Dinh Độc Lập đang chộn rộn chuẩn bị khai mạc buổi mít tinh, diễu binh kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước. Anh ngồi ở hàng ghế đại biểu trên lễ đài và lại tiếp tục tìm, như 10 năm nay, kể từ lúc theo đội hình xe tăng tiến vào thành phố ngày 30/4/1975, đi tìm Em trong hàng triệu đôi mắt của các cô gái Sài Gòn.
Em là ai trong đội quân nữ du kích đất thép Củ Chi? Hay nữ du kích Mười Tám thôn vườn trầu Hóc Môn? Hay đội hình nữ sĩ quan Quân khu 7? Mà có lẽ không phải, anh nhớ Em có lần bày tỏ, hòa bình rồi, Em muốn là một luật sư bảo vệ công lý, bảo vệ những người dân nghèo có được sự công bằng…, vậy chắc Em đang lẫn trong đội hình nữ trí thức đang đứng trong sân cỏ trước lễ đài? Anh làm sao có thể quên Em, quên đôi mắt của Em, dù không biết mặt Em ra sao, nhưng đôi mắt Em với ánh mắt đã hút hồn anh ngày ấy, đã in trong anh như là chân dung Em, một đôi mắt đẹp luôn ánh lên cái nhìn quả cảm, kiên quyết của người nữ chiến binh bí mật Sài Gòn, và đặc biệt là đôi mắt biết nói khi nhìn anh vời vợi đến nao lòng ngày chia tay ở căn cứ chiến khu trở về thành hoạt động…
1.
Giữa năm 1972, trong căn cứ của Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định ở ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, lớp tập huấn một số kỹ năng hoạt động phong trào và chiến đấu trong nội đô, đồng thời phổ biến tình hình mới cuộc chiến tranh của Trung ương Cục được tổ chức cho một số chiến sĩ nòng cốt biệt động thành, các cơ sở mật. Do tính chất bảo mật, tất cả mọi người đều phải tuân thủ tuyệt đối những quy định nghiêm ngặt: Mỗi người ở trong một lán nhỏ, không được tiếp xúc nói chuyện với nhau, phải che mặt gần như suốt ngày và chỉ được mở khăn che khi đêm về không có ánh đèn; Khi lên lớp, ngồi cách xa nhau và trước mặt đều có một lùm lá ngụy trang… Mọi người chỉ nhận biết nhau qua hình dạng, giọng nói - mà cũng rất khó vì ngay cả nói chuyện cũng bị hạn chế tối đa, chỉ trừ khi được giảng viên hay cấp trên hỏi ý kiến. Ngay cả trong danh sách cũng là những chữ cái kèm theo một con số. Và Em với bí số H8, có thể hiểu Em có tên là H…. gì đó, và chữ H đứng hàng thứ 8 trong bảng chữ cái Việt.
Ngay từ buổi ban đầu, anh đã ấn tượng với cô gái mang tên H8 khi điểm danh, Em chỉ vẹt bụi lá cây nhìn thẳng vào anh, đưa cánh tay phải giơ 1 ngón trỏ, không dạ thưa hay nói “có” như mọi người. Anh có chút dừng lại, là lạ với cái kiểu giơ tay 1 ngón, một cái nhìn thẳng vào mắt anh rất mạnh mẽ, và rất nhanh, anh cảm giác có nụ cười thoáng qua khá tinh nghịch dù khăn che mặt không thể thấy được, anh bắt gặp một ánh mắt long lanh trước khi tán lá ở bụi cây che khuất.
Anh cán bộ ngoài ngoải ngộ thiệt. Nghe giọng chắc còn trẻ, hổng biết mặt mũi ra sao nhưng có vẻ vừa nghiêm vừa lạnh, mà đàn ông gì nhìn hai bàn tay trắng ngón dài như con gái, dáng vẻ như thư sinh… Nghe cấp trên ở R cho biết, là người thủ đô, vào Nam từ Mậu Thân và là một cán bộ kinh nghiệm, từng lăn lộn chiến đấu xây dựng cơ sở cách mạng cả ở chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ từ sau chiến dịch Mậu Thân cho tới giờ…
5 ngày trôi qua rất nhanh, lớp tập huấn cũng chỉ còn 2 ngày là kết thúc, và tất cả những người có mặt ở lớp này cùng trở về thành, bước vào cuộc chiến, mà ai cũng hiểu sẽ rất cam go quyết liệt, có thể hy sinh, để giành chiến thắng sau cùng. Bỗng dưng anh cảm thấy có gì đó nao nao, có một chút trống trải, không phải đây là lần đầu anh trực tiếp phụ trách tập huấn, mà đã qua rất nhiều lớp tương tự, nhưng sao lần này có cảm giác khác lạ. Mà có khác gì đâu, cũng như mọi lần chỉ tiếp xúc với mọi người qua những bài giảng, rất ít trò chuyện, và sau đó là đọc bài thu hoạch, cho ý kiến nhận xét, rồi hủy hết các bài viết đó theo yêu cầu bảo mật, buộc mọi người phải tự ghi nhớ… Ừ! Có một điều thật khó lý giải, khi anh luôn dừng lại đọc rất kỹ bài thu hoạch của cô gái mang tên H8. Bài viết bằng bút Bic màu tím, chữ viết rất đẹp, ngay ngắn, có chút kiểu cách ở các chữ hoa, anh càng ấn tượng khi các bài viết của cô gái chứng tỏ người nắm rõ về cơ cấu tổ chức chính quyền Sài Gòn, nhìn ra những lỗ hổng gây bất lợi cho họ và là cơ hội cho ta. Nhưng anh cũng thấy cô gái này rất thông minh, biết cách giấu những ý kiến của mình bằng lối viết khá văn chương, nhiều câu từ ẩn ý, ai hời hợt thì nghĩ rằng vô tích sự không đáng chú ý, chỉ ai thực sự có nhiều kinh nghiệm trong công tác phong trào nội đô mới nhận biết ra những cách thức rất hữu hiệu. Một cách bảo mật công việc và phương thức thực hiện nhiệm vụ của mình, vẫn trả bài nghiêm túc để chứng tỏ hiểu các vấn đề được chỉ đạo, nhưng cũng rất khéo để không lộ bất cứ gì… Từng làm việc với những cơ sở mật, nhưng quả thật anh cũng thầm phục cô gái H8.
Tò mò quá, biết là vi phạm kỷ luật bảo mật, nhưng sao kỳ ghê, mình rất muốn biết mặt cô gái này. Chỉ nhìn đôi mắt và chút dáng mũi thanh tú nhô lên qua khăn che mặt, chắc chắn là cô gái đẹp. Mà đẹp thì cũng đúng, gái Sài Gòn mà, nhìn bàn tay cô ấy trắng nõn, ngón thon dài như búp măng, chữ viết, rồi cách trình bày ý kiến, chứng tỏ xuất thân không tầm thường… Mà sao thấy thương chi lạ, đất nước có chiến tranh, những người con gái tài giỏi xinh đẹp cũng phải ra trận…
Sao anh cán bộ này thi thoảng có ánh mắt lạ ghê, khi thì ngập ngừng như muốn hỏi điều gì, nhưng lại có chút e ngại lúc bị mình nhìn lại, rõ ràng theo linh cảm, thì anh ấy hình như chú ý tới mình nhiều hơn. Ơ, mà có phải tự huyền hoặc không? Ai biết cô là ai, mặt mũi ra sao, tên tuổi không rõ, mà người ta là cán bộ cấp cao ngoài trung ương vào… Mắc cỡ quá đi thôi. Đừng nghĩ lung tung. Nhưng thiệt tình là muốn nghe hoài cái giọng trầm ấm đó…
2.
Tan lớp, mọi người tùy theo đơn vị và địa bàn có giao liên đón đưa về thành. Riêng cô, ở lại thêm một ngày nữa mới về, vì cấp trên cần gặp giao nhiệm vụ trực tiếp.
Cô là con gái Út của một gia đình trí thức Sài Gòn, có ba là bác sĩ trưởng khoa trong bệnh viện Chợ Rẫy, má dân Tây học, trước làm thư ký cho tỉnh trưởng Kiến Tường. Trên cô là 5 anh trai, anh Hai là dược sĩ cao cấp của hãng thuốc tây Roussel ở Sài Gòn, 4 anh trai còn lại đều là sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh hành quân, Biệt khu Thủ đô, Bộ chỉ huy biệt động quân và Tổng nha cảnh sát. Còn cô, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn, cô thi đậu vào làm thư ký tổng hợp Hạ nghị viện Sài Gòn vào năm 1971. Ngay từ khi cô còn là sinh viên của Ban Công pháp, cô đã được dượng Mười - chồng của dì ruột, là người của cách mạng móc nối với gia đình làm cơ sở cho lưới tình báo Z22, và việc cô thi vào làm thư ký trong Hạ nghị viện cũng là theo ý của cách mạng, bởi trong Hạ nghị viện Sài Gòn có thành phần dân biểu khá phức tạp, gồm 6 khối độc lập với nhau: Khối Cộng hòa thân chính phủ - Khối Độc lập - Khối Dân tộc Xã hội, đối lập với chính phủ - Khối Quốc gia - Khối Dân quyền - Khối không liên kết.
Sau năm 1969, từ vụ án “điệp viên Việt Cộng” chấn động cả Sài Gòn và cả phương Tây, có liên quan tới vị Phó chủ tịch Hạ nghị viên thuộc phe đối lập, thì xem như trong cơ quan này người của cách mạng bị “hổng chân”, bởi một cuộc rà soát kiểm tra thẩm định nhân viên rất gắt gao của cả an ninh Sài Gòn lần CIA. Nên khi thấy khả năng của cô, tốt nghiệp hạng ưu trường Luật lại có một lý lịch như thế thật phù hợp, sẽ không bị an ninh hay CIA nghi ngờ gì. Để có cuộc tập huấn vào R này, cô đã xin nghỉ phép nói đi du lịch Đà Lạt cùng ba má, và để cho không bị lộ, cô đưa ba má lên Đà Lạt, để ba má ở lại một tuần trong nhà của người dì là chị em bên ngoại của má. Còn cô quay trở lại Sài Gòn và bí mật vào căn cứ R. Cô biết sau lớp tập huấn, là chuẩn bị nhận nhiệm vụ, thời gian “nằm im” đã hết. Trong thời gian này cô đã tạo dựng được tín nhiệm với các nghị viên, đặc biệt, cô được các nghị viên ở mấy phe quý mến bởi rất mẫn cán trong công việc, không nề hà khó khăn, luôn đáp ứng những yêu cầu về tài liệu cho các nghị viên… Và nhiệm vụ của cô là tìm hiểu những mâu thuẫn của các nghị viên giữa các phe, để phía mình có cơ sở tranh thủ phe đối lập đứng về phía cách mạng…
Mọi người đã về hết, khu lán học viên chỉ còn mình cô, các lán cơ quan và cán bộ khu cách khá xa, để đề phòng căn cứ bị pháo kích, hay bị thả bom không gây thiệt hại nhiều… Xong cơm chiều, vẫn bịt mặt kín mít, cô tha thẩn ngắm rừng cây, suốt cả mấy ngày học, không biết xung quanh có những gì, giờ được rảnh, cô nương theo ánh nắng soi rọi xuống cho thấy khu rừng có rất nhiều cây trái, cây hồng quân trái sai chi chít, nửa xanh như viên ngọc bích nửa chín tím thẫm, cây trường trái cũng ra thành chùm trĩu trịt, cây trâm bầu cũng đầy trái, rồi cây gùi, cây sây trái cũng đặc trên cành… Đi vòng vòng ngó nghiêng xung quanh còn bao nhiêu cây, thứ đang ra hoa, thứ đang kết trái, thứ lá xanh mướt, cũng có cây lá đổi màu nửa vàng nửa xanh nửa đỏ… từ cây mây, cây viết, cây bứa, cò ke, chùm đuông, cà na, moi… cứ đến mỗi cây cô lại chạm vào chúng nửa như vỗ về, nửa như trò chuyện. Đúng là khu rừng giàu có. Giá mà không phải chiến tranh, thì khu rừng này là một nơi lý tưởng để du ngoạn và thưởng thức trái cây rừng…
Chiều đã xuống muộn, nắng tắt dần trên những ngọn cây, cả khu rừng chuyển sang sắc tím xám, cây cối ngả sẫm màu càng làm cho không gian như có một tấm màn đen trong suốt bao trùm. Có chút thả lỏng, cô tháo khăn che mặt cho thoáng, vì cả ngày bịt mặt kín mít, vào lán nằm đòng đưa trên chiếc võng giăng giữa hai cây trâm bầu già là hai cây cột đỡ cái lán, cô nghĩ về công việc vừa được giao, nhưng lạ, đầu óc cứ mông lung vẩn vơ nhớ giọng nói trầm ấm của anh cán bộ lớp tập huấn. Ờ, mà mặt mũi ảnh ra sao tới giờ cô cũng chưa biết, nghe nói ảnh người Hà Nội, mà qua giọng như thế chắc đẹp trai… Cứ thế cô đưa tưởng tượng của mình đi xa. Không biết ảnh có gia đình chưa, mà giờ nếu mình biết mặt ảnh thì sẽ làm gì? Rồi mai cũng về thành, biết có còn gặp lại, mà có gặp cũng đâu biết mặt mũi ra sao mà nhận. Chiến tranh còn ác liệt, sống chết trong gang tấc, làm sao chắc ngày mai thế nào mà có còn gặp nhau… Cô bất chợt thở dài vương chút buồn buồn!
- Làm gì mà thở dài nghe buồn vậy H8?
Cô giật mình nhỏm dậy, quơ ngay cái khăn trùm lên đầu rồi kéo ngang vạt khăn che mặt như phản xạ, ngó ra ngoài cửa lán, dù tối cô vẫn nhận ra anh qua giọng nói. Trời, hổng lẽ cầu được ước thấy. Có chút hồi hộp.
- Dạ, không có chi. Mà sao anh…
- À, anh Hai trên khu có nói tới gặp em, trao đổi thêm một số việc, giúp em thêm kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Chà, xem ra việc của em rất nặng đó, không dễ đâu.
Cô rời võng ra bên ngoài. Có chút ngây người khi thấy anh không che mặt. Một khoảng cách thật gần, mà hình như có trăng, cô nhìn rõ gương mặt anh, một vầng trán cao, sống mũi thẳng, gương mặt thanh tú, khá trẻ, chưa tới 30, chắc hơn cô vài tuồi, nhìn anh đẹp như mấy tài tử cinema. Bỗng như hụt một nhịp tim, cô lúng túng:
- Sao anh không che mặt?
- Anh muốn em biết mặt anh để mai này chiến thắng có gặp ở Sài Gòn mà nhận ra nhau.
- Anh không sợ…
- Không! Anh tin em. Và tin nhất định mình sẽ gặp nhau Sài Gòn ngày chiến thắng.
Cô và anh cùng ngồi bên hai gốc cây đối diện nhau trước lán, giữ nguyên tắc bảo mật, cô không bỏ khăn che mặt. Anh vẫn chỉ nhìn được ánh mắt của cô, mà trong đêm rừng, dù có ánh trăng phụ họa, mắt cô đã đen giờ càng thẫm đen hun hút, thi thoảng khi cô nghiêng đầu, ánh trăng rọi ngay mặt, một chớp mắt lóng lánh để anh rơi hẫng nhịp đập.
- Em à, trong công việc thật cẩn trọng nha. Trước, mình cũng có người ở đó, nhưng rồi vì một sơ xuất nhỏ, cả đường dây bị lộ và bị bắt, bị đày đi Côn Đảo, giờ họ còn bị giam cầm ngoài đó. Nhiệm vụ thì anh Hai đã chỉ đạo, nhưng cách thức thì phải dựa vào sự thông minh và sự tỉnh táo của em…Vì em độc lập tác chiến, nên càng khó khăn. Việc gây cảm tình với các nghị sĩ đối lập nhau cũng thật khéo. Mà em đừng để rơi vào tình huống cảm tình với bất kỳ một nghị sĩ nào.
Nói tới đây, bỗng anh dừng đột ngột, bất giác liếc cô rất nhanh, cảm thấy mặt mình tự nhiên nóng bừng, may ánh trăng không đủ sáng để thấy được cảm xúc của anh. Ừ, lạ ghê, sao cách nói cứ như dặn dò người yêu. Sao cái cảm giác với cô gái này có gì đó thật đặc biệt, tim mình cứ chộn rộn, xao xuyến, nghĩ tới ngày mai cô về thành, đối mặt với bao hiểm nguy giữa một bầy sói toàn an ninh Sài Gòn và CIA Mỹ trong hang ổ của nó, mà bồn chồn, vừa thương vừa lo…
Cô ngồi lăng thinh, nhìn anh, nghe anh nói, nhưng đầu óc thì cứ miên man lung tung.
Ôi, sao tim mình lại đập loạn lên thế này. May rừng đêm, chớ ban ngày mắc cỡ chết thôi, nghe dặn dò công tác mà cứ nghĩ đâu không. Trai Hà Nội sao đẹp dữ vậy, mà đẹp vậy nếu không có gia đình thì chắc cũng phải có người yêu ngoài đó rồi, gái Hà Nội nghe nói nổi tiếng đẹp. Ờ mà người ta có sao có trăng gì thì mắc gì phải nghĩ đâu có liên quan.
Rồi cũng tới lúc việc công đã xong. Nhưng hình như cả anh và cô cùng nấn ná chùng chình, không ai đưa ra câu nói từ biệt. Có một sợi dây vô hình như đang giăng ra mơ hồ nối hai người với nhau. Nhưng nguyên tắc hoạt động nội tuyến và cả quy định kỷ luật nghiêm ngặt, đã chặn lại cảm xúc, để rồi cô và anh cứ nhìn nhau đăm đắm, trăng rừng như đồng lõa sáng trong veo, để anh được ngắm ánh mắt của cô vời vợi, còn cô như ghi dấu gương mặt của anh neo lại trong mình. Bất chợt cô đưa tay ra, cười lên thành tiếng như để khỏa lấp khoảnh khắc này:
- Mình tạm biệt nhau nha anh. Cũng muộn rồi. Mai giao liên đón em sớm. Hẹn gặp anh Sài Gòn ngày chiến thắng.
- Em về mạnh giỏi nghen. Bảo trọng tất cả.
Một khoảng lặng im như có thể nghe được nhịp thở của cả hai, hình như ngắt quãng, tay anh nắm tay cô không muốn rời. Và như một lực đẩy cô bỗng nhào tới anh, ôm anh thật chặt, thì thầm vào tai anh:
- Anh ráng giữ bình an. Em đợi anh Sài Gòn.
Rồi rất nhanh cô buông anh và đẩy ra xa…
3.
Cả đêm về anh không ngủ, nằm nghe tiếng lá rừng đêm xào xạc trò chuyện cùng gió, ánh trăng lọt qua cửa sổ lán soi thẳng vào võng nằm, càng làm anh thao thức. Anh nhớ lại cảm giác nắm tay cô, một bàn tay con gái ấm mềm đến nao lòng. Anh nhớ lúc cô ập vào ôm anh, và thì thầm vào anh lời hẹn, lúc đó trong anh một thôi thúc nắm chiếc khăn rằn che mặt của cô tuột ra để nhìn mặt cô, nhưng rồi anh sợ làm tổn thương cô. Ang nhớ ánh mắt cô nhìn anh thăm thẳm hình như muốn nói với anh rất nhiều mà ánh trăng không đủ chuyển tải hết. Mà sao anh lại cứ nhớ hoài lời hẹn của cô, y như một ước hẹn tình yêu…
Anh miên man nghĩ về mình. 27 tuổi, nhưng tuổi quân cũng đã 10 năm, chưa có một mảnh tình, tim chưa lạc nhịp với ai. Cuối năm 1968 anh nhận công tác đi B vào Sài Gòn và Nam bộ gây dựng lại các cơ sở sau khi bị quân đội Sài Gòn và CIA Mỹ phá tan trong chiến dịch Mậu Thân. Lăn lộn bấy nhiêu năm, nhiều phen tưởng chừng bị an ninh Sài Gòn bắt, thậm chí có lần đã bị thương nặng tưởng chết trong một trận càn ở Khu 9. Và sau anh về khu bộ trong chiến khu D, được phân công tập huấn các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn và các cơ sở mật của mình trong nội đô. Hơn 4 năm gặp bao người, trong số đó cũng có rất nhiều người con gái, từ các cơ sở anh gầy dựng, đến các cô du kích, giao liên, rồi qua bao lớp tập huấn, không hiểu sao cô gái H8 này lại làm cho anh phải nôn nao, xao xuyến. Anh nhớ cảm giác lúc từ biệt cô, anh hẫng người như đánh rơi một vật gì quý giá. Gương mặt cô ra sao anh không biết, nhưng anh nghĩ có thể nhận ra cô qua đôi mắt, qua cái nhìn vời vợi loáng nước. Cũng không biết vì sao, anh bỗng nghĩ đến lời hẹn của cô và thầm hứa với chính mình, sẽ là cô - là Em. Nhất định anh sẽ tìm gặp Em ở Sài Gòn ngày chiến thắng.
4.
27/1/1973 Hiệp định Paris được ký kết giữa bốn bên gồm Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Chính phủ Việt Nam Cộng hòa - Chính phủ Mỹ, quyết định quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Và lúc này, những chính sách của chính phủ Việt Nam Cộng hòa - không có Mỹ, cũng như giảm viện trợ của Mỹ đã gây rất nhiều mâu thuẫn trong các nghị viên lưỡng Viện Quốc hội. Hơn lúc nào, phía cách mạng rất muốn tranh thủ một số nghị viên, dân biểu trung lập, đối lập hay độc lập để họ bỏ phiếu chống một số quyết định, luật không có lợi cho cách mạng. Việc của cô là cung cấp thông tin về các dân biểu nghị sĩ này, để qua đó có những phương cách lôi kéo họ nghiêng về phía cách mạng. Ở vị trí thư ký tổng hợp của văn phòng Hạ nghị viên, khôn khéo và thận trọng, cô đã thu thập tư liệu chuyển ra cứ một cách an toàn. Và từ nguồn thông tin do cô cung cấp, nhiều móc nối từ phía cách mạng với các nghị sĩ, dân biểu được tiến hành, đã có rất nhiều quyết sách của Chính quyền Sài Gòn không thể thông qua vì thiếu số phiếu đồng ý của lưỡng Viện.
Sài Gòn cuối năm 1974 đậm đặc không khí tao loạn, dù Noel và Tết Ất Mão sắp đến. Lúc này chính trường Sài Gòn như bị nén chặt trong một cái hồ lô đầy âm mưu tiêu diệt nhau, đồng thời phía quân Giải phóng cũng có những động thái chuẩn bị cho một cơn lốc bất ngờ. Quân giải phóng đã giành thắng lợi trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975), làm chủ toàn tỉnh Phước Long, tạo thêm bàn đạp uy hiếp từ phía bắc Sài Gòn. Quan trọng là phản ứng của cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều yếu ớt và chấp nhận thất bại. Đây có thể được xem là “đòn trinh sát chiến lược”, cho thấy rõ hơn khả năng Mỹ sẽ không can thiệp trở lại bằng quân sự vào miền Nam Việt Nam, đồng thời bộc lộ trình độ tác chiến có phần kém của chủ lực quân đội Sài Gòn.
Ở Hạ nghị viện, không khí cũng như lò thuốc súng chực chờ bùng nổ, 159 dân biểu trong đó 84 dân biểu thân chính phủ, 59 đối lập và 16 độc lập, gặp nhau là cãi nhau, nhiều cuộc nghị sự phải bỏ giữa chừng vì không ai chịu ai, thậm chí có nhiều người tó ý thất vọng với chính thể Sài Gòn, không còn hy vọng chấn hưng bởi quá nhiều nhũng nhiễu ung nhọt và khiếm khuyết. Nhưng vẫn như thông lệ hàng năm không bỏ, một tiệc tất niên được tổ chức ngay tại văn phòng Hạ nghị viện. Không biết có phải dự cảm một điều gì trong tương lai, mà vị Chủ tịch Hạ nghị viện đã mời cả các nghị viên Thượng viện cùng một số quan chức đầu ngành của chính quyền Sài Gòn. Tối đó, cùng một số nhân viên văn phòng trong vai trò chủ nhà, cô và các đồng nghiệp đều ở vị trí tiếp đón khách đến dự tiệc, riêng cô còn một nhiệm vụ bí mật bảo vệ cuộc gặp gỡ giữa một dân biểu Hạ nghị viện với người của ta..
Giống như một cú điện giật suýt chút xíu thì cô làm rơi giỏ bông hồng trên tay để cô bạn đồng nghiệp gắn lên áo quan khách. Người khách vừa đến là anh, trong bộ complé màu xám rất sang trọng, cô rất nhanh nhận ra, dù đã hơn 2 năm, dù đó là đêm trong rừng, nhưng dưới ánh trăng cô đã thỏa thích ngắm gương mặt anh. Còn anh, lướt cái nhìn qua cô rất nhanh, bởi anh không biết mặt cô, và bởi cô ngay lúc đó tránh qua một bên ngó sang nơi khác, vì cô sợ anh nhận ra cô qua ánh mắt, và cô cũng không lên tiếng: “Kính chào quý ông”, sợ anh nhận ra tiếng. Nhưng kể từ lúc đó, cô luôn kín đáo quan sát anh, và khi nhìn thấy vị dân biểu đã được trên thông tin trước đó tới gặp anh, thì cô chắc chắn đó chính là người cô cần bảo vệ an toàn. Một cảm giác hồi hộp và cả niềm vui. Một niềm vui bất ngờ đến không ngờ. Nhưng đồng thời cô cũng sợ anh nhận ra cô, nên luôn khéo léo giấu mình khỏi tầm nhìn của anh.
Em là ai trong số những cô gái trong khán phòng dạ tiệc này? Anh biết Em đang ở đây, vì anh được cấp trên cho hay là sẽ có người của mình bảo vệ và tiếp ứng khi cần thiết, anh biết ngay là Em. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt là anh sẽ nhận ra Em ngay… Rất nhiều đôi mắt đẹp, nhưng hình như không gặp đôi mắt nào giống như đôi mắt nhìn anh trong rừng của ngày ấy. Có lẽ nào Em không ở đây? Không! Chắc chắn là Em. Linh tính, anh cảm giác có đôi mắt Em đang quan sát anh, Em biết mặt anh mà. H8, cho anh một dấu hiệu là Em đi!
5.
30/4/1975, anh theo đoàn xe tăng vào Dinh Độc Lập, và suốt trên quãng đường từ ngoại ô vào, anh ra đứng hẳn trên nắp tháp xe.
Anh đã tìm Em trong số những cô gái biệt động thành, đang chỉ dẫn xe vào thành phố, không thể tìm thấy Em. Ngày Sài Gòn mít tinh mừng chiến thắng, anh lại tìm Em trong đòan người. Có lẽ cờ hoa rợp trời mà mắt anh cũng hoa lên không thể tìm thấy đôi mắt Em. Anh đã tìm Em trong hàng triệu đôi mắt Sài Gòn.
Ngày chiến thắng, cô nghĩ mình sẽ được gặp anh. Nhưng rồi qua ngày hôm sau, cô nhận nhiệm vụ đặc biệt, phải vào trại như một nhân viên chính quyền Sài Gòn, ở chung với các đội viên Thiên Nga - đội quân nữ tình báo viên của an ninh Sài Gòn và CIA.
Qua lễ mừng chiến thắng, anh được nghỉ phép trở ra Hà Nội, và cấp trên cử anh đi học ở nước ngoài, để chuẩn bị cho tình hình mới của quân đội. Khi cô xong nhiệm vụ, thì anh vẫn còn bên nước bạn, họ không thể liên lạc với nhau. Rồi sau đó nữa, anh và cô luôn lệch nhau thời gian vì công tác, hay Nguyệt Lão thử thách trái tim hai người, năm này tháng nọ cứ trôi qua đằng đẵng… Thế là vô tình, vì cùng nhận nhiệm vụ “hậu chiến”, họ đã không gặp được nhau như lời hẹn năm xưa. Nhưng giống một giao cảm kỳ lạ, họ vẫn luôn cảm giác về nhau, cả hai đều đợi nhau mà không ai chịu lập gia đình, dù có bao nhiêu người yêu thương…
*
10 năm qua đi kể từ 30/ 4/1975, khi anh bước vào tuổi 40, và vẫn chung tình với “đôi mắt” của H8 ngày ấy. Còn cô, cũng vậy, không màng gì những lời thương cảm xung quanh khi thấy cô đơn chiếc, cô tin sẽ gặp lại anh.
Thấp thoáng trước hàng ghế anh ngồi, có một chiếc khăn rằn. Bỗng dưng tim anh loạn nhịp, có lẽ nào là Em? Còn cô, cảm giác sau lưng mình có ai đó đang nhìn, cô quay lại. Ánh mắt họ đụng vào nhau, cô nhận ngay ra anh, anh vẫn gần như thế, ít thay đổi, còn anh, đúng đôi mắt này, đôi mắt đã nhìn anh vời vợi ngày chia tay, đôi mắt giờ như đang tinh nghịch trêu chọc anh như lần đầu họ gặp nhau trong rừng lúc điểm danh. Và đúng là cô rất đẹp, một vẻ đẹp cũng gây choáng nếu ngày ấy mà anh được nhìn thấy.
Cô bỗng đưa tay choàng chiếc khăn rằn che mặt…
Trong anh vỡ òa niềm vui.
H8 của anh. Anh đã tìm Em trong hàng triệu đôi mắt Sài Gòn.
Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021