một chủ đề xuyên suốt tác phẩm. Đặc biệt, việc xây dựng hình tượng nhân vật trẻ em biết cách quan sát, nhận diện, tìm ra nguyên nhân của sợ hãi, từ đó tự tìm ra cách thức đi qua nỗi sợ, khích lệ người lớn cùng mình vượt qua sợ hãi là một chủ đề hết sức mới mẻ, độc đáo của tác phẩm. Thông qua câu chuyện tưởng chừng quen thuộc về cuộc sống của trẻ em trong không gian căn nhà, gian bếp, khu vườn, nhà văn cho thấy cái nhìn đảo chiều về vị thế, vị trí của trẻ em trong mối quan hệ với người lớn, từ đó, đề xuất cái nhìn mới mẻ về trẻ em cho văn học thiếu nhi đương đại.

1. Hành trình của tác phẩm Cái Tết của Mèo con

Với cốt truyện giản dị, ngôn ngữ trong sáng, ngôi kể biến hóa linh hoạt, Nguyễn Đình Thi đã góp thêm một tác phẩm mang vẻ đẹp của sương mai để dành tặng bạn đọc trẻ thơ.

Cái Tết của Mèo con là truyện viết cho thiếu nhi đầu tiên và duy nhất của nhà văn tài hoa Nguyễn Đình Thi. Từ khi ra đời (1961) đến nay, bất chấp những biến động của thời gian, cũng như đời sống và tâm sinh lý trẻ em trong xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi so với thế kỷ trước, tác phẩm vẫn được bạn đọc thiếu nhi yêu thích, say mê và vẫn liên tục được tái bản. Với một cốt truyện giản dị, ngôn ngữ trong sáng, ngôi kể biến hóa linh hoạt, Nguyễn Đình Thi đã góp thêm một tác phẩm mang vẻ đẹp của sương mai để dành tặng bạn đọc trẻ thơ.

Tác phẩm được lấy cảm hứng từ chính cái Tết đoàn viên hiếm hoi cùng gia đình và hai con của nhà văn. “Do chiến tranh khốc liệt và điều kiện công tác bận bịu nên nhà văn thường xuyên phải sống xa các con” [4]. Nguyễn Đình Thi sống ở Hà Nội để tiện công tác, còn hai con của ông lại sống ở Hải Phòng cùng bà nội. Đầu năm 1961, nhà văn mới có cơ hội về quê ăn Tết cùng mẹ và các con. Nhìn con gái quấn quýt với chú mèo tam thể, nhà văn nảy ra ý tưởng viết một câu chuyện thiếu nhi có nhân vật trung tâm là chú mèo. Và Cái Tết của Mèo con ra đời, như một món quà nhà văn dành tặng cho các con và bạn đọc trẻ thơ. Năm 1965, truyện được họa sĩ Ngô Mạnh Lân chuyển thể thành phim Mèo con (hoạt hình đen trắng) và nhận được một số giải thưởng quốc tế. Tác phẩm nhanh chóng được bạn đọc thiếu nhi đặc biệt yêu thích, say mê; được đánh giá “là một trong những tác phẩm thiếu nhi dân dã, gần gũi, mang đậm dấu ấn của làng quê Việt Nam” [4] cùng với các tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài và Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam. Bàn về tác phẩm này, nhà văn Lê Phương Liên, người có nhiều năm quan sát và nghiên cứu văn học thiếu nhi cho rằng: Chú mèo của Nguyễn Đình Thi là “một chú mèo dấn thân”, “chú Mèo con nhân vật tượng trưng cho sức mạnh người hiền của nhà văn Nguyễn Đình Thi sẽ còn đồng hành mãi với các thế hệ thiếu nhi Việt Nam” [5]. Tính đến nay, Cái Tết của Mèo con đã được tái bản nhiều lần với những cách trình bày và minh họa phong phú, đa dạng. Có thể quan sát thấy sự xuất hiện của tác phẩm qua bảng thống kê dưới đây.

Đi qua nỗi sợ: Đảo chiều trong cái nhìn trẻ em và những đóng góp của Nguyễn Đình Thi cho văn học thiếu nhi

Bảng 1: Những lần ấn hành của Cái Tết của Mèo con

Bảng thống kê trên cho thấy tác phẩm đã được ấn hành tới 20 lần trong 63 năm bởi hai nhà xuất bản lớn là Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Văn học. Tác phẩm được xuất hiện dưới hình thức: một là tái bản độc lập, hai là nằm trong tuyển tập cùng với các nhà văn khác như Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh ở một tập truyện có tên chung là Cái Tết của Mèo con (Nhà xuất bản Văn học: năm 2017, 2018, 2021). Hoặc năm 2016, Nhà xuất bản Văn học ấn hành Tuyển tập Nguyễn Đình Thi (trọn bộ bốn tập), trong đó Tập 1 có truyện Cái Tết của Mèo con và 10 vở kịch của nhà văn. Tính riêng trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI, Cái Tết của Mèo con được tái bản 15 lần/12 năm, trung bình mỗi năm tái bản ít nhất một lần. Điều đó đã phần nào cho thấy sức hút của tác phẩm đối với công chúng, trong đó có công chúng nhỏ tuổi.

Quan sát hành trình 63 năm của tác phẩm, có thể thấy dù thời gian đổi thay, xã hội có nhiều biến chuyển nhưng câu chuyện về chú mèo nhỏ mang đậm phong vị làng quê Bắc Bộ ở thế kỷ XX vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt với trẻ em. Có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá sức hấp dẫn của tác phẩm nhưng gần như chưa có ý kiến nào đề cập tới vấn đề nỗi sợ. Tuy nhiên, như phần tiếp theo của bài viết sẽ cho thấy, nỗi sợ - chủ đề mà hầu hết các câu chuyện cho trẻ em ít hoặc tránh đề cập đến - có thể là một trong những lý do tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của truyện ngắn này.

2. Nỗi sợ - Một khám phá mới về chủ đề trong truyện thiếu nhi

Văn học thiếu nhi có thể đề cập tới những nỗi sợ khác nhau ở trẻ em nhưng triển khai thành một chủ đề xuyên suốt thì có lẽ Cái Tết của Mèo con của Nguyễn Đình Thi là tác phẩm đầu tiên và tính đến nay là tác phẩm duy nhất. Nhà văn đã phát hiện và triển khai một chủ đề ít được đề cập trong văn học dành cho trẻ em: nỗi sợ. Những truyện kể dân gian có ít nhiều đề cập tới nỗi sợ như: cô Tấm sợ dì ghẻ, dì bắt làm gì cũng nhất nhất vâng lời (Tấm Cám) [6, tr.116]; sợ giết phải con trăn của nhà vua nên Thạch Sanh trốn đi (Thạch Sanh) [7, tr.515]; sợ có thể chết ngoài hoang đảo nên vợ An Tiêm khóc (Sự tích dưa hấu) [8, tr.98]. Những truyện kể dành cho thiếu nhi thời hiện đại cũng thấp thoáng những chi tiết về nỗi sợ: Dế Mèn sợ cái mỏ cứng như sắt của chị Cốc mổ trúng (Dế Mèn phiêu lưu ký - Tô Hoài) [9, tr.16, 37]; An và thằng Cò sợ hổ, sợ ma cọp trong rừng (Đất rừng phương Nam - Đoàn Giỏi) [10, tr.185, 188]; những đứa trẻ sợ khu rừng thưa xóm Miễu có con cọp đã thành tinh (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Nguyễn Nhật Ánh) [11, tr.123]; sợ chết đói, chết rét vì lạc trong rừng (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần) [12, tr.72]; hay nỗi sợ thầy cô, bố mẹ phạt trách khi mắc lỗi trong nhiều truyện thiếu nhi khác... Nỗi sợ mang nhiều “gương mặt” và biểu hiện khác nhau trong văn học thiếu nhi nhưng thường chỉ xuất hiện qua một hoặc một vài chi tiết nhỏ, điểm xuyết trong những câu chuyện dành cho trẻ em. Ở Cái Tết của Mèo con, điều đặc biệt là xuyên suốt truyện ngắn, nhà văn dùng nhiều từ ngữ, khi trực tiếp, lúc gián tiếp để đặc tả nỗi sợ của hầu hết các nhân vật thuộc nhiều độ tuổi khác nhau trong tác phẩm. Những từ ngữ cùng hướng về một ý nghĩa đó đã khiến nỗi sợ trở thành chủ đề xuyên suốt truyện ngắn Cái Tết của Mèo con. Điều này dường như ngược hướng với những “tín hiệu” đưa ra ở nhan đề tác phẩm. Từ “cái Tết” gợi ra vẻ đẹp của mùa xuân và niềm vui năm mới, “Mèo con” gợi sự ngộ nghĩnh, ngây thơ, đáng yêu. Quan hệ từ “của” nhân lên niềm vui và sự háo hức trẻ thơ khi được đón mùa xuân đầu tiên trong cuộc đời. Giữa nhan đề tác phẩm báo hiệu niềm vui và chủ đề nỗi sợ dường như có sự vênh lệch không nhỏ. Vậy đâu là sự gắn kết, là mối liên hệ giữa hai nội dung này? Có thể quan sát bảng thống kê dưới đây để tìm hiểu cụ thể hơn về điều đó.

STT

Trích dẫn trong văn bản

Nhân vật và tình huống

Ghi chú

1

“Hai con mắt xanh sợ hãi (1), nhìn lên hấp háy” [13, tr.7]

Mèo con khi mới về nhà Bống

Nỗi sợ được biểu hiện trực tiếp

2

“Cứ để nó dưới bếp, nó kêu cho chuột sợ (2)” [13, tr.7]

Mẹ Bống dặn để Mèo con dưới bếp

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp: Mẹ Bống hy vọng chuột sẽ sợ mèo

3

“Mèo con sợ (3) quá” [13, tr.8]

Nghe tiếng bác Nồi đồng trong bóng tối, Mèo con sợ

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

4

“Bị một mẻ mất hồn” [13, tr. 8]

Chị Chổi nói về bác Nồi đồng

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua cách diễn đạt khác

5

“Ối eo ôi, có mèo!

Một con chuột ngã lăn đùng ra” [13, tr.9]

Lời nói và hành động của một tên chuột nhắt khi thấy Mèo con trong bếp.

Nỗi sợ được biểu hiện qua lời nói, hành động

6

“Cổ họng Mèo con cứ sít lại, không kêu được nữa” [13, tr. 9]

Phản ứng của Mèo con khi thấy Chuột cống đến

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp

7

“Thằng mèo nhép... sợ (4) gì” [13, tr.9]

Lời một thằng chuột nhắt

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

8

“Mèo con lùi mãi vào sát vách, bốn chân chú run cả lên” [13, tr.9]

Phản ứng của Mèo con trước Chuột cống

Gián tiếp qua hình ảnh, từ đồng nghĩa

9

“Chú mình sắp đái dầm rồi hay sao thế?” [13, tr.9]

Lời Chuột cống nói với Mèo con

Gián tiếp qua hình ảnh phóng đại

10

Run như cầy sấy” [13, tr.10]

Cảm giác của bác Nồi đồng trước bọn Chuột

Gián tiếp qua hình ảnh phóng đại

11

Sợ (5) thằng Chuột cống quá” [13, tr.15]

Mèo con nghĩ về chị Chổi

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

12

Yếu bóng vía, rúm cả người, không kêu được” [13, tr.15]

Mèo con nghĩ về mình

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua từ ngữ, hình ảnh miêu tả nỗi sợ

13

“Anh đi đâu mà lấm lét thế?” [13, tr.16]

Mèo con hỏi Gián đất

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua từ ngữ miêu tả nỗi sợ

14

“Bé thì phải sợ (6) kẻ nào lớn” [13, tr.16]

Lời Gián đất

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

15

“Có sợ (7) tôi không?” [13, tr.16]

Mèo con hỏi Cóc tía

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

16

“Việc gì mà sợ (8)” [13, tr.16]

Lời Cóc tía

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

17

“Sao cậu không sợ (9) (...) nhỏ yếu thì phải sợ (10) kẻ khác” [13, tr.17]

Lời Mèo con hỏi Cóc tía

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

18

“Việc gì mà sợ (11) ai”

“Cứ sợ (12) thì ngồi nhịn đói”

“Gian ác nó mới phải sợ (13)” [13, tr.17]

Lời Cóc tía nói với Mèo con

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

19

Kêu thất thanh, kêu te tái” [13, tr.17]

Phản ứng của Gà mẹ khi thấy rắn Hổ mang

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua hình ảnh

20

“Quác quác, chết chết” [13, tr.18]

Tiếng kêu của gà mái khi thấy rắn Hổ mang

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua từ ngữ

21

Lạnh người” [13, tr.18]

Mèo Con sợ rắn Hổ mang

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp qua từ đồng nghĩa với sợ

22

“Nhắm mắt lại rùng mình” [13, tr.19]

Phản ứng của bác Nồi đồng khi nghĩ đến Chuột cống

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua hình ảnh

23

Sợ (14) toát cả mồ hôi” [13, tr.20]

Bác Nồi đồng khi thấy Chuột cống đến

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp và kết hợp với hình ảnh phóng đại

24

“Bác Nồi đồng bưng mặt, mồ hôi rỏ giọt tong tong” [13, tr.20]

Phản ứng của bác Nồi đồng

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua hành động, biểu cảm của nhân vật

25

“Không sợ (15) (...) Mình cứ sợ (16) nó mới làm ngang ngược” [13, tr.20]

Lời Mèo con nói với bác Nồi đồng và chị Chổi

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

26

“Mèo con lại rợn” [13, tr.21]

Cảm giác của Mèo con khi nghĩ tới Chuột cống to lớn và gian ác, lọc lõi

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp qua từ đồng nghĩa với sợ

27

“Quên cả sợ (17)” [13, tr.23]

Phản ứng của chị Chổi khi thấy Mèo con nguy khốn

Nỗi sợ biểu hiện trực tiếp

28

“Chuột cống hoảng hốt” [13, tr.23]

Tâm trạng Chuột cống

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua từ đồng nghĩa

29

“Thôi chết tôi rồi!” [13, tr.23]

Lời nói của Chuột cống

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua từ gần nghĩa

30

“Lũ chuột chạy bán sống bán chết” [13, tr.24]

Phản ứng của lũ chuột nhắt sau khi Chuột cống bị Mèo con hạ gục

Nỗi sợ biểu hiện gián tiếp qua hình ảnh

Bảng 2: Những câu văn thể hiện nỗi sợ trong Cái Tết của Mèo con (TĐNH in đậm để nhấn mạnh)

Bảng thống kê trên cho thấy:

Từ “sợ” xuất hiện 17 lần gọi tên trực tiếp cảm giác sợ hãi của các nhân vật: Mèo con, bác Nồi đồng, chị Chổi, Gián đất, Cóc tía, bọn chuột nhắt. Trạng thái sợ hãi được đề cập gián tiếp tới 17 lần qua những từ đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc qua những hình ảnh so sánh, phóng đại, gắn liền với các nhân vật: chị Gà, lão Chuột cống, Mèo con, bác Nồi đồng. Trong số đó, có những hình ảnh thể hiện nỗi sợ cao độ như: run như cầy sấy (bác Nồi), đái ra quần (lão Chuột cống nói về mèo con), rúm cả người (Mèo con), chạy bán sống bán chết (lũ chuột nhắt).

Đi qua nỗi sợ: Đảo chiều trong cái nhìn trẻ em và những đóng góp của Nguyễn Đình Thi cho văn học thiếu nhi
Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh

Nỗi sợ xuất hiện vào hai khoảng thời gian và hai không gian khác nhau: nỗi sợ ban ngày gắn liền với không gian vườn và hình ảnh rắn Hổ mang tàn ác; nỗi sợ gắn liền với bóng đêm ở không gian bếp gắn liền với hình ảnh lão Chuột cống to khỏe, tham lam, lọc lõi và ác độc, đã cắn chết mấy chú mèo trước khi Mèo con đến nhà Bống. Như vậy, đây là những nỗi sợ có thực, không phải nỗi sợ vu vơ hay từ những tưởng tượng đồn đại do ai đó gieo rắc như sợ ma, sợ quỷ, sợ bóng tối thường thấy với trẻ em. Nỗi sợ xuất hiện cả ban ngày và ban đêm, gắn với không gian vườn và bếp, chi phối cử chỉ, hành động, suy nghĩ và những cuộc trò chuyện giữa các nhân vật, điều đặc biệt là nỗi sợ xuất hiện cả ở phía nhân vật tốt và nhân vật xấu, ở cả phe thắng và phe thua.

Cái Tết của Mèo con là một truyện ngắn, dù vậy, tần số xuất hiện của những từ “sợ” và đồng nghĩa với “sợ” dày đặc, gắn liền với hầu hết các nhân vật đã cho thấy, chủ đề nổi bật của tác phẩm chính là: nỗi sợ. Với chủ đề này, Nguyễn Đình Thi đã phát hiện và mang tới một góc nhìn mới cho truyện thiếu nhi: Nỗi sợ có thể đến từ bất cứ đâu trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng có thể sợ dù là người tốt hay kẻ xấu, dù là người lớn hay trẻ em. Nỗi sợ có thể mang nhiều hình dáng, biểu hiện, tới từ những nguy cơ và thời gian, không gian khác nhau. Cần thấy điều đó là bình thường, từ đó biết quan sát để nhận diện và ứng phó với nỗi sợ, đi qua nỗi sợ. Trong câu chuyện về nỗi sợ, đôi khi, trẻ em lại có năng lực đặc biệt trong việc nhận diện và ứng phó, điều này người lớn cần ghi nhận, ngợi khen để bồi đắp ở trẻ em những yếu tố tạo nên đứa trẻ bản lĩnh ở tương lai.

3. Đi qua nỗi sợ: Đảo chiều trong cái nhìn về nhân vật trẻ em

Trong cuốn sách Nhập môn văn học trẻ em, giáo sư Kimberly Reynolds - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế về Văn học trẻ em (2003-2007), người đã từng nhận nhiều giải thưởng quốc tế danh giá vì những đóng góp cho lĩnh vực này - đặc biệt nhấn mạnh rằng văn học trẻ em “là một trong những cách sớm nhất mà trẻ em tiếp xúc với câu chuyện, nó đóng một vai trò đầy sức mạnh trong việc hình thành nên cách chúng ta nghĩ và hiểu về thế giới” [14, tr.18]. Nhận định trên cho thấy văn học thiếu nhi có ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc góp phần tạo nên thế giới quan của trẻ em, giúp trẻ em hiểu về thế giới. Các nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu hiện nay cũng có chung quan điểm với những nhà phê bình đầu tiên về văn học thiếu nhi rằng “thời thơ ấu và tuổi thiếu niên được coi là thời gian học hỏi tối đa, đó là khi tính cách được hình thành” [14, tr.68], vì thế, những gì trẻ em đọc thời thơ ấu có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển nhận thức, bồi đắp tâm hồn và góp phần định hình tính cách trẻ em sau này. Như vậy, nếu một tác phẩm gợi mở cho trẻ em sự quan sát, đánh thức khát vọng hiểu biết về bản thân và những người xung quanh, đánh thức lòng dũng cảm, dám bảo vệ điều tốt đẹp thì đó thực sự là một tác phẩm văn học cần thiết và quý giá.

Đi qua nỗi sợ: Đảo chiều trong cái nhìn trẻ em và những đóng góp của Nguyễn Đình Thi cho văn học thiếu nhi
Tranh của họa sĩ Văn Dương Thành

Ngoài việc đề cập tới chủ đề ít thấy trong sáng tác cho thiếu nhi, Cái Tết của Mèo con còn mang tới những trải nghiệm quý báu cho trẻ em về cách thức đối diện và đi qua sợ hãi. Hình ảnh Mèo con non nớt, vừa dứt vú mẹ đã phải đến một ngôi nhà xa lạ, bị buộc chân vào cái kiềng bếp, một mình trong bóng tối và đối mặt với cả đàn chuột gian ác mang đến cho mỗi bạn đọc thiếu nhi những kinh nghiệm sống động về nỗi sợ và việc làm thế nào để đi qua nỗi sợ. Dù bé nhỏ, ngây thơ, chưa được học bất cứ bài học nào về việc chiến đấu, Mèo con đã chú ý quan sát, chịu khó học hỏi và giành chiến thắng giòn giã trước rắn Hổ mang và Chuột cống. Vì thế, câu chuyện của Mèo con đã truyền cảm hứng về lòng dũng cảm, sự tự tin, mang đến cho trẻ em niềm vui được đồng hành và cùng chiến thắng với chú mèo.

