TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
“Lão Cục bị lẫn rồi các bác ạ!”
Mấy tháng nay, trong làng Sỏi truyền đi một tin đồn như thế. Không biết cái tin này là do ai đồn, đồn ra để làm gì, người dân làng Sỏi nghe vào tai chỉ cảm thấy nửa tin nửa ngờ. Người “tin” thì gật gù, dạo này lão Cục lạ lắm! Người “ngờ” thì lập luận: Nhìn thế nào cũng không thể nghĩ là lão bị lẫn!
Lão Cục là “lão” thật đấy, râu tóc bạc phơ phơ rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Đã hơn bảy mươi mà lão vẫn khỏe như vâm, đi cứ sải từng bước, chả cần gậy gộc chi hết. Con mắt lão sáng quắc có thể nhận ra người quen ở xa cả mét. Cái giọng của lão rổn rảng dạy con mắng cháu cách mấy căn nhà vẫn còn nghe rõ. Mới mấy hôm trước, lão còn vác roi rượt thằng Hòn, cháu đích tôn của lão, chạy vòng vòng quanh xóm vì cái tội nó dám làm rớt khung hình của bà nội nó từ trên bàn thờ xuống đất.
Thằng Hòn là cháu đích tôn nên luôn được lão Cục cưng chìu, nhưng chỉ trừ việc có liên quan đến bà nội của nó. Việc nó làm rớt khung hình duy nhất của bà khiến lão Cục điên tiết. Lão Cục yêu vợ nổi tiếng cả vùng này. Lão không dưới trăm lần tuyên bố ngày cưới được bà là ngày vui nhất cuộc đời mình.
Minh họa: Đặng Tiến |
Vợ lão Cục vừa đẹp vừa hiền, bà con ở đây ai cũng mến. Bà vốn là dân xứ khác, nghe đâu là con gái miền biển, nhà cũng khá giả lắm, có đến mười mấy chiếc tàu đánh cá. Nhưng bà lại vì lão mà rời bỏ chăn êm nệm ấm về cái xứ cằn cỗi khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi này, vất vả cực khổ với lão mấy chục năm trời không hề kêu ca một tiếng. Vậy mà khi gia cảnh đã kha khá được một chút, có của ăn của để, con cái thành tài, bà lại không thể cùng lão hưởng phúc. Mấy tháng trước, bà đã bỏ chồng con lại mà đi một cách vô cùng tức tưởi, bất ngờ. Bà đi... lại đúng vào ngày vui xếp vị trí thứ hai trong cuộc đời của chồng...
Ngày vui thứ hai trong đời lão Cục là ngày lão nhận được tin thằng Hòn đậu Đại học. Cả nhà lão vui như Tết. Dân làng Sỏi ùn ùn kéo tới chúc mừng. Ở cái làng này trước giờ được có bao nhiêu đứa đậu Đại học đâu. Mà trong số những người ít ỏi của làng Sỏi được ngồi vào ghế của trường Đại học đã có hết ba người là thành viên của nhà lão Cục rồi.
Người thứ nhất trong nhà của lão Cục đậu Đại học là thằng con lớn của lão. Lúc trước cậu ấy cũng tên Hòn, nhưng khi mười tuổi cậu bị bạn bè chọc ghẹo chi đó, về nhà vùng vằng quá sức nên vợ lão Cục chiều con, đi sửa khai sinh lại cho cậu thành tên Hoàn. Bây giờ nghe nói cậu Hoàn giữ cái chức gì to lắm ở tỉnh, lâu lâu mới về thăm làng một lần.
Người thứ hai là con gái thứ của lão Cục, rút kinh nghiệm chuyện đặt tên cho thằng con cả, lão đặt luôn con nhỏ tên Hoàng, học xong Đại học Sư phạm cũng về dạy trên tỉnh mấy năm nay.
Người thứ ba chính là cháu đích tôn của lão Cục: thằng Hòn!
Lão Cục và thằng con cả đã phải cãi nhau một trận trời long đất lở mới có thể giữ lại được cái tên này cho thằng cháu, cũng chỉ vì cái tên này vợ lão rất thích. Còn hỏi vì sao bà thích thì lão không biết, cũng không cần biết. Hôm ấy, hàng xóm nghe lão Cục gầm lên với con:
- Im mồm! Tao đã bảo là đặt cái tên Hòn, nghe rõ chưa! Cái tên đó là mẹ mày đặt cho mày! Mày lại vì bè bạn chọc ghẹo vài câu lại đùng đùng đòi đổi. Mẹ mày thương mày nên đã chiều ý mày một lần rồi; bây giờ mày chiều ý bà ấy không được à? Bố mày tên thế này mà vẫn sống đến giờ đấy thôi! Mày mà còn cãi lời làm mẹ mày buồn thì tao đặt tên Cứt cho nó, lúc ấy đừng trách tao!
Còn nhớ lúc lão nói ra mấy câu ấy, bà nhìn lão cười cười, hai mắt cứ long lanh long lanh làm lão cũng hơi thẹn. Từ khi cưới bà đến giờ, lâu rồi lão không gầm lên như thế, cũng không nói chuyện tục tằn như thế. Cuối cùng thằng con lão phải chịu lép một bề, cái tên thằng Hòn cứ thế ra đời.
Vợ lão yêu thằng cháu đích tôn này còn hơn yêu lão. Suốt ngày bà cứ bế bồng nựng nịu rồi hát ru, đùa giỡn với cháu khiến lão không ít lần ghen tị. Nhưng lão cũng vì vợ mà lại “chiến đấu” thêm mấy hiệp với con trai, bắt cháu ở lại làng cho bà chăm. Bao nhiêu tình thương, bao nhiêu công sức bà dồn cho thằng Hòn nên thằng nhỏ rất ngoan ngoãn và chăm học. Bà vẫn mong ngày mong đêm cho cháu trưởng thành, học hành thành tài. Vậy mà khi cháu đậu Đại học, bà lại mất. Ngay cái hôm mở tiệc ăn mừng thằng Hòn thi đậu, bà gặp tai nạn.
Kể lại mà vẫn xót. Cái làng Sỏi này sở dĩ có tên là làng Sỏi là bởi vì nơi đây toàn sỏi đá. Sỏi đá ở làng này cũng là sỏi đá tầm thường, không thể làm mỹ nghệ, khó đẽo đục nên bà con chỉ dùng để trải đường, nhưng như vậy càng làm làng Sỏi tăng thêm vẻ cơ cực cằn cỗi. Tuy nhiên ở riết thành quen. Người dân ở đây bao đời gắn bó với đá sỏi, sống cùng đá sỏi. Đá sỏi bám theo chân người, sỏi lăn lóc trong từng trò chơi của lũ trẻ, đá theo người trưởng thành. Vậy mà đá sỏi lại giết bà!
Hôm đó bà đi chợ mua thêm thức ăn về để làm tiệc mời bà con đến chung vui chuyện cháu trai thi đậu. Sợ trễ giờ, bà quyết định đi tắt bằng con đường mòn men theo sườn núi. Ngọn núi này bà đi ngang không biết bao nhiêu lần. Một ngọn núi cao và to, vô cùng vững chãi. Nhưng từ sau cái lần người ta về đây dùng thuốc nổ khai thác đá, ngọn núi xơ xác đi nhiều. Sau đó ít lâu, chính quyền cũng thấy khai thác đá bằng thuốc nổ là vô cùng nguy hiểm nên đã ra lệnh cấm. Dù vậy, thỉnh thoảng ngọn núi cũng rùng mình một cái như nhớ lại khoảng thời gian kinh khủng bị người ta xẻ thịt lột da. Lần ấy, khi vợ lão Cục đi ngang qua sườn núi thì ngọn núi lại rùng mình, cái rùng mình nhẹ thôi, nhưng cũng đủ để một hòn đá nhỏ từ trên cao rơi xuống. Và nó rơi ngay vào đỉnh đầu của bà.
Khi lão Cục nghe tin dữ chạy đến thì vợ của lão đã yên lặng ra đi. Máu của bà chảy đầy trên đất, thấm đỏ cả đá sỏi xung quanh. Mắt lão Cục cũng đỏ ngầu như máu. Lão ôm vợ vào lòng, gào đến tắt tiếng. Đám ăn mừng bỗng chốc thành đám tang. Sau hôm đó, thỉnh thoảng lão Cục lại ngơ ngơ ngác ngác, có khi lại gào lên thảm thiết. Chính vì vậy nên số người tin vào lời đồn cho rằng lão bị lẫn ngày càng tăng. Ừ, có khi lão bị lẫn thật! Lão lẫn vì thương vợ!
Người dân làng Sỏi cứ nhắc đến bệnh lẫn của lão Cục là lại thở dài. Thôi thì gắn bó cũng mấy chục năm, không có tình cũng có nghĩa, vợ lão mới chết, con cái ở xa, thằng cháu thì còn vô tâm vô tính, lão càng cô đơn đến đáng thương; bệnh lẫn cũng không phải là bệnh truyền nhiễm đáng sợ gì, dân làng không ai bảo ai nhưng đều mắng át cái tin đồn kia, bao dung và chăm lo cho lão.
Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Ít lâu sau, ở làng Sỏi lại dấy lên một tin đồn mới: “Lão Cục bị điên rồi!”
Bây giờ lão không chỉ ngơ ngẩn, không chỉ gào thét thường xuyên hơn mà lão còn sinh tật: thích nhặt đá! Lão cứ lang thang khắp nơi, thấy hòn đá nào vừa mắt là tìm cách đem về, chất ở góc nhà. Không phải đá nào lão cũng nhặt. Lão nhặt đá có “chọn lọc” đàng hoàng. Chỉ những hòn đá tròn trịa hoặc vuông vức, chắc chắn mới lọt được vào mắt lão. Một khi đã nhắm trúng hòn đá nào rồi, lão sẽ dùng mọi cách để đưa nó về nhà. Những hòn đá nhỏ nhắn thì không nói gì, gặp những hòn đá to, thậm chí còn to gấp mấy lần lão, có hòn đá còn bị vùi sâu dưới đất... lão đều tìm cách mang về. Có hôm lão dùng cuốc xẻng, đào hết mấy buổi mới moi lên được một tảng đá xanh bị chôn hơn phân nửa dưới đất đã bao năm nay. Có hôm, lão lăn một hòn đá về bị nó đè cho dập chân, xước tay. Có hôm lão còn bị đá to đè lên bụng, suýt nữa thì toi mạng nếu thằng Hòn không tới kịp. Vậy mà lão vẫn không nản, không sợ, cứ ngày ngày đi nhặt đá. Chẳng những thế, lúc tìm đá, lão còn lẩm bẩm gọi đá, có lúc còn hát hẳn thành một bài hát ngộ nghĩnh.
Bà con bấm nhau, xì xầm. Có khi lão Cục điên thật rồi cũng nên. Chắc là lão nhớ lại cái chết của vợ? Lão yêu vợ như thế; vợ lão lại bị đá rơi trúng mà chết. Có khi nào lão nghĩ quẩn đâm ra căm hận đá nên mới nhặt chúng về để trả thù? Nhưng... nếu như thế thì lão chỉ cần nhặt những viên đá nhỏ bằng nắm tay thôi chứ, vì kích thước hòn đá giết vợ lão cũng chỉ cỡ đó; đằng này lão lại “chọn lọc” cẩn thận như thế... Hơn nữa, nếu lão muốn trả thù đá thì lão phải làm gì đó, sao lại chỉ nhặt chúng đem về chất đầy nhà thế kia?
Dân làng Sỏi thắc mắc một thì thằng Hòn thắc mắc đến mười. Nó càng lo lắng cho ông nội nhiều hơn. Ông nó khi xưa không lặng lẽ như thế, không ngớ ngẩn như thế. Ông hay cáu, hay quát, lại hay ghen tị với nó vì nó được bà “cưng”; nhưng ông vẫn luôn chăm lo cho nó, quan tâm nó từng li từng tí. Ngày nó đi thi cũng là ông đưa nó đến tận trường. Ngày biết tin nó thi đậu, ông đã nhấc bổng thằng con trai mười tám tuổi như nó lên mà gào toáng cả làng:
- Cháu tôi giỏi quá! Cháu tôi giỏi quá!
Bây giờ ông không thèm nhìn đến nó, cả ngày chỉ chăm chú cho mấy hòn đá. Thằng Hòn đâm bực. Bực nhất là khi lũ nít ranh trong làng bắt đầu trêu ghẹo ông nó. Cứ thấy ông nó ở đâu là chúng cứ gào lên:
- Lão Cục đá! Lão Cục đá! Cục... Cục... Cục... đá!
Vậy mà lão Cục chỉ cười hề hề rồi tập trung vào việc tìm và nhặt đá. Thằng Hòn nhiều lần nổi cáu đánh mấy thằng nhóc đó, nhưng chúng vẫn chứng nào tật nấy. Lão Cục càng lúc càng si lậm đá; thằng Hòn càng lúc càng lo. Bố nó đã đe rằng sẽ đưa ông vào viện tâm thần; nhưng thằng Hòn thề sống thề chết sẽ chăm nom ông, không để ông nó làm điều gì ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình, bố nó mới tạm bỏ qua ý định ấy. Nhưng nó không thể tò tò đi theo ông mãi; không đến một tháng sau nó phải đi học, ông nó phải làm sao bây giờ? Hơn nữa, sức của ông cũng không còn được như hồi trước, nhỡ ông đi nhặt đá gặp nguy hiểm thì sao? Nó không nỡ bỏ ông một mình; càng không đành lòng để bố ném ông vào viện tâm thần.
Nỗi lo của thằng Hòn nặng dần theo từng hòn đá lão Cục mang về. Cũng may là dân làng còn thương nên vẫn mắt nhắm mắt mở trước những hành động kì quái của lão Cục; thậm chí còn mắng đám trẻ khi chúng trêu chọc lão.
Cho đến một ngày người ta thấy lão Cục hì hụi đào hòn đá to trấn ngay miếu thổ thần thì lớn chuyện. Có điên thì cũng điên vừa vừa chứ! Điên đến báng bổ cả thần thánh thế thì ai chịu nổi. Có người thì thầm hôm trước hình như thấy lão rình mò chỗ nhà tắm của đám con gái; có người lại bảo có khi hôm nọ đường lộ trải xi-măng bỗng bị thủng một lỗ cũng là do lão làm... Bỗng nhiên người ta cảm thấy cái việc đi nhặt đá của lão Cục là vô cùng ghê tởm và nguy hiểm. Nhỡ đâu ngày nào đấy trong nghĩa trang có hòn đá nào đấy mà lão vừa mắt, chả nhẽ cũng để cho lão đào mồ cuốc mả tổ tiên cả làng lên à?
Dân làng đùng đùng nổi giận. Trưởng thôn cũng hết cách, đành gọi điện lên tỉnh mời con cả của lão Cục về dàn xếp. Cậu Hoàn về, cô Hoàng cũng về. Một người mặt mày tím tái, một người mắt mũi nhợt nhạt. Một người giận dữ, một người xấu hổ. Cậu Hoàn đùng đùng lôi lão Cục đang rúm ró sau lưng cháu ra, quát nạt cô Hoàng vào thu xếp đồ đạc. Thằng Hòn hốt hoảng níu lưng bố van vỉ:
- Bố! Tha cho ông đi bố! Ông không cố ý đâu mà!
Cậu Hoàn gắt:
- Mày im đi! Mày đã hứa gì với tao, bây giờ lại để ông mày làm ra những chuyện mất mặt như thế?
Thằng Hòn chẳng biết phải trả lời bố như thế nào, chỉ biết tiếp tục van vỉ:
- Bố! Tha cho ông đi bố! Con sẽ trông nom ông cẩn thận hơn! Bố tha cho ông đi bố!
Cậu Hoàn gằn giọng:
- Mày nói gì vậy con? Mày nói bố mày bất hiếu hay sao? Tao làm gì ông mày mà mày bảo tao tha cho ông? Tao đưa ông mày vào đấy để người ta chữa bệnh cho ông, không phải làm hại ông mày đâu! Mày phải hiểu cho bố chứ con!
Thằng Hòn biết bố nó nói cũng có lý, nhưng nó cũng biết ông nó không muốn đi. Ông không muốn rời cái làng này, không muốn rời ngôi nhà này. Ở đây có kỉ niệm của ông và bà, có kỉ niệm bao ngày thơ ấu của nó bên ông bà. Đến nó chỉ rời nhà đi học thôi mà còn thấy quyến luyến, huống chi ông nó bị đưa đi thế này, chẳng biết có thể trở về hay không. Trong lúc thằng Hòn còn đang ngẫm nghĩ thì cô Hoàng đã lập cập túm đồ đạc của lão Cục ra. Cậu Hoàn lôi xệch lão Cục ra chiếc xe bóng loáng đậu trước ngõ. Lão cố trì lại. Nhưng sức của lão không thể địch lại thằng con lực lưỡng của mình. Lão mếu máo nhìn cháu:
- Hòn! Cứu ông! Cứu ông với! Hòn! Ông không đi! Ông ở lại với con! Hòn ơi!
Thằng Hòn nước mắt nước mũi tèm lem, vẹt đám đông xông lên, nhưng chiếc xe bóng loáng đã mang ông nó, bố nó cùng cô nó đi mất. Dân làng Sỏi nhìn nhau, trong bụng cũng hơi áy náy. Nhưng chuyện cũng đã rồi. Họ chỉ còn cách tự nhủ rằng họ làm vậy là tốt cho lão Cục. Dù sao con lão cũng là người có học thức, có chức quyền, chắc là sẽ chăm lo cho lão tốt hơn là để lão ở cái làng nghèo này. Hơn nữa, bị bệnh thì phải chữa bệnh chứ. Ngộ nhỡ bệnh lão càng lúc càng nặng, nhìn đầu người ra thành hòn đá mà cho một búa thì có mà toi đời. Thôi, lão Cục ạ, lão cứ yên phận mà sống cạnh con đi cho chúng tôi yên tâm!
Nói thì nói vậy, nhưng vắng bóng lão Cục, vắng tiếng cuốc xẻng và tiếng gọi đá của lão, dân làng cũng thấy buồn buồn. Thằng Hòn cũng giận làng, bỏ vào ở trong nội trú của trường. Căn nhà ấm cúng của lão Cục bỗng trở nên hoang lạnh. Chỉ còn mấy hòn đá lăn lóc.
Cho đến một hôm khác, người ta nghe được tin lão Cục mất tích. Thì ra cậu Hoàn đưa lão Cục lên tỉnh, nhưng lại đổi ý, không muốn đưa lão vào viện tâm thần. Nghe đâu là cậu đang tranh một chức vị nào đó, không muốn để người khác biết mình có một người cha bị điên dở. Nhưng để lão Cục ở nhà cũng không được. Thế nên cậu Hoàn tìm mua một căn nhà nhỏ ở làng Héo, một nơi còn hẻo lánh hơn cả làng Sỏi, đưa lão Cục đến đó giấu. Cậu còn cẩn thận mướn thêm một bà bếp để lo bữa ăn và cử hai thằng em vợ để canh chừng lão. Nhưng lão Cục rất ranh mãnh. Lão luôn có cách lẻn ra khỏi nhà, đi lang thang và tiếp tục nhặt đá. Thậm chí lão còn biết không thể mang đá về nhà nên đã tìm một chỗ kín đáo để giấu. Lão làm rất khéo, đến nỗi khi “tài sản” của lão lên đến ba mươi mấy hòn đá thì người dân quanh đó mới phát hiện. Tiếng đồn lại rộ lên.
Nhưng dân ở đây không giống dân làng Sỏi. Họ không biết lão Cục, lại càng không biết những tính tốt của lão. Họ chỉ thấy một lão già điên điên khùng khùng đi thu thập đá. Họ không biết lão có nguy hiểm hay không, có tấn công người hay không? Thế là họ đi trình báo lên xã. Xã báo lên huyện. Huyện trình lên tỉnh. Thế là chuyện đến tai cậu Hoàn. Cậu nổi trận lôi đình, khiến hai gã em vợ của cậu bị mắng cũng tức giận. Họ cúi đầu hứa hẹn với cậu Hoàn rồi sau đó mua hẳn mấy sợi dây xích về trói chân lão Cục vào cột nhà. Lão không đi đâu được nữa. Dân làng những tưởng là ông lão được đưa trị bệnh rồi, cũng dần quên.
Lão Cục cứ bị xích như thế, hằng ngày ăn uống, vệ sinh đều quẩn quanh cây cột. Có lần vợ cậu Hoàn đến, nhìn thấy cảnh ấy, chỉ sít qua kẽ răng nói với hai thằng em:
- Bọn mày cẩn thận một chút! Để lộ ra thì mặt mũi chúng tao mất hết!
Nhưng cẩn thận thế nào thì cũng không ngăn được mùi, nhất là mùi xú uế. Dân làng Héo ngửi thấy mùi lạ, kéo đến ngôi nhà nhỏ thì bị hai thằng trai lực lưỡng chặn lại. Càng nghĩ càng nghi, họ nhất loạt xông vào, chỉ thấy ông lão hôm trước bị xích trói vào cột, ngơ ngơ ngác ngác nghịch mấy hòn đá. Đồ dã man! Dù ông ấy có điên cũng không nên đối xử với ông ấy như thế chứ! Trước làn sóng giận dữ của quần chúng, hai thằng thanh niên phóng cửa sổ chạy mất. Mọi người còn lại phân vân nhìn nhau, không biết nên làm thế nào. Nhìn ông lão dở điên dở khùng, lại dơ dáy bẩn thỉu, ai cũng ngại.
Mãi đến khi trên xã nghe tin, cử người xuống thì cũng đã hết một buổi sáng. Lúc ấy lão Cục mới được cởi trói, đưa vào trạm xá. Nhưng đến nửa đêm, lão lại lẻn ra ngoài, bỏ đi đâu mất. Nghe đồn rằng lão lại đi nhặt đá và bị ngã chết. Có người lại bảo lão đã chết đói trên đường. Thôi thì đủ loại tin đồn, nhưng chung quy lại đều cho rằng lão Cục đã chết.
Tin dữ cùng với câu chuyện lão Cục bị đối xử như con vật lan đến làng Sỏi. Dân làng lo buồn lẫn lộn. Buồn cho cái số lận đận của lão. Cứ tưởng nuôi con ăn học tử tế, cho nó có nghề, có tiền, có quyền thì sẽ được nó phụng dưỡng về già ư? Vợ chồng lão Cục chẳng phải là tấm gương tệ nhất rồi sao! Từ khi mấy đứa con của lão có việc làm cho đến khi được nghề nghiệp ổn định, càng lúc càng giàu, càng lúc càng thăng tiến... vợ chồng lão vẫn cứ vất vất vả vả ở cái làng này nuôi cháu. Bây giờ bà đã đi xa, lão cô đơn lại bị lẫn như thế còn bị con trai dung túng cho con dâu cư xử với lão như thế. Dân làng thở dài. Đối với họ lúc này, bệnh của lão Cục lại chỉ là bệnh lẫn của người già chứ không phải là bệnh điên nguy hiểm trước kia nữa.
Nhưng bên cạnh nỗi buồn đó, cũng có người âm thầm lo lắng. Lão Cục ra nông nỗi thế này họ cũng có một phần trách nhiệm. Nếu như họ không tức giận mà đuổi lão đi thì lão cũng đâu đến nỗi bị con và dâu bạc đãi như thế. Ngộ nhỡ lão ôm hận trong lòng mà trở về báo oán thì sao? Một viên đá nhỏ xíu gây ra tai nạn cho vợ lão, lão đã cố sống cố chết mang cả đống đá về nhà làm gì không ai biết; nếu giờ lão oán họ, có khi nào cũng bắt họ đi không?
Cái không biết và không thấy là cái đáng sợ nhất. Vài người đã len lén đến trước sân nhà lão Cục thắp mấy nén hương, lầm rầm khấn vái. Mấy làn khỏi mỏng manh hằng đêm và vài cọng chân nhang chỏng chơ mỗi sáng không làm căn nhà của lão Cục bớt lạnh lẽo, nhưng ít ra cũng làm nỗi sợ vơi đi chút ít. Vậy mà bình lặng chỉ được vài ngày. Cuối cùng điều mà không ít người dân làng Sỏi sợ nhất cũng xảy ra!
Một đêm nọ, vợ ông trưởng thôn đang xì xụp khấn vái trước sân thì nghe trong nhà lão Cục có tiếng lục cục. Bà quíu hết cả lưỡi. Ối giời cao đất dày ơi! Chả có nhẽ hồn ma lão Cục thật sự hiện về?!? Gió đêm thổi hu hu, lạnh lẽo. Cửa nhà lão Cục bật mở, một cái đầu bù xù thò ra khiến bà trưởng thôn muốn xỉu. Thần hồn nát thần tín, bà ném cả mớ hương trong tay, vắt chân lên cổ mà chạy.
Cái đầu bù xù thụt vào một lát lại thò ra. Ánh trăng nhàn nhạt chiếu xuống mái tóc rối bù, rọi lên gương mặt hốc hác rõ ràng là mặt của lão Cục. Nhưng lão không phải hồn ma, vì lão chưa chết.
Lão Cục ra ngồi ở bậc thềm, ngẩn người nhìn mấy hòn đá lăn lóc trên sân. Thần trí của lão bỗng tỉnh táo hơn bao giờ hết. Lão ngước nhìn mặt trăng mờ mờ sau lớp mây. Trăng cong cong như cái miệng cười duyên của vợ lão. Tự nhiên trong đầu lão Cục nhớ lại nụ cười tủm tỉm của bà cái hôm lão “chiến đấu” với con để giành quyền đặt tên cho cháu nội. Lão còn nhớ bà nắm lấy tay lão, nhẹ nhàng nói:
- Cảm ơn mình! Sao mình biết tôi thích cái tên Hòn?
Lúc đó lão không biết trả lời thế nào, chỉ cười hề hề. Nhưng mấy ngày sau, lão lúc nào cũng ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ. Bà thích cái tên Hòn không lẽ vì lão tên là Cục? Nhưng ngay lập tức lão lắc đầu. Bố tên Cục, con tên Hòn, nghe nó cứ lục cục lòn hòn thế nào ấy, chả hay tí nào! Bà từ nhỏ đã được ăn học, dù không thể nói là thành phần trí thức, nhưng ít ra cũng hay chữ hơn lão và khối người trong làng; cái tên mới của thằng con cả cũng là bà nghĩ ra. Cho nên lão Cục nghĩ đến lý do khác. Nghĩ mãi nghĩ mãi cũng không ra.
Cho đến một ngày lão thấy vợ đứng ở ngạch cửa, mắt miên man nhìn về phía xa. Mắt bà loang loáng nước, nét mặt mê man. Lão chợt hiểu ra: bà nhớ nhà! Con gái xứ biển về làm dâu miền núi có bao nhiêu là bỡ ngỡ, bao nhiêu băn khoăn, bao nhiêu nhung nhớ,... bà vẫn giấu trong lòng bấy lâu. Lão cũng chợt nghĩ ra ở miền biển quê bà có rất nhiều đảo, người ta đều gọi chúng là hòn. Có hòn to, có hòn nhỏ, có hòn gần, có hòn xa... mỗi hòn có ý nghĩa riêng và đều có vị trí quan trọng với con người xứ ấy, trong đó có bà. Nhà bố mẹ của bà cũng ở trên một cái hòn thì phải....
Lão Cục ngây ngô cười. Lão nhớ lại cái lúc lão nghĩ ra nguyên nhân bà thích cái tên Hòn, trong lòng vừa cảm động vừa áy náy, lão đã cầm tay bà, nghiêm túc mà rằng:
- Chờ tôi kiếm đủ tiền, chúng ta sẽ trả thằng Hòn cho vợ chồng thằng Hoàn chăm. Tôi sẽ đưa bà về biển. Tôi sẽ đặt ở mỗi hòn kia một hòn đá của quê núi này, xem như là tấm lòng của con rể dành cho quê vợ. Được không bà?
- Cảm ơn mình! Cảm ơn mình!
Vợ lão xúc động đến vừa khóc vừa cười. Từ hôm đó, lão tìm cách sưu tầm những hình ảnh, những bài báo viết về biển mang về cho bà. Có tiền thì lão mua, không tiền thì lão xin, người ta cũng không tiếc vài tờ lịch cũ, vài tờ báo xem rồi....
Mùi khói của mấy cây hương cháy dở lãng đãng trong gió, bay vào mũi lão Cục khiến lão sực nhớ ra gì đó. Lụm cụm đi vào nhà, lão thắp cho bà nén hương rồi luồn tay vào sau tấm hình của bà, lấy ra một tờ báo được gấp tư cẩn thận. Lão cầm cả ảnh vợ và tờ báo quay ra, chầm chậm ngồi xuống tựa lưng vào mấy hòn đá lành lạnh.
Gió lại thổi lên hu hu. Lão Cục rùng mình mấy cái, co ro nép vào mấy hòn đá. Cái bụng lép kẹp của lão lại kêu lên rột rột. Mấy hôm nay lão chỉ biết tìm đường về nhà, đã ăn uống được gì đâu. Mấy quả dại vơ đại ven đường không giúp lão no lâu. Lão Cục chợt thấy buồn ngủ. Lão ôm tờ báo và di ảnh của vợ vào ngực, mơ mơ màng màng ngủ. Trong mơ, lão nhìn thấy vợ. Bà vẫn xinh xẻo như cái hồi mới gặp nhau. Bà nhìn lão bằng ánh mắt mênh mang loang loáng nước, giọng bà như có sóng:
- Tôi đưa mình đi thăm tất cả các hòn ở quê tôi, mình nhé!
Lão Cục mừng quýnh, lập cập túm lấy tay bà, nắm chặt không dám buông. Bà đã về gặp lão! Bà còn muốn đưa lão đi cùng! Bà không bỏ lão lại một mình cô đơn buồn bã nữa!
Gió càng lúc càng lớn, rồi mưa ập xuống. Mưa mù trời. Gió giật đùng đùng, sấm chớp ì ùng. Trong căn nhà vắng vẻ, lão Cục nằm co giữa bốn bề là đá. Tay lão vẫn ôm chặt tờ báo và hình vợ. Miệng lão nhoẻn nhoẻn cười.
Khi cậu Hoàn và thằng Hòn hớt hơ hớt hải chạy về thì lão Cục đã theo vợ về xứ biển. Thằng Hòn khóc không thành tiếng. Cậu Hoàn thì choáng váng như bị ai tát cho một cái. Cậu thấy đau. Đau lắm. Tay cậu run run sờ tay lão Cục. Từ lúc nào bố của cậu lại gầy gò đến như thế? Thằng Hòn gạt tay bố nó ra khỏi người ông nó rồi ôm lấy cái xác khô xăm xăm đi về hướng nhà đòn(1). Ông nó từng dặn dò, nếu một mai ông nó theo bà thì phải mang ông đi thiêu rồi để tro cốt chung với bà. Khi nào có dịp ra biển thì nhớ rải tro ấy xuống, để ông cùng bà trở về đại dương. Nhưng ông ơi, bây giờ người ta không nhận thiêu xác nữa...
Nước mắt thằng Hòn chảy dài trên má. Nó xốc nhẹ thân hình cứng đờ của lão Cục một cái. Cánh tay lão rũ xuống, tờ báo bị vo thành cục từ trên ngực lão rớt ra, lăn lăn đến những hòn đá. Mấy đứa trẻ ranh không biết sợ nhặt lên, tò mò mở ra xem. Một thằng lớn nhất, có vẻ là “hay chữ” nhất, được cả đám tin tưởng giao cho tờ báo. Thằng nhóc kênh cái mặt rồi cắm mắt vào mấy chữ cái, bập bẹ đánh vần:
- A...y... ay, ngờ... ay ngay... huyền... ngày. A... u... au, sờ... au... sau...
Tờ báo đã cũ, lại bị lão Cục túm chặt đến nhăn nheo. Vài giọt nước mưa đêm qua làm chữ lem nhem hết cả. Thằng bé chỉ có thể nhìn ra dòng chữ in to nhất trên đấy. Nó hí hửng đọc to lên cho lũ bạn đang mắt tròn mắt dẹt há mồm chờ nghe. Thằng Hòn ẵm xác lão Cục đi một quãng khá xa rồi mà vẫn nghe giọng trẻ con vang vang trong gió:
- Ngày sau sỏi đá vẫn cần có có nhau...(2)
_______
1. Nhà đòn: nhà tang lễ
2. Ca từ bài Diễm xưa- Trịnh Công Sơn
Truyện ngắn dự thi của Hồ Thúy An
Nguồn Văn nghệ số 37/2023