Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say, câu ca xưa không chỉ tái dựng không gian xứ Quảng với những vùng đất trù phú ở duyên hải miền Trung Việt Nam mà còn thể hiện cái nhìn tự hào, đầy yêu thương của người sáng tác về cảnh sắc, sản vật và ân tình của người xứ Quảng. Quảng Nam cũng là mảnh đất “địa linh” với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của dân tộc như Phan Khôi, Trinh Đường, Lê Trí Viễn, Bùi Giáng, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Ý Nhi, Tần Hoài Dạ Vũ, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Nhật Ánh... Quê hương Quảng Nam đã kết tạo, vun đắp nên những tài năng và như một sự hồi đáp, sáng tác của các nhà văn xứ Quảng cũng tái dựng sắc màu muôn vẻ của quê hương qua trang sách. Trong số đó, không thể không kể tới Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn viết cho thiếu nhi hàng đầu của văn học Việt Nam đương đại. Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn xứ Quảng, người luôn định vị quê hương Quảng Nam trong từng trang sách viết về tuổi thơ, viết cho tuổi thơ.
Ba tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được khảo sát trong bài viết |
Sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh tái dựng không gian thành công hai mảng không gian: thành phố và nông thôn. Nhưng không gian làng quê, gắn liền với cái tên làng Đo Đo đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Đúng như chính nhà văn quan niệm “làng quê luôn là một khái niệm văn hóa. Một nhân vật đi từ ngã tư này tới góc phố kia chỉ gợi nên sự di chuyển, nhưng một nhân vật đi từ chiếc cổng làng ra bến sông lại gợi lên biết bao nhiêu là kỷ niệm trong lòng người” [11, tr.57]. Nguyễn Nhật Ánh (1955) “ra đời tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam” [11, tr.110]. Quê hương Quảng Nam hiện diện trong truyện ngắn, truyện dài, tản văn của ông qua những địa danh như Đo Đo, Trà Long, Thăng Bình, Hà Lam, Kế Xuyên. Trong đó, địa danh “Đo Đo” có lẽ xuất hiện nhiều nhất và gây ấn tượng sâu đậm với độc giả qua những tác phẩm như Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngồi khóc trên cây, Mùa hè không tên, Người Quảng đi ăn mì Quảng, Thương nhớ Trà Long, Sương khói quê nhà... Nguyễn Nhật Ánh kể rằng: “Đo Đo là một ngôi làng nhỏ ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong quãng thời gian đầu đời vô tư lự” [5, tr.22]. Dù chỉ gắn bó với làng Đo Đo tám năm đầu đời, nhưng “không hiểu sao rất lâu về sau tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm ở ngôi làng đơn sơ đó” [5, tr.22]. Hình ảnh quê hương cùng những kỷ niệm tuổi nhỏ ở làng sau này “đã đi vào trang sách của tôi như những phản quang tuyệt vời của kỷ niệm” [5, tr.23]. Không dừng ở đó, nhà văn còn mở một quán ăn tên là “Quán Đo Đo” giữa Sài Gòn náo nhiệt, chuyên bán những món ăn Quảng Nam để người Quảng xa xứ có thể tìm về mà vơi bớt nỗi nhớ quê hương. “Đo Đo” từ một làng quê có thực ở Quảng Nam, nơi Nguyễn Nhật Ánh sinh ra và lớn lên, đã bước vào địa hạt văn chương trong nhiều tác phẩm của nhà văn, rồi từ văn chương bước ra đời thực với “Quán Đo Đo” (quán ban đầu khai trương ở đường Nguyễn Hữu Cầu (phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) sau “chuyển về đường Phan Châu Trinh (bên hông chợ Bến Thành)” [11, tr.79], rồi tiếp tục “trở ngược” lại văn chương trong tác phẩm Quán Gò đi lên viết về một quán ăn có tên “Quán Đo Đo nằm kế chợ Tân Định” [4, tr.5] ở Sài Gòn, chuyên bán những món ăn xứ Quảng. Cuộc du hành của địa danh “Đo Đo” không dừng lại ở đó. Khi bộ phim Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh công chiếu, cái tên “chợ Đo Đo, làng Đo Đo” trở thành một địa chỉ mới của Quảng Nam “mời gọi” biết bao bước chân lữ hành, nhất là các bạn trẻ tìm đến để “check in” và khám phá. Điều thú vị là làng Đo Đo trong những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ nguyên tên gọi, chợ Đo Đo vẫn còn, dù có nhiều đổi thay nhưng “nét đẹp bình yên” [15] và sự giản dị, mộc mạc của những người dân nơi đây dường như vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Nhìn từ riêng hiện tượng địa danh “Đo Đo” có thể thấy, cảnh quan không chỉ đơn thuần là cảnh vật. Với Nguyễn Nhật Ánh, cảnh quan Đo Đo đã trở thành một không gian mang đậm màu sắc tâm tư và quan niệm riêng, dấu ấn riêng của nhà văn. Với độc giả và khán giả, địa danh “Đo Đo” còn mang những chỉ dấu văn hóa về vùng đất Quảng Nam, nơi có cảnh sắc, món ăn, con người với tâm tình, tính cách riêng không lẫn với bất cứ quê xứ nào trên khắp đất nước. Với trường hợp của Nguyễn Nhật Ánh, nói tới “Đo Đo” là một cách định vị quê hương Quảng Nam, xứ Quảng, người Quảng theo cách riêng của nhà văn. Cùng với những tác phẩm mang đậm phong vị quê hương được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Nga như Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh1... Nguyễn Nhật Ánh đã “mang” xứ Quảng ra thế giới, trình hiện một miền đất Quảng Nam với vẻ đẹp kỳ diệu trong ánh sáng của tuổi thơ.
Cảnh quan xứ Quảng được tái dựng sống động trong những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh gửi tới người đọc thông điệp về sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên, con người và quê hương như một cách thức nuôi dưỡng, nâng đỡ tâm hồn. |
Việc tái hiện không gian “Đo Đo” - như một chỉ dấu để khẳng định “căn cước” Quảng Nam của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua tác phẩm còn có ý nghĩa độc đáo khi đặt trong bối cảnh thế kỷ XXI, thế kỷ bùng nổ của công nghệ truyền thông hiện nay. Bởi lẽ, chỉ tính riêng trong thập niên đầu tiên, “số lượng người nối mạng internet trên khắp thế giới đã gia tăng từ 350 triệu lên hơn hai tỷ. Cũng trong cùng thời gian đó, số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng từ 750 triệu lên trên năm tỷ người” [12, tr.15]. Công nghệ truyền thông đã lan rộng tới những ngõ ngách xa xôi nhất trên trái đất với tốc độ chóng mặt. Mạng internet, điện thoại di động và nhiều phương tiện tiên tiến khác đã giúp con người thực hiện truyền thông nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ cũng làm nảy sinh một nghịch lý: dù truyền thông bằng đủ mọi phương tiện kỹ thuật (truyền thông đa phương tiện) nhưng con người hiện đại ngày càng thiếu gắn kết và cô đơn. Trong bối cảnh đó, bài viết đặt ra vấn đề tiếp cận truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh từ lý thuyết phê bình cảnh quan, một lý thuyết mới nhằm gia tăng tính liên ngành của những phương pháp nghiên cứu văn học để khám phá một số tác phẩm cụ thể của Nguyễn Nhật Ánh như: Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây, Quán Gò đi lên. Từ đó, góp phần mở ra cái nhìn về cảnh quan trong sáng tác của nhà văn, những đóng góp mang màu sắc địa văn hóa độc đáo của Nguyễn Nhật Ánh - là điều mà những nghiên cứu trước đây chưa đề cập tới. Đồng thời người viết cũng hướng tới khẳng định: cảnh quan xứ Quảng được tái dựng sống động trong những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh gửi tới người đọc thông điệp về sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên, con người và quê hương như một cách thức nuôi dưỡng, nâng đỡ tâm hồn. Gắn bó với cảnh quan, với tự nhiên, với chính bản thân mình là một cách thức, một con đường để đi qua cô đơn - căn bệnh lớn trong thời đại hôm nay.
“Phê bình cảnh quan (Landscape Criticism) - từ khởi thủy đã luôn là một lĩnh vực mang tính liên ngành sâu sắc: trong địa hạt văn hóa, nó nằm ở điểm giao của khoa học địa lý và nhân văn, của khoa học môi trường và kiến trúc, của lịch sử xã hội và mỹ học, và cũng liên đới chặt chẽ đến nghiên cứu không gian như là một thành tố của thi pháp nghệ thuật” [14, tr.9]. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng phê bình cảnh quan trong tác phẩm văn học ngày càng được quan tâm, chú ý. Nếu xem “Cảnh quan có thể được sử dụng để biểu hiện những cung bậc tình cảm, để kiến tạo căn tính, bản dạng của cá nhân cũng như của cộng đồng và quốc gia, địa phương và toàn cầu” [14, tr.11] thì từ góc nhìn này, có thể thấy lý thuyết về phê bình cảnh quan giúp khám phá thêm nhiều nét nghĩa mới mẻ trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Có thể thấy, Mắt biếc bên cạnh việc hấp dẫn bởi là một câu chuyện tình yêu, còn hấp dẫn bởi những trình hiện của tình yêu đầu đời gắn liền với khung cảnh nên thơ, dịu hiền của quê hương như một sự chở che, nâng đỡ tâm hồn. |
Mắt biếc là tác phẩm viết về tuổi mới lớn đặc biệt thành công của Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm được in lần đầu tại Nhà xuất bản Trẻ năm 1990, đến năm 2023, tác phẩm đã được tái bản tới lần thứ 56 trong đó có nhiều lần tái bản với bản đặc biệt. Năm 2019, Mắt biếc được tái bản lần thứ 45, ấn bản đặc biệt ra mắt cùng với sự kiện công chiếu bộ phim Mắt biếc chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Đồng thời với lần tái bản này, nhà xuất bản đã tổ chức “Ngày hội Mắt biếc” lần một vào tháng 8/2019 và “Ngày hội dành cho những người hâm mộ Mắt biếc” lần hai (21/12/2019) [11] như một cơ hội gặp gỡ và kết nối giữa những bạn đọc yêu thích và say mê Mắt biếc thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ. Có thể thấy, sau hơn ba mươi năm, câu chuyện về mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ giữa Ngạn và Hà Lan, hai nhân vật sinh ra và lớn lên ở làng Đo Đo, một làng quê Quảng Nam vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt với bạn đọc. Năm 2004, tác phẩm được giáo sư Kato Sakae dịch sang tiếng Nhật, nhà xuất bản Terrainc phát hành. Khi nói về việc “Tại sao tôi dịch Mắt biếc?”, giáo sư có chia sẻ: “Trong truyện này, ông (Nguyễn Nhật Ánh) ông miêu tả nhiều chi tiết rất nên thơ, hấp dẫn về phong cảnh, phong tục tập quán, các trò chơi của trẻ em nông thôn Việt Nam” [7, tr.363]. Như vậy, có thể thấy, Mắt biếc bên cạnh việc hấp dẫn bởi là một câu chuyện tình yêu, còn hấp dẫn bởi những trình hiện của tình yêu đầu đời gắn liền với khung cảnh nên thơ, dịu hiền của quê hương như một sự chở che, nâng đỡ tâm hồn.
Hình ảnh trong phim "Mắt biếc" (2019) của đạo diễn Viktor Vũ |
“Mắt biếc” là hình ảnh gắn liền với nhân vật Hà Lan, một cô bé xinh đẹp, “đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác” [6, tr.30]. Hà Lan sinh ra và lớn lên ở làng Đo Đo, học cùng lớp, ngồi cùng bàn với Ngạn. Đôi mắt ấy, như Ngạn thừa nhận “đã làm khổ tôi ghê gớm” [6, tr.31]. Hồi nhỏ, Ngạn thích nhìn vào đôi mắt của Hà Lan, “soi mình trong đó, và vẩn vơ so sánh chúng với những viên bi ve trong suốt, những viên bi “quý tộc” [6, tr.31], mà những học trò trường làng như Ngạn không bao giờ có được. Lớn lên, “đôi mắt Hà Lan lại gợi tôi nghĩ đến bầu trời và dòng sông, đến những giấc mơ dịu dàng của tình yêu và khi đó tôi không còn đủ can đảm để nhìn lâu vào đôi mắt nó như ngày thơ dại” [6, tr.31]. Hình ảnh “mắt biếc” như gói trọn vẻ đẹp ấn tượng của nhân vật đồng thời cũng trở thành biểu tượng cho một tình yêu xa xôi, Ngạn không thể chạm tới, không thể thuộc về. Vì thế, tác phẩm mang tới nỗi buồn và những day dứt khôn khuây bởi câu chuyện về tình yêu đầu đẹp đẽ nhưng dang dở, câu chuyện chạm vào những tiếc nhớ và thổn thức của nhiều độc giả khi có chung sự đồng cảm vì tan vỡ mối tình đầu. Tuy nhiên, nỗi buồn dài và sâu bởi những éo le, day dứt của tình yêu dường như được vơi nhẹ, nâng đỡ bởi Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên một không gian làng quê êm đềm, thơ mộng. Đó là làng Đo Đo, gần làng có rừng sim hoa tím, có dòng suối nhỏ mát lành, nơi chứng kiến những rung động tình yêu đầu tiên cũng như chứng kiến nỗi cô đơn của Ngạn sau này.
Cảnh quan, không phải chỉ là cảnh sắc khách quan của tự nhiên, khi được tái dựng trên trang sách đã không còn nguyên sơ, trong vắt nữa mà trở thành cảnh được nhìn qua đôi mắt của một nhân vật nào đó trong tác phẩm. Mỗi cá nhân đều mang theo mình những quan điểm, sở thích và tâm tư khác nhau khi nhìn ngắm cảnh vật, nên cảnh quan trong Mắt biếc đã trở thành nơi gửi gắm những tâm tư và thông điệp của nhà văn. “Bởi lẽ, cách chúng ta nhìn mọi thứ chính là vấn đề văn hóa; chúng ta nhìn thế giới từ những quan điểm văn hóa cụ thể - những quan điểm mà chúng ta đã được xã hội hóa và giáo dục” [14, tr.10]. Vì vậy, nói tới cảnh quan (landscape) không dừng lại ở việc nói về bối cảnh (setting) diễn ra câu chuyện mà còn nói tới các “yếu tố không gian, yếu tố xã hội và yếu tố tinh thần (thông qua cảm nhận, cảm xúc, ký ức, kỷ niệm” [8, tr.187].
Trước hết, cảnh quan làng Đo Đo trong Mắt biếc gắn liền với “chợ Đo Đo” và những kỷ niệm ấu thơ đẹp đẽ của hai nhân vật Ngạn và Hà Lan. Nhà Hà Lan gần chợ, vì vậy, mỗi lần xuống nhà Hà Lan chơi, hai đứa thường rủ nhau ra “chợ Đo Đo”. Ở làng quê nghèo, bọn trẻ thiếu thốn đủ thứ, ngay cả viên bi ve cũng là niềm mơ ước thì chợ trở thành không gian “giải trí” phong phú, giàu có bậc nhất mà đứa trẻ nào cũng có thể bước vào. Vì thế, “chợ Đo Đo” trở thành không gian gắn liền với sinh hoạt của dân làng, cũng là không gian quen thuộc, gần gũi với trẻ thơ. “Tôi rất thích xuống chợ. Bao giờ tôi cũng thích xuống chợ. Tôi có thể lượn lờ hàng tiếng đồng hồ không chán trước các sạp tạp hóa, mê mẩn nhìn ngắm những vòng xuyến xanh đỏ, những hộp chì màu luôn luôn có sức thu hút đối với tôi và những viên bi sặc sỡ nằm chen chúc trong các hộp giấy vuông vức với dáng vẻ hấp dẫn đặc biệt” [6, tr.17]. Ngắm nhìn không chán mắt các món hàng của sạp tạp hóa hay những con thú đủ màu sắc của người bán tò he - chỉ ngắm mà không có tiền mua cũng trở thành niềm vui, sự hân hoan suốt cả ngày của bọn trẻ. “Chợ Đo Đo”, trở thành cảnh quan vừa gần gũi, thân thuộc vừa chứa đựng những điều bí ẩn lộng lẫy mà Ngạn không thể có được. Sự lưỡng diện trong việc trình hiện cảnh quan: đẹp, lộng lẫy, hấp dẫn - nhưng không thể có được, tưởng được miêu tả vô tình mà lại đầy hữu ý. Như cái nhìn của Ngạn với Hà Lan. Cô bé đẹp kỳ lạ, khiến trái tim Ngạn thổn thức nhưng vẻ đẹp ấy không bao giờ thuộc về Ngạn dù Ngạn có làm cho cô bất cứ điều gì. “Chợ Đo Đo” vì thế không còn là “nó” trong thực tại mà được tái tạo đậm màu sắc cá nhân, là cảnh quan mang tâm trạng của nhân vật.
Cảnh quan làng Đo Đo cho thấy sự gắn bó giữa con người và quê hương thật thà, sâu đậm. Dù vui hay buồn, ở gần hay đi xa, thì quê hương vẫn là một điểm tựa vẹn nguyên, nơi chốn đã nuôi dưỡng, chở che, nâng đỡ và ở lại mãi mãi trong tâm hồn con người quê hương. |
Bên cạnh “chợ Đo Đo”, Mắt biếc còn đặc tả không gian của một khu rừng, rừng sim gần làng. Rừng sim được tái hiện trong nhiều khoảng thời gian khác nhau trong tác phẩm. Năm Ngạn và Hà Lan học lớp sáu, hai đứa học trường huyện, cuối tuần được ba Ngạn đón về và ghé rừng sim chơi. Trong đôi mắt tuổi thơ, rừng sim hiện ra “mênh mông, hoa sim và hoa mua nở tím khắp nơi (...) những trái sim tím thẫm, căng mọng giấu mình sau những chiếc lá” [6, tr.76]. Trong rừng không chỉ có sim mà còn có trâm, có hoa dủ dẻ thơm ngát. Ngạn trèo lên hái trâm cho Hà Lan ăn, con bé ăn cho tới khi “đôi môi và hàm răng tím ngắt” [6, tr.77]. Với tuổi thơ, rừng sim như một thiên đường tuổi nhỏ, có hoa thơm, trái ngọt, có màu tím êm đềm và những niềm vui thật ngọt ngào. Sau này, khi Ngạn và Hà Lan lên lớp 9, cả hai đã chớm nảy nở những xúc cảm đầu đời, rừng sim được miêu tả vào mùa xuân với “lộc non” và “toàn một màu tơ biếc” [6, tr.100]. Đi bên Hà Lan, Ngạn thấy “lòng bồng bềnh hệt như Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai” [6, tr.102]. Vẫn rừng sim quen thuộc nhưng trong đôi mắt tràn ngập những xúc cảm của tình yêu đầu, Ngạn thấy rừng sim quê hương thoắt đã mang một dáng hình khác lạ. Vẫn cảnh quan ấy nhưng khi Hà Lan từ chối tình yêu của Ngạn, lao vào cuộc tình trái ngang với Dũng, Ngạn về làng một mình, không ghé rừng sim, bởi sợ kỷ niệm cũ níu chân, sợ khi ngồi một mình trong rừng “lòng tôi sẽ ngập đầy lá rụng” [6, tr.139]. Rừng sim còn được miêu tả trong mùa hè của năm học cuối cấp, Ngạn về làng và đi dạo một mình trong rừng “ngồi trên phiến đá năm nào, lạnh một bên vai, chỗ trống một người trong thoáng mắt đã ngập đầy lá rụng” [6, tr.190]. Hình ảnh rừng sim được miêu tả rực rỡ, đẹp lung linh ở cuối tác phẩm khi đón bước chân của Ngạn và Trà Long, con gái của Hà Lan, cô bé có dáng hình và đôi mắt đẹp như mẹ nó thuở nào. Rừng sim thêm một lần nữa chứng kiến những rung động tình yêu giữa Trà Long và Ngạn. Nhưng cũng chính khu rừng rất quen thuộc ấy bỗng khiến Ngạn rùng mình “như đi lạc giữa sương mờ” [6, tr.292] khi nhận ra mình vẫn yêu Hà Lan, tình yêu anh tưởng dành cho Trà Long hóa ra vẫn là tình yêu dành cho Hà Lan nhưng trong một tên gọi khác. Vì thế, Ngạn quyết định rời làng ra đi. Đây là quyết định không dễ với một người đã sống, đã gắn bó và yêu quê hương với cả trái tim mình.
Chợ Đo Đo - Hình ảnh trong phim "Mắt biếc" (2019) của đạo diễn Viktor Vũ |
Mắt biếc tái hiện không gian một làng quê nghèo xứ Quảng, nơi có rừng, có suối, có đồng lúa, có chợ quê; có những con người hiền hậu, gắn bó với quê hương như máu thịt. Cảnh quan chợ hay đồng lúa cánh rừng đều được miêu tả vừa cụ thể, chân thực, vừa gắn liền với những sự kiện vui buồn trong cuộc đời nhân vật. Vì thế, có thể thấy, cảnh quan được trình hiện trong Mắt biếc là cảnh quan quê hương. Như nhà nghiên cứu Lã Thị Bắc Lý nhận xét “Cái tên làng đã đi vào nhiều tác phẩm của anh cùng với rừng sim, đồi trâm, những ngôi nhà nhỏ, giếng đá đầy rêu; những thức quà giản dị như quả thị, củ nén; những con người nghĩa tình...” [9, tr.14]. Vừa khách quan như là nơi chốn, vừa mang đậm dấu ấn chủ quan bởi gắn liền với buồn vui và những biến đổi của lòng người. Cảnh quan làng Đo Đo cho thấy sự gắn bó giữa con người và quê hương thật thà, sâu đậm. Dù vui hay buồn, ở gần hay đi xa, thì quê hương vẫn là một điểm tựa vẹn nguyên, nơi chốn đã nuôi dưỡng, chở che, nâng đỡ và ở lại mãi mãi trong tâm hồn con người quê hương. Nhờ Mắt biếc mà địa danh Đo Đo đã từ trang sách du hành ra đời thực, trở thành một địa điểm check in khiến nhiều người trẻ tìm kiếm và háo hức ghé thăm, đồng thời cũng trở thành một điểm nhấn với bạn đọc khi nghĩ về xứ Quảng [9].
"Ngồi khóc trên cây" bản tiếng Anh |
Ngồi khóc trên cây (xuất bản lần đầu năm 2013) nhanh chóng trở thành “hiện tượng xuất bản” của Việt Nam năm 20232, được chuyển thể thành phim, được dịch sang tiếng Anh (dịch giả Nhã Thuyên và Kaitlin Rees). Ngồi khóc trên cây là một tác phẩm độc đáo của Nguyễn Nhật Ánh bởi đây là lần đầu tiên nhân vật trẻ em chấn thương xuất hiện trong sáng tác của nhà văn. Ngồi khóc trên cây, có lẽ cũng là tác phẩm viết cho thiếu nhi đầu tiên của văn học đương đại Việt Nam đề cập tới vấn đề: trẻ em trong chấn thương và làm sao để có thể chữa lành chấn thương ở trẻ em? Nhân vật chính của tác phẩm là cô bé Rùa, năm bảy tuổi cha em mất, một tháng sau mẹ bở nhà ra đi. Sau biến cố này, Rùa ốm nặng “rụng hết tóc (...). Em phải nghỉ học mất bốn năm” [2, tr.43]. Sau trận ốm, cô bé biến thành một người hoàn toàn khác “một đứa không bình thường”, “không giống bất cứ ai ở trong làng” [2, tr.69]. Đây là những biểu hiện cho thấy nhân vật gặp phải một cú sốc lớn, chấn động, làm thay đổi cả thế chất và tinh thần. Từ đây, cô bé sống cuộc sống của một đứa trẻ đơn độc, “lạc” ra khỏi lớp học và bè bạn xung quanh.
Điều đáng chú ý là nhà văn đã dụng công dựng nên cảnh quan của khu rừng gần làng Đo Đo, nơi cô bé Rùa thường xuyên ghé chơi với những sắc màu, âm thanh và cuộc sống của những con thú hoang dã đẹp như cổ tích. Với nhân vật Rùa, rừng giống như một nơi trú ẩn, an toàn và thân thiết, một “ngôi nhà” đặc biệt với em. Khác với phần đông trẻ em trong làng, hầu hết chưa từng một lần đặt chân vào rừng vì sợ hãi, Rùa tuần nào cũng vào rừng chơi. Em phát hiện ra những ngôi nhà cây, cho em che mưa, che nắng trên đường vào rừng. Đó là những “cái tổ giữa bụi cây” [2, tr.54] nằm rải rác khắp con đường vào rừng. Có lần Đông, cậu bé từ thành phố về, đã được trú mưa cùng Rùa trong một cái tổ như thế. Ngồi thu lu bên Rùa, nhìn màn mưa bên ngoài, nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên đầu, để hơi nước ướp vào da thịt mát lạnh và “hít hà mùi đất ẩm không ngừng xông lên ngào ngạt, tất cả những điều đó đánh thức mọi giác quan trong tôi khiến tôi như đang sống hai, ba cuộc sống cùng một lúc” [2, tr.54]. Nhờ cô bé Rùa mà tâm hồn héo úa bởi nỗi buồn của Đông như được “tưới mát”. Nhờ Rùa, Đông được vào rừng chơi, và tâm hồn cậu thiếu niên cũng đổi thay với những điều đẹp đẽ. Khu rừng nhỏ trong làng, đã trở thành không gian thân thuộc, nơi chở che, bảo bọc, nâng đỡ tâm hồn cô bé Rùa sau những mất mát lớn lao.
Không gian rừng được miêu tả không chỉ có cảnh quan của cây lá, tiếng chim mà nhà văn đặc biệt chú trọng miêu tả cuộc sống của những loài vật trong rừng. Rùa làm bạn với hầu hết các con vật nhỏ trong rừng như nai, khỉ, sóc, nhím. Em tìm mọi cách che chở, bảo vệ những con vật khỏi sự săn bắt của phường săn trong làng. Để che chở cho những con vật, Rùa phát hiện ra một thung lũng bí mật. Em dẫn những con vật nhỏ “di cư” tới đó để đảm bảo an toàn. Đó là một “thung lũng nên thơ với những loại cây thấp và rất nhiều hoa bướm dại, hoa đuôi diều, hoa sao và các bụi cúc ngũ sắc” [2, tr.114]. Lối vào thung lũng bí mật ẩn sau thác nước lớn nên không ai biết ngoài con bé Rùa. Ở đây “không khí thanh bình tỏa ra từ mỗi gốc cây, ngọn cỏ, từ những cánh bồ công anh bay rợp trời như những vũ công kiêu hãnh (...) từ cách bọn thú nhỏ nô đùa tung tăng trước mắt và cả từ tiếng đập cánh rì rào của đám bọ dừa, tiếng châu chấu nhảy tanh tách trong đám cỏ mượt” [2, tr.115]. Không gian của thung lũng mà nhân vật Đông gọi là “thung lũng mộng mơ” được miêu tả như một thiên đường. Ở đó có đủ hoa thơm, cỏ lạ, những con vật nô đùa, chạy nhảy tung tăng. Con nai lim dim mắt nghe Rùa đọc truyện. Không gian ấy là nơi trú ẩn an toàn với các con vật đồng thời cũng là nơi chữa lành những vết thương trong tâm hồn Rùa, để cô bé dần được xoa dịu, nguôi quên và đi qua.
Nhờ không gian rừng mà Rùa tìm lại được niềm vui và biết đón nhận tình yêu đầu đời chớm nở. Rừng cũng là nơi các con vật cưu mang và giúp Rùa chữa lành những chấn thương thể xác sau khi em bị nước lũ cuốn đi. Đông tìm lại được Rùa khi đưa mấy đứa em vào rừng chơi. Nhờ vào rừng mà Đông nhận ra Rùa vẫn còn sống và đang cất tiếng hát ngọt ngào giữa bầy thú nhỏ.
Những tác phẩm với bức tranh cảnh quan quê hương, đan dệt nên nỗi nhớ và quan niệm của người con xứ Quảng: rằng quê hương còn là bến bờ tươi mát chở che, nâng đỡ và chữa lành những vết thương tâm hồn của mỗi con người. |
Như vậy, Ngồi khóc trên cây, đặc tả không gian xuyên suốt tác phẩm là không gian rừng, được khám phá với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Bút pháp lãng mạn, tượng trưng được Nguyễn Nhật Ánh sử dụng để miêu tả không gian rừng quê hương, gắn liền với biểu tượng của nơi trú ẩn an toàn, chữa lành những vết thương thể xác và tinh thần cho con người, nhất là trẻ em. Tác phẩm cho thấy, khi gắn kết với thiên nhiên, con người sẽ thêm giàu có và hạnh phúc, những mất mát lớn lao nhất có thể được chữa lành. Thêm vào đó, địa danh Đo Đo, làng Đo Đo, trẻ con làng Đo Đo xuất hiện trong tác phẩm thêm một lần nữa là chỉ dấu cho thấy: cảnh quan không chỉ là hiện diện của không gian tự nhiên, cảnh quan ở đây gắn liền với nỗi nhớ và tình yêu của nhân vật, của nhà văn. Trong câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh kể, ông góp phần làm trình hiện hình ảnh quê hương yêu dấu, nơi có làng Đo Đo, có rừng, có suối thác mà bạn đọc đã từng gặp ở Mắt biếc, ở đâu đó trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và giờ là ở Ngồi khóc trên cây. Những tác phẩm với bức tranh cảnh quan quê hương, đan dệt nên nỗi nhớ và quan niệm của người con xứ Quảng: rằng quê hương còn là bến bờ tươi mát chở che, nâng đỡ và chữa lành những vết thương tâm hồn của mỗi con người.
Xuất bản năm 1999, Quán Gò đi lên là tác phẩm giàu tiếng cười, ấm áp tình cảm quê xứ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là một trong những truyện dài đặc sắc của nhà văn đất Quảng. Tính đến năm 2020, tác phẩm đã bán được hơn 100.000 bản và tái bản tới lần thứ 34. Tác phẩm xoay quanh những chuyện nho nhỏ diễn ra trong một quán ăn có tên Đo Đo nằm kế bên chợ Tân Định ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cái tên “Đo Đo” xuất hiện trong Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây, Mùa hè không tên và một số tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh lại xuất hiện, như một chỉ dấu khẳng định về căn cước Quảng Nam của người viết đầy chủ ý. Quán tên Đo Đo, chuyên bán những món Quảng Nam như: mì Quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh đập. Nhưng cô chủ không phải người Quảng, nhân viên nấu bếp cũng như chạy bàn không ai là người Quảng, nói tiếng Quảng và biết Đo Đo ở đâu. Tình huống đặc biệt này tạo ra mâu thuẫn, tạo nên chuyện khi những người khách ghé quán đều tìm hỏi: Đo Đo ở đâu? Rồi hỏi nhân viên trong quán một câu quen thuộc: “Cháu người Quảng hả” [4, tr.7]. Sau khi biết không có ai người Quảng trong quán “khách kêu một tô mì Quảng, ăn nửa tô, buồn tình bỏ mứa nửa tô” [4, tr.10]. Cảnh quan Đo Đo nói riêng, cảnh quan xứ Quảng hoàn toàn không được miêu tả trực tiếp trong tác phẩm. Nhưng thông qua tình huống tréo ngoe, oái oăm về những thực khách ghé quán, để tìm đồ ăn thì ít mà kiếm tìm người làng Đo Đo hay người Quảng để bớt nhớ quê xứ lại nhiều. Việc không có chút bóng dáng, hơi ấm nào của người Quảng sau bảng hiệu tên một địa danh nổi tiếng ở Quảng Nam, sau những món ăn Quảng, không khỏi khiến khách hụt hẫng: “Toàn món Quảng Nam. Nhưng còn người Quảng Nam? Họ ở đâu trong cái quán này?” [4, tr.8]. Ở đây, cái tên Đo Đo trở thành một “công tắc” để bật lên những nỗi nhớ, niềm thương và gắn bó với giữa những người xứ Quảng xa quê. Việc ghé quán để tìm kiếm một giọng nói, một tiếng cười, một bóng dáng đồng hương cho thấy tình cảm quê hương thật đặc biệt và khó cắt nghĩa bằng những đo đếm vật chất thông thường. Và làm sao có thể lý giải rạch ròi về việc một ông khách ghé quán ăn nhưng không phải để ăn, chỉ để “hỏi vòng vòng cả buổi, không có ai là người đồng hương, ổng sầu đời bỏ về sớm” [4, tr.10].
Từ câu chuyện này, có thể thấy, cảnh quan quê hương có ý nghĩa đặc biệt trong tâm hồn mỗi con người. Cảnh quan quê hương có thể là “công tắc” bật lên những nỗi nhớ, niềm thương và gắn kết giữa con người với con người ở khắp mọi miền không gian trong nước và ngoài nước. |
Bà chủ quán, để sửa chữa tình trạng ế ẩm đã tìm hiểu và khắc phục bằng nhiều cách như đưa đứa cháu từ trong Quảng ra, dạy cho các nhân viên biết Đo Đo ở đâu. Câu thuộc lòng của mấy cô cậu chạy bàn khi được hỏi “Đo Đo ở đâu?” là “Ở Quán Gò đi lên”, còn “Quán Gò ở đâu”, sẽ là “Đo Đo đi xuống”. Toàn bộ câu chuyện, kể những điều nhỏ bé xảy ra trong quán nhưng đọng lại trong người đọc là địa danh Đo Đo, Quán Gò, là nỗi nhớ niềm thương của người xứ Quảng với quê hương. Cảnh quan ở đây, không còn là cảnh quan tự nhiên mà đã được địa danh hóa, biểu tượng hóa trong tâm trí của những người xa quê. Những địa danh mang đậm dấu ấn của kỷ niệm, của thương nhớ, đã trở thành điều thiêng liêng gắn kết những người con xa xứ tìm kiếm nhau, kết nối và gắn bó với nhau. Đó là điều mà câu chuyện của Quán Gò đi lên mang đến cho độc giả. Từ câu chuyện này, có thể thấy, cảnh quan quê hương có ý nghĩa đặc biệt trong tâm hồn mỗi con người. Cảnh quan quê hương có thể là “công tắc” bật lên những nỗi nhớ, niềm thương và gắn kết giữa con người với con người ở khắp mọi miền không gian trong nước và ngoài nước.
Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn xứ Quảng. Ông đã viết ba tập tản văn để khẳng định “căn cước” Quảng Nam như một niềm tự hào sâu đậm: Người Quảng đi ăn mì Quảng, Thương nhớ Trà Long, Sương khói quê nhà. Không dừng ở đó, quê hương Quảng Nam, dải đất với vẻ đẹp độc đáo của duyên hải miền Trung còn được tái hiện qua những dấu ấn cảnh quan riêng tư trong nhiều tác phẩm đặc sắc của nhà văn. Từ Mắt biếc đến Ngồi khóc trên cây hay Quán Gò đi lên đều góp phần tái hiện cảnh quan quê hương mang đậm tình thương, nỗi nhớ và niềm tự hào sâu sắc của Nguyễn Nhật Ánh về cảnh sắc và con người đất Quảng. Như trong tác phẩm Mắt biếc ông đã viết “lớn lên, tôi đi đâu xa, xưng là người làng Đo Đo, ai cũng biết” [6, tr.13].
Cảnh quan xứ Quảng trong Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây và Quán Gò đi lên không chỉ có ý nghĩa định vị không gian mà còn mang tới những thông điệp về vai trò của cảnh quan với con người. “Đọc kỹ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, ta thấy miền quê ấy không chỉ là Quảng Nam mà nó đã được khái quát thành một miền quê chung” [11, tr.57], đó là nhận xét của nhà thơ Lê Minh Quốc khi phát hiện viết về nông thôn là thế mạnh của Nguyễn Nhật Ánh. Cảnh quan ở đây gắn liền với những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, gắn liền với những ký ức chung của cộng đồng cũng như gửi gắm những kỷ niệm và tình yêu riêng tư của mỗi cá nhân cụ thể. Vì thế, thông điệp từ cảnh quan trong những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh mang tới ý nghĩa nếu gắn kết sâu đậm với không gian, nhất là không gian quê nhà, con người có thể được cưu mang, an ủi, chở che, chữa lành. Cảnh quan cũng có thể được biểu tượng hóa qua tên một món ăn, một giọng nói quen hay bóng dáng của người đồng hương ở chốn xa lạ, giúp con người có thể “tìm nhau” để được gắn kết và “trở về” theo một cách riêng độc đáo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa ngày càng phát triển với tốc độ vượt bậc, con người kết nối với nhau bằng nhiều phương tiện vật chất thông minh nhưng lại thiếu di những gắn kết sâu sắc với không gian, với chính mình, với quê hương thì việc đọc lại Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây, Quán Gò đi lên từ góc nhìn của phê bình cảnh quan giúp mỗi người có thể nhìn lại mối quan hệ gắn bó thiết thân giữa con người và không gian, con người và quê hương để không “lạc mất” chính mình.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Nhật Ánh (2015), Người Quảng đi ăn mì Quảng, Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Nhật Ánh (2018), Ngồi khóc trên cây, Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Nhật Ánh (2019), Thương nhớ Trà Long, Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Nhật Ánh (2020), Quán Gò đi lên, Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Nhật Ánh (2022), Sương khói quê nhà, Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Nhật Ánh (2023), Mắt biếc, Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
7. Kato, Sakae (2017), “Tại sao tôi dịch Mắt biếc?”, trong Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp, Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, tr.358-364.
8. Nguyễn Phương Khánh (2023), “Người Mỹ trầm lặng - Cảnh quan hậu thực dân và bi tình tân thuộc địa”, trong Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh - những tiếp cận xuyên văn hóa, chủ biên Nguyễn Thị Thu Thủy & Hoàng Cẩm Giang, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.174-192.
9. Lã Thị Bắc Lý. 2015, “Nguyễn Nhật Ánh, người giữ lửa cho văn học thiếu nhi”, in trong Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ, Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.14.
10. Khánh Nhi (2019), Khám phá làng Đo Đo trong Mắt biếc.
11. Lê Minh Quốc (biên soạn), 2014, Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, tr.57.
12. Schmidt, Eric & Cohen, Jared (2015), Sống sao trong thời đại số?, Hoàng Thạch Quân dịch, Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
13. Hồ Sơn (2019), Tác phẩm Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục được tái bản.
14. Nguyễn Thị Thu Thủy & Hoàng Cẩm Giang (chủ biên, 2023), Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh - Những tiếp cận xuyên văn hóa, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
1. Mắt biếc được dịch sang tiếng Nhật; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Anh; Cô gái đến từ hôm qua được dịch sang tiếng Nga.
2. Lượng sách in lần đầu lên đến 20.000 bản và đã được tái bản ngay sau khi tác phẩm chưa chính thức phát hành. Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt từ bạn đọc qua việc mua sách, tham gia cuộc thi “Nhìn hình minh họa đoán nội dung truyện” trên Facebook với hơn 8.000 người tham gia trước khi ra mắt sách.
Bài đã in trong: Nhiều tác giả (2024), Kỷ yếu Hội thảo quốc gia: Văn học miền Trung nửa sau thế kỷ XX, Nhà xuất bản Đại học Huế, tr.330-346. |