Diễn đàn lý luận

Tiếp cận tác phẩm văn học như một hiện tượng văn hóa

Trịnh Bá Đĩnh
Lý luận phê bình
11:17 | 03/12/2024
Baovannghe.vn - Trong đời sống xã hội việc coi văn học như biểu hiện của văn hóa dân tộc là điều đã mặc định. Người ta vẫn xem Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam; một số nhà văn lớn được tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương.
aa

1. Ngã rẽ?

Những năm gần đây, trong lĩnh vực văn học, nổi lên xu hướng tích hợp, liên ngành giữa các phân môn, khác với xu hướng khu biệt, cô lập đặc trưng cho thế kỉ XX. Ta thấy điều này trong giáo dục, nghiên cứu, phê bình và cả thực tiễn văn học. Chẳng hạn, giờ đây ra đời các khoa liên ngành; trong khoa văn học bậc đại học có các bộ môn nghệ thuật học; việc trình diễn văn học cũng khá phổ biến. Trong nghiên cứu văn học xuất hiện các xu hướng tiếp cận văn học từ nhiều lĩnh vực ngoài văn học như diễn ngôn quyền lực, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, nhân học văn học. Các lí thuyết văn học đã có từ thế kỉ trước cũng mở rộng phạm vi đối tượng nghiên cứu đến biên giới của văn hóa: từ kí hiệu học ngữ văn đến kí hiệu học văn hóa; từ liên văn bản đến liên văn hóa; từ tự sự học cổ điển đến tân tự sự học. Khái niệm then chốt văn bản trước chỉ dùng ở lĩnh vực ngữ văn học nay dùng cả cho văn hóa học (văn bản văn hóa). Trong thực tiễn sáng tác, các ranh giới thể loại cũng mờ nhòe: văn bản hư cấu với các văn bản báo chí, lịch sử, tức là các ghi chép sự thật, đồng bộ liên kết với nhau trong một tác phẩm. Phải chăng đã đến lúc thay đổi cách nhìn tác phẩm văn học rộng hơn một hiện tượng ngữ văn mà như một hiện tượng văn hóa? Câu hỏi “Thơ là gì?” mà nhân loại luôn đặt ra cho mình ở mọi thời đại và được R. Jakobson(1) trả lời ở đầu thế kỉ XX (thơ là hiện tượng đặc biệt của ngôn ngữ) giờ đây có thể phải diễn tả lại? Phải chăng đã đến ngã rẽ? Tôi chưa tin như vậy, nhưng cũng thấy rõ ràng trong tình trạng hội nhập văn học hiện nay, với việc xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm pha trộn văn hóa, chẳng hạn như tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Việt và một số tác giả hải ngoại có gốc Việt khác, thì tỉ trọng văn hóa học trong nghiên cứu, phê bình văn học chắc sẽ tăng lên.

Trong đời sống xã hội việc coi văn học như biểu hiện của văn hóa dân tộc là điều đã mặc định. Người ta vẫn xem Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam; một số nhà văn lớn được tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Ở nước ta việc nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa không phải hoàn toàn mới mà đã được một số nhà nghiên cứu tiến hành. Có thể nêu tên một số đại biểu như Trần Đình Hượu, Phan Ngọc, Đỗ Lai Thúy, Trần Nho Thìn. Trần Đình Hượu xem xét văn học nhà nho trong mối quan hệ với con người nhà nho và văn hóa Nho giáo. Phan Ngọc có hẳn một cuốn sách với tiêu đề Xét văn học từ văn hóa. Hành trình nghiên cứu văn học của ông “đi từ ngôn ngữ học sang văn hóa học” (Trần Nho Thìn). Đỗ Lai Thúy nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương như một biểu hiện của “tín ngưỡng phồn thực”. Trần Nho Thìn nghiên cứu một số trường hợp văn học trung đại từ góc nhìn văn hóa(2). Trên thế giới hướng nghiên cứu từ quan điểm văn hóa có thể thấy ở trường phái “Tân lịch sử” xuất phát từ Anh vào giữa những năm 50 của thế kỉ trước. Tiêu biểu nhất phải nói đến công trình của nhà nghiên cứu Nga M. Bakhtin: Sáng tác của F. Rabelais và văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng. Công trình này đã được dịch sang tiếng Việt. Tiếng cười trong tiểu thuyết Rabelais và thể loại tiểu thuyết phức điệu của M Dostoevsky, F. Kafka, J. Joyce đều được M. Bakhtin cắt nghĩa từ truyền thống lễ hội carnaval của châu Âu. Rồi trước nữa, lối phê bình văn hóa - lịch sử của H. Taine(3), cắt nghĩa tài năng nhà văn từ ba yếu tố địa dư - chủng tộc - thời đại. Gần đây ở ta có những luận án tiến sĩ cũng nghiên cứu tác giả văn học, nội dung, xung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ văn hóa. Trước thực tế như vậy đòi hỏi chúng ta phải đặt vấn đề khoa học có tính phương pháp luận: Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa là như thế nào? Cụ thể, đâu là đối tượng và cách thức phân tích? Vấn đề rất rộng, ở đây tôi chỉ giới hạn ở một thành phần của văn học là tác phẩm.

2. Tác phẩm văn học như một hệ thống giá trị

Cho đến nay có thể phân biệt ba loại quan điểm khoa học về tác phẩm văn học như sau: Loại thứ nhất coi tác phẩm như một hiện tượng thẩm mĩ, còn gọi là lí thuyết Eidos (tiếng Hy Lạp: vẻ đẹp, hình ảnh nghệ thuật). Theo đó, nhà văn sáng tạo ra thế giới hình ảnh “theo nguyên tắc của cái đẹp”. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là phân tích thế giới hình tượng nhằm chỉ ra đặc sắc phong cách riêng của nhà văn, hiệu lực của nó trong tác động đến cảm xúc, suy nghĩ của độc giả, có tác dụng “thanh lọc tâm hồn” (chủ yếu thế kỉ 19). Loại thứ hai, coi tác phẩm như một hiện tượng ngôn ngữ. Nhà văn lựa chọn, tái tạo ngôn ngữ tự nhiên, tổ chức nên văn bản nghệ thuật. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là chỉ ra “ngữ pháp văn bản”: cấu trúc, điểm nhìn, các hình thức tu từ (chủ yếu thế kỉ 20). Và loại thứ ba, nhìn tác phẩm văn học như một hiện tượng văn hóa, cụ thể hơn như một hệ thống giá trị quan văn hóa. Bài viết này tường giải trường hợp thứ ba này.

Trước hết nói về khái niệm giá trị quan. Là một loại tư duy - cảm nhận nhất định của con người nhằm lí giải, phán đoán thế giới, từ đó dẫn đến việc đánh giá, tuyển chọn sự vật, định hướng hành động. Giá trị quan quyết định việc phân biệt: thật - giả, phải - trái, tốt - xấu, thiện - ác, trung thành - phản bội, hay - dở, yêu nước - phản quốc... Trong xã hội có nhiều thành phần, đẳng cấp, dân tộc với những lợi ích khác nhau vì thế tồn tại các giá trị quan khác nhau. Giá trị quan của tầng lớp bình dân không giống với giá trị quan của tầng lớp cầm quyền, của nhà nho khác với nông dân, của Việt Nam khác với Trung Quốc, phương Đông không hoàn toàn giống phương Tây. Giá trị quan có tính chủ quan, tính ổn định, lâu dài, tính cộng đồng, phản ánh nhận thức và nhu cầu của nhiều người. Mỗi hệ tư tưởng là một sự tổng hợp các giá trị quan, gồm nhiều loại: giá trị quan chính trị, tôn giáo, đạo đức thẩm mĩ, nghề nghiệp, quan điểm về thiên nhiên. Giá trị quan thẩm mĩ có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong nghệ thuật.

Thứ hai nói về tác phẩm văn học. Tác phẩm nghệ thuật là một quá trình gồm hai phân đoạn. Thứ nhất: Trên cơ sở giá trị quan văn hóa và chất liệu ngôn ngữ của thời đại mình, nhà văn sáng tạo ra văn bản nghệ thuật. Văn bản tồn tại ở trạng thái “đông lạnh”. Chỉ khi đọc nó mới được “rã đông” trở nên sống động, thành thế giới nghệ thuật. Nhà văn sáng tạo văn bản nghệ thuật trước hết là để trò chuyện, đối thoại với con người thời đại mình, sau đó có thể, với các thời đại. Chính trong chiều kích này, văn bản thành tác phẩm, thành sự giao tiếp văn hóa: văn hóa của nhà văn và độc giả. Mức độ nhận thức, thái độ, cách đánh giá của thời đại đối với văn bản biểu hiện sự giao tiếp, đối thoại văn hóa này.

Chúng ta không phủ nhận có những tác phẩm hầu như chỉ cho thấy một giá trị quan văn hóa. Loại thơ vịnh được sáng tác trong nhóm Tao Đàn thời Hồng Đức thế kỉ XV, hoặc khá nhiều bài thơ tuyên truyền trong văn học cách mạng là như vậy. Tuy nhiên những tác phẩm lớn bao giờ cũng là sự tổng hợp vô số các giá trị quan văn hóa. Như Truyện Kiều chẳng hạn, trong đó có văn hóa Nho, Phật, Lão, văn hóa dân gian và bác học, văn hóa Trung Quốc và Việt Nam. Một tác phẩm văn học tồn tại đồng thời trên không gian của nhiều giá trị quan văn hóa, sống đồng thời trên hai thời gian: thời gian nhỏ (hiện kim) và thời gian lớn (lịch đại, thường hằng). Tác phẩm văn học giống như một lăng kính thu thập, tập trung thông tin văn hóa được tích lũy trong nhiều thế kỉ. Bất kì nhà văn lớn nào đều đứng trên vai những người khổng lồ sống trước và cùng thời mình. Tác giả sáng tác là tiến hành cuộc đối thoại với những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, cả đối thoại nội tâm với chính mình ở thời điểm tác phẩm ra đời. Sau đó, nó có thể kết nối thời gian với những thời đại khác, mang tính phổ quát, tham gia vào cuộc đối thoại liên tục giữa các thời đại.

Lấy một ví dụ về giá trị quan trong tác phẩm. Chẳng hạn một khổ trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Nhìn qua, ta thấy ngay ở đây, ít nhất, có hai giá trị quan. Câu thơ thứ ba cho thấy quan điểm: tuổi trẻ như mùa xuân. Đây là cách nhìn khá phổ biến về đời người tương tự với vòng quay của tự nhiên: xuân, hạ, thu, đông. Chắc là không phải ở mọi loại thế giới quan đều có cách hình dung như vậy. Chưa chắc đạo Phật nguyên thủy, hay thổ dân vùng sa mạc, nơi thời tiết, cảnh quan bốn mùa không có sự phân biệt rõ rệt cũng có quan điểm như vậy (điều này chỉ là phỏng đoán tạm thời của tôi). Câu thơ thứ tư rõ ràng là quan điểm phổ biến trong văn hóa Việt: gái theo chồng. Nó được biểu hiện trong nghi thức hôn nhân truyền thống: đón dâu về nhà chồng; trong thơ ca dân gian: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Giá trị quan truyền thống ấy còn được Nho giáo đẩy lên cực điểm với các quan niệm “Phu xướng, phụ tùy” hay “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Điều cần nhấn mạnh là sự tương tác, đối thoại của các giá trị quan tạo nên ý nghĩa của mỗi tác phẩm văn học. Trong bối cảnh đa văn hóa toàn cầu hiện nay, những tác phẩm mang trong mình tính đa trị văn hóa, đối thoại văn hóa rất phổ biến.

3. Phân tích phương diện văn hóa các thành phần văn học

Tác phẩm văn học gồm nhiều thành phần cần được xem xét từ góc độ văn hóa. Ở đây chỉ nêu một số thành phần tiêu biểu từ “trong” ra “ngoài”:

Các yếu tố nội văn bản: Văn bản nghệ thuật mang trong mình những motip, những cốt truyện, biểu tượng, cách thức mô tả, khắc họa nhân vật. Mỗi yếu tố ấy đều hàm chứa nội dung văn hóa truyền thống hoặc thời đại mà nó ra đời. Quan niệm về con người có “tỉ trọng” văn hóa lớn hơn hẳn các thành phần khác. Mỗi nhân vật điển hình lớn có thể tiêu biểu cho cả một thời đại văn hóa, một loại hình văn hóa. Hình ảnh người nhàn dật trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến biểu đạt lối sống xuất xử của nhà nho. Các biểu tượng nên được xem xét đặc biệt vì mang mã của một nền văn hóa. Biểu tượng như dấu hiệu nhận dạng một nền văn hóa: thánh giá - Cơ đốc giáo, bánh xe luân hồi - Phật giáo, mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao - Hồi giáo… Cần nghiên cứu các biểu tượng văn hóa được diễn giải trong các phẩm văn học như thế nào?

Thể loại: Cần nghiên cứu nguồn gốc thể loại trên cơ sở văn hóa. M. Bakhtin cho rằng thể loại là nhân vật chính của văn học, sự ra đời và tồn tại của một thể loại có cơ sở ở văn hóa thời đại. Ông đã nghiên cứu tiếng cười Rabelais, tiểu thuyết phức điệu có căn nguyên từ lễ hội hóa trang (carnaval). Thể loại hát nói trong văn học Việt Nam ra đời do sự hình thành các đô thị phong kiến và văn hóa thị dân đi cùng với nó.

Ngôn ngữ: Ngôn ngữ là chất liệu để tổ chức văn bản. Việc sử dụng ngôn ngữ cho thấy văn hóa ngôn từ của một cộng đồng. Đối tượng chính để phân tích ở đây không phải là ngôn ngữ nói chung mà là ngôn ngữ đặc trưng, như các hình thức tu từ: những lối ví von, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, các kiểu láy. Ở phương diện này cần quan tâm đến hiện tượng dịch tác phẩm văn học từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. Khi dịch, dịch giả phải hiểu, chuyển đổi cách nói của hai nền văn hóa vốn không phải bao giờ cũng tìm thấy những tương đồng hoàn toàn. Đây là sự đối thoại cụ thể nhất giữa hai nền văn hóa.

Quan hệ văn bản và không gian văn hóa. Không gian văn hóa là một trường văn hóa. Nhà văn và độc giả hoạt động trong trường văn hóa giống như sinh vật sống trong môi trường tự nhiên. Các yếu tố văn hóa không tập hợp hỗn loạn, ngẫu nhiên mà làm thành hệ sinh thái văn hóa. Văn bản nào cũng được sáng tạo ra trong môi trường và điều kiện văn hóa của thời đại. Văn bản nào cũng được cảm thụ, diễn giải bởi những “quy chế đọc” mà thời đại cấp cho độc giả. Tác phẩm có cuộc đời dài hay ngắn phụ thuộc vào việc nó có đáp ứng nhu cầu thưởng thức của độc giả của nhiều thời đại hay không. Ngày nay rất cần quan tâm nghiên cứu văn học đại chúng. Văn học đại chúng thể hiện rõ nhất nhu cầu, cảm quan văn hóa của người đọc thời đại sinh ra nó.

Tiếp cận tác phẩm văn học như một hiện tượng văn hóa
Trích đoạn tranh Trương Chi của họa sĩ Bích Khoa

4. Phân tích truyện ngắn Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp

Truyện cổ Trương Chi - Mỵ Nương(4) là chất liệu và nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ lớn của văn nghệ Việt Nam để sáng tác ra những tác phẩm mới xuất sắc. Chẳng hạn các bài hát của Văn Cao, Phạm Duy, Đặng Hữu Phúc, Anh Bằng; kịch của Nguyễn Đình Thi; truyện thơ của Vũ Hoàng Chương; truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và một số nhà văn khác. Trong ca kịch số lượng các vở có nội dung mối tình Trương Chi - Mỵ Nương thì không thể kể hết. Đó là chưa nói trong hội họa, phim, truyện tranh. Cốt truyện đã trở thành nguồn sáng tạo vô tận cho nghệ thuật qua các thời đại, là “cỗ máy sáng tạo văn hóa” (Lotman). Có dịp tôi sẽ quay lại chủ đề này, ở đây chỉ nói về truyện ngắn Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp, được sáng tác năm 1990(5).

Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có ít nhất hai xung đột văn hóa:

Xung đột thứ nhất: giữa văn hóa bình dân và văn hóa quý tộc phong kiến. Nguyễn Huy Thiệp mô tả hành động, lời nói, tiếng hát của nhân vật Trương Chi mang giá trị quan văn hóa bình dân, “bốn nghìn năm trước đã thế này”. Một lối sống hồn nhiên, và nghệ thuật coi trọng tự nhiên: nhân vật nói tục, ứng xử “hoang dại”. Tác giả nói thẳng đây là “lối sống giữa bầy”. Khác với cốt truyện dân gian, Nguyễn Huy Thiệp để Mỵ Nương làm cầu nối cho Trương Chi mang văn hóa này vào cung đình, nơi có “cuộc sống khác, lối sống khác”, nghệ thuật khác. Đặc điểm chính của của nó là tôn thờ bạo lực và nghi ngờ tất cả. Trong môi trường đó Mỵ Nương được nuôi dưỡng từ nhỏ. Trong môi trường văn hóa quý tộc ấy, Trương Chi phải hát ca ngợi đồng tiền, ca ngợi công danh, nói về sự tuân phục, vốn là những đề tài chính của nghệ thuật cung đình - những bài hát mà Trương Chi coi là thô bỉ. Khán giả quý tộc không chấp nhận nghệ thuật của Trương Chi, đồng thanh cho rằng “Hát như cứt”. Cuối cùng, nhân vật đã tự ý thức được rằng để không mất hết phải sống và sáng tạo đúng với bản tính mình. Từ trái tim bị thương tổn Trương Chi hát bài ca về chủ đề tình yêu, về “những bông hoa của tự nhiên, sự chân thực lạnh buốt”, “tình yêu muôn đời”. Người nghệ sĩ dân gian với kiểu văn hóa của mình đã buộc phải rời khỏi cung đình và chịu bi kịch. Một sự phản kháng và bi kịch của nghệ thuật dân gian trong môi trường văn hóa quý tộc phong kiến. Nghệ thuật cần một không gian văn hóa phù hợp với nó.

Xung đột thứ hai: giữa giá trị quan của tác giả với giá trị quan văn hóa truyền thống. Cuối truyện ngắn, nhà văn nói rằng mình “căm ghét sâu sắc” lối kết thúc ở truyện dân gian (“kết thúc có hậu”), tức là phủ định quan điểm thẩm mĩ truyền thống. Đoạn kết Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp như sau:

Trương Chi đã nhảy xuống sông tự trầm. Hồn chàng nhập vào thân cây bạch đàn. Người ta lấy gỗ bạch đàn tiện thành bộ chén tiến vua. Mỵ Nương rót nước, nhìn thấy hình ảnh Trương Chi trong chén. Giọt nước mắt nàng lăn xuống, cái chén bạch đàn vỡ tan.

Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Quả thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình. Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi.

Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng. Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc. Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý. Lẽ đời là thế”.

Tác giả nói mình có kết thúc khác, nhưng đấy là bí mật riêng không nói ra. Truyện ngắn là văn bản mở, tùy cho độc giả phán đoán hình dung, đúng theo tinh thần của một tác phẩm hậu hiện đại. Tuy nhiên nhà văn cũng hé cho thấy nhãn quan hiện sinh của mình khi cho rằng đời là thế: tàn nhẫn và phi lí. Toàn bộ truyện ngắn là cảm thức hiện sinh về cuộc đời và yêu cầu về một nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa “khắc nghiệt”, hay “lạnh buốt” như cách nói của tác giả. Đây chính là giá trị quan văn hóa của nhà văn.

Trong tác phẩm còn nhiều giá trị quan khác, những đối thoại khác nữa. Chẳng hạn quan điểm “nhân vật xấu xí mà tài ba” phổ biến trong văn học dân gian. Rồi sự đối thoại của Nguyễn Huy Thiệp với người cùng thời về văn học phục vụ người cầm quyền với văn học đích thực... Đã có nhiều người phê phán văn Nguyễn Huy Thiệp là tục tĩu, không nhiều người thích truyện ngắn này; nhưng số người hiểu được dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp, hiểu được những lớp văn hóa khách quan và chủ quan trong tác phẩm càng ít.

Kết luận: Văn hóa gồm nhiều lĩnh vực: lối sống, tín ngưỡng, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, đạo đức, văn nghệ… Mỗi lĩnh vực lại có những bộ môn nghiên cứu chuyên biệt. Tổng hợp các phân môn thành nguyên tắc tiếp cận duy nhất với một bộ công cụ phân tích chặt chẽ giống như phong cách học, thi pháp học, tự sự học thật khó. Vì thế, tôi nghĩ, chỉ nên dừng ở việc nêu lên phương hướng cơ bản mà thôi.

.........................

1. R. Jakobson, Ngôn ngữ học và thi pháp học; trong Trịnh Bá Đĩnh: Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, Nxb Hội Nhà văn, 2011.

2. Trần Nho Thìn, Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học, Nxb Giáo dục, 2018.

3. Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên): Lịch sử Lý luận phê bình văn học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2013, tr. 132-134.

4. Căn cứ vào bản trong: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi.

5. Nguyễn Huy Thiệp, Truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, tr. 308-317.

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm
​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

Baovannghe.vn - Những ngày đầu về làm dâu ở Chù Khèo, Dua thấy nơi này thân thuộc lắm, như mình đã từng uống nước ở dòng suối Nậm Đích, từng hái măng, hái nấm trên núi Chù Khèo ấy vậy, dù rằng nhà Dua cách nhà chồng xa tận mấy quả núi, mỗi lần nhớ nhà nhìn về chỉ thấy sương khói giăng giăng trên những đỉnh núi mịt mù. Dua gặp chồng ở một phiên chợ tình, Dua say điệu nhảy của Sung, nó tình tứ, man dại, tình yêu với Dua chỉ đơn giản là như thế. Sau mấy lần gặp gỡ, Dua bước qua cửa nhà chồng. Dua đã nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của đám gái bản, Sung đẹp trai và dịu dàng với Dua lắm, Dua cứ ngỡ mình sẽ thật hạnh phúc...