Diễn đàn lý luận

Thanh Hào và những vần thơ Thiếu nhi

Chân dung văn học
09:50 | 06/04/2022
Bài viết này đã in báo khi nhà thơ Thanh Hào còn sống. Nay, hướng đến kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và 75 năm ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên, thiết nghĩ việc đăng tải lại bài viết là việc làm cần thiết. Hội Nhà văn Việt Nam đã có những thế hệ rất xuất sắc làm nên diện mạo của văn học cách mạng Việt Nam, Thanh Hào là một đại diện xứng đáng trong văn học Thiếu nhi giai đoạn ấy…
aa

LTS: Bài viết này đã in báo khi nhà thơ Thanh Hào còn sống. Nay, nhân kỷ niệm 75 năm ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên, thiết nghĩ việc đăng tải lại bài viết là việc làm cần thiết. Hội Nhà văn Việt Nam đã có những thế hệ rất xuất sắc làm nên diện mạo của văn học cách mạng Việt Nam, Thanh Hào là một đại diện xứng đáng trong văn học Thiếu nhi giai đoạn ấy…

Khi gặp Nhà thơ Thanh Hào tôi mới biết ông là như vậy!

Tôi là thế hệ sau ông. Tuổi ông so với tuổi tôi, chúng tôi như là con cái, chứng lý là những vần thơ của ông (mãi đến bây giờ tôi mới biết chính xác), chúng tôi đã được học trong sách “Tập đọc” khi còn cắp sách đến trường ở tuổi hoa niên:

Hôm nay trời nắng như nung

Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày

Ước gì em hoá thành mây

Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm.

Những vần thơ đã đi vào ký ức tuổi thơ tôi. Tôi cũng như rất nhiều người khác cùng trang lứa, trong bộn bề của cuộc đời và vô tình với biết bao điều hệ trọng đã diễn ra, tôi cứ ngỡ đó là những câu ca dao mới, được hình thành vào những năm gần đây. Trường hợp này khác hẳn với những câu thơ của Bàng Bá Lân, những câu thơ đẹp như ca dao cổ tích: Hỡi cô tát nước ven đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. Có lẽ không ít người đã lầm tưởng đó là ca dao, phong dao trong kho tàng tục ngữ ca dao rất phong phú của dân tộc ta. Có một lần tôi đã lẩn thẩn nghĩ, lỗi cũng tại các ông, các ông gần với ca dao quá. Gần đến nỗi để rất nhiều người… nhầm, để rồi đến một lúc nào đó lại phải giật mình: Trong sáng tác các ông đã đạt đến độ giản dị. Sự giản dị ấy có được tác giả đã trải qua nghìn vạn lần rậm rịt. Phải chăng, đó cũng chính là những điều bất ngờ thú vị của cuộc đời!

Nhà thơ Thanh Hào với tôi là một trong những trường hợp như vậy. Gặp ông, tôi thấy ông quá bình thường trong cái thành phố phồn hoa đô hội này. Ông lúc nào cũng chầm chậm trên một chiếc xe gắn máy nhỏ, nhỏ hơn cả xe “Chaly” dành cho những phụ nữ vốn “yếu đuối với tốc độ”, mà lại là xe Trung Quốc. Một lần ông cho biết: Cả Hà Nội có mấy chiếc thôi, xe này do một cơ quan nhập về để đi lại trong đơn vị. Thế rồi chán, chẳng ai muốn đi, họ bán… thải hồi, ông vớ được đi cho đến tận bây giờ. Hơn chục năm trời ông đã gắn bó với nó nối liền nhà ông với các toà soạn. Nó đã giúp ông rất nhiều khi tuổi đã ngoại “thất tuần”.

Sau lần ông kể, mỗi lần Thanh Hào đến báo Văn nghệ, tôi không quên tiễn ông xuống tận tầng dưới, dắt chiếc xe đặc biệt ấy ra đường, trịnh trọng giao tay lái cho ông rồi nhìn theo hút cho đến khi nhà thơ lẫn vào với dòng người xuôi ngược trên đường. Vậy mà có một lần, một chiếc xe nào đó đã “liếm” cái lưỡi tử thần vào đuôi xe của ông. Lần nào cũng vậy, lòng tôi cộn lên những suy nghĩ về ông, về con người! Hôm nay đi trên đường có ai để ý và biết đấy là một nhà thơ? Chắc chắn là không ai biết! Nhỏ như cái thành phố này thôi, mỗi lần dừng lại vì đèn đỏ, vì tắc đường, để đỡ sốt ruột tôi vẫn thường trộm ngắm khuôn mặt những người bên cạnh. Tìm một đặc điểm nào đó lưu giữ lại, mong gặp lại họ vào một lần nào đó như một lần may mắn trong đời… Hơn hai chục năm trời điều mong mỏi đó vẫn chưa xảy ra. Song có một điều không thể phủ nhận là những vần thơ Thiếu nhi của nhà thơ Thanh Hào cứ vang lên trong tôi và thế hệ chúng tôi. Những vần thơ trong trẻo và đẹp như tuổi hoa niên mà Tạo Hoá chỉ dành cho mỗi cuộc đời một lần duy nhất.

Phải chăng, chính vì lý do này mà tập “Bóng mây” của Thanh Hào đã được giải thưởng của Uỷ ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương năm 1978, và rất nhiều bài trong đó đã được đưa vào chương trình Tiểu học (việc tuyển chọn vào sách giáo khoa những năm ấy rất cẩn thận và khách quan). Điều tôi băn khoăn là liệu các thế hệ sau còn có được cảm xúc như tôi đã từng có khi tiếp xúc với thơ Thanh Hào? Tôi chắc là điều đó còn tồn tại bởi thơ Thanh Hào gần gũi và giản dị như đời sống. Những thứ tưởng chừng như ngay bên cạnh mình, vậy mà cứ phải đợi đến Thanh Hào bày ra bằng giấy mực mới nhận ra công việc đơn giản đến ngỡ ngàng ấy! Cho đến tận bây giờ mỗi một lần định viết gì đó tôi luôn tâm niệm: Nghệ thuật chính là đời sống này, tất nhiên không phải đời sống nào cũng là nghệ thuật. Để có những sáng tác đạt tiêu chuẩn nghệ thuật, chí ít bản thân tác giả phải có một sự trải nghiệm. Có lẽ Thanh Hào cũng không phải là ngoại lệ trong qui luật có tính phổ thông này cho rất nhiều người cầm bút.

Tôi có thói quen khi ngồi làm việc (hay bất cứ đâu, kể cả bên bàn nước) không thích ai ngồi bên phải mình chỉ vì một lý do đơn giản: tay phải không muốn bị vướng, bận. Thanh Hào đến báo Văn Nghệ vì một công việc gì đó chẳng hiểu sao thỉnh thoảng ông hay ghé vào chơi. Lần nào cũng vậy, ông loăy hoăy tìm cách ngồi bên phải. Sau vài lần để ý người có thói quen đối lập với mình, một lần tôi hỏi ông để thoả chí tò mò, ông tâm sự: Thói quen này đã có ở ông mấy chục năm rồi. Có thể lấy mốc từ cuối năm 1972, sau khi Mỹ dùng “Con ngoáo ộp của thời đại”, ném bom huỷ diệt thành phố Hà Nội và một số thành phố khác của Việt Nam, nhằm tìm thế mạnh trên bàn đàm phán… Lần đó nhà Thanh Hào bị trúng bom, quả bom lớn nhất trong số bốn quả ném xuống đã làm tan nát gia đình ông. Có điều lạ lùng, gia đình Nhà thơ không ở gần Bạch Mai, Khâm Thiên hay một khu vực quân sự nào đó mà lại ở Bãi Giữa sông Hồng! Tai phải ông bị hỏng từ đó và thói quen ngồi bên phải người khác để tai trái nghe được tốt hơn. Lần đó vợ chồng ông mất đi hai người con gái, cả hai còn đang độ Hoa Niên. Cho đến tận bây giờ ông vẫn bùi ngùi kể: Chiều đó, đứa con gái nhỏ còn khóc mếu nói với ông khi nghịch cửa bị kẹp tay: “Bố ơi, con cửa nó cắn tay con!”

