Trường ca Đường Trường Sơn trong tim viết về những năm tháng gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng mà ông và đồng đội đã dấn thân trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhìn rộng ra, đây một bức tranh rộng lớn mang dấu ấn lịch sử và thời đại được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Cựu chiến binh - nhà giáo Trần Tất Trừ, sinh năm 1949 tại Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Học chưa hết lớp 9, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xung phong ra trận chia lửa với miền Nam. Anh học lái xe 3 tháng và được điều động về binh trạm 32, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ vận tải.
Sau ngày thống nhất đất nước, Trần Tất Trừ phục viên trở về quê hương, học tiếp cấp 3, rồi học Sư phạm và trở thành giáo viên dạy chuyên văn và làm quản lý trường học tại quê nhà. Là người rất yêu thơ và có thơ đăng báo của Binh đoàn từ khi tại ngũ, đến nay, Trần Tất Trừ đã có 5 tập thơ in riêng, 3 tập thơ in chung và 1 tập tiểu luận phê bình.
Trường ca Đường Trường Sơn trong tim được chia thành 6 chương, kể lại hành trình của nhân vật trữ tình- người chiến sĩ lái xe, từ những ngày đầu chập chững vào quân ngũ: “Xa bố mẹ già/ Xa bạn bè thân thiết/ Xa người thương chưa kịp nụ hôn đầu”, trải bao mưa bom đạn lửa: “Sự sống chỉ trong gang tấc/ Những trận B-52 khốc liệt/ Rải thảm một vùng” đến ngày thống nhất đất nước: “Ngày đại lễ hoa ngập khán phòng và cờ đỏ/ Các anh có về ăn tết với người xưa” và tới khi “lão mừng thọ tuổi 75…”
|
Chặng đường ấy được kể lại bằng hồi ức của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Qua gần trăm trang thơ, cuộc sống, lý tưởng, tình yêu cùng với những gian khổ, mất mát hy sinh của anh và đồng đội được tái hiện một cách trung thực, sinh động như một cuốn phim quay chậm. Họ là những chàng trai mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước và lý tưởng độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân. Cho nên, không khó khăn gian khổ nào có thể làm nhụt tinh thần, ý chí quyết tâm của người ra trận. Những người chiến sĩ ấy, luôn biết vượt lên chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ hiểu rất rõ: “Trường Sơn/ Nơi đất lửa thử tinh thần thép/ Ai chưa đến đó/ Chưa biết thế nào là lửa ngạt/ Ai chưa đến đó/ Chưa biết thế nào là sống chết” Nên họ rất tự hào: “Chúng tôi thuộc đường như thuộc lòng bàn tay/ Chỗ nào lướt nhanh? Cung nào căng tay lái/ Đời lính lái xe trải dài trên tuyến lửa/ Dẫn đêm trường đến gặp bình minh”. Cả những khi bị thương, bị ốm phải nằm viện, nhưng những chiến sĩ Trường Sơn: “Cơn sốt cao/ Mê sảng/ Chỉ nhắc tuyến đường giờ đã thông chưa/ Hàng có kịp nhập kho trước khi trời sáng…”
Bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, hình ảnh thơ chắt lọc, Trường ca Đường Trường Sơn trong tim, đã dẫn dắt người đọc vào một không gian thời chiến dọc đường Trường Sơn dầy đặc khỏi lửa, đạn bom và không ít gian khổ, hy sinh. Có những khi: “Đoàn xe chúng tôi bị bao vây tứ phía/ Xe bốc cháy rần rần/ Những phuy xăng bay cao chục mét…”. Là người trong cuộc, từng trải qua những thời khắc nghẹt thở giữa sự sống và cái chết, cho nên những biến cố được kể, những sự kiện, tình tiết, hình ảnh được tái hiện rất chân thực và sống động. Tuyến đường Trường Sơn dài hai mươi ngàn km mà: “Hai vạn rưỡi con người ngã xuống”, tính bình quân “Tám trăm mét chạy dài/ Có một người nằm lại/ Máu xương ta thành núi sông này”. Xúc động đến nghẹn ngào là những câu thơ kể về sự hy sinh của đồng đội. Không đau xót nào hơn khi đồng chí Chính trị viên đọc điếu văn tại “nghĩa trang” riêng của đại đội: “Nén nhang sầu gập xuống/ Tại đây/ Đơn vị làm lễ tang tập thể/ Chính trị viên nghẹn nấc/ Khi nói lời vĩnh biệt/ Quặn thắt từng trái tim…”. Trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy đến. Sự hy sinh mất mát là điều không tránh khỏi. Ở những đoạn viết về vấn đề này, lời thơ như nghẹn lại rưng rưng, nhói vào lòng người đọc một nỗi đau khôn tả. Bởi có những tổn thất quá lớn. Đồng đội hy sinh gần nửa: “Bọc đồng đội bằng những tấm ni lông, Sau khi vuốt cho đôi mắt các anh yên nghỉ”. Có những người không tìm thấy xác, xương thịt họ hòa vào sông núi, cỏ cây… Nhưng sự hy sinh của các anh không hề uổng, tinh thần ý chí của họ trở thành nguồn động lực, niềm tin soi sáng cho đồng đội bước tiếp: “Anh chỉ cho tôi vượt đèo vượt dốc/ Anh chỉ cho tôi tránh làn bom thảm khốc/ Và anh ở trong tim tôi suốt cả cuộc đời”.
Những người lính trẻ trường Sơn, ngoài đối mặt với bom đạn của kẻ thù, họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ. Mùa khô nắng cháy rừng mà không có nước để tắm, giặt nên phải “Tắm khô, kỳ khô/ Ghét lăn thành cục/ Quần áo phơi xong đập vào gốc cây/ Bụi bay trắng gốc…”. Bởi những can nước hiếm hoi được dành ưu tiên cho các chiến sĩ gái. Mùa mưa thì “Bốn tháng mưa ròng/ Rừng biến thành bể nước… Mưa dập nát lá rừng cây có/ Ngọn rau tàu bay không còn có để dùng ”. Ba người hút chung một điếu thuốc lào “Có bánh thuốc lào/ Chia năm sẻ bảy/ Cuộn lá cây làm điếu/ Nhấp vài hơi, mây xuống rủ mình bay”… Vậy mà khi được lệnh ra Bắc, họ đều tranh nhau ở lại: “Chính trị viên nêu vấn đề ở lại/ Cánh tay giơ lên hết thảy muôn người”.
Khó khăn gian khổ là thế, nhưng những người chiến sĩ lái xe Trường sơn vẫn lạc quan yêu đời. Tiếng cười, tiếng hát vẫn cất lên “Chỉ tiếng cười giòn giã trong đêm”; “Và tiếng cười cứ thế trộn vào nhau” Không có thời gian để nấu nước sôi, nên“Sữa hộp pha nước suối/ Làm một hơi/ Ngửa mặt nhìn trời/ Cười thỏa chí”. Họ “Leo lên xe là hát/ Đọc thơ Phạm tiên sinh/ Cái vết thương chưa lành/ Ta cứ lái cho trời nghiêng đất ngửa”. Chính cái lạc quan đầy chất lính ấy đã khiến họ quên đi những khó khăn gian khổ trụ vững để chiến đấu và chiến thắng. Bởi họ hiểu rằng “Điều giản dị làm nên chiến thắng”.
Ở chiến trường không phải chỉ có đạn bom và gian khổ, mà ở đó cũng đầy ắp tình người, tình yêu. Thế nên, không phải ngẫu nhiên, trường ca đã dành một chương viết về “Văn nghệ Trường Sơn” và một chương viết về “Chuyện tình nơi tuyến lửa”. Đặc biệt “Chuyện tình nơi tuyên lửa” kể về tình yêu đẹp đẽ, nên thơ của anh chiến sĩ lái xe Trần Lộc và cô thợ điện Mai Hoa. Tình yêu của họ được đơm hoa kết trái, giúp họ có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Viết trường ca là điều không dễ, bởi đây là thể loại có dung lượng lớn, có tầm bao quát lịch sử rộng lớn liên quan đến số phận con người và thời đại. Với Trần Tất Trừ, đây là trường ca đầu tiên của ông và ít nhiều ông đã làm được điều đó. Những sự kiện, biến cố diễn ra trên tuyến đường Trường Sơn được tác giả xâu chuỗi một cách liền mạch, theo thời gian tuyến tính, bằng kể tả và khái quát, nên có độ tập trung cao và sự hấp dẫn nhất định. Tuy nhiên, ở một vài trang hình như tác giả còn quá chú trọng đến kể, tả mà ít đi chất thơ? Những câu thơ mang tính triết lý đã có nhưng chưa thật nhiều.
Nhà văn Viên Lan Anh cho rằng Đường Trường Sơn trong tim là bản tráng ca, điều đó hoàn toàn có cơ sở vì ở Trường ca này, nổi bật là sự ngợi ca tinh thần anh dũng quả cảm, đạp bằng mọi gian khổ không ngại hy sinh của bộ đội Trường Sơn, mà ở đây là hình ảnh những chiến sĩ lái xe, vượt muôn ngàn gian lao thử thách, đưa hàng về tới đích an toàn. Những tấm gương của họ luôn có tác dụng cổ vũ động viên, lan tỏa niềm tin yêu đến mọi người.
Được hòa mình vào không khí hừng hực của cuộc chiến và may mắn được trở về quê hương làm nghề dạy học, tôi chắc tác giả vẫn không nguôi nghĩ về những ngày tháng gian khổ mình từng nếm trải trên tuyến đường Trường Sơn. Những hiện thực khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh anh dũng của đồng đội luôn ám ảnh trong lòng người cựu chiến binh. Điều đó đã thôi thúc tác giả phải viết về những năm tháng ấy. Đó là lý do để Trường ca Đường Trường Sơn trong tim đến tay bạn đọc như một niềm tri ân của ông với những đồng đội thân yêu!
Nguyễn Thị Bình |Báo Văn Nghệ
-------------
Bài viết cùng chuyên mục: