Các họa sĩ và nhà sáng tạo truyện tranh Nhật Bản đang xem xét việc sử dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo AI, để đưa ra các đề xuất cho các bản thảo minh họa và cốt truyện, giúp quá trình sáng tác hiệu quả hơn.
(Ảnh: Chương mới của Black Jack có sự tham gia sáng tạo của AI)
2 năm trở lại đây, việc sử dụng AI vào quá trình sáng tác truyện tranh được các họa sĩ Hàn Quốc, Pháp… áp dụng khá nhiều. Tuy nhiên, với ngành truyện tranh Nhật Bản thì đây lại là câu chuyện mới, gây ra không ít tranh cãi.
Và việc một chương mới của Black Jack, bộ truyện tranh nổi tiếng của Osamu Tezuka, được tạo ra với sự trợ giúp của AI dự kiến sẽ sớm phát hành trong mùa thu này, càng khiến dư luận bàn luận sôi nổi hơn về việc ứng dụng công nghệ vào truyện tranh.
Từ dự án mới nhất trên, không ít người kỳ vọng rằng việc sử dụng AI sẽ khuyến khích công chúng, những người có ý tưởng sáng tạo nhưng thiếu kỹ năng viết và vẽ kỹ thuật, có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật của riêng họ. Đồng thời điều này cũng giúp ích cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp sáng tạo hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các họa sĩ truyện tranh vẫn tỏ ra khá thận trọng trong vấn đề dùng AI. Bởi bản thân họ đều hiểu chỉ có thể tận dụng những lợi thế của AI trong một công đoạn, chẳng hạn như đưa ra các gợi ý về cốt truyện, cũng như tạo ra các thiết kế nhân vật và đối thoại từ các gợi ý do người sáng tạo đề xuất.
Makoto Tezuka, con trai của cố họa sĩ truyện tranh Nhật Bản Osamu Tezuka |
Makoto Tezuka, con trai lớn của Osamu Tezuka và là giám đốc của Tezuka Productions (đơn vị tham gia sáng tạo nội dung chương mới của Black Jack) cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng dù chúng tôi sử dụng AI đến đâu, nó cũng sẽ không tạo ra sản phẩm cuối cùng vượt trội so với tác phẩm gốc của Osamu Tezuka. AI chỉ là một công cụ và điều quan trọng là cách mọi người sử dụng nó. Những người khác nhau sẽ sử dụng nó theo những cách độc đáo của riêng họ, theo phong cách của họ”.
AI vẫn đang gặp khó khăn trong việc bắt chước một số điểm trong thế giới hư cấu, và cốt truyện được tạo ra bởi quá trình sáng tạo của con người. Mặc khác, các họa sĩ cũng lo ngại về khả năng vi phạm bản quyền của AI, do các công nghệ thường sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ từ Internet.
Một cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 5 cho thấy 93,8% trong số 27.000 người được hỏi, bao gồm cả họa sĩ, nhiếp ảnh gia và nhà văn, lo lắng về vấn nạn vi phạm bản quyền, trong khi 58,5% bày tỏ lo ngại về việc mất việc làm khi AI được sử dụng rộng rãi.
Nhiều người cũng chỉ ra các trang web bất hợp pháp lưu trữ các tác phẩm có bản quyền chưa, hoặc không có sự đồng ý của tác giả, đã được các nhà phát triển sử dụng làm tài liệu nguồn, để tạo ra các mô hình AI của họ.
Hương Chung (theo Kyodo)
Nguồn PNO