Diễn đàn lý luận

Tiếng nói phản tỉnh về quyền năng tối thượng của con người trong xã hội hiện đại

Trịnh Đặng Nguyên Hương
Lý luận phê bình
10:00 | 08/11/2024
Baovannghe.vn - Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ là sự phản tỉnh về quyền năng tuyệt đối của con người và chứa đựng những âu lo về nguy cơ sụt giảm nhân tính trong xã hội hiện đại. Tác phẩm là lời cảnh tỉnh con người nói chung, giới trí thức nói riêng: đích đến của khoa học kỹ thuật là làm cho con người hạnh phúc, làm cho nhân tính tỏa sáng chứ không phải thỏa mãn những đòi hỏi vô tận, ích kỷ của con người.
aa

Khi viết Hoa cúc xanh trên đầm lầy(1) hẳn Lưu Quang Vũ không thể biết hơn 30 năm sau, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã kéo gần khoảng cách giữa con người và máy móc; nhiều điều không tưởng ở thế kỷ trước đã được hiện thực hóa trong thế kỷ này nhờ những thành tựu đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhưng với tài năng và mẫn cảm của một nghệ sĩ, Lưu Quang Vũ đã sớm nhận ra nguy cơ con người đánh mất nhân tính khi mải miết chạy theo những dục vọng, tham vọng ích kỷ cá nhân. Trong bối cảnh đầy thách thức của xã hội toàn cầu hóa, số hóa, máy hóa hôm nay, đọc/xem lại vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ có thể nhận thấy cái nhìn phản tỉnh của nhà văn về những nguy cơ mà con người đã, đang và tiếp tục đối mặt trong cuộc sống đương đại.

Tiếng nói phản tỉnh về quyền năng tối thượng của con người trong xã hội hiện đại
Một cảnh trong vở kịch "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" do đạo diễn Sĩ Tiến dàn dựng - Ảnh: ST

Kịch Lưu Quang Vũ được đón nhận nồng nhiệt bởi đề cập tới những vấn đề thời sự nóng bỏng, cấp thiết như: Ông không phải bố tôi, Nếu anh không đốt lửa, Trái tim trong trắng, Vụ án hai nghìn ngày, Mùa hạ cuối cùng; hoặc chinh phục độc giả, khán giả bởi ca ngợi vẻ đẹp tài năng, trí tuệ, phẩm giá, nhân tính của con người như: Nàng Sita, Ngọc Hân công chúa, Hồn Trương Ba da hàng thịt... Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy lạc ra khỏi vùng đề tài quen thuộc của Lưu Quang Vũ khi viết về mối quan hệ giữa con người và sản phẩm người máy do chính con người tạo ra. Chứa đựng nhiều yếu tố giả tưởng, vở kịch khá lạ lẫm với khán giả cũng như xa lạ với các đề tài của kịch bản cùng thời. Vấn đề mà Hoa cúc xanh trên đầm lầy đặt ra hết sức mới mẻ với kịch bản nói riêng, với văn chương nghệ thuật thời đó nói chung, thậm chí, bước sang thế kỷ mới, kịch bản này vẫn là tác phẩm văn học xuất sắc nhất của Việt Nam viết về mối quan hệ giữa con người và máy móc, đặt ra những hoài nghi sâu sắc về đường biên nhân tính trong thế giới loài người. Dù không được chào đón nồng nhiệt vào thời điểm ra đời, có lẽ vì quá mới mẻ nhưng tác phẩm lại đầy tính hiện thực với cuộc sống đương đại khi ranh giới giữa con người và máy móc càng lúc càng trở nên mong manh. Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mang lại thành tựu vừa chứa đựng những nguy cơ xáo trộn toàn bộ thế giới khi người và người máy sẽ không còn ranh giới, khi con người đối mặt với việc không dễ để có thể phân biệt đâu là máy đâu là người trong tương lai không xa. Vì vậy, có thể nhìn lại Hoa cúc xanh trên đầm lầy như một “ca” đặc biệt khẳng định tài năng nghệ thuật cũng như đóng góp riêng của Lưu Quang Vũ.

1. Biểu tượng “hoa cúc xanh” - từ thơ đến kịch

Nhan đề vở kịch “chạm” vào tên một bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh (Hoa cúc xanh). Đây là bài thơ được Xuân Quỳnh ấp ủ trong một thời gian rất dài (1964-1987), và vào dịp sinh nhật 39 tuổi của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh mới hoàn thiện được để gửi tặng chồng(2). Hơn hai mươi năm cho sự ra đời của một thi phẩm để dành tặng người yêu thương nhất cho thấy những trăn trở, suy tư cùng tình yêu nữ sĩ đặt trọn vẹn vào người bạn đời, bạn thơ. Hình ảnh hoa cúc xanh, đầm lầy tuổi nhỏ, thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ, một dòng sông lặng lẽ chảy về xa, một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xa... hiện lên gần như nguyên vẹn trong vở kịch của Lưu Quang Vũ. Có phải vì thế mà đạo diễn Sĩ Tiến khi dựng lại kịch phẩm này đã khẳng định: vở kịch được Lưu Quang Vũ viết vào khoảng giữa thập niên 80 dựa trên bài thơ Hoa cúc xanh của Xuân Quỳnh(3)? Tuy nhiên, khi chưa có Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã viết đầy thổn thức: “hoa cúc xanh tuổi nhỏ chết từ lâu/ những hòm xiểng chất đầy khu phố chật/ những bãi rác, những thùng xe cũ hỏng/ những bạn bè thơ trẻ đã già nua”(4). Theo đó, thật khó để minh định hình tượng ấy ai viết trước ai viết sau? Nhưng quan trọng là sự gặp gỡ bởi mong ước, khát khao về loài hoa “có hay là không có” ấy đã hiện ra trong sáng tác của họ. Với cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, “hoa cúc xanh” gắn liền với “đầm lầy tuổi nhỏ”, với “trái tim ta như nắng thuở ban đầu”. “Đầm lầy” trong vùng suy tư của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh không phải là nơi bùn lầy nước đọng tăm tối, âm u, sợ hãi mà là nơi cất giữ những bí mật tuổi thơ. Đó là nơi có “châu chấu xanh chuồn chuồn kim thắm đỏ”, “khắp mặt đầm xanh biếc một màu hoa/ hương thơm ngát cả một vùng xứ sở”, và là “cả một vùng vương quốc thuở thơ ngây”. Đó là cả một trời hoa mộng, nguyên sơ, đầy háo hức và bí mật mà chỉ có trẻ thơ hoặc những người còn giữ được tâm hồn trẻ thơ có thể còn chạm tới. Với địa danh “đầm lầy” một nơi dường như xa lạ với thổ nhưỡng trồng hoa cúc, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã tạo dựng một khoảng trời “bí mật” cất giữ riêng những khao khát về loài hoa cúc xanh cho tình yêu, cho tâm hồn trong mát của con người.

Từ trong thi giới của cặp đôi thi sĩ tài hoa này, “hoa cúc xanh” đã trở thành biểu tượng cho những gì trong trẻo, nguyên sơ nhất, cho cái Đẹp của nhân tính thuở sơ khai. Nó trở thành khao khát cháy bỏng khôn nguôi của con người khi dần xa thế giới ấu thơ.

Hơn thế, màu xanh của hoa cúc nói riêng và màu xanh nói chung, ấy còn là màu của tuổi trẻ, của ước mơ, khát vọng, màu của lắng dịu bình yên mà tâm hồn nhiều day dứt của đôi tình nhân ấy luôn khát khao, níu kéo: Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm/ Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc; Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh (Vườn trong phố); Chân bước vội em về từ phố rộng/ Mang mùa hè xanh biếc ở trên vai (Chiều chuyển gió); Ta lại ra ngoại thành xem rau cải lên non/ Em trẻ đẹp như ngày ta mới gặp/ Anh lại có sự tươi bền của đất/ Nói với tình yêu bằng sắc cỏ xanh rờn (Chiều chuyển gió)... Xanh trời, xanh đất, xanh cỏ, xanh vườn... cho đến xanh hoa cúc “có hay là không có”... ấy còn là màu sắc của tâm hồn mãi mãi xanh, khi Xuân Quỳnh tin rằng: Sẽ có mãi cô bé mười sáu tuổi/ Dẫu tóc em năm tháng đổi thay màu. Từ trong thi giới của cặp đôi thi sĩ tài hoa này, “hoa cúc xanh” đã trở thành biểu tượng cho những gì trong trẻo, nguyên sơ nhất, cho cái Đẹp của nhân tính thuở sơ khai. Nó trở thành khao khát cháy bỏng khôn nguôi của con người khi dần xa thế giới ấu thơ. Điểm gặp giữa hai nghệ sĩ, hai người yêu ấy phải chăng đều đặt ở “hoa cúc xanh” - niềm tin về sự sống, tình yêu nguyên sơ, bất tử là nơi tương tựa để con người khao khát và hoàn nguyên những giá trị Người.

Đến tác phẩm kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lưu Quang Vũ còn băn khoăn, trăn trở nhiều hơn. Ông có lo lắng việc nhân tính bị xói mòn theo sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, sự giàu có về vật chất của con người? Nghệ thuật và tình yêu sẽ ra sao khi chỉ ý chí sắt đá của con người là được coi trọng? Có lẽ, vượt lên trên những thông điệp mà loài hoa cúc xanh đã trở nên thân thuộc trong thơ họ, việc mở rộng và đào sâu thêm vào biểu tượng này, đã làm nên sức sống, sức lôi cuốn của vở kịch mỗi lần nó được dàn dựng, công diễn.

Hoa cúc xanh trên đầm lầy xoay quanh câu chuyện của ba người bạn thân: Hoàng (kỹ sư chế tạo của một Viện nghiên cứu lớn), Vân (họa sĩ trẻ mới có triển lãm tranh đầu tay), Thùy Liên (cô giáo từng ước mơ trở thành một nhà sư phạm lớn). Họ chơi với nhau từ thuở thiếu thời, học chung trong một ngôi trường ở một làng nhỏ phía trước là biển, sau lưng là núi. Nước ngầm từ biển chảy vào núi tạo thành một thung lũng nhỏ, trong đầm lầy có mọc rất nhiều hoa cúc xanh. Bộ ba đã trốn người lớn tìm đường vào đầm lầy hái những bông cúc xanh mà người lớn cho rằng không có thực. Ký ức đẹp đẽ đó theo họ trong suốt những năm tháng sau này.

Vân và Liên yêu nhau, chuẩn bị kết hôn cũng là lúc Hoàng cầu hôn Liên nhưng bị Liên từ chối. Tức giận vì Vân không nhường Liên như suốt thời thơ bé Vân luôn nhường Hoàng bất cứ điều gì, Hoàng tạo ra hai người máy hoàn hảo giống hệt Vân và Liên gọi là Vân B và Liên B. Hai người máy này được tạo thành từ những gì tốt nhất, trong sáng, cao đẹp, mộng mơ nhất của Vân và Liên ngoài đời thực. Vân B được tạo ra để vẽ những bức tranh thiên tài và để tôn sùng Hoàng tuyệt đối. Liên B được tạo ra để yêu Hoàng vô điều kiện. Nhưng vì được tạo ra bởi những gì tốt nhất, đẹp nhất nên Vân B và Liên B nhận ra sự nhỏ nhen, xấu xa, tồi tệ của Hoàng. Hai người máy yêu nhau và bỏ trốn khỏi ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của Hoàng. Hoàng tổ chức chiến dịch truy bắt khắp nơi.

Hai người máy không hề biết rằng mình là người máy nên đã làm xáo trộn cuộc sống ở tất cả những nơi họ đến. Hai người máy giống người thực đến nỗi chính nguyên bản của họ là Vân và Liên (con người) cũng nhầm lẫn. Khi nhận ra đó là bản sao tốt đẹp của chính mình, họ đã quá sợ hãi và không thể thừa nhận. Mặc cơn mưa lớn và tiếng gõ cửa xin giúp đỡ từ Vân B, Liên B (hai người máy), Vân và Liên - hai người thực đã đóng chặt cửa, từ chối giúp đỡ. Hai người máy bị xua đuổi khắp nơi, không biết đi đâu, họ tìm về ngôi làng cũ, vào đầm lầy hái những bông hoa cúc xanh. Hoàng tìm theo đến nơi thì đã muộn, Vân B và Liên B chìm lút giữa đầm lầy khi cố hái những bông cúc xanh của ký ức, của tuổi thơ. Bàng hoàng, thảng thốt, Hoàng nhận ra, câu chuyện chỉ là một giấc mơ, đúng lúc đó Vân và Liên xuất hiện mời Hoàng dự đám cưới của hai người. Từ góc nhìn phản tỉnh, vở kịch của Lưu Quang Vũ đã đặt ra nhiều chất vấn suy tư không dễ trả lời với người đọc và người xem.

2. Phản tỉnh về quyền năng tối thượng của con người

Nhân vật trung tâm của kịch bản là Hoàng, đầu mối của mọi vấn đề. Hoàng tạo ra người máy, Hoàng để người máy thoát khỏi sự kiểm soát và “gây rối”. Mọi rắc rối xuất hiện từ khi hai người máy giống hệt người thực của Hoàng ra đời. Là kỹ sư chế tạo của một Viện nghiên cứu lớn. Hoàng có trong tay hai robot hiện đại nhất, duy nhất của Việt Nam thời đó: robot vệ sĩ và robot bác học. Robot vệ sĩ có sức mạnh cơ bắp siêu đẳng, có sức khỏe vô địch. Robot bác học sở hữu “bộ óc” thiên tài có thể làm được 50 triệu phép tính trong một giây, trả lời được mọi câu hỏi, tìm được phương án tối ưu cho mọi phương trình. Hai robot này khiến Hoàng có được sức mạnh cơ bắp và sức mạnh trí tuệ siêu việt phục tùng. Sự tuân phục tuyệt đối, vô điều kiện của hai robot khẳng định mạnh mẽ quyền năng tối thượng của con người. Con người tạo ra máy móc, sử dụng máy móc. Nhờ máy móc, con người đã vượt xa khỏi những giới hạn của bản thân, chế ngự và chinh phục tự nhiên.

Tiếng nói phản tỉnh về quyền năng tối thượng của con người trong xã hội hiện đại
Ảnh: Plantas y Flores

Khát vọng/tham vọng của Hoàng không dừng lại ở đó. Với sự trợ giúp đắc lực của hai robot, Hoàng tạo ra thế hệ người máy thứ hai. Người máy giống hệt con người: có da thịt (phần xác), có cảm xúc, suy tư (phần hồn); có khả năng sáng tạo nghệ thuật. Vân B và Liên B chính là những siêu phẩm khẳng định tài năng và sức mạnh của con người. Vân B, Liên B là những đột phá công nghệ chưa từng có, được tạo ra để phục tùng, phụng sự chính Hoàng/con người. Thành tựu này xác lập tư thế ngạo nghễ của con người khi làm chủ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, robot Vân B cũng cho thấy khoa học kỹ thuật có thể xâm nhập vào nghệ thuật, một lĩnh vực gắn liền với trực giác, cảm giác, cảm xúc và năng khiếu thiên bẩm. Nghĩa là, nghệ sĩ thiên tài, tác phẩm thiên tài cũng có thể được tạo ra bằng khoa học kỹ thuật. Vân B say sưa vẽ trong căn phòng rộng rãi dưới tầng hầm nhà Hoàng, tôn trọng tình yêu của Hoàng và Liên B tuyệt đối. Vân B thay thế người bạn tốt nhất của Hoàng ngoài đời thực. Có thể thấy, siêu phẩm máy móc do Hoàng tạo ra còn “đáng yêu” hơn nguyên bản. Nếu Vân thật vẽ những bức tranh nhạt nhẽo thì Vân máy vẽ những tác phẩm đỉnh cao; Vân thật lấy người Hoàng yêu thì Vân máy nhường người yêu cho bạn; Vân thực làm Hoàng tổn thương, Vân máy làm Hoàng hạnh phúc; Vân thực sống cuộc đời của anh ta, Vân máy sống như Hoàng muốn, vì Hoàng. Rõ ràng, Vân máy đã thay thế Vân thực hoàn toàn với những ưu điểm vượt trội. Như vậy, Hoàng nắm trong tay quyền năng to lớn, quyền “tạo sinh” sánh ngang với quyền lực của Chúa Trời khi tạo ra loài người.

Siêu phẩm đỉnh cao thứ hai mà Hoàng tạo ra là Liên B, xinh đẹp như Liên thực nhưng lại hiểu biết sâu sắc văn học nghệ thuật và biết yêu say đắm như mọi cô gái bất tử trong văn chương. Liên B vượt trội so với nguyên mẫu về tâm hồn trong sáng và nhạy cảm, vượt trội về cảm nhận nghệ thuật, về hiểu biết. Nếu Liên thực từ chối tình yêu của Hoàng, làm Hoàng phẫn uất, tổn thương thì Liên B yêu Hoàng, phục tùng Hoàng. Hình tượng Liên B cho thấy tham vọng chiếm lĩnh, sở hữu tuyệt đối của con người với mọi đối tượng của đời sống. Với kỹ thuật và máy móc, con người chiếm hữu được tình yêu mà nó muốn. Liên B đại diện cho khát vọng chinh phục tuyệt đối của Hoàng nói riêng, của con người nói chung.

Như vậy, tạo ra Vân B và Liên B, Hoàng sở hữu những giá trị tuyệt đối: cái đẹp/nghệ thuật (Vân B họa sĩ với khả năng sáng tạo vô điều kiện) và tình yêu (Liên B, cô gái chỉ biết yêu say đắm và trong sáng vô ngần). Trong thực tế đời sống, nghệ thuật và tình yêu xưa nay thường nằm ngoài tầm kiểm soát của lý trí, của khoa học kỹ thuật. Nghệ thuật và tình yêu hay thách thức những luật lệ buộc trói của con người. Không nghệ sĩ đích thực nào có thể sáng tạo theo mệnh lệnh. Cũng không có nghệ sĩ nào chỉ tạo ra những tác phẩm thiên tài đều đặn, liên tục. Nhân vật Vân B đã phá bỏ quy luật của đời sống thực tại để tôn vinh sức mạnh vô địch của khoa học kỹ thuật. Không chỉ vậy, hình ảnh Hoàng nằm dài bên Liên B trò chuyện, dưới tầng hầm Vân B miệt mài vẽ, robot bác học và robot vệ sĩ bảo vệ ngôi nhà là hình ảnh cực tả sự mãn nguyện của con người về quyền năng tối thượng. Con người sáng tạo, điều khiển thế giới một cách tuyệt đối. Vạn vật, vạn sự tuân phục con người. Con người giống như Đấng Sáng tạo tối cao hoàn toàn làm chủ Tình yêu và Cái đẹp theo ý muốn chủ quan của mình.

Nhưng Hoàng đã không nghĩ tới việc máy móc thông minh như người thật sẽ có lúc vượt xa sự kiểm soát của anh ta. Sau những tuân phục ban đầu, máy móc liên tiếp “phản chủ”. Mở đầu là cô Liên B:

- Anh Hoàng ạ, em chỉ được phép nói sự thật mà sự thật là em rất chán nản, thất vọng thấy ở anh bao tính xấu nhỏ nhặt tầm thường. Em không thể chấp nhận được...

- Anh Hoàng ạ, anh không phải người em đi tìm, người em mong đợi. Em không thể tiếp tục yêu anh. Em không thể ở đây mãi(5).

Khi tạo ra Liên B, Hoàng có hai mong muốn: muốn cô yêu và phục tùng mình. Hai mong muốn ấy được cụ thể hóa trong toàn bộ chương trình do Hoàng cài đặt. Nhưng Hoàng không lường trước việc “tự xử lý” thông tin của robot thông minh đã dẫn tới việc “cài đặt lại” giống như quá trình tự nhận thức, tự phản tỉnh của con người. Câu nói thứ nhất xuất phát từ những thông tin mà robot tiếp nhận được hằng ngày: trong cuộc họp, Hoàng khen ngợi, tâng bốc lãnh đạo hết lời dù bản thân ghét, coi thường lãnh đạo; Hoàng cố tình không nhắc đồng nghiệp để họ phạm lỗi rồi hớn hở trước sai lầm của họ; Hoàng thích nghe lời nói ngọt, thích mọi người khen mình, phục mình; Hoàng hay cãi cọ với các nhân viên nhưng sợ họ giận vội làm lành rồi hôm sau lại cãi cọ... Nhờ bộ vi xử lý đỉnh cao của robot, Liên B “nhận ra” sự “dối trá” của Hoàng. Con người bên ngoài và con người bên trong của anh ta đầy mâu thuẫn. Con người bên ngoài tỏ ra tốt đẹp còn con người bên trong lại nhỏ mọn, tầm thường. Lối sống của Hoàng cũng hết sức tầm thường: hay nổi nóng, hay ghen tỵ, hay hắt hơi cả tràng dài, hay sôi bụng, đêm ngủ hay nghiến răng, không biết chơi bất cứ thứ nhạc cụ nào... Dần dần Liên B “vỡ mộng”: “Em tưởng anh là người xứng đáng để em yêu nhất (...) nhưng giờ thì em biết là không phải như vậy” (tr.412). Câu nói thứ hai của Liên B khẳng định quyết định mạnh mẽ và dứt khoát: chối từ kẻ đã tạo ra mình, nhất định bỏ đi bằng mọi giá. Quyết định của Liên B cho thấy quyền năng của Hoàng không phải vô hạn. Anh ta không thể chế ngự, khuất phục chính những sản phẩm do mình tạo ra.

Hoàng cũng vấp phải tình trạng tương tự với Vân B. Thay vì ngồi vẽ miệt mài như đã được lập trình, Vân B bức bối:

- Tôi không thể vẽ được nữa! Sao tăm tối thế này? Tôi cần ánh sáng, ánh sáng mặt trời... Có ai quanh đây không, mở cửa cho tôi thấy bầu trời, ánh nắng!

- Tôi yêu quý Hoàng nhưng còn yêu quý tự do, lẽ phải và nghệ thuật của tôi hơn... ánh sáng, tôi cần ánh sáng...

- ... không thể ngồi ở căn hầm này hì hục vẽ rồi lại xóa bỏ... Anh cần bầu trời, cánh đồng, những ngọn gió... như ở vùng núi quê ta như xưa... (tr.417-418).

Khi cài đặt cho Vân B những “phẩm chất”: cao thượng, yêu lẽ phải, tự do Hoàng đã không lường trước chính những “phẩm chất” này khiến Vân B không chấp nhận cuộc sống tù túng, chật chội do Hoàng ấn định. Khát vọng tự do khiến người máy luôn thấy thiếu: bầu trời, ánh sáng. Không có bầu trời, ánh sáng - Tự do - Vân B không thể sáng tạo. Nghệ thuật đích thực không làm nô lệ cho bất cứ “ông chủ” nào. Vân người máy đã không thể sáng tạo khi thiếu tự do còn Vân người thực cũng bất lực không thể vẽ khi bị dằn vặt bởi cơm áo gạo tiền (anh ta cũng không có tự do như Vân người máy).

Vân B cũng “chối bỏ” việc nhường “người yêu” cho Hoàng như đã được cài đặt khi gặp Liên B và hiểu ra chân tướng của Hoàng. Hai người máy bỏ đi bất chấp việc Hoàng gào lên trong vô vọng:

- Tôi tạo ra các người là để các người yêu tôi, thuộc về tôi, nghe lời tôi. Các người muốn làm người thì phải ở đây. Nếu không, tôi sẽ tuyên bố các người chỉ là người máy, tôi sẽ chấm dứt ngay sự tồn tại của các người, hiểu chưa, hiểu chưa? (tr.419).

Lời tuyên bố đầy ngạo mạn về quyền lực tuyệt đối của người tạo sinh ra máy móc, tạo ra để sở hữu (thuộc về), để vâng phục (nghe lời), để tôn sùng (yêu tôi). Hoàng tin quyền lực tuyệt đối của ông chủ Người sẽ chấm dứt sự tồn tại của những người máy này. Nhưng trớ trêu, dù có được quyền lực “tối cao”, Hoàng vẫn không thể điều khiển nổi hai người máy do mình tạo ra chỉ vì anh ta đã cấp cho chúng những phẩm chất tốt đẹp (mà anh ta cần để chúng phụng sự mình). Vân B và Liên B bỏ trốn, đi tìm nguyên mẫu của họ và bằng mọi giá tìm trở về đầm lầy để hái những bông cúc xanh.

Như vậy, xoay quanh nhân vật Hoàng và mối quan hệ với các người máy, kịch bản cho thấy cái nhìn phản tỉnh về sức mạnh tưởng như tuyệt đối của con người trước máy móc.

Nếu thế hệ người máy thứ nhất (robot vệ sĩ, robot bác học) chịu sự điều khiển tuyệt đối của con người, (chúng lập tức bị cắt đứt năng lượng, đứng im bất động khi Hoàng tức giận) thì thế hệ người máy thứ hai (Liên B, Vân B), những siêu phẩm thông minh đã thoát ra khỏi sự kiểm soát của Hoàng. Hoàng không thể điều khiển từ suy nghĩ đến hành động của các robot này. “Chúng” tước đi của Hoàng sức mạnh tuyệt đối. “Chúng” cho Hoàng thấy sự “bất lực”. Và “chúng” không thỏa hiệp với con người.

Như vậy, xoay quanh nhân vật Hoàng và mối quan hệ với các người máy, kịch bản cho thấy cái nhìn phản tỉnh về sức mạnh tưởng như tuyệt đối của con người trước máy móc. Con người khi mải miết đuổi theo những thành tựu khoa học kỹ thuật, tưởng mình là người phát minh, sáng tạo, là chủ nhân của máy móc đã không lường tới thực tế máy móc sẽ vượt thoát khỏi sự điều khiển của con người, thậm chí khống chế lại còn người trong một tương lai không xa. Trí tuệ nhân tạo đang tiến với những bước tiến quá xa, gây âu lo cho sự tồn tại của xã hội loài người. Đó là những dự báo của Lưu Quang Vũ từ thế kỷ trước và hoàn toàn trở thành nguy cơ có thực trong thế kỷ này(6).

3. Phản tỉnh về vị thế và nhân tính của con người trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển

Hoa cúc xanh trên đầm lầy xây dựng hai trục nhân vật soi chiếu nhau khá rõ. Hoàng đại diện cho con người ứng xử với thế giới người máy. Đó là trục thứ nhất. Trục thứ hai là Vân B và Liên B đại diện cho thế hệ người máy thông minh ứng xử với ông chủ - kẻ sáng tạo ra chúng. Ở trục thứ nhất Hoàng đã “phản tỉnh” về quyền lực của mình trước trí tuệ nhân tạo. Còn ở trục thứ hai, thế giới người máy xưa nay vẫn mặc định thua kém hoặc không bao giờ có được những đặc tính ưu trội của con người (về cảm xúc, da thịt, tình yêu, sáng tạo, nhân cách...), trong hình hài giống hệt con người, họ xâm nhập vào thế giới loài người, nhìn nhận, đánh giá con người theo cách họ được cài đặt (là cách nhìn cuộc sống tốt đẹp), những người máy nhận ra thế giới người thật đáng sợ khiến họ phải chạy trốn.

Hoàng - chủ nhân tạo ra người máy lại là kẻ tham lam, hèn nhát, giả dối, sống hai mặt. Hoàng giam lỏng, canh giữ khiến hai người máy hoàn hảo không có tự do, không thể sáng tạo cũng không thể yêu theo cách của mình bởi Hoàng sẵn sàng cắt nguồn năng lượng nếu “họ” không phục tùng. Không đối thoại, không thương lượng, Hoàng dùng bạo lực để cưỡng chế, giam giữ và đuổi bắt Vân B, Liên B - hai siêu phẩm hoàn hảo do chính anh ta tạo ra khi không phục tùng. Hoàng đã không còn là anh kỹ sư say mê khoa học, người bạn hiền lành, chân thực, tốt bụng đầy tin tưởng với bạn bè. Bị từ chối tình yêu, phần “hiếu thắng” trong Hoàng biến anh thành một người khác. Khi tạo ra hai người máy thông minh, Hoàng đã đánh mất phẩm chất của một nhà khoa học chân chính - sản phẩm của anh không để phụng sự con người. Thay vào đó chỉ phục vụ cho sự thỏa mãn cá nhân. Nhân tính trong Hoàng đã “phai”, đã mất khi mải miết chạy theo dục vọng cá nhân, khi lợi dụng khoa học kỹ thuật để thỏa mãn cái tôi ích kỷ. Vậy ai xứng đáng là chủ nhân hơn? Người hay máy? Ai xứng đáng là người hơn? (Chữ “Người” viết hoa theo đúng nghĩa tốt đẹp của nó).

Tiếng nói phản tỉnh về quyền năng tối thượng của con người trong xã hội hiện đại
Ảnh: Sarah Raven

Đối thoại về nhân tính còn đặt ra riết róng giữa người máy và nguyên mẫu thật ngoài đời. Khao khát tìm hiểu bản chất của mình, hai người máy đi tìm nguyên mẫu. Họ đến nhà Vân và Liên, quan sát thấy hai người thực sống khổ sở trong rỉa rói, trách móc, họ trò chuyện với người thực để cố hiểu căn nguyên sự khổ đau ấy khiến chính nguyên mẫu của họ là Vân thực và Liên thực đã không nhận ra đâu là người đâu là người máy. Không những vậy, chính người máy lại đánh thức những gì tốt đẹp nhất từng có nhưng đã mất của Liên và Vân. Cô Liên xinh đẹp từng ước mơ trở thành nhà sư phạm lớn thuở thanh xuân nay mệt mỏi, chán chường, mở miệng ra là toan tính chuyện tiền nong khiến chồng tắt lịm mọi khát vọng sáng tạo. Liên trách chồng không thức thời, không biết vẽ tranh cho những quán giải khát, trang trí các cửa hàng đặc sản, vẽ bưu thiếp lụa xuất cảng... kiếm tiền để lo cho cuộc sống gia đình. Liên không quan tâm đến nghệ thuật như Liên đã từng đầy tự hào về Vân thời trước. Dưới sức ép của vợ, cũng là áp lực của cơm áo gạo tiền, Vân buồn bã chán chường, tắt ngấm cảm xúc sáng tạo, không thể vẽ được một bức tranh nào đáng gọi là tranh. Nỗi buồn và tình yêu của Vân chỉ được giãi bày và sống dậy khi Liên B xuất hiện: “Nhìn em lúc này, nhìn gương mặt, đôi mắt dịu dàng kia, anh lại rất ân hận, lại muốn được yêu em nhiều, thật nhiều như những ngày đầu” (tr.460). Vân tâm sự với Liên B về niềm vui, nỗi buồn, khổ đau, về việc “anh đã đánh mất chính mình”, “anh chỉ là một kẻ giả mạo”, cuộc sống sao mà “tù túng, vô nghĩa, nặng nhọc”... mà không hề hay biết mình đang trò chuyện cùng người máy.

Đánh mất chính mình không chỉ là bi kịch của riêng Vân. Những người máy phát hiện ra dường như tất cả thế giới người đều đang đánh mất mình. Vân đánh mất khát vọng sáng tạo, Liên đánh mất tâm hồn trong sáng, Hoàng đánh mất sự tử tế, chân thành. Tất cả đều nháo nhào sống không hiểu vì điều gì, bất chấp sự thui chột thiên tính. Đối diện với người máy, con người hiện ra thật thảm hại, nhỏ nhen, tầm thường, tủn mủn... Con người đánh mất mình, sống không là mình, sống không ra sốn nhưng họ không biết, không hay cho đến khi những người máy xuất hiện và lên tiếng. Đối diện người máy - trong một phép so sánh ngang hàng, con người thật thua xa người máy ở tâm hồn tốt đẹp. Rõ ràng, người máy bảo nguyên được “nhân tính” trong khi con người thực lại đánh mất phần thiện lương, phần người nhất của chính mình.

Nhìn sâu hơn: Hoàng (kỹ sư xuất chúng), Vân (họa sĩ trẻ tài năng), Liên (cô giáo) là đại diện cho trí thức, tầng lớp tinh hoa, ưu tú trong bất cứ xã hội nào nhưng họ đã sống thật thảm hại, tầm thường, nhếch nhác. Là những trí thức nhưng cả ba luôn tìm mọi cách thu vén cho riêng mình, không sống vì bất cứ trách nhiệm xã hội nào. Hí hửng khi đồng nghiệp mắc lỗi, cay cú vì sợ bị chơi xấu, dằn vặt vì nợ nần, vì cơm áo gạo tiền... hình tượng những trí thức thuộc tầng lớp tinh hoa đã hiện ra hết sức tầm thường, ích kỷ, quẩn quanh, xấu xí trong tác phẩm. Giới tinh hoa đã vậy nên tầng lớp bình dân cũng “thảm hại” bởi háo danh, nát rượu, bê tha, vũ phu, cau có, ngoại tình, lái xe thì tranh thủ kiếm chác từ xe nhà nước... Trong hành trình tiếp cận với thế giới loài người, hai người máy chỉ gặp những con người sống không ra sống, không biết sống vì cái gì cũng không có bất cứ mục đích tốt đẹp nào - những con người đã tha hóa trầm trọng, đã tự đánh mất phần nhân tính tốt đẹp, trong trẻo vốn có của con người. Có thể gọi là Người được không khi không một con người nào biết “nghĩ những điều cao đẹp, sống vì tình yêu và niềm vui”? Nhận thức về lẽ sống ấy bất ngờ thay lại là nhận thức có được từ người máy.

Kịch bản của Lưu Quang Vũ là một chất vấn về bản chất đời sống, bản chất con người, mục đích cuộc đời...

Cuối cùng thì tiền bạc hay những thành tựu khoa học kỹ thuật mang lại cho con người hạnh phúc? Kịch bản của Lưu Quang Vũ là một chất vấn về bản chất đời sống, bản chất con người, mục đích cuộc đời... Thành công trong việc đột phá thành trì của khoa học kỹ thuật, tạo ra người máy hoàn hảo phục vụ đời sống liệu có mang lại hạnh phúc đích thực cho con người? Hay khi mải mê chạy theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chạy theo danh vọng và tiền bạc con người đánh mất những giá trị nhân bản, bỏ quên mục đích sống đích thực của mình. Khi đó, chính máy móc thông minh mà con người tạo ra cũng “ghê sợ” chối bỏ con người. Vị thế giữa người và máy không còn giữ nguyên như đã có trong quá khứ? Liệu có một ngày nào đó, máy móc tuyên bố: “Nó” mới xứng đáng làm chủ thế giới này?

4. Một kết thúc nhân bản

Vở kịch kết thúc với hình ảnh Vân B, Liên B tìm về đầm lầy tuổi thơ, thấy những bông cúc xanh rồi chìm trong đầm lầy giữa những bông hoa cúc. Nếu Vân thực, Liên thực từ chối “không bao giờ nên quay lại nơi mình đã sống qua bởi trong ký ức cái gì cũng đẹp” thì những người máy lại sẵn sàng chết bởi khao khát được sống tốt đẹp, trong trẻo của mình. “Cái chết” của hai người máy đặt ra vấn đề: phải chăng sự hoàn hảo không bao giờ có thật? Có lẽ, ranh giới cuối cùng phân biệt người và máy chính là sự bất toàn của mỗi con người. Máy móc có thể đạt tới độ chính xác hoàn hảo nhưng con người thì không. Con người bất toàn dù họ tạo ra sự hoàn hảo. Cần chấp nhận con người như nó vốn có với tốt và xấu, cao đẹp và thấp hèn. Đó là cái nhìn nhân bản đầy yêu thương con người của cố nhà văn Lưu Quang Vũ. Nhưng hơn hết, vấn đề khiến vở kịch “sống” sau nhiều năm tháng chính là khao khát, cũng là lời cảnh tỉnh: con người cần sống cho tử tế, tốt đẹp, cần sống cho ra Người trong xã hội ngày càng tiến bộ, hiện đại, văn minh.

Vở kịch có thêm đoạn kết “hơi thừa”: tất cả câu chuyện chỉ là giấc mơ, Hoàng tỉnh giấc là giấc mơ tan biến. Có thể vào thời điểm Lưu Quang Vũ viết, đây là vấn đề táo bạo, mới mẻ, dễ gây sốc với độc giả, khán giả đương thời. Cái kết này như một sự hợp thức hóa những “phi lý” của vở kịch. Nhưng khi dựng lại Hoa cúc xanh trên đầm lầy vào những năm gần đây, các đạo diễn đã cắt đi phần này. Để vở kịch dừng lại ở cảnh Liên B, Vân B chìm trong đầm lầy. Như vậy, trong cái nhìn hiện đại, những dự báo của Lưu Quang Vũ hoàn toàn có khả năng diễn ra trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong tương lai không xa, nếu con người để chất người phai thì rất có thể khi đó vị thế lãnh đạo thế giới này không thuộc về con người mà thuộc về một chủ nhân nào đó xứng đáng?

Hoa cúc xanh trên đầm lầy là sự phản tỉnh về quyền năng tuyệt đối của con người và chứa đựng những âu lo về nguy cơ sụt giảm nhân tính trong xã hội hiện đại. Tác phẩm là lời cảnh tỉnh con người nói chung, giới trí thức nói riêng: đích đến của khoa học kỹ thuật là làm cho con người hạnh phúc, làm cho nhân tính tỏa sáng chứ không phải thỏa mãn những đòi hỏi vô tận, ích kỷ của con người. Nhìn lại Hoa cúc xanh trên đầm lầy, không khỏi khâm phục sức nghĩ, sức sáng tạo và những đóng góp độc đáo cho văn học, sân khấu Việt Nam của Lưu Quang Vũ.


1. Vở kịch được viết vào những năm cuối thế kỷ XX (1987-1988).

2. Nguyễn Thị Minh Thái: “Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Cõi tình màu hoàng hoa” (cập nhật 19/8/2016).

3. “Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ” (cập nhật 9/1/2018).

4. Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, H., 2010, tr 121. Các trích dẫn thơ Lưu Quang Vũ trong bài viết đều theo sách này.

5. Lưu Quang Vũ: “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, trong Tác phẩm chọn lọc, Nxb Sân khấu, H., 2017, tr.414. Các trích dẫn tác phẩm trong bài viết đều theo sách này.

6. Gần đây nhất CEO Tesla, SpaceX cùng với 115 chuyên gia về robot, trí tuệ nhân tạo đã cùng ký vào một bức thư trình lên Liên Hợp Quốc nhằm cảnh báo về sự nguy hiểm của vũ khí quân sự tự động và nhấn mạnh việc cấm sử dụng chúng trên phạm vi quốc tế. Ngoài ra, dự báo về việc có thể thay thế Tổng thống bằng robot để làm việc không mệt mỏi và đưa ra những quyết sách đúng, hạn chế tối đa sai sót cũng cho thấy, máy móc hoàn toàn có khả năng lãnh đạo, chi phối ngược lại với con người - chủ nhân tạo ra chúng.

Bài đã in trong sách Lưu Quang Vũ - Những đối thoại nghệ thuật.

Thạc sĩ Trịnh Đặng Nguyên Hương - Viện Văn học

Thời tiết ngày 13/11: Bắc Bộ tăng nhiệt nhẹ, ngày nắng

Thời tiết ngày 13/11: Bắc Bộ tăng nhiệt nhẹ, ngày nắng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 13/11: Bắc Bộ tăng nhiệt nhẹ, ngày nắng. Nam Bộ mưa giông rải rác.
Apple Music ra mắt sách ảnh trị giá 450 đô la: tôn vinh 100 album hàng đầu

Apple Music ra mắt sách ảnh trị giá 450 đô la: tôn vinh 100 album hàng đầu

Baovannghe.vn - Apple Music vừa ra mắt một cuốn sách ảnh đặc biệt đắt đỏ trị giá 450 đô la, để kỷ niệm danh sách 100 album hàng đầu của mình. Được thiết kế để trở thành một vật phẩm sưu tầm quý giá, Apple Music: 100 Album Hay Nhất là sản phẩm hợp tác giữa Apple và công ty in ấn xa xỉ Assouline. Cuốn sách dày 208 trang này không chỉ là một bản ghi kỷ niệm những thành tựu của âm nhạc mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ.
Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 tại Việt Nam

Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 tại Việt Nam

Baovannghe.vn - Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 tại Việt Nam (EUFF 2024) sẽ diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 14/11 đến ngày 28/11/2024.
Tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi

Tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi

Baovannghe.vn - Sáng 12/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra buổi giao lưu Giới thiệu sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi; Ra mắt sách Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Họa sĩ ở Alger của Tiến sĩ Amandine Dabat; và sau đó là Lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) do vua Hàm Nghi sáng tác.
Thông cáo báo chí số 19, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 19, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn- Thứ Ba, ngày 11/12/2024, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội và một số nội dung khác