Sự kiện & Bình luận

Thấp thỏm dòng sông

Bút ký phóng sự
08:45 | 11/11/2023
Sông Ngàn Phố có tên cổ là Ngàn Sơn thuộc vùng Chi La (tên hành chính thời Quang Thuận thế kỉ XV), được bắt nguồn từ dãy Giăng Màn, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến bến Tam Soa thì hợp lưu với sông Ngàn Sâu tạo thành sông La. Trong quá trình dẫn dòng vào thời kì có sự khởi chuyển của lục địa Ngàn Phố đã tạo ra dải đất phù sa màu mỡ, hình thành dần lên những xóm làng trù phú.
aa

Sông Ngàn Phố có tên cổ là Ngàn Sơn thuộc vùng Chi La (tên hành chính thời Quang Thuận thế kỉ XV), được bắt nguồn từ dãy Giăng Màn, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến bến Tam Soa thì hợp lưu với sông Ngàn Sâu tạo thành sông La. Trong quá trình dẫn dòng vào thời kì có sự khởi chuyển của lục địa Ngàn Phố đã tạo ra dải đất phù sa màu mỡ, hình thành dần lên những xóm làng trù phú.

Với điều kiện thuận lợi về địa thế, địa hình, khí hậu, đất đai thổ nhưỡng mà con sông này chính là xương sống, lá phổi và là trái tim nhịp thở làm nên vóc dáng Hương Sơn bằng một hình hài vạm vỡ! Cứ như thể tạo hóa chỉ dành riêng sự ưu tiên cho xứ này với những khác biệt so với phần còn lại của dải đất miền Trung đầy nắng, mưa khắc nghiệt.

Giữa chốn sơn thủy khổng lồ ấy, Ngàn Phố đã tạo ra cả một thung lũng rộng lớn, nhưng cũng biết cách thoát khỏi các dãy núi biệt lập để bỏ lại những địa hình đứt quãng. Từ những địa hình quảng nhánh đó, cha ông ta đã mở ra những con đường thượng đạo. Để rồi nhờ những con đường này mà vào thế kỉ thứ XIII khi quân Nguyên vào chiếm giữ Lam Thành (thuộc Nghệ An ngày nay) không ngờ bị một cánh quân của nhà Trần phục sẵn ở đây tràn xuống đánh úp, khiến chúng trở tay không kịp. Tướng giặc là Toa Đô phải bỏ thành rút chạy.

Như vậy, Hương Sơn là một trong những vùng đất có điểm khởi phát đầu tiên trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trước họa xâm lăng của đế quốc Mông Cổ.

Bình Minh trên sông Ngàn Phố (ảnh Đậu Bình)

Và cũng dựa vào vựa thóc của thung lũng Ngàn Phố rộng lớn cùng những con đường thượng đạo đi qua, Lê Lợi đã tập hợp được lực lượng sau khi bố trí cho Đinh Liệt chỉ huy một đạo quân đến trước chiếm giữ, xây dựng căn cứ địa Đỗ Gia (tên cổ của huyện Hương Sơn thời đó), lập nên vùng chiến khu để làm cuộc kháng chiến trường kì vĩ đại, đánh đuổi giặc Minh. Tiếp đến, vào thời Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông 1740-1786), hoàng thân Lê Duy Mật lúc đó đang trấn giữ Trấn Ninh (nay thuộc Lào) cũng lợi dụng những con đường thượng đạo ấy đánh xuống thành Nghệ An. Tuy nhiên do bị quân Trịnh với số đông bao vây quá riết, nên cuối cùng ông cùng vợ, con tự thiêu sống trong lửa trận không để sa vào tay giặc...

Rõ ràng Ngàn Phố có sức sống xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của huyện Hương Sơn. Tất cả những giá trị về địa chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... cũng như tính cách con người nơi đây đều có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời, bởi sự chi phối của con sông đầy quyền năng mà thượng đế đã sắp xếp cho biệt miền này.

Tuy vậy, vẫn có lúc sông cũng trở chứng gây ra lũ lụt như muốn thử thách lòng người. Qua những trận hồng thủy như thế, dòng sông đã thêu dệt nên bao nhiêu chuyện tình lãng mạn. Trong đó có truyền thuyết về mối tình như mơ của một chàng trai làm nghề tiều phu bị mồ côi cha mẹ từ nhỏ và một cô thôn nữ nghèo. Họ thề non, hẹn biển với nhau đợi chờ ngày về sống chung một nhà. Nhưng ngang trái thay, vào một buổi sáng nọ chàng trên đường vác đòn xóc lên thượng nguồn vào rừng đốn củi, bỗng một cơn lũ lớn ào ào cuộn tới cuốn trôi. Như có linh tính mách bảo, nàng thôn nữ thấy cồn cào gan ruột vội chạy ra bờ sông thì phát hiện thấy chiếc đòn xóc của chàng đang trôi trên dòng lũ. Biết chuyện chẳng lành, nàng chạy ngược ngàn gào thét mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng phu quân tương lai của mình đâu. Chạy mãi, chạy mãi nàng kiệt sức gục xuống bên mép sông. Vừa lúc đó một tảng đất sạt lở, ập xuống vùi lấy nàng.

Cơn hồng thủy đi qua để lại con nước buồn thiu lặng lờ trôi dưới trời mây xám xịt! Chỗ khúc sông nàng ôm giấc mộng phu thê vĩnh viễn nằm lại đó bỗng mọc lên một cây bồ kết, quanh năm rủ xuống những chùm quả đen như những chiếc băng tang. Cũng ở ngay chỗ ấy về sau hình thành lên một bến đò ngang, chứng giám không biết bao cuộc hẹn hò, biệt li đầy thương nhớ!

Có lẽ với những gì mà tạo hóa đã ban phát cho vùng sơn cước xa xôi ấy đã âm thầm ru hồn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từ giã con đường hoan lộ giữa thời cuộc nhiễu nhương, để về sống ẩn mình bên dòng sông quê mẹ tại xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng (nay là xã Quang Diệm) vào vào năm 1746, lúc ông vừa tròn hai mươi hai tuổi. Chính tại xứ sở này ông đã khám phá ra cả một kho báu vô tận về các loài dược liệu, trong đó có những loài dược liệu rất quý hiếm, để bốc thuốc chữa bệnh cứu người, và mở ra một cuộc cách mạng mới về các đề tài nghiên cứu y học cho hậu thế.

Để đa tạ dòng sông và thực hiện ý tưởng khởi xướng của thân mẫu mình là bà Bùi Thị Thưởng, ông đã đứng ra xây dựng ngôi chùa Tượng Sơn (còn gọi là chùa Hầm Hầm). Ngôi chùa là một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo, tọa lạc giữa khu đất rộng, bằng phẳng, trước mặt là sông Ngàn Phố, sau lưng tựa vào núi Voi. Nơi yên nghỉ cuối cùng của ông cũng là một khoảnh đất nằm dưới chân núi Cánh Diều, (thuộc xã Sơn Trung ngày nay), trước mặt vẫn là dòng Ngàn Phố êm đềm. Theo truyền thuyết thì lúc sắp tạ thế ông căn dặn con, cháu hãy thả một con diều, diều rơi ở khu vực nào thì mai táng ông ở đó. Cũng rất có thể nơi mộ huyệt đó đã được ông chọn sẵn trước khi ông biết được giờ phút lâm chung của mình. Bởi không những là một vị thần y trứ danh, một nhà văn hóa lớn, mà ông còn là một bậc thầy về phong thủy.

Vậy nhưng, gần đây sông Ngàn Phố như kẻ bị bức tử trở nên tàn nhẫn và lì lợm lợm. Nhất là vào mùa khô sông tỏ ra mệt mỏi, biếng lười con nước, vô cảm trước cơn khát của muôn loài. Ngược lại vào mùa mưa thì trở nên hung hãn gây ra bao cơn lũ kinh dị như muốn nhấn chìm tất cả xuống biển nước. Điển hình là những cơn đại hồng thủy khủng khiếp chưa từng có xảy ra năm 2002 hay 2013... với bao cảnh tượng tang thương, mà hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng cho đến mãi nhiều năm sau. Xen kẽ với những cơn đại hồng thủy lịch sử như thế, hầu như năm nào Hương Sơn cũng xảy mưa lũ, kèm theo đó là những từ ngữ cứ nghe đến là cảm thấy rờn rợn như: Lũ ống, lũ quét, lũ chồng lũ, sạt lở đất chồng lấn sạt lở đất... trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc sống thường nhật khiến ai cũng cảm thấy thắc thỏm, sợ hãi mỗi khi dòng sông nổi loạn.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao con sông vốn xinh đẹp, hiền hòa như nguồn sữa xanh vô tận từng nuôi nấng miền quê này qua bao đời nay lại nhẫn tâm đến vậy? Trước hết phải nói rằng, Ngàn Phố cũng như bao con sông khác trên trái đất đang phải gánh chịu hậu quả của sự ảnh hưởng từ tác động môi trường, biến đổi khí hậu. Nhưng điểm lại chúng ta cũng phải tự trách mình, bởi tình trạng khai thác rừng đầu nguồn bừa bãi từ những thập niên trước; bên cạnh đó là nạn xâm lấn sông từ các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, thủy điện, nhà cửa và khai thác đất cát vô tội vạ....

Nếu trước đây, sông Ngàn Phố là một trong những tuyến đường thủy được ví von đẹp nhất miền Trung với hình ảnh những chuyến đò dọc ngược, xuôi đi về; trên bến, dưới thuyền tấp nập thì nay chỉ còn lại trong nỗi luyến tiếc! Biết rằng, việc những con đường bộ hai bên được mở mang, cùng với đó là các phương tiện giao thông hiện đại đem đến lợi ích lớn gấp nhiều lần. Vậy nhưng, thử hỏi nếu nuốn mở lại tuyến đò dọc trên sông để phục vụ du lịch hay hay công tác nghiên cứu nào đó thì liệu có thành hiện thực hay không là rất khó. Bởi sông không còn giữ được độ sâu và sự ổn định của dòng chảy nữa rồi! Hình ảnh những bãi ngô xanh tít tắp đôi bờ đã bị chen lấn, che khuất tầm nhìn; hay những khóm tre xanh giữ đất dưới mép sông mang dáng dấp thanh bình của bao làng quê yên ả cũng đã đi vào dĩ vãng.

Trước thực tế đó, Hương Sơn cũng đã có những phương án nhằm bảo vệ dòng sông, coi đó chính sự sống còn của huyện nhà bằng các hoạt động tăng cường khả năng hấp thụ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng đầu nguồn; nạo vét, xây kè chống sạt lở, nghiêm cấm nạn khai thác đất cát bữa bãi; thu hồi các công trình nhà cửa, quán hàng lấn chiếm hành lang sông; đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên bảo vệ môi trường. Đặc biệt, có những chính sách hợp lý tạo sinh kế cho người dân sống ở vùng đệm thông qua các dự án đầu tư trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên; trồng cây bản địa để bảo vệ hành lang ven sông suối... nhằm giảm áp lực đối với rừng tự nhiên, hạn chế tối đa việc xâm lấn, xâm hại rừng, góp phần bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng.

Biết rằng, những việc cần làm phải có thời gian và lộ trình chứ không thể đốt cháy giai đoạn, nhưng cần phải đi vào thực hiện một cách quyết liệt và thường xuyên, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Trước hết phải có chính sách tuyên truyền hiệu quả, từng bước làm cho người dân hiểu sâu sắc hơn về bản chất của việc thực hiện phương án quản lý rừng; nhận thức rõ được tầm quan trọng của các hệ sinh thái từ rừng với sự tồn tại của dòng sông Ngàn Phố, cùng các lợi ích to lớn mà rừng mang lại cho cộng đồng và thế giới, gắn với trách nhiệm, quyền lợi của họ.

Ông Hồ Thái Sơn- Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Trong những năm qua huyện nhà đã có những bước chuyển biến mạnh trên tất cả các lĩnh vực, và đã đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Cụ thể thu ngân sách đạt trên 300 tỷ (năm 2022); giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng gần 13%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/ năm... được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2022. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Hương Sơn chú trọng phát huy lợi thế của đất rừng vườn đồi, thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, nuôi hươu lấy nhung, trồng chè, trồng cây dược liệu và các mô hình kinh tế xanh khác... Song song với đó là kết hợp khai thác tiềm năng du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, lịch sử - văn hóa, tâm linh, trải nghiệm (Famstay)... với những điểm đến lý tưởng đầy hấp dẫn như: Quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu với một không gian trải dài trên tuyến đường gần 8km ven sông Ngàn Phố , bao gồm khu mộ cùng tượng đài của Đại danh y ở xã Sơn Trung, Chùa Tượng Sơn ở xã Sơn Giang và khu nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông ở xã Sơn Quang; khu du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng tại xã Sơn Trung; khu du lịch nghĩ dưỡng nước khoáng Sơn Kim và Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo tại xã Sơn Kim 1; Chùa Côn Sơn tại xã Sơn Tiến...

Tất cả những thành tựu mà Hương Sơn đạt được hôm nay, và những dự tính trong tương lai đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự ổn định của con sông Ngàn Phố. Nếu sông bị thay đổi một cách đột biến thì nó sẽ làm xáo trộn đi tất cả. Một thực tế cho thấy đã có những cơn lũ dữ đi qua nơi đây tưởng tượng như cái chổi trời khổng lồ, quét sạch bao thành quả của con người từng nỗ lực gầy dựng nên nhiều năm trước đó. Có thể nói, mọi động thái của sông luôn phản ánh rõ nét nhất về sự tác động tương phản của môi trường tự nhiên và con người. Vì thế, chỉ cần nhìn vào dòng nước là ta có thể cảm nhận được nhịp sống ở Hương Sơn đang diễn ra như thế nào.

Chiều Hương Sơn lấp xấp mưa lạnh, dâng nén hương trước phần mộ của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, tôi chỉ biết cầu nguyện cho linh hồn ông muôn thuở được thanh thản dưới suối vàng, bởi sinh thời ông đã đặt niềm tin trọn vẹn của mình vào con sông yêu dấu này!

Tháng 10/2023

Bút ký của Nguyễn Ngọc Vượng

Nguồn Văn nghệ số 45/2023


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.