Diễn đàn lý luận

Thành tựu của văn học Việt Nam sau 1975: Nhìn từ việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây hiện đại

PGS.TS Trần Hoài Anh
Lý luận phê bình
09:36 | 01/12/2024
Baovannghe.vn - Văn học nước nhà đã có sự đổi mới tư duy, không chỉ trong lĩnh vực sáng tác, LLPB mà cả trong tư duy quản lý của các cấp lãnh đạo văn nghệ.
aa

1. Mở

Không phải ngẫu nhiên, trong Thi nhân Việt Nam, mở đầu tiểu luận “Một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh đã xác quyết: “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”[1]. Trong cuộc biến thiên ấy, có sự biến thiên của đời sống văn học cả về sáng tác và lý luận phê bình. Kết quả đã hình thành đội ngũ những nhà văn, nhà lý luận - phê bình mà tên tuổi và trước tác của họ được tôn vinh như những nhà khai sáng của nền văn học dân tộc, đến nay hào quang vẫn còn lấp lánh trên văn đàn. Đó là các nhà văn: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo trong Tự lực Văn đoàn; Các nhà văn hiện thực: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan; Các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới: Phan Khôi, Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Yến Lan, Tế Hanh, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên,... Và các nhà lý luận phê bình: Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Đặng Thai Mai, Trần Thanh Mại, Kiều Thanh Quế... Vì vậy, nhận định về ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với xã hội Việt Nam, trong đó có văn nghệ, Phạm Văn Đồng cho rằng: “Trong khoảng thời gian dưới chế độ thực dân Pháp, dân tộc ta đã tiếp thụ và vận dụng những thành tựu của văn hóa văn minh phương Tây, một thành tựu nổi bật là sự ra đời của chữ quốc ngữ chữ viết của dân tộc ta ngày nay. Những phong trào văn hóa đa dạng trong những thập niên đầu thế kỷ XX, với sự đổi mới rõ rệt và sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực văn học nghệ thuật, phong hóa và lối sống, một lần nữa chứng tỏ sự nhạy cảm và khả năng thâu hóa của dân tộc ta đối với những trào lưu văn hóa từ bên ngoài”[2]. Như vậy, trong tiến trình vận động và phát triển của văn học dân tộc, sự gặp gỡ văn hóa phương Tây, trong đó có việc tiếp nhận các học thuyết lý luận phê bình văn học những năm đầu thế kỷ XX đã mở ra bước ngoặt quan trọng và cần thiết như một tất yếu cho việc hiện đại hóa nền văn học nước nhà, hội nhập vào văn học thế giới.

Như thế, việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây hiện đại vào đời sống văn học Việt Nam, không phải là một vấn đề mới lạ mà đã có tiền lệ, đã góp phần tạo nên thành tựu cho nền văn học nước nhà. Song, từ sau năm 1945 đến trước 1986, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp nhận văn hóa phương Tây, trong đó có các lý thuyết văn học hiện đại như: Phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, cấu trúc luận, phong cách học, mỹ học tiếp nhận, nữ quyền luận... gần như bị đứt gãy. Thậm chí, do quan niệm ấu trĩ và hẹp hòi, trong giai đoạn này, các trường phái lý luận - phê bình văn học phương Tây đều bị cho là “suy đồi”, “phản động”, từ đó, dẫn đến tình trạng kỳ thị, xem thường lý thuyết phương Tây và những sáng tác văn học chịu ảnh hưởng hệ giá trị của văn hóa phương Tây như phong trào Thơ mới, Tự lực Văn đoàn trong văn học giai đoạn 1930-1945 hay văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975. Không những thế, chúng ta còn độc tôn vai trò của lý luận - phê bình Mác xít và các sáng tác văn học viết theo hệ mỹ học Mác Lênin, làm cho đời sống văn học trở nên đơn điệu, nghèo nàn, thậm chí khác biệt so với văn học thế giới. Đây là thiệt thòi, đáng tiếc cho nền văn học nước nhà. Bởi lẽ, việc độc tôn bất cứ một khuynh hướng sáng tác hay lý luận - phê bình nào cho dẫu đó là khuynh hướng lý thuyết được xây dựng trên cơ sở những hệ tư tưởng mỹ học “tiên tiến” nhất, bản thân nó cũng không thể luận giải hết những vấn đề đặt ra trong đời sống văn học. Nói như Tam Ích nếu “nhắm mắt lại mà áp dụng các giáo điều thì đều mắc phải bệnh ấu trĩ cho nhà sáng tác. Rồi đến ấu trĩ cho nhà phê bình cũng theo những nguyên tắc có sẵn mà nói, và ấu trĩ luôn cho độc giả”[3]. Tâm thức này cũng đã trở thành quán tính trong tư duy sáng tác và lý luận phê bình văn học của nước ta trong thập niên đầu của đất nước thống nhất từ 1975 đến 1986.

Nhưng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đã khởi xướng từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, cùng với một quyết tâm chính trị đầy phẩm tính hiện sinh “Đổi mới hay là chết”, các vị lãnh đạo của Đảng lúc ấy đã thổi vào đời sống dân tộc, trong đó có văn học luồng sinh khí mới. Đất nước mở cửa, vươn ra thế giới, hòa nhập cùng nhân loại, khép lại “khung cửa hẹp” làm cản trở sự phát triển của đất nước trong thời gian dài trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là vận hội vô cùng thuận lợi, mở ra cho sáng tác và lý luận - phê bình văn học những chân trời mới trong việc tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại, trong đó có lý thuyết văn học phương Tây, từ đó hòa nhập vào trào lưu chung của văn học thế giới. Và đây là dấu ấn quan trọng nhất minh chứng cho những thành tựu của nền văn học nước nhà từ sau 1975 đến nay trên hai bình diện lý luận phê bình và sáng tác văn học.

Thành tựu của văn học Việt Nam sau 1975: Nhìn từ việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây hiện đại
Tranh của Wassily Kandinsky.

2. Dấu ấn lý thuyết phương Tây - Thành tựu của lý luận phê bình văn học từ 1975 đến nay

Khảo sát đời sống lý luận - phê bình văn học Việt Nam sau 1975, rõ nhất là văn học thời kỳ đổi mới, ta thấy bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa lý luận - phê bình văn học phương Đông vốn đã có tiền đề từ trước trong nền văn học trung đại và luôn được duy trì trong nền văn học dân tộc, diện mạo đời sống văn học nói chung và lý luận - phê bình văn học nói riêng đã có những bước phát triển, phong phú, đa dạng, trong đó có thành tựu của việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây được thể hiện qua các công trình dịch thuật, giới thiệu và ứng dụng các khuynh hướng lý luận - phê bình hiện đại của phương Tây vào nghiên cứu các hiện tượng văn học mà trước kia với nhiều lý do chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu. Đó là những công trình dịch thuật nhằm truyền bá các trường phái triết mỹ phương Tây để làm công cụ giúp các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình có cơ sở lý thuyết khám phá các hiện tượng văn học từ nhiều điểm nhìn khác nhau như: Alain Robbe - Grillet và sự đổi mới tiểu thuyết, Lê Phong Tuyết dịch (1993); Phê bình văn học Pháp thế kỉ XX, Lộc Phương Thủy chủ biên (1995); Octavio Paz: Thơ văn và tiểu luận, Nguyễn Trung Đức dịch (1998); M.Kundera: Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch (1998), J.P.Sartre: Văn học là gì, Nguyên Ngọc dịch (1999); M.Kundera: Tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch (2000); Chủ nghĩa cấu trúc và thuyết hiện sinh, Trần Thiện Đạo (2001); Văn học phi lí, Nguyễn Văn Dân dịch (2001); Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Trịnh Bá Đĩnh dịch (2002); Phê bình lý luận văn học Anh - Mỹ, Lê Huy Bắc chủ biên (2002); Văn học hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lý thuyết, Nhiều tác giả (2003); Ngôn ngữ bị lãng quên của Erich Fromm, Lê Tịnh dịch (2002); Phân tâm học và văn học nghệ thuật (2000), Phân tâm học và văn hóa tâm linh (2002), Phân tâm học và tình yêu (2003) do Đỗ Lai Thúy biên soạn; J.M.Lotman: Cấu trúc văn bản nghệ thuật do Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch (2004); Kate Hamburger: Logic học về các thể loại văn học do Trần Ngọc Vương và Vũ Hoàng Địch dịch (2004); Luận bàn về văn minh của Sigmud Freud do Trần Khang dịch (2005); Bản mệnh lý thuyết do Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch (2006); Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX (2 tập) do Lộc Phương Thủy chủ biên (2007); Lý luận văn học của R.Wellek và A.Warren do Nguyễn Mạnh Cường dịch (2009); Văn chương lâm nguy của T.Todorov do Trần Huyền Sâm, Đan Thanh dịch (2013); Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại Lê Nguyên Cẩn dịch của L.Petrescu (2013); Văn học và cái ác của R.Barthes do Ngân Xuyên dịch (2013); Kafka vì một nền văn học thiểu số của Gilies Deleuze và Félix Guattari do Nguyễn Thị Từ Huy dịch (2013); Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản của J.P.Sartre do Đỗ Hồng Phúc dịch (2015); Cái Tôi và Cái Nó của Sigmud Freud do Thân Thị Mận dịch (2015); Sâu xa hơn nguyên tắc không đổi của Sigmud Freud do Thân Thị Mận dịch (2016); Đọc truyện ngắn của Daniel Grojnowski do Trần Hinh và Phùng Kiên dịch (2017); Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật của Denis Diderot do Phùng Văn Tửu dịch (2017); Chủ nghĩa hiện sinh – Dẫn luận ngắn của Thomas Flynn do Đinh Hồng Phúc dịch (2018); Về giấc mơ và diễn giải giấc mơ của Sigmud Freud do Ngụy Hữu Tâm dịch (2019); Những cuộc hội ngộ của văn chương thế giới (Văn học so sánh: nghiên cứu và dịch thuật), Khoa văn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2019); Nhập môn lý thuyết văn học của Jonathan Culler do Phạm Phương Chi dịch (2020)...

Ngoài việc dịch thuật các trường phái lý thuyết phương Tây hiện đại, các nhà lý luận phê bình văn học còn nghiên cứu ứng dụng hệ hình tư duy lý thuyết này để giải mã các hiện tượng văn học, từ đó hình thành các khuynh hướng lý luận phê bình tạo nên sự đa dạng cho đời sống lý luận phê bình văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đó là các công trình nghiên cứu và ứng dụng Phân tâm học như: Mắt thơ (1992), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (1999), Chân trời có người bay (2002), Bút pháp của ham muốn, (2009), Phê bình con vật lưỡng thê ấy (2010)... của Đỗ Lai Thúy; “Nhân vật tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nhìn từ Phân tâm học”, luận văn của Trần Sâm, (2007); Học thuyết S. Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam, (2008) của Trần Thanh Hà; “Tác phẩm Hàn Mặc Tử dưới lăng kính phê bình cổ mẫu”, luận văn của Nguyễn Hoàng Khánh Chi (2010); Phân tâm học và phê bình văn học của Liễu Trương (2011); “Nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử từ lý thuyết phân tâm học của Gaston Bachelard” luận văn của Chung Tú Quỳnh (2022)... Đặc biệt công trình Phân tâm học với văn học do Hồ Thế Hà, Nguyễn Thành (chủ biên) với 43 bài viết luận giải các hiện tượng văn học từ học thuyết phân tâm học (2014) là công trình mang tính tổng kết về việc ứng dụng phân tâm học vào nghiên cứu và phê bình văn học ở Việt Nam trong 30 năm đổi mới (1986-2016).

Cùng với khuynh hướng lý luận phê bình phân tâm học, một khuynh hướng lý thuyết khác của phương Tây cũng được các nhà lý luận phê bình ứng dụng trong việc nghiên cứu và giảng dạy văn học, đó là chủ nghĩa hiện sinh với các công trình như: “Khảo sát sự du nhập của phân tâm học và chủ nghĩa hiện sinh trong văn học đô thị miền Nam trước năm 1975”, luận án của Nguyễn Phúc (1995); “Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay” của Nguyễn Thị Thanh Nga (2006); “Chủ nghĩa Hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lý thuyết)” của Huỳnh Như Phương, Nghiên cứu Văn học số 9 (2008); “Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” của Nguyễn Thành Thi Nghiên cứu Văn học, số 5 (2010); “Cảm thức hiện sinh trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp”, luận văn của Lê Thị Hiền (2011); “Tâm thức hiện sinh trong tác phẩm của Franz Kafka”, luận văn của Lê Doãn Hệ (2011); “Ám ảnh hiện sinh trong tiểu thuyết nhà văn Thuận” của Hoàng Thanh Hương, Nhà văn, số 11 (2012); “Nhân vật mang tâm thức hiện sinh trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh và Nguyễn Bình Phương”, luận văn của Đinh Văn Điệp (2014); “Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương”, luận văn của Phạm Thị Thắm (2015); “Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong văn xuôi Việt Nam đương đại” của Nguyễn Thái Hoàng, luận án (2016); “Cảm thức hiện sinh trong văn xuôi Dương Nghiễm Mậu, luận văn của Đinh Thị Oanh (2020); “Cảm thức hiện sinh trong thơ Hoài Khanh”, luận văn của Bùi Quang Khải (2021); “Dấu ấn hiện sinh trong sáng tác của Nguyên Minh”, luận văn của Trần Phạm Thanh Thanh (2023); “Dấu ấn hiện sinh trong sáng tác của Trần Thị NgH”, luận văn của Nguyễn Mạnh Tuyên (2024)... và một số bài viết về chủ nghĩa hiện sinh trong văn học ở các công trình: Đi tìm ẩn ngữ văn chương (2017), Đi tìm mỹ cảm văn chương (2020), Đi tìm thanh âm đồng vọng (2023) của Trần Hoài Anh.

Một khuynh hướng lý thuyết phương Tây khác cũng hiện diện khá nhiều trong đời sống lý luận phê bình văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay là Mỹ học tiếp nhận. Ta có thể tri nhận điều này qua những công trình như: Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1988); Tác phẩm văn học như một quá trình (2004) của Trương Đăng Dung; Văn học, sáng tạo và tiếp nhận của Lê Thành Nghị (2003); Việt Nam và phương Tây – tiếp nhận giao thoa trong văn học của Đặng Anh Đào (2007); Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài – kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại của La Khắc Hòa, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Như Phương (đồng chủ biên) (2015); Văn học Việt Nam hiện đại sáng tạo và tiếp nhận của Bích Thu (2015); Mỹ học tiếp nhận văn học ở Việt Nam - Một cái nhìn lịch sử do Trần Thái Học chủ biên (2016); “Tác phẩm Nguyễn Du ở miền Nam 1954-1975 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận”, luận văn của Đỗ Thị Thương (2016); “Tiếp nhận thơ Bùi Giáng từ 1954 đến nay” luận văn của Hồ Thị Giáng Thu (2016); “Tiếp nhận tác phẩm Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam trong Tự lực Văn đoàn ở miền Nam (1954-1975)” của Đặng Thị Hồng Mai (2016); “Tiếp nhận Thơ mới ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 nhìn từ các khuynh hướng phê bình”, luận văn của Nguyễn Ngọc Nam (2024)...

Ngoài những khuynh hướng lý thuyết phương Tây hiện đại được các nhà nghiên cứu quan tâm như đã nói ở trên, một khuynh hướng khác có sức hấp dẫn đời sống văn học nước nhà từ sau 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới là chủ nghĩa hậu hiện đại. Cho dù đang còn có những điều cần thảo luận với nhiều quan điểm khác nhau nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại cũng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu qua các công trình: Lã Nguyên với “Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài”, Nghiên cứu Văn học, số 12 (2007); Lý thuyết văn học hậu hiện đại của Phương Lựu (2011); Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và tiếp nhận của Lê Huy Bắc (2012); Văn học hậu hiện đại – diễn giải và tiếp nhận của Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà Nguyễn Hồng Dũng chủ biên (2013); Văn học hậu hiện đại: lý thuyết và tiếp nhận của Lê Huy Bắc (2017)... Qua những công trình này, vấn đề có hay không khuynh hướng văn học hậu hiện đại ở Việt Nam cũng được các nhà nghiên cứu đặt ra và luận giải trên những cơ sở lý thuyết mang tính khai mở nhưng là điều cần thiết nếu chúng ta xem sự hội nhập với thế giới để phát triển là một tất yếu. Bởi, nói như Phương Lựu: “Trong thời buổi toàn cầu hóa này, việc sử dụng những từ ngữ khái niệm lý luận văn học phương Tây là rất bình thường, nếu không muốn nói là hiển nhiên”.[4]

Cùng với chủ nghĩa hậu hiện đại, lý thuyết văn học so sánh cũng đã xuất hiện hàng loạt công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng góp phần định hình cơ sở luận lý cho bộ môn văn học này. Đó là các công trình như: Dẫn luận văn học so sánh của Trần Thanh Đạm (1995); Những vấn đề lý luận của văn học so sánh (1995), Lý luận văn học so sánh (1998), Nghiên cứu văn học lý luận và ứng dụng (1999) của Nguyễn Văn Dân; Văn học so sánh - Lý luận và ứng dụng, Lưu Văn Bổng chủ biên (2001); Từ văn học so sánh đến thi học so sánh của Phương Lựu (2002); Văn học so sánh - nghiên cứu và dịch thuật của Khoa Ngữ văn và Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (2003); Những bình diện chủ yếu của văn học so sánh của Lưu Văn Bổng (2004); Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng của Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội do Trần Đình Sử, Lã Nhâm Thìn, Lê Lưu Oanh tuyển chọn (2005); Vượt qua những ranh giới của văn chương (Văn học so sánh và hướng nghiên cứu liên ngành) Nhiều tác giả của Khoa Văn - Đại học Khoa học và nhân văn TP.HCM (2019)... Ngoài ra, còn có một số bài viết, công trình nghiên cứu vận dụng những lý thuyết khác của phương Tây vào nghiên cứu các hiện tượng văn học như: Tự sự học, nữ quyền luận, cấu trúc luận, phê bình sinh thái... được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí, các cuộc hội thảo khoa học, các luận văn, luận án ở các viện, trường đại học mà do dung lượng của bài viết có hạn chúng tôi chỉ nêu một số công trình tiêu biểu như: “Bi kịch hoá trần thuật - một phương thức tự sự (Trên cứ liệu "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư”), Nguyễn Thanh Tú, Nghiên cứu Văn học, số 5 (2008); “Một số luận điểm cơ bản trong diễn ngôn tự sự của G.Genette”, Nguyễn Mạnh Quỳnh, Tạp chí khoa học số 5 (2006), ĐHSP Hà Nội; “Tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2000 nhìn từ lý thuyết tự sự” luận án của Phạm Thị Thùy Trang (2016); “Phê bình nữ quyền và văn xuôi nữ giới Việt Nam, Trung Quốc đương đại (Nghiên cứu trường hợp Dạ Ngân và Thiết Ngưng”, luận án của Hồ Khánh Vân (2020); “Tự nhiên” và “Nữ giới” trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại nhìn từ nữ quyền luận sinh thái”, luận án của Hoàng Lê Anh Ly (2022)...

Như vậy, với việc ứng dụng các khuynh hướng lý thuyết phê bình văn học phương Tây hiện đại để tìm hiểu nhiều hiện tượng văn học, từ sau 1975 đến nay, các nhà lý luận - phê bình đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí góp phần khám phá những giá trị mới cho văn học, tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho đời sống lý luận phê bình. Thế nên, khi bàn về ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, trong đó có các lý thuyết văn học đối với nền văn học nước nhà, Phan Trọng Thưởng cho rằng chính quá trình tiếp xúc và giao lưu với phương Tây “đã diễn ra một sự thanh lọc, một tinh thần hội nhập theo xu hướng hiện đại, khiến cho màu sắc áp đặt đã bị tước bỏ để còn lại ý thức chủ động tiếp thu, chủ động cải biến những sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật vốn gốc gác từ bên ngoài thành một thành tố mới của văn hóa, văn học nghệ thuật mỗi nước. Quá trình này biểu hiện tinh thần không chối từ, tinh thần tích hợp những giá trị văn hóa, nghệ thuật nhân loại để làm phong phú thêm cho gia tài văn hóa phương Đông”[5].

Chính tinh thần cởi mở và hội nhập đã đem đến cho đời sống lý luận - phê bình văn học nước nhà sức sống mạnh mẽ, tạo năng lượng cho các nhà nghiên cứu trên con đường lao động khoa học. Và xét về một phương diện nào đó, sự tiếp biến các khuynh hướng lý luận - phê bình phương Tây không chỉ tạo nên sự đa dạng của lý luận - phê bình văn học mà còn góp phần làm phong phú và hiện đại hóa lý luận - phê bình văn học dân tộc, vốn còn nghèo nàn và lạc hậu so với lý luận - phê bình văn học hiện đại của thế giới. Nói như Nguyên Sa - Trần Bích Lan: "Nhìn tổng quát cả một thế kỷ văn chương ta thấy sự giao tiếp với văn học nghệ thuật Tây phương thúc đẩy ta tiếp nhận mau lẹ để tiếp nhận cái khác. Ta như bị thúc đẩy với một tiếng nói không âm thanh: phải đổi thay thật nhanh, phải biến dịch thật mau, cho nên, người này vừa làm xong cổ điển, không đợi những thế kỷ 18 và 19 trôi qua, người kia tiến ngay đến siêu thực, cùng một tác giả có thể nhảy từ tả chân sang siêu thực rồi đến hiện sinh. Và cái sự thay đổi mau lẹ đó, nhìn ở mặt trái nó đáng buồn vì chưa thật là ta, vì còn mang nặng dấu vết này, dấu vết nọ, nhưng nhìn ở mặt phải, nó nói lên sự khao khát đổi thay. Và khi họ đổi thay để bắt kịp những đổi thay của văn học nghệ thuật thế giới, sự khao khát đó sẽ đóng vai động lực của những sáng tạo lớn"[6].

Việc tiếp nhận văn hóa phương Tây trong đó có các trường phái lý luận - phê bình văn học đã tạo điều kiện cho sự phát triển của lý luận - phê bình văn học những khát vọng đổi thay trên tinh thần sáng tạo. Đây chính là động lực, là tiền đề quan trọng tạo những bước nhảy vọt trong tiến trình vận động và phát triển của tư duy lý luận - phê bình văn học mà biểu hiện rõ nhất là việc nở rộ các tác phẩm ứng dụng lý thuyết văn học phương Tây vào việc tìm hiểu giá trị của các hiện tượng văn học, một nhân tố quan trọng nếu không muốn nói là quyết định đến sự hình thành và phát triển của nền lý luận - phê bình văn học Việt Nam hiện nay mà chúng ta có thể nhận diện qua các tác giả và các tác phẩm tiêu biểu như: Những tín hiệu mới (1994), Những nguồn cảm hứng trong văn học (2008) của Huỳnh Như Phương; Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam của Nguyễn Bá Thành (1996); Đổi mới đọc và bình văn của Đổ Đức Hiểu (1998), Triết lý văn hóa và triết luận văn chương của Hoàng Ngọc Hiến (2006); Thách thức của sáng tạo, thách thức của văn hóa (2002), Văn chương thẫm mỹ và văn hóa (2007) của Lê Ngọc Trà; Phong cách học với việc dạy văn và lý luận phê bình của Hữu Đạt (2002); Vọng từ con chữ (2003), Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hiện tượng (2014) của Nguyễn Đăng Điệp; Ba đỉnh cao Thơ mới (Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử) của Chu Văn Sơn (2003); Sáng tạo và giao lưu của Phạm Vĩnh Cư (2004); Ngoài trời lại có trời của Vương Trí Nhàn (2006) ; Phong cách nghệ thuật Thạch Lam của Nguyễn Thành Thi (2006); Tiểu thuyết trên con đường đổi mới nghệ thuật; của Phùng Văn Tửu (2010), Thơ - Quan niệm và cảm nhận (2009); Văn học nhìn từ văn hóa (2012) Văn chương và hành trình sáng tạo (2014) của Trần Hoài Anh; Truyện Kiều trong văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc (2013); Lý luận phê bình - Đổi mới và sáng tạo của Cao Thị Hồng (2013); Thẩm định các giá trị văn học của Phan Trọng Thưởng (2013); Xu hướng tự do hóa ngôn ngữ thơ Việt Nam thế kỷ XX của Nguyễn Thị Phương Thùy (2014); Trên đường biên của lý luận văn học của Trần Đình Sử (2014); Thơ trẻ Việt Nam 1965-1975 khuôn mặt cái tôi trữ tình của Bùi Bích Hạnh (2015); Thơ tân hình thức Việt, tiếp nhận và sáng tạo, Sông Hương (2014); Song thoại với cái mới (2008), Thơ Nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố Nữ và 20 tiếng thơ nữ quyền đương đại của Inrasara (2015); Không gian văn học đương đại của Đoàn Ánh Dương (2014); Nhà văn như Thị Nở của Phạm Xuân Nguyên (2014); Tác giả hàm ẩn trong Tu từ học tiểu thuyết của Cao Kim Lan (2015); Văn học phương Tây - Lý luận phê bình và dịch thuật của Trần Thiện Đạo (2015); Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975 của Nguyễn Bá Thành (2015); Văn học Việt Nam trong bối cảnh đỏi mới và hội nhập quốc tế, Nguyễn Đăng Điệp chủ biên (2016) Các trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại và sự tiếp biến, vận dụng ở Việt Nam của Bửu Nam (2016); Đi tìm ẩn ngữ văn chương của Trần Hoài Anh (2017); Lý luận phê bình văn học, Một góc nhìn mới của Cao Thị Hồng (2017) Văn xuôi Việt Nam hiện đại của Lê Tú Anh (2018); Phê bình văn học thế kỷ XX của Thụy Khuê (2018); Trăm năm Nguyễn Bính - Truyền thống và Hiện đại - Nhiều tác giả (2018); Phê bình ký hiệu học - Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ của Lã Nguyên (2018); Thơ Việt trên hành trình đổi mới - Những vấn đề sáng tác và lý luận của Trần Mạnh Tiến (2019); Đề tài tha hương trong văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XXI của Lê Tú Anh (2019); Giáo trình lý thuyết liên văn bản của Nguyễn Văn Thuấn (2019); Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc - Nhiều tác giả (2019); Gửi đây chút duyên tình đọc (Chân dung văn học) của Nguyễn Thị Thanh Xuân (2019); Những vẻ đẹp văn chương của Cao Thị Hồng (2020); Tiến trình văn học (Khuynh hướng và Trào lưu) của Huỳnh Như Phương (2020); Nguyễn Minh Châu trong tiến trình đổi mới văn học, Nguyễn Đăng Điệp chủ biên (2020); Đi tìm mỹ cảm văn chương của Trần Hoài Anh (2020); Dám ngoái đầu nhìn lại của Nguyễn Thị Tịnh Thy (2021); Chút nắng phương Nam (15 nhà văn đô thị miền Nam trước 1975), Phạm Phú Phong chủ biên (2022); Sinh thái & Văn hóa Nam Bộ trong văn học Việt Nam - Nhiều tác giả (2022); Đi tìm thanh âm đồng vọng của Trần Hoài Anh (2023)... Và còn nhiều tác phẩm lý luận - phê bình văn học đã ứng dụng lý thuyết hiện đại phương Tây vào việc nghiên cứu văn học dân tộc và thế giới, theo thống kê của Cao Thị Hồng trong công trình Lý luận phê bình văn học - đổi mới và sáng tạo (2013)[7], từ 1986 đến 2013 đã có 544 công trình lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học được xuất bản. Song, thực tế số công trình được xuất bản từ thời kỳ đổi mới đến nay còn nhiều hơn nữa...

Rõ ràng nhờ công cuộc đổi mới, việc mở rộng biên độ tiếp nhận lý thuyết phương Tây được chú trọng, đời sống lý luận phê bình văn học thời kỳ này đã thật sự khởi sắc theo hướng phát triển ngày càng đa dạng, phong phú. Tình hình này đã khắc phục bệnh công thức, giản đơn của lý luận phê bình văn học nước nhà, góp phần đổi mới nhận thức trong tư duy lý luận phê bình, làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách thẩm định giá trị của các hiện tượng văn học, tạo nên một đời sống lý luận phê bình sinh động, phong phú, dân chủ, cởi mở. Và đây là điều kiện tất yếu để nền văn học phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hóa của thời kỳ hội nhập và có thể xem là một trong những thành tựu cơ bản của nền văn học dân tộc trong năm mươi năm từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay.

Song, đời sống văn học nước nhà từ sau 1975 đến nay, dấu ấn lý thuyết văn học phương Tây không chỉ hiện hữu trong lĩnh vực lý luận phê bình mà còn hiện hữu sâu sắc trong sáng tác của các thể loại văn học cả thơ và văn xuôi mà rõ nhất là những tác phẩm trong thời kỳ đổi mới. Đó là những sáng tác thể hiện dấu ấn tư duy mỹ học của các khuynh hướng lý luận phê bình phương Tây như: phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại, tự sự học, nữ quyền luận, phê bình sinh thái... Đây có thể xem là một trong những thành tựu của sáng tác văn học nước nhà từ sau 1975 đến nay mà những diễn ngôn ở tác phẩm văn học sau đây sẽ minh chứng cho điều ấy.

3. Dấu ấn lý thuyết phương Tây - Thành tựu của sáng tác văn học từ 1975 đến nay

Như đã nói ở trên, sau ngày đất nước thống nhất và từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển. Đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi trên mọi phương diện, trong đó có sự thay đổi của diện mạo văn học, rõ nhất là sự thay đổi tư duy sáng tạo văn học. Nhà văn lúc này không đơn thuần phản ánh những diễn ngôn mang cảm hứng sử thi của thời chiến tranh cách mạng, khi cả dân tộc dấn thân vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và thống nhất nước nhà, ngược lại họ đã bắt đầu trở về với bản ngã, nhận ra những chấn thương của đời sống tâm hồn thời hậu chiến với những buồn vui, khổ đau, hạnh phúc, cay đắng và vinh quang trong cuộc sống đời thường của mình và của tha nhân, với khao khát được sống như những Nhân vị chứ không phải là những phóng thể, để rồi có lúc không còn nhận ra chính mình. Nói như Nguyễn Khải là các nhà văn đã khao khát đi tìm “Cái tôi đã mất”. Đó là “cái tôi bản thể” với những trăn trở, âu lo về thân phận con người ở các bình diện như: sự thức tỉnh ý thức cá nhân; với cảm thức về nỗi cô đơn và thân phận lưu đày; Sự ám ảnh về cái chết và sự hư ảo, của kiếp người, là cảm thức về sự phi lý, buồn nôn trước cái ác, cái xấu, cái thấp hèn của con người trong cuộc sống cùng những khát khao nhục cảm hiện sinh mà trước thời kỳ đổi mới được/ bị xem như một điều cấm kỵ trong diễn ngôn văn học. Những phẩm tính rất “Người” này, chúng ta có thể tìm thấy trong sáng tác văn học mang dấu ấn triết mỹ từ các lý thuyết: Phân tâm học, Chủ nghĩa hiện sinh, nữ quyền luận,... như lời một nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh đã suy niệm: “Kiếp sống như một chuyến lưu đày mà ở đó, người ta không thể yêu đương, sinh tồn một cách tự nhiên và có khát vọng, mà bị biến thành công cụ của thù hận, dục vọng, bản năng, phá hoại... Con người chỉ còn biết hưởng thụ sự phù du của thân phận...”[8]

Thế nên, văn học từ sau năm 1975 đến nay, rõ nhất là văn học thời kỳ đổi mới, với sự thay đổi hệ hình trong tư duy sáng tạo, đã xuất hiện nhiều tác phẩm thể hiện rõ dấu ấn triết mỹ của các trường phái lý thuyết phương Tây hiện đại với những khát khao, trăn trở về thân phận, phản ánh đúng quy luật vận động của văn học và đời sống con người Việt Nam thời kỳ hiện đại trong quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa. Dấu ấn tâm thức của các trường phái lý thuyết phương Tây hiện đại trong văn học thời kỳ đổi mới, thực ra là sự tiếp nối tâm thức của các trường phái lý thuyết phương Tây vốn đã hiện hữu trong dòng chảy văn học dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX mà rõ nhất là ở văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 cũng như ở văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 nhưng đã bị đứt gãy do những va đập của lịch sử - xã hội, nên khi có điều kiện sẽ phục sinh như một tất yếu của đời sống. Bởi lẽ, đối tượng của văn học là con người mà cái gì “thuộc về con người”, nói như Mác thì không xa lạ với “cuộc sống con người”. Đây cũng là điều chúng ta có thể nhận diện trong những trang viết của các thế hệ nhà văn nối tiếp nhau từ sau 1975 đến nay trên cả văn xuôi và thơ ca.

Về văn xuôi, dấu ấn triết mỹ của các trường phái lý thuyết phương Tây hiện đại như phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, nữ quyền luận, phê bình sinh thái với những ưu tư về cuộc sống và thân phận con người trên hành đi tìm cái tôi bản thể với tư cách là một nhân vị hiện sinh, chúng ta có thể nhận diện trong các tác phẩm như: Thời xa vắng của Lê Lựu (1986); Mảnh đất tình yêu của Nguyễn Minh Châu (1987); Tướng về hưu (1987); Những ngọn gió Hua Tát (1989), Con gái thủy thần (1993) của Nguyễn Huy Thiệp; Chim én bay của Nguyễn Trí Huân (1988); Cuốn gia phả để lại của Đoàn Lê (1988); Nỗi buồn cho em của Nhật Tuấn (1988); Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng (1989); Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn (1989); Giọt nước mắt cuối cùng của Nguyễn Khắc Phục (1989); Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập (1989); Mê lộ của Phạm Thị Hoài (1989); Nước mắt đỏ của Trần Huy Quang (1989); Pháp trường trắng của Ông Văn Tùng (1989); Bến không chồng của Dương Hướng (1990); Chỉ còn anh và em của Nguyễn Thị Ngọc Tú (1990); Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường (1990); Miền hoang tưởng của Đào Nguyễn (1990); Mối tình hoang dã của Trần Huy Quang (1990); Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh (1990); Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (1990); Tiễn biệt những ngày buồn của Trung Trung Đỉnh (1990); Vòng nguyệt quế cô đơn, của Nguyễn Quang Thiều (1991); Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai (1992); Tiếng gọi tình yêu của Nguyễn Quang Thiều (1993); Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương (1994); Man nương của Phạm Thị Hoài (1995); Người đàn bà tóc trắng của Nguyễn Quang Thiều (1996); Thủy hỏa đạo tặc của Hoàng Minh Tường (1996); Một ngày và một đời của Lê Văn Thảo (1997); Thiên sứ của Phạm Thị Hoài (1998); Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào (1992), Tường thành (2004) của Võ Thị Xuân Hà; Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái (2002); Cơn giông của Lê Văn Thảo (2002); Người sông Mê của Châu Diên (2003); Người nhìn thấy trăng thật, của Nguyễn Quang Thiều (2003); Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê (1993); Thiên thần sám hối (2004), Lão Khổ của Tạ Duy Anh (2004); Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà (2005); Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương (2005); Paris 11 tháng 8 của Thuận (2005); Giữa vòng vây trần gian của Nguyễn Danh Lam (2005); Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà (2006); Tấm ván phóng dao của Mạc Can (2006); Ba người khác của Tô Hoài (2007) Song song của Vũ Đình Giang, (2007); Đi dưới mưa hồng của Nhật Chiêu (2007); Xuân từ chiều của Y Ban (2008); Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh (2008); Mưa mặt nạ của Nhật Chiêu (2008); Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng (2008); Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thụy (2008); Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng (2009); Chinatown của Thuận (2009); Nháp (2009) của Nguyễn Đình Tú (2009); Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh (2008); Đàn bà của Lý Lan (2009); Blogger của Phong Điệp (2009); Gia đình bé mọn của Dạ Ngân (2010); Một bàn tay thì đầy của Hoàng Việt Hằng (2010); Viết tên trên nước của Nhật Chiêu (2010); Bờ xám của Vũ Đình Giang (2010); Vắng mặt của Đỗ Phấn (2011); Thế giới xô lệch của Bích Ngân (2012); Sông của Nguyễn Ngọc Tư (2012); Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ (2012); Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú (2013), Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (2014); Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân của Tiến Đạt (2014); Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam (2014); Mình và họ của Nguyễn Bình Phương (2014); Ba ngôi của người của Nguyễn Việt Hà (2014); Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh (2015); Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang (2015); Đi biển một mình của Kim Quyên (2015); Làn gió chảy qua của Lê Minh Khuê (2016); Trong cơn lốc xoáy của Trầm Hương (2016); Quán Thuỷ thần của Nguyễn Hải Yến (2019). Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà (2020); Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương (2021); Sắc Không của Nguyễn Phước Thảo (2021); Nghiệp chướng của Lưu Vĩ Lân (2021); Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan (2022); Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một (2023); Tuyệt không dấu vết của Nguyễn Việt Hà (2023); Một mùa hè dưới bóng cây của Nguyễn Tham Thiện Kế (2023); Cõi Tạm nóng dần lên của Thu Trân (2024); Chuyện làng buông của Lưu Trọng Văn (2024)...

Thơ là thế giới của nội cảm, những ưu tư về thân phận con người với khát khao vươn đến một cái tôi mang chiều sâu tâm cảm là phẩm tính không thể thiếu của thi ca. Vì vậy, không chỉ ở văn xuôi mà cả trong thơ những ý niệm nhân bản với những ưu tư về cuộc sống và sự tồn sinh của phận người trong các khuynh hướng triết mỹ của chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, nữ quyền luận cũng để lại những dấu ấn sâu sắc trong thơ Việt từ sau 1975, đặc biệt là thi ca thời kỳ đổi mới. Điều này ta có thể nhận diện trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi nhà thơ không chỉ suy tư về nỗi cô đơn phận người trong kiếp lưu đày mà còn luôn tự vấn, âu lo về nỗi buồn và sự hư hao mỏng manh của kiếp người: “Bây giờ chỉ một mình ta/ Một mình ta với bao la một mình.../ Khóc ta hạt bụi vô thường/ Mai kia tìm chốn cội nguồn nghỉ ngơi” (Một mình). Đó cũng là cảm thức của Anh Hồng trong Người đàn bà qua hai mùa tóc với một cách thể hiện riêng tâm thức hiện sinh, nhà thơ không những đi tìm cái “Tôi hiện hữu” mà còn đi tìm từng “mảnh vỡ” của cái “Tôi”: “Từng mảnh Tôi/ Từng mảnh Tôi/ Tan vỡ/ Chơi vơi/ Tìm nơi náu mình/ Trên ngọn cỏ.../ Mặt đất lè tè/ Ngọn cỏ thấp/ Từng mảnh Tôi/ Lặng lẽ.../ Tìm Tôi...” (Mở).

Khảo sát thơ Việt từ sau 1975 đến nay sẽ không khó nhận diện cảm thức hiện sinh đã tạo thành một khuynh hướng sáng tác trong thơ của nhiều thi sĩ thuộc các thế hệ cầm bút khác nhau hiện hữu qua sáng tác của các thi nhân ở những tập thơ tiêu biểu như: Phan Thị Thanh Nhàn với Bông hoa không tặng (1987), Nghiêng về anh (1992); Ý Nhi với Mưa tuyết (1991), Gương mặt (1991); Dư Thị Hoàn với Lối nhỏ (1988), Bài mẫu giáo sáng thế (1993); Lâm Thị Mỹ Dạ với Hái tuổi em đầy tay (1989), Đề tặng một giấc mơ (1998), Hồn đầy hoa cúc dại (2007); Hoàng Phủ Ngọc Tường với Người đi hái phù dung (1992); Tần Hoài Dạ Vũ với Ngọn lửa quạnh hiu (1996); Suy niệm hoàng hôn (2005); Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi (2020); Nguyễn Trọng Tạo với Gửi người không quen (1989), Đồng dao cho người lớn (1994), Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống (1995), Em đàn bà (2008); Hoàng Vũ Thuật với Cỏ mùa thu (1994), Đám mây lơ lửng (2000), Tháp nghiêng (2003), Mùi (2014); Lê Thị Kim với Khi tình yêu đến (1988), Đóa quỳ hư ảo (1991), Sương bụi tình yêu (1997); Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999), Châu thổ (2010), Dưới ánh trăng và một bậc cửa (2020); Trương Tuyết Mai với Một nửa của anh (2006), Lá vỡ (2008), Gập ghềnh khúc đau (2020); Vi Thùy Linh với Khát (1999), Linh (2000), Đồng tử (2005); Phan Hoàng với Tượng tình (1995), Hộp đen báo bão (2002), Chất vấn thói quen (2012); Lê Thiếu Nhơn với Phố tình riêng (2004) Trong bóng người xưa (2006); Nguyễn Hữu Hồng Minh với Giọng nói mơ hồ (1999), Tên em trong gió cuốn (2016); Đặng Nguyệt Anh với Ru lời ngàn năm (2002), Trời em áo lụa (2006), Lục bát tôi (2018); Phan Huyền Thư với Nằm nghiêng, (2002), Rỗng ngực (2005); Tôn Nữ Thu Thủy với Mắt lá (2002); Cát Du với Cảm (2004), Nàng (2007); Đinh Thị Thu Vân với Một ngày ta ngoái lại (2005), Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ (2015); Ly Hoàng Ly với Cỏ trắng (1999), Lô Lô (2005); Trần Thị Huyền Trang với Trong tĩnh lặng (2005); Thúy Nga với Nỗi buồn xanh (2006), Phan Thị Vàng Anh với Gửi VB (2006); Nguyễn Khoa Điềm với Cõi lặng (2007); Nguyễn Bính Hồng Cầu với Nhặt bóng mình (2007); Nguyệt Phạm với Mắt giấy (2008), Phơi riêng tư (2019); Ngô Thị Hạnh với Nắng từ những ngón chân (2010); Huệ Triệu Thức một miền xanh (2010); Trần Mai Hường với Ngược đêm (2014); Bàng Ái Thơ với Mắt lặng (2011), Bạch Lạp & Hoa Hồng (2013); Phạm Phương Lan với Góc trọ hồn người (2011); Phùng Cung với Xem đêm (2011); Trương Đăng Dung với Những kỷ niệm tưởng tượng (2011), Em là nơi anh tị nạn (2020); Minh Đan với Phút 89 (2013), Vương Chi Lan với Rót nhớ vào đêm (2013); Ngô Thúy Nga với Nốt lặng (2014); Anh Hồng với Người đàn bà qua hai mùa tóc (2014) Tôi và Đêm... Và... (2023); Nồng Nàn Phố với Yêu lần nào cũng đau (2015; Trần Huy Minh Phương với Khói rụng (2021); Phùng Hiệu với Trong thế giới ngụy trang (2014); Nguyễn Phong Việt với Sinh ra để cô đơn (2014) và Về đâu những vết thương (2016); Trịnh Bích Ngân với Nghiêng về phía nỗi đau (2024)...

Thật vậy, dấu ấn tư tưởng của lý thuyết phương Tây hiện đại để lại trên các sáng tác của các nhà văn từ sau 1975 đến nay là điều không thể phủ nhận. Chưa cần đọc sâu văn bản chỉ cần đọc tiêu đề của các tác phẩm văn xuôi cũng như thơ, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện hữu của các khuynh hướng triết mỹ như Phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, nữ quyền luận... trong các diễn ngôn mà nhà văn chia sẻ với người đọc. Điều này đã tạo nên tiếng nói đa thanh, đa diện của văn học nước nhà, là thành tựu mang tính khai phóng của nền văn học mà trước thời kỳ đổi mới chưa thể có được như sự xác quyết đầy ý thức nữ quyền của Xinh trong Một bàn tay thì đầy của Hoàng Việt Hằng: “Đàn bà sao cứ nghĩ phải tựa vào đàn ông mới sống được nhỉ. Phải tựa vào hơi thở của chính mình thôi, làm sao có thể thở bằng hơi thở của người khác[9]. Hay Phạm Thị Ngọc Liên đã đốt cháy khát vọng nhục cảm tình yêu trong thơ mình bằng những cảm xúc mạnh mẽ với những diễn ngôn đầy sức ám gợi: “Lặn ngụp trong thơ/ Tắm gội mối tình mình/ Hừng hực trong tôi/ cháy bỏng ngôn từ/ không hề giấu mặt/ phải trả nỗi đau bằng tiếng thét” (Khỏa thân tím). Và những diễn ngôn này thật sự là tiếng gọi tha thiết đầy chất hiện sinh với một ý thức nữ quyền mà ta không thể tìm thấy trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ tiền đổi mới: “Ta thèm khỏa thân dưới nắng/ Thèm ngủ yên trên cát/ Có vòng tay người tình như chiếc lưới/ Võng ta vào giấc mộng trăm năm” (Biển trăm năm). Và khát vọng tình yêu trong thơ Ly Hoàng Ly cũng không kém phần mãnh liệt, nồng nàn với ái ân cuồng nhiệt ở người đàn bà luôn ý thức về quyền sống đích thực đầy hiện sinh: “Đêm là của chúng mình/ Tình yêu thắp sáng đêm/ Đêm là của chúng mình/ Sao nỡ ngủ/ hở anh” (Đêm là của chúng mình). Đây là những minh chứng vô cùng thuyết phục cho tinh thần khai phóng của văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay nhìn từ sự ảnh hưởng hệ hình tư tưởng của lý thuyết phương Tây hiện đại.

4. Thay lời kết

Từ ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là khi tiến hành công cuộc đổi mới, xuất phát từ yêu cầu nội tại của tiến trình vận động và phát triển của nền văn học dân tộc theo hướng hiện đại và hội nhập, văn học nước nhà trong những năm qua đã có sự đổi mới tư duy, không chỉ trong lĩnh vực sáng tác và lý luận phê bình mà ngay cả trong tư duy quản lý của các cấp lãnh đạo văn nghệ. Chính điều này đã mở ra những vận hội mới, chân trời mới cho nghệ sĩ sáng tạo, rõ nhất là việc mạnh dạn tiếp nhận lý thuyết phương Tây nên đã thu được những thành quả nhất định để xây dựng nền văn học nước nhà vững mạnh phù hợp với phẩm tính văn học thế giới. Phải chăng từ hệ hình tư duy triết mỹ mang tính phổ quát được các nhà văn, nhà lý luận phê bình tiếp nhận và ứng dụng vào văn học Việt Nam nên đã tạo được những tác phẩm văn học chạm đến mỹ cảm của nhân loại. Vì thế, nhiều nước đã chọn dịch tác phẩm của các nhà văn Việt Nam như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư... Không những thế, nhiều tác phẩm thơ, văn của các nhà văn Việt Nam trong những năm gần đây cũng được các dịch giả quan tâm giới thiệu ra thế giới, tạo nên một trường tiếp nhận mới cho văn học dân tộc.

Với những gì chúng tôi đã khảo sát và minh chứng ở trên trong lĩnh vực lý luận phê bình và sáng tác văn học nhìn từ việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây, có thể xác quyết rằng văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay đã thu được những thành tựu đáng khích lệ. Đó là điều không thể phủ nhận. Tuy vậy, nền văn học nước nhà không phải, không còn những hạn chế, thậm chí những “khuyết tật” mà nếu chúng ta không tỉnh táo nhìn nhận một cách khách quan công bằng và khoa học thì sẽ gặp rất nhiều trở lực trong xu hướng hội nhập và phát triển của thời kỳ toàn cầu hóa. Thiết nghĩ đã đến lúc phải nghiên cứu một cách thấu đáo, khách quan, khoa học thành tựu của nền văn học nước nhà ở cả phương diện sáng tác và lý luận - phê bình nhìn từ sự tiếp nhận lý thuyết hiện đại phương Tây để tìm ra những bài học thiết thực, hữu ích cho sự phát triển nền văn học nước nhà. Bởi, với việc mở rộng biên độ và tốc độ trong sự tiếp nhận lý thuyết phương Tây, văn học thời kỳ đổi mới đã có những bước phát triển nhanh chóng tuy sinh động, phong phú, đa chiều, có tính đối thoại nhưng cũng có những giới hạn nhất định cần được thức nhận. Song dù thế nào, những thành tựu của nền văn học nước nhà từ sau 1975 đến nay nhìn ở bình diện lý luận - phê bình và sáng tác từ việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây qua các trường phái, lý luận - phê bình hiện đại như đã trình bày ở trên là một giá trị cần trân trọng và không thể phủ nhận. Bởi, nói như Nguyễn Khoa Điềm: “Dù đất nước đã mở cửa nhưng việc khai thác thành quả của lý luận hiện đại thế giới cũng như truyền thống lý luận của dân tộc lại chưa được nghiên cứu đầy đủ có hệ thống”[10]. Vì vậy, cần "Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học Việt Nam hiện đại"[11]. Phải chăng, đây cũng là một trong những tư tưởng định hướng có tính tất yếu để đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá nền văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa...


[1] Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1988, tr.17

[2] Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 31

[3] Tam Ích, Ý Văn1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn 1967, tr.29

[4] Phương Lựu, Lý Thuyết văn học hậu hiện đại, Nxb. ĐHSP, Hà Nội, 2011, tr.7

[5] Phan Trọng Thưởng, Hà Minh Đức, Trương Đăng Dung (chủ biên), Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.222

[6] Nguyên Sa, Một bông hồng cho Văn nghệ, Nxb. Trình Bày, Sài Gòn, 1967, tr.93-94

[7] Cao Thị Hồng, Lý luận phê bình văn học – đổi mới và sáng tạo (xem danh mục trong phần phụ lục từ tr. 265 – tr. 319

[8] Tạ Duy Anh, Lão Khổ và Thiên thần sám hối Nxb. Hội Nhà văn, 2004, H, tr.423

[9] Hoàng Việt Hằng, Một bàn tay thì đầy, Nxb. Phụ nữ, H, 2010, tr.230

[10] Nguyễn Khoa Điềm, “Phát biểu kết luận Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật toàn quốc”, Tạp chí Nhà văn số 4/2006, tr.62

[11] Trích nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ chính trị, khoá X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2008, tr.23

-----------------

* Bài tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm
​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

Baovannghe.vn - Những ngày đầu về làm dâu ở Chù Khèo, Dua thấy nơi này thân thuộc lắm, như mình đã từng uống nước ở dòng suối Nậm Đích, từng hái măng, hái nấm trên núi Chù Khèo ấy vậy, dù rằng nhà Dua cách nhà chồng xa tận mấy quả núi, mỗi lần nhớ nhà nhìn về chỉ thấy sương khói giăng giăng trên những đỉnh núi mịt mù. Dua gặp chồng ở một phiên chợ tình, Dua say điệu nhảy của Sung, nó tình tứ, man dại, tình yêu với Dua chỉ đơn giản là như thế. Sau mấy lần gặp gỡ, Dua bước qua cửa nhà chồng. Dua đã nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của đám gái bản, Sung đẹp trai và dịu dàng với Dua lắm, Dua cứ ngỡ mình sẽ thật hạnh phúc...