Trong truyện ngắn, Mèo con có hai trận giao tranh ác liệt, dữ dội. Trận giao chiến thứ nhất là với rắn Hổ mang ở ngoài vườn, dưới ánh sáng mặt trời. Trận thứ hai là với Chuột cống ở trong bếp, giữa đêm khuya. Hai trận chiến đều cho thấy sự chênh lệch lớn giữa Mèo con và các đối thủ. Mèo con ngây thơ, nhỏ bé, không có kinh nghiệm “chiến đấu”, ngược lại Hổ mang và Chuột cống đều to lớn, khỏe mạnh, dày dạn kinh nghiệm, rắn còn có nọc độc, Chuột cống có cả đám chuột đàn em trợ giúp. Điều gì đã khiến Mèo con có thể đi qua sự nhút nhát, sợ hãi để dám đối mặt với kẻ xấu, kẻ ác vốn mạnh hơn mình gấp nhiều lần?

Trong trận chiến với Hổ mang, Nguyễn Đình Thi đã miêu tả diễn biến tâm trạng của Mèo con chân thực, sinh động với những bước chuyển tâm lý tinh tế. Ban đầu, khi nghe tiếng chị Gà mái kêu cứu thất thanh, Mèo con không tránh khỏi cảm giác “lạnh người” [13, tr.18]. Chỉ là một chú mèo bé, nên Mèo con thấy sợ, nhất là khi nhìn thấy “Một con rắn đang bạnh to cổ, lắc lư cất cao cái đầu, trườn mình lên ổ trứng gà đang ấp” [13, tr.18]. Nhưng trong tình thế nguy nan, gà mẹ cuống cuồng sợ hãi, cầu cứu cậu Miu “cứu lấy ổ trứng của tôi”, Mèo con đã “không kịp suy nghĩ gì, nhảy chồm lên giữa mình Hổ mang” [13, tr.18]. Chi tiết này cho thấy, tình cảm yêu thương, tinh thần sẵn sàng tương trợ đã trở thành động lực giúp Mèo con vượt qua nỗi sợ hãi trước mặt. Thêm vào đó, khi được chị gà mách nước, Mèo con đã nhanh chóng học được cách nhảy vòng tròn quanh con rắn. Nhờ đó, Hổ mang không mổ trúng Mèo con được phát nào. Mẹ Bống xuất hiện kịp thời, dùng đòn gánh giáng xuống Hổ mang, giúp Mèo con kết thúc trận chiến. Chị Gà cảm ơn “cậu Miu” mãi, còn mẹ Bống thì ngợi khen: “Con Miu này thế mà gan, nó đánh nhau mãi với con rắn đấy!” [13, tr.19]. Từ chỗ yếu ớt đến gan dạ, dũng cảm, thực ra, Mèo con đã “đi qua” cả một chặng đường dù chỉ mấy ngày ở nhà Bống. Sau khi chạm trán bọn chuột lần đầu tiên, Mèo con không bị nỗi sợ làm cho tê liệt. Thoát khỏi sợi dây trói, chú khám phá mọi ngóc ngách từ trên nhà xuống bếp, từ trong sân đến ngoài vườn, “chỗ nào cũng có những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện làm cho Mèo con ngẫm nghĩ” [13, tr.17]. Gặp Gián đất, Mèo con nhận ra, nỗi sợ khiến người ta yếu hèn, luồn cúi. Gặp Cóc tía, Mèo con hiểu về việc không làm việc xấu thì không có gì đáng sợ, có thể sống ngay thẳng, vững vàng. Trò chuyện với cây cau, Mèo con biết vuốt sắc của mình dùng để bắt chuột; vờn bắt chị bướm, Mèo con học được sự nhanh nhẹn, linh hoạt và hiểu cảm giác xấu hổ vì vồ trượt. Việc khám phá không gian sống, tìm cách trò chuyện, học hỏi với tất cả mọi người xung quanh đã giúp Mèo con có thêm vốn sống, thêm kinh nghiệm và từng bước đi qua nỗi sợ, dám đối mặt với nỗi sợ.

Việc khám phá không gian sống, tìm cách trò chuyện, học hỏi với tất cả mọi người xung quanh đã giúp Mèo con có thêm vốn sống, thêm kinh nghiệm và từng bước đi qua nỗi sợ, dám đối mặt với nỗi sợ.

Trận chiến thứ hai là trận chiến đặc biệt nguy hiểm của Mèo con với Chuột cống. Đây là đối thủ đáng gờm bởi đã từng cắn chết mấy chú mèo to hơn Mèo con trước đây. Chỉ nghe nhắc đến Chuột cống là bác Nồi đồng đã “sợ toát cả mồ hôi” [13, tr.20], còn chị Chổi thì “nín thít” [13, tr.8]. Chuột cống cùng lũ đàn em luôn là tai họa với căn bếp vì chúng sẽ vật bác nồi ra để đánh chén thức ăn bà cất trong nồi, chị Chổi thì bị lôi đi, dìm xuống rãnh nước bẩn sau bếp. Quan sát nỗi sợ của mọi người và cả nỗi sợ của chính mình, Mèo con ngẫm nghĩ mãi. Chú phát hiện ra nguyên nhân của nỗi sợ hóa ra đến từ việc quá sợ hãi: “Tại chị Chổi chị ấy sợ thằng Chuột cống quá đấy thôi, cũng như mình yếu bóng vía thành ra cứ rúm cả người, đến nỗi không kêu được nữa” [13, tr.15]. Nỗi sợ khiến tất cả như tê liệt trước bọn cướp đến từ bóng đêm. Trận chiến với Hổ mang đã khiến Mèo con nhận ra, kẻ thù to khỏe thực ra không quá đáng sợ nếu dũng cảm, quyết tâm và nhận ra được điểm yếu của kẻ thù. Nhận thức đó được củng cố khi chú trò chuyện với Cóc tía và thấy Cóc dù nhỏ bé nhưng rất ung dung, bình thản sống trong vườn. Hiểu được vấn đề, Mèo con quyết tâm chiến đấu với Chuột cống và chú vận động cả bác Nồi đồng và chị Chổi cùng đánh chuột: “Bác to nặng thế, đánh được đấy, còn chị Chổi thì hôm nọ chị giáng cho tôi một đòn đau khiếp. Tại mình cứ sợ, nó mới làm ngang ngược vậy” [13, tr.20]. Những lời nói của Mèo con đã khiến bác Nồi và chị Chổi băn khoăn, suy nghĩ.

Rồi Tết cũng sắp đến, bà Bống đi chợ Tết. Bác Nồi đồng giờ đây đầy ắp thịt kho, cá kho, giò mỡ, giò thủ và nhiều thức ăn ngon lành khác để chuẩn bị cho năm mới. Dù biết trước thế nào Chuột cống và đồng bọn cũng đến, Mèo con thức chờ nhưng chú vẫn không tránh khỏi những tâm trạng trái ngược. Khi thì “tức giận nóng sôi người” [13, tr.21], chỉ mong thằng khốn khiếp đó đến ngay để đánh nhau, có lúc lại thấy rợn bởi thằng chuột ấy to quá, nó già lõi đời, khôn ngoan, lại có cả một lũ chuột đàn em. “Một mình Mèo con liệu có chống đỡ nổi với cả bọn chúng nó không?” [13, tr.21]. Đêm hôm, trên nhà ngủ say cả, có ai biết mà xuống giúp Mèo con được. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã rất “cao tay” khi phát hiện ra những mâu thuẫn trong tâm trạng của chú mèo nhỏ. Trạng thái phân vân, băn khoăn ấy cho thấy từ lời nói đến hành động, từ quyết tâm đến hiện thực hóa quyết tâm luôn là khoảng cách lớn không dễ vượt qua. Điều này không chỉ là vấn đề của trẻ em mà cũng là tấm gương mỗi người lớn soi vào có thể nhận ra những yếu đuối, bất lực của bản thân mình. Nếu không đủ ý chí, quyết tâm khó có thể thực hiện được dự định mà mình đã đặt ra.

Nhưng rồi, Mèo con cũng đã đi qua trạng thái phân vân, băn khoăn ấy khi Chuột cống xuất hiện. Chú kêu lên dữ tợn “khác hẳn mọi khi” [13, tr.21], chú dõng dạc từ chối không để Chuột cống dụ dỗ, chú nhận ra kẻ thù to khỏe hơn nên không thể đánh giáp lá cà mà vận dụng miếng võ đã học được hôm đánh nhau với rắn Hổ mang. Chú “thoăn thoắt nhảy bên này, vọt bên kia, đánh nhiều đòn trúng vào mõm kẻ địch và cào nó sây sát” [13, tr.22]. Chú cũng không tránh khỏi việc bị thương, máu đã “loang lổ cả lông trắng” [13, tr.23]. Trận chiến dữ dội và ác liệt, một sống một chết với Chuột cống cho thấy Mèo con đã không còn là chú mèo mới đến nhút nhát hôm nào. Thay vào đó, là một dũng sĩ mèo, quả cảm và thông minh trong giao chiến. Nhưng rồi, Mèo con bất ngờ vấp phải một thanh gộc tre và bị Chuột cống vật ngã ngửa. Tính mạng của chú giờ đây hoàn toàn nằm trong tay tên chuột già. May thay, bác Nồi và chị Chổi lập tức cứu nguy, tới tấp tấn công để hỗ trợ Mèo con. Mèo con nhanh chóng chuyển bại thành thắng và kết liễu đời tên chuột già gian ác. Chú còn đuổi lũ chuột đàn em chạy bán sống bán chết. Đi qua trận giao tranh, không chỉ Mèo con đã chiến thắng nỗi sợ của bản thân mình mà cả chị Chổi, bác Nồi cũng đã mạnh mẽ hơn và vượt qua được cảm giác tê liệt vì sợ hãi bấy lâu. Niềm vui của Mèo con cũng là niềm vui của bác Nồi, chị Chổi, của gian bếp và cả gia đình Bống, vì từ nay không bị chuột phá phách, cả nhà sẽ được đón một cái Tết bình yên.

Đi qua nỗi sợ: Đảo chiều trong cái nhìn trẻ em và những đóng góp của Nguyễn Đình Thi cho văn học thiếu nhi
Tranh của họa sĩ Phan Thị Na

Hình tượng chú mèo bé nhỏ mà nhà văn Nguyễn Đình Thi khắc họa trong tác phẩm, đặt trong tương quan với các nhân vật “người lớn” như chị Gà mái, bác Nồi, chị Chổi, Gián đất có thể xem như một ẩn dụ về mối quan hệ giữa trẻ em và người lớn mà nhà văn Nguyễn Đình Thi muốn gửi gắm. Qua câu chuyện về sự xuất hiện của chú mèo bé nhỏ, chưa biết Tết là gì, nhà văn kể về những nguy cơ của đời sống. Ở đó, cả nhân vật người lớn và trẻ em đều bị đặt vào tình thế nguy hiểm và trạng thái sợ hãi. Nguy cơ đến từ những kẻ ác độc, nham hiểm ban ngày mà đại diện là rắn Hổ mang; đến từ những kẻ cướp xuất hiện cùng bóng đêm như Chuột cống và đàn em khiến tất cả rơi vào trạng thái sợ hãi và bất lực. Trong hoàn cảnh ấy, sự tò mò trẻ thơ đã thôi thúc Mèo con quan sát, tìm hiểu nỗi sợ của mình và những người xung quanh. Chú tự hỏi: Tại sao lại sợ, cái gì khiến mình và mọi người sợ hãi đến vậy? Người yếu có cần sợ kẻ mạnh hay không? Nên sống đàng hoàng như Cóc tía hay chui lủi để bảo vệ bản thân như Gián đất? Rồi Mèo con tìm thấy câu trả lời, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, chú lại biết hỗ trợ, động viên chị Gà, bác Nồi, chị Chổi cùng chiến đấu và giành chiến thắng. Câu chuyện đã cho thấy cái nhìn mang tính “đảo chiều” trong quan niệm về trẻ em của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Trong quan niệm chung: Trẻ em là đối tượng phụ thuộc, yếu thế, luôn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người lớn, nhất là khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Nhưng ở tình huống đặc biệt trong Cái Tết của Mèo con, người đọc lại “vỡ òa” khi được chứng kiến sự thông minh, gan dạ, dũng cảm hơn hẳn người lớn ở nhân vật trẻ em. Trẻ em không chỉ tìm ra cách đối mặt với hiểm nguy mà còn hỗ trợ, bảo vệ người lớn, khích lệ người lớn cùng đi qua nỗi sợ. Bác Nồi, chị Chổi, chị Gà mái nhờ Mèo con mà được an toàn, ngôi nhà của mẹ con Bống, nhờ Mèo con mà được yên ổn không bị rắn, chuột phá phách. Việc đề cao vai trò của trẻ em trong sự miêu tả, phân tích với những diễn biến hợp lý đã cho thấy cái nhìn “đảo chiều” trong quan niệm về trẻ em của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Nhà văn không đứng ở vị thế một người lớn nhìn xuống trẻ em mà đứng ở vị trí người quan sát khách quan với cái nhìn ấm áp, nhân hậu. Trong sự quan sát đó, nhà văn tạo cho nhân vật trẻ em khoảng trống tự do nhất định để tự quan sát, học hỏi và độc lập giải quyết các vấn đề của mình. Quan niệm ấy được thể hiện qua hình ảnh chú Mèo con khi đủ lớn được tách khỏi mẹ, mang đến nhà Bống để bắt đầu cuộc sống tự lập, tự chủ. Trẻ em cần khoảng trống, cần có tự do và cả những giới hạn cụ thể để được an toàn và trưởng thành cũng là một “đề xuất” mà nhà văn gửi gắm qua truyện ngắn Cái Tết của Mèo con. Trẻ em cần được yêu thương, được quan tâm, chú ý nhưng cũng cần có sự độc lập, tự chủ nhất định để rèn tập sự vững vàng, rèn luyện bản lĩnh và lòng dũng cảm, chuẩn bị cho sự trưởng thành sau này. Có thể thấy, những vấn đề nhà văn Nguyễn Đình Thi đặt ra trong tác phẩm vừa mới mẻ, tiến bộ vừa mang tinh thần hiện đại, mà đến thế kỷ XXI, những vấn đề này vẫn còn phát huy ý nghĩa và tính thiết thực. Có thể đó cũng là lý do tạo nên sức hấp dẫn vượt thời gian của câu chuyện nhỏ về một chú mèo con. Ra đời ở thế kỷ XX, chú mèo của Nguyễn Đình Thi đã đồng hành cùng bạn đọc thiếu nhi bước sang thế kỷ XXI, gặp gỡ với Mèo Gấu và Mèo Áo Hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ), giao lưu cùng chú mèo Joba đã tìm ra cách dạy hải âu bay của Luis Sepúlveda (Chuyện con mèo dạy hải âu bay), góp phần bồi đắp trí tưởng tượng, mơ ước, khát vọng cũng như giúp trẻ em tin rằng: Mọi nỗi sợ đều có thể đi qua, mọi ước mơ nếu cố gắng thì luôn tìm ra cách để biến điều ước thành hiện thực.

Kết luận

Mùa xuân đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi nhân vật trẻ em đã tìm ra cách để đi qua nỗi sợ, hỗ trợ người lớn cùng mình vượt qua nỗi sợ trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, tác phẩm có ý nghĩa thiết thực đối với nhận thức và hành động của trẻ em, bồi đắp trải nghiệm về nỗi sợ qua văn chương giúp trẻ em vững vàng nếu phải đối mặt với những hoàn cảnh gây sợ hãi.

Cái Tết của Mèo con là truyện ngắn duy nhất viết cho thiếu nhi của Nguyễn Đình Thi. Tác phẩm đã đồng hành với bạn đọc tuổi thơ và những bạn đọc từng đi qua tuổi thơ trong hơn nửa thế kỷ qua. Điều đó khẳng định ý nghĩa và giá trị vượt thời gian cũng như những đóng góp của tác phẩm cho văn học thiếu nhi Việt Nam. Tác phẩm mang đến một câu chuyện đồng thoại tưởng như quen thuộc về những con vật, đồ vật gần gũi nhưng lại hấp dẫn, mới mẻ vì tập trung khắc họa nỗi sợ của cả người lớn và trẻ em trong cuộc sống đời thường. Nỗi sợ trở thành chủ đề độc đáo của tác phẩm. Nhà văn kể về nỗi sợ, thừa nhận sự có mặt của nỗi sợ, những bất lực của các nhân vật khi đối mặt với hiểm nguy nhưng cũng cho thấy vì có nỗi sợ mà lòng dũng cảm xuất hiện. Mùa xuân đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi nhân vật trẻ em đã tìm ra cách để đi qua nỗi sợ, hỗ trợ người lớn cùng mình vượt qua nỗi sợ trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, tác phẩm có ý nghĩa thiết thực đối với nhận thức và hành động của trẻ em, bồi đắp trải nghiệm về nỗi sợ qua văn chương giúp trẻ em vững vàng nếu phải đối mặt với những hoàn cảnh gây sợ hãi.

Bên cạnh những thành công về cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, giọng kể biến hóa, linh hoạt, Cái Tết của Mèo con còn mang tới đóng góp mới khi đề xuất cái nhìn “đảo chiều” về trẻ em. Nhà văn đề cao, ghi nhận những ưu điểm nổi bật của trẻ em và khẳng định: Trẻ em cần người lớn nhưng người lớn cũng cần trẻ em để có được bình an và hạnh phúc. Tác phẩm vì thế đem đến cái nhìn tươi sáng và gửi gắm tư tưởng nhân văn về mối quan hệ gắn bó, hài hòa trong sự hiểu biết và tình yêu thương giữa người lớn và trẻ em.

Tài liệu tham khảo

1. Võ Quảng (2003), Mấy suy nghĩ về đặc trưng và chức năng giáo dục của văn học thiếu nhi, in trong Bách khoa thư văn học thiếu nhi, Vân Thanh và Nguyên An biên soạn, Nxb Từ điển Bách khoa, H, tr.63-67.

2. Vân Thanh (1999), Phác thảo văn học thiếu nhi Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.

3. Thanh Tâm Nguyễn (2023), Dòng chảy lấp lánh, Nxb Kim Đồng, H.

4. Thụy Oanh (2016), “Nguyễn Đình Thi và cái tết ấm áp của mèo con”, Zingnews.

5. Lê Phương Liên (2017) “Cái Tết của Mèo con: Một chú mèo dấn thân”, Zingnews.

6. Trí Tuệ (tuyển chọn và biên soạn) (2019), “Tấm Cám”, Thơ - truyện cổ tích dành cho thiếu nhi, Nxb Văn học, H.

7. Nguyễn Đổng Chi (tuyển chọn và biên soạn) (2000), “Thạch Sanh”, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 2), Nxb Giáo dục, H.

8. Nguyễn Đổng Chi (tuyển chọn và biên soạn) (2000), “Sự tích dưa hấu”, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 1), Nxb Giáo dục, H.

9. Tô Hoài (2021), Dế Mèn phiêu lưu ký (Đậu Đũa minh họa), Nxb Kim Đồng, H.

10. Đoàn Giỏi (2020), Đất rừng phương Nam, Nxb Kim Đồng, H.

11. Nguyễn Nhật Ánh (2015), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nxb Trẻ, Tp.HCM.

12. Nguyễn Ngọc Thuần (2020), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nxb Trẻ, Tp.HCM.

13. Nhiều tác giả (2016), Cái Tết của Mèo con, Nxb Văn học, H.

14. Kimberly Reynolds (2024), Nhập môn văn học trẻ em (Phạm Phương Chi, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Diệu Linh dịch), Nxb Văn học, H.

Bài công bố lần đầu trên Tạp chí Khoa học - Đại học Thủ Đô, số 91, tháng 12/2024.
Cho một ngày mới - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Cho một ngày mới - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Baovannghe.vn- Tĩnh lặng - Tĩnh tại - Tĩnh không/ tĩnh mong cảm cõi mênh mông sâu dày
Mùa quả chín - Thơ Đỗ Minh Dương

Mùa quả chín - Thơ Đỗ Minh Dương

Baovannghe.vn- Vừa nhỏ nhoi hạt giống/ đã mọc thành mầm cây
Nhớ nhà sàn của mế - Thơ Chung Tiến Lực

Nhớ nhà sàn của mế - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Cứ như người khổng lồ/ Đi đôi chân cà kheo
Bộ GD&ĐT: giải bài toán thiếu giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bộ GD&ĐT: giải bài toán thiếu giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Baovannghe.vn - Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đọc truyện: Nữ hoàng đậu phụ . Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên

Đọc truyện: Nữ hoàng đậu phụ . Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương