Vào ngày chủ nhật 28 tháng 1 năm 2024 Phần Lan sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống. Khác với các cuộc bầu cử trước, lần bàu cử này, ngoài các cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng giữa các ứng cử viên, một cuộc “so tài” về khả năng cảm thụ văn học nước nhà đã được Thời báo Helsinki, tờ báo lớn nhất Phần Lan tiến hành. Cụ thể các ứng cử viên phải viết một bài luận thể hiện quan điểm của mình thông qua một tác phẩm văn học Phần Lan.
Dưới đây chúng tôi xin dịch bài viết của Pekka Haavisto ứng cử viên độc lập viết về cuốn tiểu thuyết được người Phần Lan yêu thích nhất trong cuộc bầu chọn nhân 100 năm thành lập nước Cộng hòa Phần Lan (1917-2017) - “Sinuhe, egyptiläinen” (1945). Đây là tiểu thuyết vừa được dịch ra tiếng Việt dưới tựa đề “Sinuhe, người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu” do First News Trí Việt & Nhà xuất bản Dân Trí xuất bản tháng 2 năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Phần Lan (1973 – 2023).
----
Ứng cử viên tổng thống Pekka Haavisto viết: Tiểu thuyết Sinuhe egyptiläinen[1] (1945) của Mika Waltari nhắc nhở chúng ta rằng dù các quốc gia gây hấn chiến tranh với nhau, và những người cai trị luôn thay đổi, nhưng nhân loại vẫn tồn tại. Không có gì mới dưới ánh mặt trời.
Pekka Haavisto và bìa nguyên bản tiểu thuyết Sinuhe egyptiläinen |
Trên bàn trong ngôi nhà phố Tunturi của Mika Waltari, bên cạnh chiếc ghế bành của tác giả là một hộp thuốc lá màu xanh lam có hình mũ sắt cánh chuồn của Celtic. Khi màn đêm buông xuống, ta có thể thấy đầu điếu thuốc Gauloises lóe sáng trong chiếc ghế bành trống rỗng của tác giả. Có thật vậy không? Tôi gọi cho cháu trai của Waltari, nhà văn Joel Elstela. "Không phải đâu."
Nhưng có lẽ không bao giờ chúng ta được biết chính xác Waltari đã thấy gì và chó sủa ra sao khi tác giả Sinuhe, người Ai Cập ngày này qua ngày khác ngồi trên sàn căn phòng áp mái ở Hartola, kể lại câu chuyện của mình vào mùa xuân năm 1945. Chiếc máy chữ hiệu Olivetti (hiện được trưng bày trong Bảo tàng Dân tộc Phần Lan ở Helsinki – ND) gõ liên tục và cuốn tiểu thuyết gần một nghìn trang được hoàn thành trong vòng ba tháng rưỡi.
Đầu tiên tôi biết đến Waltari không phải vì Sinuhe, người Ai Cập. Vào những năm 1920 nhà văn là công dân toàn cầu của Phần Lan, thành viên của nhóm Những người cầm đuốc. Tập thơ Valtatiet (Những xa lộ) của Olavi Paavolainen và Mika Waltari (xuất bản năm 1928) lúc bấy giờ hừng hực chủ nghĩa lãng mạn của các thành phố lớn với cần cẩu vươn lên trời cao, đèn xe xẻ đôi đường nhựa.
Trong những chuyến đi tàu hỏa xuyên châu lục đầu tiên của mình, tôi đã mang theo hai cuốn sách du lịch “Chuyến tàu của người cô đơn” và “Tôi rời Istanbul” của Waltari. Phải tới Đại Tây Dương, phải tới Biển Đen, phải đến Paris. Không chỉ để nhìn thế giới, mà còn để tích lũy kinh nghiệm và suy nghĩ, để mang điều gì đó về nhà.
