Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1945-1975, không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ - ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu (Thơ là súng là gươm - Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
Nhưng với đội ngũ các cây bút văn nghệ giải phóng nói chung và thơ ca nói riêng, nhiệm vụ này mang đặc thù riêng, bởi họ không chỉ là thi sĩ mà còn là chiến sĩ, trong họ có sự phối trộn hài hòa tư cách, phẩm chất nghệ sĩ và công dân. Nếu ở các địa bàn khác, những người viết trước hết là chiến sĩ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh… thì ở địa bàn này, những người viết là những người cầm bút chuyên nghiệp, được trên giao trọng trách trở về miền Nam với sứ mệnh lịch sử đặc biệt: xây dựng và phát triển văn học miền Nam, trong tư thế đối đầu, đối mặt với kẻ thù, phản ánh và thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, những tấm gương điển hình trong khí thế đi đầu diệt Mỹ, tố cáo tội ác trời không dung, đất không tha của bè lũ Mỹ - ngụy.
Trong giai đoạn 1954-1975, văn học chính thống ở miền Nam là văn học đô thị, tồn tại nhiều khuynh hướng, trong đó có khuynh hướng yêu nước và tiến bộ. Trong khuynh hướng này đã xuất hiện những tác giả thơ nổi tiếng như Trần Quang Long, Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Võ Quê… với những dòng thơ cùng chung một “dòng máu anh hùng”, dùng vũ khí thơ ca để tranh đấu, như song hành cùng thơ ca giải phóng:
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
Cho con ngửng đầu nhìn thẳng tương lai
Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim mình làm trái phá
Sống chết một lần thôi
(Thưa mẹ trái tim - Trần Quang Long)
Thơ ca giải phóng ra đời năm 1961, năm thành lập Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, nhưng mầm mống của nó đã có khi đất nước tạm chia làm hai miền. Từ trong đêm đen của chế độ Mỹ - ngụy đã xuất hiện những tác giả lấy thơ ca thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước như Viễn Phương, Giang Nam, Thanh Hải, Chim Trắng… Bên cạnh những tên tuổi từ trong lòng cuộc chiến là các nhà thơ miền Bắc, trong đó có những cây bút tập kết năm 1954, đã trở về miền Nam theo tiếng gọi của quê hương.
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX và liên tục trong thời gian tiếp theo, hàng loạt nhà văn, nhà thơ tràn đầy nhiệt tình, tâm huyết và năng lực đã từ giã hậu phương miền Bắc lên đường, vượt Trường Sơn vào Nam, góp phần tăng cường lực lượng sáng tác trong đội ngũ các nhà thơ giải phóng: Thu Bồn, Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc), Vũ Ngàn Chi (Phạm Ngọc Cảnh), Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoài Vũ, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Vũ Ân Thi, Dương Trọng Dật, Lê Quang Trang, Trần Ninh Hồ, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Khuynh Diệp… Đó là những cây bút từ miền Bắc chi viện cho văn học giải phóng miền Nam.
Đội ngũ những nhà thơ giải phóng khi đã đặt chân sang bên này vĩ thuyết 17 đã tự nguyện “sống và viết ở chiến trường”, là những “kiểu người viết” biết cách sống và ứng xử sao cho xứng đáng với nhân dân và đất nước trong những thử thách cao nhất của lịch sử, của thời đại. Các sáng tác của họ là những minh chứng thuyết phục nhất cho sự gắn bó máu thịt với đời sống của nhân dân, với cuộc chiến đấu quyết liệt và anh dũng của dân tộc, cho sự hòa quyện, không tách rời giữa ý thức công dân và nghệ sĩ. Họ đã thổi vào thơ ca những cảm xúc nóng hổi, diễn tả và thể hiện một cách thời sự, cập nhật đời sống và con người trong những tình huống và hoàn cảnh thắt ngặt của chiến tranh. Hàng loạt sáng tác, tập thơ thời chiến của các cây bút thơ giải phóng ra đời đã mang cái nhìn, cái cảm, cái nghĩ của những người chứng kiến và nếm trải: Những đồng chí trung kiên (1962), Huế mùa xuân (1970) - Thanh Hải; Bài ca chim Chơ Rao (1964), Tre xanh (1970), Mặt đất không quên (1972) - Thu Bồn; Trường ca Nguyễn Văn Trỗi (1968), Hoa dừa (1971) - Lê Anh Xuân); Quê hương (1962), Người anh hùng Đồng Tháp (1965), Vầng sáng phía chân trời (1969) - Giang Nam; Mắt sáng học trò (1970) - Viễn Phương; Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ (1971) - Dương Hương Ly; Đất ngoại ô (1973), Mặt đường khát vọng (1974) - Nguyễn Khoa Điềm; Đêm Quảng Trị (1972) - Vũ Ngàn Chi…
Thơ của các cây bút thơ cách mạng miền Nam là thơ của một đội ngũ gồm nhiều thế hệ thấm nhuần tinh thần và ý chí cộng đồng “không gì quý hơn độc lập tự do”. Một đội ngũ những người đã chứng kiến bao biến động của lịch sử dân tộc, bằng các sáng tác thi ca của mình đã góp phần lưu giữ ký ức của đất nước, của con người một thời đạn lửa. Nổi bật ở đây là tình cảm cuộn dâng mà nghẹn ngào của những đứa con được trở về đất mẹ - quê hương. Nếu không sinh ra trên mảnh đất Quảng Nam, không chứng kiến những đau thương mất mát của quê nhà trong quá khứ, Thu Bồn làm sao viết được những dòng thơ thấm đẫm niềm vui trở về cùng niềm đau trải nghiệm:
Tôi cúi xuống hôn mảnh đất quê hương
Như hôn người yêu sau ngày xa cách
Tôi không khóc nhưng vẫn trào nước mắt
Con đã về đây với mẹ - quê hương…
…
Đất hỡi đất người vẹn lòng yêu nước
Viên đạn bây giờ cày lên viên đạn năm xưa
Chiếc áo màu xanh dù rách nát
Vẫn hiền hòa đùm bọc mẹ sớm trưa
Tuy không sinh ra trên đất Quảng nhưng Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) đã tình nguyện sống và viết trên một “vùng trung tâm của cơn lốc mà trải biết về nhân dân và chính mình”. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ đã định danh cho mảnh đất Quảng Nam là “mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”: Tôi trở về đất mẹ Quảng Nam tôi/ Dẫu chẳng nơi đây cất tiếng chào đời/ Đất Tổ quốc đâu cũng là đất mẹ/ Ôi Tổ quốc mối tình kỳ lạ thế/ Càng trong lửa đạn lại càng tươi. Trong thơ Lê Anh Xuân, mạch nguồn quê hương được khơi gợi từ tập thơ đầu tay trên đất Bắc Tiếng gà gáy càng cuộn xiết, mãnh liệt hơn trên chặng đường trở về Bến Tre “quê nội”. Thơ Lê Anh Xuân là thơ của người nhập cuộc và hành động hết mình. Đó là cuộc dấn thân mong đi tới sự hòa nhập giữa chủ thể trữ tình và khách thể thẩm mỹ: Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa/ Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại/ Quê hương ta tất cả vẫn còn đây/ Dù người thân đã ngã xuống đất này. Nhập cuộc và hành động, trước hết với Lê Anh Xuân là xác quyết một lẽ sống: Ta cầm nắm đất cha ông/ Nghe thiêng liêng ngọn lửa hồng trong tay. Với Nguyễn Khoa Điềm, tình yêu quê hương, ngày trở về quê hương chiến đấu đã kết nối con người trong vòng tay bè bạn, cùng một chí hướng, một đích đến: Bỗng thấy thương nhau hơn khi vai bạn sát vai mình/ Bẻ củ sắn chia đôi điều giản dị/ Bếp lửa soi một dư vang bền bỉ/ Ôi Trường Sơn đốt lửa mấy năm rồi. Tình yêu quê hương - quê hương trong tranh đấu kết tinh thành biểu tượng người mẹ: Đất quê ta mênh mông/ Quân thù không săm hết được/ lòng mẹ rộng vô cùng/ Đủ giấu cả hang sư đoàn dưới đất/ Nơi hầm tối là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam (Dương Hương Ly)…
Trong tư duy sáng tạo của mình, các nhà thơ giải phóng đã đưa thơ xáp mặt với cuộc sống, đưa chất liệu thực vào cảm hứng và cách diễn đạt của mình. Những chất liệu hiện thực nếu không phải là người trong cuộc sẽ không dễ có những cảm xúc phả vào những trang thơ mà ngày nay đọc lại vẫn không thôi nhắc nhớ về một thời với những “giai điệu tự hào”, đầy trữ tình lãng mạn. Có thể nói, một trong những bài thơ được nhiều người thuộc nằm lòng, được truyền từ thế hệ chống Mỹ đến thế hệ hậu chiến, mang ý nghĩa động viên, vây ấm lòng người là Bài thơ hạnh phúc của Dương Hương Ly. Bài thơ với lời đề tặng và tưởng nhớ người bạn đời là nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý với bút danh Dương Thị Minh Hương, người đã gạt nước mắt gửi cô con gái bé bỏng cho bà ngoại để đến với “Trường Sơn nghìn dặm” cùng chồng “nắm tay nhau đi vào cuộc chiến đấu này” và đã hy sinh trên chiến trường Quảng Nam, ở cuối con sông Thu Bồn: Anh mất em như mất nửa cuộc đời/ Nỗi đau anh không thể nói bằng lời/ Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy/ Những viên đạn quân thù bắn em trong lòng anh sâu xoáy. Ở đây, cảm xúc của chủ thể trữ tình vượt lên khuôn khổ của một đề tài quen thuộc - nỗi đau mất người yêu, người bạn đời, người đồng nghiệp, đồng đội để mở ra những bình diện khác, những chiều kích khác: vấn đề hạnh phúc, lẽ sống, và hơn hết là lẽ sống của người cầm bút trong cuộc ra trận lớn lao của dân tộc: Em nói đến tương lai tươi thắm ngọt lành/ Em nói tới những điều em định viết/ Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/ Con sông Giành gầm réo miên man/ Nước lũ về trang giấy nhỏ mưa chan/ Em vẫn viết lòng dạt dào cảm xúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc. Cấu trúc bài thơ kết dính trên một chỉnh thể liền mạch như những con sóng tràn bờ, nối tiếp, nâng đỡ nhau, cái riêng nằm trong cái chung, tạo nên đường viền bối cảnh, làm nổi bật nhân cách một con người - một nữ nhà văn chiến sĩ tiêu biểu trong văn học giai đoạn chống Mỹ cứu nước hào hùng và bi tráng của dân tộc.
Có thể nói, văn học giải phóng nói chung và thơ ca nói riêng là một bộ phận không tách rời, là “dòng riêng” giữa “nguồn chung” văn học 1954-1975. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của các nhà thơ giải phóng gắn với “huyền thoại” về sự dấn thân, nhập cuộc của một đội ngũ văn nghệ sĩ cho cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc. Một đội ngũ gồm nhiều thế hệ cầm bút đã tự nguyện điều tiết giữa cái tôi và và cái ta, thậm chí vượt lên cái tôi của chính mình, lấy thơ ca làm vũ khí phục vụ các nhiệm vụ chiến lược của non sông, đất nước. Văn nghệ giải phóng, trong đó có sự hiện diện của thơ ca, không chỉ có ý nghĩa về phương diện chính trị, đóng góp công sức vào sự nghiệp cách mạng bằng việc phản ánh và thể hiện cuộc sống và con người trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn để lại một hình thái tồn tại và phát triển độc đáo, đặc thù, mang hiệu ứng thẩm mỹ và nhân văn, đóng vai trò quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng tiếp nhận không thể không ghi nhận trên tiến trình văn học dân tộc.
Nguồn VNQĐ