1.
Chị Hậu rụt rè ngồi xuống chiếc ghế sofa bóng lộn, đưa mắt nhìn khắp căn nhà rồi nhìn bà chủ. Bà ta không nhìn chị, vừa đưa tay vuốt ve con chó nhỏ tí lông trắng như bông đang cuộn tròn trong lòng vừa bảo chị chỉ cần lo cơm nước ngày ba bữa, giữ nhà cửa sạch sẽ và đặc biệt phải chăm sóc chu đáo cho con cưng của bà là được. Chị Hậu ngơ ngác hỏi đứa bé học lớp mấy rồi ạ? Bà cười giòn, đôi môi đỏ chót cứ như bông hoa lòe loẹt mọc nhầm chỗ. Đâu, con phốc sóc này nè! Giao nhiệm vụ cho chị xong bà đứng dậy rời đi. Con chó phóng từ trên ghế xuống quấn lấy chân. Bà cúi xuống, bế nó lên hôn chụt một cái: “Ngoan, con ở nhà, chiều mẹ về”. Chợt có một tràng ho trên tầng vọng xuống. Sực nhớ, bà quay qua nói với chị: “Bà cụ ở trên lầu, để ý bà nhé”.
Chị đứng ngoài sân ngó ngược lên căn nhà ba tầng bề thế. Chị ước chừng, nó phải to gấp mấy chục lần căn nhà ở mé sông của chị. Căn nhà bé tí, chỉ gấp đôi cái chòi chăn vịt của người ta một tí. Quanh năm chẳng có gì ngoài gió. Gió thổi thông thốc từ lòng sông thổi tận vào giường ngủ mát rượi. Hai đứa con của chị nằm dưới sàn đem truyện ra đọc, quay qua quay lại đã thấy lăn ra ngủ. Chồng chị thường ngồi ngó ra sông vừa hút thuốc vừa nói với chị mấy chuyện cũ rà cũ rích. Tới bữa chị bày cơm, ngó ra sông ngồi ăn. Lạ thiệt, cơm với mấy con khô, kho quẹt chấm với rau đồng mà bữa nào cũng ngon lành. Chắc là nhờ gió! Vậy mà chỉ sau một đêm, căn nhà của chị bị sông nuốt chửng. Nghe tiếng mọi người hô hoán, cả nhà chị chỉ kịp chạy lên bờ rồi nghe ầm một tiếng. Sông kéo không chỉ một mà nguyên một dãy nhà. Sáng ra người ta chỉ trỏ, tìm dấu vết của nhà chị Hậu, nhà bà Bảy, nhà ông Ba… Hôm đó sông đầy gió nhưng chị không thấy mát. Gió bời bời thổi, lòng chị xơ rơ như đám ruộng hạn mặn ngoài đồng cháy xém. Bị sông nuốt mất nhà, chị đành gửi hai đứa con đứa lớp 9 đứa lớp 7 cho người bà con lên thành phố giúp việc nhà. Vả lại nhà chị đông người, đâu thể dồn hết ở ké nhà người ta được. Chồng chị dưới quê đi mần mướn, ai kêu gì làm nấy đắp đổi qua ngày. Biết đâu, ngày nào đó, chị và chồng kiếm đủ tiền dựng lại căn nhà nhỏ cho con.
2.
Chị vào nhà, thấy bà cụ vịn cầu thang lần từng bước đi xuống. Chân bà run bần bật như cây tre ngoài bờ sông mỗi bận gió thổi. Bà bảo khát quá, trong phòng chẳng có miếng nước nào. Chị vội chạy lại đỡ, lỡ mà bà té lăn ra đấy có phải khổ không. Con chó tinh nghịch thấy bà chạy lại quấn vào chân, nó nhây nhây vào gấu quần, cào cào vào chân khiến bà rúm người lại. Bà la oai oái, bảo chị lôi con chó ra giúp bà. Chị bế con chó lên, nó ngọ nguậy liên hồi trên tay. Bà bảo chị cho nó vào phòng, nhốt lại. Phòng của nó trên tầng, sát phòng bà ấy. Chị lên lầu, mở cửa ra, cái phòng lạ lẫm đủ bảy sắc cầu vồng. Dưới đất ngổn ngang mấy trái banh, mớ đồ chơi nhỏ xinh như của con nít. Rồi cả cái chuồng chó được đóng bằng gỗ, sơn phết cầu kỳ. Chị nhìn như bị bỏ bùa mê. Con Mến, thằng Thương con chị từ nhỏ tới giờ còn chưa có được món đồ chơi xinh như thế.
Bà cụ vẫn lấm lét nhìn sau lưng khi chị bước xuống cầu thang. Bà thở phào khi chị bảo đã chốt cửa rồi. Bà thở hắt ra, khổ, bà sợ chó hơn sợ cọp. Chị ngạc nhiên bởi thấy con chó nhỏ xíu, chắc chẳng cắn đâu. Bà kéo ống quần, chìa cái chân xương xẩu, quắt queo như que củi nhưng đầy sẹo cho chị thấy. Bà nói chó cắn đấy. Bữa xưa xa lắc đó cũng chặp trưa như vậy nè. Bà gửi con cho hàng xóm rồi tranh thủ đi bán mớ cá mới bắt được ngoài đồng. Bà cắp cái rổ ngang hông, ngắt tàu lá chuối che mớ cá lại. Không hiểu sao bữa đó đang bán bà nóng hơ cái ruột, bán mới được nửa thì quanh về. Về tới nhà thấy thằng con đang đứng khóc, có con chó to như con bò mới đẻ đứng gầm ghè nhìn cái bánh đang ăn dở trên tay thằng bé. Hoảng quá, bà vứt thúng cá, chạy lại đuổi con chó. Ai ngờ, nó xộc thẳng vào bà. Bà chỉ kịp bế con lên đưa lên đầu, vụt chạy. Con chó rượt theo. Bà sợ con té, ra sức vịn chặt con nên con chó cứ mặc sức nhằm chân mà mà cắn như vớ được miếng mồi ngon. Khi hàng xóm chạy ra thì chân bà đã ướt ròng ròng. Máu chảy ra ướt đẫm ống quần bà ba.
Từ đó bà đâm ra sợ chó còn hơn con nít sợ ma. Thấy chó là né, là chạy. Vậy mà nhà này lại nuôi đến hai con chó. Con ngoài kia xích rồi, vả lại bà cũng chẳng lân la được ra ngoài ấy với cái chân yếu như vầy. Giờ trong nhà có con chó bé tí như trái bưởi này. Biết là bé mà vẫn sợ lắm. Thằng con bà, cái thằng mà hồi xưa bà bế hai tay đưa nó lên để khỏi chó cắn ấy bảo là có con chó mà cũng sợ, chẳng được cái tích sự gì. Nghe xong câu đó mà lòng bà đau hơn bị chó cắn ngày xưa nữa!
Sông chảy về đâu - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền |
3.
Tám giờ tối bà chủ về. Bà la chị oai oái khi thấy con chó bị nhốt trong phòng. Bà bảo thử nhốt chị trong phòng một ngày có bí bách, khó chịu không, con chị làm sao chịu nổi. Chị lí nhí trả lời bà cụ sợ chó. Ôi dào, sợ thì kệ, do bà yếu bóng vía chứ con chó này hiền hơn cục bột. Bà hỏi chị đã cho chó ăn chưa. Chị nói đã lấy cơm cho ăn rồi. Bà chủ mở cái tủ lạnh 4 cánh, khói lạnh bốc ra mờ cả gương mặt bà. Thịt bò nhé, bò này nhập khẩu, mắc gấp mấy lần bò ngoài chợ. Rồi bà gõ móng tay sơn đỏ chót lộc cộc lên mấy chồng đồ hộp xếp đầy trên cái tủ sát tủ lạnh bảo rằng pate, thịt hộp, thức ăn cho chó. Toàn đồ nhập cả đấy… Mỗi bữa lấy ra nấu mềm cho Cindy ăn. Nấu thịt bò nhiều vào, ăn mấy thứ kia ít thôi, hầm nhừ ra. À, cho ít dầu mỡ thôi nhé. Giống chó này mà cho nhiều dầu là ăn không tiêu đâu. Bà chủ đóng phập cánh tủ, ngúng nguẩy đi lên lầu. Chị hỏi với theo, bình thường cụ ăn gì? Thì nấu cơm, múc thịt bò hầm cho bà ăn. Bò Mỹ nhập khẩu, nhất rồi còn gì.
Chín giờ ông chủ về, cái bụng to kềnh. Trước khi ông bước chân vào nhà thì cái bụng vào trước. Chị đon đả định bụng dọn cơm cho ông ăn thì ông phất tay, xách cặp thẳng lên lầu. Nghe đâu ông làm chức gì lớn lắm. Chị nghĩ, phải rồi, ông nào bụng bự mà chẳng làm to. Còn bà chủ thì làm chủ một spa làm đẹp có tiếng. Hèn gì người bà cứ mướt rượt, đứng gần thơm hơn cả xà bông gội đầu. Làm một tuần, chị chẳng thấy bà chủ ăn bữa nào ở nhà. Khi chị hỏi thì bà bảo bà không ăn cơm, cơm gạo làm người ta béo núc béo nịch. Bà chỉ ăn rau, ăn quả, thỉnh thoảng ăn hạt, đặt đầu bếp nấu sẵn mang tới tận spa. Chị lấy làm lạ. Làm người ai lại đi chê cơm! Ông chủ cũng chẳng ăn. Thành ra cơm nhà này nấu ra chỉ để cho chó, cho bà cụ và chị ăn.
Bà cụ hễ thấy chị bưng cơm có thịt bò hầm lên là nhăn mặt. Bà nói cái thứ này làm bà đi tước ngày mấy lần. Già rồi, bụng yếu, hễ cứ ăn đồ bổ béo là cứ sôi ầm ầm như nồi nước già lửa. Bà bảo bụng mình chỉ hợp với mấy món mằn mặn, kiểu như có cá đồng kho keo, mớ khô chiên cũng được. Khổ nỗi, con dâu bà đâu cho ăn mấy thứ đó. Nó chu môi bảo bà sướng mà không biết hưởng. Bò nhập khẩu từ Mỹ hẳn hoi nhé. Nó cứ nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc nhập từ Mỹ đó. Với con dâu bà, Mỹ là nhất. Ăn đồ Mỹ, mặc đồ Mỹ, xài tiền Mỹ là ba cái nhất của cuộc đời. Từ hồi bà đẻ, có biết Mỹ nó nằm ở xứ nào.
Bà hỏi chị, theo dòng sông có phải rồi mình cũng tới được Mỹ không? Hồi đó bà từng chèo ghe xuôi thèo dòng sông. Sông từ nhánh nhỏ chảy ra nhánh lớn, rồi sông phình ra mênh mông chứ chẳng biết sông trôi đến phương nào. Có khi đi mãi, đi mãi rồi cũng tới được Mỹ. Bà có hai đứa cháu nội. Con dâu bà đặt tên ngộ lắm, bà trọc trẹo cả lưỡi không được. Có tiền, hai đứa học trường quốc tế. Mẹ chúng bảo chúng hạn chế nói tiếng Việt, phải nói tiếng Anh để mai mốt đặng đi nước ngoài. Bà ngồi lạc lõng nhìn chúng nó xí lô xì là. Mỗi bận đi đâu về, chúng “hé lô bà nội” rồi chui tọt vào phòng. Mẹ chúng khen chúng giỏi nhưng lòng bà nhìn hai đứa cháu như khúc ruột bị cắt đứt khỏi người mình, càng nhìn càng xa lạ. Bây giờ chúng đi du học tận bên Mỹ rồi. Hai đứa ấy chẳng bao giờ gọi cho bà. Có khi bà chết, chúng ở bên Mỹ còn chưa về.
4.
Bà cụ hỏi chị có nghe một bài hát có câu “đỉa lềnh như bánh canh” không? Đấy, một nhánh sông quê bà chẳng hiểu ở đâu mà lắm đỉa như thế. Đi ngang ngó mặt nước phẳng lờ, thử thò chân xuống khuấy mà xem, đỉa nghe mùi tanh nổi lên đặc lờ. Ở quê bà lưu truyền câu chuyện lạ lùng lắm. Có người đàn bà làm đồng bị đỉa chui vào người mà không biết. Bụng to dần, to dần lên, ai cũng nghĩ chị ta có bầu, cho đến khi đỉa từ cửa mình chị ta rớt ra. Kinh hoàng, chị ta nhảy sông. Cái bụng bầu đỉa ấy dưới lòng sông hàng ngày vẫn sinh ra hàng sa số những con đỉa tới tận bây giờ. Bà biết tỏng, chuyện người ta bịa để dọa trẻ con hoặc giả chẳng có lí do gì để giải thích được cho chuyện khúc sông ấy lắm đỉa. Mà lạ, chỉ nhánh sông đó lắm đỉa, còn nhánh khác thì không.
Chẳng ai dám thò chân xuống nên dưới lớp bùn, ven bờ cỏ triền sông tôm ốc nhiều lắm, thò tay xuống là lạo xạo ốc. Bà nghĩ ra cách giã lá thuốc đắng nát ra, vắt lấy nước rồi kiếm ít mớ thuốc lá ngâm vào, bôi từ bẹn đến bàn chân, bôi từ nách xuống bàn tay. Thò chân xuống, chẳng con đỉa nào dám bâu. Vậy là tha hồ mà mò cua bắt ốc. Nhưng mà bắt được chừng nửa tiếng thôi, hễ thuốc trôi đi là đỉa lập tức xúm vào. Có bận bắt mê quá, khi giở chân lên thì đỉa bám đầy chân đen thui. Leo lên gỡ thì máu chảy ròng ròng, bà phải lấy thuốc lá rịt vào máu mới ngừng chảy. Thấy bà mò tôm ốc như thế ai cũng can, lỡ ngã xuống đỉa xúm vào hút máu là toi mạng. Bà cười, bắt thế mới nuôi được thằng Biển.
Bà bảo, sau lưng bà là một nhánh sông khác. Con sông hiền lành, mấy cụm lục bình ngẩn ngơ trôi. Mỗi ngày, bán tôm cá xong, bà ngồi ở mé sông lặt rau vừa ngó thằng con lặn ngụp dưới sông. Cuộc đời bà bé mọn, suốt đời quanh quẩn với bùn đất, với mấy cây lục bình, đêm nghe tiếng dằm đập nước trên sông mà buồn rười rượi nên bà đặt tên con là Biển, để mai này cuộc đời nó được đi đây đi đó với người ta. Thế mà, con bà đi thật! Nó đậu đại học, lòng bà mát hơn cả gió sông buổi chiều. Nó lên thành phố học, ra trường kiếm được việc làm rồi quyết định ở luôn trên đó. Nó quay về bảo bà bán căn nhà ở mé sông đi. Ừ thì bán vì lòng má có bao giờ muốn xa con! Thằng Biển đi kiếm người mua nhà, thậm chí nó quyết định bớt một phần tư giá khi người ta lưỡng lự. Nó không nhìn thấy mắt bà nhìn nhà, nhìn sông như người mất hồn. Nó đâu biết, bán nhà rồi, sợi dây mong manh là dấu chỉ để ba nó tìm về cũng đứt lìa. Mà ba nó, trong chừng ấy nào có hồi nào có ý định quay về?
Kiếp thương hồ lênh đênh, ba thằng Biển ghé bến sông một tháng đôi lần. Ghe là cái tiệm tạp hóa mà xà bông, nước mắm, chiếc chiếu, cái nồi... thứ gì cũng có. Chủ ghe trẻ măng, mỗi lần bà ghé đều nở nụ cười thật tươi. Lẽ ra, bà đừng nhìn vào nụ cười ấy, đừng e thẹn đáp lại mấy câu bông đùa của người ta. Một bữa quá trưa, người ta nói đói bụng, bà đùa lên nhà bà dọn cơm cho ăn. Vậy mà người ta lên thật. Cơm mắm kho chấm với bông súng, người ta ăn đến ba bát đầy. Rồi cứ thế, bụng bà lùm lùm sau lớp áo. Người ta hứa hẹn, đi thêm mấy chuyến hàng, kiếm tiền về cưới bà. Cho đến khi tiếng trẻ con khóc vang bến sông, đến khi thằng Biển lẫm chẫm, đến khi cầm cuốn tập đánh vần mà người ta vẫn không quay về. Người làng nói bà dại quá, “dò sông dò biển dò nguồn – mấy ai biết bụng lái buôn mà dò”.
Thì thôi, bà bươn bả nuôi con. Rau ngoài đồng, tôm cá ngoài sông, con người ta nghiêng mình theo đất mà sống nên má con bà cũng chẳng chết đói. Bà dồn hết hy vọng cho thằng Biển, hy vọng đời nó đừng bé mọn như đời bà. Nhưng bà đâu biết, một mai thành biển lớn con người ta thường quay ra chê bai vùng sông nhỏ bé. Biển là con bà, là núm ruột của bà, vậy mà giờ đây núm ruột của mình nghĩ gì bà cũng đâu có biết. Thằng Biển giàu lắm, bà thấy nó có những cục tiền dày cộm chất trong tủ. Bà cũng không hiểu lắm mấy chuyện làm ăn của con nhưng lâu rồi má con bà đâu có nói chuyện. Bà thèm cái cảm giác bà ôm thằng con bé xíu trên tay, nó thỏ thẻ thương má nhứt trên đời! Rồi tiếng thương ấy cũng vụt bay như cánh chim bìm bịp trên sông. Hồi mới đón bà lên phố, bà thèm mắm kho, nấu một nồi to ăn cho đã thèm. Con dâu chê đã đành, thằng Biển cũng trề môi bảo má ăn mấy thứ hôi rình, bây giờ ở phố còn ai ăn mấy thứ quê mùa đó nữa! Lòng bà xao xác, hồi nhỏ xíu, mỗi bận đi học về hễ bà nấu mắm kho là thằng Biển nhảy cẫng lên sung sướng.
5.
Chắc má con cũng thương con dữ lắm hen bà! Bà cụ ngó mặt chị, cái con nói gì lạ, má nào mà chẳng thương con. Chị nói mình đâu có má, đúng hơn má sinh chị xong, cho người ta như cho con chó, con mèo rồi đi biệt. Nghe má nuôi nói, tại má ruột chị nghèo quá. Cái ghe rách nát tơi tả không che được mấy cơn mưa lùa sao mà gánh được thêm một đứa con. Má nuôi an ủi mà sao lòng chị xơ rơ như cái cây bị sâu gặm trụi lá. Bộ nghèo là bỏ con cho người khác sao má? Mà má nuôi cũng thương chị dữ lắm. Năm chị mười hai tuổi thì má nuôi mất, chị lại mồ côi lần nữa. Có đôi khi chị cũng có ý nghĩ điên rồ là xuôi theo dòng sông tìm má. Má nuôi nói má ruột sống trên một chiếc ghe nhỏ, trên mặt có vệt sẹo dài kéo từ tai xuống tận cằm. Mà người có vết sẹo vậy có mấy ai. Nếu đi tìm hoài chắc rồi cũng có ngày tìm thấy.
Không còn má nuôi, chẳng có má ruột chị vẫn lớn lên như cây bần cây đước cắm rễ ngoài cửa sông. Rồi chị lấy chồng, đẻ hai đứa con. Buồn một điều là má chồng cũng chết sớm nên chị không có má để thương. Thiệt lạ, cái phận mồ côi cứ bám riết lấy chị. Kiểu như không nhắc thì thôi, hễ nhắc tới là kiểu gì chị cũng ngồi bên bờ sông mà rấm rứt. Chị rút ruột mình để sống cho con Mến, thằng Thương. Nếu sông không nuốt mất ngôi nhà của chị thì chẳng đời nào chị chấp nhận xa con lên phố kiếm tiền. Cách vài bữa, chồng con chị lại gọi lên. Dù chẳng hối chị về nhưng chị biết mấy cha con mong chị dữ lắm.
Nghe bà cụ đi tướt chị nấu cháo trắng với muối cho bà ăn ba ngày là khỏi. Lạ đời, cái món nấu dễ ẹt đó lại là thứ lành tính nhất với người hay đau bụng. Hạt gạo vo thật kĩ, nấu thật lâu trên bếp, để bung ra hòa quyện với nhau rồi thêm tí muối. Bụng bà cụ êm, chị kiếm khô sặc, kiếm mắm nấu cho bà cụ một nồi mắm kho bông súng. Bữa đó bà cụ ăn mà nước mắt chảy ròng ròng. Tay bà run run, bảo mười năm rồi mới được ăn lại. Bà nói cỏ cây sống được nhờ đất, bà sống được là nhờ mắm nhờ khô. Chị lấy khăn lau nước mắt cho bà, gắp cho bà miếng cá trong nồi mắm, bảo bà ăn mạnh đi. Bà thích thì ngày nào chị cũng nấu cho bà ăn. Thịt bò hay mấy thứ cao sang chị không nấu được chứ mấy thứ này chị nhắm mắt cũng nấu được.
Những buổi chiều, chị dắt bà ra ngoài sân hóng gió. Chân bà cụ run lập cập như máy cày. Bà nói chân yếu từ hồi bị chó cắn, sau khi sinh thằng Biển chưa đầy tháng đã phải dầm sông mò ốc, hết mùa này sang mùa khác như thế nên lặm nước, thấp khớp đủ kiểu. Con dâu mua thuốc Mỹ cho bà uống mà cũng chẳng đỡ. Chị ngồi bóp chân cho bà, thủ thỉ mấy cái bệnh đau xương như vầy phải chịu khó đi lại, ra vườn mới mong khỏe, chứ ngồi một chỗ, ở trong phòng suốt ngày sao mà khỏe lên được. Bà cụ thở dài, sáng sớm chúng nó đi, chiều tối chúng nó về, người giúp việc thay hết người này đến người kia có ai để ý đến bà đâu. Chỉ non một tuần, bà cụ khỏe lên trông thấy, cơm ăn được, tối ngủ ngon giấc, xương không còn kêu răng rắc như cành cây bị bẻ như trước nữa.
Bà chủ một bữa đột ngột về sớm, bà sừng cồ như con chó béc giê bị xích ngoài cổng. Bà lôi ầm ĩ tên chị ra chửi. Bà nói nuôi ong tay áo, đã dặn đi dặn lại mà không nghe. Cindy thì bị nhốt trong phòng, thịt bò thì không nấu cho nó ăn. Đã thế còn mùi mắm, ối trời ơi mùi mắm! Bà dốc ngược nồi mắm chị nấu trên bếp vào bồn cầu, vừa bịt mũi vừa nhấn nút. Chị đứng trân trân nhìn nồi mắm bị cuốn vào dòng nước rồi kêu lên òng ọc. Bà chủ cấm tiệt chị sau này không được nấu mắm, chiên khô trong nhà này nữa. Không lo chu đáo cho con Cindy thì bà đuổi thẳng. Nói rồi, bà tức giận bước lên cầu thang, bước qua bà cụ đang run run đứng vịn bờ tường xem có chuyện gì dưới bếp. Chị ngước nhìn lên, thấy bà cụ hai tay bấu chặt bờ tường mới đứng vững, gương mặt bà trắng bệch.
Nhưng mà sao chị có thể làm ngơ khi thấy bà cụ ôm bụng mỗi lần ăn thịt bò Mỹ hầm. Chị lén lút nấu thịt heo kho mặn, nấu cháo thịt bằm cho bà cụ ăn. Bà lắc đầu khi cơm còn non nửa, chị ép ăn cho hết. Chị ngồi bóp tay bóp chân, thủ thỉ vui buồn. Mỗi sáng khi cho con Cindy ra vườn chơi theo lệnh bà chủ chị đều dìu bà cụ ra vườn. Bà hãi con chó, chứ nơm nớp lo. Chị nói yên tâm, có chị đây rồi thì không con chó nào dám cắn bà đâu. Nắng sớm chiếu trên đôi gò má nhăn nheo, hom hóp đầy vết nhăn của bà. Bà nói hồi đó, bà ưa ngồi nhìn nắng sớm rải loang loáng trên mặt sông như người ta vãi lúa ngày mùa. Nắng ở đâu cũng đẹp mà nắng ở sông là đẹp nhứt trên đời. Chị ngồi im nghe, chị cũng nhớ sông thao thiết. Sông mùa này gió nhiều lắm. Chị thèm chiều chiều lặt rau muống nấu canh chua, bày xuống cái sàn gỗ rồi mấy bà con xúm xít lại ăn. Tự nhiên nước mắt chị chảy dài. Phải chi nhà chị không bị cuốn xuống sông. Phải chi ngày ba bữa chị được nấu cơm cho con Mến thằng Thương. Lòng má xa con héo hắt như cái cây bị bứng lìa khỏi đất...
Bà cụ đưa bàn tay nhăn nheo chùi gò má đầy vết tàn nhang của chị, bảo chắc nhiều người cũng buộc lòng phải bứt khỏi sông mà đi gá nghĩa ở mảnh đất khác. Giá mà hồi đó bà đừng bán căn nhà ven sông ấy thì bây giờ có chỗ để về. Chị nói, mai mốt chị kiếm đủ tiền dựng lại căn nhà mé sông, xin ông bà chủ cho bà về quê chơi một chuyến. Con Mến thằng Thương thèm gọi tiếng bà ngoại dữ lắm. Con nấu mắm kho ăn với lục bình, chiên khô ăn với mắm me rồi bày ra cái sàn ngó ra bến sông rười rượi gió. Mắt bà già hấp háy vui. Bà rưng rưng, tổ cha bây, biết tao còn sống tới hồi đó không!
6.
Bà chủ mặt buồn thiu ngồi ghế sofa vừa vuốt vuốt lông Cindy vừa bảo mình vừa đi đám cưới hết cả chục triệu. Hết thôi nôi tới sinh nhựt, rồi cưới hỏi, đám ma. Toàn chỗ sang trọng, mỗi lần đi mất đứt mấy triệu mà nhà mình tới hồi nào mới thu lại được. Hai đứa con học xong chắc định cư, chẳng mơ tới ngày tụi nó đám cưới mà gỡ. Ông chủ ừ hử, vuốt vuốt cái điện thoại ra vẻ chẳng quan tâm lắm. Bà chủ nhíu mày, rồi hất cằm lên lầu hỏi: “Bà cụ năm nay nhiêu?”. Ông chủ cũng nhíu mày, không nhớ nữa, để xem, 79 rồi, sang năm là tròn 80. Bà chủ gật gật, vậy sang năm làm tiệc mừng thọ 80, chắc hốt kha khá. Rồi mắt bà lóe lên khi nhìn con Cindy trong tay.
Một buổi chiều, ông bà chủ về thật sớm rồi kêu thợ tới nhà trang điểm thật đẹp, ăn bận cầu kỳ. Bà chủ nói với chị, tối nay bà tổ chức sinh nhựt. Chị thoáng nghĩ trong đầu, chắc sinh nhựt bà chủ. Trước khi hai người lên xe, chẳng hiểu sao bà chủ bảo với chị vào kiếm bộ đồ kha khá mặc vào, bà chở tới chỗ đó phụ được gì thì phụ. Khi chị đi ra, bà chủ bĩu môi khi thấy chị mặc bộ đồ bà ba. Chị biết nhưng chị có bộ nào khá hơn bộ này đâu. Cánh cửa sắt khóa lại lạnh lùng, mình bà cụ ở nhà. Máy lạnh ô tô phà ra hơi lạnh khiến chị rùng mình. Con Cindy hôm nay được mặc một bộ áo đầm cầu kỳ, cùng tông màu vàng với bà chủ, cổ nó còn đeo cái vòng bằng ngọc trai mà bà khoe mấy chục chai chứ ít gì. Trên đầu nó còn thắp cái nơ cũng màu vàng nốt. Ai mắt kém, tưởng bà chủ bế con cũng nên.
Chị hết nhìn góc nọ đến góc kia của nhà hàng, cái gì cũng xịn, cũng bóng loáng, cũng đẹp đẽ. Năm sao mà lại! Chị đứng xớ rớ chẳng biết làm gì vì đã có mấy cô cậu thanh niên trẻ măng mặc đồ vest phục vụ. Bà chủ lăng xăng, cười với người này, bắt tay người kia. Khách tới dự tiệc, ai cũng đẹp, cũng thơm. Họ cúi xuống nựng con Cindy một cái như người ta nựng con nít. Bỗng đèn điện vụt tắt, sân khấu sáng đèn và tiếng nhạc vang lên làm chị giật mình. Màn hình chạy chiếu mấy hình ảnh của con Cindy. Hình nó lúc mới đẻ như một túm lông màu trắng, hình nó đang chạy chơi ngoài công viên, lúc nó ngoạm trái banh, cả hình lúc nó nằm ngoan trong vòng tay bà chủ. Tiếng MC vang lên: “Hân hoan chào mừng tất cả quý vị đến với bữa tiệc sinh nhật con cưng của chị Thu Hoài. Em bé Cindy”. Chị giật thót mình lần nữa. Hôm nay là sinh nhựt của con chó! Tiếng vỗ tay vang lên rào rào, rồi tiếng cụng bia tanh tách. Chị thấy nhức đầu, ra ngoài bãi xe ngồi chờ tiệc tàn. Gió thổi qua làm chị buồn xao xác. Mà buồn vì cái gì thì kẻ ít học như chị không cắt nghĩa được.
7.
Tiệc tàn thì tới nửa đêm. Khi mở cửa vào nhà, chị kinh hoàng khi thấy bà cụ nằm ngã dưới cầu thang. Ông bà chủ lật đật gọi xe cấp cứu. Bà cụ được đưa tới bệnh viện quốc tế, ông chủ yêu cầu dịch vụ tốt nhất. Sau một ngày cấp cứu thì bà cụ cũng tỉnh. Bụng chị nóng hơ như có đám cháy ở trong. Biết thế chị ở nhà với bà cụ chẳng đi sinh nhựt làm gì. Tới đó có làm gì đâu mà cụ ở nhà chẳng ai trông. Bà cụ đưa mắt tìm, gương mặt giãn ra khi nhìn thấy chị. Bà thều thào kể muốn đi xuống bếp tìm nước uống, ai ngờ trượt chân ngã cầu thang. Bác sĩ nói cú ngã làm bà cụ gãy chân, chấn thương cột sống, gãy xương vai, đủ kiểu. Xương người già giòn như bánh tráng, phải lâu lắm mới lành lại. Chị thở hắt ra, nhìn bà cụ mà nước mắt cứ chảy. Ông bà chủ phải về đi làm, chị ở lại bệnh viện chăm. Ông chủ bảo chị đừng lo, dịch vụ ở đó tốt lắm. Chị ngồi bên thủ thỉ đủ điều, nói cụ khỏe để còn về quê, còn ngồi ngắm sông, còn ăn mắm đồng nữa chứ! Cụ cười hom hem. Nụ cười méo xệch như cố lắm mới kéo nổi đôi môi để chị an lòng.
Nằm mấy tuần mà bà cụ chẳng khá hơn, còn có dấu hiệu xấu đi. Người bà đã gầy giờ như tờ giấy dán vào giường bệnh. Chị bóp chân mà như bóp khúc củi khô quắt queo. Lòng chị rối bời, hoang mang như cái ngày má nuôi bệnh nặng. Nỗi lo sợ mất mát ngập ngụa trong lòng. Nửa đêm chị choàng tỉnh, chạy lại giường bệnh, thở phào khi thấy bà còn thở. Thấy đôi mắt thâm quầng của chị, bà cụ lắc đầu. Cái lắc đầu vì bất lực hay vì điều gì chị chẳng biết.
Một bữa bà ra hiệu cho chị ngồi xuống giường bệnh, bảo chị kê sát tai. Bà thì thầm, giở cái nệm của bà ở nhà lên, lần trong cái bọc ni lông màu xanh, trong đó có mấy chỉ vàng… Nước mắt bà ứa ra rớt trên gò má tom hóp. Vợ chồng nó giàu lắm, đừng đưa chúng nó làm gì, về quê đi, cất lại cái nhà ven sông, đừng rời xa con cái, tội nghiệp, đừng như bà… Giọng bà đứt quãng, như con cá mắc cạn cố hớp từng giọt không khí. Bà siết chặt tay chị, về đi, sống ở đây buồn quá!
Rồi bà cụ chìm vào mê man. Đêm đó bà cụ mất. Vợ chồng ông bà chủ thuê xe đưa cụ về nhà. Chỉ sau một cuộc điện thoại, bên nhà đòn tới dựng rạp, dựng cổng, bày biện tang lễ sang trọng. Hoa tươi màu trắng trải từ cổng tới tận quan tài. Tiếng kinh tụng cầu siêu vang lên ba ngày không dứt. Chị như người mất hồn, đứng dựa tường nhìn người ta lo ma chay cho cụ. Trên di ảnh, bà cụ trông thật sang trọng, bà vận chiếc áo dài màu tía, cổ đeo vòng tròn ngọc trai. Sao mà khác với bà cụ gầy guộc mỗi ngày chị đút cháo, đút cơm đến thế. Đôi mắt cụ nhìn chị như trân trối. Chị sực nhớ đến lời dặn của cụ trước khi mất. Nhân lúc người ta không để ý, chị lên phòng, theo lời cụ lần dưới nệm lấy ra một cái bọc ni lông màu xanh. Tim chị đập như trống. Chị luống cuống mở từng lớp ni lông được quấn kĩ bằng những dây thun, là vàng, chị đếm đi đếm lại, có mười chỉ vàng…
Sau tang lễ, bà chủ cong môi ngồi cộng sổ tính tiền. Hai trăm triệu, lời được hai trăm luôn đó. Bà mừng rỡ nói với ông chủ nhưng ông vẫn chỉ ừ hử ngồi quẹt điện thoại rồi buông một câu: “Hai trăm thôi à!”. Bà chủ bảo giá sang năm làm thọ có khi gom được nhiều hơn. Chị đứng tần ngần một lát rồi tới xin phép ông bà chủ cho chị nghỉ, chị về quê không ở đây nữa. Bà chủ ngước lên nhìn chị, rồi bà gật đầu cái rẹt. Ừ, mai nghỉ đi. Rồi xoèn xoẹt đếm 5 triệu đưa chị, trả tiền công một tháng.
Chị lại bàn thờ thắp nhang, xá bà cụ ba cái. Thưa bà, mai con về với sông, bà có linh thiêng thì theo về với con! Mắt chị nhòe đi rồi trước mắt chị hiện ra dòng sông quê mát rượi, căn nhà nhỏ xíu ngó mặt ra sông. Trên cái sàn gỗ, chị sẽ bày canh chua, mắm kho, rồi con Mến thằng Thương sẽ vừa ăn vừa cười giòn trong gió sông lồng lộng…
Nguồn Văn nghệ số 45/2023