Một chiếc xe bảy chỗ sang trọng chạy ào tới, đậu trước tiền sảnh khách sạn. Tiếp tân báo có người đến đón tôi theo lịch hẹn. Tôi chẳng có hẹn ai hôm nay, bước ra đã thấy Tim đang đứng bên chiếc Maybach đen bóng cười cầu tài:
“Phải đường đột thế này mới bắt được ông. Thằng Ngọ nhờ tôi hộ tống ông đến thăm đại bản doanh của nó. Mấy khi ông có mặt ở “Россия day dứt”1!”
Thấy tôi lưỡng lự, Tim bồi thêm:
“Thôi! Thì đến một lần cho nó vui. Dù sao cũng từng học với nhau một lớp!”
![]() |
Minh họa Đỗ Dũng |
*
Đúng là tôi, Tim và Ngọ từng học một lớp.
Tôi có chơi với Tim, chẳng bạn bè thân thiết gì với Ngọ hồi đi học.
Nó học dốt như bò, dốt đau dốt đớn, dốt đến nỗi bạn bè cho nó xem bài, trên tờ giấy nháp ghi câu “coi tiếp lời giải ở mặt sau”, nó cũng ghi vào bài thi y chang vậy. Dốt thì nhiều đứa dốt, vẫn chơi được. Nhưng thằng Ngọ là đứa mất dạy, ngay từ hồi đi học nó đã có thói côn đồ, lừa đảo... Nó từng bị kỉ luật khi còn học lớp bảy, vì trèo lên mái nhà vệ sinh nữ, dỡ ngói, nhìn trộm mấy bạn gái. Hè năm lớp 8, nó gọi một nhóm bạn đi dọn kho hàng cho công ty lương thực (chỗ bác nó làm trưởng phòng kế hoạch). Cả nhóm làm quần quật gần tháng, cuối cùng chỉ được nó đãi mấy ly chè, mấy đĩa cơm trưa, còn tiền công nó không thanh toán. Hỏi, nó bảo đang chờ thanh toán, đang chờ… Chờ miết cho đến khi ra trường. Đám bạn biết bị nó lừa, quỵt tiền, nhưng chẳng hơi đâu làm to chuyện.
Thi tốt nghiệp trung học, nó ngồi bên cạnh tôi vì cùng chữ cái “N”. Tôi cho nó chép bài thoải mái. Nó đậu luôn loại khá, đi khoe ầm khắp trường: Tao không học thì thôi nhé, tao mà học có kém đứa nào đâu. Tôi cho nó chép bài không phải vì thương gì nó, phần không muốn nó ngồi sau cứ giật giật áo mình trong giờ thi, phần muốn nó tốt nghiệp ra trường quách đi để khỏi khổ lứa đàn em… nếu nó lưu ban.
Nhưng, thằng Ngọ hình như cảm thấy mắc nợ tôi về vụ cóp bài thi, nó luôn tìm cách để trả. Nhưng tôi không cho nó cơ hội nào để thực hiện và trong thâm tâm tôi không muốn dây dưa gì với nó.
*
Tốt nghiệp phổ thông, nó chạy một chân đi xuất khẩu lao động ở Ukraine. Hết hạn, nó trốn ở lại, rồi từ Ukraine, nó chui được qua Nga… Khi chúng tôi họp mặt lớp kỉ niệm 20 năm, nó xuất hiện như một đại gia: đến bằng một chiếc Rolls-Royce mạ vàng, có tài xế riêng, thêm một bảo vệ to như trâu mộng. Nó ăn diện kiểu tài tử điện ảnh: tóc xịt keo, đeo kính mát, mặc comple, thắt cavat. Trong khi tôi lùi xùi áo sơ mi nhăn không ủi, quần bò… Nó liên hệ với cái Hoa lớp trưởng, thông báo sẽ bao luôn cả lớp chi phí cho cuộc gặp mặt không cần kêu gọi bạn bè đóng góp. Trong bữa tiệc, một đứa bạn khen cái đồng hồ nó đeo trên tay đẹp, nó cởi ra cho luôn… Nghe nói cái đồng hồ ấy giá trị mấy chục ngàn đô.
