Bàn về đời sống phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) hiện nay, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng nhiều nhất là những ý kiến cho rằng: Đời sống phê bình VHNT ở nước ta hiện nay đang bị chi phối bởi phê bình nghiệp dư trên báo chí và mạng xã hội. Bởi vậy “Phê bình nghiệp dư” hay “phê bình không chuyên” cũng thường được gọi là “Phê bình báo chí”. Đó thường là phê bình của các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, sinh viên, nghiên cứu sinh, độc giả… và hiện nay thêm các Facebooker, Bloger… là những người quan tâm đến VHNT.0
Lâu nay nói đến “Phê bình nghiệp dư” hay phê bình báo chí thường hàm ý không tin cậy; cho rằng đấy là phê bình của những người “tay ngang, ngoại đạo”. Thậm chí đôi khi trên một số diễn đàn, người ta công khai phê phán, coi đó là “vấn nạn” của hoạt động phê bình VHNT hiện nay và kêu gọi phải phấn đấu hạn chế, xóa bỏ lối Phê bình nghiệp dư - Phê bình báo chí để chấn hưng “dòng” phê bình hàn lâm chính thống. Trong khi “Phê bình nghiệp dư” đang hiện hữu như một thành phần tất yếu và đắc dụng của hoạt động phê bình VHNT nói riêng và đời sống VHNT nói chung. Thực tế hiện nay, việc đánh giá một hiện tượng VHNT, một vấn đề về nội dung hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể, hoặc là một xu hướng mới của đời sống VHNT, chủ yếu dựa là vào các nhà báo và các nhà phê bình nghiệp dư. Tuy “nghiệp dư” nhưng thời gian qua, nhiều hiện tượng VHNT được báo chí phát hiện và cổ vũ đã khẳng định được sức sống và chỗ đứng của mình. Nhiều tài năng trẻ nhờ báo chí phát hiện, khích lệ mà tiếp tục phát triển bền vững. Nhiều thể nghiệm nghệ thuật đã được ghi nhận và có tác dụng tích cực trong đời sống VHNT. Đồng thời, hoạt động của phê bình báo chí còn góp phần định hướng dư luận; rung những hồi chuông cảnh báo trước những vấn đề, hiện tượng, sự việc đáng quan tâm để nhà quản lý và các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh, xử lý….
Cách nay hơn 1 thập niên, trong tác phẩm Phê bình văn học - con vật lưỡng thê ấy, nhà nghiên cứu - Phê bình văn học Đỗ Lai Thúy viết: “Một nền văn học không có tiếng nói của báo chí là một nền văn học chết. Nhưng một nền văn học mà chỉ có tiếng nói của báo chí, thì cũng là một nền văn học chết, tuy rằng chết theo kiểu khác”. Nhận định đó đến nay vẫn nguyên giá trị học thuật và ý nghĩa thời sự. Thực trạng hoạt động phê bình báo chí - phê bình truyền thông đang lấn át hoạt động phê bình chuyên nghiệp – phê bình hàn lâm hiện nay, đặt ra một vấn đề đáng lo ngại về mặt học thuật. Bên cạnh những đóng góp tích cực và những đáp ứng thiết thực, phê bình văn học trên báo chí truyền thông hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần sớm điều chỉnh và “bù đắp”. Không ít bài phê bình trên báo chí truyền thông hiện nay thể hiện sự thiếu hiểu biết về kiến thức cũng như vốn sống và khả năng cảm nhận nghệ thuật của người viết; bài “phê bình” của họ không có sự phân tích, đánh giá thấu đáo, thiếu những lập luận sắc sảo về chuyên môn, vì vậy mà người đọc thiếu độ tin cậy. Thậm chí không ít tác giả quá ảo tưởng và lạm dụng về quyền lực phán xét của cơ quan báo chí, khiến cho hoạt động phê bình trên báo chí truyền thông trở thành hoạt động có tính cửa quyền, thiếu sự trong sáng, công tâm. Đó là chưa kể không ít bài phê bình khen chê tùy hứng theo cảm tính và quan hệ quen biết; khen chê kiểu bè phái và lợi ích nhóm, khen hội đồng và đánh hội đồng, khen chê theo phong bì, phong bao và quảng cáo để bán sách… làm nhiễu loạn hoạt động phê bình VHNT và tất nhiên làm nhiễu loạn, đánh tráo nhiều giá trị cao quý của VHNT.
Trong tương quan “so sánh lực lượng” hiện nay giữa phê bình hàn lâm - chuyên nghiệp với phê bình báo chí - không chuyên, dù các bên “nặng - nhẹ” hay “ưu điểm - hạn chế” khác nhau, thì đều đang tác động lên tâm lí, thị hiếu và sự lựa chọn của công chúng VHNT; kể cả các hoạt động sáng tác, hoạt động xuất bản và quảng bá các tác phẩm VHNT. Các văn nghệ sĩ và công chúng VHNT vẫn được tiếp cận các bài phê bình trên các tạp chí chuyên ngành, các diễn đàn học thuật uy tín, các cơ quan báo chí truyền thông và mạng xã hội. Từ đó mà các cơ quan quản lý văn hóa và công chúng VHNT có được những quan điểm cụ thể - cục bộ, hay tổng quát - vĩ mô về thực trạng nên VHNT Việt Nam đương đại. Đồng thời cũng cần thấy rằng, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã có tác động toàn diện lên đời sống xã hội nói chung và đời sống VHNT nói riêng. Theo đó, hoạt động phê bình VHNT cũng đang vận động, đổi mới trong môi trường mới, đa chiều và đa dạng hơn với sự hỗ trợ của các tiện ích chuyển đổi số. Cùng đó, phê bình VHNT trên báo chí truyền thông sẽ được mở rộng tới nhiều chủ thể, có nhiều cơ chế phê bình và kiểu phê bình văn học nghệ thuật tồn tại.
Để nâng cao chất lượng phê bình VHNT trên báo chí truyền thông, nhất thiết phải có một sự chỉ huy thống nhất ở tầm quản lý vĩ mô; trong đó Ban Tuyên giáo Trung ương mà trực tiếp là Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phải thể hiện vai trò chủ chốt trong việc định hướng dư luận và thống nhất tư tưởng trong hoạt động phê bình VHNT. Các hoạt động chuyên môn do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì cần được tổ chức định kỳ thường xuyên hơn; nhất là tổ chức các cuộc hội thảo, hoặc tọa đàm trao đổi về các sự kiện/ hiện tượng VHNT đang được dư luận chú ý; tăng cường hơn nữa các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo và quản lý VHNT với văn nghệ sĩ...
Đặc biệt, khi đời sống VHNT có những sự kiện hay hiện tượng “nổi cộm”, những “nghi án” VHNT đang được dẫn dắt bởi dư luận xã hội thì Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và các cơ quan chuyên môn, các Hội nghề nghiệp phải có chính kiến kịp thời giúp cho các cấp lãnh đạo và quản lý có giải pháp xử lý đúng đắn, hiệu quả. Tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14KL/TW về “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều lần trong các văn bản chính thức của Đảng ta, nhằm đề cao những cán bộ “6 dám” là: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói thật, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách”. Lao động sáng tạo VHNT cũng là một hình thái hoạt động xã hội. Bởi vậy, trong VHNT cũng không hiếm những tác giả dám nghĩ, dám viết ra những tác phẩm khác lạ, không chỉ với những đột phá về nghệ thuật mà còn có những đột phá về chủ đề tư tưởng, những dự báo gây “sốc”. Lịch sử VHNT thế giới cũng như trong nước đã từng có những “vụ án” VHNT oan sai chỉ vì tác giả có tư tưởng đi trước thời đại. Dù với bất kỳ lý do gì thì những oan sai như thế cũng là những thiệt thòi lớn cho nền VHNT nước nhà, mà trước hết là một thế hệ công chúng VHNT.
Bởi vậy, để khích lệ văn nghệ sĩ tự do sáng tác với ý thức công dân của mình, nên chăng cần lưu tâm tới chủ trương “bảo vệ những người năng động, dám nghĩ, dám không đi theo “lối mòn” trong sáng tạo VHNT. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (Khóa VI) về VHNT ban hành ngày 28/11/1987 đã chủ trương “Tự do sáng tác cần đi đôi với tự do phê bình”. Mới đây, phát biểu tại Hội nghị nhà văn lão thành lần thứ nhất (tháng 9/2023) Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng khẳng định: “Đất nước và nhân dân đang rất cần những nhà văn trung thực và quả cảm”. Để thực thi tốt những quan điểm trên đây của Đảng và Nhà nước, cũng rất cần sự “quả cảm” của các cấp lãnh đạo và quản lý tư tưởng - văn hóa.
Nhà văn Mai Nam Thắng
Nguồn Văn nghệ số 4/2024