Sự kiện & Bình luận

Xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy Văn học phát triển bền vững

Thảo Vy
Đời sống
10:58 | 05/04/2025
Baovannghe.vn - Ngày 4/4, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Hội thảo do Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì.
aa

Cùng dự Hội thảo có Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội Bùi Hoài Sơn; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên; các Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Bình Phương, Trần Đăng Khoa. Hội thảo cũng có sự tham dự của lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương; các nhà nghiên cứu…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: Văn học là một trong những trụ cột của đời sống tinh thần, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn con người và phản ánh những giá trị xã hội, không thể thiếu của đời sống tinh thần dân tộc, là tiếng nói của con người trước lịch sử, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn học không chỉ ghi lại những biến động của đời sống mà còn góp phần định hình tư tưởng, bồi đắp nhân cách và xây dựng bản sắc văn hóa của một quốc gia.

Đặc biệt nhấn mạnh văn trò của Văn học trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng cho biết, việc xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, đảm bảo văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận những xu hướng sáng tạo mới. Do đó, Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học không chỉ là một chủ trương đúng đắn mà còn là một đòi hỏi cấp thiết trước những vận động mới của đời sống xã hội và sáng tạo nghệ thuật.

Xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy Văn học phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông và nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội thảo Lấy ý kiến Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Ảnh VH

Cho biết, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm khuyến khích sự phát triển của văn học như: các Nghị quyết về văn hóa, văn học nghệ thuật của Đảng, Nghị quyết số 23- NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) tiếp tục đặt vấn đề về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có văn học, Thứ trưởng khẳng định các chính sách hỗ trợ sáng tác, tổ chức trại sáng tác, giải thưởng văn học nhằm tôn vinh và động viên các nhà văn. Cơ chế bảo hộ quyền tác giả, bản quyền ngày càng được hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo. Tuy nhiên, trước những biến động nhanh chóng của đời sống và sự phát triển của công nghệ, những chính sách này cần tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn mới.

Theo đó, việc quản lý, khuyến khích phát triển văn học còn những khoảng trống và thách thức như: Chưa có cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác đủ mạnh để tạo điều kiện cho các nhà văn theo đuổi những đề tài lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; Các trại sáng tác chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa tạo ra được nhiều tác phẩm có sức ảnh hưởng rộng rãi; Hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học vẫn còn hạn chế, khiến nhiều tác phẩm hay chưa đến được với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Do đó, Thứ trưởng kỳ vọng, qua Hội thảo, các đại biểu, các nhà văn, nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước cùng thảo luận, trao đổi trọng tâm vào một số nội dung chính sách cụ thể về:

Một là Hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học: Cần có cơ chế tài chính cụ thể, ổn định, không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn tạo điều kiện về môi trường sáng tác.

Hai là, tổ chức trại viết, sáng tác văn học: Cần đổi mới phương thức tổ chức để thực sự trở thành nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tác.

Ba là, tổ chức cuộc thi viết, sáng tác tác phẩm văn học: Nên có sự phân loại rõ ràng về thể loại, độ tuổi tác giả và hướng đến các đề tài mang tính đột phá.

Bốn là, Giải thưởng văn học quốc gia: Cần nâng cao uy tín, chất lượng, mở rộng ảnh hưởng ra khu vực và quốc tế.

Năm là, giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học: Cần có chiến lược dài hơi, đẩy mạnh dịch thuật, liên kết xuất bản với thị trường quốc tế.

Theo báo cáo của Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học gồm 07 Chương và 34 Điều.

Trong đó, Chương I: Những quy định chung gồm 8 điều từ Điều 1 đến Điều 8; Chương II: Hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học gồm 4 điều từ Điều 9 đến Điều 12; Chương III: Tổ chức trại viết, sáng tác văn học gồm 6 điều từ Điều 13 đến Điều 18; Chương IV: Cuộc thi viết, sáng tác tác phẩm văn học gồm 05 điều từ Điều 19 đến Điều 23; Chương V: Giải thưởng văn học quốc gia gồm 2 từ Điều 24 đến Điều 25; Chương VI: Giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học gồm 07 từ Điều 26 đến Điều 32; Chương VII: Điều khoản thi hành gồm 02 điều từ Điều 33 đến Điều 34.

Việc xây dựng Nghị định sẽ bao gồm các nội dung cơ bản gồm: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển văn học (trong đó, khẳng định Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động sáng tác tác phẩm văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; giải thưởng văn học quốc gia; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học); những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước đối với văn học; dừng tổ chức các hoạt động văn học, thu hồi giải thưởng và kinh phí thực hiện đối với các hoạt động văn học.

Về sáng tác tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định tập trung quy định cơ chế hỗ trợ, đầu tư, tiêu chí, quy trình lựa chọn tác giả để Nhà nước hỗ trợ, 8 đầu tư sáng tác, nghiệm thu, các tác phẩm văn học sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sáng tác văn học, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động sáng tác văn học tại Việt Nam.

Về tổ chức trại sáng tác văn học: Dự thảo Nghị định quy định cụ thể hoạt động trại sáng tác văn học, bao gồm: Tiêu chí để tổ chức đáp ứng khi tổ chức một trại sáng tác văn học, trong đó khẳng định Bộ VHTTDL là cơ quan có trách nhiệm tổ chức các trại sáng tác văn học theo định kỳ hàng năm nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả tham gia trại nhiệt huyết sáng tạo tác phẩm văn học; quy định trình tự thông báo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo trước khi tổ chức trại sáng tác văn học; quy định cụ thể về nội dung của Quy chế trại sáng tác văn học, Hội đồng chuyên môn trại sáng tác văn học.

Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về tiêu chí trại viên trại sáng tác và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức trại sáng tác tác phẩm văn học.

Về cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định quy định tổ chức cuộc thi sáng tác văn học, trong đó khẳng định Bộ VHTTDL là cơ quan có trách nhiệm tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học theo định kỳ từ 3 năm đến 5 năm một lần đối với từng thể loại văn học nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả trong sáng tạo các tác phẩm văn học đỉnh cao; quy định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo cuộc thi, đề án tổ chức cuộc thi; ban giám khảo cuộc thi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học.

Về Giải thưởng văn học quốc gia: Dự thảo Nghị định quy định về giải thưởng văn học quốc gia trong đó khẳng định rõ vai trò của Bộ VHTTDL trong việc lựa chọn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao xứng đáng để tôn vinh giải thưởng quốc gia; quy định quyền lợi và nghĩa vụ của tác giả có tác phẩm được tôn vinh.

Về Giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tác phẩm tiêu biểu cho văn học Việt Nam để giới thiệu quảng bá, hỗ trợ việc tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài;

Giới thiệu tác phẩm có chất lượng đại diện cho văn học Việt Nam tham gia các cuộc thi, giới thiệu tham gia giải thưởng văn học uy tín quốc tế; xây dựng trang thông tin điện tử về văn học Việt Nam nhằm phổ biến, giới thiệu, quảng bá các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam;

Xây dựng cơ sở dữ liệu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học tại Việt Nam nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực có liên quan góp phần tập hợp các đầu mối và nguồn lực thúc đẩy hoạt động giới thiệu quảng bá và xúc tiến phát triển văn học có chiều sâu và hiệu quả.

Về điều khoản thi hành: Dự thảo Nghị định quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm hướng dẫn thi hành.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Nghị định không chỉ kế thừa mà còn là bước tiến quan trọng, thể hiện tầm nhìn “văn học vì sự phát triển bền vững”, trở thành công cụ hiệu quả để nuôi dưỡng tài năng, bảo tồn di sản và hội nhập văn hóa toàn cầu.

Làm giàu tư tưởng, tình cảm của nhân dân (*)

Làm giàu tư tưởng, tình cảm của nhân dân (*)

Baovannghe.vn- Bài phát biểu của đồng chí Đào Duy Tùng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng, tại lễ kỷ niệm 45 năm báo Văn nghệ (12-4-1993)
Ngôi nhà giữa rừng xanh

Ngôi nhà giữa rừng xanh

Baovannghe.vn - Căn nhà gỗ của gia đình Hoàng tuy nhỏ nhưng tiện nghi. Các bức tường lót gỗ thơm nhẹ, mái nhà phủ một lớp cỏ xanh mát.
Bản tin Văn nghệ ngày 12/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 12/4/2025

Baovannghe.vn - Tối 11/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi năm 2025 với chủ đề Khám phá Quảng Ngãi - Nơi biển xanh và văn hóa hội tụ.
Tím - Thơ Bùi Thúy

Tím - Thơ Bùi Thúy

Baovannghe.vn- Dưới nụ cười là con sóng cuộn rất sâu/ đêm thả nỗi buồn leo tím ngắt
Tổ chức các hoạt động chuyển đổi số báo chí năm 2025

Tổ chức các hoạt động chuyển đổi số báo chí năm 2025

Baovannghe.vn - Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình vừa ký Quyết định số 968/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức các hoạt động chuyển đổi số báo chí năm 2025.