Mùa hè năm 1989, Dead Poets Society (kịch bản Tom Schulman, đạo diễn Peter Weir) lần đầu được công chiếu lên màn ảnh rộng tại Mỹ. Bộ phim về đề tài trường học, sự trưởng thành (coming of age) tạo nên hiện tượng nho nhỏ ở thời điểm đó, mà giải thưởng Kịch bản gốc xuất sắc tại Oscar 1990 là một minh chứng. Cho đến nay, sau 35 năm, bộ phim vẫn là một hiện tượng đại chúng, khi những lời thơ của Walt Whitman xuất hiện trong phim như “Oh Captain! My Captain” hay lời hiệu triệu “carpe diem” (tạm dịch: sống hết mình/ sống cho hiện tại) tiếp tục trở thành biểu tượng của thời đại này. Taylor Swift, một trong những biểu tượng nhạc pop mọi thời đại, được truyền cảm hứng từ Dead Poets Society để sáng tạo nên đĩa nhạc triệu bản The Tortured Poets Department (2024).
Bộ phim thực sự là thi ca, luôn khuấy động tâm can, như thể khi ta cần đến một bài thơ để “giải vây” khỏi những tình huống ngặt nghèo của cảm xúc. Chúng ta có thể nhìn ngắm Dead Poets Society dưới nhiều góc độ khác nhau. Người đời vẫn ca ngợi nó là nguồn cảm hứng của tuổi trẻ; là bài ca về sự tự do trong giáo dục; là bức thư về lý tưởng sống. Tất cả đều đúng, bởi Dead Poets Society, với vẻ đẹp nguyên thuỷ và đầy tính thơ của nó, luôn đi trước thời đại. Ngay cả hơn 3 thập kỷ sau đó, tác phẩm vẫn cứ “găm” vào con người của thời đại này về lý tưởng sống cho hiện tại, về chánh niệm, và sự tận hưởng cuộc đời, về tìm ra ý nghĩa của mục đích sống mà không hề giáo điều, áp đặt.
Nhưng Dead Poets Society quả thực còn nhiều hơn thế. Nó là một tác phẩm nhìn qua có vẻ rất ngắn (129 phút), rất nhỏ (về một ngôi trường tư tại Mỹ), rất nhẹ (phần lớn là cảm giác ấm áp đầy say mê) nhưng nó cũng rất dài (mà người ta có thể xem đi xem lại mà không hề cảm thấy cũ kỹ), rất lớn (vì gợi mở về câu hỏi quan trọng nhất của đời người: sống để làm gì?) và rất nặng (với những tâm tư nặng trĩu về tuổi trẻ, lý tưởng sống, về giáo dục). Nếu xem Dead Poets Society vào đúng thời điểm trong đời, mỗi người xem lại tìm thấy một khía cạnh nào đó mà chìm vào thế giới của bộ phim và nâng đỡ, truyền cảm hứng cho tâm hồn. Như chính cái tên của nó - Dead Poets Society - bộ phim thực sự nói về cái chết, về thi ca, và về xã hội. Chạy theo các “mã” nhận biết này, chúng ta lại càng nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của tác phẩm này.
Dead Poets Society bắt đầu bằng chữ “tử” (dead). Cũng ngay từ cảnh phim đầu tiên, trên bức tranh về những người quá cố có một ánh mắt nhìn xuống phía dưới. Đó là ánh nhìn của cái chết, của lịch sử, của di sản nhưng không phải là cái nhìn của sự đau buồn, thê lương. Để rồi sau đó, trong một phân cảnh xúc động và tinh xảo nhất của bộ phim, chúng ta nhìn thấy một nhà giáo và những chàng trai trẻ tuổi đứng trước một bức tranh đen trắng của những người đã qua đời. Cái chết thổi hồn sống rần rật vào những người đang sống, với một câu “mantra” trong tiếng latin “carpe diem” - hãy sống hết mình, sống trong hiện tại. Cái chết đã luôn ở đó, không thể nào đảo ngược được quy trình. Nhưng trước khi lũ giòi và các loài giun dế tiêu thụ và phân huỷ cái chết, chúng ta vẫn đang sống, đó mới là điều quan trọng nhất. Trên hành trình từ sinh đến tử đó, chúng ta những “nhà thơ” trong xã hội này. Và thi ca là một trong những sáng tạo tuyệt vời nhất của nghệ thuật, để tận hưởng sự sống và để trân trọng sự chết.
Dead Poets Society vốn là một bài thơ mà ngôn ngữ điện ảnh của nó không cần phải mô tả bằng thuật ngữ “chất thơ”. Và “nhà thơ” thực ra là một cách để nói về một phong cách sống trong hành trình cuộc đời của một con người. Như chính lời của thầy giáo John Keating (Robin Williams) nói với những người học trò của mình, “Nhân loại được lấp đầy bởi lòng đam mê. Và y tế, luật pháp, kinh doanh, kỹ thuật, tất cả những thứ đó là cần thiết và cao quý cho cuộc sống ổn định. Nhưng thi ca, cái đẹp, lãng mạn, ái tình là những thứ mà chúng ta tận hưởng cuộc sống này.” Thi ca vượt qua các bề mặt của cuộc đời, trở nên rộng lớn, phóng khoáng, tự do, giàu hương, đậm sắc hơn. Vì thế, mà bài học thi ca đầu tiên của thầy Keating với những người học trò của mình là xé bỏ những thứ vô nghĩa, những phê bình phân tích máy móc đi ngược lại thơ ca. Bởi chúng ta làm thơ và thưởng thức đâu bởi vì… sự dễ thương.
Cũng nhờ thi ca, các chàng trai trẻ nhận ra cái đẹp, lãng mạn, tình ái. Và cứ thế, mỗi người trong số họ lại tự tìm thấy một mục đích sống, như thể vừa được khai sáng lần đầu tiên trong đời. Họ trở nên đầy sức sống, mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn để đi theo những thứ mà con tim mình tin tưởng. Todd Anderson (Ethan Hawke đóng) đã thoát ra cái vỏ kén nhút nhát của mình; Neil Perry (Robert Sean Leonard đóng) dù có chết đã sống trọn đời mình với ước mơ được trở thành diễn viên; Knox Overstreet (Josh Charles đóng) đã theo đuổi tình yêu của đời mình...
Thi ca hay nghệ thuật nói chung luôn là một thái độ sống. Như nhà văn Hàn Quốc Kim Young-Ha từng chia sẻ rằng, khi một đứa trẻ bắt đầu biết nói dối, phải nghĩ ra những lời nói tiếp theo để thuyết phục cha mẹ chúng, lúc đó một người kể chuyện ra đời. “Hãy làm nghệ thuật đẹp”, nhiều nghệ sĩ vĩ đại vẫn nói thế. Ca/nhạc sĩ người Mỹ Lana Del Rey lại cho rằng, “Chúng ta chẳng có gì để mất và để đạt được, chẳng còn khát khao lớn lao nào nữa ngoại trừ biến đời mình thành một nghệ phẩm.” Bước vào thi ca cũng là bước vào cuộc đời, giống như nhà thơ gốc Việt Ocean Vuong từng viết trong bài thơ Threshold trích từ tập thơ đầu tay Night Sky with Exit Wounds (2016):
Tôi chẳng biết cái giá của bước vào một bài ca - là đánh mất đường về.
Bởi vậy tôi bước vào. Bởi vậy tôi đánh mất.
Tôi đánh mất tất cả với đôi mắt mở trừng trừng.
Xã hội trong Dead Poets Society chủ yếu thể hiện qua 2 thiết chế là gia đình và trường học, gắn liền sâu sắc với sự giáo dục. Bộ phim mở ra những “xã hội thu nhỏ” nơi đầy ắp những tình thương có điều kiện. Nơi ước mơ của bậc cha mẹ trở thành gánh nặng cho những người con; nơi nhà trường mang lại tri thức nhưng lại “đàn áp” những khả thể khác trên con đường đi tìm giá trị đích thực của kiếp sống. Những kỳ vọng lớn lao vô tình đè bẹp những vận động của tuổi trẻ. Thi ca có thể không phải là cứu cánh của cuộc đời, nhưng nhờ thi ca mà các chàng trai trẻ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình, và đưa ra những quyết định và lãnh nhận trách nhiệm.
Và có một xã hội khác, đẹp đẽ vô cùng trong Dead Poets Society chính là “Hội thi nhân quá cố”. Họ sống với tư cách là các nhà thơ, tận hưởng mọi cái đẹp, tình yêu, sự tự do, đam mê mãnh liệt. Và cứ thế, cái xã hội thu nhỏ đó cứ được truyền từ đời này qua đời khác, các thế hệ nhà thơ không nhất thiết phải sáng tác nhưng sống đúng với con người với nguồn máu say mê đối diện với cuộc đời một cách tự tin và giàu yêu thương nhất.
Ra đời từ hơn 3 thập kỷ trước Dead Poets Society luôn là một tác phẩm nên thơ đầy ấm áp, ngay cả khi bộ phim kết thúc trong màn tuyết trắng phủ tràn thế gian đầy lạnh lẽo với tiếng khóc nấc nghẹn ngào. Cái hành động nhảy lên bàn và hô vang “Oh captain! My Captain” ở cuối phim của những cậu trai trẻ tuổi trước ngưỡng cửa cuộc đời như một lời tuyên thệ của tuổi trẻ đã đi qua sợ hãi, trước những bước chân đầu tiên của cuộc đời, với say mê và dũng cảm.
![]() |
Dàn diễn viên Dead Poets Society tại trường quay. Ảnh Francois Duhamel |