Văn học về đề tài Công an nhân dân Việt Nam có vai trò, vị trí hết sức quan trọng nhằm góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về lực lượng Công an nhân dân, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của quần chúng nhân dân đối với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong xã hội. Văn học về đề tài Công an nhân dân góp phần quảng bá những thành quả, chiến công, khắc ghi những khó khăn, gian khổ của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, là cầu nối gắn kết quan trọng giữa quần chúng với Công an nhân dân.
Văn học về đề tài Công an nhân dân được hình thành cùng với sự hình thành của văn học cách mạng nước nhà và sự hình thành của lực lượng Công an nhân dân. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
1. Sự hình thành và phát triển dòng văn học Công an nhân dân
Văn học về đề tài Công an nhân dân được hình thành cùng với sự hình thành của văn học cách mạng nước nhà và sự hình thành của lực lượng Công an nhân dân. Mặc dù vậy, trong giai đoạn đầu khi lực lượng Công an nhân dân được thành lập, không có các tác phẩm riêng viết về Công an nhân dân cũng như các tác phẩm độc lập của các nhà văn Công an mà pha trộn đâu đó xuất hiện hình ảnh, chiến công của lực lượng Công an nhân dân trong các truyện ngắn và ký về đề tài người lính vệ quốc. Những nhà văn, đồng thời cũng là những người lính vệ quốc đã ghi lại những gì có tính chất thời sự đang xảy ra trên chiến trường như Truyện và ký sự của Trần Đăng, Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Bên đường 12 của Tú Nam, Đường vui, Tình chiến dịch của Nguyễn Tuân,... Những ký sự, tác phẩm đó đã khắc họa chân dung của những người con của đất nước đang chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, sự bình yên của nhân dân, trong đó ca ngợi những phẩm chất như lòng yêu nước, tình đồng chí, đồng đội, tinh thần dũng cảm, phê phán các hoạt động tội phạm, hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức trong xã hội.
Trong những năm gần đây, văn học về đề tài Công an nhân dân đã có sự phát triển mạnh mẽ về đội ngũ, phong phú về tác phẩm, đa dạng về đề tài, bút pháp thể hiện, thu hút được sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân. Chỉ tính từ năm 1986 đến nay, đã có hàng nghìn tác phẩm cả trong và ngoài lực lượng về đề tài Công an nhân dân với nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký. Có hàng trăm tác phẩm đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh xuất sắc thu hút sự quan tâm của dư luận quần chúng nhân dân. Việc nghiên cứu văn học về đề tài Công an nhân dân Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm khảo sát, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong những năm qua, trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn học về đề tài Công an nhân dân trong những năm tới.
Trong khi đó, cho đến nay mặc dù có rất nhiều các cuộc thi sáng tác, các trại sáng tác và hàng nghìn tác phẩm về đề tài Công an nhân dân nhưng chưa có một công trình khoa học nào khảo sát, tổng kết, đánh giá toàn diện mảng văn học về đề tài Công an nhân dân. Chính vì vậy, nghiên cứu về vấn đề này sẽ đóng góp thiết thực vào việc khẳng định kết quả, thành tựu, giá trị của mảng văn học về đề tài Công an nhân dân, xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng nhân dân, tôn vinh đội ngũ các tác giả tham gia sáng tạo văn học, phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, mở cửa, hội nhập, hợp tác quốc tế như hiện nay, việc tra cứu những tri thức chuẩn xác, khoa học về văn học nghệ thuật là một nhu cầu xã hội, trong đó có việc tìm hiểu những tri thức về văn học viết về Công an nhân dân. Đề tài này, thông qua việc lựa chọn và biên soạn bước đầu về tác giả, tác phẩm tiêu biểu trước và sau thời kỳ đổi mới, cung cấp những tri thức cần thiết, hữu ích, đáp ứng nhu cầu nhận thức của công chúng về lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và văn học về Công an nhân dân nói riêng. Kết quả nghiên cứu của đề tài vừa đóng góp vào việc viết lịch sử văn học vừa cung cấp dữ liệu cho việc viết lịch sử về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong Công an. Việc nghiên cứu đề tài nhằm khẳng định những đóng góp tâm huyết và tài năng của các nhà văn, khẳng định ý nghĩa nhân văn của hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân. Kết quả nghiên cứu của đề tài vừa có ý nghĩa phục vụ nghiên cứu, đào tạo, góp phần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm cho các cây bút trẻ vừa góp phần tuyên truyền, tôn vinh hình ảnh lực lượng Công an nhân dân trong cuộc sống, xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, định hướng cho các cây bút trẻ trong lực lượng Công an nhân dân cũng là một nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, nhất là trong bối cảnh những mặt trái của kinh tế thị trường có tác động đến nhận thức, lối sống của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thiếu tu dưỡng rèn luyện.
Văn học viết về lực lượng Công an nhân dân giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam. Trước năm 1986, mảng văn học này ghi nhận sự đóng góp của nhiều tác giả, thể loại. Từ sau năm 1986, đặc biệt từ cuối thế kỉ XX đến nay, văn học về đề tài Công an nhân dân, đề tài vì an ninh Tổ quốc và sự bình yên của cuộc sống ngày càng đông đảo về đội ngũ, đạt nhiều thành tựu đáng chú ý về nội dung, nghệ thuật, đã và đang có sự lan tỏa, tác động tích cực vào thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Các nhà văn trong lực lực lượng Công an tiêu biểu có thể kể đến Lê Tri Kỷ, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Lương Sĩ Cầm, Khổng Minh Dụ, Tôn Ái Nhân, Phùng Thiên Tân, Trần Diễn, Bạch Lê Vân Nguyên, Mai Vũ, Như Phong, Hữu Ước, Nguyễn Hồng Thái, Phạm Khải, Phan Đình Minh, Như Bình, Nguyễn Thế Hùng, Bùi Anh Tấn, Chu Thanh Hương… Một trong những mốc đánh dấu sự hình thành đội ngũ nhà văn Công an chuyên nghiệp là sự thành lập Chi hội Nhà văn Công an năm 1997. Ban đầu, Chi hội Nhà văn Công an chỉ có 11 nhà văn là người đang công tác trong lực lượng Công an, đến nay, Chi hội đã có số lượng nhà văn phát triển gấp 4 lần, với 45 hội viên, đây là chi hội có số hội viên đông thứ 4 của Hội Nhà văn Việt Nam. So với các nhà văn ngoài lực lượng, các nhà văn Công an có ưu thế hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng hành với sự nghiệp bảo vệ an ninh và dựng xây đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, chính họ đã góp phần định hình một giá trị văn học riêng, làm cho đề tài Công an nhân dân trở thành một trong những đề tài trung tâm của văn học Việt Nam hiện đại.
Đánh giá về ưu thế của nhà văn trong lực lượng Công an đối với đề tài Công an nhân dân - chẳng hạn như trường hợp sáng tác của Lê Tri Kỷ - nhà văn Xuân Thiều cho rằng, do yêu mến nghề nghiệp, am hiểu về nghề, nhiều tư liệu, rung động trước những tình cảm, mảng đời của đồng nghiệp và “trên hết là trái tim người chiến sĩ Công an cách mạng trong ông luôn trăn trở, luôn thắc thỏm giữa ranh giới cái thiện cái ác trong con người… ông cầm bút để nói hộ lòng mình… chưa có nhà văn nào viết về ngành Công an được như ông”. “Đọc Lê Tri Kỷ, có thể thấy hai động lực thúc đẩy ông sáng tác: Một là, là cán bộ Công an, ông ý thức cần đưa người Công an, công việc Công an vào văn học để độc giả hiểu thêm, hiểu rõ, hiểu đúng từ đó quan tâm giúp đỡ ngành Công an. Hai là, ông yêu mến thiết tha công việc Công an - nghề Công an. Vì yêu nên ông thấy được, thấu triệt được những cái tốt, cái hay, cái đẹp, đồng thời cũng băn khoăn day dứt về những cái bất cập, thiếu sót, sai, xấu của Công an”. Nhiều nhà văn Công an đã giành các giải thưởng văn học uy tín, có sức lan tỏa xã hội như Giải thưởng Cây bút vàng, Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật địa phương, thậm chí có nhà văn được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật như Lê Tri Kỷ (2014).
Bên cạnh các nhà văn trong lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt, còn có rất nhiều nhà văn nổi tiếng khác cũng có sáng tác đáng chú ý về đề tài lực lượng Công an nhân dân như: Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều, Triệu Huấn, Nguyễn Bản, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Vương Tâm, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Nguyễn Hữu Phùng Nguyên... Bằng sáng tạo nghệ thuật, họ đã góp phần không nhỏ tôn vinh hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, cổ vũ, động viên lực lượng Công an nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Có thể khẳng định, trong suốt chặng đường hơn 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, “mọi chiến công, mọi bước trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân đều có sự đóng góp quan trọng của các thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt Nam” .
Nhìn từ phương diện lý luận, nói đến đề tài văn học Công an nhân dân là nói đến phương diện nội dung của tác phẩm, đó là hiện thực khách quan được lựa chọn, phản ánh. Thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân là một đề tài hấp dẫn các nhà văn, đó là mảnh đất màu mỡ tạo cảm hứng cho những tài năng nghệ thuật khám phá và sáng tạo.
Đã có nhiều tác phẩm văn học phản ánh sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, bảo bình yên cho nhân dân. Trong việc phản ánh hiện thực đó, xu hướng chung là thường phân chia nhân vật thành hai tuyến: Một bên là những âm mưu, thủ đoạn độc ác, xảo quyệt, thâm hiểm của kẻ tội phạm, còn một bên là sự thông minh, sáng suốt, mưu trí, can đảm và cao thượng của những chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ đồng bào. Nhân vật chính diện là người chiến sĩ Công an nhân dân bao giờ cũng đại diện cho lực lượng chính nghĩa trong xã hội, cho cái thiện, biểu hiện giá trị tinh thần, những phẩm chất đẹp đẽ của con người; các nhân vật này được nhà văn miêu tả theo cảm hứng khẳng định, đề cao. Chẳng hạn, nhân vật chính trong tiểu thuyết Kế hoạch J.96 của nhà văn Trần Tử Văn bộc lộ tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, đánh giá về tác phẩm này, nhà văn Sơn Nam nhận xét: “Trong Kế hoạch J.96 người đọc sẽ gặp những sĩ quan cảnh sát Interpol Việt Nam hay những cán bộ chiến sĩ cảnh sát hình sự thông minh, mưu trí, dũng cảm, tận tụy, yêu nghề và đáng yêu như Trung tá Phạm Hưng, Đại uý Lê Bình, Võ Sáu, Trần Quang Đại, Tuấn Anh, Thế Hải,... Những cuộc đấu trí giữa Công an với bọn tội phạm quốc tế, trong đó có sự hợp tác tích cực giữa Interpol Việt Nam với Cảnh sát Thái Lan được Trần Tử Văn thể hiện có nhiều chất điện ảnh”. Hay các nhân vật như Trung tá Vũ Thế Bình, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Đoàn trong tác phẩm Phía sau một cái chết của nhà văn Võ Duy Linh, nhân vật Trung tá Z trong tác phẩm Tự bạch của Trung tá Z của nhà văn Mai Vũ, hay nhân vật Hồ Duy Hùng trong tiểu thuyết Bản án tản thất quân dụng của tác giả Lê Thành Chơn,... Các nhân vật này phản ánh lí tưởng thẩm mỹ của thời đại và dân tộc. Ngược lại, các nhân vật tội phạm luôn đại diện cho lực lượng phi nghĩa, cho cái ác, phản động, đáng bị lên án. Cho nên, nhân vật tội phạm thường gắn với cảm hứng phê phán, phủ định của tác giả, đó là nhân vật mang phẩm chất tiêu cực, trái với đạo lý và lí tưởng xã hội tiến bộ, đối lập với vẻ đẹp của nhân vật chiến sĩ Công an.
Có thể nói, giữa nhân vật chính diện là chiến sĩ Công an và nhân vật phản diện là tội phạm luôn được miêu tả đối lập nhau từ quan điểm, lí tưởng xã hội đến hành động, lời nói, tính cách và hành động nhân vật. Đánh giá về văn học Công an đương đại, nhà nghiên cứu Đinh Xuân Dũng đã nhận xét rằng: “Dù là văn xuôi tư liệu viết về những chiến công của những người hoạt động tình báo trong cuộc chiến đấu thầm lặng, quyết liệt trong lòng địch hay những tác phẩm viết về những vụ án, về cuộc đấu tranh tội phạm những năm gần đây, khuynh hướng chung của những sáng tác văn học nghiêm túc là khai thác và làm nổi bật mâu thuẫn không thể điều hoà giữa Thiện và Ác, coi đó là xung đột bản chất nhất tạo nên chiều sâu của sự khám phá tính đặc thù của đề tài này”.
Bên cạnh các sáng tác thiên về miêu tả các sự kiện, chiến công, cũng có không ít tác phẩm đã đi sâu khai thác tâm lý, thân phận con người kể cả người chiến sĩ Công an và tội phạm. Các nhà văn về đề tài Công an nhân dân, một mặt dựa trên cơ sở người thật, việc thật; mặt khác đã hư cấu, tưởng tượng. Nhân vật được xây dựng từ nguyên mẫu từ trong đời sống hiện thực ví như nhân vật Nguyễn Đình Bảy trong tác phẩm Điệp báo thành Huế của tác giả Thanh Hà, nhân vật Hắn trong tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù của nhà văn Nguyễn Đình Tú,... đã miêu tả được hình dáng, tính cách, nghề nghiệp, số phận con người có thực, tuy nhiên đó không phải là sự sao chép mọi chi tiết biểu hiện của con người ngoài đời mà chỉ là sự thể hiện những đặc điểm cơ bản nhất, đồng thời nhà văn có sự sáng tạo mới để thể hiện quan niệm nhân sinh và nghệ thuật của mình.
Ở nước ta, nền kinh tế thị trường phát triển bên cạnh những mặt tích cực, cũng làm nảy sinh không ít tiêu cực, hạn chế, đó là sự ích kỷ, lối sống thực dụng, vô cảm, sự lên ngôi của đồng tiền, sự băng hoại đạo đức, lối sống, sự xuống cấp của các giá trị văn hóa. Thêm vào đó, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, các nước phải đối diện không chỉ với các loại hình tội phạm truyền thống không hề thuyên giảm mà cả các loại hình tội phạm an ninh phi truyền thống đang nảy nở (khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh trong tôn giáo và dân tộc, di cư bất hợp pháp, buôn lậu, rửa tiền, ma túy, buôn bán người...), những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa ngày càng nghiêm trọng... Chính hiện thực cuộc sống đa dạng, phong phú, phức tạp này vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi các nhà văn phát huy trách nhiệm, tài năng và bản lĩnh để tạo ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Cố Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định: “Hiện thực phong phú, sôi động của đất nước đang mở ra chân trời rộng lớn cho sáng tạo, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn và mới mà những người hoạt động văn học thông qua tác phẩm của mình phải cắt nghĩa, trả lời và định hướng đi lên cho xã hội…”, với tư cách là người thư ký của thời đại, bằng tài năng, tâm huyết của mình các nhà văn cần tiếp tục quan tâm phản ánh chân thực, có chiều sâu về đề tài đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự .
Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm, coi trọng đến công tác văn hóa, văn nghệ của lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài Công an nhân dân. Đây vừa phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vừa là sản phẩm nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân, tôn vinh những cá nhân tiêu biểu, tổng kết những thành tích, quá trình chiến đấu, chiến công, thành tựu của lực lượng Công an nhân dân. Chính vì vậy, trong những năm qua Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ Công an nhân dân trong đó có hoạt động sáng tác văn học về đề tài Công an nhân dân nhằm làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm văn học nghệ thuật của ngành Công an.
Để động viên các nhà văn, khơi dậy tình yêu Tổ quốc, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các cuộc vận động và các cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Cuộc vận động sáng tác viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống giai đoạn 2007-2011 có 135 tác giả trong và ngoài lực lượng Công an tham gia, với 146 bản thảo tác phẩm, trong đó đã xuất bản chính thức 60 tác phẩm; cuộc vận động sáng tác giai đoạn 2012-2015 quy tụ hơn 40 tác giả tham gia, hoàn thành 40 bản thảo, trong đó có 10 tác phẩm xuất bản chính thức; cuộc vận động sáng tác giai đoạn 1999-2000 nhận được 97 tác phẩm, trong đó có 20 tác phẩm được trao giải thưởng, các tác phẩm này phản ánh sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, vì bình yên cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công an thường xuyên phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, các hội văn học nghệ thuật địa phương tổ chức cho các văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, tập hợp được hàng trăm cây bút chuyên nghiệp tham gia nắm bắt thực tiễn. Qua các chuyến đi thực tế, các nhà văn có điều kiện tiếp xúc với nhiều đối tượng tội phạm, thấu hiểu hơn sự gian khổ, hi sinh, tinh thần dũng cảm, mưu trí của các chiến sĩ Công an, nhờ vậy các sáng tác về đề tài Công an nhân dân có mang đậm hơi thở của cuộc sống, giàu tính thời sự, chân thực, sinh động và hấp dẫn.
Bên cạnh việc tổ chức các cuộc vận động sáng tác, các giải thưởng, trại sáng tác, thâm nhập thực tế, Bộ Công an (Nhà xuất bản Công an) cũng quan tâm việc truyền thông, xuất bản những tác phẩm về đề tài Công an nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển mảng văn học này. Không chỉ được in ấn, xuất bản trên giấy, không ít tác phẩm về đề tài Công an nhân dân đã còn được chuyển thể thành phim truyện, thậm chí là các bộ phim dài tập, nhiều kỳ, giúp cho việc phổ biến các tác phẩm một cách sâu rộng. Có thể kể đến các tác phẩm chuyển thể thành công như: X30 phá lưới, Nhóm rắn lục, Ván bài lật ngửa, Ông cố vấn, Bên kia cổng trời, Người không mang họ, Đứa con lạc mẹ,... Những tác phẩm điện ảnh này không chỉ mang lại cho người xem những thước phim gay cấn, hồi hộp mà còn gửi gắm thông điệp về cuộc sống bình yên cho cộng đồng.
Từ trước năm 1954, Bộ Công an đã quan tâm tập hợp các cây bút đã thành danh tham gia lực lượng Công an, tham gia viết văn phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự. Nhờ vậy, sang thập niên 60, sáng tác văn học về đề tài Công an nhân dân bước đầu gây được chú ý với bạn đọc. Từ đầu thập niên 70, xuất phát từ nhu cầu tuyên truyền giáo dục quần chúng bảo vệ an ninh trật tự, Bộ Công an thành lập Phòng Sáng tác. Nhiệm vụ của Phòng là “theo dõi và tổ chức sáng tác văn nghệ về đề tài an ninh trật tự” . Từ chỗ chỉ có hai thành viên là Lê Tri Kỷ và Nguyễn Doãn Quế, Phòng Sáng tác dần được bổ sung thêm nhiều cán bộ ở các đơn vị khác, các trường về (Phan Văn Thẩm, Ngôn Vĩnh, Nguyễn Thị Trang, Phùng Thiên Tân, Bùi Minh Chức, Ngô Ngọc Lung…), thậm chí được huy động cả các cán bộ đang làm việc tại các văn phòng tổng hợp ở các địa phương có khả năng viết báo viết văn về Phòng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và Cục Tuyên huấn, Phòng Sáng tác “tổ chức các lớp hướng dẫn sáng tác, chú trọng về cách thức viết hồi ký, tổ chức các lớp viết hồi ký để ghi lại ký ức của các cán bộ lãnh đạo, các cán bộ có nhiều chiến công trong công tác Công an. Viết về các vụ việc nổi tiếng trong công cuộc bảo vệ an ninh trật tự, trong quá trình bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Viết các sách người tốt, việc tốt và viết về các anh hùng, các chiến sĩ thi đua xuất sắc trong lực lượng Công an… Năm 1972, Phòng Sáng tác lần đầu tiên tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Công an trong nội bộ cán bộ chiến sĩ Công an. Kết quả cuộc thi nhằm có thêm bài vở tuyên truyền và qua đó phát hiện, bồi dưỡng lực lượng sáng tác”. Bên cạnh việc tổ chức sáng tác, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ, tuyên truyền, Phòng Sáng tác còn hợp tác với một số nhà xuất bản trong việc thẩm định, tổ chức bản thảo và in các tác phẩm về đề tài an ninh, tình báo, phản gián,… có chất lượng. Để chủ động thực hiện nhiệm vụ chính trị nội bộ cũng như đẩy mạnh việc phổ biến tuyên truyền rộng rãi ra toàn dân về các chiến công của các chiến sĩ Công an nhân dân, năm 1981, trên cơ sở Phòng Sáng tác, Nhà xuất bản Công an nhân dân được thành lập. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, thúc đẩy việc biên soạn, xuất bản các cuốn sách về đề tài an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đó có cả thể loại văn học.
Bước sang thập niên 90, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy phong trào sáng tạo văn học về đề tài Công an nhân dân, về đề tài giữ gìn an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Bộ Công an quan tâm mạnh mẽ đến công tác sáng tác văn học nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ. Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài phụ nữ Công an nhân dân do Hội Phụ nữ Bộ Công an tổ chức, kết quả của cuộc vận động này đã cho ra mắt hai cuốn tiểu thuyết dày dặn cùng xuất bản năm 1991 là Vòng nguyệt quế cô đơn của Nguyễn Quang Thiều và Trả lại tên cho em của Vũ Thị Hồng, đây là biểu hiện sinh động cho chủ trương phát triển văn học của Bộ. Năm 1994, Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức trại sáng tác cho các cây bút trẻ trong và ngoài lực lượng Công an tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, mở ra triển vọng mới cho việc đầu tư sáng tác và hình thành đội ngũ các cây bút viết văn chuyên nghiệp trong ngành Công an.
Tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Năm 1996 - 1998, khi Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an chính thức ra mắt bạn đọc, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi Cây bút vàng lần thứ nhất, đối tượng tham dự bao gồm các nhà văn chuyên và không chuyên trong cả nước, các cây bút trong lực lượng Công an. Lần đầu tiên, Tạp chí Văn nghệ Công an giúp Bộ “điểm danh” hầu hết các cây viết trong Công an cả nước tham gia cuộc thi này, có nhiều cây bút mới viết lần đầu, chưa có truyện đăng báo vẫn được mời tham dự trại viết để đầu tư cho tương lai. Với lực lượng hùng hậu của đông đảo các nhà văn Việt Nam tham gia (khoảng 50 nhà văn có uy tín tham gia) tạo nên một cú hích mạnh mẽ đối với công tác văn học nghệ thuật của ngành Công an. Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tạo mọi điều kiện tối đa để giúp các nhà văn thâm nhập thực tế, sưu tầm tư liệu, giải mật các vụ án, chuyên án nhằm giúp cho các nhà văn sáng tạo nên tác phẩm tầm vóc.
Cuộc thi Cây bút vàng đã thu hút và tập hợp các nhà văn và những người hoạt động văn hóa - nghệ thuật của nước nhà đến với lực lượng Công an bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật, định hướng khai thác đề tài an ninh trật tự nhằm khích lệ, cổ vũ của toàn lực lượng Công an, từ đó khắc họa nên hình tượng cao đẹp của người chiến sỹ Công an trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 2 tổ chức từ năm 1998 đến 2001, cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 3 diễn ra từ năm 2015 đến 2017, và cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 4 năm 2018-2020 thu hút một lượng lớn tác phẩm ở cả thể loại truyện ngắn và bút ký từ các tác giả, nhà văn ở khắp mọi miền Tổ quốc. Năm 2025 tới đây, cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 5 sẽ tổng kết nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập CAND, tạo được tiếng vang lớn không chỉ đối với các nhà văn công an mà cả văn đàn Việt nam. Thông qua các tác phẩm văn học, Bộ Công an muốn truyền đi thông điệp về cái đẹp, tính nhân văn trong mọi khía cạnh công tác Công an được thể hiện qua hình tượng người chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận an ninh trật tự; tái hiện sinh động khí thế cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần làm nên những chiến công, thành tích, tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia vào công tác đảm bảo an ninh trật tự cùng với lực lượng Công an nhân dân giữ gìn bình yên cho mỗi căn nhà, mỗi khu xóm…
Song song với việc phát động các cuộc thi sáng tác, Bộ Công an đã tổ chức rất nhiều trại sáng tác, đưa các nhà văn đi thâm nhập thực tế ở cả hai miền Bắc - Nam nhằm định hướng cho hoạt động sáng tác của các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân viết về hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân. Trại sáng tác “Cây bút vàng” là nơi cho ra đời những tác phẩm thực sự có chất lượng, có giá trị cao về mảng đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Đây cũng là dịp để các nhà văn, tác giả tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm, giao lưu và chia sẻ về nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Trong cuộc tổng kết cuộc thi Cây bút vàng lần 3 và phát động Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 4, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ, cảm hứng để đồng hành trong hơn 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ Công an đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà văn thâm nhập thực tế, tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo để tạo nên nhiều tác phẩm văn học có chất lượng cao.
Thực hiện đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, để xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an cũng phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động cuộc vận động viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Cuộc vận động này nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị sâu rộng về cuộc sống chiến đấu gian khổ, nhiều hiểm nguy và không ít hy sinh của người chiến sĩ Công an, vừa giúp định hình và phát triển vững chắc mảng đề tài văn học, liên quan đến lực lượng Công an nhân dân; động viên, khuyến khích, mời gọi và tạo điều kiện để các nhà văn và các cây bút trong cả nước thâm nhập thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh chân thực, sinh động hình tượng người chiến sĩ Công an, những chiến công xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Tháng 4/2014, trong cuộc gặp mặt các nhà văn Việt Nam tham gia trại sáng tác văn học tổ chức tại Đà Lạt, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang ghi nhận và biểu dương: “Trong những chiến công, thành tích chung của lực lượng Công an nhân dân, có sự đóng góp rất đáng trân trọng của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Bằng các tác phẩm và trang viết của mình, các nhà văn, nhà thơ đã luôn đồng hành, ủng hộ, sát cánh và giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân; phản ánh sinh động, kịp thời thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phát hiện, lên án các hành vi tiêu cực, tham nhũng và cung cấp cho cơ quan Công an nhiều tin, bài có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đồng thời phát hiện, cổ vũ các nhân tố tích cực, các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đồng thời Bộ trưởng khẳng định và yêu cầu: “Hiện thực phong phú, sôi động của đất nước đang mở ra chân trời rộng lớn cho sáng tạo, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn và mới mà những người hoạt động văn học thông qua tác phẩm của mình phải cắt nghĩa, trả lời và định hướng đi lên cho xã hội…”, nhà văn, nhà thơ phải là người thư kí của thời đại, là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân đang có nhiều áp lực lớn, ngoài áp lực công việc, sự tấn công chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, còn phải chịu áp lực của dư luận tiêu cực tấn công vô hiệu hóa lực lượng Công an, để góp phần cổ vũ, động viên lực lượng Công an nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đề nghị các nhà văn, nhà thơ với tài năng, tâm huyết của mình tiếp tục quan tâm phản ánh chân thực về đề tài đấu tranh phòng chống, tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, trong đó chú trọng nội dung tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Tập trung đấu tranh phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, quan tâm định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đối với những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự, nhất là vấn đề khiếu kiện, tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo, dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ, động viên các nhân tố mới, phát hiện, biểu dương tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu, cái ác, những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, sự băng hoại về giá trị đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, các sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội; tăng cường tuyên truyền về khối đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh trật tự. Tuyên truyền sâu rộng về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân; nâng cao chất lượng phong trào sáng tác văn học trong Công an nhân dân và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin đối ngoại, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước và người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, “định hướng lấy xây là chủ đạo, chống để xây tốt hơn, từ đó có những tác phẩm khắc họa sinh động hình ảnh nhân văn của người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng nhân dân” …
Trong cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 4, từ năm 2017 - 2020, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Khuyến khích các tác giả đi sâu vào tìm hiểu, phản ánh những chiến công của lực lượng Công an trong đấu tranh tội phạm an ninh phi truyền thống, các loại tội phạm mới, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm mạng, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, trên cơ sở đó, các tác giả xây dựng nên những tác phẩm văn học đỉnh cao, góp phần vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Có thể nói giai đoạn từ năm 1986 đến nay, sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, văn học về đề tài Công an nhân dân đã phát triển vượt bậc. Đã thu hút hàng trăm các nhà văn, tác giả tham gia sáng tác, hàng trăm tác phẩm có giá trị, hấp dẫn bạn đọc đã được xuất bản tại nhiều nhà xuất bản khác nhau. Năm 2014, qua khảo sát tại Đảng ủy Công an Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-8-2008 của Bộ Chính trị, Thông báo kết luận số 213-TB/TW ngày 02-01-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật và Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã đánh giá sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an là rất cụ thể, thiết thực, bắt nguồn từ nhận thức luôn coi văn hóa, văn học nghệ thuật là sức mạnh nội sinh để làm tốt công tác chính trị, tư tưởng trong Công an nhân dân; từ đó tạo ra một số tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị không chỉ phục vụ trong Công an nhân dân mà còn lan tỏa trong đời sống văn học nghệ thuật cả nước .
Sau đổi mới, văn học viết về Công an nhân dân đã được xem như một loại hình sáng tạo đặc biệt. Trong một tin về sách của Nhà xuất bản Công an nhân dân đăng trên Tạp chí Văn học đã ghi nhận: “Sách về đề tài người chiến sĩ Công an ninh thông minh, quả cảm, kiên cường, mưu trí đối đầu với bọn tình báo, gián điệp của nhiều loại thực dân, đế quốc, về người chiến sĩ tình báo anh hùng yêu nước bảo vệ Tổ quốc trên thế giới đã được công nhận là một loại hình văn học bên cạnh các loại hình văn nghệ khác như tiểu thuyết lịch sử, trường ca trữ tình, tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng”. Cũng thời điểm này, Phạm Đình Ân trong bài điểm sách Thung lũng không tên (Nxb. Công an nhân dân, 1981), nhân bàn về kịch bản văn học điện ảnh mới xuất bản của Lê Tri Kỷ đã nhìn lại hành trình sáng tạo và khẳng định: “Là một cán bộ Công an lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, tác giả Lê Tri Kỉ từng bền bỉ, cần mẫn viết về hoạt động, con người ở môi trường anh công tác. Anh chưa có những bộ tiểu thuyết nhiều trang, nhưng rất nhiều truyện ngắn, truyện vừa của anh xuất bản vài chục năm nay đã gây được thiện cảm đối với đông đảo bạn đọc” .
Như thế, trước năm 1986, giới nghiên cứu văn học, đặc biệt là các nhà văn học sử chưa dành sự quan tâm đúng mức đến mảng văn học về đề tài Công an nhân dân trong lịch sử văn học nói chung, văn học cách mạng nói riêng. Việc tiếp nhận sáng tạo văn học về đề tài Công an nhân dân, tập trung chủ yếu vào thể loại kí. Giới phê bình quan tâm ghi nhận chủ yếu về phương diện tư tưởng, tư liệu của tác phẩm, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm công tác của tác giả, trong khi tính nghệ thuật của các tác phẩm chưa được đánh giá cao. Chưa có nhiều nghiên cứu công phu về tác giả, tác phẩm; phần lớn là điểm sách, đọc sách, tin sách, chọn lọc phẩm bình các tác phẩm, tác giả thể hiện tính tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cách mạng.
Phải đến thập niên 1990, 2000, việc tiếp nhận sáng tác văn học về đề tài Công an nhân dân từ góc độ khoa học, nghệ thuật mới thực sự để lại những dấu ấn đáng kể. Năm 1993, lần đầu tiên Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ I. Hội thảo này có 15 tham luận góp mặt, được đánh giá “có ý nghĩa tích cực trong sự tác động nhận thức, thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng trang viết của những cây bút thuộc lực lượng Công an nhân dân”. Năm 1996, Bộ Nội vụ và Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ II. 17 báo cáo, ý kiến phát biểu được tập hợp trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo lần II hướng đến giải quyết những vấn đề bất cập giữa lý luận và thực tiễn sáng tác, biểu dương “những thành tích, những nỗ lực vượt qua trở ngại của một số cây bút trong và ngoài ngành khi tham gia vào mảng đề tài này, cách khai thác hiện thực và con đường dẫn tới những giá trị văn chương đích thực”, giới thiệu thể tài truyện tình báo, truyện trinh thám, truyện hình sự an ninh, truyện tư liệu hoặc đi sâu phân tích đánh giá một tác giả, tác phẩm cụ thể, tiêu biểu về đề tài an ninh quốc gia và bình yên cuộc sống của văn học hiện đại, văn học đương đại Việt Nam.
Năm 2002, Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản cuốn Những người bạn đồng hành tập hợp 30 bài viết, ý kiến đánh giá về các tác phẩm, tác giả được tặng giải thưởng trong cuộc vận động sáng tác về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống giai đoạn 1999-2002.
Từ năm 2002 đến nay có nhiều công trình, kỉ yếu, bài viết, tuyển tập văn học Công an/về đề tài Công an ra mắt bạn đọc. Có thể kể đến: Giải Cây bút vàng 1996 - 1998, truyện ngắn chọn lọc (Nxb. Hội Nhà văn, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, 1998), Những gương mặt nhà văn Công an (Nxb. Công an nhân dân, 2002), Nhà văn Công an - tác giả, tác phẩm (Nxb. Công an nhân dân, 2005), Nhà văn Công an (Nxb. Công an nhân dân, 2010), Tuyển tập Văn học Công an (1945-2015) - Nhà văn Công an, tác giả, tác phẩm (2 tập, Nxb. Công an nhân dân, 2016)… Lời giới thiệu hoặc các mục tác giả của các cuốn sách vừa kể, thường có đánh giá ngắn gọn về văn học Công an, cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn sơ lược về đội ngũ các nhà văn trong và ngoài ngành Công an đã có đóng góp ở các thể loại, thể tài khác nhau. Điểm chung của các tuyển tập, kỉ yếu: Khẳng định một trong những thành công của văn học Công an/ về đề tài Công an là xây dựng được hình tượng người chiến sỹ Công an cả trong cuộc sống chiến đấu và đời thường.
Văn học về đề tài Công an nhân dân được hình thành cùng với sự hình thành của văn học cách mạng nước nhà và sự hình thành của lực lượng Công an nhân dân. Trong sự chuyển biến của xã hội, bên cạnh những thành tựu, tình hình kinh tế, xã hội, bên cạnh những cái tốt thì cũng có nhiều mặt trái, bộc lộ nhiều vấn đề mới, phức tạp, trong bối cảnh diễn ra nhiều sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng bị các thế lực thù địch khai thác để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá gây nhiễu loạn xã hội. Những quan điểm sai trái xuất hiện ngày càng nhiều, dưới mọi hình thức, đặc biệt trên mạng xã hội... Để góp phần lan tỏa cái đẹp, cái tốt, che lấp những điều tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội và điều tốt đẹp này cần lan tỏa và nhân rộng trong xã hội để mang lại bình cho cuộc sống, văn học Công an nhân dân, đã góp phần trong công tác đấu tranh, xử lý hoạt động tuyên truyền chống phá, đảm bảo xây dựng hệ thống phục vụ công tác Công an bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của những phần tử chống phá thành quả cách mạng, độc lập tự do mà cha ông ta đã phải hy sinh xương máu để giữ gìn và bảo vệ.