Tôi tránh nó, ngồi một bàn cách xa đấy, vẫn mấy lần nghe nó nổ: Cuối cùng, có lẽ, tao là đứa thành công nhất lớp nhỉ? Giàu nhất lớp này nhỉ? Cái đứa bị chê học dốt nhất lại nên sự nghiệp nhỉ!… Hắn khoe đế chế sản xuất quần áo may sẵn của hắn ở Mikhaylovka, có cả ngàn công nhân. Cái xưởng may như cây ATM, ngày ngày nhả ra tiền, nó sống cả đời không hết. Đặc biệt, mấy năm ở Nga nó đã học một lèo, lấy luôn bằng tiến sĩ kinh tế…
Tan tiệc, hắn mời tôi lên xe cùng đi uống tiếp ở quán bar, tôi lấy cớ có việc phải làm buổi tối nên ra về.
Hôm sau, tỉnh dậy, đã thấy hắn đậu xe trước cửa mời bằng được tôi đi ăn sáng.
“Khi nào mày qua đế chế tao chơi nhé. Tao sẽ đón tiếp mày như một ông vua. Mày đừng bận tâm chuyện tiền bạc: tao bao mày tất, bao vé máy bay, khách sạn, mọi chi phí đi lại bên đó. Chỉ cần mày báo ngày đi, ngày về, là tao đặt vé…”
Cái câu đó, tối qua ở quán bar, nó đều nói với bạn bè trong lớp như thế. Tôi không đi. Có mấy đứa bạn trong lớp đã đi đến Mikhaylovka. Đứa nào về cũng khen, cũng phục nó sát đất, và đều lè lưỡi khi mô tả về độ giàu, độ sang của nó. Mikhaylovka không chỉ là xưởng may, đấy là một vương quốc, một đế chế…
*
Sau đó, nhiều lần, Ngọ gọi điện nhắc tôi về chuyến đi du lịch qua Nga. Nó bảo tôi chọn ngày để đặt vé. “Mày ghé qua Mikhaylovka nhậu với tao một bữa, rồi muốn đi đâu ở Nga tao bố trí. Mày vui chơi cả tháng cũng được!” Nó nhắn. Tôi lấy cớ bận việc, lo chăm con nhỏ, từ chối. Thực ra, năm nào, tôi cũng ghé qua Nga, không Moskva, Saint Petersburg thì cũng Rostov, Kazan… Muốn thăm Mikhaylovka quá dễ, nhất là những dịp đến Moskva, chỉ cần mượn xe đồng nghiệp, chạy tiếng đồng hồ là tới, nhưng gặp Ngọ thì tôi không muốn. Tôi vốn rất quý bạn học, cũng là người sống giàu tình cảm. Nhưng, trong lòng không hiểu sao cứ thấy ngại ngại khi gặp lại những đứa như Ngọ.
Qua bạn bè, biết tôi hay qua Nga, Ngọ giận lắm, nó bắn tin với bạn bè: Cái thằng Nguyên có ít chữ rồi vênh váo. Chữ thì nó cũng kém gì đâu: Thằng Nguyên có cái bằng tiến sĩ, nó cũng tiến sĩ đấy nhá. Thằng Nguyên chỉ hơn nó cái hàm “Gà sống thiến sót”2. Nó không theo nghề dạy học thôi, theo thì nó bây giờ cũng là “Gà sống thiến sót” chứ kém gì! Rồi nó chửi: “Thằng đó chỉ được cái màu mè trí thức, chứ đói lắm, đói rã họng, gần 50 mẹ nó rồi, vẫn ở nhà thuê, vẫn phải cắp cặp qua nước này nước khác bán nước bọt nhận mấy ngàn đô, quá khổ. Chỉ sĩ diện hão, ghé nó, nó cho mấy chục ngàn khỏi phải đi bán nước bọt cho khỏe…”
Nó huênh hoang vậy! Có lúc tỏ ra hào phóng tháo cả cái đồng hồ mấy chục ngàn đô cho đứa bạn nhẹ như lông hồng. Nhưng cũng có việc thì nó hành xử rất lạ. Một đứa bạn gái bị bệnh điều trị gần chục năm, khánh kiệt, không còn tiền mua thuốc, cái Hằng lớp trưởng kêu gọi bạn bè giúp, nó không gửi một đồng. Nó hỏi Hằng số điện thoại của đứa bạn. Trong lớp, đứa nào cũng nghĩ nó liên hệ để trực tiếp giúp một khoản tiền lớn. Nhưng, nó gọi điện cho cái Tuyên hỏi địa chỉ rồi gửi qua bưu điện cho Tuyên một gói quà. Hồi hộp mở ra, đấy là một cuốn sách, sách: Hướng dẫn chế độ ăn kiêng cho người bị bệnh K…
Lần này, nghe tôi lại qua Moskva, nó cho người canh, nhờ bạn bè canh.
Nay, thì tôi không thoát.
*
Tôi đành lên chiếc Maybach, ngồi bên cạnh Tim ở ghế sau. Tim với tay lấy chai Macallan định mở. Nhưng, tôi xua tay, xin nó một chai nước suối. Nhìn lại sau xe chất đầy rượu, đủ loại, thứ đắt tiền. Một đứa chuyên uống nước lọc, nước suối như tôi cũng nhận ra mấy thương hiệu quen vì đôi khi thấy: Johnnie Walker, Chivas, Macallan, Hennessy, Remy Martin…
Tim vẫn mở chai rượu Macallan 25 uống một mình, nhấp từng ngụm điệu nghệ, lấy làm tiếc vì có một thằng bạn không biết gì về rượu, thật phí! Xe đang trên đường ra ngoại ô. Những con đường có nhiều bạch dương, trụi lá, phủ đầy tuyết, mùa này rất đẹp. Ngoài cửa sổ xe, nhìn ra xa là cánh đồng phủ tuyết trắng. Buổi sáng mùa đông thanh bình, gợi lên trong tôi âm hưởng của những bài thơ của Puskin, Lecmontop, Esenin… về nông thôn nước Nga và tâm trạng ấy làm cho tôi cảm thấy buồn trĩu.
Đế chế may mặc của Ngọ nằm trong một khu đất ngoại ô rất rộng, bốn bề được bao bởi hàng rào cao hơn hai mét, có hàng rào kẽm gai, chăng lưới điện. Cái cổng vào như cổng thành được canh gác bởi hơn chục bảo vệ người Nga cao lớn, mặc capot màu sẫm, bồng súng, trông như đang đứng canh lối vào một doanh trại quân đội.
Chiếc Maybach chạy tiếp qua vào con đường nội bộ, gần 500 mét, mới đến văn phòng chính của xưởng may, xe dừng lại đã có hai bảo vệ ăn mặc như lính ngự lâm pháo thủ bước đến mở cửa đón tôi. Vừa rời xe mấy bước, tôi giật thót mình bởi dàn kèn đồng rống khúc quân hành ngỡ như đang đón tiếp một nguyên thủ quốc gia vậy. Khi đấy, Ngọ trong bộ com lê màu xám bước ra… nghênh đón. “Mẹ! Cứ như đang vào điện Kremlin!” Tim đi sau làu bàu!
Một chiếc xe điện nhỏ trờ tới, Ngọ mời tôi lên xe. Tim cũng bước lên ghế sau:
“Đi tham quan một vòng đế chế của tao cho biết!” Tôi không biết nó có bao nhiêu xưởng may rộng mênh mông như sân bóng. Bàn máy máy xếp hàng đều tăm tắp, dài cả trăm mét. Thợ cắm cúi trên bàn may gần như không ngước lên nhìn khi xe điện lướt qua. Một số ngã tư đường nội bộ thấy dựng pano lớn ảnh thằng Ngọ, và không thiếu tượng bán thân của nó. Nghe nói riêng vụ tượng hắn tốn cả trăm ngàn Eur rước một nghệ sĩ điêu khắc trong nước qua… Hết xưởng may, chiếc xe điện chạy vào phòng truyền thống, trên tường phóng to ảnh Ngọ tiếp các quan chức Nga, quan chức Việt Nam đến thăm xưởng. Không thiếu ảnh nó lên bục nhận huân, huy chương, các bằng khen, giấy chứng nhận chất lượng… Bất ngờ, nó ra hiệu cho xe chạy chậm lại và chỉ lên tường: có rất nhiều ảnh bạn bè đến thăm Mikhaylovka được hắn chưng ảnh trên đấy, cả ảnh gặp mặt dịp kỉ niệm 20 năm…
Chiếc xe dừng lại trước văn phòng, Ngọ dẫn tôi bước vào cổng một hội trường ở đấy có hơn chục người đã chờ sẵn. Sau một màn giới thiệu: Tổng Giám đốc công ty, giám đốc khối, giám đốc nhà máy, giám đốc kỹ thuật, giám đốc tài chính… Ngọ kéo tôi lên sân khấu:
“Xin giới thiệu anh em tổng công ty, đây là giáo sư vật lí Trần Nguyên, một Lev Landau, một Marie Curie mới của thế giới. Hôm nay, nhân qua Moskva dự hội nghị về vật lí toàn cầu đã đến thăm chúng ta. Tôi với giáo sư Nguyên vốn là bạn học phổ thông, ngày trước luôn bên nhau trong các kỳ thi học sinh giỏi…”
Hắn huyên thuyên khoảng 15 phút. Hắn cho tôi lên mây và tôi thấy ngượng cho mớ mỹ từ sáo rỗng hắn tuôn ra như nước, ngượng cho cả thau hồ hắn đắp lên mặt tôi. Cũng là 15 phút hắn xác nhận tiến sĩ kinh tế Ngọ, chủ tịch đế chế may Mikhaylovka thời đi học cũng không kém ai, một tài năng ngay từ khi còn mài đít trên ghế phổ thông, luôn có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Sau đó, là màn chụp ảnh chung giữa giáo sư Nguyên với lãnh đạo công ty. Tôi biết, ít hôm nữa, những bức ảnh này sẽ được phóng to treo ở phòng truyền thống.
Trong lúc, mọi người đang xúm nhau chụp hình, có một cô gái trẻ, xinh đẹp bất ngờ đi vào. Khi bước qua tôi, cô gái đã vô tình đạp lên chân tôi. Cô gái lí nhí xin lỗi, băng qua tôi, tìm một vị giám đốc đưa mấy tờ giấy rồi đi ra. Khi đó, tôi có chút băn khoăn, hình như cô gái trẻ có nét gì đó quen quen…
Ngọ giam tôi và Tim trong phòng làm việc của nó hơn một giờ đồng hồ với một đống câu chuyện tầm phào mà chủ yếu là nó nói. Rồi đưa tôi đi ăn trưa. Một bữa ăn thừa mứa món…
Kết thúc, đã ngà ngà say, nó tuyên bố sẽ dẫn tôi và Tim về Moskva đạp phá một trận đến sáng để kỉ niệm cho lần gặp mặt đặc biệt ở xứ trời Âu. “Đập phá suốt đêm nay nhé!” Ngọ tuyên bố trong tiếng phụ họa của Tim, nhưng tôi kiên quyết ra về vì buổi tối phải gặp một vị giáo sư từ Ý mới qua. Ngọ sững lại khó chịu: “Ông chơi không đẹp với bạn bè!” Cuối cùng, không níu kéo được, nó gọi tài xế chở tôi về khách sạn.
