Vào cuối thập niên 1970, khi Marvel Comics đang đứng bên bờ khủng hoảng vì lạm phát, trễ hạn phát hành và nội bộ thiếu định hướng sau khi Stan Lee rút lui, một người đàn ông cao lớn với quan điểm biên tập sắc bén đã bước vào, tái cấu trúc lại “Ngôi nhà ý tưởng” và thổi luồng sinh khí mới vào ngành công nghiệp vốn đang mỏi mệt. Đó là Jim Shooter, một tác giả truyện tranh từng bắt đầu sự nghiệp từ năm 13 tuổi, và chỉ hơn một thập niên sau đã trở thành tổng biên tập trẻ nhất lịch sử Marvel.
Trong gần 10 năm (1978-1987), Jim Shooter dẫn dắt Marvel bước vào thời kỳ hưng thịnh chưa từng có, đây là thời kỳ chuyển giao từ phát hành qua sạp báo sang mô hình “thị trường truyện tranh chuyên biệt” (direct market): loạt truyện X-Men của Claremont và Byrne, Daredevil của Frank Miller, Thor của Walter Simonson, cùng nhiều tựa truyện huyền thoại khác đều được khai sinh hoặc đạt đỉnh cao dưới nhiệm kỳ của ông. Ông cũng là người khởi xướng các sự kiện truyện tranh lớn đầu tiên như Secret Wars, mô hình sau này trở thành công thức kinh điển của dòng truyện siêu anh hùng.
![]() |
Jim Shooter dẫn dắt Marvel bước vào thời kỳ hưng thịnh chưa từng có. Ảnh:cbr. |
Jim Shooter bước chân vào thế giới truyện tranh khi mới 13 tuổi. Năm 1965, cậu bé đến từ Pittsburgh đã tự tay viết và vẽ một kịch bản truyện dài cho loạt Legion of Super-Heroes (Quân đoàn Siêu anh hùng) - một nhóm siêu nhân tuổi teen của hãng DC Comics - rồi gửi đến biên tập viên Mort Weisinger. Không ai ngờ rằng, cậu thiếu niên ấy không chỉ được nhận bản thảo, mà còn chính thức trở thành tác giả chuyên nghiệp. Câu chuyện của cậu được đăng tải trong tạp chí Adventure Comics số 346 vào năm 1966 và từ đó, cái tên Jim Shooter trở thành huyền thoại.
Shooter đã định hình lại cả một dòng truyện siêu anh hùng cho thanh thiếu niên bằng tư duy sắc sảo và kịch bản nhiều chiều sâu tâm lý. Trong một ngành công nghiệp vốn bị coi là dành cho trẻ em, Shooter đã đặt ra tiêu chuẩn mới: truyện tranh không chỉ để giải trí, mà có thể là một hình thức nghệ thuật kể chuyện nghiêm túc, thậm chí triết lý.
Sau một thời gian làm việc tại DC, Jim Shooter đầu quân cho Marvel năm 1976 trong vai trò trợ lý biên tập. Chỉ hai năm sau, ở tuổi 27, ông được bổ nhiệm làm tổng biên tập, trở thành người trẻ nhất từng nắm giữ vị trí này trong lịch sử Marvel Comics.
Lúc bấy giờ, Marvel - nổi tiếng với các nhân vật như Spider-Man, X-Men, Iron Man, Thor - đang rơi vào hỗn loạn: các tác phẩm trễ hẹn, chất lượng không ổn định, đội ngũ sáng tạo thiếu định hướng. Shooter thiết lập lại toàn bộ hệ thống biên tập, yêu cầu kỷ luật, đưa ra quy định rõ ràng giữa vai trò biên tập viên và tác giả, và quan trọng nhất: yêu cầu tiến độ sản phẩm đúng hạn - điều sống còn trong ngành xuất bản.
![]() |
Thế giới nhân vật của Marvel. |
Dưới thời Shooter (1978–1987), Marvel chứng kiến sự bùng nổ cả về doanh số lẫn sáng tạo. Hàng loạt bộ truyện trở thành tượng đài:
X-Men của Chris Claremont và John Byrne - nơi đặt ra những vấn đề như kỳ thị, bản sắc, dị biệt trong xã hội.
Daredevil của Frank Miller - đen tối, bi kịch và phản anh hùng.
Thor của Walter Simonson - kết hợp thần thoại Bắc Âu với siêu anh hùng.
Iron Man của Bob Layton - tỷ phú siêu anh hùng.
Shooter cũng là người sáng tạo nên sự kiện truyện tranh đầu tiên mang tính "crossover" - Secret Wars (1984), sự kiện crossover đầu tiên có chủ đích thương mại, kết hợp với dòng đồ chơi Marvel của Mattel - nơi hàng chục siêu anh hùng và phản diện được đưa vào cùng một trận chiến - từ đó mở ra truyền thống “sự kiện thường niên” mà các hãng truyện tranh tiếp nối cho đến hôm nay.
Ông cũng tiên phong trong việc phát triển dòng graphic novel, tiểu thuyết truyện tranh dài, khép kín và có chiều sâu văn học, mở đường cho truyện tranh Mỹ bước vào không gian nghệ thuật nghiêm túc.
Không ít nghệ sĩ từng làm việc dưới thời Shooter mô tả ông là người “cứng như thép”. Quy định gắt gao, quan điểm biên tập áp đặt và can thiệp sâu vào nội dung khiến nhiều cây bút rời bỏ Marvel. Nhưng oái ăm nằm ở chỗ: chính sự áp đặt đó lại tạo nên loạt tác phẩm có kỷ luật, độ hoàn chỉnh cao, được xem là đỉnh cao trong lịch sử truyện tranh Mỹ.
Một ví dụ điển hình là cái chết của Phoenix, nhân vật Jean Grey trong loạt X-Men. Dù nhóm sáng tạo phản đối, Shooter vẫn yêu cầu nhân vật này phải chết để chuộc lại lỗi lầm từng hủy diệt một hành tinh. “Không thể để một kẻ sát hại 5 tỷ sinh linh sống tiếp như không có gì xảy ra” ông lập luận.
Từ góc nhìn văn hóa đại chúng, đây là bước ngoặt: truyện tranh siêu anh hùng không còn là trò chơi trắng, đen đơn giản, mà trở thành không gian đặt ra câu hỏi đạo đức, nhân tính và quyền lực.
Marvel Comics: Một trong hai hãng truyện tranh lớn nhất Mỹ (cùng với DC Comics), nổi tiếng với các nhân vật như Spider-Man, X-Men, Iron Man, Captain America… Crossover/Sự kiện chéo: Một kiểu truyện trong đó nhiều nhân vật từ các bộ truyện khác nhau cùng xuất hiện trong một cốt truyện lớn. Graphic novel: Truyện tranh dài, thường có cốt truyện khép kín, được xuất bản dưới dạng sách thay vì tập rời. Đây là định dạng giúp truyện tranh tiến gần đến văn học chính thống. |
Sau khi rời Marvel năm 1987, Jim Shooter thành lập hãng Valiant Comics, nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của cả Marvel lẫn DC trong thập niên 1990 với những nhân vật mới như Bloodshot, Solar, Turok… Ông tiếp tục sáng lập Defiant Comics, Broadway Comics, và đóng vai trò cố vấn ở nhiều hãng khác nhau.
Cho đến cuối đời, Shooter vẫn giữ một blog riêng, viết về lịch sử truyện tranh, lý luận kể chuyện, và thường xuyên gặp gỡ độc giả tại các hội chợ truyện tranh. Những người từng gặp ông đều nhấn mạnh một điều: dù đồng tình hay bất đồng, Shooter luôn là người dốc toàn tâm toàn lực cho truyện tranh như một hình thức nghệ thuật thực thụ.
Với người yêu truyện tranh, Jim Shooter là người đứng sau hậu trường hàng trăm đầu truyện, là bàn tay vô hình kiến tạo “vũ trụ Marvel” mà hàng triệu khán giả biết đến qua điện ảnh hôm nay.
Với người làm nghề, ông là biểu tượng của một thời kỳ “biên tập mang tính triết lý”, nơi một tổng biên tập không chỉ kiểm tra lỗi câu thoại, mà tranh luận về cái chết, sự cứu rỗi và công lý.
“Shooter là Marvel. Là Valiant. Là Defiant. Là người tin rằng một siêu anh hùng không thể giết hàng tỷ người rồi bỏ đi vào hoàng hôn” như nhà biên tập Joe Illidge đã viết.
Jim Shooter ra đi, để lại một di sản không chỉ bằng các nhân vật ông từng sáng tạo hay các tác phẩm ông từng biên tập, mà bằng chính những tranh luận, những thay đổi và nguyên tắc mà ông để lại trong ngành truyện tranh.
Trong một thế giới đang dần coi trọng cái "dễ dãi", Shooter từng buộc các nghệ sĩ phải đối diện với câu hỏi: "Chúng ta làm truyện tranh vì điều gì?" Và chính điều đó làm ông trở nên bất tử.
Hương Trần
Dịch và tổng hợp