Huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có 25 xã, thị trấn, với 21 thôn đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn huyện có 2 dân tộc sinh sống là Kinh và Mường, trong đó dân tộc Mường chiếm 54% dân số toàn huyện. Những năm gần đây, huyện Thạch Thành là một trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Đặc biệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác này, nên đã tạo bước chuyển tích cực trong việc thực hiện công tác Dân số & Phát triển trên địa bàn.
Trong thời gian qua, huyện Thạch Thành luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về chất lượng DS-KHHGĐ trên địa bàn là tiêu điểm quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội của địa phương.
Dược sỹ CKll Bùi Hồng Thủy - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số Thanh Hoá tại Hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông và quản lý đối tượng cho cộng tác viên dân số huyện Như Thanh, Thạch Thành và Quan Sơn. |
Năm 2023, được sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Chi cục Dân số tỉnh, trên cơ sở căn cứ Kế hoạch số 89/KH-CCDS ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa về kế hoạch hoạt động công tác DS-KHHGĐ năm 2023; thông qua các công tác truyền thông trong năm 2023, huyện Thạch Thành nói riêng đã đạt được nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong công tác DS-KHHGĐ. Điển hình với tỷ suất sinh thô 13,99 %o giảm 1,41%o so với kế hoạch và giảm 1,61 %o so với năm 2022. Tỷ suất tăng dân số tự nhiên: 8,85 %o, giảm 0,67 %o so với năm 2022. Tỷ số giới tính khi sinh là 114,6 nam/100 nữ; giảm 0,4 điểm% so với kế hoạch và giảm 2,4 điểm % so với năm 2022.
Với phương châm truyền thông là bước tiên phong trong công tác phổ cập chương trình DS-KHHGĐ, hàng năm Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành đã phối hợp cùng Chi cục DS-KHHGĐ thực hiện và triển khai thường xuyên, sâu rộng công tác truyền thông trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, bằng các hình thức gián tiếp hay trực tiếp như loa, đài truyền thanh; tổ chức viết bài và phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã, thị trấn với số lượng người tham gia đông đảo 986/850 người trong một chiến dịch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, tổ chức các hội nghị nói chuyện chuyên đề ở 17/17 xã; Bên cạnh đó, việc truyền thông bề nổi bằng băng zôn tại huyện, với kết quả đầu ra là 05 băng zôn truyền thông ngày Dân số Thế giới 11/7 và ngày Dân số Việt Nam 26/12… Tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách Dân số và Phát triển nhân các sự kiện ngành Dân số.
Với kết quả đạt được trong năm 2023, công tác DS-KHHGĐ huyện Thạch Thành đã góp phần làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân để thực hiện chính sách dân số. Từ đó, đã giảm thiểu tối đa những bất lợi và khó khăn trong công cuộc giữ gìn và nâng cao chất lượng dân số của toàn huyện, góp phần không nhỏ trong mục tiêu xây dựng và phát triển dân số toàn tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là quy mô dân số đông, địa bàn rộng, tâm lý trọng nam hơn nữ vẫn còn ăn sâu vào trong nhận thức của người dân. Cán bộ y tế phụ trách công tác Dân số và Phát triển ở xã, thị trấn mới được tập huấn, vì vậy, các chương trình mục tiêu về Dân số vẫn chưa nắm bắt kịp thời. Bên cạnh đó, thù lao cho cộng tác viên thấp, gây khó khăn trong công tác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; phương tiện tránh thai miễn phí cấp cho các đối tượng chưa được thường xuyên, thậm chí không đủ theo nhu cầu của đối tượng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành tiếp tục phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai các hoạt động về công tác Dân số. Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành đã và đang tiếp tục tập trung cùng với Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển, trạm Y tế các xã, thị trấn duy trì các hoạt động thường xuyên trong những năm tiếp theo. Triển khai thực hiện kế hoạch chương trình mục tiêu Dân số - Y tế năm 2024. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ với trách nhiệm cao của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện công tác Dân số và Phát triển đến tận cơ sở, tập trung các địa bàn có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Triển khai kế hoạch chi tiết hoạt động truyền thông công tác Dân số và Phát triển năm 2024 toàn huyện. Đặc biệt, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số như: mô hình khám sức khoẻ và tư vấn trước hôn nhân, đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đề án tư vấn, chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi,... Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các xã, thị trấn có mức sinh cao nhằm nâng cao chất lượng dân số; đa dạng hóa các phương pháp truyền thông nhằm làm thay đổi nhận thức trong nhân dân… Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thông qua kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp. Đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông tuyên truyền (tờ rơi, sách...) để phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tổ chức các hoạt động truyền thông bề nổi nhân các sự kiện ngành Dân số. Tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai các chương trình dân số nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về công tác dân số./.
Bài và ảnh: Lê Nga