Diễn đàn lý luận

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly: Tiếp tục làm sáng tỏ hơn những góc khuất lịch sử chữ quốc ngữ

Ngô Minh
Tác phẩm và dư luận
08:58 | 18/10/2024
Baovannghe.vn - Mới đây, Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 của Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly được trao giải Phát hiện mới tại giải Sách Hay 2024. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị về công trình nói trên
aa

Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 là tác phẩm được đánh giá là bao quát, đầy đủ và chi tiết nhất từ trước đến nay về lịch sử hình thành và biến đổi của chữ quốc ngữ. TS. Phạm Thị Kiều Ly đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, phân tích để mang đến những phát hiện mới nhất, bổ sung vào nguồn nghiên cứu đã có từ trước. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng chị về những khó khăn, thách thức trong nghiên cứu cũng như các dự án về di sản tư liệu.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly: Tiếp tục làm sáng tỏ hơn những góc khuất lịch sử chữ quốc ngữ
TS. Phạm Thị Kiều Ly giới thiệu công trình của mình với độc giả

Hành trình nghiên cứu dài hơi

- Phóng viên: Đầu tiên xin chúc mừng chị với tác phẩm “Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919” vừa được trao giải Sách Hay 2024. Chị có thể chia sẻ cảm hứng nghiên cứu đề tài này từ đâu không?

-TS. Phạm Thị Kiều Ly: Quyết định tìm hiểu về lịch sử chữ quốc ngữ của tôi xuất phát từ một lần nói chuyện với cố nhà giáo Phạm Toàn. Tôi nhớ vào năm 2012, ngẫu nhiên tôi đã hỏi ông vì sao chúng ta lại dùng chữ viết hệ La-tinh trong khi các nước Á Đông khác như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn dùng chữ tượng hình. Khi ấy cố nhà giáo Phạm Toàn đã trả lời rằng: “Alexandre de Rhodes tạo ra, à, mà không thể mình ông ấy được, phải rất nhiều người. Sao toi không làm luận án về đề tài này?” (TS. Kiều Ly chia sẻ cố nhà giáo Phạm Toàn và mình thường xưng hô “toi” (bạn) và “moi” (tôi) theo kiểu Pháp.)

Tò mò muốn hiểu về nguồn gốc chữ viết mà chúng ta dùng hằng ngày, vì vậy tôi đã bắt đầu đọc các công trình nghiên cứu của các bậc tiền bối. Rồi tôi viết đề cương luận án và tìm giáo sư hướng dẫn. Rất may mắn, đúng năm 2013, vùng Ile de France của Pháp có cấp học bổng cho nghiên cứu sinh dưới dạng “contrat doctoral” (hợp đồng tiến sĩ) cho ngành khoa học ngôn ngữ. Nhờ sự tư vấn của một số bạn bè là giáo sư ở Pháp, tôi đã giành được học bổng và bắt đầu hành trình làm luận án từ cuối năm 2013.

TS. Phạm Thị Kiều Ly hiện là giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2018, Chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Pháp) với công trình trên.

Chị chuyên nghiên cứu về lịch sử chữ quốc ngữ và lịch sử ngữ pháp tiếng Việt, ngoài ra cũng quan tâm nghiên cứu lịch sử chữ viết của các dân tộc thiểu số cũng như di sản ngôn ngữ của các dân tộc đang có nguy cơ biến mất.

- Trước chị cũng có rất nhiều tác phẩm đã nghiên cứu cùng đề tài này rồi. Ở những bước đầu, chị có e ngại mình sẽ không phát hiện ra điều gì mới mẻ không?

- Nghiên cứu là đi lại con đường của người đi trước, rồi tìm thấy một mảnh đất chưa được khai phá dành cho mình. Tôi không bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới. Lịch sử chữ quốc ngữ đã được rất nhiều nhà nghiên cứu như Đỗ Quang Chính, Roland Jacques, Nguyễn Khắc Xuyên, Võ Long Tê, Thanh Lãng… dày công sưu tầm tư liệu và xuất bản sách chuyên khảo.

Khi viết đề cương luận án năm 2013, tôi đã nhận ra rằng các nhà nghiên cứu kể trên thường chỉ tập trung vào giai đoạn đầu sáng tạo chữ quốc ngữ và liên hệ quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Việt với trường hợp của Nhật Bản, Trung Quốc; từ đó tôi mới có ý định dựng lại lịch sử chữ quốc ngữ từ thời kì đầu cho đến khi hoàn thiện và cố gắng sưu tầm tốt nhất có thể tư liệu gốc tại các phông lưu trữ.

- Đây là công trình được đánh giá là toàn diện, đầy đủ và bao quát nhất nhờ nguồn tài liệu phong phú, đa dạng từ tiếng La-tinh, tiếng Pháp, tiếng Ý... Quá trình chuẩn bị của chị để nghiên cứu thế nào và có khó khăn không?

- Khi bắt đầu làm luận án, tôi biết mình sẽ phải tìm đến các Lưu trữ và xử lí văn bản bằng tiếng La-tinh, Bồ Đào Nha, Ý nên tôi đã học tiếng Bồ Đào Nha và La-tinh. Tôi cũng theo một khóa đào tạo về cách đọc các văn bản cổ để phân tích và xử lí các thủ bản nữa.

Việc làm luận án ở Pháp có thuận lợi rất lớn vì tôi có thể di chuyển tới các phông lưu trữ ở châu Âu khá dễ dàng. Chúng tôi chỉ cần gửi email xin phép kèm thư giới thiệu của Giáo sư tới Lưu trữ trước khoảng 2 tháng. Hơn nữa, dòng Tên gần như đã số hóa hết tài liệu, nên tôi chỉ cần lọc và lựa chọn thủ bản để đặt mua. Với các Lưu trữ khác như tại Lisbon, Madrid và Vatican thì quy trình cũng tương tự.

Sưu tầm được tư liệu rồi thì tới bước đọc và dịch tư liệu. Nhưng chút vốn tiếng La-tinh và Bồ Đào Nha chỉ giúp tôi bóc tách được các ý chính của văn bản để dựng lại lịch sử chữ quốc ngữ. Do đó, cũng rất may mắn khi Viện nghiên cứu của tôi có nhiều chuyên gia về tiếng La-tinh và cũng có một số đồng nghiệp giỏi tiếng Bồ Đào Nha, nên khi cần dịch một số đoạn quan trọng để trích dẫn và để đảm bảo tính chính xác, thì tôi có nhờ các đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ.

- Từ trước đến nay nhắc đến chữ quốc ngữ người ta thường nhắc đến các giáo sĩ phương Tây mà bỏ qua đóng góp của người bản xứ, theo chị, có cần một sự nhìn nhận lại không?

- Lịch sử chữ quốc ngữ là công trình tập thể của các thế hệ giáo sĩ người phương Tây và sự hỗ trợ của các thầy giảng, giáo dân người Việt. Nếu không có những biến cố chính trị, giáo dục, xã hội thì số phận chữ quốc ngữ cũng sẽ như rất nhiều chữ viết mà dòng Tên đã tạo ra cho khoảng 140 ngôn ngữ bị rơi vào quên lãng.

Các thừa sai có công rất lớn trong việc tạo ra chữ viết. Chúng ta đã tri ân người đặt viên gạch đầu tiên, nhưng để hình thành được bức tường và để bức tường đó đứng vững, thì cần đóng góp của rất nhiều người. Các nghiên cứu, tính cho đến nay, về căn bản, đã đánh giá được vai trò và đóng góp của họ. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra thêm nhiều tư liệu chứa thông tin hữu ích, nhờ đó ta hiểu hơn về lịch sử sáng tạo cũng như hoàn thiện chữ quốc ngữ và những đóng góp này.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly: Tiếp tục làm sáng tỏ hơn những góc khuất lịch sử chữ quốc ngữ
Bộ 3 tác phẩm phục vụ nhiều đối tượng của TS. Phạm Thị Kiều Ly. Ảnh TL

Nối dài những phát hiện mới

- Được biết bên cạnh các công trình nghiên cứu dày công thực hiện, chị cũng cho ra đời nhiều tác phẩm dễ đọc và phổ thông hơn dành cho nhiều đối tượng gồm cả thiếu nhi, như “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” hay “Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ” qua lời kể của Alexandre de Rhodes. Chị có ý định giới thiệu thêm về các nhân vật chủ chốt trong hành trình của chữ quốc ngữ không?

- Cuốn Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ là một tác phẩm bán hư cấu, nhằm giúp các em nhỏ dễ tiếp cận tác phẩm. Chúng tôi để cho Alexandre de Rhodes và các nhân vật tự kể về mối liên hệ của họ với chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, nếu tiếp cận các nhân vật chủ chốt dưới góc nhìn học thuật, thì tôi sẽ cần tiếp cận theo cách khác. Cũng có thể trong tương lai tôi sẽ viết bài báo khoa học về đóng góp của từng nhân vật dựa trên tư liệu lưu trữ.

- Trong tác phẩm này chị cũng nhắc đến hai nhân vật tương đối đặc biệt với chữ quốc ngữ là Francisco de Pina hay António de Fontes. Nhưng thực tế người ta thường gán công lao lớn nhất của việc sáng tạo chữ quốc ngữ cho Alexandre de Rhodes. Theo chị vì sao điều này lại xảy ra, phải chăng do de Pina bất ngờ qua đời quá sớm?

- Trong số các công trình đặt nền móng cho quá trình văn tự La -tinh hoa tiếng Việt, chúng ta cần kể đến cuốn từ vựng mà giáo sĩ Francisco de Pina đã soạn vào năm 1619. Đây là cuốn từ vựng đầu tiên của tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh. Trong công trình của mình, tôi nhấn mạnh tới vai trò của giáo sĩ António de Fontes như là cầu nối của chữ viết hệ La-tinh của tiếng Việt từ Đàng trong ra Đàng ngoài. Vị thừa sai này đã ở Đàng trong, rồi bị trục xuất về Ma Cao. Nhờ cuộc hội ngộ ở Ma Cao, các giáo sĩ đã có thể hoàn thiện kiến thức ngôn ngữ học. Fontes là một trong số các giáo sĩ được phép trở lại Đàng ngoài. Ông có công rất lớn trong việc tìm ra đủ mẫu tự để ghi hệ thống nguyên âm và thanh điệu của tiếng Việt, cũng như dạy chữ viết này cho các đồng sự khác.

Sở dĩ khi nói về chữ quốc ngữ, hậu thế hay nhắc đến Alexandre de Rhodes vì đó là tác giả cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ. Vào đầu thế kỷ 20, khi tìm hiểu về lịch sử chữ viết, các nhà nghiên cứu thời đó thấy Alexandre de Rhodes là tác giả của cuốn Việt-Bồ-La in năm 1651 và cho rằng ông là triệu tổ của chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, nhờ sưu tầm tư liệu lưu trữ, thế hệ các nhà nghiên cứu sau này đã có thể làm sáng tỏ hơn những góc khuất lịch sử và trên thực tế: chữ quốc ngữ là thành quả của một công trình tập thể.

- Hiện nay trên thế giới các quốc gia đang có xu hướng mang những hiện vật lưu lạc trở về quê hương. Chị có nghĩ nên có một bảo tàng để tập hợp lại các tài liệu cũng như hiện vật góp phần rất lớn trong lịch sử hình thành và phát triển chữ quốc ngữ không?

- Hiện nay chúng ta chưa có bảo tàng về chữ viết của các dân tộc Việt Nam, cho nên tôi nghĩ dự án xây dựng bảo tàng chữ viết là cần thiết. Tuy nhiên, với di sản tư liệu thì chúng ta cần có cách xử lí khác, bởi tư liệu cần phải được bảo quản ở Lưu trữ thì mới đúng luật và điều kiện bảo quản. Theo tôi được biết, hiện nay Trung tâm lưu trữ quốc gia I đã và đang hợp tác với Lưu trữ hải ngoại Aix-en-Provence của Pháp để sưu tầm tư liệu về thời thuộc địa. Ngoài ra, chúng ta còn tư liệu về Việt Nam được lưu trữ ở Roma, Lisboa, Madrid, Avila… Dự án hồi hương tư liệu sẽ là một dự án dài hơi và rất cần thiết để các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu gốc và không phải tốn công đi xa.

- Trong “Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919” chị có đề cập đến những vấn đề mình chưa đi sâu được. Trong tương lai gần, chị có ý định tiếp tục chúng không?

- Cuốn sách này nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh nhất có thể dựa trên việc khai thác tư liệu đã có của tôi. Tuy vậy, cũng thật vô lí nếu tự cho rằng như vậy đã là đầy đủ. Tôi tin rằng vẫn còn nhiều tư liệu nằm rải rác đâu đó, chúng cũng sẽ chứa đựng những thông tin quý báu, nhờ đó chúng ta sẽ hiểu hơn về lịch sử sáng tạo cũng như hoàn thiện chữ quốc ngữ. Tôi chỉ khiêm tốn góp một viên gạch nhỏ vào việc làm sáng tỏ tiến trình lịch sử 400 năm qua, và rồi sẽ có các đồng nghiệp khác, các công trình khác làm giàu thêm bức tường tri thức này.

Về bản thân tôi, tôi vẫn tiếp tục sưu tầm tư liệu và cũng sắp xuất bản thêm một số bài báo khoa học liên quan đến chữ quốc ngữ và lịch sử ngữ âm tiếng Việt.

- Chân thành cám ơn TS. Phạm Thị Kiều Ly về cuộc trò chuyện này!

Ngô Minh | Báo Văn Nghệ

-----------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Tiểu thuyết, The Friend giành chiến thắng tại Giải sách Quốc gia Mỹ 2018 Nhà thơ Trần Vàng Sao được trao giải Sách quốc gia Tác phẩm đoạt giải Sách Quốc gia được trưng bày ở Đường sách TP.HCM Công và tội của việc khen sách Tiểu thuyết "Nắng Thổ Tang" của Đinh Phương đoạt giải Sách hay 2024
Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.