Tháng 10/2021, nhà báo, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng trình làng tác phẩm“Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Với tác phẩm này, thân thế của “Bà Chúa thơ Nôm” mờ mờ, tỏ tỏ, suốt 250 năm qua, đã được làm rõ bằng phương pháp nghiên cứu có sự hỗ trợ của các bộ môn “siêu thực”, từ trước tới nay giới nghiên cứu chưa ai thực hiện phương pháp này, do đó gây nên sự thu hút bạn đọc với tác phẩm.
Tác giả Nghiêm Thị Hằng, từng là phóng viên điều tra, hiểu biết về pháp luật, chị có kinh nghiệm gần 30 năm trong việc tìm mộ liệt sĩ thiếu thông tin, có sự hiểu biết về tử vi, kinh dịch, tôn giáo, tín ngưỡng, am hiểu văn học, xã hội, dư địa chí… Những yếu tố này là cần thiết để chị thực hiện phương pháp nghiên cứu quy nạp điền dã, so sánh loại trừ, khảo thơ tìm sử, khảo sử tìm người, kết hợp với sự hỗ trợ của các bộ môn “siêu thực” đã làm sáng tỏ 9 bí ẩn cuộc đời “Bà Chúa thơ Nôm” trong tác phẩm “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”
Nói về thân thế và sự nghiệp của nữ sĩ, thông thường người ta nói thân thế trước, sau mới nói đến sự nghiệp. Nhưng với Hồ Xuân Hương thì thân thế lại mờ mờ, tỏ tỏ, gần 250 năm qua. Vì thân thế chưa rõ ràng, nên hồ sơ ứng viên “Danh nhân văn hóa” của nữ sĩ, nhiều năm qua vẫn chưa được UNESCO thông qua. Đến nay trong nước cũng chưa có công trình nghiên cứu nào đủ độ tin cậy về khoa học, sát thực với cuộc sống văn học sử về nữ sĩ.
Theo cựu Đại tá Trần Nhung (nguyên Tổng biên tập báo Cựu chiến binh), thì “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của tác giả Nghiêm Thị Hằng, “lần đầu tiên có một cuốn sách nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và có căn cứ lịch sử, địa lý, xã hội và văn học về nhà thơ nữ nổi tiếng Hồ Xuân Hương .
Một là cuốn sách đã lý giải rất thuyết phục về quê quán, năm sinh năm mất, phần mộ của nhà thơ, về cha mẹ đẻ, hai đời chồng của bà.
Hai là cuốn sách đã giải mã nhiều bí ẩn về thân thế, sự nghiệp thơ ca của bà gắn với các sự việc, con người và địa danh.
Ba là cuốn sách tạo cứ liệu có cơ sở khoa học cho việc làm hồ sơ để Tổ chức Văn hóa, giáo dục của Liên hợp quốc(UNESCO) chấp nhận và bà đã được vinh danh “Danh nhân văn hóa” trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của bà (1822-2022).
Với 316 trang, tác phẩm giải mã được 9 bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Bí ẩn thứ nhất, xưa nay không ít nhà nghiên cứu cho rằng “Bà Chúa thơ Nôm” là huyền thoại, là nhân vật dân gian. Nếu là nhân vật huyền thoại dân gian thì UNESCO không thể vinh danh “Danh nhân văn hóa” cho nhân vật huyền thoại. Tác giả đã giải mã chứng minh Hồ Xuân Hương là con người thật có quê ở Quỳnh Đôi -Nghệ An, có tổ tiên dòng họ Hồ khoa bảng, thuộc Trung chi 2, hậu duệ đời thứ 12 ở Quỳnh Đôi, anh em họ với vua Quang Trung -Nguyễn Huệ. Cha nữ sĩ là cụ đồ Hồ Phi Diễn (1703-1786) hậu duệ đời thứ 11. Bí ẩn thứ 2 về người cha của Hồ Xuân Hương- theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cha của nữ sĩ là cụ Hồ Sĩ Danh (1703-1783), không phải cụ Hồ Phi Diễn. Tác giả đã giải mã bí ẩn về người cha, khẳng định cha của nữ sĩ là cụ đồ Hồ Phi Diễn, không phải là cụ Hồ Sĩ Danh (thuộc Trung chi 3). Kết quả nghiên cứu này đã chấm dứt việc tranh cãi về người cha của Hồ Xuân Hương hơn 200 năm qua.
Tác giả cũng đã tìm được phần mộ của cụ Hồ Phi Diễn và vợ là cụ Hà thị chôn ở nghĩa địa Đồng Táo (làng Nghi Tàm) nay chìm dưới Hồ Tây, theo 2 câu thơ nữ sĩ viết vào tiết Thanh minh năm 1815 khi đi viếng mộ cha mẹ:“Dầu dầu 2 nấm lẫn vàng xanh/ Kìa nấm thâm ân, nọ nấm tình”. Nấm xanh là mộ cụ Hồ Phi Diễn chết đã 29 năm, còn nấm cỏ vàng chưa xanh là mộ cụ Hà thị mới chết cuối năm 1814, nấm thâm ân (là mộ cụ Hồ Phi Diễn), nấm tình là mộ cụ Hà thị. Đó là việc xưa nay chưa nhà nghiên cứu nào chỉ ra được phần mộ của cha mẹ nữ sĩ.
Về thân thế của “Bà Chúa thơ Nôm”, Nghiêm Thị Hằng giải mã được 2 bí ẩn, chỉ rõ ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất của bà. Nguyên danh của nữ sĩ là Hồ Phi Mai, Xuân Hương là biểu tự, Cổ Nguyệt Đường là bút hiệu, bà sinh 5h30 ngày 13/7 năm Quý Tỵ, (tức ngày 30/8/1773), mất ngày 14/8 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 28/9/1822) tuổi mệnh 49.
Tác giả đã chứng minh để loại các năm 1735, 1770, 1772 và 1815 là các giả thiết trước đây đưa ra năm sinh không đúng của nữ sĩ.
Minh chứng theo Siêu Hải, Hồ Xuân Hương sinh khoảng năm 1735, căn cứ vào mối quan hệ giữa Hồ Xuân Hương và Phạm Đình Hổ, (đăng trên, tạp chí Văn học, số 5- 1991). Nếu nữ sinh năm 1735 thì năm ấy, cụ Hồ Phi Diễn 32 tuổi, không đúng với văn học sử gần 70 tuổi cụ mới sinh con gái Hồ Xuân Hương. Khi cụ mất năm 1786, thì nữ sĩ đã 51 tuổi, không đúng với văn học sử khi nữ sĩ 13 tuổi thì cha qua đời. Tính năm 1822 nữ sĩ mất, thì bà đã ở tuổi 87, không đúng với cuộc đời thực nữ sĩ là người chết trẻ. Nếu sinh năm 1735, thì nữ sĩ không thể lấy ông Tổng Cóc năm 1802, khi bà 67 tuổi, càng không thể lấy quan Tham hiệp - Trần Phúc Hiển năm 1816, khi bà đã 81 tuổi.
Như vậy giả định nữ sĩ sinh năm 1735 là không có căn cứ, không đúng sự thật, bị loại bỏ.
Giả thiết thứ 2, nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Khảnh (ở Nam Định), đưa ra thông tin Hồ Xuân Hương sinh năm 1815, mất năm 1893 (theo mối quan hệ là vợ của ông Phạm Viết Ngạn- Tri phủ Vĩnh Tường 1862). Xét năm sinh 1815, thì cụ Hồ Phi Diễn cha của Hồ Xuân Hương, đã mất từ năm 1786 (mất trước ngày nữ sĩ ra đời 29 năm), đây là sự phi lý được chỉ ra, trong mối quan hệ cha con, cha đã chết 29 năm không thể sống lại để sinh con vào năm 1815 và cụ Hà Thị mẹ nữ sĩ mất năm 1814 thì làm sao có thể sinh con vào năm 1815? Năm 1802 Hồ Xuân Hương chưa ra đời làm sao lấy được ông Tổng Cóc, mới 1 tuổi thì làm sao năm 1816 lấy được ông Trần Phúc Hiển? Như vậy giả định nữ sĩ sinh năm 1815 không phù hợp bị loại bỏ.
Khi nghiên cứu tử vi của Hồ Xuân Hương, tính cách của bà để lại trong thơ là người khao khát mạnh mẽ trong tình yêu, được nhiều người yêu mến, có sức hút với người khác giới, người có tính cách này trong tử vi có Đào hoa chính Ngọ ở cung bậc rực rỡ. Giả định bà sinh năm 1770 (năm Canh Dần), năm này có Can-Canh (không hợp với người phụ nữ đường tình duyên phải 2 lần đò), mặt khác Chi- Dần của năm này không có Đào hoa chính ngọ, không phù hợp với tính cách của nữ sĩ. Nếu tính theo năm mất của cụ đồ Hồ Phi Diễn thì năm này Hồ Xuân Hương 16 tuổi, không đúng với văn học
sử khi nữ sĩ 13 tuổi thì cha qua đời, do đó năm 1770 bị loại.
Giả định nữ sĩ sinh năm 1772, năm Nhâm Thìn, năm này Can-Nhâm phù hợp với cuộc đời thực của nữ sĩ (2 đời chồng). Năm này Chi-Thìn-không có Đào hoa chính Ngọ. Nếu so với năm cụ Hồ Phi Diễn qua đời (1786) thì Hồ Xuân Hương đã 14 tuổi, không đúng với văn học sử. Như vậy năm 1772 có 2/3 dữ liệu không đúng với thực tế cuộc đời nữ sĩ, do đó năm này bị loại.
Trong tử vi, vận Đào hoa theo mệnh tuổi được tính như sau: Những người tuổi Tý, Thìn và Thân, Đào hoa ở Dậu; Tuổi Sửu, Tỵ và Dậu, Đào hoa ở Ngọ; Tuổi Dần, Ngọ và Tuất, Đào hoa ở Mão; Tuổi Mão, Mùi và Hợi, Đào hoa ở Tý;
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là có có Đào hoa chính Ngọ là người có mệnh thuộc các tuổi Sửu, Tỵ và Dậu .
Tính từ năm 1770-1773 thuộc các tuổi Canh Dần 1770, Tân Mão 1771, Nhâm Thìn 1772 và Quý Tỵ 1773, chỉ có năm Quý Tỵ là có vận Đào hoa thuộc giờ Ngọ. Năm 1773 có CAN-QUÝ đúng với cuộc đời thực của nữ sĩ “Gái Đinh, Nhâm, Quý thì 2 lần đò”. Năm này CHI-TỴ có Đào hoa chính Ngọ. Năm này nữ sĩ 13 tuổi thì cha qua đời. Tác giả đã giải mã tìm ra năm sinh của Hồ Xuân Hương chính xác là năm Quý Tỵ 1773 với 3 dữ liệu đúng cả 3.
Sau khi xác định được năm sinh, căn cứ và tính cách, cuộc đời thực của Hồ Xuân Hương bằng phương pháp lập tử vi đối chiếu và loại trừ, tác giả đã cùng chuyên gia tử vi thầy Hoàng Văn Khôi (84 tuổi) lập được tử vi của nữ sĩ, đủ căn cứ luận giải 12 cung định mệnh của “Bà Chúa thơ Nôm” làm sáng tỏ thân thế của nữ sĩ. Từ đây giải mã được nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà.
Năm 1816 ông Trần Phúc Hiển cưới Hồ Xuân Hương, năm ấy nữ sĩ 44 tuổi âm, đó là tuổi đại kỵ trong hôn nhân, còn rơi vào mệnh tử theo cách tính “sinh, lão, mệnh, tử”, do đó chỉ 2 năm sau khi cưới thì ông Trần Phúc Hiển dính đại án năm 1818 bị
bắt về tội nhận hối lộ, năm 1819 qua đời và sau đó 3 năm, năm 1822 đoạn tang chồng, nữ sĩ qua đời ở tuổi mệnh 49 vào ngày 14 tháng 8 âm lịch năm Nhâm Ngọ, tức ngày 28/9/1822
Từ lá số tử vi, soi chiếu sang cuộc đời thực, Hồ Xuân Hương có chuyện tình riêng lỡ làng, không như ý, nhưng tình ấy, cảnh ấy, là xuất phát điểm cho sự thăng hoa của thơ ca. Đời nào cũng vậy, người phụ nữ đa đoan, thất tình, thường có những bài thơ tình nổi tiếng.
Vượt lên hoàn cảnh ấy, nữ sĩ có chí cao hơn, khát vọng lớn lao hơn, gửi vào những hồn thơ, tứ thơ, để trường tồn trong hồn thơ dân tộc, để trở thành “Bà Chúa thơ Nôm”, như nho sĩ ghi danh trong bảng vàng Tiến sĩ.
Thân thế nữ sĩ về quê hương, người cha và năm sinh năm mất, tác giả Nghiêm Thị Hằng đã giải mã được 4 bí ẩn, còn 4 bí ẩn về tình duyên, hôn nhân của nàng thơ, mời bạn đọc đón đọc ở số báo tiếp theo.
----------------------------
Ảnh : Thầy tử vi Hoàng Văn Khôi, người lập tử vi nữ sĩ Hồ Xuân Hương