Tuy gần trung tâm tỉnh lỵ nhưng lại là một xóm lao động nghèo, người ở đây ít học, họ làm thuê đủ các thứ nghề của cơ bắp. Ai có vốn kha khá thì chạy xe Honda ôm, xe lôi, vốn ít hoặc không có vốn thì buôn gánh bánh bưng, bốc vác thuê cho các bến bãi, đa phần bà con ở đây đi thu mua ve chai đồ phế thải, đồ cũ đổi đồ mới...
Tuy nghèo, ít học nhưng mọi người sống với nhau rất hoà bình, ít khi có chuyện to tiếng với nhau, trộm cắp cũng hiếm. Các vụ trộm gà vịt lâu lâu xảy ra một lần thường là người ở xứ khác, địa bàn khác đến. Và khi có trộm thì cả xóm cùng vây bắt, chính vì thế mà ít có tên trộm nào dám liều mạng. Cái cốt lõi cho sự hoà bình ở cái xóm nghèo này là vì kế sinh nhai, ban ngày họ phải lao động cật lực, vắng nhà suốt đêm, họ về với tấm thân mệt là chỉ mong được tắm rửa, cơm nước rồi ngả lưng là họ ngủ thiếp đi trong êm đềm để lợi sức cho ngày sau.
Gia đình tôi, hai vợ chồng đều là công chức ăn lương Nhà nước nên luôn được mọi người ở đây dành cho cặp mắt kính trọng, song vẫn có một khoảng cách... Tôi tìm cách lân la trò chuyện để mong được gần gũi với họ hơn. Cha ông ta có câu: "Bán bà con xa mua láng giềng gần" mà. Tranh thủ những ngày nghỉ, tôi ra quán cafe đầu đường, đây là nơi tập kết của những người lao động trước và sau giờ đi làm, tôi ngồi lẫn với họ. Ban đầu họ có vẻ e dè, nhưng dần dà giữa tôi với họ như không còn như trước. Thêm nữa, cũng ở đầu đường này có tiệm hớt tóc bình dân của ông Tám già. Với mái lá đơn sơ, cái ghế đay cũ kỹ để khách ngồi hớt, ba tấm ván cổng đặt trên mấy trụ tre để khách ngồi chờ, thế mà lúc nào đi qua cũng thấy có khách. Bởi ông Tám già rất hiền, ông hớt tóc không kiểu cọ nhưng rất đều và đẹp, giá cả bình dân, không tiền ông cũng vui vẻ hớt, bao giờ trả cũng được. Những hôm rỗi việc mọi người tập trung ngồi đây tán rẩu, vì nói chuyện với ông Tám rất thú. Ông nói chuyện nhẹ nhàng, nhưng luôn có những ý kiến, những nhận xét thấu tình đạt lý, ở ông có nhiều điều mà lớp trẻ như tôi cần phải học. Cứ ba, bốn tuần tôi lại ghé "thăm" ông Tám và cái tiệm ọp ẹp của ông một lần để nhờ tu lại mái tóc vốn không đẹp của tôi... Hôm nay, có sáu bảy người, tôi vừa tới cửa thì ông Tám đã xởi lởi:
- Vô đây, hôm nay tới cữ rồi phải hôn thầy? Mấy người này ngồi chơi thôi...
Tôi bước vào chào mọi người. Sau khi ông Tám khoác lên vai tôi tấm vải choàng trắng không còn mới nữa nhưng rất sạch sẽ, ông tiếp câu chuyện đang dở dang:
- Hồi này chúng tôi nói về thằng Long, từ nhỏ cho đến trước khi đi Mỹ nó sống ở xóm mình, với bà ngoại nó. Nó lai, cha Mỹ đen. Sau, nó được đi xuất cảnh theo diện con lai, mới điện báo là tuần sau nó sẽ về thăm quê.
- Thì ra vậy! - Tôi không ngạc nhiên vì nghĩ đây cũng là “chuyện thường ngày ở huyện".
Ông Tám nói tiếp:
- Thằng nhỏ sống ở đây có tình có nghĩa lắm thầy à. Ai có chuyện gì nặng nhọc nó đều giúp, ai khó khăn nó đều chia sẻ. Tính tình thì hiền hoà, lúc nào cũng chỉ biết cười, không hề than khổ. Chỉ tội, có nước da đen nhẻm, và mái tóc hun mà suốt ngày phơi trần với nắng gió, sương đêm nên sợi nào sợi nấy cứng như rễ tre. Mỗi lần nó đến đây hớt tóc tôi phải mài lại cái tong-do. Song vẫn muốn hớt cho nó, vì nó dễ mến lắm. Làm thuê làm mướn thì có trăm bảy đường, phải thì làm, không thì thôi. Tôi hớt tóc cũng thế, người nhân nghĩa thì muốn hớt hoài, kẻ lỗ mãng kiêu căng thì cho vàng tôi cũng không ham, có hớt thì cũng bất đắc dĩ bởi do nghề nghiệp thôi. Thằng Long trước khi đi, đến từng nhà để chào mọi người, ai dặn gì nó cũng cười, còn hứa quà cáp thì chỉ mấy món rẻ tiền như tôi nói lúc nãy. Trước ngày lên máy bay nó cũng đến đây chào tôi, và tôi hớt tóc cho nó. Nó hứa, khi nào có tiền sẽ về thăm quê và sẽ mua cho tôi bộ đồ hớt tóc mới. Tôi hỏi, nó có nôn nao trước khi đi không? Nó bảo buồn thì có, vì nó không muốn đi chút nào hết, ở đây từ nhỏ đến giờ quen rồi, chỉ làm thuê làm mướn nhưng được bà con thương yêu, còn sang xứ người chữ nghĩa không có, không bà con dòng họ với ai, khó sống lắm, nhưng vì nó buồn nên phải đi... Thầy thấy cái nhà to bên kia đường gần quán cafe không? - Ông Tám với tay chỉ nhà bà Sáu lò heo giàu có - Nhà đó đó, có cô con gái thứ Tư cũng được thôi chứ không đẹp lắm, nó lại thương cổ chứ. Để trong lòng thôi, có bao giờ dám nói, con trai 19, 20 tuổi mà, ai chẳng vậy. Chuyện không biết thế nào mà lại đến tai bà Sáu và gia đình, thế là chỉ cần thấy cái bóng thằng Long là cả nhà kéo ra chửi mắng. Tội cho thằng nhỏ chẳng nói chẳng rằng chỉ buồn buồn. Những lần sau đi ngang nhà bà Sáu, nó lấm la lấm lét như mèo ăn vụng. Vậy thôi sao, nghe nói mấy tháng trước gia đình bà Sáu gởi thư qua bên ấy kêu thằng Long về để gả cô Tư, mà thằng Long không hồi âm, thế mà cả nhà vẫn khoe với xóm làng rằng thằng Long là con rể. Mấy hôm nay bà Sáu chuẩn bị đón thằng Long... Sự đời khó hiểu thật... Cái nhà lầu hai tầng cách nhà thầy một quãng đó là nhà con Én, nó làm gái ngoài tỉnh, xấu hổ quá nên bà già nó đuổi đi, lên Sài Gòn làm gái tiếp, sau đó cặp bồ với thằng Tây nào đó, nó bảo lãnh qua bển rồi cũng làm gái, gởi tiền về xây nhà. Tết năm ngoái con Én về, cha... ngày trước dốt đặc bây giờ về nước nói toàn tiếng Tây, không biết trúng hôn, chứ ở xóm mình có ai biết ất giáp gì đâu, cứ xì xồ cho là tiếng Tây. Hôm nó về tổ chức đình đám ghê lắm, không mời cụ thể người nào nhưng hễ ai bước vào ngõ thì được nhận bao thư, bên trong có 100 ngàn đồng và được ăn nữa...
- Sướng quá vậy ông Tám? - Tôi ngạc nhiên ngắt lời ông Tám.
- Vậy đó, cái xóm này nghèo nhưng với đồng tiền nhục nhã và khinh khi đó thì chẳng ma nào thèm. Đó là dân xóm mình, còn hôm đó ngựa xe như nước vậy. Toàn dân hạng sang, xe con, xe Dream, xe phân khối lớn,... ầm ĩ. Trong đó có cả mấy ông có chức vị nữa chứ. Sau khi dự tiệc, nhận tiền, về ngang, ra đây chờ đợi nhau tôi thấy họ hỉ hả lắm. Không thấy ai của cái xóm này đến dự, con Én chửi rủa om xòm, và còn bảo dân xóm này ngu dốt nên mới thế. Nó chửi cho đã, chẳng ai hơi đâu mà cự cãi với những kẻ chỉ xem nặng đồng tiền không biết chi là nhân phẩm.
Bẵng đi một thời gian, sắp đến tết, tôi tranh thủ ra ông Tám cắt lại mái tóc để chuẩn bị ăn tết. Mới vừa ngồi xuống, ông Tám đã vui vẻ mở cái hộp nhựa màu đỏ mới toanh, bên trong là nguyên bộ đồ nghề hớt tóc sáng loáng.
- Chờ thầy mấy ngày nay, hớt cho thầy để khai trương bộ đồ nghề.
- Mới mua hả ông Tám? – Tôi hỏi:
- Đâu có - ông tỏ thái độ ngạc nhiên như không vừa lòng - Thằng Long biếu tôi đấy chứ. Nó về hôm tuần trước, bộ thầy không hay sao?
Tôi "à" khi nhớ lại chuyện anh Long và cảm thấy xấu hổ với ông Tám. Vô tình thật, thời gian qua do bận nhiều công việc, nên lúc nào cũng đi sớm về trễ đâu hay biết gì, tệ hại nhất là câu chuyện hôm trước ông Tám kể mà tôi lại quên khuấy đi mất.
- Tội nghiệp thằng nhỏ, ở Tây mấy năm về mà y như ngày nào nó ở đây, tính tình vẫn thế, không quên quà cáp cho mọi người, tuy những món rẻ tiền, đơn sơ nhưng chứa đựng cả tấm lòng. Về hôm trước hôm sau lại cùng anh em ra bến cảng khuân vác, để chiều hùn tiền... lai rai...
- Bên ấy anh Long làm ăn như thế nào hả ông Tám?
- Thằng Long nói chuyện về bên ấy hoàn toàn không giống với những người khác, bên ấy cũng chẳng phải thiên đường hay đất thánh gì đâu. Qua bên đó để sống được nó cũng phải nai lưng ra làm thuê. Mới qua, chân ướt chân ráo, không chữ nghĩa, không nghề ngỗng thì làm gì được đây. Nó làm đủ các thứ nghề mà người ta chê, cũng nhờ thế mà thu nhập kha khá, mới có đủ tiền về nước, chứ còn chịu ăn xài thì không đủ. Còn quà cáp thì chủ yếu là khi về Việt Nam nó mới mua, vừa rẻ vừa tốt vừa phù hợp với thị hiếu dân mình.
Cái thằng cũng ngộ, cả nhà bà Tư, người ta đón mừng nó, nó cũng chỉ gật đầu cười rồi thôi, không ghé nhà, làm công lao gần một tháng chuẩn bị đón nó... công cốc. Tôi hỏi nó chuyện làm rể nhà bà Tư, nó nói: "Lòng dạ con người hiểm sâu, họ chẳng yêu thương gì một thằng Mỹ đen lai như cháu, nhưng chỉ thích cái mác Việt kiều, và chắc họ nghĩ rằng sang bên kia hốt bạc nên họ mới làm vậy, chứ đời nào ông Tám ơi!". Thằng nhỏ ít học mà nói chuyện tôi chịu hết sức. Trước khi đi nó đến hớt tóc và chào tôi. Tóc nó vẫn y như ngày nào hun hun như rễ tre... Tôi bảo nó ở ăn tết xong hãy đi, nó nói phải đi vì đã hết hạn và công việc không cho phép nó nghỉ lâu.
Câu chuyện thật sự đã làm tôi phải suy nghĩ nhiều về con người và cuộc sống ở xóm tôi. Chắc chắn là tết năm nay ông Tám già sẽ vui lắm và cả cái xóm nghèo này nữa...
Vĩnh Long, ngày 09 tháng 12 năm 1997.
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |