Sáng tác

Lời hứa của thời gian - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Danh tác văn học
15:10 | 28/07/2024
Baovannghe.vn - Ông nhớ con trâu nhưng ông giữ lời hứa của mình. Rồi ông lại chập chờn bước vào giấc ngủ. Ông nghe thấy có ai gõ cửa. Ông lại tỉnh giấc. Ông ngồi dậy, lắng nghe và nhận ra có ai đó đang đẩy cửa. Ông bước vội ra mở cửa và nhận ra con trâu trở về.
aa

Khi hoàng hôn xuống những đồi thông thì gió nổi lên. Tiếng gió u u không dứt cho đến tận sáng sớm hôm sau. Đối với ông Miêng, giấc ngủ không còn quan trọng nữa. Ông có thể thức suốt đêm hoặc ngồi trong ngôi nhà dưới chân đồi hoặc đi lang thang trong rừng thông sẫm tối và sạch sẽ. Buồn ngủ lúc nào thì ông ngủ lúc đó. Có ngày ông ngủ suốt buổi chiều trên lớp lá thông dày ở đỉnh đồi. Ông tin, một ngày nào đó ông sẽ ngủ mãi mãi trên thảm lá thông này. Ý nghĩ ấy làm ông hạnh phúc. Chính trên những quả đồi này, năm 1972, cả tiểu đội của ông chỉ còn sót lại một người. Đó chính là ông. Sau trận đánh chiều đó, ông ngất đi vì ba vết thương trên người. Khi ông tỉnh dậy trời đã khuya. Đêm ấy trời đầy sao. Cả vùng đồi im phắc. Ông gượng ngồi dậy. Và trong ánh sáng mờ của sao và vầng trăng đầu tháng, ông nhận ra đồng đội ông đang nằm như ngủ bình yên trên đỉnh đồi. Ông đã cất tiếng gọi. Tất cả đã hy sinh. Tiếng gọi của ông đêm ấy vang trên những quả đồi trơ trụi và vọng mãi đến bây giờ.

Sau chiến tranh, ông về thăm quê và quyết định trở lại vùng đồi này. Trở lại vùng đồi này, ông mang theo một người đàn bà trẻ. Người đàn bà đó là vợ ông. Người đã chờ đợi ông suốt mười mấy năm cuối cùng của cuộc chiến tranh.

Ngày ông dắt vợ đến vùng đồi, người đàn bà trẻ ngơ ngác nhìn cõi hoang vu và hỏi:

- Chúng mình đến đây để làm gì hở anh?

- Để sống.

Ông Miêng nói một câu ngắn gọn như vậy. Rồi những ngày sau đó, ông dựng một ngôi nhà nhỏ dưới chân đồi. Chính quyền địa phương không một chút đắn đo cho phép ông được sống ở đó. Một năm sau ngày đến vùng đồi, ông bắt đầu trồng thông. Ông nói với vợ:

- Anh sẽ trồng thông kín những quả đồi này.

- Bao giờ mới kín được? Người vợ lo lắng hỏi.

- Anh không biết - Ông nói - Nhưng anh sẽ trồng và sẽ trồng kín.

Những đêm sáng trăng, ông thường ngồi im lặng nhìn lên đỉnh đồi. Mây lững lờ bay qua đỉnh đồi, và ông nghe tiếng ông gọi đồng đội mình. Những đêm như thế, ông thường đi lên đỉnh đồi và trở về nhà rất khuya. Vợ ông sợ hãi hỏi:

- Anh lên đó làm gì?

- Anh lên thăm bạn anh.

- Có ma nào ở trên đó mà anh thăm. Anh làm sao thế? Em sợ lắm.

Anh ôm chặt vợ vào lòng và rì rầm:

- Tất cả đang ngủ trên đó.

Vợ chồng Miêng sống trên vùng đồi như sống trên một vùng đảo hoang. Có những tuần lễ không một bóng người đi qua. Người dân ở đó không biết làm gì ở vùng đồi sỏi đá và còn sót lại cả mìn từ chiến tranh này. Ông Miêng trồng tất cả những thứ gì có thể mọc được trên đất đồi này quanh ngôi nhà nhỏ và nuôi tất cả những gì có thể sống được ở đây. Sau một năm, vùng đồi đỡ hoang vu hơn bởi những màu xanh đầu tiên được nhen lên và bởi tiếng gà tiếng chó. Ngày đầu tiên ông Miêng đến Sở Lâm nghiệp tỉnh xin cây thông non để trồng. Người ở Sở Lâm nghiệp nói giá mỗi cây thông non cho ông biết. Và nhanh hơn máy, ông ta tính cho ông một món tiền khổng lồ mà ông Miêng phải trả.

- Tôi không có tiền. Tôi chỉ xin để trồng thôi. - Ông Miêng nói.

Người Sở Lâm Nghiệp tròn mắt:

- Thế thì ông lấy lá thông mà trồng.

Nghe vậy, ông Miêng bỏ đi. Ông gặp lãnh đạo tỉnh.

- Tôi giúp tỉnh trồng thông kín những quả đồi đó. Tôi chỉ trồng thôi. Tôi không lấy công, không lấy gì hết.

Lãnh đạo tỉnh nhìn thấy ông khó hiểu. Ông nói:

- Tất cả đồng đội tôi đã chết trên quả đồi kia. Bấy giờ họ đang ngủ ở đó. Khi nào thông mọc kín những quả đồi thì tôi sẽ trở về quê.

Lãnh đạo tỉnh ôm lấy ông. Sau đó, Sở Lâm nghiệp cấp cây giống cho ông. Ông Miêng bỏ hết số tiền ông có mua một chiếc xe trâu để chở cây giống và giúp ông những việc khác. Mỗi tháng, ông đánh xe trâu đưa vợ xuống thị xã một lần để mua sắm những thứ cần thiết cho hai vợ chồng hoặc mang bán một ít gia cầm. Những buổi chiều bớt việc, ông thường dắt con trâu đi lang thang quanh vùng đồi để tìm cho nó một đám cỏ ngon.

Có lúc, con trâu dừng bước ngẩng cao đầu nhìn về dãy Trường Sơn xanh mờ. Nó bứt rứt lắc chiếc mõ tre đeo nơi cổ. Tiếng mõ tre vang lên đơn độc và khắc khoải. Nhiều đêm con trâu đánh sừng suốt đêm vào những gióng tre chắn cửa. Và tiếng nó thở hắt ra như một tiếng thở dài. Những lúc ấy, ông Miêng tỉnh giấc. Ông cầm chiếc đèn bão ra chuồng trâu. Con trâu ngước đôi mắt ươn ướt nhìn ông. Ông bước lại bên con trâu, vuốt ve cái khoáy trắng trên trán con trâu và thì thầm:

- Khi thông phủ kín những quả đồi, tao sẽ thả mày về với rừng.

Hai năm sau, những cây thông được trồng đã bắt đầu rít gió. Đêm đêm, gió u u thổi qua rừng thôn non trên sườn đồi. Và trong tiếng gió thổi lúc gần sáng có tiếng trâu khua sừng và thở gấp vừa náo nức vừa buồn bã. Những đám mây mang hình người lơ lửng trôi qua những đỉnh đồi trong ánh trăng. Nhiều đêm như thế, vợ ông đã khóc và đòi ông rời bỏ vùng đồi về quê.

Rồi vợ ông mang thai, ông ôm vợ và nói:

- Chúng mình sẽ có một thằng con trai. Vùng đồi này sẽ có thêm một người và ông có thêm một người trồng thông.

Nhưng ngày vợ ông sinh là ngày khủng khiếp nhất đời ông. Đứa bé không thành người. Nó chết ngay sau khi được sinh ra. Ông đã bọc đứa con trong chiếc áo lính bạc trắng của mình và đi quá nửa ngày đường xe trâu đưa đứa bé về vùng đồi. Ông chôn đứa bé trên đỉnh đồi nơi cả tiểu đội của ông đã nằm ở đó. Những ngày sau đó thỉnh thoảng ông để cho vợ đánh chiếc xe trâu lọc cọc về thị xã chơi với người quen cho khuây khỏa. Còn ông lại lao vào trồng thông từ sáng đến tối. Vợ ông xuống thị xã và đôi khi ở lại vài ba ngày. Nhiều đêm chị hoảng hốt đòi ông trở về quê. Nhưng ông chỉ im lặng. Ông quyết liệt trồng thông phủ kín những quả đồi và quyết liệt có con. Vợ ông mỗi ngày một ít nói và đánh xe trâu về thị xã nhiều hơn. Cho đến một ngày, ông không thấy vợ trở về. Ông về thị xã tìm vợ. Vợ ông để lại chiếc xe trâu ở nhà người quen cùng với lời xin ông tha thứ và vĩnh biệt ông. Vợ ông đã không chịu nổi cuộc sống ngày dương đêm âm của vùng đồi. Và chị quá sợ hãi phải sinh nở với ông. Ông chỉ có thể sinh ra những đứa trẻ không thành người. Chị đã bỏ ông, bỏ vùng đồi đi theo một người đàn ông khác mà chị gặp trong những lần đánh xe trâu về thị xã.

Ông chết lặng khi nghe tin ấy. Và lần đầu tiên trong đời ông thấy mình như không còn một chút sức lực nào nữa. Ông tựa vào con trâu và run lẩy bẩy. Ông không đi tìm vợ. Ông cũng không có ý đánh xe trở về vùng đồi. Ra khỏi thị xã. Ông nằm xuống thùng xe và mặc cho con trâu kéo cỗ xe đi về đâu thì đi. Ông nằm trên đống cỏ đã héo khô trên thùng xe, người như lên cơn sốt. Mặt trời dần tắt. Bóng tối phủ dần lên con đường. Con trâu vẫn kiên nhẫn bước đi từng bước.

Khi con trâu lắc mõ và rống lên một tiếng dài thì ông mới tỉnh khỏi cơn sốt của đau đớn. Ông ngồi dậy và sửng sốt nhận ra cỗ xe đã dừng trước ngôi nhà của ông dưới chân đồi. Ngôi nhà nằm im lìm trong bóng tối. Hai con chó thấy ông về mừng rỡ tru lên khe khẽ. Ông mệt mỏi bước xuống khỏi thùng xe. Gió đêm bắt đầu thổi. Những lá thông rung lên. Ông lặng lẽ bước lên đỉnh đồi. Hai con chó lặng lẽ theo sau ông. Ông đến ngồi xuống nấm mộ nhỏ của đứa con xấu số bên một gốc thông. Ông khóc.

Đêm đó, ông lên cơn sốt thật. Trong cơn sốt ông thấy đồng đội ông ôm súng nằm phủ kín những quả đồi. Ông đi lang thang trên những quả đồi và gọi tên đồng đội. Không ai trả lời ông. Tất cả đã ngủ mãi mãi trên những quả đồi kia. Ông nằm bệt trên giường hai ngày liền. Một nhân viên của trạm cây giống lên thăm ông. Thấy ông ốm, anh ta vội đi đón một nữ y tá đến chăm sóc ông. Mấy ngày sau, ông khỏi và lại đánh xe đến trạm cây giống lấy thông con. Ông lại trồng thông từ sáng đến tối mịt. Lúc nào đói thì nấu ăn, lúc nào mệt thì nằm ngủ, không theo quy luật nào cả.

Cứ khoảng một tháng, ông Miêng lại đánh xe về thị xã. Sau khi mua sắm những thứ cần thiết cho sinh hoạt và công việc, ông ghé qua nhà quen của vợ chồng ông.

- Có thấy cô ấy về đây không?

Khi gặp người quen, ông thường hỏi câu đó. Người đàn bà nhìn ông vừa ái ngại vừa như có lỗi và lắc đầu. Và trước khi bước lên xe để trở về, ông đều nói:

- Có gặp vợ tôi thì bảo với cô ấy là tôi vẫn đợi cô ấy.

Mỗi lần từ thị xã trở về, ông Miêng thường ghé thăm cô y tá đã chăm sóc ông cái bận ông ốm. Cô y tá tên là Hoa, làm việc ở một trạm xá xã gần đó. Ông thường mang cho chị lúc thì một ít trái cây, lúc thì một hai chục trứng gà. Hai người ngồi nói chuyện vẩn vơ về vùng đồi. Dần dần họ trở nên thân thiết. Những lúc rảnh rỗi, Hoa đạp xe lên thăm ông. Ông Miêng dẫn chị lên đỉnh đồi để chỉ cho chị những cây thông mới trồng.

Những cây thông cứ từng ngày mọc lên trên những quả đồi sỏi đá. Ngày nào đến thăm ông, chị cũng ở lại ăn cơm chiều với ông. Hai người ngồi ăn cơm bên ngọn đèn chai trong tiếng gió thổi qua những đồi thông.

Một buổi chiều đưa Hoa lên đỉnh đồi, ông Miêng đã nói với chị:

- Không có người thì chẳng làm sao, nhưng đã có người đến đây rồi thì tôi thấy mình lẻ loi quá.

Nghe ông Miêng nói vậy, Hoa im lặng và đi xuống chân đồi. Ông Miêng bước theo và nói khẽ:

- Ngày nào không có Hoa tôi thấy trống vắng quá.

Hoa càng bước vội hơn. Đến ngôi nhà của ông Miêng dưới chân đồi, Hoa vội vàng lấy xe đạp và nói:

- Em phải về.

Ông Miêng vội hỏi:

- Sao không ở lại ăn cơm với tôi?

Hoa không trả lời, chị đạp xe xuống con đường đất đỏ chạy ven chân đồi.

Một tuần sau đó, Hoa không lên đồi thăm ông Miêng. Ông nóng ruột xuống làng tìm chị. Họ ngồi im lặng trước nhau. Hoa không nói một câu gì cho tới khi ông Miêng đứng dậy ra về. Hoa tiễn ông ra đến đầu ngõ và bỗng nói:

- Anh đừng giận em. Chiều mai em lên.

Buổi chiều hôm sau, Hoa lên thăm ông Miêng. Đó là một buổi chiều hạnh phúc trào lên bất tận với ông Miêng. Ông dùng xe trâu đưa Hoa đi thăm xung quanh vùng đồi. Ông nói say sưa và náo nức về vùng đồi. Hoa nghe ông và đôi mắt giàn giụa. Những ngày sau đó, cứ khi nào rảnh rỗi công việc ở trạm xá xã, Hoa lại đến với ông Miêng. Chị dọn dẹp nhà cửa cho ông và cuốc những vạt đất ven chân đồi trồng chuối và rau.

Một buổi chiều đang trồng thông non trên sườn đồi, ông Miêng giật mình nghe một tiếng nổ dưới chân đồi. Ông nhìn xuống và kinh hoàng nhận ra Hoa nằm úp mặt trên đất. Khói đen như trùm kín người chị. “Hoa!” Ông Miêng rú lên và lao xuống chân đồi. Những cây thông non mới trồng gãy gập dưới chân ông. Khi ông chạy đến chỗ Hoa nằm thì khói đã tan hết. Chị nằm sấp trên mặt đất đồi, một bàn tay vẫn nắm chặt chiếc cán cuốc. Một quả mìn còn lại trong chiến tranh đã cướp đi mạng sống của chị. Ông Miêng từ từ quỵ xuống bên chị. Bỗng ông ngửa mặt lên trời và rống lên. Bầu trời trên đầu ông trong và xanh thẳm. Khói mìn đã tan đi trong gió. Cả vùng đồi yên tĩnh lạ thường.

Ông Miêng bế Hoa lên. “Hoa ơi là Hoa”. Ông gọi và bế Hoa về phía ngôi nhà của mình. Ông múc nước trong chiếc lu sành rửa mặt mũi, chân tay cho chị. Rồi ông đặt chị nằm ngay ngắn trên chiếc giường của mình. Ông mở hết cửa cho gió đồi buổi chiều lùa ào ạt vào ngôi nhà. Ông ngồi xuống bên chị và kể lể cho chị nghe về cuộc đời ông cho đến khi bóng tối phủ kín ngôi nhà...

Sau ngày vợ ông bỏ đi và Hoa bị chết bởi mìn, ông Miêng bỏ rất nhiều thói quen của cuộc sống hằng ngày. Chỉ còn một vùng đồi và những cây thông non là niềm vui của ông. Đêm đêm, ông lẩn thẩn với những công việc không đâu vào đâu. Gần sáng ông thức giấc, ông ra hiên nhà ngồi nghe gió réo u u qua rừng thông đã lên cao. Có một thời Sở Lâm nghiệp mời ông làm đội trưởng đội trồng rừng của tỉnh. Ông từ chối. Ông muốn sống một mình trên vùng đồi này. Ông muốn tự tay trồng kín thông trên những quả đồi sỏi đá và đầy mảnh bom đạn cùng với những quả mìn còn sót lại đâu đó trong đất đồi. Đêm đêm, ông sống cùng tiếng gió những đồi thông. Thỉnh thoảng ông lại nghe thấy chính tiếng ông gọi đồng đội xưa kia vọng về. Đồng đội ông đã yên nghỉ mãi mãi trên những ngọn đồi kia. Và ông cũng được yên nghỉ vĩnh viễn nơi đó. Hằng tháng, ông vẫn đánh xe xuống thị xã. Và lần nào ông cũng cho xe đi qua cửa nhà người quen của vợ ông. Ông cho trâu dừng lại. Ông nhìn vào ngôi nhà rồi lại bỏ đi. Với vợ ông, ông không hề thù oán, ông chỉ thấy buồn. Người đàn bà ấy đã chờ đợi ông suốt mười năm không một điều tiếng gì. Nhưng chỉ ba năm sống với ông trên vùng đồi này, chị đã không chịu đựng nổi. Nói đúng hơn là chị khiếp sợ. Chị khiếp sợ phải sinh cho chồng những đứa con bất thành nhân dạng.

Bây giờ, thông đã mọc kín và cao trên những quả đồi. Tóc ông Miêng đã bạc trắng tuy ông mới ngoài sáu mươi tuổi. Con trâu ông mua từ ngày mới đến vùng đồi, nay đã già yếu. Đôi sừng như đè nặng hơn trên đầu con trâu làm mặt nó như chúi sát đất. Hơn một năm nay, ông không bắt nó kéo xe. Đã có lần, nhớ đến lời hứa trước kia với con trâu, ông đã dắt nó đến sát những cánh rừng Trường Sơn và nói với nó:

- Mày hãy trở về rừng đi.

Nói xong, ông tháo thừng cho con trâu và quay về. Nhưng đêm hôm sau, trong giấc ngủ và nghĩ mình ngủ mê. Ông nhớ con trâu nhưng ông giữ lời hứa của mình. Rồi ông lại chập chờn bước vào giấc ngủ. Ông nghe thấy có ai gõ cửa. Ông lại tỉnh giấc. Ông ngồi dậy, lắng nghe và nhận ra có ai đó đang đẩy cửa. Ông bước vội ra mở cửa và nhận ra con trâu trở về. Ông khẽ kêu lên và ôm lấy cổ con trâu già. Rồi ông đốt đèn ra sau nhà hái một ôm lá sắn cho nó. Con trâu vừa ăn vừa nhìn ông. Ông âu yếm nhìn con trâu và nói:

- Mày không muốn về rừng ư? Thôi thế thì ở lại với ta. Những quả đồi này cũng thành rừng thông rồi. Có công của mày đấy.

Những ngày sau đó, chiều chiều ông dắt con trâu đi lang thang trên những đồi thông. Và những lúc ấy, ông nhớ đến đồng đội ông, nhớ đến đứa con đã chết của ông, nhớ đến người vợ đã bỏ ông đi không có tin tức gì và nhớ đến cái chết của Hoa trong một buổi chiều của hòa bình. Nỗi nhớ bây giờ của ông không còn mang nỗi đau tê tái nữa, mà chỉ như gió thổi qua những đồi thông vào những đêm gần sáng vừa da diết, bồn chồn, vừa xa xăm, thôi thúc.

Một buổi chiều, ông dắt con trâu già từ rừng thông trở về nhà. Một chàng trai đã đứng ở sân nhà đợi ông. Ông lặng lẽ bước đến trước chàng trai.

- Cháu chào bác ạ - Chàng trai nói khẽ.

- Cậu tìm ai? - Ông hỏi.

- Cháu tìm bác Miêng.

- Tôi đây - Ông nói - Tôi là Miêng.

Mặt chàng trai chợt biến động lạ lùng. Ông nhận thấy đôi môi chàng trai run lên.

- Cậu tìm tôi có việc gì?

Chàng trai không trả lời. Nước mắt chàng trai trào ra. Bỗng chàng trai nức nở.

- Có chuyện gì vậy? Sao cậu lại khóc?

Chàng trai cứ đứng trên sân khóc một hồi lâu. Rồi chàng trai lấy tay lau nước mắt. Chàng trai bước một bước về phía ông và nói, giọng như lạc đi:

- Ba, ba Miêng. Con là con của ba.

- Con tôi? - Ông Miêng khẽ kêu lên - Cậu nhầm rồi.

- Ba hãy tha thứ cho má con.

- Má cậu? Má cậu là ai?

- Má con là Lợi. Má nói con đi tìm ba.

Mọi cảnh vật trước mắt ông Miêng nhòa đi. Tim ông nhói lên như một mũi kim đâm vào. Hai chân ông run lên.

- Cậu là con tôi à?

Ông Miêng nói như bằng hơi thở của người ốm nặng.

- Con là con của ba. Má nói con đến đây tìm ba và nói ba hãy tha thứ cho má.

- Má cậu đâu?

Chàng trai khóc và nói:

- Má mất rồi, ba ơi!

Ông Miêng cúi đầu im lặng. Một lát sau, ông đến bên chàng trai, đặt bàn tay chai sạn, đen đúa lên vai chàng trai và nói:

- Vào nhà đi.

Chàng trai mở túi lấy một bọc vải nhỏ và mở ra. Trong đó là một chiếc nhẫn. Ông Miêng nhận ra chiếc nhẫn đó. Chàng trai lấy chiếc nhẫn đưa cho ông Miêng.

- Trước khi mất, má đưa chiếc nhẫn cho con và nói con phải đi tìm ba. Đến lúc đó, con mới biết ba con là ai và ở đâu.

- Má cậu nói gì nữa không?

- Má nói, má đã phản bội ba, không phải vì má không yêu ba mà là má quá sợ.

- Má cậu sợ cái gì? - Ông Miêng hỏi.

- Con cũng hỏi má vậy, nhưng má không bao giờ nói cho con hay.

- Lâu nay má con cậu sống ở đâu?

- Dạ, ở Nha Trang. - Chàng trai đáp giọng đầy nước mắt.

- Má con cậu sống với ai?

- Chỉ hai má con thôi. - Chàng trai nói - Từ lúc sinh ra con chỉ biết có má.

Nói xong, chàng trai nhìn ông Miêng vừa sợ vừa chờ đợi. Hai người ngồi im lặng. Mặt ông Miêng bất động.

- Trước khi má mất, - chàng trai nói - má bắt con hứa là phải tìm được ba. Má nói con thay má tạ lỗi ba và mong ba tha lỗi cho má để má được thanh thản nơi chín suối. Má nói con phải đến đây và sống với ba hết đời. Ba sẽ che chở cho con.

Ông Miêng nhìn gương mặt non nớt, trong sáng và tội nghiệp của chàng trai. Lòng ông nhói đau. Ông biết chàng trai không phải con ông. Vì ông không bao giờ sinh được một đứa con lành lặn. Ông cũng chợt hiểu người đàn ông đã lừa dụ vợ ông và cũng đã ruồng bỏ người đàn bà ấy cùng hòn máu của mình.

“Ba sẽ che chở cho con” Giọng nói nức nở và như một lời cầu nguyện của chàng trai vang trong lòng ông. Và hơn thế, người đàn bà, vợ ông, đã quá yêu thương đứa con mình và cầu ông che chở cho một con người. Thấy ông ngồi bất động, chàng trai lại khóc và nói:

- Ba ơi, má mất rồi...

“Ba ơi!”, ông lẩm bẩm như người ngủ mê, nhắc lại tiếng gọi của chàng trai.

- Ba hãy thứ lỗi cho má - Giọng chàng trai đã khản - Ba cho con về ở với ba. Ba đừng bỏ con.

Ông Miêng nhìn chàng trai. Nếu lúc này ông nói ra sự thật với chàng trai thì có nghĩa ông đập tan mọi hy vọng và sự chờ đợi của nó. Và nghĩa là, ông không chấp nhận lời cầu xin của một người đàn bà tội nghiệp trong cơn hấp hối. Và cũng chính lúc này, sự xuất hiện của chàng trai lại làm ông thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Nếu bây giờ chàng trai bỏ đi, ông sẽ gục ngã không thể đứng lên được bởi chính sự cô đơn mà bấy lâu nay ông cố vùng vẫy chống chọi. Khi chỉ có mình ông, ông không nhìn thấy hết sự cô đơn. Nhưng khi có một con người khác đứng trước mặt ông, ông mới nhìn thấy toàn bộ sự cô đơn khổng lồ của mình. Lúc này nhìn ông như một người cổ xưa, không tuổi tác và lặng phắc như đá. Bỗng từ trên những đỉnh đồi gió ào ạt đổ về. Ngọn gió lớn cuồn cuộn thổi qua hai người. Trong tiếng gió vọng lên những tiếng thì thầm bất tận. Ông Miêng chống gối đứng dậy. Ông bước đến trước chàng trai. Chàng trai đỡ lấy ông. Ông thấy hơi người ấm rực từ chàng trai phả vào cơ thể ông đang run lên như một cơn sốt rét. Ông quờ tay ôm lấy chàng trai và kêu lên như một tiếng rên.

Đọc tranh Nguyễn Quang Thiều Thơ Nguyễn Quang Thiều Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Ánh sáng lương tri” tỏa ra từ tác phẩm mới có thể trường tồn cùng thời gian Sáng tạo - Những bước chân của sự can đảm Những Ô Cửa - Thơ Nguyễn Quang Thiều
Truyện ngắn - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Lửa Thiên Đường. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Lửa Thiên Đường. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Baovannghe.vn - Giấc ngủ không sâu, đã thế lại liên tục bị rơi vào những miền ảo ảnh xa mờ. Hắn thấy Thầy Sư Phụ trở về từ hẻm núi sũng hơi sương. Khuôn mặt thầy hốc hác.
Bản tin Văn nghệ: Lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam ra thế giới

Bản tin Văn nghệ: Lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam ra thế giới

Baovannghe.vn - Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam.
Nhà văn Sao Mai - Văn chương và cuộc đời

Nhà văn Sao Mai - Văn chương và cuộc đời

Baovannghe.vn - Văn chương Sao Mai luôn gắn liền với số phận con người, hết sức bình dị và lôi cuốn. Những tác phẩm của ông đã ăn sâu trong tâm trí bao bạn đọc. Một đời văn sống lam lũ nơi rừng xanh núi đỏ, viết văn dưới ánh sáng đèn dầu, mà cho ra đời đến hơn 30 tác phẩm.
Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Baovannghe.vn- Người đi trên phố nắng/ Ta về sau cơn mưa
Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Quẩn quanh trong lồng sắt/ năng hót