Diễn đàn lý luận

Văn chương là hành trình bóc tách bản chất con người, dân tộc và văn hóa

Hạnh Đỗ
Chân dung văn học
08:30 | 26/12/2024
Nhà văn Y Ban - người đàn bà mạnh mẽ, sắc sảo nhưng đầy cảm xúc vừa trở lại với tập truyện ngắn Trên đỉnh giời sau sáu năm gần như vắng bóng trên văn đàn. Với lần tái xuất này, Y Ban đã tự vẽ nên một chân dung khác, đầy bất ngờ, vượt qua những khuôn mẫu định sẵn.
aa

Một Y Ban khác với định vị I am đàn bà

Khi được hỏi lý do vì sao Trên đỉnh giờiBiệt đội Thiên Lý (hai truyện ngắn được nhiều nhà văn cùng thời cho là đặc biệt xuất sắc trong tập Trên đỉnh giời - Tao Đàn và NXB Phụ Nữ Việt Nam phối hợp xuất bản) mất đến gần 10 năm để xuất hiện, nhà văn Y Ban cho biết: "thời điểm viết hai truyện này, tôi chộp được những khoảnh khắc “rất chín”: cảm xúc mạnh mẽ, tròn trịa, mạch truyện cứ chảy trong đầu tôi hầu như không đứt gãy. Nhưng bản năng của người viết và kinh nghiệm làm báo mách bảo tôi rằng, lúc đó chưa phù hợp để in".

Đối với cá nhân tôi (người viết) Biệt đội Thiên Lý mang lại cảm giác chấn động giống như thời điểm lần đầu tôi đọc Chiến tranh không mang một khuôn mặt phụ nữ. Để kể một câu chuyện như vậy hẳn là không dễ dàng?

Tôi viết Biệt đội Thiên Lý từ năm 2015. Năm năm sau nó mới được “bà đỡ” Nguyễn Quang Thiều chọn in trên Viết và Đọc, và sau gần 5 năm nữa nó mới lần đầu được xuất hiện trong một tập truyện ngắn chính thức. Đây là một góc khuất của chiến tranh, một câu chuyện hy sinh cao cả đến kinh hoàng. Cô du kích ngày nào, từng được đề cử là anh hùng, chấp nhận đứng đường, cắt bỏ dạ con để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt ác ôn. Khi được nghe câu chuyện đó từ một người bạn, tôi bị ám ảnh cùng cực. Tôi là người đàn bà rất cứng rắn, tôi luôn nghĩ câu chữ là câu chữ và viết là viết nhưng mà quả tình là vừa viết Biệt đội Thiên Lý tôi vừa khóc. Trái hẳn với Trên đỉnh giời, tôi viết tỉnh táo vô cùng.

Tôi cũng từng nghe kể rằng, trong lần xuất bản này, chị đã chỉnh sửa Biệt đội Thiên Lý khá nhiều?

Trong khoảng 5 năm từ sau khi in trên Viết và Đọc, Biệt đội Thiên Lý từng được nhiều nhà văn đánh giá rất cao. Có người đề nghị tôi đưa họ để cho vào các tuyển tập, nhưng sau năm lần bảy lượt một số biên tập viên vẫn nói với tôi rằng: “nó rất tốt nhưng chúng tôi rất tiếc”. Cho đến khi quyết định in tập này, tôi bình tĩnh đọc lại Biệt đội Thiên Lý và nhận ra có một số chỗ cần thay đổi, để tránh hiểu lầm. Cho nên phiên bản này và phiên bản trên Viết và Đọc khác nhau. Chúng tôi đã chỉnh trang lại câu chữ, thậm chí thay cả tên nhân vật, còn hồn cốt của truyện thì vẫn thế.

Tôi và nhiều bạn đọc cũng đều có thắc mắc, vì sao Biệt đội Thiên Lý in trên Viết và Đọc của NXB Hội Nhà Văn nhưng sau đó tập truyện này lại được Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam cấp phép?

Tôi vẫn luôn biết ơn ông Nguyễn Quang Thiều vì đã có con mắt xanh, đưa đứa con tinh thần của tôi đến với độc giả, Biệt đội thiên lý được Viết và Đọc in vào chuyên đề mùa hè năm 2020 nhưng không hiểu vì lý do gì mà khi có mặt trong tập Trên đỉnh giời lại không được NXB Hội Nhà Văn cấp phép xuất bản, họ yêu cầu phải loại truyện ngắn này khỏi tập thì mới chấp nhận. Đối tác của tôi phải chuyển sang xin giấy phép của một đơn vị xuất bản khác, rất may, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam đã ưu ái để mắt đến tập truyện Trên Đỉnh Giời này. Biệt đội Thiên Lý theo tôi là một truyện ngắn rất hay về sự hi sinh cao cả của phụ nữ trong chiến tranh, và điều đó đúng như dự đoán của tôi, khi ra mắt bạn đọc, có nhiều phản hồi rất tích cực cho Biệt đội Thiên Lý nói riêng và Trên Đỉnh Giời nói chung. Ngay như Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế - ủy viên Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà Văn đã nhận xét: "Với tập Trên Đỉnh Giời, Y Ban là tác giả có công nới rộng không gian hiện thực cho truyện ngắn VN đương đại".

“Khóa 4 Viết văn Nguyễn Du sinh ra một số nhà văn rất hay, trong đó Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh và Y Ban là đặc biệt nổi bật. Y Ban nổi tiếng từ lâu rồi, hai ba chục năm rồi, từ những truyện ngắn đầu tiên của chị được giải Văn nghệ Quân độiBức thư gửi mẹ Âu Cơ. Y Ban không phải kiểu nhà văn có một giải thưởng thì thường đi xuống hoặc không viết được nữa. Y Ban ngược lại, là một người rất hiếm, viết càng ngày càng hay. Trên đỉnh giời là một tập xuất sắc của chị”.
Nhà văn Bảo Ninh

Lại nói Trên đỉnh giời, nó giống như một cú ngoặt của chị so với thời I am đàn bà. Chị cố tình đấy à?

Xưa người ta nói văn Y ban chỉ loanh quanh chuyện đàn bà, chửa đẻ, nữ quyền, tôi rất ghét. Tôi muốn nhà văn chỉ là một nhà văn thôi.

Tôi viết Trên đỉnh giời chỉ trong ba tiếng, nhưng trước đó thì nghĩ rất nhiều. Một cô buôn gỗ tặng cho vợ chồng tôi một cây gỗ dài đến gần 3m, tự dưng tôi nảy ra ý định về một cái giường làm từ thân gỗ xẻ đôi mà ở trên đó, cả gia đình chen chúc ngủ cùng nhau bất chấp bài học nam nữ thụ thụ bất thân. Hay là năm 2000 tôi có một chuyến đi Đức, ở đó tôi chứng kiến một gia đình người Đức sống cô đơn trên cả một quả đồi, và lựa chọn này kéo dài hàng trăm năm, thế là tôi có ý tưởng bứng cái gia đình ấy vào trong truyện… Nói chung các chi tiết, bối cảnh cứ được chắp nối như vậy, tôi không viết phóng sự, tôi viết truyện ngắn mà, tôi được quyền phi lý. Với Trên đỉnh giời, tôi muốn đưa người đọc vào thế giới của những con người sống tách biệt, giữa những mâu thuẫn bản năng và lý trí, giữa hiện đại và cổ xưa… Chỉ nén trong 3.000 từ nhưng mà lại tải rất nhiều thứ, lớp lang cài cắm rất nhiều. Không ai là không can dự vào cuộc sống này đâu, bạn tưởng bạn không à? Nếu chúng ta cứ thờ ơ thì tiếng vọng sẽ chỉ như tiếng dế nỉ non thôi.

Ở tập này chị dường như rất bình tĩnh và do thế mà “nguy hiểm” hơn nhiều so với những truyện ngắn của khoảng 10 năm trước đây, yếu tố nào đã tham dự vào sự thay đổi này của chị?

Có lẽ là tuổi tác. Trước kia viết truyện tôi đều quy nó ra thành nhuận bút, bằng mọi cách, không gửi báo này thì gửi báo khác. Nhưng mà trong Trên đỉnh giời, có tới gần một nửa số truyện tôi chưa đăng báo bao giờ. Thời gian lắng lại, tôi cảm thấy rằng đến một lúc nào đấy không có gì phải vội vã cả. Không quan trọng viết cái gì, không quan trọng người ta nghĩ thế nào về mình, khi cảm thấy cần viết là tôi sẽ viết, thế thôi!

Ngay từ khi xuất hiện với Bức thư gửi mẹ Âu Cơ người ta đã “xếp chiếu” cho chị ở vị trí rất cao rồi, con đường sau đó có khiến chị rén chân không, vì dù sao cái áp lực phải vượt qua chính mình là có thật?

Tôi không bị chi phối bởi những thứ tôi đã đạt được. Khi tôi hoàn thành xong tác phẩm là xong việc của tôi rồi, nó hay, nó dở tùy thuộc bạn đọc và các nhà lý luận phê bình. Nên khi tôi bắt nhịp sang một truyện khác thì có nghĩa nó hoàn toàn là một câu chuyện mới.

Để tôi kể cho bạn chuyện này: cái hồi đầu khi tôi mới chào sân văn chương, cái Bức thư gửi mẹ Âu Cơ đã đoạt ngay Giải nhất cuộc thi sáng tác trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989 – 1990. Sau đó, khi tôi in Chiếc vương miện bằng cỏ thì nhà văn Hồ Phương gọi tôi đến và bảo rằng: “Cái này rất tầm thường, nhạt. Y Ban viết xuống tay rồi!”. Chú nói rất thẳng thắn. Tôi buồn chứ. Nếu là một người cầu toàn, sau đó có thể không viết được nữa. Họ sẽ bị ám ảnh bởi nỗi sợ “xuống tay”, hay là không vượt qua được chính mình. Nhưng tôi khác, tôi nghĩ văn chương không phải con gà đẻ trứng vàng mà trăm bó đuốc bắt được một con ếch. Tôi sẽ viết 100 truyện ngắn, đôi khi tôi sẽ được một cái rất hay.

Văn chương là hành trình bóc tách bản chất con người, dân tộc và văn hóa
Nhà văn Y Ban ký tặng sách cho bạn đọc.

Giải Nobel không phải là cái đích của văn chương

Trước đây trong một lần phỏng vấn, chị có nói với tôi rằng có những truyện chị viết như được trời cho, cảm giác ấy đến giờ còn tồn tại không?

Vẫn có đấy. Khi tôi ngồi viết Biệt đội Thiên Lý, cảm giác như có ai đó đọc cho tôi cả dấu chấm, dấu phẩy. Tôi không xây dựng đề cương, không cố tình uốn nắn, chỉ để câu chuyện tự tuôn chảy. Nếu phải cố rặn ra, tôi biết nó sẽ nhạt lắm.

Gần 40 năm cầm bút, quan niệm về văn chương của chị có thay đổi không?

Tôi luôn đề cao con người. Bao giờ tôi cũng nghĩ con người phải ở bậc cao nhất, hướng tới sự tốt đẹp nhất cho dù cuộc sống ác nhất, tầm thường nhất.

Trong những năm này, tôi lần lượt đã đưa tiễn năm người thân sang thế giới bên kia, điều đó giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về tâm linh và đời sống. Mỗi câu chuyện giờ đây không chỉ là kể, mà còn là hành trình bóc tách các lớp lang của cuộc sống.

Chị vừa có một chuyến lưu trú sáng tác tới 3 tháng ở Hàn Quốc, đúng vào thời điểm Han Kang được Nobel, sự kiện này tác động đến chị như thế nào?

Cũng mừng chứ, vì cô ấy là người châu Á, lại là nữ nữa. Nhưng tôi cũng tiếc chứ, tiếc cho nhà văn Việt Nam. Tôi đọc cái Người ăn chay rồi, tôi nghĩ nhà văn Việt Nam nhiều người viết được như thế. Nhưng mà nói đi thì cũng phải nói lại, giải Nobel văn chương không phải là cái đích của một nhà văn. Nếu người viết mà cứ chạy theo cái đích Nobel thì nguy rồi.

Có khi giải Nobel cũng chỉ là một cách nói thôi, nó đại diện cho việc xuất khẩu văn chương ra thế giới, theo chị, đến khi nào thì chúng ta làm được việc đó?

Tôi cho rằng, nhiều nhà văn Việt Nam có đủ tài năng, nhưng cần một chiến lược dịch thuật và quảng bá lâu dài, giống như Hàn Quốc với “chiến dịch kim chi”. Tuy nhiên, chúng ta không cần đập vỡ hũ mắm để chạy theo người khác, trái lại, phải đi đến tận cùng bản chất của cái “hũ mắm” ấy. Vì xét cho cùng, văn chương cũng chính là một hành trình bóc tách bản chất con người, dân tộc và văn hóa.

HẠNH ĐỖ (Thực hiện)

Chuyện của Tân

Chuyện của Tân

Baovannghe.vn- Phút đoàn tụ của những người lính đã từng chung chiến hào sau mấy chục năm trời mới gặp lại nhau thật ồn ào và náo nhiệt. Những lời chào, những cái ôm, những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười và cả những giọt nước mắt đã rơi, khiến ai cũng cảm thấy rưng rưng hạnh phúc.
Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, sáp nhập báo và đài theo hướng tinh gọn

Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, sáp nhập báo và đài theo hướng tinh gọn

Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng vừa quyết định sáp nhập các cơ quan báo chí và giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng. Ngày 25/12/2024, tại cuộc họp quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã thông qua phương án sáp nhập Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình thành phố và Cổng Thông tin điện tử thành phố, dự kiến hoàn tất trong quý I năm 2025. Đồng thời, quyết định giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng do hoạt động không hiệu quả trong thời gian qua.
Những tranh cãi nổi bật trong giới nghệ thuật năm 2024

Những tranh cãi nổi bật trong giới nghệ thuật năm 2024

Năm 2024 đã chứng kiến hàng loạt những tranh cãi nảy lửa và những sự kiện đáng chú ý trong giới nghệ thuật toàn cầu. Dưới đây là các sự kiện được CNN bình chọn là nổi bật nhất trong năm qua. Từ những tác phẩm gây sốc, tranh cãi về AI, đến các hành động phá hoại và biểu tình, năm qua đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc về sự giao thoa giữa nghệ thuật, công nghệ và xã hội.
Bản tin Văn nghệ ngày 26/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 26/12/2024

Baovannghe.vn - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam đã nhận thức rõ và phát huy hiệu quả vai trò, tầm quan trọng của xuất bản.
Vài kỉ niệm về hai nữ nhà văn mặc áo lính

Vài kỉ niệm về hai nữ nhà văn mặc áo lính

Baovannghe.vn - "Nhà văn là phải thế, nếu không thâm sâu không khúc chiết thì chỉ là người máy viết văn"