Một ngày trước khi đăng tải thông tin về cách thức lây lan chủ yếu của bệnh Đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) cũng đã đưa ra cảnh báo hôm 27/8 cho rằng, giọt bắn là cách thức lây truyền bệnh đậu mùa khỉ (mpox) song thấp hơn so với tiếp xúc vật lý, đồng thời khẳng định cần phải nghiên cứu thêm để hiểu cách thức dịch bệnh lây lan.
Sự biến đổi của virus và cách thức virus lan truyền vẫn là “ẩn số”. Ảnh Internet |
Tuy nhiên, trước khi có những nghiên cứu để có thể có những kết luận chính thức về căn bệnh chết người nói trên, WHO khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, những người tiếp xúc gần và nhân viên y tế điều trị cho họ cần đeo khẩu trang.
Các nhà khoa học từ Mỹ, châu Âu và châu Phi cho rằng sự biến đổi của virus, mức độ nghiêm trọng và cách thức virus lan truyền vẫn là “ẩn số,” do đó làm cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Vì vậy, giới nghiên cứu kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế cũng như khu vực cần khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, lập kế hoạch ứng phó, bao gồm các chiến lược tiêm chủng, nếu không, nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh sẽ gặp không ít khó khăn |
Sự lây lan nhanh chóng và khoảng trống vac xin đặc trị Đậu mùa khỉ đã và đang khiến các quốc gia Châu Phi phải vật lộn với căn bệnh nguy hiểm không kém gì đại dịch Covid trước đây. Việc có quá ít các dữ liệu để có thể nghiên cứu bào chế vaccine và những biến thể nhanh chóng của Đậu mùa khỉ, khiến cho căn bệnh nguy hiểm này đe dọa tính mạng người dân toàn cầu. Ngày 14/8, WHO đã tuyên bố bệnh Đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca mắc biến thể 1b (dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn) tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.
Ngày 26/8/2024 WHO cũng đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên “Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược” nhằm ngăn chặn bệnh Đậu mùa khỉ (mpox) lây từ người sang người. Kế hoạch dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, đòi hỏi kinh phí 135 triệu USD. WHO cho rằng, bằng cách phối hợp các nỗ lực toàn cầu, khu vực và quốc gia, kế hoạch nhằm tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vaccine phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng./. |
WHO cho biết, biến thể 1b hiện gây tử vong ở khoảng 3,6% tổng số ca mắc |
Dấu hiệu nhận biết người bị mắc bệnh Đậu mùa khỉ thường giống với mắc bệnh cúm, nên bện nhân thường chủ quan và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Do đó, chỉ đến khi các vết loét có mủ xuất hiện, người bệnh mới đến các cơ sở y tế. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ em, thai phụ và người có hệ miễn dịch yếu, như người có HIV. Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo, người có những dấu hiệu nhận biết nói trên cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, nhất là những người có tiếp xúc với bệnh nhân mắc Đậu mùa khỉ, có thời gian làm việc, đi qua vùng dịch nên khai báo dịch tễ và tự lên kế hoạch theo dõi sức khỏe bản thân, có những cách phòng bệnh cần thiết cho người xung quanh trong một thời gian nhất định.
Trước những diễn biến phức tập của bệnh Đậu mùa khỉ, Bộ Y tế Việt Nam cũng khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần tự giác, tuân thủ các yêu cầu trong phòng, chống dịch đã được Bộ đưa ra nhằm bảo vệ tính mạng của bản thân và cộng đồng. Hiện, Thụy Điển là quốc gia ngoài châu Phi đầu tiên đã ghi nhận người mắc biến thể 1b.
Theo số liệu của WHO, biến thể 1b hiện gây tử vong ở khoảng 3,6% tổng số ca mắc.
Anh Thư | Báo Văn Nghệ
---------
Bài viết cùng chuyên mục: