Diễn đàn lý luận

Văn học đọc như showbiz

Diệp Vấn
Lý luận phê bình
07:00 | 12/04/2025
Baovannghe.vn - Văn học giải trí, văn học showbiz thời gian gần đây đã chiến thắng công khai trước văn học thẩm mỹ đích thực, nó đánh trực diện và làm bật gốc thứ văn học vốn quen với khẩu hiệu "hữu xạ tự nhiên hương", nó tấn công không thương tiếc và đã làm chủ thị trường văn học bởi vì nó có tay trong, có kẻ làm nội gián.
aa

Nhiều bài giảng về văn hóa đọc hiện nay tiềm ẩn những mưu toan thôi miên người tiêu dùng, hoặc chí ít cũng là những thủ pháp “tạo ra nhu cầu” cho người đọc. Trong các thuyết minh, kêu gọi về chấn hưng văn hóa đọc có những nỗ lực vẽ ra hình ảnh đẹp đẽ của người đọc, bày ra cho chúng ta một kiểu hưởng thụ, một cách sống cân đối hài hòa,... Và đó chính là một sản phẩm của hệ tư tưởng tiêu thụ.

Văn học và showbiz có quan hệ gì với nhau không?

Câu trả lời ngắn gọn là: có.

Trước kia chúng vốn là những kẻ xa lạ, nhưng gần đây đã kết nghĩa với nhau, xích lại gần nhau hơn; chúng ồn ào, có tính chất thị trường, chốc lát, hào nhoáng, và thỉnh thoảng bốc đồng... như nhau. Cánh báo chí ở ta năng nổ tham gia xây dựng hình ảnh và truyền đi các thông điệp nóng hổi của giới showbiz Việt nhưng cũng nhiệt tình lật tẩy các mánh khóe, thủ đoạn, tố lên những hình ảnh không đẹp, những chiêu trò PR, những cơn bấn loạn, sự phù phiếm, đố kị ganh ghét giữa các sao trong làng giải trí. Nhà văn và các sáng tác của họ cũng bị đối xử như thế, bình đẳng như các nghệ sĩ. Dạo nọ, nữ diễn viên, ca sĩ Lê Kiều Như bỗng dưng cầm bút sáng tác tiểu thuyết, và chỉ bằng Sợi xích chị đã đàng hoàng bước vào làng văn đang thèm khát những tên tuổi mới, chị chẳng những trở thành một nhà văn trẻ hợp thời, mà còn làm cho văn chương Việt gần với showbiz Việt hơn. Cái công lao đó, sau này, các nhà văn học sử, phải nghiêm túc nhìn nhận và ghi công cho chị. Trong giới văn chương, giờ đây, người ta đã quen với những lời hào phóng có cánh, những từ ngữ mĩ miều, chẳng hạn như người đàn bà đẹp viết văn, những nhà văn mĩ nữ, cứ như thể chúng ta đã có hẳn những hotgirl thực thụ trong làng giải trí văn học giống như các hotgirl trong showbiz vậy. Để giới thiệu một người đẹp ra mắt sách, người ta, để cho tương xứng với nhân vật và sự kiện nổi tiếng, không còn cách nào tốt hơn là phải dùng ngôn ngữ quen dùng miêu tả giới showbiz. Đúng là Lê Kiều Như đã thành công trong làng giải trí văn học với Sợi xích. Đề tài của Sợi xích rất hot, đời sống tình dục của một cặp vợ chồng trẻ. Hình ảnh của tác giả in kèm trong sách cũng rất mời gọi độc giả đến với thế giới chữ nghĩa của chị: hình ảnh nóng bỏng của tác giả dưới góc nhìn của Ngô Nhật Huy và Coban. Chất liệu hiện thực trong Sợi xích có khả năng thuyết phục cao, sáng tác có nguyên mẫu chứ không phải bịa đặt, do vậy nó có khả năng gây tò mò: cuốn sách dựa trên 30% câu chuyện có thực mà Lê Kiều Như chứng kiến. Văn học ra đời trong lòng giới showbiz và trở thành một phần của nó. Sự kiện Sợi xích đã “trêu ngươi” giới lý luận, phê bình hàn lâm, rằng các định nghĩa về văn bản văn học của họ có nguy cơ trở nên lỗi thời, cần phải điều chỉnh và thay đổi nếu muốn nhận chân bức tranh văn học đương đại Việt Nam! Nhiều người đến, nhiều người đọc, nhiều người xem, nhiều người tìm mua sách, nhiều người tham gia góp lời bàn bạc.., và nhiều người, rất nhiều người, đã biết đến Lê Kiều Như, một nhà văn trẻ, dù cảm xúc, cảm nhận, quan điểm nhìn nhận của họ khác nhau. Không thể phủ nhận được tình cảnh đáng thương: một số người đã bị truyền thống tác động mạnh mẽ, và Sợi xích trở thành nhân vật chính trong bài viết của họ, một số khác bị cây bút trẻ mới nổi này xỏ mũi cuốn đi, họ tìm đến Sợi xích như một cách thỏa mãn, hợp thức hóa những ham muốn bị che giấu. Văn hóa đọc là một cụm từ chứa đựng nhiều mưu toan.

Trường hợp khác, cho ta một liên tưởng tương tự, đó là Nguyễn Nhật Ánh. Ông là một ngôi sao văn chương, mà danh tiếng và con đường tạo dựng thương hiệu của ông cũng được tạo ra như cách người ta đã làm ra một ngôi sao trong làng giải trí ở ta hiện thời. Chỉ nhắc đến cái tên Nguyễn Nhật Ánh, người ta cũng có cảm giác, như vừa nghe thấy, tên tuổi của một ông hoàng văn học thiếu nhi đương đại. Một ngôi sao trong làng giải trí nếu ghen tị với Nguyễn Nhật Ánh, vì những tình cảm mà các fan dành cho thần tượng này rất trong trẻo, ngây thơ, đáng yêu và bền bỉ hơn nhiều so với mình, thì ta cũng có thể thông cảm đôi phần.

Văn học đọc như showbiz
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest.

Các nhà xuất bản, giờ đây, không đơn thuần chỉ bán sách của Nguyễn Nhật Ánh nữa mà họ đang bán tên tuổi của ông ta, bán ba chữ Nguyễn – Nhật - Ánh. Nguyễn Nhật Ánh là một thương hiệu. Bất kỳ tác phẩm nào của Nguyễn Nhật Ánh xuất bản cũng đều trở thành sự kiện, y hệt như người ta tổ chức các sự kiện âm nhạc, ra mắt album. Thật đẹp biết bao hình ảnh thần tượng Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng: “Buổi ký tặng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhân dịp ra mắt tác phẩm mới nhất - truyện dài “Ngồi khóc trên cây" lại tiếp tục thu hút sự quan tâm háo hức của đông đảo bạn trẻ Thủ đô"... Trong các quầy sách, trên các giá sách dành cho thiếu nhi, cái tên Nguyễn Nhật Ánh đã choán hết chỗ của các tác giả khác. “Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn đắt sách hàng đầu Việt Nam", các fan xếp hàng dài chờ nhà văn ký tặng, họ bao vây Nguyễn Nhật Ánh, tranh thủ bày tỏ tình cảm với nhà văn mà họ yêu thích... báo chí nói về tác giả này, tựa như một ca sĩ đắt sô; Ngồi khóc trên cây mang sứ mệnh rung lên tiếng chuông trước cửa sổ tâm hồn của mỗi độc giả; “hai tuần trước lúc phát hành, trên một số trang bán sách trực tuyến như tiki, vinabook... sách đã được nhiều bạn đọc đăng ký đặt mua và đứng vào top bán chạy nhất. Và trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ lần xuất bản đầu tiên với số lượng 20.000 bản, tới lúc ra mắt cuốn sách, Nxb Trẻ đã tái bản ngay 10.000 bản để phục vụ bạn đọc. Chưa ra mắt đã tái bản – đó có lẽ là một kỷ lục mà lúc này chỉ có Nguyễn Nhật Ánh mới lập được" (baophunuthu- do,vn).

Theo Tường Vy, "Nhắc đến người hâm mộ (fan) nhiều người nghĩ ngay đến đội ngũ fan của các ca sĩ, ngôi sao điện ảnh... Trong lĩnh vực văn học, rất hiếm hoi xuất hiện thông tin về fan của các nhà văn. Trên thực tế, khối gắn kết nhà văn, tác phẩm và bạn đọc dù không cực thịnh như xưa nhưng vẫn còn khá mạnh mẽ... Ở Việt Nam, người viết có lượng bạn đọc hâm mộ nhiều nhất, cuồng nhiệt nhất có lẽ phải kể đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh... Tại căn hộ của ông, chiếm một vị trí trang trọng nhất và diện tích lớn nhất là những kỷ vật mà bạn đọc hâm mộ tặng. Đủ cả, từ chiếc chuông gió bằng sứ gắn câu chúc nhà văn mạnh khỏe, các cuốn lưu bút chứa những lời tâm sự của bạn đọc gửi đến nhà văn, tranh ghép hình nhà văn, những món quà lưu niệm và thậm chí cả gấu bông, thỏ bông... Không những thế, bạn đọc hâm mộ còn gửi đến nhà văn đủ loại đồ ăn thức uống như một lời chúc “ráng ăn cho khỏe để có sức sáng tác". Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đưa gói kẹo đậu phộng ra khoe: “Của một bạn đọc ở đường Đinh Tiên Hoàng, cứ dăm ba bữa bạn đọc nhỏ này lại nhờ mẹ chở lên để tặng kẹo". Bạn đọc hâm mộ còn thành lập CLB người hâm mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (fan club), nơi các bạn có thể trao đổi về tác phẩm, về nhà văn... Bên cạnh đó, không thể kể hết những diễn đàn về tác giả, tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh trên các trang điện tử, mở các chuyên đề riêng trên Facebook, Twiter về nhà văn như: Hội những người thích đọc tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh, hay thậm chí là thành lập hẳn một trang web chuyên về Nguyễn Nhật Ánh, tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với nhà văn [..] Dù chưa phải là nhà văn xuất sắc nhất Việt Nam hiện đại, nhưng riêng trong mảng văn học thiếu nhi, hơn 20 năm qua Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn khẳng định vị trí số một. Dĩ nhiên, đi kèm với thành công của anh là một đội ngũ bạn đọc hâm mộ thuộc nhiều lứa tuổi, bởi vì những cô, cậu bé hâm mộ Nguyễn Nhật Ánh của 15-20 năm trước nay đã thành những ông bố, bà mẹ và họ truyền lại sự hâm mộ đó cho con mình [...]

Văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là đọc gì hay đọc như thế nào, mà nó còn thể hiện qua sự gắn kết các giả tác phẩm bạn đọc. Nỗ lực của nhà văn đã sáng tác ra tác phẩm hay, hấp dẫn, từ đó tạo nên một lượng lớn bạn đọc hâm mộ, tạo nên một niềm ham thích đọc sách. Cũng chính từ niềm hâm mộ đó sẽ kích thích sự sáng tác và sẽ xuất hiện những nhà văn mới. Chỉ đáng tiếc, còn quá ít nhà văn tạo được sự hâm mộ lớn trong nền văn học Việt Nam hiện nay” (sggp.org.vn).

Có thể đọc văn học như đọc “văn bản showbiz". Bài viết của Tường Vy như chúng tôi vừa trích trên đây, không phải đọc Nguyễn Nhật Ánh như đọc văn học, mà đọc như một ngôi sao, một thần tượng, một thương hiệu, một thứ hàng hóa trong giới showbiz. Tường Vy diễn giải Nguyễn Nhật Ánh như một hiện tượng văn học, một huyền thoại văn học chưa từng có ở nước Việt Nam. Tưởng Vy không chỉ viết về Nguyễn Nhật Ánh theo ngôn ngữ truyền thông, mà đã tạo ra một kiểu như thế “nhà văn mẫu mới và những độc giả của anh ta, thuộc về anh ta – những độc giả mà chính các nhà xuất bản đã ước ao từ trước.

Văn học cũng có chức năng giải trí, nhưng không phải như ngành công nghiệp giải trí đương đại mang lại. Tạo ra các thương hiệu, tên tuổi văn học cũng giống như tạo ra các ngôi sao giải trí đang lên. Hiện nay có cả một công nghệ sáng tác thơ, công nghệ tạo ra các loại best – sell- đội ngũ fan của các ca sĩ, ngôi sao điện ảnh trong văn học. Tham gia viết văn, làm thơ cũng có cả các diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nhạc sĩ. Các đơn vị phát hành, in ấn, quản lí, báo chí... cũng bằng cách này hay cách khác, hỗ trợ cho các “tên tuổi văn học" đang được công chúng chú ý. Người viết được chờ đón, xin tặng chữ kí cũng y như các diễn viên, ca sĩ chinh phục, lôi kéo được người nghe, người xem về phía mình, phe mình. Tác phẩm văn học (cả thơ và truyện ngắn) không chỉ được đọc mà còn được trình diễn trên sân khấu, được chuyển thể thành phim, phổ nhạc,... ồn ào, chốc lát cũng y hệt như lĩnh vực giải trí. Trong văn học, nhà văn, nhà thơ cũng có người đại diện phát ngôn, người đại diện liên hệ xuất bản, có các ông bầu, y hệt như trong giới showbiz. Trong giới showbiz, nhiều tên tuổi nổi lên nhờ mạnh bạo cởi đồ, khoe hàng, giao tiếp với các fan bằng ngôn ngữ thân thể; trong văn học, nhiều nhà văn cũng thi nhau cởi đồ của nhân vật, cho các nhân vật tự do trút bỏ văn hóa, phô diễn thân xác, khoái lạc và nói với độc giả bằng thứ ngôn ngữ trần trụi, phản cảm. Văn học và showbiz không thể chối cãi được là có liên hệ với nhau; một đằng nói bằng ngôn từ, một đằng nói bằng hình ảnh, nhưng có thể chúng cùng truyền đi thông điệp về sự khoái lạc nhục thể.

Sự phát triển của văn học, xem ra, được đo bằng sự xuất hiện của những thần tượng, những thương hiệu, những best- seller. Sự phát triển của văn hóa đọc được đo kiểm bằng sự trương nở về số lượng những người hâm mộ một số tác giả nào đó. Văn hóa đọc, rốt cuộc, được thu gọn thành những huyền thoại về các tác gia văn chương; Rồi đến lượt mình, các huyền thoại văn chương lại tạo ra các huyền thoại về người tiêu thụ, những huyền thoại này ngấm ngầm tạo ra cho độc giả ảo tưởng về một hệ thống giá trị ổn định, và đáng tin cậy nhất, khiến họ, không biết từ bao giờ tin tưởng rằng mình đã hoàn toàn tỉnh táo, tự do lựa chọn các tác phẩm có giá trị hoặc đã tự nguyện chấp nhận một trật tự tiêu thụ văn học mới.

Văn nghệ, số 14/2014
Khai mạc triển lãm “Bản hùng ca mùa Xuân đại thắng”

Khai mạc triển lãm “Bản hùng ca mùa Xuân đại thắng”

Baovannghe.vn - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Thư viện Quân đội tổ chức khai mạc triển lãm “Bản hùng ca mùa Xuân đại thắng”.
Đi qua vùng biển chết - Thơ Nguyễn Ngọc Phú

Đi qua vùng biển chết - Thơ Nguyễn Ngọc Phú

Baovannghe.vn- Có một tầng trời ngoài một tầng trời/ Có một vùng biển trong một vùng biển
Nghị quyết Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025

Nghị quyết Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025

Baovannghe.vn - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025
Trao 208 giải xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025

Trao 208 giải xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025

Baovannghe.vn - Tối 15/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ trao giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng (CTCM) giai đoạn 2020-2025.
Bình minh Cha Lo - Thơ Bạch Diệp

Bình minh Cha Lo - Thơ Bạch Diệp

Baovannghe.vn- Từ sườn núi nở bung hoa mận/ Cơn gió mang theo tiếng đùa nghịch của bầy vượn nhỏ