Ngày nhỏ Thu Dung không đẹp, ngày nhỏ Thu Dung hay giận mẹ vì mẹ cứ cù nách anh Hiếu mà lại không làm thế với Dung. Ngày nhỏ Dung thường hờn dỗi, mỗi khi mùa hè rôm sảy rộp lên gầy như cò lả. Đã thế mẹ cứ lật áo nhằm xương sườn mà đếm. Dung tự ái khóc inh ỏi, mẹ lại dỗ dành bảo rằng gầy thế mới duyên, duyên hơn cả anh nữa. Chẳng hiểu có đúng thế không chỉ thấy Hiếu mặt tỉnh bơ nhìn ra cửa sổ, lúc ấy gương mặt anh ngập tràn ánh sáng đẹp đến chạnh lòng.
Năm Dung tròn bảy tuổi mẹ mất, chỉ nằm viện có hai tháng không hơn vậy mà đi mãi. Trước khi hôn mê mẹ gọi hai anh em tới ôm chặt. Anh Hiếu khóc thút thít còn Dung thấy trong lòng rối loạn chỉ hỏi được mỗi câu mẹ làm sao hả mẹ. Mẹ mệt nhưng vẫn cố cười, mẹ bảo mẹ đang nghĩ cách vì mẹ thương hai đứa lắm. Rồi mẹ hỏi “Có yêu dì Thảo không?” Anh Hiếu khóc nức nở chỉ có Dung ngơ ngác gật đầu. Mặt mẹ sáng bừng, mẹ thơm Dung, thơm anh Hiếu rồi nháy mắt: “Con gái mẹ dũng mãnh như hổ con”, đấy là lời cuối cùng mẹ thì thào bên tai Dung.
Chẳng hiểu mẹ nghĩ cách gì mà hai năm sau dì Thảo dọn đến ở hẳn với ba bố con. Dì đã ngoài ba mươi, mà vẫn đơn độc. Dì đẹp hơn mẹ nhưng ít nói. Bố thở phào nhẹ nhõm, anh Hiếu thoáng vẻ nghĩ ngợi còn Dung chẳng để tâm. Từ nhỏ dì đã bế ẵm, mẹ mất dì đón Dung về ngoại cả tháng, dì có đến ở cũng vậy mà không cũng chẳng hề gì. Chỉ có điều là không thể nhìn thấy mẹ như ngày xưa Dung bé tí teo.
Mười lăm tuổi Dung cao vọt. Ai cũng bảo càng lớn Dung càng giống mẹ. Dì Thảo cũng nói vậy. Dì thường kín đáo ngắm Dung nô giỡn với con mèo nhỏ, mỉm cười rạng rỡ khi thấy Dung hồ hởi quăng dép chí mạng vào cái lon gỉ dựng đứng giữa lòng đường. Dì gom những bức ảnh Dung quăng lộn xộn rồi ép nhựa, lưu cẩn thận vào một tập album riêng. Trong thâm tâm Dung cũng thấy dì Thảo dễ chịu hơn bố, có thể vì thông minh hơn hay vì cái gì đấy chẳng biết. Dung tự nhủ sau này có làm thơ hay vẽ tranh sẽ lấy bút danh là Thảo Dung, có lẽ tốt hơn chăng?
Hôm đó như thường lệ Dung chạy ào vào bếp kêu đói cuống cuồng. Dì Thảo cười tủm tỉm múc cho một bát cháo trai nóng hổi. Cháo ngon tuyệt, Dung khoan khoái nhai chóp chép giơ bát múc đến mấy bận. Gần cuối bữa Dung nhìn được hột sạn tròn xoe như viên bi, nhỉnh hơn hạt ngô chút ít. “Ngọc trai đấy” anh Hiếu dài giọng. Dung mút mạnh hết lớp cháo dính, quả là trông nó rất giống một hòn trai ngọc. Khi Dung đã hoàn toàn tin đấy là ngọc thì anh Hiếu lại bảo nhựa. Dung không nghĩ vậy vì nhựa không mát lạnh thế này. Dì Thảo khen viên đá đẹp quá, dì bảo Dung lục lại rương mẹ ngày xưa. Dung hăm hở chạy lên tìm lúc trở xuống cầm theo một sợi dây chuyền mảnh mai, có điều mặt đã long mất. May thật, dì cứ ngỡ mất rồi. Ngày xưa mẹ con cứ kêu là hàng mã đòi quẳng vào sọt rác. Nay con đính ngọc này vào là đẹp đấy. Khi Dung quàng sợi dây chuyền vào cổ dì Thảo không cho cởi ra nữa, dì cứ ngắm đi ngắm lại cả tiếng đồng hồ. Trông Dung xinh hơn và rất giống mẹ trong bức ảnh chụp hồi con gái. Thế rồi có một chuyện xảy ra khiến Dung cứ thắc thỏm mãi trong lòng. Hôm ấy Hiếu vẽ bậy vào vở Dung, cô nghiến răng đập quyển vở vào mặt anh. Hiếu giận tái mặt đưa tay lên định tát nhưng rồi Dung lại thấy Hiếu thảng thốt ngó trân trân vào mặt mình rồi bỏ đi, lúc cáu giận cháu giống mẹ lắm, cứ như chính mẹ cháu vậy - Dì bảo. Giống ư? Ừ, ngày càng giống.
