Ngày 22-9, tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải thưởng Đào Tấn 2024 (Viện Nghiên cứu, bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc) tổ chức trao giải thưởng cho 11 cá nhân, 5 vở diễn của 5 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp và 2 đoàn nghệ thuật tuồng bán chuyên nghiệp.
Trường ca “Những người lính của làng” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, và 2 tuyển thơ của 2 nhà thơ Trần Vũ Mai và Đỗ Nam Cao, được trao giải thưởng trong lĩnh vực Văn học.
Trường ca "Những người lính của làng" nói về những chàng trai, cô gái đi ra mặt trận từ một làng quê nhỏ bé, bình yên, và khi trở về ngôi nhà xưa yêu dấu của mình, họ đã thành những người "sống suốt đời mười tám tuổi"... Những trang viết tri ân những người lính trẻ, nhưng những khúc hay nhất trong bản trường ca này lại được dành dâng tặng những người mẹ. Chỉ có Mẹ Việt Nam vĩ đại mới đủ tình yêu, lòng nhẫn nại và sự hi sinh vô bờ bến để thấu được câu hỏi: "Con đã về, mẹ có thấy con không?" Năm 1981, tại Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết "Những người lính của làng" khi ông vừa bước sang tuổi 24. |
Trước đó, Giải thưởng Thành tựu trọn đời trao cho Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy và Giải thưởng Nhà quản lý văn hóa xuất sắc trao cho TS Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng.
Ngoài ra, giải Điêu khắc trao cho tác giả Vương Duy Biên và Lưu Thanh Lan
Giải âm nhạc trao cho tác phẩm “Bà về ngự chốn non tiên”, nhạc sĩ Hình Phước Liên
Giải vở diễn sân khấu gồm: “Nợ nước non” của Nhà hát Cải lương Việt Nam, kịch nói “Mưa bóng mây” của Công ty TNHH Giải trí Hero Film, TP Hồ Chí Minh và 3 vở chèo: “Mưa đỏ” của Đoàn Chèo Hải Phòng, “Đại đội trưởng của tôi” của Nhà hát Chèo quân đội và “Nắm xôi kỳ diệu” của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Được biết, những cá nhân, tập thể được lựa chọn trao Giải thưởng Đào Tấn 2024, dựa trên đề cử từ nhiều nguồn khác nhau như: giới thiệu của các văn nghệ sĩ; qua truyền thông, báo chí; qua các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương, địa phương…
Hà Phương | Báo Văn Nghệ
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: