Chuyên đề

Ruộng xấu - Truyện ngắn của nhà văn Y Ban

Nhà văn Y Ban
Góc nhìn giới
10:59 | 18/07/2024
... Mưu cầu hạnh phúc là một ước vọng chính đáng nhất của loài người. Chúng ta chẳng nương vào đó để sống cuộc sống tốt đẹp hơn là gì. Sống ở đời thì cứ điều căn cốt này mà nương, giản dị như thế mà bà chẳng nghĩ ra à? Nhất là khi chính bà cũng đã trải qua đoạn trường ấy. Nếu đó là tình yêu để cho nó sống hạnh phúc thì thật tốt chứ sao.
aa

Một ngày bà Thu nhận được điện thoại của con gái:

- U ơi, u chuẩn bị tinh thần nhé, con sẽ mời u một chuyến du lịch nước ngoài. Hàn Xẻng u nhé.

- Mày nói gì thế hả Đọt?

- U cứ Đọt Đọt mãi, con nói với u rồi, u gọi tên con là Thơm mà, Hương Thơm ấy.

- Ừ Thơm mày không lừa u chứ?

- Thế đã có khi nào con lừa u chưa? Con gửi u giữ tất cả bằng cấp của còn từ bằng trung cấp rồi cao đẳng rồi đại học rồi thạc sĩ rồi còn gì. Không phải bằng rởm nhá, u đi công chứng cho con người ta có bắt u đâu.

- Thật à cái Đọt của u, thế còn thầy mày, có cho thầy mày đi cùng không?

- U xin lỗi thầy giúp con, lần này con mới lo được cho u thôi. Con đi công tác muốn đưa u đi luôn cả thể.

Ông Thế đứng sau bà Thu từ lúc nào chõ vào điện thoại.

- Không phải lo cho thầy đâu hai u con cứ đi chơi cho vui. Thế khi nào thì đi?

- Tuần sau thầy ạ, con về đón u lên Thủ đô rồi là đi luôn. Con mượn u của thầy một tuần thôi rồi con giả lại thầy nguyên đai nguyên kiện.

- Cái mồm con bé này thia lia gớm. Lý ra u mày phải đặt cho mày là tép nhảy. Đọt nó im lặng mà lớn lên thôi.

- Thầy này, thầy tuyền êu con.

Đến chiều thì cả xóm biết chuyện bà Thu sắp được đi Hàn Xẻng, là Hàn Quốc ấy. Cuốc với xẻng cùng họ nhà đồng mà.

Xóm Mả giờ đã đông vui lắm, chứ cái hồi sinh con bé Đọt thì lưa thưa ba bốn nóc nhà dột nát tuềnh toàng. Xóm Mả ở rìa bãi tha ma, có nhà Binh thợ mộc ra đó dựng lán đóng hòm cất người chết. Rồi một vài người tứ cố vô thân không có tấc đất cắm dùi trong làng theo gót nhà Binh ra dựng lấy cái túp lều để trong ngôn từ hàng ngày có thêm hai từ về nhà.

Bà Thu và ông Thế không phải là người ở làng xã này, họ cũng chẳng khai họ từ đâu đến. Họ lân la đến nhà này nhà khác xin làm thuê. Nhà nông được chia mỗi khẩu ba sào ruộng khoán, làm vài buổi là xong việc gì phải thuê mướn. Nhà Binh ngoài đóng hòm còn kiêm luôn cả nghề cải mả, bèn thu nạp hai vợ chồng Thu Thế vào một đội. Rồi làm cho một gian nhà cạnh trại hòm tiện thể trông coi. Mùa bốc mả chỉ vào vụ cuối đông còn người chết thì quanh năm. Ông Binh nói hai vợ chồng phải học lấy cái nghề. Anh chồng chả đi học ngày nào mà kéo nhị ò í e rất nhuần nhuyễn. Cô vợ khóc nỉ non lại còn thuộc lắm thơ để chen vào lúc khóc. Vậy rồi mà no cái bụng. Đám nào chẳng có cỗ, ai so đo gì bữa ăn với đám thợ kèn. Ngày sinh con gái bà Thu cứ nhất quyết đặt tên con là Đọt. Bà khóc hu hu bảo chồng:

- Tôi chỉ ước mơ có tí đất để giồng cây cối, mưa xuân xong đọt cây chồi lên, tôi cứ nhìn thấy là sung sướng hạnh phúc.

- Thì có Đọt chứ, u em cứ đặt tên con là Thơm đi, Hương Thơm ấy, lúc nào nhà cũng có hương thơm.

Đẻ con chưa được đầy tháng đã phải đi khóc mướn bà Thu bị hậu sản yếu đến mức đi không nổi. Ông Thế vay mượn tiền để chạy chữa cho vợ. Bà Thu thoát chết rồi bỏ nghề khóc mướn.

Đám ruộng xấu trồng lúa chả được mấy hạt nên có gia đình bỏ không chả buồn cấy. Bà Thu đến xin mượn lại ruộng ấy. Ruộng chua thì bà bỏ vôi, ruộng bạc màu thì bà vớt bèo về ủ với phân chuồng rồi rải xuống ruộng. Cây lúa trên ruộng xấu cũng mẩy hạt, bữa no bữa đói mà sống. Cái Đọt lớn lên trên những thửa ruộng xấu như thế. Nay nó lại có tiền để cho mẹ nó đi du lịch nước ngoài. Chẳng là tin vui để cả làng truyền tai nhau hay sao.

Bà Thu mặt nở tươi như hoa nên bà bỏ ngoài tai luôn mấy cái rỉ rả lọt vào. Nào như, không khéo lại như cái cô H gì đấy tưởng là trò chơi có thưởng thành ra là nó mượn tay giết người rồi vướng vòng lao lý. Chứ đâu có cái may nào cho gái quê như nó thành đạt đến mức có tiền cho mẹ đi du lịch nước ngoài. Nghe đâu chỉ học có trung cấp chứ giỏi giang ông tướng bà tượng gì. Nhan sắc cũng loại trung bình, người lại một mẩu chắc cũng không có đại gia nào dòm rỏ. Bà Thu chẳng buồn đôi co qua lại. Chả nhẽ bà về bê hết bằng cấp của Thơm ra cho mà xem. Có xem cũng chả biết ấy chứ, cả đời họ có biết mặt cua tai nheo tấm bằng đại học nó ra làm sao, chứ gì đến tấm bằng thạc sĩ.

Cái Đọt dẫn mẹ đi chơi đủ các nơi. Cứ sểnh lúc nào rảnh là nó tranh thủ đưa mẹ đi. Nó cũng phải họp hành rồi hội thảo triền miên. Lúc nó đi họp thì bà Thu ở khách sạn. Ở có một mình nhưng bà chả buồn, bà đi ra đi vào ngắm từ cái đèn để bàn cho đến cái hố xí. Chao ôi sao mà đẹp đẽ sáng choang đến vậy. Ngắm mãi mà không no mắt. Cái hố xí thì có ngủ trong đó cũng sướng. Nó dẫn bà chui cả xuống con suối giữa thành phố. Nước trong vắt chả có cọng rác nào. Người ta xây hầm cho con suối ngoằn ngoèo chui qua. Chỉ có con suối mà khách du lịch rồng rắn nhau chui xuống. Họ tài thật ý chứ, nhà cao tầng cao ngất người đường xá tấp nập xe cộ bỗng đâu có con suối trong vắt róc rách reo vui.

Nó dẫn bà đến rặng cây hoa Anh Đào đang mùa nở chi chít hoa. Hoa nhiều chả còn cho cái lá nào chen vào. Thiên hạ đổ xô nhau ôm cây chụp ảnh rồi trầm trồ xuýt xoa ngưỡng mộ. Bà Thu chỉ đi tìm xem có cái Đọt nào không. Bà thầm trách những người giồng hoa, bắt cây ra nhiều hoa thế này thì cây chột cả màu sau làm gì có hoa nữa chứ.

Sáng trước khi con Thơm đi họp dặn bà Thu:

- Chiều nay con sẽ dẫn mẹ đến một nhà hàng mà mẹ sẽ ngạc nhiên và thích thú lắm đấy. U chờ con nhé.

Bà Thu ở khách sạn mở tung vali để chọn váy áo. Bà đoán già đoán non, có nhẽ con Thơm sẽ ra mắt bạn trai của nó chăng? Từ lâu bà thường mơ về những đứa cháu ngoại. Bà muốn con Thơm đẻ hẳn cho bà ba đứa cháu, nhiều nữa thì vất vả quá. Gọi là bà theo cách gọi quê mùa chứ bà Thu còn trẻ, mới 55 sao gọi là già. Bà còn có thể bế con cho nó mười năm nữa vẫn dư sức khỏe. Con Thơm suýt soát 30 rồi, 29 chả là 30 à. Bà không muốn giục con nữa, mỗi lần nghe mẹ nói chuyện chồng con nó giãy nảy như đỉa phải vôi rồi cáu gắt. Mẹ con lại hục hặc với nhau mất mấy hôm. Thời gian được gặp con càng ngày càng ngắn nên bà không muốn không khí gia đình mất vui.

Gần đến lúc con về khách sạn bà Thu mặc bộ quần áo dài, còn thoa son phấn. Thơm tròn mắt ngạc nhiên:

- Êu ơi u đẹp thật đấy. Con chả nhìn thấy u đẹp thế này bao giờ.

- Thì con bảo dịp quan trọng mà.

Bà Thu bỗng nhận thấy vẻ mặt Thơm có vẻ căng thẳng. Bà muốn hỏi con xem sao nhưng Thơm đã lao vào nhà tắm.

Bà Thu chả còn nghĩ gì về vẻ mặt căng thẳng của Thơm khiến bà lo lắng vì còn mải mắt tròn mắt dẹt ngắm nghĩa cái nhà hàng sang trọng đẹp đẽ. Mãi sau bà mới bảo Thơm:

- Mẹ đang nghĩ mãi mà không ra, cái nhà hàng này đã lên phim rồi con à, phim gì nhỉ mẹ chưa nghĩ ra.

- Thì do mẹ xem nhiều phim quá mà.

- Hôm nay mẹ nói cho con một bí mật nhé, bây giờ mẹ có phải chết cũng chẳng tiếc điều gì, được chồng yêu thương, được cô con gái giỏi giang ngoan ngoãn... mẹ chỉ tiếc mỗi một điều là không được xem phim hằng tối.

- Lại là phim bộ Hàn Quốc chứ gì, con biết rồi.

- Bữa nay hai u con ta sẽ nhấm nháp rượu vang nhé. U thử xem vị nó có khác vị rượu nếp cái hoa vàng quê ta không.

- Ừ thì rượu vang, nào mai cơn keng cái nào.

- Úi u ơi nói nhỏ thôi, u trẻ thật đấy.

- Này mày thái thịt ra cho u đi, dao gì mà cùn bỏ cụ đi ấy.

- U, u nói nhỏ thôi.

- U thì thầm đấy chứ.

Vài hớp rượu vang đỏ khiến bà Thu vui vui là. Có nhẽ chả mấy khi bà được vui như thế. Mấy cái đứa phục vụ xinh gái đẹp trai như diễn viên cứ đứng bên cạnh chờ, bà đánh rơi cái khăn chưa kịp cúi xuống bọn nó đã nhặt lên cho rồi.

- U ơi, u còn ăn thêm gì nữa không để con gọi nữa?

- Thôi u no căng rồi, cái khuy áo dài bật ra rồi đây này.

Một cô gái xinh đẹp tiến đến gần bàn tiệc của hai mẹ con bà Thu. Bà cứ nhìn đăm đắm vào cô gái rồi tắc lẻm thầm trong lòng:

- Gớm con cái nhà ai mà xinh đẹp thế chứ. Nhìn mặt mà đặt hình dong, dịu dàng nết na thế chứ.

Cô gái dường như cũng quen biết với bà nên nhìn thẳng vào bà nở một nụ cười thân thiện. Cô gái đặt tay lên ngực chào bà. Bà cũng nói to dõng dạc:

- Chào cô, chúng tôi đã no rồi không muốn dùng thêm gì nữa đâu.

Cô gái xinh đẹp quàng hai tay vào cổ con bé Thơm và đặt lên má nó một cái thơm. Thơm nói với phục vụ mang thêm ghế và một chiếc ly.

- Mẹ ơi, đấy là Lydia bạn con.

- Là bạn của con à, vậy mà mẹ cứ tưởng là phục vụ của nhà hàng đến mời chúng ta ăn thêm.

Phục vụ mang thêm một chai rượu vang đỏ. Thơm rót rượu ra các ly. Trước khi ba người đàn bà nâng ly thì có khoảnh khắc cả sáu bàn tay đều để trên bàn. Bàn tay của Lydia chùm lên bàn tay của Thơm, rồi bàn tay của Thơm ngửa lên hai bàn tay xoắn chặt vào nhau. Mọi cử chỉ đều không lọt qua mắt bà Thu nhưng bà chưa định dạng được thành vấn đề.

- Mẹ ơi, chúng ta cùng nâng ly, con có chuyện quan trọng muốn nói với mẹ.

- Dào ơi nói nhanh đi chứ, u sốt ruột rồi đây.

- Mẹ, con rất yêu bố mẹ. Cả đời con con chỉ có một mơ ước là có sức khỏe để làm việc rồi báo đáp công sinh thành của bố mẹ. Con rất hiểu bố mẹ đã nuôi nấng con vất vả biết nhường nào. Con cũng biết bố mẹ mong ước ở con điều gì. Bố mẹ luôn dạy con hãy sống trung thực.

- Cái con bé này hôm nay mày làm sao thế. Sao cứ phải rào trước đón sau thế. Đúng rồi bố mẹ dạy mày luôn phải sống trung thực, giấy rách phải giữ lấy lề. Bất luận hoàn cảnh nào cũng phải sống trung thực.

- Vâng, con đã thấu hiểu những lời dạy của cha mẹ. Vậy nên hôm nay con muốn nói với mẹ một việc rất hệ trọng của đời con.

- Bầu bí rồi ý gì, không sao đâu gái ơi, u luôn luôn ủng hộ con gái của u mà. Cứ có trước cho nó chắc ăn.

- Không phải đâu ạ. Mẹ ơi con là người đồng tính. Đây là người yêu của con mẹ ạ. Chúng con rất yêu nhau.

- Hả?

Bà Thu nhìn trân trối vào mặt con gái. Trái tim bà vừa bị trúng một phát đạn. Viên đạn bắn rất chuẩn nó xé toang lồng ngực của bà và bà không cảm thấy đau đớn gì. Tất cả như dừng lại, nhịp thở, không gian thời gian và cả đồng tử trong mắt bà. Lâu lắm. Rất lâu. Tiếng khóc nghẹn của con gái khiến bà chồi lên trên mặt đất. Bà lại nhìn thấy, bà lại nghe thấy. Nước mắt ướt đầm mặt con gái.

- Mẹ ơi con xin lỗi mẹ, lý ra con không được phép nói cho mẹ biết bí mật của con. Lý ra con nên sống để dạ chết mang đi. Con sai rồi mẹ ơi, con sai rồi. Con xin lỗi mẹ.

Bà Thu cất giọng nói nhẹ như một linh hồn bay khỏi lăng mộ trong chiều chạng vạng:

- Lũ đồng tính chúng mày là một lũ ích kỷ.

- Con xin lỗi mẹ chúng con cũng là những người bình thường thôi mẹ ơi.

- Tao lạ gì lũ chúng mày. À thì ra thế, tao đã linh cảm thấy. Tao khớp lệnh, liên thông tao đã hiểu. Cái đợt năm ngoái tao lên nhà mày chơi. Mày ở cùng với một con bé khác, nó đã thẳng cổ đuổi mẹ mày. Liệu cái con bé này nó có muốn tống cổ mẹ mày ra khỏi khách sạn không?

- Vâng ạ, con biết con biết và con đã từ bỏ cô ấy là vì chuyện ấy.

- Thôi đi về đi. Tao buồn nôn quá.

Đêm ấy bà Thu thức trắng đêm. Hai mẹ con lăn ra đến tận mép giường, để lại giữa giường một khoảng trống vô định. Bà Thu xoay người lại nhìn tấm lưng của con gái trong ánh đèn ngủ lờ mờ. Nó nằm cuộn tròn như cố thu thật nhỏ người lại. Nó đã ngủ nhưng thi thoảng giật nẩy mình. Cái hồi nó còn bé cứ khi nó giật mình như thế bà Thu lại trở dậy để lấy con dao đặt vào đầu giường. Những ý nghĩ trở nên băng giá trong trí não bà. Thậm chí bà còn chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào. Bà không thất vọng cũng chẳng đau đớn, chẳng tủi thân. Là một thứ gì đó vượt quá ngưỡng của một người mẹ nông dân như bà. Giống như bay vào vũ trụ, giống như giải thưởng Nobel, giống như tỉ phú có máy bay. Trong ngôn từ của làng quê bà sống không có những từ vựng ấy. Điều đó khiến bà có cảm xúc con gái bỗng trở thành người rất xa lạ và bà sợ nó. Bà còn rúm người lại len lén nhích dần ra mép giường khiến phần non nửa người của bà thìa lìa khỏi giường.

Trời đã sáng bà Thu nghe tiếng con gái trở mình. Bà cố tình nhắm chặt mắt và thở đều đều. Bà nghe bước chân con gái rón rén đi vào nhà vệ sinh rồi rón rén đi ra khỏi phòng khách sạn. Đợi tiếng bước chân con gái xa dần bà mới vùng dậy. Bà vào nhà tắm đánh răng rửa mặt rồi thay quần áo. Bà Thu khóa cửa khách sạn gửi chìa khóa ở quầy lễ tân. Bà đi ra phía sông. Bà chọn một chiếc ghế gần với mặt sông. Bà ngồi đó nhìn xuống mặt nước. Mặt nước trong và phẳng lặng. Ồ nhỉ sao nó trong và phẳng đến vậy chứ. Sao nó không như dòng sông ở quê bà, lúc nào cũng đỏ gầu và cuộn chảy. Có đoạn nào nó gầm lên những xoáy nước không? Cứ phẳng lặng thế này sao gọi là sông chứ. Đồng tính à? Đồng tính là thế nào nhỉ. Có bận bà nghe các bà trong xóm kháo nhau về những người đồng tính. Bà cũng có nghe rồi chả để vào tai, nghe gì thứ xa tít mù tắp ở trên giời ấy chứ. Nào ngờ nó lại ở ngay trong đũng quần bà thế này. Bà chả nghĩ được nhiều. Thực bà có biết gì nhiều về nó đâu mà nghĩ. Không nghĩ được nhiều về đồng tính thì nghĩ về cái Thơm vậy. Nó xinh xắn dịu dàng hiền lành. Nó nương theo ý bà để chiều bà, nó nương theo ý cha để chiều cha. Hồi bé mỗi khi nó ốm bà lo lắng cho nó, nó cứ nhìn vào mắt bà. Nó sốt cao đến 39 độ bà sợ hãi khóc thì nó bảo, con xin lỗi mẹ vì con ốm mà mẹ lo lắng. Rồi nó lấy tay đập đập xuống chiếu, mẹ cứ nằm xuống đây ủ (ngủ) đi con khỏi ốm rồi. Nhà nghèo không có điều kiện được đi học thêm học nếm nên nó chỉ đỗ trung cấp, có hai năm rồi đi làm. Thi thoảng về nhà dúi cho bà đôi triệu. Bà chẳng tiêu gì đến tiền của con. Bà làm cuốn sổ tiết kiệm cho nó chứ bà biết con bà chỉ ăn lương trung cấp hơn lương công nhân một tí lấy đâu mà nhiều tiền. Đến cái năm thứ mười ngày nó rời xóm Mả đi học trung cấp nó về trình cho bố mẹ nào bằng cao đẳng rồi đại học rồi thạc sĩ. Vậy là nó cũng là đứa có chí lớn đấy chứ. Nó có hiếu có đễ, nó có chí lớn. Nó có là đứa xấu xa ích kỷ như hôm qua bà đã buột miệng nói ra không? Bà Thu bật khóc khi nhớ lại những giọt nước mắt rơi đầm đìa trên gương mặt con gái. Chắc nó đau lòng lắm. Nó đau lòng vì thấy bà đau lòng như cái lúc nó bé mỗi khi bà lo lắng cho nó khi nó ốm. Bà Thu khóc vì nhẽ ân hận nữa, lý ra bà chẳng được nói với con những nhời như vậy. Khóc được một chặp bà Thu thấy nhẹ lòng. Bà vội vã quay về khách sạn, sợ con gái về bất chợt không thấy bà thì lại lo lắng.

Trước khi chia tay với con gái về lại xóm Mả bà Thu nói:

- Dù có thế nào thì mẹ vẫn yêu con nhưng con đừng đưa người ta về nhà mình nhé. Con cứ vui ở chân trời góc bể nào cũng được còn khi quay về nhà mình chỉ mình con thôi. Với lại con đừng bao giờ cho thầy biết bí mật động giời này. Sợ thầy con đau lòng quá không chống được.

Bà Thu nói mà không nhìn vào mắt con bởi bà sợ cái nỗi buồn sâu hút trong mắt con gái.

Ăn cơm tối xong ông Thế pha ấm trà rồi bê cái chõng tre ra đầu hè.

- Bà kể cho tôi nghe nào, đi nước ngoài có vui không. Bà là bà đã được đi máy bay rồi đấy còn tôi chưa được đi đây. Sao bà lại thở dài thế.

- Bà đừng thở dài nữa, tôi sợ cái tiếng thở dài của bà.

- Ông ạ, cái số tôi nó hẩm hiu, cả đời chỉ trồng cây trên chân ruộng xấu. Công sức bỏ ra thì lắm mà gặt về chẳng bao nhiêu.

- Con cái Đọt nó làm sao? Hỗn láo gì với bà à?

- Nó chẳng hỗn láo gì với tôi, nó ngoan ngoãn lắm. Giá mà nó hỗn láo để tôi còn đánh được nó, quất cho nó mấy roi vào mông chắc tôi đỡ đau lòng thế này

- Vậy bà có định kể cho tôi nghe ngọn ngành câu chuyện không?

- Thôi ông ơi, ông đừng gặng tôi mà làm gì, chuyện này để mình tôi đặng, sống để dạ chết mang đi.

- Bà không muốn sẽ gánh nặng cho tôi một nửa thì bà cứ một mình mà vác, vác không nổi thì gục.

Bà Thu khóc tru lên. Ông Thế ngồi bó gối thở dài.

- Tưởng bà đi nước ngoài về thì vui chứ ai dè lại mang sầu vào thân thế à. Tôi với bà sống ở đời này còn có gì mà không thể chia sẻ được cho nhau nữa không? Tôi với bà đã cùng nhau vác nỗi đau đớn tha phương cầu thực, thương nhớ từng đọt cây ngọn có quê hương mà đâu có dám vác mặt về nhà. Cha mẹ giờ không biết sống chết thế nào.

Bà Thu ngồi im không cả sụt sịt nữa. Bà lê lê cái mông đến gần ngồi sát vào ông Thế để một bàn tay lên đùi ông.

- Tôi hỏi thật bà, bà sống với tôi có hạnh phúc không?

Bà Thu im lặng không nói năng gì. Ông Thế vào trong nhà với cây nhị. Ông kéo bài Lòng mẹ. Bà Thu lại khóc rấm rứt.

- Anh ơi con gái ta nó đồng tính anh ạ.

- Ối dào ôi tôi lại tưởng nó giết người.

- Em đau lòng lắm anh ơi.

- Cứ đau lòng đi, bà phải đau gấp bốn lần như thế đi. Tôi cũng mong tôi phải trải qua nỗi đau đớn như thế để chuộc lại tội lỗi của mình. Cái ngày hai chúng ta bỏ đi thì bốn người họ đau đớn thế nào?

- Nhưng mà em yêu anh và em rất hạnh phúc được sống cùng với anh mà. Em không hề ân hận về sự lựa chọn của mình anh ạ.

- Tôi cũng thế. Tôi thương bà, thương con bé Thơm. Nếu bảo là tội thì tội của chúng ta to lắm, nước sông nước bể không rửa hết.

- Tình yêu đâu có tội. Với lại chúng ta sống với nhau hạnh phúc mà.

- Thì thế, mưu cầu hạnh phúc là một ước vọng chính đáng nhất của loài người. Chúng ta chẳng nương vào đó để sống cuộc sống tốt đẹp hơn là gì. Sống ở đời thì cứ điều căn cốt này mà nương, giản dị như thế mà bà chẳng nghĩ ra à? Nhất là khi chính bà cũng đã trải qua đoạn trường ấy. Nếu đó là tình yêu để cho nó sống hạnh phúc thì thật tốt chứ sao. Bà vào lấy cút rượu mang ra đây. Để tôi chỉnh lại cái dây đàn mà đàn cho bà hát xẩm Thập ân. Cái thời cách đây gần bốn mươi năm cũng vì bài hát này mà tôi mê mẩn bà

Đêm thanh vắng, giọng bà Thu trong vắt cất lên quyện với ngón đàn đầy mê đắm của ông Thế. Kể từ hạt gạo đồng quê tần tảo mà đi khuya sớm ấy mẹ lo bề rau cháo con ăn.

Lễ đặt tên cho các linh hồn. Truyện ngắn dự thi của Y Ban Nhà văn Y Ban Ráng chiều đỏ. Truyện ngắn dự thi của Y Ban Trên đỉnh giời. Truyện ngắn dự thi của Y Ban
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn