Một trong những điều mà tôi thấy thú vị nhất ở Tây Nguyên bây giờ là chuyện người ta đưa người dân lên vùng biên làm việc, sinh sống, để rồi từ nơi đây, vùng trắng dân thuở nào, cuộc sống đã sinh sôi và phát triển thần kì, 15 năm bằng 30 năm nơi khác. Một vùng dân cư được hình thành dọc vành đai biên giới, và thế là mỗi người dân đều trở thành một cột mốc sống, mang theo bao câu chuyện thú vị, đặc biệt khác: một miền đất mà ngoài rừng nguyên sinh, suối sông núi đồi ra, thì cái gì cũng… trẻ, cũng khác với rất nhiều miền đất khác trên cả nước.
![]() | ||
|
15 năm trước, nơi đây còn là vùng trắng dân, ngoài lực lượng biên phòng thì không người dân thường nào sinh sống. Một đội quân gồm 34 chàng lính trẻ đặt những bước chân đầu tiên khai hoang mảnh đất này. Tây Nguyên thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 trở về trước đã trải qua những tháng năm chiến tranh, thiên nhiên bị tàn phá, và khí hậu thì khắc nghiệt. Nói thì người ta bảo khổ lắm nói mãi, cơ mà không nói thì lại thiếu, rằng nơi đây chỉ hai mùa mưa nắng, mà dù mùa nắng hay mùa mưa thì đều san sát mức cực đoan cả. Đại úy chuyên nghiệp Lê Văn Bình, một chàng trai xứ Nghệ, 15 năm trước anh cùng 33 chàng lính trẻ cắm mốc ở đây đã được thiên nhiên “ưu đãi” bằng một mùa mưa đặc biệt kéo dài hơn 3 tháng trời, 125 ngày liên tục bị cô lập, không có người vào thăm. Mùa mưa đầu tiên đó, 34 chàng lính trẻ đều biến thành… người rừng. Năm 2009, nơi rừng sâu biên giới, họ chỉ dùng điện máy nổ. Điện thoại không phải ai cũng có, mà người nào có thì cũng ít dùng được, vì sóng điện thoại chỉ có ở… cây chanh gần bể nước. Họ treo điện thoại của mình ở cây chanh. Mỗi khi các chàng gọi điện “tán gái” thì chỉ có thể đứng chân ở gốc chanh. Đang nói chuyện say sưa với bạn gái, ai đó trêu đùa, xô người nhích khỏi “vị trí” là mất sóng. Cây chanh cũng khốn khổ, vì trong lúc nói chuyện với người yêu, các chàng vặt trụi hết lá của nó.
Bây giờ, Bình là một trong những chàng trai năm ấy còn trụ lại và tiếp tục “bồi dưỡng” những lớp công nhân mới trên mảnh đất này, Ia H’Drai. La H’Drai được mệnh danh là huyện biên giới đầy nắng và gió, là huyện trẻ nhất tỉnh Kon Tum, mới được thành lập 10 năm trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy. Toàn huyện có 3 xã: Ia Đal, Ia Dom và Ia Tơi, với hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Chi nhánh 716 của Tổng công ty 15 (Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng) đã đứng chân trên địa bàn này, tiếp nhận dân số và cả những “vườn cây của đơn vị” dọc vành đai biên giới. Từ đây hình thành những vườn cây trẻ nhất, những trường mầm non và các điểm trường trẻ nhất, những gia đình trẻ nhất... Nói đến các điểm trường trẻ nhất, những gia đình trẻ nhất, thậm chí cả những thầy cô giáo những “bảo mẫu” trẻ nhất là nói đến những trường hợp đặc biệt, khó mà thấy được ở những nơi khác ngoài Ia H’Drai.
Hôm ấy, sau cuộc chuyện trò thú vị, tôi nói muốn chụp một bức ảnh Hải đang làm công việc thường ngày. Hải vui vẻ nhận lời, rồi nhanh nhẹn bước chân vào khu kí túc dành cho các học sinh nội trú, bán trú. Vừa thấy Hải, ngay lập tức lũ trẻ nhao nhao “Chú Hải ơi! Chú Hải ơi!” Đó là chúng “tố” đám bạn mải chơi, vi phạm nội quy kí túc. Thấy tôi tròn mắt nhìn chiếc ghế - giường đặt ở giữa phòng, hai bên là hai dãy giường tầng của nam, nữ học sinh, Hải cười, giải thích: “Đây là ghế của em, em phải nằm ở đây để canh chúng nó.”
![]() |
Ngoài chăm sóc dạy dỗ trẻ, hai cô giáo còn kiêm nhiệm nhiều công việc như bảo vệ, vệ sinh cảnh quan trường và lớp học. |
Chuyện này chắc khó tin với những ai chưa từng đến thăm những trường học có khu kí túc dành cho các bạn nhỏ như thế này. Bởi ở vùng cao, vùng sâu như huyện Ia H’Drai của Tây Nguyên đại ngàn, phần lớn trẻ em từ khi kết thúc mẫu giáo, lên lớp 1 đã phải sống trong kí túc, học tập và sinh hoạt xa gia đình. Ở đó, người hiểu các em nhất, biết rõ thể trạng của các em nhất không phải cha mẹ các em, mà là những thầy cô giáo, trong đó có những người phụ trách đặc biệt như Hải. Mười năm trước tôi đã từng có chuyến đi vào sâu trong vùng đất biên giới phía Bắc, nơi cũng có những trường học với các khu nội trú đặc biệt, mà học sinh ở đó phải đi học nội trú từ khi còn rất nhỏ tuổi. Các cháu tự ăn, tự học, tự chăm sóc bản thân và chăm sóc lẫn nhau, trong khi học sinh thành phố tận mười bảy, mười tám tuổi vẫn có cháu được cha mẹ bưng cơm tận tay, nhắc ăn từng miếng. Tuy nhiên, khi thấy Hải bị đám học sinh “quây”, và nghe anh nhắc nhở các cháu nghỉ ngơi chuẩn bị cho giờ học buổi chiều, tôi vẫn không thôi… ngạc nhiên.
Hà Ngọc Hải người Nghệ An, là một quân y, được đơn vị là Chi nhánh 716 của Binh đoàn 15 cử về quản lí, chăm sóc bảo đảm việc ăn, nghỉ, sinh hoạt, học tập của gần 200 em học sinh là con em người lao động và nhân dân trên địa bàn học bán trú tại Trường TH-THCS Hùng Vương ở trung tâm xã Ia Dal, huyện Ia’ Hdrai, tỉnh Kon Tum. Ở đây, trong phạm vi quản lí của chi nhánh 716, ngoài trường Hùng Vương dành cho các trẻ từ lớp 3 trở lên học tập, còn có trường Mầm non MB - 716 cùng 11 điểm trường khác.
Không hẹn mà gặp, tôi đứng trước khúc sông Sa Thầy (trên bản đồ vệ tinh, nó tên là Prek Sathay) trước khi đổ vào đường biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia. Sa Thầy là phụ lưu bờ bắc của sông Sê San, bắt nguồn từ xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, rồi chảy qua các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy của tỉnh Kon Tum. Tại Ia H’Drai, sông chảy theo biên giới quốc gia trước khi nhập vào sông Sê San, để rồi dòng sông lớn này tiếp tục chảy theo đường biên giới cho đến trước khi chia tay nước Việt Nam ở Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai của Việt Nam và hòa vào dòng Mê Kông hùng vĩ, trở lại nước Việt ở các nhánh Cửu Long. Những dòng sông, dòng suối là ranh giới tự nhiên giữa hai quốc gia không phải hiếm, thậm chí có con sông lớn ở châu Âu thay đổi dòng chảy đã gây ra những rắc rối về đường biên giới quốc gia.
Cuối năm 2024, những rừng cao su ở dọc đường biên đã lác đác nhuốm vàng, nhuốm đỏ, chuẩn bị cho mùa thay lá mới. Sau hơn 120 năm được trồng thành công trên đất Việt Nam, cao su cũng giống như các loài cây trồng chủ lực khác, là có nhiều giống, từ xuất xứ nước ngoài cho đến các giống cây được nghiên cứu và phát triển bởi Viện nghiên cứu cao su Việt Nam. Nhưng dù là giống cao su nào, với các ưu nhược điểm khác nhau, thì phần lớn cao su sẽ thay lá vào dịp cuối năm, thời tiết se lạnh, để có những rừng cao su mùa thay lá tuyệt đẹp, như trong các thước phim nghệ thuật.
Nhìn từ trên bản đồ vệ tinh, màu xanh của sông Sa Thầy hòa cùng màu xanh của một vùng rộng lớn. Cao su đó, loài cây mà thế hệ trẻ em sinh sau 1975 thường được học ở nhà trường câu ca: Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng khi về bủng beo. Những từ ngữ như “đồn điền”, “phu cao su”… quả thực gây ám ảnh cho tôi một thời gian khá dài. Tới nỗi, khi lần đầu chạm tay vào một thân cây trong vườn cao su trải rộng mênh mông, tôi không thể không nhớ đến những câu ca ám ảnh kia… Và tôi cũng không ngờ rằng đón đợi tôi còn là những câu chuyện lạ, khó mà có ở những nơi khác không đặc thù như nơi này. Đó là câu chuyện những trường mầm non gần như hoạt động suốt ngày đêm, và chỉ được nghỉ ngơi vào mùa ngừng thu mủ cao su.
Ở Tây Nguyên, cao su được mệnh danh là “cây xóa đói giảm nghèo”, có đặc tính cho mủ chất lượng tốt nhất về đêm. Vì thế, có nơi công nhân bắt đầu làm việc cạo mủ vào lúc 19h tối, có nơi lại 24h đêm. Và để có thể an tâm làm việc, họ sẽ gửi con nhỏ của mình cho trường mẫu giáo. Thế là ở các trường mẫu giáo, các cô đón trẻ từ 19h tối, thậm chí quãng 23h đêm là chuyện… bình thường. Lẽ dĩ nhiên, trẻ nhỏ khi được gửi vào giờ đó thì chỉ có… ngủ thôi. Ngủ là hạnh phúc trẻ thơ, hạnh phúc hơn là ngủ trong vòng tay cha mẹ, vậy mà với các bé ở đây, đến giờ ngủ thì được đưa đến trường. Đó chẳng phải là một thiệt thòi hay sao? Thì thế, nhưng may mắn, các cô giáo ở các điểm trường cũng giống như anh bảo mẫu Hà Ngọc Hải, họ đều tận tâm với công việc, coi sự khác thường ở đây là một sự bình thường.
Chính từ nơi sông Sa Thầy chảy vào đường biên giới quốc gia, tôi đã lại được đi tiếp một chặng dài dọc theo đường biên, dừng chân ở Đội 8 của chi nhánh 716 để gặp Thủy, song Thủy mới đúng, hai cô giáo tên Thủy đang chịu trách nhiệm chăm sóc 18 trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi ở điểm trường này. Trẻ được gửi từ 18h giờ chiều, đến 24h đêm thì được đón về. 5h sáng lại gửi, 9,10h sáng lại đón về. Một ngày ở đây phụ huynh mấy lần đi gửi trẻ, còn cô giáo thì cũng ngần đó lần đón trẻ. Một ngày làm việc của cô giáo Nguyễn Thị Thủy là từ 6 giờ chiều hôm trước đến 8,9h sáng hôm sau, về ăn cơm, xong lại chạy lên trường. Nhà cô giáo Thủy ở cách trường vài chục bước chân, chính vì thế, cô tranh thủ cơm nước cho chồng con xong là chạy ngay đến… cơ quan làm việc.
Giống như bao điểm trường đặc biệt vùng biên cương này, rào cản lớn của các cô giáo là ngôn ngữ của trẻ. Hầu như điểm trường nào cũng có khoảng 16, 18 đến 22 thành phần các dân tộc thiểu số khác nhau. Mỗi dân tộc một ngôn ngữ riêng. Vì thế, để hòa nhập được với lớp, có thể giao tiếp với cô giáo, trẻ phải học tiếng phổ thông, và không phải trẻ nào cũng được cha mẹ hỗ trợ học tiếng phổ thông, nên các cô giáo đều phải giao tiếp bằng khẩu hình, bằng tay. Để cô trò có thể “giao tiếp” ổn thỏa, cần mất thời gian cho… cả hai. Trẻ cần học tiếng phổ thông để có thể giao tiếp cơ bản với cô giáo và bè bạn (những đứa trẻ cũng có thể phải học tới hơn ba… ngoại ngữ như mình). Vì thế, có thể nói trẻ em ở đây biết nhiều ngoại ngữ hơn bạn bè cùng lứa ở miền xuôi, thành phố, vì chúng phải giỏi tiếng mẹ đẻ, giỏi tiếng phổ thông, giỏi cả tiếng dân tộc khác, và có thể phải học cả tiếng Anh, nếu học cao hơn.
Nếu nói một đứa trẻ nơi đây ảnh hưởng từ các cô giáo mầm non nhiều hơn cha mẹ cũng không phải quá lời. 20h tối, trên đường đến thăm điểm trường chính, trường mầm non MB - 716 tôi bất ngờ khi thấy trên đường có một… con gà đang tha thẩn kiếm ăn. Vậy đó, cuộc sống nơi đây dường như khi mặt trời lặn mới bắt đầu. Bởi sau khi mặt trời lặn, sau bữa cơm tối, là người dân đưa trẻ đến trường, bắt đầu ngày làm việc. Trong những cánh rừng tối đen dưới những hạt sao trời lấp lánh, là thấp thoáng những ánh đèn của công nhân cạo mủ đêm. Trên đường vào khu dân cư, tôi thấy gia cầm, vật nuôi ở đây có vẻ quá quen với việc ngày cũng như đêm của chúng. Còn ở các điểm trường, lũ trẻ được các cô giáo ru ngủ. Chi nhánh 716 đứng chân trên địa bàn của huyện mới nhất tỉnh, tất cả đều rất mới và rất trẻ. Các gia đình công nhân đều là những tổ ấm mới xây, nhiều cặp cha mẹ thậm chí còn quá trẻ, lại sống ở vùng sâu vùng xa, họ thậm chí còn chưa biết chăm sóc con nhỏ một cách cơ bản nhất, nên các cô giáo ở các điểm trường nói chung thường kiêm luôn các vai trò chính: dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc cả thể chất, tinh thần và nói không quá thì hình thành nhân cách của trẻ ảnh hưởng chính không phải là cha mẹ. Các cô vừa làm cô vừa làm mẹ, trò/con được các cô chăm sóc, dạy dỗ từng chút một. Vì thế, các cô luôn cố gắng để trở thành hình mẫu tốt nhất của trẻ trong những năm đầu đời.
Bình thường, trẻ khỏe mạnh không sao, khi trẻ ốm, các cô vất vả trăm bề. Nhất là hôm nào được tiêm phòng, trẻ sốt khóc đồng loạt, các cô tất bật chăm dỗ. Vất vả, khó khăn, nhưng ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính là trông giữ trẻ, các cô giáo ở các điểm trường đều phải thực hiện tốt việc dạy học, đảm bảo nền tảng cơ bản cho tất cả trẻ trước thềm lớp 1, mà dưới xuôi người ta vẫn dùng cụm từ “tiền tiểu học”.
Quả thật, tôi chưa từng thấy ở nơi đâu mà thầy cô giáo lại phải giữ nhiều vai trò như thế trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ. Thế là tôi lại nhớ đến câu chuyện của Hải, như đã kể. Hà Ngọc Hải cũng như nhiều cán bộ, công nhân khác của chi nhánh, gắn bó với mảnh đất này từ khi còn chưa kết hôn, từ khi trường Hùng Vương mới chỉ có 32 học sinh theo học cho đến nay. Ở Tây Nguyên, có khi một xã có diện tích rộng bằng cả huyện, tỉnh dưới đồng bằng chứ không đùa. Thế nên, gọi là cùng trong phạm vi xã, nhưng phần lớn các cháu đều phải đi học xa nhà, không ít cháu phải đi 40km từ nhà đến trường. Từ khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, như điện nước không có, đến các công trình và tiện nghi khang trang như hôm nay, thì Hải luôn phải “quay mòng mòng”, cứ đến “mùa học” thì Hải được điều động sang trường, hè đến là lại điều động sang các công việc khác nhau. Đến mức Hải trở thành một “bảo mẫu” chuyên nghiệp, chăm sóc các cháu cũng được sự tin tưởng của ban giám đốc và phụ huynh, làm tròn nhiệm vụ được giao. Bây giờ nhà trường đã có những lớp 1, 2 ở các điểm thôn, lớp 3 mới lên học ở trường Hùng Vương. Hải kể, ngày trước (cách nay 10 năm) trẻ học mầm non xong là lên lớp 1, thế là người ta giao cho Hải trông nom các cháu đến cuối tuần mới đón. Khổ trăm bề, nhất là các cháu nhớ cha mẹ, không chỉ khóc thôi đâu, còn trốn về, làm anh cả đêm mất ngủ để đi tìm. Trường hợp cá biệt mà Hải nhớ đời nhất là một cậu bé được cha mẹ gửi đi học. Dù đã được làm công tác tâm lí đâu vào đấy rồi, nhưng cậu luôn gây cho Hải những khó khăn đặc biệt. Nhiều hôm tan học là cậu bé xách cặp đi luôn, là quyết tâm đi bộ 40km để về nhà với mẹ.
Không ít lần sau bữa cơm, đến giờ đi ngủ, Hải điểm danh thì không thấy cậu bé đâu, lại cuống cuồng lên xe chạy đi tìm, rồi nhờ dân quân, công an, mọi người trợ giúp. Có lần, khi được tìm thấy, cậu bé đã đi bộ được 7km. Cậu bé này mới học lớp 1 nhưng rất biết tính toán, không đi đường chính mà men theo lô cao su để đi. Khi bị tìm thấy, trên đường quay lại trường, cậu còn “bày trò”: “Chú ơi, cháu rớt dép rồi.” Hải dừng xe lại để tìm dép thì cậu bé lại… bỏ chạy. Chao ôi, tôi hình dung cuộc rượt đuổi giữa ông chú bảo mẫu và cậu học trò thông minh lắm chiêu mà vừa cười vừa… nể. Bây giờ, việc các cháu trốn ra ngoài khiến Hải phải băm bổ đi tìm cũng không phải hiếm. Có cháu thì “lừa” chú, đang ngủ đòi đi vệ sinh, đẩy ông chú vào thế khó xử: không cho đi vệ sinh thì không được, mà cho đi thì chỉ sợ cháu lại trốn mất, bắt buộc lại phải… đi theo.
![]() |
Minh họa Đỗ Dũng |
Cuối cùng thì tôi đã hiểu vì sao Hải lại có chiếc ghế kiểu… giường đặt ở giữa hai dãy giường học sinh trong kí túc. Trách nhiệm nặng nề lắm. Hải cười, nụ cười hiền lành mà… nghiêm khắc (không nghiêm khó mà hoàn thành nhiệm vụ): Phụ huynh học sinh, cấp trên giao cho Hải chịu trách nhiệm chính với 200 cháu, từ ăn ở học hành đến đau ốm, dù xảy ra bất cứ vấn đề nào thì Hải cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu bình thường các cháu mạnh khỏe không sao, chứ các cháu ốm đau, hay bỏ trốn ra ngoài (nhớ nhà hay bị bạn bè bên ngoài dụ dỗ) thì Hải đều bị phụ huynh trách móc.
Nếu bạn đã từng thấy những thước phim, những bức ảnh chụp những triền cao su bạt ngàn, những cung đường cao su mùa thay lá tuyệt đẹp ở Tây Nguyên, thì bạn cũng nên hình dung vẻ đẹp của những người lặng thầm đứng sau nó. Tôi nhớ hình ảnh các cô giáo ở trường Mầm non - 716 đón trẻ đến… ngủ và trao trẻ đang ngủ dở giấc cho cha mẹ các cháu đón về. Trong căn phòng này, cô thì ôm một trẻ, cố gắng ru cháu ngủ, cô thì một lúc ru dỗ hai trẻ, trẻ nào cũng đang nước mắt ngắn dài. Thế mà cô giáo Mai Hoa, cô hiệu trưởng gần trẻ nhất Binh đoàn lại gắn bó với Tây Nguyên từ khi còn rất trẻ, bởi vì đến đây, cô cảm thấy đây chính là nơi mà mình sẽ thuộc về. Mai Hoa, Bình, Hải và nhiều cán bộ, thầy cô giáo khác, họ đều bắt đầu tuổi trẻ của mình ở đây, rồi gặp duyên mà kết hôn, sinh ra một thế hệ kế tiếp. Tôi cứ nhớ mãi đại úy Lê Văn Bình khi anh chỉ chiếc xe ô tô con mới mua của mình, bảo anh mua nó để chủ yếu phục vụ việc đưa đón con nhỏ đi học mỗi ngày gần trăm cây số. Thực ra ở đây, hầu hết trẻ đều đi học xa nhà, như tôi đã kể. Nhưng trường hợp của Bình thì có khác. Con trai Bình đang khỏe mạnh bỗng bị liệt nửa thân, anh đã đưa con đi khắp trong Nam ngoài Bắc, bất cứ nơi nào người ta mách thầy giỏi thuốc hay Bình đều tìm đến, những mong con trai gặp thầy gặp thuốc. Thế mà, trong những ngày tháng vất vả, khó khăn vì con nhỏ đau ốm, phải vay mượn khắp nơi, nhưng hễ trong nhà có cái gì là anh mang đi lo cho anh em hết, có khi cả năm trời người ta không trả, đến nỗi vợ Bình phát chán. Để giữ chân được người cũ và lôi cuốn được người mới ở lại, gắn bó với miền biên ải nắng gió này, Bình đã dành cả tuổi trẻ, lòng nhiệt thành và trái tim sôi nổi của anh cho đồng đội, công nhân, bè bạn, anh em. Thế nên, thấy được sự tin tưởng yêu quý của mọi người dành cho người đàn ông “ôm rơm rặm bụng” của mình, dần dần vợ Bình cũng hiểu và thông cảm.
Mùa khô ở Tây Nguyên thì khắc nghiệt lắm. Nước là yếu tố tiên quyết cho cây trồng. Chẳng hạn cà phê là loài cây cần tưới tắm chu đáo, nên những vùng quá thiếu nước sẽ không thể phát triển cà phê, thay vào đó là cây cao su, loài cây mà nhựa của chúng được mệnh danh là “vàng trắng”. Chưa hết, khi đã không còn có thể khai thác mủ, cây cao su lại cho gỗ. Gỗ cao su có thể được chế biến thành nhiều sản phẩm gia dụng. Binh đoàn 15 còn có Phân xưởng chế biến gỗ cao su nữa cơ mà. Cao su “đi dễ khó về” ở đây có lẽ còn được hiểu theo nghĩa khác, tích cực hơn. Đó là việc người ta không dễ bỏ đi khi đã gắn bó với nó rồi. Mà cao su cũng “đỏng đảnh” lắm chứ không hề “dễ dãi”. Tuổi thọ của cây, vòng đời khai thác của cây phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc, thu hoạch của công nhân rất nhiều. Tôi ban đầu cứ thắc mắc sao người ta lại cần có những “bàn tay vàng” thu mủ? Bởi bàn tay người thợ quyết định đến nhiều yếu tố kinh tế của cây lắm đấy. Nhưng để có thể trở thành người thợ giỏi thu nhập cao, người công nhân cao su không thể không cần đến sự chung tay của những anh cán bộ như Bình, những cô giáo, anh bảo mẫu như Thủy và Hải. Ngắm những vườn cao su mênh mông ngút tầm mắt, tôi hình dung những cán bộ, công nhân của những “dòng vàng trắng” ấy, họ cũng là những dòng vàng trắng chảy miên man dọc biên cương của Tổ quốc.