TỐ HỮU
Vú em
Nàng gửi con về nương xóm cũ
Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi
Rồi từ hôm ấy ôm con chủ
Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi
Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
Không chăn, không nệm ấm,
không màn
Biết đâu trong những giờ hiu quạnh
Nó gọi tên nàng tiếng đã khan
Rồi từ hôm ấy, dưới đêm sâu
Hồi hộp nàng ra vịn cửa lầu
Nhìn xuống ven trời dày bóng nặng
Tìm nghe trong gió tiếng con đâu
Gió vẫn vô tình lơ đãng bay
Những tàu cau yếu sẽ lung lay
Xạc xào động cánh đau lòng mẹ
Nghe tiếng lòng con vẳng tới đây
Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?
Huế, tháng 5/1938
Lời bình của Hà Huy Hoàng
Có nhiều người cho rằng Tố Hữu may mắn vì ông sớm đi theo cách mạng và làm cách mạng, nếu không có cách mạng thì sẽ không có Tố Hữu… Về đời thơ của ông, có nhiều luồng ý kiến trái chiều: Hoặc người ta im lặng hoặc ghi nhận hoặc khăng khăng phủ nhận. Điều đáng suy ngẫm là “dòng” phủ nhận phát triển tràn lan như nấm mọc sau mưa từ khi ông về hưu và đã đi về bên kia thế giới. Thú thật, tôi không dám phán xét hồ đồ, chỉ biết rằng tự thẳm sâu nhất trong tôi, tôi luôn luôn nghĩ ông là một thi sĩ có chân tài, một nhà thơ lớn.
Tố Hữu viết nhiều, viết khỏe. Thơ ông xuất hiện trên báo chí cả công khai lẫn bí mật từ khá sớm, thuở ông hãy còn là một chàng thiếu niên đương tuổi ăn tuổi lớn, nhưng bao suy tư trăn trở về thời cuộc, nỗi mình nỗi người đã ăm ắp trong ông. Người thi sĩ của mảnh đất sông Hương núi Ngự có rất nhiều bài thơ hay. Nhưng riêng tôi vô cùng ấn tượng và ám ảnh với Hai đứa bé và Vú em của ông. Phải nói ngay rằng đấy là hai bài thơ quá nhân văn và xuất sắc. Đặc biệt là Vú em với thể thơ thất ngôn, năm khổ mười lăm câu trác tuyệt.
Vú em được sáng tác vào năm 1938 - bài thơ viết về thân phận đáng thương của một người phụ nữ nghèo, vì miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình, đã phải cắn răng “bỏ bê” đứa con thơ dại mà mình mang nặng đẻ đau cho chồng, cho mẹ ở quê chăm sóc, khăn gói đi làm vú nuôi cho chủ nhà giàu nơi đô thị, phồn hoa.
Nàng gửi con về nương xóm cũ
Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi
Rồi từ hôm ấy, ôm con chủ
Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi
Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
Không chăn, không nệm ấm, không màn
Biết đâu trong những giờ hiu quạnh
Nó gọi tên nàng tiếng đã khan…
Với hai khổ thơ mở đầu và tiếp nối ở trên, thiết nghĩ nếu một ai đó đọc mà vẫn cảm thấy lòng dửng dưng, hờ hững thì quả đó là điều rất lạ; chứ phần đông chúng ta, nếu không muốn nói là hết thảy chúng ta đều rưng rưng xúc động. Không phải nhà thơ cố tình làm cho chúng ta xúc động, mà đơn giản, tôi tin khi viết những dòng thơ này, đôi mắt của thi nhân đã nhòa đi trong lặng lẽ. Một khi những xúc cảm chân thành được nảy nở từ trái tim của người thi sĩ thì việc lan tỏa, chạm đến bao trái tim là điều không có gì khó hiểu.
Cả ngày lụi hụi, thậm chí lậm cả vào đêm hôm nữa, với “tư cách” là một vú nuôi, người mẹ trẻ nhà quê phải lo tươm tất, chu toàn cho con chủ lẫn công việc nhà, chỉ đến canh khuya khi mọi người đã ngon giấc điệp, người vú em ấy mới có chút thời gian “rảnh rỗi” cho mình, chút thời gian đầy nhức buốt:
Rồi từ hôm ấy dưới đêm sâu
Hồi hộp nàng ra vịn cửa lầu
Nhìn xuống ven trời dày bóng nặng
Tìm nghe trong gió tiếng con đâu..
Từ trong tâm thức, người mẹ trẻ nghe rõ mồn một tiếng con mình khóc lạc giọng trong khuya. Tiếng khóc theo “cách” nhớ mẹ chứ không phải “lối” khóc bình thường. Nhớ mẹ, nhớ hơi ấm của cơ thể mẹ, nhớ bầu sữa nóng của mẹ…
“Hồi hộp nàng ra vịn cửa lầu” - một câu thơ đầy cảm giác xen lẫn bao nỗi đớn đau.
Cảnh vật thường có hồn, có tình khi con người ta buồn hay vui, để cùng nhau mà chia sẻ. Thế nhưng, ở đoạn thơ sau đây ta thấy cảnh vật dường như vô cảm đến lạnh lùng:
Gió vẫn vô tình lơ đãng bay
Những tàu cau yếu sẽ lung lay
Xạc xào động cánh đau lòng mẹ
Nghe tiếng lòng con vẳng tới đây
Mặc cho thiên nhiên, cảnh vật lắm vô tình, nhưng vì quá nhớ thương thiên thần bé bỏng của mình, người mẹ vẫn lắng nghe được những gì từ phương con vọng đến. “Xạc xào động cánh đau lòng mẹ” - phải chăng tiếng trở mình vì giấc ngủ lơ mơ của bé, tiếng quẫy đạp khát khao dòng sữa đã “xạc xào” trong trái tim, trong cõi hồn thẳm sâu của mẹ?
Trong những đêm khuya thanh vắng ấy, không có bất cứ ai nhìn thấy cảnh đau lòng, một “bức tranh” đầy ám gợi với hình ảnh người mẹ trẻ đáng thương và tội nghiệp này dường như đổ sụp. Thế nhưng, vẫn có một người, ấy chính là thi sĩ của Vú em đã thấy:
Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?
Ở khổ thơ cuối cùng của Vú em này, hai câu đầu vẫn thuần túy văn chương, dạt dào cảm xúc. Thế nhưng, hai câu thơ kết đã mang ý thức, sắc màu chính trị; hứa hẹn một điều gì đó hết sức lớn lao đang manh nha, tích tụ và bùng nổ ở người thi sĩ trẻ măng này. Hai câu thơ này chính là điểm mạnh, điều “ghê gớm” nhất của bài thơ đồng thời nó cũng làm cho chúng ta ít nhiều hụt hẫng. Nhưng bình tâm suy nghĩ lại, tôi vẫn thấy Tố Hữu đúng và có lý. Bởi vì ở vào hoàn cảnh cụ thể của ông, tư tưởng của ông, ông không thể viết cái “kết” thật “mùi” như cách các nhà Thơ Mới được. Nói cho chính xác hơn là ông không muốn “trốn đời” để đắm say, thỏa chí cùng nàng thơ, rượu, hoa và thuốc phiện như phần đông các thi sĩ cùng thế hệ. Đơn giản vì ông khác họ về quan điểm, về lý tưởng, về con đường tranh đấu mà ông đã lựa chọn cho mình.
Nguồn Văn nghệ số 26/2023