Tôi thấy cần phải viết bài này, là vì trong lời dẫn ở đầu sưu tập Người câm biết nói gồm những tác phẩm hầu như đến gần đây còn bị bỏ quên của nhà văn Nam Cao (1915-1951), tôi có chỗ đã viết: “Cả hai bài ngắn Năm anh hàng thịt và Một cuộc đốt làng đều chủ yếu nhằm phục vụ tuyên truyền, biểu dương tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, tố cáo tội ác của đội quân Pháp đang quay lại tái chiếm xứ này.
Chỗ yếu của hai bài viết mang tính chất báo chí này, là tác giả có vẻ đã dùng hư cấu để tạo ra một “gương chiến đấu”, hoặc để miêu tả một tội ác của quân Pháp; trong khi ở loại này lẽ ra phải đảm bảo tính xác thực sự kiện của cái được miêu tả. Đấy cũng là chỗ ấu trĩ, non yếu về tư duy nghệ thuật ở thời kỳ đầu của những nhà văn, muốn đạt mục tiêu tuyên truyền nhưng lại sử dụng văn hư cấu, hóa ra làm hại cho mục tiêu tuyên truyền!” (1)
Khi viết đoạn trên, tôi có băn khoăn: cả hai bài tự sự kể trên liệu có phải đều là truyện hư cấu? Rồi tôi nghĩ tiếp: hai câu chuyện này viết hồi tháng 10 tháng 11/1945, khi Nam Cao mới từ quê lên Hà Nội, được các đồng nghiệp trong Văn hóa cứu quốc giao đứng tên thư ký tòa soạn bán nguyệt san Tiên phong từ số 2 (1/12/1945), trước khi làm phóng viên trong đoàn quân Nam tiến rồi lại trở ra Bắc. Cả hai câu chuyện Năm anh hàng thịt và Một cuộc đốt làng đều viết về cuộc chiến đấu chống lại quân Pháp nấp sau quân Anh quay lại đánh chiếm Nam Bộ. Nam Cao hồi 1936-1937 từng có thời gian sống ít lâu ở Sài Gòn, nhưng hai câu chuyện này đều viết và in trước chuyến đi cùng đoàn quân Nam tiến 1945, vậy phải chăng tác giả chỉ có thể vận dụng hư cấu để hình dung một thực tế đang diễn ra khá xa nơi ông ngồi viết?
Một cuộc đốt làng nộp bản thảo đúng buổi sáng ngày 5/11/1945 tại trụ sở Văn hóa cứu quốc (nhà Khai Trí Tiến Đức cũ) bên bờ Hồ Gươm, theo quy ước trước đó 3 ngày của các thành viên trong hội (2). Hôm ấy tại nhà hát Lớn Hà Nội có cuộc mít-tinh “Ngày kháng chiến”, biểu lộ sự phẫn nộ trước việc quân Pháp trở lại xâm chiếm đất nước ta và cổ vũ cuộc kháng chiến mới của nhân dân Nam Bộ đã dấy lên từ 23/9/1945. Bài Một cuộc đốt làng góp vào tập sách Căm hờn tất nhiên tập trung lên án, tố cáo tội ác của quân xâm lược Pháp; nếu trong câu chuyện có những tình tiết, chi tiết thậm xưng, cũng là điều bình thường. Có điều đó lại là những chi tiết quá quắt, chẳng hạn, quân Pháp vây ráp đốt phá làng nọ, một thiếu phụ chạy ra chỗ bọn lính Pháp; chị vốn là vợ một trong số các tên lính đang vây làng, đang mang cái thai của chính tên lính kia. Vậy mà đồng đội của y và chính y đã lấy dao mổ bụng sát hại cả hai mẹ con thai phụ! Chi tiết này có phần chắc là sản phẩm hư cấu, để vạch ra cái chất “giết người không ghê tay” của quân xâm lược, hơn là rút từ sự thực?
Cuốn Năm anh hàng thịt là cuốn sách đầu tiên của loại sách “Gương chiến đấu” do Văn hóa cứu quốc xuất bản.
Tiên phong số 3 (16/12/1945) đã có quảng cáo: “Gương chiến đấu: đã có bán: Năm anh hàng thịt, giá 8 hào. Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản”(3)
Nhưng từ trước đó, Tiên phong số 2 (1/12/1945) đã có mấy dòng chữ lớn chiếm gần nửa trang: “Tinh thần các chiến sĩ Lê Bình, Lê Nhật Tảo, Trần Chiến, Lê Quang Trinh, Cao Minh Lộc bất tử!” (4) Đây chính là lời vinh danh và tưởng niệm gương chiến đấu và hy sinh của 5 chiến sĩ trong câu chuyện Năm anh hàng thịt.
Mấy dấu hiệu kể trên đã gợi cho thấy đây là câu chuyện có thực, không phải sản phẩm hưu cấu, như tôi có lúc đã lầm tưởng. Có điều, câu chuyện trong cuốn sách mỏng gần 20 trang khổ nhỏ của Nam Cao lại không cho biết rõ nó xảy ra tại thành phố hay thị xã nào ở Nam Bộ đương thời!
Rất may, trong mấy tháng gần đây, khi tìm tòi giữa các tên sách chữ Việt hiện lưu tại trang mạng của Thư viện quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France), tôi thấy một cuốn sách có những dấu hiệu liên quan.
Đó là cuốn Chiến công oanh liệt của đồng bào Nam Bộ, tác giả Hoài Tân, tranh vẽ Mạnh Quỳnh, do Tiểu ban tuyên truyền khu 9, địa chỉ 16B phố Hàng Gà, Hà Nội xuất bản, giấy phép kiểm duyệt số 123-ST, ngày 26/11/1945; in 2000 cuốn loại thường, 50 cuốn loại quý, tại nhà in Thụy Ký, 98 phố Hàng Gai, Hà Nội; giá bán: 2$50.
Sách gồm 32 trang khổ nhỏ, 2 trang đầu (tr.3-4) lời tác giả gửi “Chiến sĩ miền Nam”. Các mục lớn, không đánh số, mục đầu là Vài điểm thắng trên trường quốc tế (tr.5-7) nêu một vài tín hiệu khả quan về sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc kháng chiến mới tại miền Nam.
Trang cuối (tr.32) là bài hát nói Tặng chiến sĩ Nam Bộ của Ái Hiền.
Sự tích liên quan đến câu chuyện Năm anh hàng thịt của Nam Cao chính là Mấy mũi dao găm, in ở Mục thứ tư Tinh thần kháng chiến (tr.26-31) gồm các mẩu ngắn: Bơm chữa cháy (tr.26); Một chiến sĩ 14 tuổi (tr.26-28); 3 người địch với 200 (tr.28); Gan dạ một chiến sĩ 12 tuổi (tr.29); Mấy mũi dao găm (tr.29-30); và Mặt trận Thủ Đức (tr.31).
Mẩu chuyện như sau (dẫn lại nguyên văn, kể cả lỗi chính tả):
“Tuy chiếm được tỉnh lỵ Cần Thơ, quân Pháp vẫn bị du kích quân Việt Nam luôn luôn tấn công và bao vây. Mặt trận kinh tế của ta cũng dáo diết chẳng kém mặt trận du kích, vì vậy quân Pháp thường đói ăn.
Dĩ kế vi kế, sáng hôm 12/11 ở Cái Răng, anh Lê Bình, nguyên giám đốc quốc gia tự vệ cục Cần Thơ, cùng với bốn anh Lê Quang Trinh, Lê Nhất Tảo, Cao Minh Lộc và Trần Chiến vào bản doanh đại úy Rouban giả vờ xin giấy đem thịt đến bán cho bọn Pháp. Bọn giặc đương thèm ăn, vỗ tay reo mừng, làm ngay ra mặt thân mật niềm nở, cuống lên làm giấy, bất thình lình năm anh cảm tử rút dao ra ám sát hết thảy cả đại úy Rouban cùng bọn tham mưu của nó. Chúng chết ngay tại phòng giấy. Sáu đứa toàn là sĩ quan và hạ sĩ quan. Giết xong bọn ấy 5 anh còn muốn lên gác ám sát hết bọn Pháp ở trên, xong bị chúng biết mưu, sả súng liên thanh bắn qua sàn xuống. Năm anh đều tử trận cả. Liền lúc đó có quân du kích ta đến tiếp ứng bằng lựu đạn và súng lục, một cuộc giao chiến kịch liệt lan tới ra mãi chợ Cái Răng. Quân du kich ta cảm khích bởi cái gương oanh liệt của đoàn chiến sĩ Lê Bình, xông vào trận địa một cách can trường. Bên Pháp 27 người chết, hết thảy là sĩ quan và hạ sĩ quan, 17 người bị thương. Bên Việt Nam 13 người chết, 4 người bị thương. Cuộc giao chiến kéo dài tới 10 giờ thì quân Pháp kéo viện binh tới đông để giải vây cho tàn quân của chúng. Đồng thời một chiếc máy bay sà xuống bắn liên thanh mục đích khủng bố dân chúng” (5)
Như vậy, có thể tin chắc rằng, Nam Cao đã dựa vào đoạn ký sự ngắn trong cuốn sách kể trên để viết cuốn “gương chiến đấu” đầu tiên của Hội Văn hóa cứu quốc, mang tên Năm anh hàng thịt. Đó là một sự tích có thật của cuộc kháng chiến tại Nam Bộ.
Luôn thể, cũng xin thông tin thêm rằng, trong số các gương chiến đấu mà cuốn sách nhỏ Chiến công oanh liệt của đồng bào Nam Bộ của tác giả Hoài Tân có không ít chuyện đốt kho săng của quân Pháp, Nhật. Chẳng hạn, mẩu chuyện “Tấn công vào sở cảnh sát trung ương” (tr.21-23) là chuyện một chiến sĩ thiếu niên 12 tuổi tẩm săng vào áo, đem theo diêm, lẩn vào đốt kho một sơn của thực dân có lính Nhật gác ở Khánh Hội hôm 16/10; mẩu chuyện “Kho dầu Simon Piétri ra tro” (tr.24) là một chiến sĩ tự tẩm săng lao vào kho dầu, hôm 17/10, v.v.
Ngoài cuốn Chiến công oanh liệt của đồng bào Nam Bộ, tác giả Hoài Tân còn có cuốn Trung Bộ kháng chiến, do nhà xuất bản Quốc tế, địa chỉ 14 phố Hàng Gà, Hà Nội; giấy kiểm duyệt số 13 ST ngày 8/1/1946; in xong ngày 15/1/1946 tại nhà in Thụy Ký, 98 phố Hàng Gai, Hà Nội; giá bán: 3$50. Cuốn này trình bày tương tự cuốn Chiến công oanh liệt của đồng bào Nam Bộ, cũng có các tranh minh họa của Mạnh Quỳnh; số trang gần gấp đôi (58 tr.), nội dung sách gần như một toát yếu, một phóng sự về tình hình xã hội chính trị Trung Bộ trước và sau cách mạng.
Đọc qua hai cuốn kể trên, người ta có cảm tưởng tác giả Hoài Tân giống như một phái viên đi quan sát tình hình chính trị quân sự từ Thanh Hóa vào đến Nam Bộ. Những đoạn tin tức ngắn mà tác giả này đưa vào sách, do đó càng đáng tin hơn.
Trở lại câu chuyện ở đầu bài viết này, giờ đây có thể khẳng định, cuốn truyện mỏng của Nam Cao nhan đề Năm anh hàng thịt, cuốn sách mở đầu loại sách “gương chiến đấu” do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản cuối năm 1945, là sách viết về một gương chiến đấu cụ thể, có thật tại thị xã Cần Thơ hồi giữa tháng 11/1945.
________
1. Lại Nguyên Ân (2021) “Thêm hiểu biết về tầm vóc sáng tạo của Nam Cao qua những tác phẩm mới tìm lại”, trong cuốn: Nam Cao: Người câm biết nói (các tác phẩm bị quên lãng 70 năm, lần đầu tìm lại), Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2021, tr. 22.
2. Theo Lưu Văn Lợi: “Những phút tôn nghiêm”, trong cuốn Căm hờn, tập thơ văn, nhiều tác giả, Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xb., Hà Nội, 1945, tr. 38-41
3. Hai loại sách mới, Tiên phong, s.3 (16.12.1945), tr.10
4. Sưu tập trọn bộ TIÊN PHONG 1945-1946, tạp chí của Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam, Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, Nxb. Hội nhà văn, T.1, tr.82
5. Hoài Tân: Chiến công oanh liệt của đồng bào Nam Bộ, Tiểu ban tuyên truyền khu 9, địa chỉ 16B phố Hàng Gà, Hà Nội xuất bản, 1945, tr.29-30.
Lại Nguyên Ân
Nguồn Văn nghệ số 28/2023