Sáng tác

Trở về - truyện ngắn của Hà Lê

Hà Lê
Truyện
08:00 | 05/11/2024
Baovannghe.vn - Lê Quân về hưu non. Với cái tuổi bốn lăm, anh lao vào tu sửa cửa nhà, vườn tược. Xóm làng lúc nào cũng thấy anh cầm dao, cầm cuốc, anh say sưa xây lại tổ ấm gia đình mà lâu nay bỏ bẵng. Việc đầu tiên là xây lại chuồng lợn hai ngăn, tiếp đến anh sửa cái nhà, rồi đào ao, thả cá, xoay chuyển hàng cau. Thời gian ấy tình cảm vợ chồng thắm thiết. Cô giáo Thương - vợ anh thấy chồng vất vả nên thường xuyên mua con tôm, cái tép nấu bát canh chua để bồi dưỡng cho anh.
aa
Trở về - truyện ngắn của Hà Lê
Trở về - truyện ngắn của Hà Lê

Sau một năm... công việc cũng hòm hòm, tình cảm vợ chồng không diết da như trước, bạn bè đã viếng thăm đủ lượt, hàng ngày chỉ còn công việc: bổ củi, băm rau...

Vợ là giáo viên nên ruộng vườn không có, hàng ngày ba mẹ con đến trường, ở nhà một mình, không có báo chí, chỉ làm bạn với "nationan" ở quân đội mang về và bắt đầu xuất hiện những khoảnh khác... "ngồi không!" Một số người về hưu khuyên anh gây dựng vườn đồi “để sống những ngày còn lại cho thanh thản, vì công việc đem lại niềm vui..."

Quân theo họ lên rừng, mặc vợ con phản đối. Những chỗ đất tốt, để làm thì người ta làm hết rồi. Anh tìm cho mình một vị trí hơi xa, nhưng tương đối đẹp, đó là "Khe Tiên".

Trong những ngày đầu, lợi dụng độ dốc và một hang đá chân đồi anh dọn dẹp và lấy đó làm nơi tạm nghỉ. Nhưng dần dần thấy tiện nên phát triển thành nhà, ngôi nhà chìm, nhìn ra Khe Tiên, phong cảnh hữu tình, xung quanh là một đồi sim bát ngát, đến mùa hoa, nơi đây tuyệt đẹp, khác nào "vườn thượng uyển nhà vua". Hoa sim đẹp lắm, rực cả một vùng đồi mênh mông yên ả, đầy nắng gió. Nước ao Tiên mát lạnh, ngay giữa hè mà lạnh như nước mùa đông. Phía trên cửa trại vài chục bước có một thác nhỏ cao hơn một sải tay không biết mấy triệu năm mới hoàn thành công việc đào ao “tiên tắm", ao rộng xấp xỉ ba chục mét vuông, sâu gần hai sải; bên cạnh có một hòn đá to, phẳng là nơi các nàng tiên nhảy nhót... một phần ao được che bởi một cái "ô si", vì những giai thoại về các nàng tiên, nên nhân dân ít người lui tới. Chính cái ao tiên ấy đã cung cấp cá, cua cho anh. Thỉnh thoảng bắt được cá to thì gọi bạn về uống rượu, thật là vui vẻ. Trải hai năm lăn lộn, sản phẩm cũng bắt đầu về đến gia đình: vài tạ lợn, một ít rau dưa, ổi nhiều, cam chanh mới ra quả bói, đu đủ, dưa chuột... Vợ con anh trước không đồng tình, nhưng nay những ngày nghỉ cũng tranh thủ lên thăm và để hít thở không khí núi rừng. Việc đi về khó khăn, xe đoạn đi đoạn đẩy, Quân quyết định tu sửa đoạn đường. Và cũng chính từ con đường đó mà cuộc đời anh bắt đầu đảo lộn.

Mùa hè năm ấy có ba cháu gái đi bứt sim, tiện đường, các cháu thi nhau đạp vào đến trại. Vừa tới nơi là chúng nốc hết ấm chè xanh mà anh vừa nấu "nước chú Quân ngon quá… Trưa nay cho các cháu bảo suất cơm", miệng nói chân đi, xe đạp để ngổn ngang... đến trưa chúng nó cũng làm được mỗi đứa một gánh sim, gánh ào về trại, vất lung tung rồi hè nhau xuống khe rửa mặt. Trước khi về chúng nó lục nồi chú Quân để trêu đùa, không ngờ cơm chưa nấu, chỉ còn mấy con cá kho, thế là chúng thi nhau bắt ăn đến hết, “để chú Quân nhăn mặt cho hay” - con cái nhà ai mà nghịch nổ trời đến thế. Các cháu đi rồi mọi việc trở về yên ả!

Tuần sau một cháu lại đến, nhưng lần này cháu đi bứt sim một mình. Trưa hôm đó xe cháu xuống hơi, Quân loay hoay mà không chữa được đành để cháu lấy xe mình về. Sáng sớm hôm sau đã thấy cháu đạp lên, “Xe cháu chú đã chữa tạm, mang về kẻo mẹ cháu trông”; "Cháu ở lại chơi, vì mẹ còn đi vắng...” Trưa hôm đó chú cháu ăn cơm với cá lóc kho và dưa chuột đầu mùa.. Vừa ăn cháu vừa kể chuyện nhà, cháu là Mai, không biết bố, mẹ bảo bố “hi sinh” rồi. Cháu vừa học hết lớp 12 nhưng không tốt nghiệp. Mẹ không có tiền cho con học lại... Mẹ cháu là công nhân, đang thiếu việc làm v.v... Trưa đó Quân mắc võng ở dưới ao Tiên, để dành chõng cho "nàng tiên" nằm ngủ. Buổi chiều Quân đang tắm ở ao Tiên thì cháu xuất hiện, ban đầu cháu mải ngắm nhìn những đàn cá lững lờ, thác tung bọt trắng xoá... rồi nhìn Quân tắm một cách thích thú... lạ thường, Quân nhờ kì lưng, cháu mạnh dạn giúp anh... Rồi cháu cũng ào xuống tắm, tắm nguyên cả quần áo.

Hai tuần qua yên ắng, Quân cảm thấy buồn buồn. Và rồi Mai đến, lần này trông nét mặt đến là tội nghiệp. Mẹ cháu bảo cháu là “đồ ăn hại... cút đi!" - Mai kể. Tìm hiểu kĩ thì biết Mai sơ ý làm vỡ cái bình – thứ mà mẹ Mai nâng niu! "Thôi ở đây với chú, mẹ nguôi giận hẵng về". Lại một ngày chú cháu làm vườn, thổi cơm, kho cá, vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa như không có việc gì xảy ra. Tối hôm đó, hai chú cháu cùng về, để xin lỗi mẹ cho Mai.

Bẵng đi một tháng, hôm nay Mai lại đến, lâu rồi không có người nói chuyện, thấy Mai, Quân thấy vui vui, hai chú cháu cùng ra đồi bứt sim rồi vào nhóm lửa thổi cơm. Trước khi về Quân xuống ao Tiên tắm để tối dự họp chi bộ. Mai tinh nghịch bám theo, khi kì lưng cho Quân, Mai táo bạo: "Vợ chú sướng thật đấy. Lấy được người chồng đẹp trai nhất vùng." Lê Quân cho rằng Mai nói kháy mình, nên cũng có một hành động "trả đũa"... Không ngờ. Mai không chống lại mà còn tạo điều kiện cho Quân... phạm tội một cách dễ dàng! Đêm đó Quân không sao ngủ được, suy nghĩ miên man và tự kết tội mình..., Quân hứa với chính mình là không bao giờ lặp lại!

Nhưng!... Những lần sau Mai đến, thật là khó hiểu... vì lần nào cũng vậy, chú cháu lại rủ nhau xuống tắm ao Tiên.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra sự việc vỡ lở... Vì nông nổi, hay vì cái gì đó khó nói hơn, chú cháu đã bỏ cả cơ ngơi con cái, mẹ hiền và đi biệt tích...

Tại Sài Gòn, sau một tuần vất vưởng, Quân đã đưa Mai đến nhà má Năm, trước đây là cơ sở của anh, Quân đã tự thú tất cả với má, má Năm thở dài: "Biết làm sao được, bay đã vô đây, thôi thì ở lại, mọi việc tính sau..."

Hai năm đầu Mai và Quân gắn bó, cũng có những lúc nhớ mẹ, nhớ gia đình nhưng về thì không dám. "Người cười ba tháng chứ ai cười ba năm" - má Năm bảo thế nhưng Quân và Mai không đủ dũng cảm về quê. Hai năm chung sống bên nhau, cái mảng tối của mỗi người ngày càng rõ nét. Quân bắt đầu nhàm chán cái cô gái đua đòi nhưng thiếu hiểu biết, lại có phần vụng dại; còn với Mai thì chú Quân bây giờ không phải là thần tượng nữa, có nhiều bạn trai lóng lánh hơn nhiều. May mà chưa có con chung. Và cái mà Lê Quân linh cảm đã đến. Mai đã yêu một người con trai cùng tuổi, cùng phường, nhưng họ còn bí mật đối với Lê Quân. Nỗi đau ngày càng lớn lên, rồi cái phải đến đã đến. "Cuộc to tiếng nổ ra! Từ đó, đêm đêm Quân bắt đầu nhớ vợ, thương con, nhớ cái cơ ngơi ao Tiên trong lành yên tĩnh. Nhớ những tiệc rượu giản đơn của bè bạn bên cạnh đồi sim..., và ý nghĩ muốn về quê để làm lại từ đầu... Nhưng than ôi, trước đây thừa dũng khí để tiến lên dưới làn đạn quân thù, thì nay cảm thấy vô cùng là khó. Má Năm lại một lần nữa ra tay: Má viết thư cho Thương, kể hết sự tình và xin cô rộng lòng tha thứ, má lấy đời riêng thiệt thòi của má để thuyết phục vợ Quân.

Sau một tháng trời trông đợi, chẳng thấy cô ấy đoái hoài, chỉ con gái đầu lòng viết cho Quân một bức thư tràn đầy nước mắt.

"... Bố đi rồi, các con khổ lắm, ra đường không dám ngước mặt lên... Trong nhà khó khăn trăm thứ, thằng Hai ốm nặng... Hai năm nay gia đình như thể... có tang! Đêm đêm mẹ khóc nhiều, về ngay với các con bố nhé...”

Có lẽ trên thế gian này, chuyến đi để lại nỗi niềm day dứt và đắn đo nhất, đó chính là chuyến trở lại của Quân. Một tuần quyết định đi rồi bỏ, bỏ rồi đi, đã hai lần ra tận bến xe rồi quay trở lại... Còn Mai!... biết tính sao đây? Có lấy được chàng trai cô ta yêu không? Cuộc sống rồi sẽ ra sao? Và lại còn mẹ Mai nữa… tình hình thế nào, mà không thấy con nhắc đến trong thư...

Cả tuần Mai khóc, Mai nhận hết về mình... Mai thật có lỗi với cô Thương!

Mai khuyên Quân nên về, Mai ở lại rồi đưa mẹ vào sau. Phương án ấy được má Năm "phê duyệt".

Từ khi to tiếng đến nay anh chỉ ngủ riêng, Mai ngủ với má, còn Lê Quân cơ động với chiếc võng Trường Sơn, nhưng trước ngày về vài hôm, hai anh chị lại ngủ chung và cả mấy đêm tràn đầy nước mắt!...

Rồi Lê Quân cũng lên được chuyến tàu, Quân chọn thời điểm về quê lúc trời vừa tối. Khi đến đầu làng, suy nghĩ thế nào anh lại không dám, mà bước chân lên núi, hướng phía Khe Tiên.

Khe Tiên! Bây giờ hoang vu, cái hang trại năm xưa hỏng, mốc, anh đốt lửa lên dọn dẹp và tìm một nơi nằm, ý định là ngủ tạm qua đêm, nhưng cảm giác cô đơn buồn tẻ xâm chiếm tâm hồn anh làm anh không sao chợp mắt được. Đống lửa sắp tàn, trời chuyển dần về sáng, nhưng Quân vẫn suy nghĩ về cuộc đời, về những đứa con; nghĩ về những tội lỗi của mình đã gây nên cho chúng. Bất thần nghe tiếng sột soạt, chắc là thú rừng ăn đêm. Nhưng không! Lạ lắm... hình như có người. Quân áp tai vào vách nghe ngóng để tìm phương đối phó. Không ngờ hai người bạn của Quân!

Họ đến theo ánh lửa. Họ là những láng giềng tốt bụng của trại Khe Tiên. Bè bạn lâu ngày gặp lại, nhưng không nói, không cười mà tay trong tay, đứng lặng. Phút giây này Quân cảm thấy hối hận vô biên. Đêm đó hai người ở lại với Quân đến sáng hôm sau. Họ bàn mưu tính kế, thống nhất "án binh bất động" đến tối mai cả ba sẽ cùng về để xin lỗi vợ Quân và mẹ của Mai. Công việc được bàn tỉ mỉ, khác nào một tổ ba người trong chiến dịch mùa khô.

Tối đó, Quân không sao nói được. Quân về, các con ôm choàng lấy Quân mà khóc, anh cũng sụt sùi nước mắt. Cô giáo Thương nằm khóc trong buồng, chỉ có hai đồng đội của Quân rụt rè lên tiếng, xóm làng bên cạnh cũng đến hỏi thăm. Vợ Quân nằm rịt trong buồng nên cuộc xin lỗi ý định có đến vài trang, nhưng nay chỉ nói được mấy dòng không đầu không cuối: “Chị và các cháu tha thứ cho cánh đàn ông chúng tôi... xóm làng giúp đỡ chúng tôi với...” không rõ những âm thanh úp mở ấy của đồng đội Lê Quân có thấu vào tận buồng trong hay không nhưng kết quả đạt được khó mà tưởng tượng. Xóm làng ai cũng vui vẻ cho qua. Nghe đâu sáng hôm sau cô giáo Thương dậy quét ngõ, quét đường và đi chợ sớm!

Một tuần sau, tổ ba người kéo đến tu sửa cửa nhà cho mẹ của Mai, giúp đỡ chị những công việc mà bấy lâu nay chị bỏ mặc cho trời với núi. Nghe đâu sau đó mẹ Mai phấn khởi hẳn lên, thỉnh thoảng chỉ vào trại Khe Tiên bứt sim và trỉa lạc trên đám đất mà Lê Quân vỡ hộ.

Bây giờ trở lại thăm Quân, trại Khe Tiên đã trở thành một điển hình về làm kinh tế vườn đồi: Vải thiều nhãn, na dai, mơ... xanh tốt ngút ngàn, anh đang tiếp tục đầu tư trồng mấy chục ha cà phê. Vợ anh nghỉ hưu, lên đây làm một "nàng tiên" để phụ giúp anh làm kinh tế; và vườn của anh đã thu nhập bình quân hàng năm trên năm chục triệu đồng, Lê Quân không còn ở trại, mà xây "biệt thự” hẳn hoi, thuỷ điện nhỏ đã làm cho cơ ngơi của anh sáng hẳn một vùng. Tối đến cả nhà quây quần bên chiếc tivi màu "mới cứng". Con gái anh đang học đại học ở Tây Nguyên; trong hương thơm của nước chè xanh, con trai anh say sưa kể về kết quả chuyến đi nhập ba ba cho khách sạn ngoài thành phố.

Những ngày còn lại của cuộc đời, Lê Quân nguyện làm một công dân gương mẫu của dải đất nghèo khó quê tôi.

Hà Tĩnh 12-1997

Đọc truyện: Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa Đọc truyện: Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú Đọc truyện: Anh trai tôi. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm
Văn nghệ Trẻ, số 8/1998
Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.
Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Baovannghe.vn- Những ngày tháng mười một gọi nhau về/ Vỡ òa đong đưa chiếc nôi kỉ niệm
Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thời tiết ngày 24/11 khu vực Bắc bộ duy trì trạng thái nắng hanh, Nam bộ mưa nắng đan xen
Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Baovannghe.vn - Chiều 23/11, tại Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới so với luật hiện hành.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM có gì?

50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM có gì?

Baovannghe.vn - Toạ đàm “Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 23/11