Mâm cơm cúng trong Lễ hội |
Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo
Làng Rộc Răm có 3 dân tộc cùng chung sống (Kinh, Mường và Thái), trong đó người Thái đông nhất. Dân làng tổ chức lễ hội vào dịp tháng Giêng theo chu kỳ 3 năm làm “đại”, hằng năm làm “tiểu”. Kin Chiêng là lễ ăn tháng Giêng, Boọc Mạy là cây bông tượng trưng cho đất, trời, thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, muôn hoa, muôn vẻ, vạn vật đều sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái. Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy nghĩa là hát múa ăn mừng xung quanh cây bông cho nên cây bông được xem là “linh hồn” của lễ tục. Lễ hội này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017.
Công tác chuẩn bị cây bông cho lễ hội được bắt đầu từ trước tết âm lịch. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9 tầng, mỗi tầng có hàng trăm nhánh. Thông qua lễ hội, đồng bào dân tộc Thái nơi đây gửi gắm ước vọng mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở, tạo phúc cho dân, mọi người đều bình an, khỏe mạnh. Đồng thời, thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng hướng tới tương lai của đồng bào.
Màn hát múa ăn mừng xung quanh cây bông trong Lễ hội |
Nhiều nơi cũng làm cây bông trong lễ hội nhưng cây bông làng Rộc Răm khác với các địa phương khác là thân cây bông được làm bằng tre hoặc luồng, với hàng ngàn bông hoa đủ loại màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Hoa được gọt, tiện từ thân cây trong rừng như cây sao, trám, chôm,… Sau đó đem đồ chín, phơi khô, và được nhuộm màu bằng nhựa các loại vỏ cây cũng lấy trong rừng như cây sấu, nghèn vàng, cánh kiến… Cây bông còn được trang trí bởi các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất được đan bằng nứa.
Lễ khai hội Kin Chiêng Boọc Mạy diễn ra với các nội dung, như: lễ đón thầy mo, lễ rước cây bông, lễ bắt lợn, lễ cúng đền Cấm, lễ dựng cây bông và chương trình nghệ thuật hát múa dưới cây bông, cúng thần linh, Mường Trời; đánh thức vua trời; cúng và đánh trống cơm; cúng cơm mới... Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các hoạt động liên hoan ẩm thực, các trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng. Hát múa ăn mừng dưới cây bông thể hiện tính cộng đồng trong bản mường rất chặt chẽ, đó là khát vọng tự do, bình đẳng, không phân biệt giai cấp, nghèo hèn, giữa con người với nhau, giữa con người với trời đất, thần linh.
Người nhập vai “Thần”, đóng vai “Mường Trời” trong lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy - Hát múa ăn mừng dưới cây bông đã mượn cái “uy” của thần để nói cái thực ở đời, để răn dạy người đời điều chỉnh các hành vi văn hóa, không làm điều ác, sống yêu thương nhau và làm những điều tốt lành.
Lễ tục rất coi trọng các loài muông thú, vật nuôi
Người Thái khi làm lễ tục này họ rất coi trọng các loài muông thú, vật nuôi. Trong những câu ví cửa miệng họ đều ví với các loài vật: Lời nói vui như chim toen khoẻn hót, giọng nói ngọt như mật ong tháng ba,… Bởi họ cho rằng, tất cả chúng đều gắn bó với đời sống con người và chúng đều có linh hồn: “Hết năm cũ lại sang năm mới cứ vào tháng Giêng, Hai làng đến kỳ mở hội, cây bông mường lại được dựng lên, các thần linh của Mường Trời, các thần linh thổ địa, các thần núi thần sông lại trở về hiện linh vào cây bông của mường, có đủ linh hồn chim muông thú”.
Rước cây bông trong Lễ hội |
Việc bắt lợn, bắt gà để làm thịt sắm mâm cơm lễ thần cũng được tiến hành theo nghi lễ, vừa làm vừa có lời khấn. Chẳng hạn như bắt lợn làm thịt khấn rằng: “Lợn ơi lợn, vua Then cho mày xuống lương gian, mày xuống lương gian, mày ở ngoài rừng, mày sợ hổ bắt ăn thịt, mày phải về ở với người lương gian được nuôi nấng. Người lương gian bảo rằng: Về đây tao làm chuồng cho mày ở, nấu cám cho mày ăn, nay đến ngày có công có việc, phải bắt mày để làm thịt làm lễ Lam chá lấy thịt mày làm lễ Kin Chiêng. Lời người nói như vậy, mày đừng oán giận, người lấy cám ra cho mày ăn bữa cuối, trai làng vào cầm chân sau mày đừng đá, cầm chân trước mày chịu ngã, trói mày như trói dê, thật chặt đem mày cắt tiết, làm thịt, lấy thịt mày làm bữa, hồn mày về trời đừng oán nhé”.
Bài cúng công phu và ấn tượng
Bài cúng trong tục Kin Chiêng Boọc Mạy cũng được thể hiện khá công phu và ấn tượng cụ thể như sau: “Mường Rộc Răm quê tôi từ khi có đất và nước, có vua Mường Trời, có Phật cao thiên. Tôi mo mùn mường này, xin mặc áo thăng gươm, đội mũ chầu ấn tề, mo tôi có dòng, dòng nhà Mo có dõi, được trời đất giao cho kiếm lệnh, có tổ tông truyền bá lâu đời. Rộc Răm mường này quê tôi có chủ đất, chủ nước, có thổ công long mạch, có thành hoàng bản địa. Hôm nay ngày lành tháng tốt dân bản làng Rộc Răm, gồm già trẻ gái trai cùng chung lòng chung dạ, sắm lễ tế các thần linh có cả mâm chay để thỉnh Phật; lợn, gà, to, sạch, đẹp; rượu cần, rượu xiêu, trầu, cau, xôi trắng, xôi màu xin dâng tế thần linh, thành hoàng, thổ địa, thần linh ở trên núi, có công giúp dân làng, bảo vệ lúa nương, rẫy, trừ ma tà yêu quái, hiện linh về hái lá chữa bệnh, Phật tổ người đức thiện dạy dân làm các điều lành, tránh làm điều ác, dạy phép làm các bài thuốc tốt chữa bệnh cho muôn dân.
Các thần nghe lời thỉnh của thầy, theo khói hương của dân bản, mùi hương thơm của bản mường, theo lời khấn của thầy, các thần về ngự tại ngai thờ đền Cấm, làng Rộc Răm nơi linh thiêng thổ công long địa có công giúp dân làng giữ đất màu tươi tốt, không cho các ma tà quấy nhiễu, người trong làng trong bản không ốm đau bệnh tật. Thành hoàng Trần Công Bát người có công giúp dân đánh giặc bảo vệ bản làng Rộc Răm, người ở mường dưới lên cả làng cùng đánh, giặc ở mường trên xuống cả làng đều dẹp, không quên ơn người có công với bản làng, cả làng lập đền Cấm làm nơi thờ phụng, mo tôi cùng dân bản, các bào chớ, sao chớ xin tế lễ thần linh mời cùng về đền Cấm để ăn mừng Kin Chiêng Boọc Mạy, bảo vệ dân làng bình an. Mo tôi xin mời thần linh về dự lễ Kin Chiêng Boọc Mạy cùng ăn cơm uống rượu với dân làng, che chở cho dân làng bình an, mạnh khỏe làm lúa nước không cho thua, làm nương rẫy không cho thiếu, cánh đồng nào lúa cũng tốt ngập đầu ngựa, lúa nương rẫy xanh tốt bời bời như cây rừng, được như lời thầy mo tôi ước, được như lời thầy mo tôi cầu. Mọi nhà muốn lợn gà đầy đàn, nuôi trâu, bò sinh sôi nảy nở. Các thần linh cùng vui mừng với làng, với bản ăn bữa cơm này bảo vệ cho dân làng vui…”.
Biểu diễn giã bánh bằng lóng gỗ |
Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước được ví như cây “đại thụ” góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, là “linh hồn” lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy. Trước khi qua đời, nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước đã truyền dạy cho con và một số người dân thôn Rộc Răm các nghi lễ cúng thần linh trong lễ hội. Đây là bài cúng của ông:
Phia ơi ngài đang ngủ hay đang thức
Nàng mường tôi đến mời ngài dậy để xuống lương gian
Mường tôi nay làm lễ kin chiêng boọc mạy
Hoa rừng nở tháng hai, hoa vông nở khắp mường khắp bản
Chim toen khoen gọi mùa cơm mới
Nàng mường tôi mời phia xuống mường
Ngài xuống mường tôi, mừng lăm chá
Ngài xuống mường dưới, mừng lễ kin chiêng.
(Bài Khặp đánh thức “Phia” Then - Vua trời)
Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (hát múa ăn mừng dưới cây bông) đã và đang làm cho đời sống tinh thần của người dân làng Rộc Răm nói riêng và tỉnh Thanh thêm hương sắc, đặc biệt là mỗi khi tết đến xuân về. Tổ chức, quản lý và phát huy tốt lễ hội chính là làm sống lại lịch sử hào hùng của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông và đó cũng chính là góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh
Khai Hạ Mường Bi: Lễ hội văn hóa đặc sắc của người Mường Lễ hội Cổ Loa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 |