Chuyên đề

Văn chương viết về dịch bệnh

Câu chuyện văn hoá
09:35 | 14/08/2021
Năm 2010, nhà văn nữ Hàn Quốc Pyun Hye Young cho xuất bản tác phẩm “Tro tàn sắc đỏ”, đã được dịch ở Việt Nam năm 2017. Nội dung tiểu thuyết kể về sự mắc kẹt và bế tắc của một công dân không có tên được cử sang công tác ở một nước C nào đó và chìm vào sự cách ly dài không lối thoát, trong dịch bệnh, chuột và rác rưởi. Anh ta nhận ra sự vô nghĩa, mơ hồ của cuộc đời mình. Phảng phất ảnh hưởng của nhà văn Frank Kafka trên từng trang viết khi nhân vật không có tên, quốc gia anh ta đến chỉ là một chữ cái C ẩn dụ và kiểu nhân vật “vô tăm tích” với chính dòng chảy cuộc sống
aa

Năm 2010, nhà văn nữ Hàn Quốc Pyun Hye Young cho xuất bản tác phẩm “Tro tàn sắc đỏ”, đã được dịch ở Việt Nam năm 2017. Nội dung tiểu thuyết kể về sự mắc kẹt và bế tắc của một công dân không có tên được cử sang công tác ở một nước C nào đó và chìm vào sự cách ly dài không lối thoát, trong dịch bệnh, chuột và rác rưởi. Anh ta nhận ra sự vô nghĩa, mơ hồ của cuộc đời mình. Phảng phất ảnh hưởng của nhà văn Frank Kafka trên từng trang viết khi nhân vật không có tên, quốc gia anh ta đến chỉ là một chữ cái C ẩn dụ và kiểu nhân vật “vô tăm tích” với chính dòng chảy cuộc sống.

DỊCH BỆNH TRONG VĂN CHƯƠNG THẾ KỶ XIX

Những trận đại dịch trong lịch sử nhân loại đã trở thành đề tài sáng tác của nhiều nhà văn. Có khi họ chọn cách phản ánh trực tiếp, có khi họ chỉ lấy đó làm cảm hứng sáng tạo. Bởi vì những trận đại dịch không đơn thuần chỉ là dịch bệnh, là nguy hiểm, là sự chết chóc, mà điều quan trọng hơn cả, trận đại dịch sẽ là sự bộc lộ mọi khía cạnh tính cách của con người khi đối mặt với tai họa, qua đó vẽ nên chân dung của một thời đại. Hơn thế nữa, nhà văn xây dựng nhiều tầng ý nghĩa vào trong tác phẩm, gửi gắm vào tác phẩm cách nhìn nhận cũng như quan niệm của mình về ý nghĩa cuộc sống, đặt trong bối cảnh đại dịch. Nhiều nhà văn trên thế giới đã viết và để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng với đề tài dịch bệnh.

Tuy không trực tiếp viết về dịch bệnh nhưng tác phẩm “Decameron” (Mười ngày) của nhà văn Italia Giovanni Boccaccio (1313 - 1375) đã mượn lý do dịch bệnh để dẫn dắt vào tác phẩm. Tác phẩm được hoàn thành năm 1353, sau này trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học Italia và thế giới. Mở đầu bằng nguyên nhân vì phải né tránh căn bệnh dịch hạch ở thành phố Firenze (còn gọi là Florence trong tiếng Anh và tiếng Pháp), 3 chàng trai và 7 cô gái đã lui về ở ẩn trong một tòa lâu đài ở vùng nông thôn. Để giải trí, họ đã lần lượt kể 100 câu chuyện cho nhau nghe trong vòng mười ngày. Dịch bệnh chỉ là cái cớ để cho Boccaccio thể hiện tinh thần nhân văn, đề cao giá trị con người của thời Phục Hưng trong tác phẩm.

Daniel Defoe (1660 - 1731), tên thật là Daniel Foe, là nhà văn, nhà báo, nhà kinh tế học xuất sắc người Anh. Chúng ta biết nhiều đến tên tuổi của ông qua cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nổi tiếng “Robinson Crusoe” (xuất bản năm 1719), nhưng có lẽ ít ai biết rằng Daniel Defoe đã viết một tác phẩm về căn bệnh dịch hạch từng tàn phá thành phố London vào năm 1665 – 1666, làm chết khoảng 100.000 người, chiếm khoảng 15% dân số London lúc đó. Tác phẩm có tên là “A Journal Of The Plague Year” (Nhật ký năm dịch hạch), xuất bản lần đầu năm 1722, do tác giả viết dựa trên những ghi chép của một người chú, tên là Henry Foe sống trong thời gian căn bệnh dịch hạch hoành hành ở London. Do vậy tác phẩm được đánh giá là có tính chân thực cao. Nhân vật chính là một người đàn ông đã quyết định ở lại London trong thời kỳ dịch bệnh và chọn cách quan sát tất cả mọi chuyện diễn ra xung quanh mình.

Tác phẩm “Nhật ký năm dịch hạch” của Daniel Defoe có thể được xem là tác phẩm văn chương vào hàng sớm nhất trên thế giới lấy đề tài từ dịch bệnh và trực tiếp miêu tả dịch bệnh. Chính tác phẩm này đã khiến cho nhà văn nổi tiếng người Colombia được giải Nobel năm 1982, Gabriel Garcia Marquez, chấp bút chuyển thể thành kịch bản bộ phim Mexico cùng tên của đạo diễn Felipe Cazals. Cuốn tiểu thuyết này cũng gợi nên cảm hứng cho hai cuốn tiểu thuyết khác thời hiện đại. Năm 1988, cuốn tiểu thuyết gần như lấy cùng tên gọi “Journal Of The Plague Years” (Nhật ký những năm dịch hạch) mang tính chất châm biếm của Normand Spinrad kể về căn bệnh AIDS ra đời. Năm 1999 xuất hiện cuốn tiểu thuyết “Plague Journal” (Nhật ký bệnh dịch hạch) của Michael D. O’Brien, trong đó nhân vật chính tự nói đùa mình là một Daniel Defoe của thời hiện đại.

Mary Shelley (1797 - 1851) là nhà văn nữ người Anh nổi tiếng không chỉ vì là vợ của nhà thơ lãng mạn Percy Bysshe Shelley mà còn vì là người sáng tạo ra một nhân vật đi vào lịch sử văn hóa đại chúng: quái nhân Frankenstein và được coi là một trong những người mở đầu cho dòng văn học kinh dị. Nhưng một tác phẩm được đánh giá là không kém phần xuất sắc của bà chính là tiểu thuyết giả tưởng “The Last Man” (Người đàn ông sống sót cuối cùng) xuất bản năm 1826, kể về một trận đại dịch lan khắp thế giới làm cho nhân loại diệt vong vào năm 2092, tức là vào cuối thế kỷ XXI. Trong trận đại dịch ấy, nhân vật chính là một học giả, vốn xuất thân là một người chăn cừu, cũng là người sống sót cuối cùng của nhân loại đã quyết định viết một cuốn sách dành tặng cho những người đã khuất, cho dù anh ta hiểu rằng không còn độc giả nào có thể đọc nó nữa. Có thể thấy Mary Shelley đã có những tiên cảm và dự báo phi thường về trận đại dịch của nhân loại 200 năm sau. Nếu với tác phẩm “Frankenstein”, nữ nhà văn đã miêu tả sự ra đời của một quái nhân nhờ vào sự chắp nối các bộ phận cơ thể con người và chính điều đó đã dẫn đến thảm kịch, thì với tác phẩm “Người đàn ông sống sót cuối cùng”, bà đã nói đến sự đổ vỡ của cả một nền văn minh toàn cầu, bị chia rẽ, tan rã bởi dịch bệnh. Có lẽ lời cảnh báo của Mary Shelley vẫn mang tính thời sự nóng bỏng trong thời đại của chúng ta.

Tiếp sau Mary Shelley có thể kể đến một nhà văn người Mỹ cũng nổi tiếng không kém với những tác phẩm có tính chất kinh dị và trinh thám. Đó là Allan Edgar Poe (1809 – 1949). Truyện ngắn “The Mask Of The Red Death” (Mặt nạ tử thần đỏ) miêu tả sự rùng rợn của căn bệnh dịch đã khiến cho không chỉ người nghèo chết mà người giàu có, thượng lưu cũng không tránh khỏi. Tử thần đỏ xuất hiện trong buổi dạ hội xa hoa, linh đình của giới nhà giàu và lấy đi mạng sống của từng người. Trước dịch bệnh, chúng sinh đều bình đẳng.

THẾ KỶ XX KHÔNG ĐƯỢC MIỄN NHIỄM

Đầu thế kỷ XX, nhà văn Mỹ Jack London (1876 - 1916), rất thành công với những tác phẩm như “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Tình yêu cuộc sống”, “Nanh trắng”, “Sói biển”… Những thành công này khiến người ta ít chú ý đến một tiểu thuyết viết về dịch bệnh của nhà văn, mang nhan đề là “The Scarlet Plague” (Dịch bệnh màu đỏ), xuất bản năm 1912, cũng mang tính tiên tri đúng với thời đại của chúng ta ngày nay.

Tiểu thuyết kể về trận đại dịch bắt đầu từ năm 2013, xóa sạch phần lớn dân số trên thế giới, từ người giàu đến người nghèo, từ đất nước hùng cường đến đất nước lạc hậu. Một vị giáo sư từng dạy ở đại học Berkeley vì nhờ trốn trong khoa Hóa khi bệnh dịch bùng phát và trở nên miễn dịch. Tác phẩm kể về thời điểm năm 2073, khi nền văn minh tiên tiến không còn, vị giáo sư trở thành một ông già chăn cừu, mặc tấm áo da thú, vừa kể cho những cậu bé sống hoang dã, nói bằng ngôn ngữ gần giống loài thú, nghe câu chuyện về dịch bệnh, vừa ngậm ngùi ngắm nhìn thành phố San Francisco ngày xưa đông đúc nhộn nhịp nay trở thành nơi chó sói sinh sống cùng với những con người trở lại thời tiền sử man rợ. Thế nhưng trong tuyệt vọng vẫn có những niềm hy vọng. Vị cựu giáo sư đã quyết định dành phần đời còn lại của mình để trở thành người thủ thư lưu giữ những cuốn sách, dù ông là người biết đọc duy nhất còn sống, với niềm tin tưởng mãnh liệt rằng một ngày nào đó, loài người sẽ lại học cách đọc lần nữa. Tiểu thuyết “Dịch bệnh màu đỏ” của Jack London còn chứa đựng những chi tiết tiên tri chính xác làm độc giả ngày nay giật mình, chẳng hạn ông viết rằng đến năm 2010, trái đất có tám tỉ người.

Năm 1947 kiệt tác tiểu thuyết “La Peste” (tiếng Pháp) hay “The Plague” (tiếng Anh) (Dịch hạch) của nhà văn, nhà triết học hiện sinh người Pháp gốc Algeria, Albert Camus (1913 – 1960) ra đời, gây tiếng vang lớn trên thế giới. Đúng 10 năm sau, năm 1957, Albert Camus được giải Nobel văn chương vì những tác phẩm của ông được đánh giá là đã đưa ra ánh sáng những vấn đề lương tâm và phẩm giá của con người trong thời đại mà ông đang sống. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm là sự phản ánh chiến tranh thế giới thứ hai vừa chấm dứt, cuộc chiến giống như một đại dịch gieo rắc bóng đen xuống toàn nhân loại.

Nhưng không chỉ dừng ở đó, tác phẩm thông qua trận dịch hạch ở Oran, một thành phố bên bờ Địa Trung Hải của Algeria, đã khắc họa cuộc đấu tranh của những con người chống lại dịch bệnh, với chân dung đa dạng của những con người. Khi đối mặt với dịch bệnh họ làm gì? Có người hoang mang, sợ hãi, tuyệt vọng; có người tìm những thú vui để lãng quên sự lo âu; có người tìm cách kiếm lợi trong đại dịch khi thành phố bị phong tỏa; nhưng cũng có những con người như bác sĩ Rieux, linh mục Paneloux, nhà báo Rambert… đã tìm mọi cách để cứu giúp con người trong dịch bệnh. Cuối cùng dịch bệnh được đẩy lui, tuy nhiên tinh thần cảnh giác của con người vẫn còn đó.

Với tinh thần triết học hiện sinh, “Dịch hạch” cũng là nơi để Albert Camus đưa ra những lý giải của mình bằng văn chương những khái niệm của chủ nghĩa hiện sinh như “sự hư vô”, “cái phi lý của cuộc đời”, “sự xa lạ của tha nhân”, “sự dấn thân của con người”… Cho đến ngày nay, khi đọc lại “Dịch hạch”, chúng ta vẫn tâm đắc với câu viết của Albert Camus ở gần cuối tác phẩm: “Bài học rút ra được giữa lúc gặp tai họa là trong con người, có nhiều điều đáng khâm phục hơn là đáng khinh ghét.”. (Albert Camus. Dịch hạch. Nguyễn Trọng Định dịch. NXB Văn học, Hà Nội, 2002, trang 428)

Năm 1982, nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez (1927 – 2014) đạt giải Nobel văn chương, đến năm 1985 ông cho xuất bản tác phẩm “Love In The Time Of Cholera” (Tình yêu thời thổ tả) và tiếp tục gây tiếng vang. Cuốn sách được dựng thành phim năm 2007 do nam diễn viên nổi tiếng người Tây Ban Nha Javier Bardem và nữ diễn viên người Ý Giovanna Mezzogiorno thủ vai. Tiểu thuyết kể về một đôi tình nhân già Florentino và Fermina vốn yêu nhau từ thời trẻ nhưng không lấy được nhau vì những định kiến xã hội. Ở độ tuổi ngoài bảy mươi, họ gặp lại nhau, nối lại tình yêu nhưng vẫn không vượt qua những định kiến, để rồi cùng nhau lên một con tàu có cắm lá cờ vàng, dấu hiệu có người mắc bệnh thổ tả, chạy tới chạy lui trên dòng sông không có bến đậu. “Tình yêu thời thổ tả” sử dụng căn bệnh dịch tả như là những điểm nhấn trong tác phẩm, tạo ra sự tiến triển của cốt truyện và cũng dùng căn bệnh này như một ẩn dụ để kết thúc tác phẩm. Tác phẩm từng được tờ thời báo “The New York Times” đánh giá là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại với nhận định rằng cùng vở kịch “Romeo và Juliet” của đại văn hào Anh William Shakespeare, “Tình yêu thời thổ tả” là câu chuyện tình lớn nhất cho đến nay được kể ra. Nói về một tình yêu tưởng là có hậu sau rất nhiều những thăng trầm, biến cố trong cuộc đời của hai nhân vật chính, nhưng cuối cùng, họ vẫn phải nhờ vào căn bệnh dịch tả để che chở cho quyền được yêu, được sống với nhau. Rõ ràng đây là một bi kịch khi mà đến cuối đời, cùng với tình yêu, họ vẫn phải đối diện với sự bất an, vô định và phải tìm cách chạy trốn thực tại như hơn năm mươi năm về trước.

Mười năm sau khi tác phẩm “Tình yêu thời thổ tả” của Marquez ra đời, nhà văn Bồ Đào Nha José Saramango (1922 – 2010) cho xuất bản tác phẩm “Blindness” (Mù lòa) vào năm 1995. Năm 1998, ông đạt giải Nobel văn chương và năm 2008, tác phẩm này được chuyển thể thành phim với những ngôi sao tên tuổi như Julianne Moore, Mark Ruffalo… Lấy bối cảnh căn bệnh dịch mù lòa xảy ra đến với mọi người trong một thành phố, nhà văn miêu tả một xã hội hiện đại với giọng điệu siêu thực, đa nghĩa, hài hước và đầy ẩn dụ. Khi mà con người làm mọi cách để sinh tồn lúc nền văn minh sụp đổ, không từ một tội ác nào, thì nhân vật nữ chính, vợ ông bác sĩ nhãn khoa, người duy nhất không bị mù, trở thành điểm sáng trên cái nền đen tối của khung cảnh xã hội. Bà đứng ra giúp đỡ, lèo lái một nhóm người để chống lại cái ác, cái xấu, nhân danh tình yêu thương và sự đồng cảm. Lời đề từ của tác phẩm là “Nếu ngươi có thể thấy, hãy nhìn. Nếu ngươi có thể nhìn, hãy quan sát” chính là sự tóm tắt những triết lý mà Saramango muốn nói với độc giả. Từ thấy đến nhìn và từ nhìn đến quan sát, đó không chỉ là thái độ mà còn là nhận thức của con người đối với thực tại quanh mình, cũng là sự thể hiện tinh thần nhân bản của con người.

Trong thế kỷ XX còn rất nhiều tác phẩm của các nhà văn viết về đề tài dịch bệnh. Có thể kể đến những tác phẩm nổi tiếng như “Pale Horse, Pale Rider” (Ngựa nhợt nhạt, kỵ sĩ nhợt nhạt) xuất bản năm 1939 của nhà văn nữ Katherine Anne Porter viết về dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918; “The Andromeda Strain” (Vi khuẩn từ chòm sao Tiên Nữ) xuất bản năm 1969 của Michael Crichton, tác giả viết truyện giả tưởng, phiêu lưu nổi tiếng của Mỹ; “The Stand” (Chiến đấu) xuất bản năm 1978 của ông vua truyện kinh dị người Mỹ Stephen King; “Beauty Salon” (Thẩm mỹ viện) của Mario Bellatin xuất bản năm 1994…

Gần đây cùng với sự bùng nổ của đại dịch SARS-CoV-2, nhiều người nhắc đến cuốn tiểu thuyết viễn tưởng kinh dị “The Eyes Of Darkness” (Đôi mắt của bóng tối) của nhà văn Dean Koontz người Mỹ xuất bản năm 1981. Nội dung cuốn tiểu thuyết kể về một loại virus trở thành vũ khí sinh học, có xuất xứ từ Vũ Hán, Trung Quốc, được đặt tên là Wuhan-400. Cũng nhân dịp đại dịch này, nhiều tờ báo, trang web nước ngoài đã liệt kê các danh sách bình chọn 37, 20, 16, 8, 7, 5… tác phẩm hay nhất viết về dịch bệnh từ xưa đến nay.

THẾ KỶ XXI: QUÁ SÁT VỚI THỰC TẾ

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, đề tài dịch bệnh vẫn thu hút các nhà văn từ phương Tây đến phương Đông. Năm 2005, nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Đinh Trang mộng”, dịch sang tiếng Việt năm 2019, được xem là tiểu thuyết viết về bệnh AIDS đầu tiên của Trung Quốc. Hậu quả của việc bán máu tràn lan, vô tổ chức, mất vệ sinh để thoát nghèo làm căn bệnh AIDS lây nhiễm lan tràn, trở thành thảm họa của dân chúng trong vùng. Nhưng tai họa không phải xuất phát từ căn bệnh AIDS mà từ sự tha hóa nhân tính con người. Tác phẩm lột trần “quốc dân tính” Trung Hoa, điều mà nhà văn Lỗ Tấn từng nói đến gần một trăm năm trước. Chính vì khắc họa rõ nét bộ mặt “người Trung Quốc xấu xí” mà Diêm Liên Khoa đã phải rơi lệ và xin lỗi bạn đọc vì kể cho họ nghe một câu chuyện quá đỗi buồn thảm và đau đớn.

Jeong You Jeong, một nhà văn nữ Hàn Quốc khác viết tác phẩm “28” xuất bản năm 2013, kể về 28 ngày thành phố Hwa Yang lây lan và chiến đấu với bệnh dịch mắt đỏ gây chết người, lây nhiễm chéo từ chó sang người rồi từ người sang chó. Cuốn tiểu thuyết không chỉ đề cập đến số phận con người mà còn đề cập đến những con chó, nguồn lây nhiễm và cũng là nạn nhân của dịch bệnh, qua đó không chỉ làm người đọc xót xa trước sự vô nhân đạo của con người mà còn làm nhói lòng những người yêu động vật.

Trong những năm gần đây còn có thể kể đến các tác phẩm như “The Last Town On Earth” (Thị trấn cuối cùng trên trái đất) của Thomas Mullen xuất bản năm 2006, nói về đại dịch cúm năm 1918; “Nemesis” (Báo ứng) của nhà văn Mỹ Phillip Roth xuất bản năm 2010 viết về dịch sốt bại liệt; “Year One” (Năm thứ nhất) của Nora Robert xuất bản năm 2017 nói về dịch bệnh và sự đào thoát của con người ra khỏi thành phố New York…

Đặc biệt trong thời gian làm đại sứ Italia tại Việt Nam từ năm 2010 - 2015, nhà ngoại giao, nhà văn Lorenzo Angeloni đã viết tác phẩm “Vùng cách ly” được dịch ra tiếng Việt năm 2017, nói về dịch bệnh SARS lấy cảm hứng từ những ngày ông chứng kiến thực tế ở bệnh viện Việt – Pháp ở Hà Nội chống chọi với dịch bệnh này năm 2003.

Tác phẩm “Nhật ký Vũ Hán” của nhà văn nữ Trung Quốc Phương Phương kể chân thực những ngày thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, đã tạo ra những luồng dư luận trái chiều ở Trung Quốc khi bà công bố nhật ký trên mạng xã hội Weibo và sau đó cho xuất bản ở nước ngoài bằng nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức… Hiện nay “Nhật ký Vũ Hán” của nhà văn Phương Phương bị chặn trên các trang mạng Trung Quốc và bị cấm công bố. Tuy nhiên ở Việt Nam đã dịch tác phẩm “Vũ Hán - Nhật ký phong thành” của nhà văn nữ Trung Quốc Quách Tinh, cũng có nội dung kể về 76 ngày Vũ Hán bị phong tỏa.

*

Như vậy, điểm sơ lược một số tác phẩm văn học nổi tiếng viết về dịch bệnh, chúng ta nhận thấy các tác phẩm này đều có những điểm chung: đó là phản ánh thực tại và tương lai khốc liệt, nguy hiểm của con người khi dịch bệnh hoành hành, từ đó cất lên tiếng nói cảnh báo cho nhân loại hãy cảnh giác trước những tai họa, tìm cách phòng ngừa trước khi quá muộn để cứu vớt nền văn minh không bị đổ vỡ.

Nhưng sâu xa hơn, thông qua những số phận con người vùng vẫy trong đại dịch, các nhà văn gửi gắm vào đó nhiều thông điệp có ý nghĩa về giá trị đạo đức, về nhân cách, về tình yêu thương, sự dũng cảm của những cá nhân, từ đó nhấn mạnh sự quan trọng của tinh thần nhân văn và nhân đạo, điều sẽ cứu vớt con người trong đại dịch.

Nguồn Văn nghệ số 33/2021


Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.