Các điểm hành hương trong chuyến đi của tôi là hiệu sách văn học Anh - Mỹ nổi tiếng Shakespeare and Company ở Paris, là Trung tâm Pompidou mới được khánh thành năm 1977 – một loại thư viện và trung tâm văn hóa mới – hình mẫu mà thư viện Oodi được khai trương 40 năm sau ở Helsinki.
Thế hệ lớn lên trong những năm 1970 đã bị tách biệt khỏi thế hệ của những năm 1920 bởi một cuộc chiến tranh thế giới đã chia cắt châu Âu theo một cách mới. Nhưng ranh giới chia cắt đó bắt đầu vỡ dần. Trong tâm trí chúng ta Bức tường Berlin đã sụp đổ từ rất lâu trước khi những chiếc máy ủi tiến đến.
Trong thời chiến tranh thế giới đó, Waltari phục vụ trong Cơ quan Thông tin quốc gia. Thường thì công việc ở đây được coi là viết bài tuyên truyền chiến tranh. Nhưng tác phẩm “Sự thật về Estonia, Latvia và Lithuania” của Waltari, được xuất bản dưới tên Nauticus vào năm 1941, vẫn là một tác phẩm thú vị cho đến ngày nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu số phận của vùng Baltic và Phần Lan giống nhau?
Cuốn sách đã mô tả chính xác đến việc các nước vùng Baltic dần dần bị sáp nhập vào Liên Xô như thế nào. Một bài đọc đáng suy ngẫm cho những ai đang suy nghĩ về lịch sử và tương lai của khu vực Biển Baltic.
Sinuhe là một loại trải nghiệm khác. Để có được trải nghiệm đó ta không cần phải đi đâu. Một chiếc ghế bành thoải mái là đủ. Waltari cũng chưa bao giờ đến thăm Ai Cập. Lăng mộ của Tutankhamun được phát hiện vào năm 1922 bởi một cậu bé người Ai Cập, Hussein Abdel-Rasoul, khi đang gánh nước cho các nhà khảo cổ. Sau chiến tranh, từ ngôi mộ này và từ các bảo tàng Ai Cập, trong căn phòng áp mái tại Hartola, Waltari đã vẽ ra một thế giới mà chi tiết và độ chính xác của nó đã khiến mọi người bị chinh phục.
"Sinuhe, bạn của tôi, chúng ta đã được sinh ra vào một thời điểm lạ kỳ. Mọi thứ đều chuyển động và đổi thay hình dạng, giống như đất sét trên bàn xoay của người thợ gốm. Trang phục thay đổi, lời nói lẫn phong tục cũng thay đổi, và con người không còn tin vào các vị thần, mặc dù họ sợ hãi các vị.” (Lời Horemheb, bạn của Sinuhe và sau này trở thành Pharaon, nói với Sinuhe - ND)
Trên thế giới chiến tranh xảy ra với sức mạnh của sự thù hận.
Sinuhe là một bức tranh lịch sử bị che giấu của châu Âu thời hậu chiến. Là điểm 0, trên đống đổ nát của chiến tranh và ý tưởng. Là thế giới của những người bị chấn động và vô vọng.
"Không có quốc gia này dũng cảm hơn hay hèn nhát hơn, độc ác hơn hay đáng thương hơn, công bằng hơn hay bất công hơn quốc gia khác, mà tất cả các quốc gia đều có những vị anh hùng và những kẻ hèn nhát, người đúng và kẻ sai, ở Syria và Ai Cập cũng vậy. Vì thế bản thân người chỉ huy và người cai trị không thù ghét ai và không nhìn thấy sự khác biệt giữa các quốc gia, nhưng hận thù là một sức mạnh to lớn trong tay người chỉ huy, mạnh hơn vũ khí, bởi vì không có sự thù hận thì không có đủ sức mạnh trong tay để nâng cao vũ khí.”[2]
Chúng ta có thấy quen thuộc không? Thế giới đang chiến đấu với sức mạnh của sự thù hận. Waltari biết mình đang nói về điều gì vì đã trải qua những khoảnh khắc định mệnh của Thế chiến thứ hai.
Trải nghiệm sống đầy bi quan đã dần trở thành niềm an ủi với Sinuhe: “Tất cả trở về như cũ và không có gì mới dưới ánh nắng mặt trời, con người không thay đổi, dù quần áo thay đổi và ngôn ngữ của anh ta cũng thay đổi”.
Nhân loại bất biến, cuộc chiến và xung đột của thế giới tư tưởng, ghi chú của Nhà truyền giáo Kinh thánh. Người Phần Lan đã chọn Sinuhe người Ai Cập, tác phẩm đã tạo nên bước đột phá quốc tế, làm cuốn sách yêu thích nhất của mình.
Bản dịch tiếng Việt Sinuhe egyptiläinen |
Chiếc máy chữ của Waltari vẫn không ngừng nghỉ sau khi Sinuhe đến với bạn đọc. Các tiểu thuyết lịch sử Mikael Karvajalka và Mikael Hakim cũng như Johannes Angelos lần lượt ra đời, và cả Nuori Johannes tiểu thuyết được xuất bản sau tác giả qua đời. Mikael Hakim và Johannes Angelos xoay quanh trong thế giới giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Thật là một chủ đề độc đáo và thời sự trong thời điểm hiện nay.
Bằng ngòi bút của mình, Mika Waltari đã đưa Phần Lan lên bản đồ thế giới. Vào sinh nhật lần thứ 60 của mình, ông trở lại với giá trị sống chính của mình – tính nhân văn và lòng khoan dung. Ông nói về những điều lớn lao: kiểm soát vũ khí và xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Ông còn bổ sung thêm “sự phù phiếm đẹp đẽ” vào giá trị cuộc sống của mình - những điều nhỏ nhặt tạo nên niềm vui thường ngày trong cuộc sống của con người.
Waltari chỉ trích các hệ tư tưởng độc tài và việc sử dụng quyền lực cứng rắn. Ngay cả ý định tốt cũng có thể phản tác dụng.
Đối với Waltari, mối liên hệ với số phận của nhân loại rất chắc chắn: “Vì tôi, Sinuhe, là một con người và với tư cách một con người, tôi đã sống trong mỗi con người sinh trước tôi, và với tư cách một con người, tôi sẽ sống trong mỗi người sinh sau tôi. Tôi sống trong tiếng khóc và niềm vui của mỗi người, tôi sống trong nỗi buồn và nỗi sợ hãi, trong lòng tốt và sự xấu xa của họ, trong công lý và bất công, trong sự yếu hèn và mạnh mẽ.”
Cuộc sống diễn ra như thế. Và có lẽ ngay lúc này, trong căn phòng áp mái nào đó, nghe người kể chuyện ngồi bên mép giường, một nhà văn trẻ người Phần Lan nào đó đang viết câu chuyện của chính mình.
Pekka Haavisto, nguyên Bộ trưởng Môi trường, Hợp tác và Phát triển (1995-1999), Bộ trưởng phụ trách phát triển (2013-2014), Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan (6.2019 - 6.2023), Chủ tịch đảng Liên minh Xanh (1993-1995), Ứng cử viên Tổng thống thứ 13 của Phần Lan. Ông đã sang thăm Việt Nam vào tháng 12 năm 1995 với tư cách là Bộ trưởng Môi trường, Hợp tác và Phát triển, và vào dịp đó đã đến thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là ứng cử viên của Liên minh Xanh trong các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012 và 2018.
Việt Xuân dịch từ tiếng Phần Lan
Nguồn: https://www.hs.fi/mielipide/art-2000009988528.html
[1] Bản dịch tiếng Việt có tựa đề “Sinuhe người Ai Cập, Quyền lực và Tình yêu” (Võ Xuân Quế & Bùi Việt Hoa dịch), gồm 2 tập, do First News & Nhà xuất bản Dân trí, 2023.
[2] Những dòng in nghiêng trong ngoặc kép là trích nguyên văn trong tiểu thuyết “Sinuhe người Ai Cập, Quyền lực và Tình yêu” của Mika Waltari