Tôi gặp Triệu Bôn lần đầu vào năm 1978 ở Trại sáng tác văn học Quân khu 5. Anh là biên tập viên văn xuôi ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Lần ấy, anh vào Nam Bộ lấy tài liệu sáng tác. Khi quay về, ghé qua thăm trại viết chúng tôi. Gặp tôi anh bảo:
- Cái truyện Mùa mưa cậu gởi ra Văn nghệ quân đội, mình đọc thú lắm. Mình đã đưa anh Xuân Sách, thư ký tòa soạn. Nhưng có một biên tập viên khác không đồng ý, nói truyện gì không ra truyện, như bài thơ nên các ảnh dừng lại. Cậu thông cảm. Văn chương mà, mỗi người một quan niệm. Cậu cho tôi truyện khác…
Thế là tôi đưa truyện Vợ chồng người lính cho anh. Truyện đó được in vào đầu năm 1979. Năm 1980, tôi ra Hà Nội, làm biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân đội thì Triệu Bôn chuyển sang Ban sáng tác. Chúng tôi chơi với nhau khá thân. Nhưng chỉ gặp nhau vào buổi tối, cùng ngồi uống trà, hút thuốc, chuyện gẫu còn ban ngày để anh sáng tác.
Trên đời, tôi chưa thấy ai sáng tác khổ như Triệu Bôn. Anh như đánh vật với từng trang bản thảo. Ăn sáng xong, anh vào phòng đóng cửa lại, cởi trần, quần cộc (mùa hè) và ngồi viết. Thỉnh thoảng nghe anh bật máy lửa xành xạch để hút thuốc. Khi anh mở cửa giải lao, tôi gặp một khuôn mặt phờ phạc, mệt mỏi. Lúc đó, chúng tôi không dám trao đổi, đùa cợt gì, để anh đi lại lo việc của mình. Tôi thấy anh viết chật vật, khó khăn. Nhìn Triệu Bôn viết có lẽ ai cũng sợ nghề văn. Có lần anh bảo:
- Mình như thằng lính trận, đánh vật với từng trang bản thảo. Một lúc mình viết mấy quyển liền. Để tắc quyển này, viết sang quyển khác. Mình sống với anh em chiến sĩ nhiều nhưng viết chưa được bao nhiêu, mình nóng lòng nóng dạ lắm.
- Dẫu thế anh vẫn phải thư thái mới viết được chứ - Tôi bảo.
![]() |
Nhà văn Triệu Bôn (bên phải) và tác giả ở đền thờ Chử Đồng Tử bên bờ sông Hồng, đầu năm 2000. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Anh thật thà:
- Mình không có tài như người khác. Mình chỉ có khả năng viết, cố lấy cần cù bù thông minh thôi. Nên mình viết nhọc nhằn lắm.
Khoảng năm 1982, Triệu Bôn nói với tôi:
- Mình ở quân đội nhiều rồi. Nay anh em văn nghệ Hà Nội rủ mình ra ngoài. Mình sẽ đi, mấy ông ở lại cố làm tạp chí nhé.
Chuyển sang dân sự nhưng Triệu Bôn vẫn sống như trong quân ngũ: 1 phòng nhỏ, 1 giường cá nhân, 1 bàn viết thấp tè trên đó chồng chất sách vở, giấy viết, một bao thuốc rê, dưới lòng bàn là bộ ấm chèn trà, do lâu ngày không rửa cả ấm chén đều vàng khè. Thỉnh thoảng tôi đến chơi vẫn gặp dáng anh mệt mỏi, lừ đừ vì đang đánh vật với trang viết.
Năm 1983, tôi rời Văn nghệ quân đội về công tác ở Đà Nẵng. Triệu Bôn vẫn thường xuyên liên lạc thư từ với tôi. Anh gửi liên tục cho tôi những quyển sách anh mới in: Rừng lá đỏ, Tiểu đoàn trong vòng vây, Đèo mưa bay… với lời đề tặng “Tặng Thanh Quế thân yêu, quyển sách mình viết thật cực nhọc…”
Vào Đại hội IV hay V gì đó của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi ra họp, gặp anh, lúc này anh đã là Tổng biên tập tạp chí Du lịch Việt Nam. Tôi đùa:
- Sang làm tạp chí Du lịch tha hồ ăn chơi nhảy múa nhé.
Anh nói nhăn nhó:
- Khốn lắm cậu ơi, tớ bị bệnh nhũn não, tưởng ngoẻo rồi. Bệnh viện chịu thua. May có thằng em bộ đội hồi ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, nay về Tuyên Quang. Nghe tin mình đau, nó mang một gùi lá thuốc xuống sắc cho mình uống, nay mới đỡ đỡ đây. Bây giờ mình chạy đua với thần chết để viết tiếp, bởi nợ nần với bà con, với các chiến sĩ ở nhiều nơi chưa trả được.
Nói xong, anh im lặng, buồn. Vốn có nước da đen, trông anh càng đen đủi hơn, dáng lừ khừ xưa nay càng có vẻ lừ khừ hơn. Một nhà văn nói nhỏ với tôi:
- Dù có dát vàng đầy người, dù có làm tới chức gì, thằng Triệu Bôn cũng không thoát khỏi dáng dấp một anh nông dân. Nó viết như cày ruộng vậy…
*
Triệu Bôn tên thật là Lê Văn Sửu sinh ngày 18-1-1938 ở Đồng Thanh, Đông Sơn, Thanh Hóa. Thuở nhỏ anh học ở trường làng. Năm 14 tuổi, anh đã đi thanh niên xung phong. Từ năm 1954-1956 anh là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 246. Năm 1963, Quân đội cho anh học Đại học sư phạm Vinh để ra dạy học trong quân đội. Nhưng Triệu Bôn lại thích đi làm nghề báo. Anh được vào làm báo Quân khu Việt Bắc. Trong thời gian này, anh tập làm thơ ký tên thật Lê Văn Sửu. Những bài thơ của anh chìm vào trong những bài thơ ca ngợi Tổ quốc, căm thù giặc chung chung thời bấy giờ. Tuy vậy, thơ vẫn là cái bước khởi đầu cho chàng trai này tiếp cận với văn học. Nhờ làm báo, đi nhiều, biết được nhiều việc, anh thử viết truyện. Đến năm 1965, anh in tập Việt Bắc chống Mỹ. Tập truyện đầu tay chưa có tiếng vang nhưng được các nhà văn đàn anh ở tạp chí Văn nghệ Quân đội nâng đỡ, khuyến khích, đưa anh về dự lớp bồi dưỡng khóa 2 của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong thời gian ở đây, năm 1969, anh cho đăng truyện Đường chân trời trên tạp chí Tác phẩm mới với tên Triệu Bôn. Truyện đã được bạn đọc chú ý. Năm 1970, anh đi thực tế chiến trường ở Đường 9, Nam Lào rồi vào dần Nam Bộ. Trước khi đi, khi còn luyện tập ở miền Bắc, anh bị thấp khớp, nên đêm nào cũng nấu nước lá tre ngâm chân, giấu không cho y tế biết để không bị giữ lại. Bây giờ, với tư cách phóng viên chiến trường và tư cách một nhà văn anh bắt đầu có ý thức về nghề viết. Không còn con đường lui nữa, chỉ có tiến lên phía trước và anh lao về phía trước để sáng tác như một chiến sĩ ra mặt trận. Anh lội khắp miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Anh có quan niệm là: trang viết của mình phải trung thực với cuộc chiến đấu, không cường điệu, tô hồng, thái quá. Nên anh hay đi thực tế, sống cuộc sống thực của người chiến sĩ để từ đó đưa vào trang viết. Người đọc dễ dàng tin vào những trang viết của anh. Có một lần, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, từ cơ quan, anh nghe tin địch không thi hành Hiệp định mà lấn chiếm nhiều vùng giải phóng, còn ta chủ trương phải thi hành Hiệp định nên không đánh lại chúng, để nhiều vùng đất bị mất, nhiều chiến sĩ hy sinh. Nhưng có một nơi, quân dân ta kiên quyết chống địch lấn chiếm. Anh mang bòng lội xuống đó cùng các chiến sĩ đánh địch. Từ hiện thực ấy, anh viết truyện Rạng sáng, báo cho mọi người biết rằng, không có hòa bình, địch đánh ta thì ta đánh lại… Điều đó có vẻ sai với chủ trương “địch lấn mà không chiếm” của cấp trên, nên khi anh gửi truyện này về, cơ quan không dám in. Mãi sau này, ta chỉnh đốn lại, truyện mới được in…
Sau chiến tranh, anh về làm trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Thời gian này, anh vừa viết vừa sửa lại những truyện đã phác thảo trong chiến tranh để đưa vào các tập Rừng lá đỏ, Rạng sáng… Khi tôi ra công tác ở Văn nghệ quân đội, anh viết Tiểu đoàn trong vòng vây, Gã đau đời… Sau đó chuyển ngành, anh tiếp tục viết hàng loạt quyển: Một phút và nửa đời người (1986), Sao chiếu mệnh bay lạc (1990), Kẻ trọng tội (1995), Truyện ngắn Triệu Bôn (2002), Ngồi một chỗ thấy ngoài nghìn dặm (2002), quyển sách này có lẽ là cuốn sách cuối cùng của anh.
Triệu Bôn đã được giải thưởng văn học của Tổng cục Chính trị với tập Mầm sống, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội với tập Ngồi một chỗ thấy ngoài nghìn dặm (2002) và giải thưởng Nhà nước (2012).Triệu Bôn viết nhiều đề tài nhưng chủ yếu là đề tài chiến tranh cách mạng. Hầu như những tác phẩm quan trọng của anh đều diễn tả những người lính với những trang đầy không khí khói lửa, đậm chất bi hùng. Người lính của anh là những người đứng ở mũi nhọn, đầu sóng ngọn gió của cuộc chiến đấu với những thử thách vô cùng khốc liệt. Từ đó, ta thấy rõ phẩm chất anh hùng, nghị lực vượt lên khó khăn, ác liệt và niềm tin về ngày mai tất thắng của họ. Nhiều chi tiết và tính cách nhân vật trong truyện của anh hết sức phi thường, táo bạo và quyết liệt như người con gái dùng hai cánh tay mình để nối với dây điện đã đứt cho mạch thông (Bạn bè). Người chiến sĩ dám nói thẳng với cấp trên: Chúng ta không có hòa bình, giặc lấn ta phải đánh (Rạng sáng). Một cán bộ bị thương, không giao quyền cho cấp phó mà giao cho một người dưới cấp. Khi lãnh đạo hỏi lý do:
- Tại sao anh không đưa cậu Vũ (cấp phó) lên? Anh không sợ mang tiếng thiên vị sao?
Anh đáp:
- Thưa đồng chí Thiếu tướng, nếu tôi làm đúng thì tôi không sợ gì cả? Theo tôi, đồng chí Thịnh có bản lĩnh chỉ huy tốt hơn đồng chí Vũ mặc dù cả cấp lẫn chức đồng chí Vũ đều hơn đồng chí Thịnh (Đèo mưa bay).
Đọc văn Triệu Bôn, người ta thấy sự dữ dội, quyết liệt nên có người cho rằng văn anh cứng quá, thiếu cái mượt mà, bay bổng. Nhưng đọc kỹ, ta thấy văn anh rất hợp với cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt và căng thẳng. Càng đọc kỹ, ta càng thấy rõ tấm lòng nhân hậu của tác giả. Anh yêu thương, đau xót trước nỗi đau, mất mát của nhân dân và đồng đội một cách cứng cỏi, như để nước mắt lặn vào trong. Những tác phẩm hay nhất của anh: Các truyện Mầm sống, Đường chân trời, Rạng sáng… tiểu thuyết Tiểu đoàn trong vòng vây, Đèo mưa bay… đều mang phẩm chất ấy. Điều đó phù hợp với con người anh: một người có vẻ khô khan, ít nói nhưng giàu lòng tin yêu, giúp đỡ mọi người. Anh không bao giờ quên những đồng đội trong chiến tranh, những bà má từng nuôi mình một thuở. Có lần anh nói với tôi, giọng xúc động:
- Mình vừa làm một chuyến đi vào Nam thăm mộ bạn bè, thăm những bà má đùm bọc, nuôi giấu mình trong những năm chiến tranh. Cảm động lắm ông ơi.
Một lần khác anh nói:
- Mình vừa đi uống vài chén với mấy đứa bộ đội miền Đông, bây giờ giải ngũ tận Cao Bằng xuống chơi…
Tôi nhớ có một lần, hình như là gần Đại hội Nhà văn. Anh bảo chúng nó sắp làm lại kỷ yếu, bảo mình viết về nghề, mình viết mấy dòng, ông xem thử:
“Tôi là một trong muôn vạn cuộc đời lớn lên trong quân ngũ và ở chiến trường. Chính sách của Nhà nước và quân đội còn có chỗ đáng bàn nhưng nhìn chung không thể nói khác được, Cách mạng và Quân đội là mối ân sâu nghĩa nặng đối với tôi, trọn đời tôi dành tình yêu thương kính trọng cho những người lính chiến đấu vì nhân dân, Tổ quốc.
Tôi cam phận suốt đời nghèo để có một cuộc đời văn chương. Nhưng phải thú nhận rằng cái nghèo đã và đang tác động rất nguy hại đến công việc sáng tạo các tác phẩm. Tôi cảm thấy tôi chưa viết được cái gì tương xứng với ước mơ và ý định của mình” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ 4, NXB Hội Nhà văn 2010)
Và Triệu Bôn lại lao vào viết, chạy đua với căn bệnh vừa trở lại. Anh chỉ dừng bút vào ngày 7-9-2003, khi thần chết đuổi kịp anh…
Báo Văn nghệ số 30/2016