Từ sáng sớm cả Hà Nội hồi hộp đón chờ. Những chiếc máy điện thoại túc trực, những chiếc máy bán dẫn mở sẵn đeo bên người, người ta nhìn nhau như thầm hỏi: “Đã có chưa?”. Có cả một đám cưới ở Bộ Điện than ấn định vào buổi sáng cũng chờ - chờ cho đến đúng giờ phút ấy mới nổ pháo. Những cán bộ thông tin lăm lăm tô màu đỏ lên thành phố Sài Gòn và sẽ vẽ ở địa danh ở đấy một lá cờ Giải phóng thật nổi. Cuối cùng, đúng 5 giờ chiều, giờ phút ấy đã tới: cả Hà Nội đổ ra đường, cả Hà Nội đốt pháo, cả Hà Nội tung cờ. Đang trên đường đi chỉ thoáng một cái tôi đã bị tắc nghẽn giữa những dòng người. Không biết được chuẩn bị từ bao giờ mà những đám rước, những đoàn tuần hành, những cờ và hoa đã lũ lượt kéo đi ở ngoài đường đông đến thế. Đầu đường Hàng Bài bị tắc vì một đoàn tuần hành của xí nghiệp 1-5, xe khách Thống Nhất, công ty san nền, xí nghiệp dệt bạt, công ty thi công cơ giới... Tôi thoáng nhận ra anh Loan, một thợ gò nổi tiếng trong đợt sản xuất hưởng ứng chiến thắng miền Nam đi lọt thỏm giữa những người thợ khác. Suốt mấy tháng qua, giai cấp công nhân Hà Nội đã nâng năng suất lên khá nhanh vì miền Nam, bây giờ lại là những người đổ ra đường trước tiên với những đội ngũ tề chỉnh. Rẽ qua đường Quang Trung lại gặp đoàn tuần hành của các trường cấp III. Các em không có ô tô, không có nhiều cờ và không có múa sư tử như các cô chú công nhân, nhưng các em có những nét mặt thật đẹp từ nay các em có thể yên tâm học tập và phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Có lẽ chưa bao giờ Hà Nội có những khuôn mặt đẹp như hôm nay vì Hà Nội chính là những người thắng trận. Buổi chiều đầu hè này làm cho tôi nhớ lại một đêm tháng chạp, đêm 26 tháng 12 năm 1972, đường Nguyễn Du, đường Quang Trung cũng đầy ngập những người vừa thoát khỏi vùng B52 Khâm Thiên. Những đoàn người lũ lượt đi dưới ánh sáng của những cầu chì bị nổ và những đường dây cao thế chạm vào nhau tóe lửa. Những khuôn mặt lấm láp nhưng bình tĩnh và im lặng. Những cặp mắt long lanh. Cái chết đồng loạt, cái chết hủy diệt đã không khuất phục được Hà Nội, Hà Nội đã chiến thắng. Và hôm nay, khi những người thân của mình đang tiến vào Sài Gòn, Hà Nội cũng tiến vào Sài Gòn- như chữ đề trên băng khẩu hiệu của một đoàn tuần hành nọ. Hà Nội cũng là người thắng trận, miền Bắc cũng là người thắng trận, thắng bằng lòng dũng cảm Việt Nam, bằng nền văn minh xã hội chủ nghĩa của mình.
![]() |
Niềm vui của nhân dân trong ngày chiến thắng. Nguồn TCNN |
Tôi đi vòng lên đường Hai Bà Trưng, một đám đông nhân dân tụ tập trước trụ sở Đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Người Hà Nội muốn đến chia vui với đồng bào miền Nam. Chiếc xe đen cắm cờ Cộng hòa dân chủ Đức lao vào trong sân. Đồng chí đại sứ Đức vội vã bước ra khỏi xe. Mọi người mỉm cười thân ái nhìn theo đồng chí đại sứ đi như chạy trên các bậc thềm để vào trong nhà. Ở trong nhà chúng ta đang tiếp đồng chí đại sứ Cu Ba. Và trong biển người đêm mùng 1 tháng 5 - một biển người dày đặc hơn tất cả những ngày nguyên đán tôi được biết có rất nhiều bài báo quốc tế hớn hở và mừng rỡ đi với chúng ta. Có một thiếu nữ Liên Xô mặc quần áo Việt Nam quần lụa đen, áo sơ mi nâu, nom rất ăn. Cô mỉm cười nhìn mọi người bằng ánh mắt hãnh diện và trìu mến. Và những đám đông công nhân Cu Ba nữa chứ! Thôi thì gặp ai cũng chào, cũng chúc mừng, và nhảy múa, và hát hò náo nhiệt! Việt Nam toàn thắng! Lẽ công bằng đã toàn thắng! Chân lý đã toàn thắng!
Lại nói buổi chiều 30 tháng 4, tôi đi như người trong mơ về đến nhà cả người bần thần đứng ngồi không yên. Cả nhà tôi đang nhắc đến một đứa em tôi đã gần chục năm nay chiến đấu ở ven Sài Gòn, hồi hộp mong ngày đoàn tụ thì đứa con gái nhỏ của tôi bỗng nói: “Nhớ Bác Hồ quá! Bác không sống đến hôm nay!...”. Cháu mới có tám tuổi và ngày Bác mất cháu còn chưa nói sõi. Sáng sớm hôm ấy, ngày mùng 3 tháng 9 năm 1969 không thể nào quên ấy, tin Bác mất đến lúc cháu còn đang ngủ ngon lành. Cháu không hề biết chuyện gì xảy ra. Ấy thế nhưng đến lúc dậy, thấy người lớn khóc, cháu cũng khóc. Cũng mếu máo “Bác Hồ!”. Bây giờ nghe con nhắc đến Bác Hồ giữa ngày vui, tôi bỗng nhận ra hình ảnh Bác đã ăn sâu vào máu thịt chúng ta như thế nào! Từ bao lâu nay mỗi việc làm của ta, mỗi lúc vui, lúc buồn của ta, ta đều có Bác ở bên mà ta không nhận ra. Hình ảnh Bác đã đi vào cuộc sống chúng ta, biến thành lương tâm, thành sức mạnh của ta. “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, “Thành phố Hồ Chí Minh” - đó là những cái mà cho đến chết kẻ thù của ta, vẫn không hiểu được. Chúng chỉ có thể ngạc nhiên mà thôi, ngạc nhiên tại sao, do đâu mà chúng ta có một sức mạnh ghê gớm đến thế, có một niềm tin thiêng liêng đến thế!
Chiều ngày mùng 1 tháng 5, các bản đồ và các băng khẩu hiệu một lần nữa được kẻ vẽ lại và đây là lần kẻ cuối cùng. Nước Việt Nam suốt từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau đều một màu hồng cách mạng. Và “Hoan hô Sài Gòn giải phóng!” đã được thay bằng “Hoan hô Miền Nam đã được giải phóng hoàn toàn và vĩnh viễn!”.