Ngày nay, bên cạnh việc kinh doanh truyền thống thì kinh doanh dựa trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội đang là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên đối với những phụ nữ sinh sống ở khu vực nông thôn, miền biển thì việc tiếp cận với kiến thức, kỹ năng để đưa sản phẩm lên bán hàng trực tuyến, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy hơn 90% trong số họ vẫn đang tiếp tục với phương pháp kinh doanh truyền thống, và chấp nhận với lượng khách hàng ngày càng giảm sút, do khách hàng đã có thêm nhiều lựa chọn với việc mua hàng trực tuyến.
Tổ chức Tài chính Vi mô tổ chức Hội nghị tư vấn chuyên sâu theo chuyên đề cho học viên (Dự án AMB) |
Là một tổ chức hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng, Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa (TCVM) đã xác định các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tiếp tục đóng vai trò thiết yếu và góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và vấn đề giải quyết việc làm của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp MSME, đặc biệt các doanh nghiệp do nữ làm chủ, đang phải đối mặt với nhiều rào cản có thể kìm hãm sự phát triển và khả năng cạnh tranh của họ tại thị trường nội địa và toàn cầu, bao gồm tiếp cận hạn chế đối với kỹ năng, công nghệ, mạng lưới quan hệ, tính kết nối thị trường và nguồn tài chính.
Do đó, Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa tích cực tham gia kết nối với các tổ chức nước ngoài có cùng mục tiêu phát triển cộng đồng, đặc biệt hướng tới đối tượng là phụ nữ buôn bán nhỏ, các nữ doanh nhân khởi nghiệp như: Quỹ Châu Á, CWD, Visa, Payoneer, Care.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, dự án sáng kiến “Tăng trưởng Doanh nghiệp của tôi” (AMB) được TCVM phổ cập đến với các MSME. Dự án hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức tài chính, kinh doanh và kỹ thuật số nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang phát triển của Việt Nam ở những vùng có hoàn cảnh khó khăn – các đối tượng thiếu khả năng tiếp cận kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển và số hoá kinh doanh. TCVM Thanh Hoá là một trong những đối tác địa phương tích cực đưa dự án về thực hiện tại Thanh Hóa với cam kết hỗ trợ 10,000 nữ doanh nhân, hộ buôn bán nhỏ được tiếp cận với kiến thức kỹ năng để quản lý tốt công việc kinh doanh, mở rộng mạng lưới hoạt động và phát triển doanh số dựa trên việc bán hàng trực tuyến.
Thông hoạt động cụ thể như tư vấn hỗ trợ các nữ doanh nhân, hộ buôn bán nhỏ truy nhập vào hệ thống bài giảng do dự án cung cấp để tham gia các khóa học phù hợp với từng đối tượng; các lớp tư vấn chuyên sâu có các chuyên gia tư vấn trực tiếp, để giúp họ hiểu rõ hơn và áp dụng những kiến thức đã học được vào công việc kinh doanh thực tế mà mình đang vận hành; tích cực áp dụng vào phát triển tốt công việc kinh doanh sẽ được hỗ trợ thêm về công cụ làm việc, tham gia các lớp nâng cao để có thể phát triển tốt hơn nữa.
Với nỗ lực hỗ trợ các hộ kinh doanh bằng những việc làm thiết thực nhất, tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, TCVM Thanh Hoá đã tổ chức các khóa tư vấn chuyên sâu với nội dung chính: Tăng doanh thu từ việc phát triển kinh doanh thương mại điện tử. Khóa học được tổ chức vào ngày 29/08/2024, với thời lượng 3 tiếng, dành riêng cho 30 học viên tiêu biểu đã tham gia học các khóa học trực tuyến thông qua dự án AMB. Khóa học có sự tham gia của Hội trưởng Hội phụ nữ thôn và trưởng thôn Quảng Thạch. Giảng viên là các chuyên gia tài chính tại TCVM Thanh Hoá với kinh nghiệm 10-20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính.
Thông qua khóa học, các hộ buôn bán nhỏ ở khu vực nông thôn, miền biển hiểu rõ về sàn thương mại điện tử, có thể tự tìm ra giải pháp phù hợp với mô hình kinh doanh của mình và triển khai bán hàng trực tuyến một cách hiệu quả. Mọi thắc mắc của học viên đều được các giảng viên tập trung tháo gỡ và đưa ra các phương án thiết thực, đây không chỉ là cơ hội cho các học viên tiếp thu kiến thức mới, có thêm ý tưởng nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tạo cơ hội để các chị được giao lưu gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau, thiết lập mạng lưới nữ doanh nhân tại cơ sở.
Tham gia khóa học, chị Nguyễn Thị Lan (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương) cho biết: “Các khóa học online mà TCVM Thanh Hóa cung cấp rất hữu ích, giúp tôi học hỏi được nhiều kiến thức mới. Nhưng để áp dụng vào thực tế thì còn nhiều bỡ ngỡ. Khóa tư vấn đã giúp tôi hiểu rõ hơn và dễ áp dụng hơn”
Chị Lê Thị Vân (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương) cho biết: “Tôi đã từng đăng bán sản phẩm trên Facebook và thấy số lượng bán ra tương đương với cách bán hàng truyền thống. Sau khóa học tôi quyết tâm hơn về việc tham gia bán hàng trực tuyến nhiều hơn và có các chương trình thu hút khách hàng tốt hơn”.
Kế hoạch đến cuối năm 2024, Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa tiếp tục triển khai các biện pháp số hóa hoạt động kinh doanh, buôn bán hỗ trợ kịp thời khó khăn của các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ trong thời kỳ hội nhập, giúp nâng cao kỹ năng, kiến thức về việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên môi trường số, giúp tăng doanh thu, không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc số hóa toàn cầu.
Bài và ảnh: Lê Linh Nga
----------
Bài viết cùng chuyên mục: