Năm 2021 là tròn 80 năm kể từ khi ấn bản Con dế mèn, tiền thân cuốn truyện thiếu nhi nổi tiếng Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, ra đời. Những chú dế của ông đã từng đạp tanh tách trong bao giấc mơ tuổi thơ của trẻ em Việt Nam. Chú dế mèn và bạn bè chú, thông minh, nghịch ngợm, có những suy nghĩ rất người mà cũng rất mộng (mơ một thế giới đại đồng!) đã làm cuộc phiêu lưu kỳ diệu qua tâm trí đầy những mộng tưởng của nhiều thế hệ, để lại một dư vị ngọt ngào khó tả. Tác giả của những giấc mơ ấy là ông, nhà văn Tô Hoài... Bài phỏng vấn được thực hiện khi nhà văn Tô Hoài còn sống sẽ hé mở những điều bí ẩn sau trang viết của một trong những cây đại thụ trong nền văn học Việt Nam:
Nhà văn Tô Hoài cùng với Phạm Sông Hồng (con gái nhà thơ Phạm Hổ) tại ký túc xá trường Viết văn M.Gorki - Matxcơva 1988 Ảnh: Dương Minh Long |
Yên Ba: Thưa bác Tô Hoài, có một người bạn cháu đã lý giải việc bác có số tác phẩm khổng lồ, hiện đến khoảng 160 đầu sách, bởi vì bác viết văn giống như tập thể dục vậy, ngày nào cũng viết. Có phải thế chăng?
Tô Hoài: Đúng đấy! Tôi luôn chống lại cái chuyện làm việc theo hứng! Theo tôi thì người ta có thể hứng đi chơi, hứng ăn uống chứ chẳng ai hứng làm việc cả. Bởi vì làm việc quả thực là vô cùng nặng nhọc. Viết văn cũng là một công việc nặng nhọc. Chính vì thế mà tôi phải tự bắt buộc mình ngồi viết, lâu dần thành thói quen. Ngày nào tôi cũng viết một cái gì đó. Có thể là vài ba hôm sau, những cái tôi viết mấy hôm trước tôi đem vứt đi, thế nhưng những cái còn lại thì có thể trở thành một cái gì đấy. Tôi thích viết văn, viết cả báo nữa, liên miên đủ thể loại, như lấy từ những ngăn riêng ở trong đầu mình ra vậy. Cũng vì vậy mà tôi viết khá dễ dàng, không phải lấy hơi lấy sức gì đâu!
Yên Ba: Có nghĩa là hãy cứ chăm chỉ viết từ ngày này qua ngày khác, vậy là có thể yên tâm để trở thành một nhà văn?
Tô Hoài: Dĩ nhiên là không phải như thế rồi! Đơn giản chỉ là vì như thế này: có những chuyện đêm nằm nghĩ thấy thích lắm, sáng dậy ngồi vào bàn viết, như đi đâu mất cả. Rõ là vẫn chuyện ấy đấy mà khi viết ra rồi thì chẳng thấy hồn vía đâu nữa. Khoảng cách giữa cái trong đầu mình nghĩ cho đến những con chữ trên trang giấy xa lắm! Nếu vượt qua được cái khoảng cách ấy thì mới thành người viết văn được.
Yên Ba: Ở đây, lại đụng chạm đến một vấn đề muôn thuở: tài năng!
Tô Hoài: Tôi muốn nói rằng năng khiếu cùng với sự rèn luyện.
Yên Ba: Bác có thể nói rõ thêm về chuyện rèn luyện ấy qua những người cùng thời với bác được không?
Tô Hoài: Tôi có biết hai người là Vũ Trọng Phụng và Vũ Bằng. Đó là hai người mà cuộc sống thực tế của họ hầu như trái ngược hẳn với những gì mà người ta thấy họ thể hiện ra trên trang viết. Văn của Vũ Bằng thì nhẹ nhàng, man mác, thế nhưng ông sống thì rất giang hồ. Nhà của Vũ Bằng là nhà đại phú, còn ông đã từng học Albert Sarau, sau ông bị gia đình từ mặt. Vũ Trọng Phụng nhà lại rất nghèo. Đọc những trang viết của ông, những nhân vật của ông, thấy như ông từng trải, lăn lộn lắm. Kỳ thực, Vũ Trọng Phụng là người sống rất hiền lành, nho nhã. Ông có một cách rèn luyện viết văn mà ít người biết, ấy là qua báo. Ông đọc rất nhiều báo, cả báo Tây báo ta và rất nhiều chi tiết, cốt chuyện trong các tác phẩm của ông là từ báo chí. Cả Vũ Trọng Phụng lẫn Vũ Bằng đều được trời phú cho một tài năng rất lớn, ấy là sức tưởng tượng ghê gớm. Tưởng tượng nhưng không có chi tiết nào là không xuất phát từ thực tế. Như chuyện hai anh lính cảnh sát Min Đơ và Min Toa trong tiểu thuyết Số đỏ, đúng là trước kia mấy ông cảnh binh phải đi xe đạp rảo quanh khu vực mình chịu trách nhhiệm về an ninh suốt ngày đêm, chỉ có cái phần trở thành cuarơ đoạt nhiều danh hiệu là Vũ Trọng Phụng thêm vào thôi. Hay cái tiệm của Xuân Tóc Đỏ tôi cũng biết, nó là cái tiệm Cánh buồm gì đó ở gần Bờ Hồ...
Yên Ba: Trong cuốn tự truyện Chiều chiều, bác có kể nhiều về những người cùng thời với mình, không chỉ chuyện văn mà cả chuyện đời của họ. Đó là những nhân vật thật sự của tiểu thuyết...
Tô Hoài: Đúng vậy đấy. Đó là những nhân vật có thực mà cuộc đời trôi giạt ghê lắm. Như Vũ Bằng chẳng hạn. Tôi có đọc một số báo, thấy nói ông có thể là người trong một đường dây hoạt động tình báo của ta. Tôi nghĩ là có thể lắm chứ. Tôi cũng chỉ suy đoán rằng có thể ông không phải là nhân viên tình báo mà là một cơ sở tình báo của ta. Rồi những người phụ trách, có thể đã chuyển sang đường dây khác, hoặc bị bắt hoặc bị chết, mà theo nguyên tắc hoạt động đơn tuyến, chỉ có người nào phụ trách thì mới biết được thôi...Hồi mới giải phóng, tôi vào Sài Gòn, có gặp Vũ Bằng. Ông sống khổ và nghèo túng lắm. Nhiều người biết rằng ông là nguyên mẫu của nhân vật Hoàng trong truyện ngắn của Nam Cao, đâm ra thành kiến với ông, cứ nghĩ rằng đã là nguyên mẫu của những nhân vật như thế thì không thể tốt được! Đấy, cuộc đời nó buồn cười thế đấy. Tôi thì vẫn nghĩ rằng Nam Cao và tôi đều chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của Vũ Bằng...
Nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Trần Nhuận Minh tại Matxcơva 1988 Ảnh: Dương Minh Long |
Yên Ba: Bác có thể lý giải vì sao mà trong một thời gian ngắn ngủi của những năm 30-40, lại xuất hiện một đội ngũ đông đảo những nhà văn có thể gọi là “quái kiệt” trong làng văn Việt Nam như thế không?
Tô Hoài: Tôi không biết có thể gọi như thế được không, nhưng tôi có thể nói rằng lớp như tôi và Nam Cao có lẽ là lớp xuất hiện sau cùng của thế hệ nhà văn đó. Ngay như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân cũng hơn chúng tôi cỡ 10-12 tuổi. Có thể nói lớp chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, bây giờ là đến lớp nhà văn sau này gánh vác nhiệm vụ.
Yên Ba: Có một hiện tượng là nhiều nhà văn lớp sau này chỉ viết được một cuốn sách gây được sự chú ý cuả công chúng rồi thôi, cứ như là bị “rút ruột” hết cả rồi! Trong khi nhiều nhà văn lớp trước như bác viết khoẻ và vẫn còn thu hút được bạn đọc...
Tô Hoài: Các nhà văn bây giờ nhiều hơn, đông hơn nhưng sống lại rời rạc hơn. Tôi nghĩ những người viết văn có khả năng bây giờ có nhiều, nhưng cứ bị nhạt đi như thế nào đó. Vả lại, theo tôi, cái chuyện ăn lương để viết văn cũng làm hại người ta tợn lắm. Tôi không nói thay cho người khác, chỉ nói chuyện của tôi thôi. Trong cuộc sống, có những cái lớn lao và cả những cái cụ thể, nhỏ bé, ai không để ý thì không thấy. Cũng chẳng có gì lặp lại cả. Nhiều khi về hình thức thì lặp lại đấy, nhưng nội dung khác rồi. Khi viết văn, tôi luôn trò chuyện, đọc sách báo, nghe ngóng để học cái ngôn ngữ thường ngày. Như trong Chiều chiều là cái ngôn ngữ của thời điểm ấy đấy chứ. Có nhiều người đọc, chê tôi viết sai ngữ pháp hoặc có những câu không có nghĩa gì cả. Nhưng đấy là tôi viết theo kiểu của tôi. Nhà văn viết hay có thể sáng tạo ra ngữ pháp. Chữ Việt của mình đơn âm, muốn làm giàu phải làm giàu bằng tiếng. Có nhiều người viết như ngựa chạy nhưng mà ít chữ lắm. Ngay từ hồi còn trẻ, tôi đã chủ trương không phân biệt tiếng Trung Nam Bắc, cứ hay là có thể đưa vào văn học được. Tôi đã từng đặt hẳn tên của một cuốn sách là O chuột. “O” ở đây là theo tiếng miền Nam... Nhưng đấy chỉ là cái cách của tôi thôi. Mỗi người có cái cách riêng của mình để thu hút bạn đọc. Như của Vũ Trọng Phụng thì câu kém, nhưng “hơi” văn thật tuyệt. Cái quan trọng hơn cả là phải chịu khó thu nhặt và chuyển hoá vào trong ngôn ngữ...
Yên Ba: Nhân nói đến chuyện từ ngữ, bác đã từng viết Dế mèn phiêu lưu ký, trẻ em rất thích. Nhưng bây giờ, trẻ em chỉ thích đọc truyện tranh, với những hình vẽ và từ ngữ cộc lốc. Bác nghĩ sao về hiện tượng này?
Tô Hoài: Tôi nghĩ là khó có thể so sánh một cuốn sách như Dế mèn phiêu lưu ký với những cuốn truyện tranh bây giờ. Trẻ em đọc sách cũng tự nhiên như ăn cơm vậy. Dù có năng khiếu hay sự cảm thụ văn chương hay không thì các cháu vẫn cứ đọc. Bởi vậy mà các nhà văn phải tìm cách khơi gợi ở các cháu sự cảm thụ cái đẹp qua ngôn ngữ văn chương.Tôi chỉ tiếc rằng giá như các nhà xuất bản có ý thức hơn, cho người viết lại những chuyện cổ tích cho các cháu đọc thì hay biết mấy. Tôi cũng biết rằng đó là một công việc khó khăn, tiền thì ít. Tôi chỉ cố gắng làm cái phần việc của mình thôi. Có 3 truyện cổ tích tôi thích nhất là sự tích về dưa hấu, chuyện Chử Đồng Tử và chuyện về Thục Phán An Dương Vương thì tôi cũng đều đã viết thành tiểu thuyết cả rồi, là Đảo hoang, Nhà Chử, Truyện nỏ thần. Truyện nỏ thần tôi còn định chuyển thành phim, nhưng không nhất trí được với bên làm phim. Tôi thì muốn Thục Phán cũng có những “khuyết điểm”, còn bên xưởng phim thì chỉ muốn đấy là một vị vua anh hùng thôi...
*
* *
Sau cuộc phỏng vấn dài, tôi còn nhiều dịp gặp ông, khi ở nhà ông trên phố Đoàn Nhữ Hài, khi tại nhà con gái ông trên Nghĩa Tân, Hà Nội. Ông ngồi trước mặt tôi, từ tốn, chậm rãi. Dấu vết của năm tháng chỉ hiện ra khi ông đi lại, hơi chậm chạp. Cặp mắt sáng tinh anh lấp lánh, mỗi khi ông cười khoé mắt lại nhăn nhăn. Thỉnh thoảng giữa câu chuyện, bắt được một ý thú vị, ông bật cười thật hồn nhiên, sảng khoái, nụ cười của một người đã nhìn thấy nhiều, quá nhiều điều trong cuộc đời. Có người bảo ông khôn, có lẽ là do nụ cười này đây. Chúng cuốn hút người ta, tưởng như đã bộc bạch tất cả mà lại thật kín đáo...
“Tôi là người tự học” - ông bảo tôi vậy. Học tất cả các thứ. Lấy sách vở, cuộc sống, lấy tất cả những gì diễn ra xung quanh mình làm chất liệu để học. Ông đã tự học tiếng Pháp, cũng không có ai ở Hội Nhà văn đã đi học Trường Đảng cao cấp ba năm như ông. Và hơn hết là học cách viết văn.
Người ta thường bảo văn ông Nguyễn Tuân khệnh khạng, văn ông Nguyên Hồng khắc khổ... Còn văn Tô Hoài thì sao? Một chút hóm hỉnh pha chút giễu cợt của con người ngoại ô biết hết những thói đời của dân thị thành; một chút ngu ngơ của người miền núi xuống đồng bằng, hồn nhiên, thấy cái gì cũng lạ, tin đấy mà cũng ngờ đấy...
Ít ai chăm chút câu văn như ông (ông dẫn lời Hemingway: nhà văn có thể nghĩ ra chủ đề, nghĩ ra cốt truyện, tạo ra nhân vật, nhưng chi tiết thì phải sống mới có được). Chi tiết trong văn ông cầu kỳ, rất đắt, chỉ những người đọc tinh mới biết rằng chủ nhân của chúng đã phải dụng công như thế nào. Cũng như câu văn của Hemingway, câu văn của ông thường thô, gọn (tôi ghét dùng chữ và vì nó bắt nguồn từ cách diễn đạt của tiếng Pháp - ông bảo thế).
Lối tổ chức làm việc và ghi chép của ông cũng riêng. Làm chủ nhiệm soạn thảo Đề cương văn hoá mới, một công trình lớn, ông chỉ có thêm trong biên chế ba người chính thức, còn lại là hợp đồng nghiên cứu. Ông là người có sức đọc ghê gớm, thượng vàng hạ cám cái gì cũng đọc, nhưng ghi không bao nhiêu. Đọc Kinh dịch vài trăm trang, ông chỉ ghi lại một câu; đi thực tế vài ba tháng, ông ghi lại đôi ba dòng những điều ông cho là cốt lõi và cần thiết. Ra đường phố, trong hàng quán, ông thường thu mình lại, quan sát, ghi nhớ. Đó là cách học của ông từ cuộc sống.
“Các nhà văn tuyệt đối phải học. Trên thế giới, hầu như chỉ có trường hợp Henri Charrière (tác giả Papillon - Người tù khổ sai-YB) là một ngoại lệ mà thôi” - ông nói thêm.
*
* *
Sau Dế mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài đã viết nhiều tác phẩm khác. Từ cái thuở Vợ chồng A Phủ (mà tiền nhuận bút khi chuyển thành kịch bản phim đủ để mua được hẳn một cái nhà), sau đấy, ông đã viết đủ thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tiểu luận, phê bình, tạp văn... Nhưng có lẽ “cái duyên Tô Hoài” nhất trong văn nghiệp của ông là những mảng hồi ức về cảnh, về người.
Ông đã từng viết Cỏ dại, Tự truyện để kể chuyện mình. Đến Cát bụi chân ai, người đọc thấy rõ một Tô Hoài lịch lãm, sắc sảo, lúc lơ mơ, lẩn mẩn, lúc lại chân thật đến tàn nhẫn. Đây là cuốn sách viết qua kỷ niệm. Có cảm tưởng những bạn văn, bạn đời, những việc văn, việc người như những lớp sóng lô xô tràn ra từ trong ký ức, không viết ra không được. Bao biến thiên thăng trầm của đời sống văn học Việt Nam, bao số phận, gương mặt những người - văn của một thời được nhà văn diễn đạt thật tài hoa. Ông cười mủm mỉm: “Có những việc mà tôi không viết ra thì sẽ không ai viết cả!”. Còn tôi thì nghĩ rằng nếu ông không viết thì sẽ có người khác viết ra, chỉ có điều là theo cái cách của họ. Mà những việc ấy, người ấy, ít ai có điều kiện và độ tin cậy để viết ra, hơn ông. Rồi sau đó là Chiều chiều, một cuốn tiểu thuyết-tự truyện nhuốm màu buồn bã...
*
* *
Một lần, ông nói: “Tôi là người ham làm việc”. Có lẽ không một ai nghi ngờ điều đó. Có người còn tỉ mẩn tính ra số đầu sách đã được in ra của ông lên đến hơn 160 cuốn, một con số thật đáng kinh ngạc. Thế nhưng đó cũng là điều dễ hiểu đối với một người chăm chút đến văn học như ông, lao động nghiêm túc, cần mẫn như ông và cũng đi nhiều như ông. Chân ông đã in dấu trên khắp mọi vùng của đất nước, tới nhiều góc của địa cầu. Và đến khi ông trở về với cát bụi, ông cũng còn để riêng lại trên một trăm sáu chục dấu chân trong nền văn học Việt Nam, những dấu chân Tô Hoài.
Nguồn Văn nghệ số 29/2021
Yên Ba (thực hiện)