Nửa đêm. Dung mang ảnh mẹ vào buồng tắm, Dung ngắm kỹ bức ảnh rồi soi mình trong gương nhưng những đường nét trên gương mặt chập chờn rất khó nắm bắt. Có mùi thơm nhẹ nhẹ toả ra từ thỏi son dì Thảo bỏ quên trên bồn rửa mặt. Son màu bã trầu thoang thoảng mùi cỏ mật, hình như mẹ ngày xưa cũng có một thỏi son như thế. Dung lại nhìn ảnh, ngày xưa mẹ búi tóc thật cao, chỉ để vài lọn tóc mai loà xoà. Mẹ tô son hơi đậm, trong bức ảnh làn môi nổi bật lên bí ẩn, dịu dàng. Một gương mặt thanh tú, rạng rỡ. Có lẽ mẹ không trang điểm gì cả, chỉ tô môi thôi nhưng kỹ. Dung mở thỏi son, mùi cỏ mật dậy lên, cô quệt son lên môi rồi lại xoá. Sau bốn năm lần như vậy Dung cảm thấy vừa ý. Cô vấn tóc búi ngược lên không quên chừa lại vài sợi tóc mai loà xoà. Sau đó Dung lục rương mẹ ngày xưa, tấm áo dài mẹ mặc trong ảnh còn nguyên vẹn, những bông hoa vẫn tươi thắm trên nền lụa trắng mịn màng. Mặc áo xong Dung bỗng nảy ra ý định chạy lên chỗ bố và dì Thảo. Cả hai chưa ngủ, bố nằm hút thuốc nhả khói đầy phòng, dì Thảo đọc sách đắp chăn hờ hững. Nhìn thấy Dung cả hai đều nhổm dậy mắt mở to kinh hoàng. Sau mấy phút lặng người dì Thảo khẽ khàng “Con đẹp lắm”. Dung cười thích chí định ào sang phòng anh Hiếu nhưng bố vội vàng xua tay. Sau lần đó chẳng bao giờ Dung làm vậy nữa. Cô cất bức ảnh vào rương, nó được vùi tận đáy nơi chẳng ánh mắt nào ngó ngàng được tới.
23 tuổi Dung quen Lâm. Hai năm sau cưới. Đêm tân hôn Dung hỏi “Anh có thích con gái không?” Hay lắm. “Anh sẽ yêu con hay em hơn?” Lâm nhắm mắt giả vờ chết rồi ngủ lúc nào không hay. Dung phì cười nói thầm vào tai Lâm “Có thể tao sẽ yêu mày mãi mãi.”
Tuần trăng mật vào đúng dịp Trung Thu. Sát đêm rằm Dung rủ Lâm lên Hàng Mã. Nó vẫn đông nghẹt như ngày xưa. Đồ Tàu tràn ngập, những chiếc đèn lồng nhựa lập loè điện pin. Trẻ con không nhiều như trước, chủ yếu là các cô cậu tuổi trăng rằm phổng phao, hớn hở. Không có tiếng la ó chửi nhau nhưng đông quá, ngột ngạt quá. Cả một biển người, một biển ánh sáng dập dềnh chao đảo. Trăng mất dạng. Những thằng con trai đi hàng đàn mang súng phun nước, những đứa con gái đeo mặt nạ đen, những chiếc mặt nạ giống đôi cánh bướm xoạc ra che kín nửa khuôn mặt. Lâm hồ hởi “A! Bướm đêm, bướm đêm.” Dung giật thót, cô quay phắt nhìn Lâm nhưng ánh mát xa tít tắp. Lâm thấy lạ nhưng không hỏi, tiếp tục dõi theo "đàn bướm" bay tản mát khắp nơi. Lâm không biết là mình vô tình gợi lại một kỷ niệm xa hút mà Dung đã gần quên hẳn. Dạo mẹ ốm đôi mắt quầng thâm. Mẹ soi gương rất lâu, mẹ mỉm cười xoa mặt. Sau đó mẹ lấy bút chì quệt thêm vài nét nữa. “Mẹ, mẹ đừng vẽ bướm ma lên mặt.” “Không phải đâu bướm đêm đấy, đẹp không?” Con bướm ngày một lớn làm mặt mẹ tối dần. Cho đến một ngày nó tắt hẳn. “Em có mệt không?” giọng Lâm nhẹ tênh, những kỷ niệm xa xưa vụt tắt. “Ồ không, em chỉ nghĩ nếu đeo mặt nạ thế kia mà đi nắng thì bỏ ra sẽ thành bướm trắng mất.” Cả hai cười rạng rỡ, Dung huơ tay vẽ lên không trung một dải dài mềm mại như nương theo đường bay của một đàn bướm mơ màng.
Thoát khỏi Hàng Mã hơi thở nhẹ nhàng hơn. Khuya rồi mà những đám rước vẫn lũ lượt đi trên đường phố. Từng tốp trẻ con một, có đứa đã ra dáng lắm rồi vậy mà vẫn hò hét phun nước tứ tung. Chỉ tội mấy thằng nhỏ chạy sau bị phân công "tải đạn" ôm khệ nệ những bịch nước chảy long tong vậy mà bước chân hoan hỉ quá. Chốc chốc lại dăm bảy nhóc múa lân. Đứa đi đầu đội mũ sư tử có đính giải lụa ngắn cũn cỡn. Cũng có trống, trông lùm lùm như một cái chum con buộc vụng về vào mấy thanh tre xỉn mốc. Đứa đứng trước đứa đứng sau khệ nệ cáng đi. Thỉnh thoảng một cu cậu lại dận dùi trống tùng tùng, con sư tử nhảy cỡn lên như chó con đùa mẹ, đầu lắc lư lắc lư chẳng theo nhịp phách nào. Dung không hiểu sao ngày nhỏ mình và các bạn không biết làm như thế, năm thì mười họa lại chen chúc xem đội múa lân của phường. Thường thì không chen vào được chỉ nhìn thấy nhấp nhô, nhấp nhô đầu sư tử có đôi mắt trợn ngược hung dữ. Mà chỉ một loáng thôi là múa xong, cả lũ chán nản rủ nhau ra công viên đánh lộn, phố này choảng phố kia. Mà chỉ trong một dãy phố con thôi đã có những băng nhóm rất khác biệt. Nhóm này đeo khăn quàng đỏ trong cả kỳ nghỉ hè, nhóm kia thích chơi ném ống bơ và lôi tên bố mẹ "kẻ thù" ra réo. Mẹ bảo cả hai cùng điên còn anh Hiếu thì lén lút quan hệ với đôi bên. “Trẻ con nghịch thật, trẻ con nghịch thật” bố thường phàn nàn khi những chiếc dép bay chiu chíu đuổi theo, ai bảo bố đứng cạnh cái ống bơ làm gì. Mẹ không đứng cạnh ống bơ nhưng cũng gắt um lên khi tiếng ống bơ lăn loảng xoảng làm giấc ngủ trưa xáo trộn, vậy mà tới kỳ trung thu mẹ lại bày cỗ thật to rồi gọi cả lũ sang. Đêm rằm tháng tám nào Dung và mẹ cũng bày la liệt nào bưởi, nào hồng và nhiều loại bánh trái có hình con giống. Mẹ không biết làm con chó xù bằng bưởi, nhưng mẹ lại tẽ từng múi bưởi xoè ra như bông hoa rồi lần lượt xếp lên đĩa cho đến khi đầy như mâm xôi. Mẹ cắm thêm lá măng, hoa cà rốt rồi bảo đấy là món bưởi hoa. Sau này chẳng ai bày bưởi như thế nhưng hồi ấy Dung thấy kỳ diệu lắm, lũ kia cũng thế, món bưởi hoa bao giờ cũng hết trước tiên. Khi cỗ sắp tàn mẹ tắt đèn thắp nến. Lúc ấy ánh trăng ùa vào cửa sổ. Ở đó bỗng xuất hiện một người mặc áo mưa ngó vào, mặt người ấy tròn vạch đen như đít chảo, đầu lắc lư lắc lư giống người say. Cái miệng rộng hoác cười hềnh hệch, đôi mắt tròn xoe như trôn bát. Có nhiều tiếng rú, tiếng la khóc hoảng loạn. Những đứa lớn thì cười sằng sặc “mặt nạ chảo chúng mày ơi, mặt nạ chảo chúng mày ơi.” Chỉ một lát thôi đèn lại sáng. Cu Ti, đứa bé nhất vẫn khóc nức nở. Mẹ vừa dỗ vừa huơ huơ cái chảo lên “sợ gì, sợ gì, cho Ti xem đây này.” Tưởng phen này cạch mặt vậy mà sớm hôm sau Ti sang từ sớm, mắt hướng ra cửa như trông đợi một người. “Bao giờ ông mặt chảo lại tới hở bác?” “Đêm cơ.” “Đêm cháu lại sang.” “Không, đêm rằm sang năm.” “Bao giờ đến sang năm?” Khi cu Ti cao bằng cái bàn nhà bác. Rằm năm sau mẹ đã mất, cu Ti cũng quên hẳn ông mặt chảo. Liệu trong giấc ngủ của Ti, trong những khoảnh khắc mơ hồ bất chợt ông mặt chảo có hiện ra không nhỉ. Có bao giờ cu Ti nhớ lại một đêm rằm có bưởi hoa, có bánh dẻo cua cá, có ông mặt chảo ló đầu vào cửa sổ, nước mắt đầm đìa và tiếng la hét nói cười điên dại. Có bao giờ không?
Ra khỏi khu trung tâm đường phố lại vắng lặng. Dung rủ Lâm rẽ vào thăm dì, bố. Dung chẳng mua gì ngoài mấy quả cầu đỏ xanh gấp bằng giấy nhuộm phẩm, dì Thảo cầm ngắm nghía. “Vẫn còn những của này ư?” “Còn nhưng chỉ có một hàng dì ạ.” “Đắt khách không?” “Con cũng không rõ. Thằng nhỏ ngồi góc khuất. Nó treo đèn lên thành ghế. Nó nói giá cao lắm, nó bảo tự làm lấy rồi trốn mẹ ra đây bán vậy mà vẫn có người mua như cháu đây chẳng hạn, nếu là dì, dì có mua không?” Dì Thảo cười cười như hồi nào Dung may áo cho mèo. Dì treo mấy quả cầu giấy lên thành ghế. “Dì đốt đi.” “Ô, tưởng để treo mà.” “Kệ cứ đốt đi.” Dung tắt đèn, dì Thảo châm lửa, những quả cầu bốc cháy rừng rực. Lâu lắm rồi Dung mới thấy lửa. Dịu êm, cuồng loạn. Thấp thoáng gương mặt bố đang ngủ thiếp ngon lành trên chiếc ghế tựa êm ru. Bố không thay đổi, lúc nào cũng khoẻ mạnh, an bình. Dì Thảo chầm chậm thả từng quả cầu lửa, mặt dì hồng lên, một nụ cười toả rạng khuôn mặt đã thấp thoáng già. Dung chợt nhớ đến câu chuyện bố kể lâu rồi, nó làm Dung ngỡ ngàng mãi. Một câu chuyện mà mỗi khi nhớ lại Dung thấy như có một chút nắng len lỏi chập chờn. Ngày Dung chào đời cũng là hôm dì Thảo chuyển việc từ hải đảo về thành phố. Dì lững thững đi tay không vào, tất cả tư trang đã bán hết chỉ để mua một viên ngọc trai có hình giọt nước. Chính dì Thảo cũng không hiểu vì sao lại cố giành giật mua được nó, một viên ngọc mà mỗi khi ngắm nhìn trong tim lại nhói lên. Dần dà dì có linh cảm nó sẽ đem đến một tương lai thật khác xa với những gì mình đã cố tạo dựng, mọi chuyện sẽ bất ngờ như cơn bão tháng ba cuốn cả người lẫn ngọc vào vòng xoáy quay cuồng. Chẳng hiểu lúc này dì có còn thấy chóng mặt. “Ồ không” dì Thảo thốt lên khi ngọn lửa bén vào bao thuốc của Lâm. Dập lửa xong dì lại mỉm cười môi mấp máy điều gì bâng quơ về Hiếu. Đã mấy ngày nay Hiếu chẳng về nhưng không ai quá lo. Thiên thần của mẹ, gương mặt sáng sủa tinh khôi ấy có thể làm buồn ai bao giờ, có lẽ cuộc đời anh sẽ trôi đi như giấc mộng lành bất tận. Mùi cỏ mật. Mỗi lúc hương thơm dào dạt hơn, Dung nhắm mắt cố lần lại chút ký ức cỏ mật nhưng khi gần chạm tới giấc ngủ lại ùa đến xoá đi những hình ảnh mờ cũ vừa được gọi về. Lâm xoè diêm châm thuốc, khói toả chậm rãi hoà vào ánh trăng dâng tản mát khắp phòng. Lâm vẩn vơ tự hỏi nếu châm thuốc trong giấc mơ toàn bướm trắng thì liệu chúng có rã rời vì khói toả? Rồi Lâm thấy ngoài cửa sổ một dáng người mảnh mai đứng đó từ khi nào. Người đeo mặt nạ nhưng ánh trăng không đủ soi sáng khoảng mờ tối trên gương mặt. Lâm đứng dậy mở cửa nhưng người ấy lắc đầu, người ấy đứng mãi cho đến khi lửa tắt. Trước khi rời xa khung cửa người ấy cúi chào, bàn tay thon thả nhè nhẹ giơ lên như muốn gửi lời chào từ biệt.
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com |