Chẳng biết có phải từ đây, từ sự khốc liệt vô tình của chiến tranh, từ nỗi đau của người cha mất con, từ những trong sáng trong quan niệm ngộ nghĩnh mà chỉ có ở thế giới tuổi thần tiên mới có được… Tất cả, tất cả đã làm nên một Thanh Hào: Nhà Thơ Thiếu nhi! Cả một chặng đường dài trong cuộc đời, Thanh Hào âm thầm viết. Bên cạnh những tản văn, tuỳ bút mượt mà đậm nét của lễ hội đất quan họ. “Đến hẹn”, Rằm Trung thu nào trên mặt các báo, mà đặc biệt là Tuần báo Văn nghệ cũng có những sáng tác cho Thiếu niên, Nhi đồng của nhà thơ Thanh Hào. Thanh Hào không có “Trái đất này là của chúng mình” như Định Hải, không có những câu thơ “của cậu bé thần đồng” Trần Đăng Khoa trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại niền Bắc: “Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ”. Dù không có “dép to, dép nhỏ / dép đỏ, dép xanh” như Phạm Hổ để “Các em hãy giữ lấy / những đôi dép của mình”… Song, Thanh Hào dứt khoát là một “Nhà thơ Thiếu nhi”! Nếu thế hệ chúng tôi nhớ Thanh Hào vào: “Đêm nay Rằm tháng tám / Mẹ thắp đèn kéo quân” thì, thế hệ sau không thể quên ông mỗi mùa khai giảng qua bài thơ “Cái trống trường em”:

Kìa trống đang gọi:

- Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!…

Vào năm học mới

Giọng vang tưng bừng.

*

Thanh Hào kể: Ông đã từng làm rất nhiều nghề. Thủa đầu đời ông làm thợ sắp chữ cho một nhà in. Hình như công việc này ông không mấy mặn mà. Đi làm, theo ông chỉ là để “giống” mọi người, điều này ông hoàn toàn có lý. Đối với một người đang dự định làm những việc khác người (không bình thường như sáng tác thơ văn chẳng hạn), thì việc dấu mình trong một hình thức nào đó cho “giống” cộng đồng quả là cần thiết. Sau một vài năm Thanh Hào xin thôi việc, ông trở về Bãi Giữa sông Hồng đang độ tráng niên. Nơi đây trời cao, sông rộng, cá tươi… nhiều năm Nhà thơ sống bằng nghề chài lưới nuôi thân và nuôi gia đình. Giờ đây mỗi lần kể lại giọng ông phấn chấn hồ hởi, không có tiễng gõ mái chèo vào mạn thuyền đuổi cá như bây giờ, nhưng những tấm lưới vương thả xuôi theo dòng chảy có ngày ông kiếm được hàng tạ cá… Thế mà có một ngày ông đột ngột bỏ chài bỏ lưới, chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Đất Bãi Giữa sau mỗi mùa lũ mát mịn phù sa, chẳng biết có phải “tằm tang canh cửi” vốn là nghề gốc của dân Kinh Bắc vẫn tàng ẩn trong sâu thẳm mỗi người dân nơi đây mà Thanh Hào khéo lắm. Dâu ông trồng vừa tốt, vừa non. Kén ông ươm tơ vàng óng ả… Thanh Hào trở thành một người viết lúc nào không biết.

Song, trở thành một Nhà thơ chuyên sáng tác cho Thiếu niên, Nhi đồng thì phải lấy năm 1972 làm mốc, năm mà bom B52 rải xuống Hà Nội, năm mà bom Mỹ làm tan nát nhà ông. Mặc dù không có sự phân định mạch lạc trong sáng tác nhưng mất mát quá lớn làm cho các tác phẩm có chiều sâu hơn. Cho đến tận bây giờ, mấy chục năm qua đi, như đã thành thông lệ cứ tháng 12 ông lại viết một điều gì đó mang đến toà soạn. Tôi đọc ông rợn người vì cái bóng xám của chiến tranh, lặng người trong tiếng ông đều đều kể:

…“Hôm ấy, sau tiếng nổ lộng óc ông bị tung lên trời rồi ngất đi, khi tỉnh lại ông nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của người vợ. Cũng may ông và cậu con trai lớn không bị thương chỉ bị sức ép. Hai cha con xác định vị trí hầm trú ẩn rồi bươi đất… Cha con ông đã muộn, chỉ cứu sống được người vợ. Theo ông, những ngày sau đó mới thật là khủng khiếp. Cả cánh bãi đã đành là tan hoang, nhưng sự lạnh lẽo trong tâm tưởng mọi người còn ghê gớm hơn nhiều. Rau màu, cây trái trên Bãi Giữa chỉ sau vài tháng nhờ đất sa bồi của dòng sông mà nhanh chóng hồi sinh. Còn con người, nhất là những người cầm bút như ông dễ đâu một sớm một chiều mà xoá nhoà đi được. Vợ ông sau ngày mất con như người mất hồn, ông phải chiều theo bà, kể cả việc bà đến các đền chùa, lên đồng, gọi hồn… (vào thời điểm đó những việc làm mê tín dị đoan là ghê gớm lắm). Còn ông, suốt một thời gian dài ông không biết mình làm gì. Sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết (1973), vào dịp sắp tết Nguyên đán, nhà văn Băng Sơn sang chơi. Băng Sơn khuyên Thanh Hào nên đem những cành táo Thiện Phiến trong vườn nhà ông sang Hà Nội bán (lời khuyên của Băng Sơn cốt là để kéo ông ra khỏi chứng trầm cảm). Nhìn những cành táo còn lại sau trận bom nay quả đã mọng, nhưng quả nào cũng ám đen khói bom, Thanh Hào đem ra sông Hồng rửa… Không ngờ những quả táo bóng đẹp hẳn lên, cành táo nào cũng đều bán được, và cả hoa nữa, hoa của những người dân Bãi Giữa sông Hồng trồng lại nở sau bom đạn. Hoa Bãi Giữa cùng với hoa Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá… làm đẹp cho Hà Nội sau những ngày tang tóc đau thương! Chẳng biết trong số quả mà Thanh Hào mang bán có ai biết được rằng, đó là những quả sau khi đã gột rửa sạch khói bom bằng nước sông Hồng. Dẫu sao đi nữa thì nó cũng đã là quả của ngày chiến thắng!

Hà Nội gần đây đưa ra phương án thoát lũ nhanh cho sông Hồng. Những người dân Bãi Giữa được đưa vào bờ, Thanh Hào đưa gia đình sống trong vùng đã được qui hoạch (Thôn Bắc Biên, Phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội). Cuộc sống gia đình ông ổn định hơn. Tôi có hỏi ông về việc ghét (căm thù) những người ngoại quốc (đặc biệt là người Mỹ) đi lại trên các đường phố Hà Nội. Thanh Hào trả lời: Ông không ghét (căm thù) ai cả mà chỉ đau thôi! Từ khi biết nhà thơ Thanh Hào và nỗi mất mát của gia đình ông trong chiến tranh, mỗi lần có dịp sang sông tôi lại ngoái nhìn Bãi Giữa. Bãi Giữa còn đó bên lở bên bồi, đắp đổi theo năm tháng thời gian, lở và bồi bên nào thì vẫn còn đó một nỗi đau. Một nỗi đau Thanh Hào, nỗi đau của người cha mất con. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của những người cha mất con trên trái đất này… Chẳng biết đối với những người khác thì sao, riêng Thanh Hào nỗi đau lặn sâu vào trang viết, càng đau viết càng trong trẻo, thơ Thiếu nhi ông viết càng đều, càng hay. Phải chăng đó cũng là cách yêu con của Nhà thơ, đó cũng là nhân cách nhà văn cao cả trong tâm hồn Thanh Hào – Một con người mà nhìn bề ngoài không ai nghĩ ông lại là một con người như thế!

Biết đến bao giờ để “Biển xanh không sóng / Tàu trắng đồ chơi”, như một câu thơ đầy khát vọng hoà bình của Nhà thơ Trúc Thông (Trích trong tập thơ in chung với Nhà thơ Đào Cảng – 1986).

Tháng 12 – 2004


Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Baovannghe.vn - Khi chúng ta còn bé, chúng ta cứ mặc nhiên nhận sự chăm sóc ân cần, cơm đủ bữa, quần áo thơm tho… Mặc nhiên nhận sự bao bọc, chở che, còn cha mẹ thì lại hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm, chăm chút cho chúng ta.
Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Baovannghe.vn - Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và ký ức. Ý, tình khúc chiết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập Thơ điên, nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!
Triển lãm nghệ thuật số "Trượt nhịp động"

Triển lãm nghệ thuật số "Trượt nhịp động"

Baovannghe.vn - Triển lãm nghệ thuật số Trượt nhịp động (Nothing, time speeds up) diễn ra tại Quang San Art Museum là hành trình khám phá chân thật và gần gũi sự chuyển động của thời gian thông qua hình ảnh nghệ thuật số và trải nghiệm đa giác quan thú vị...
Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Nghĩ nhanh kẻo cơn mưa tới/ Hè mang phù sa qua đây
Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.