*
Moskva mùa đông quá lạnh. Qua 12h đêm tôi mới chìm được vào giấc ngủ sau khi bật hết công suất lò sưởi. Đang ngủ ngon thì cái Iphone để trên mặt bàn kính nhảy đành đạch. Một tin nhắn đặc biệt từ Quân, bạn thân hồi học ở Đức, giờ là ông chủ shop quần áo ở chợ Đồng Xuân - Berlin. Hắn đang bay qua Moskva, hẹn gặp tôi, ở đâu đấy cũng được, gần sân bay, vào giờ nó hạ cánh, để trao đổi một việc rất cần.
“Mày nhớ cài đặt vào máy để nó nhắc: Đúng 6h sáng gặp tao ở đấy. Việc quan trọng! Nhớ cài đặt vào máy!”
Ít phút sau, điện thoại lại rung: “Mày cài cuộc hẹn chưa? Xin lỗi tao phải nhắc lại vì lạ gì tính mày: hay quên. Nhưng việc này mày không được quên!”
Không biết việc gì mà Quân khẩn thiết vậy. Tôi lui mọi công việc lại, hẹn gặp Quân ở tiệm cà phê gần sân bay.
“Hôm qua, đúng mày qua chơi ở xưởng may bên Mikhaylovka phải không?” Quân hỏi tôi ngay khi bước vào ngồi xuống.
“Đúng. Tao ghé thăm đứa bạn!”
“Ngọ, chủ xưởng là bạn mày!”
“Bạn mà không phải bạn. Nó học với tao hồi phổ thông. Nó cho xe đến khách sạn đón!”
“Mày biết gì về chuyện làm ăn của nó không? Mày biết gì về cái xưởng may Mikhaylovka không?”
“Không!”
“Tao cũng nghĩ vậy! Hôm qua, có một con bé dẫm lên chân mày?”
“Sao mày biết?”
“Con bé đó là em họ tao. Nó con chú ruột tao. Nó gọi cho tao vào đêm qua, nên tao mới bay qua đây. Mày không nhớ lần đến nhà tao chơi ở Thung Kếp nữa à? Nó là đầu bếp. Mày rất thích món cá suối nó nấu?”
“Ô! Minh Nhiên ư! Trách gì thấy quen quen. Tao tính hỏi mà ngại nên thôi.”
“May, mày đã không hỏi.”
Sao tôi có thể vô tâm vậy? Sao tôi có thể quên Thung Kếp và lần theo Quân về đấy khi 28 tuổi. Tôi khi đó còn độc thân, vừa lấy xong bằng tiến sĩ chưa biết nên về nước hay ở lại bên Đức, đang phân vân giữa bao ngã rẽ… Trong đám bạn gái của vợ Quân và họ hàng Quân tôi chú ý đến Minh Nhiên khi đó đang học năm cuối phổ thông. Con bé dong dỏng cao, da trắng, và có đôi mắt đen nhìn ai thì như hút hồn người đó. Minh Nhiên khéo tay và nấu ăn rất ngon. Vợ của Quân thì vụng về chuyện bếp núc nên các món đãi khách đều do Nhiên nấu.
Không biết Quân có ý đồ gì không: một hôm đưa cho tôi cái lưới chụp rồi bảo: “Mày vào suối bắt ít cá cho bữa trưa nhé.” Khi tôi ngơ ngơ, thì nó gọi: “Này, cái Nhiên, dẫn ông cày đường nhựa này vào suối bắt cá coi.”
Đó là một buổi sáng tuyệt vời, một buổi sáng thật vui, buổi sáng duy nhất tôi đi đánh cá bằng lưới chụp trong đời mình. Nhiên xách cái giỏ, tung tăng bên tôi, cười vui nhí nhảnh.
Nếu không có cái tin nhắc bất ngờ: Về ngay, bay qua Đức, giáo sư Thomas đã nhận con làm phụ giảng… thì tôi còn ở lại Thung Kếp đến hết tháng. Và, biết đâu, tôi đã yêu Nhiên…
Thật tệ! Tại sao tôi không nhận ra Nhiên…
*
“Xưởng may Mikhaylovka. Không phải là xưởng may đó là một nhà tù. Thằng bạn mày là một thằng khốn nạn, giám đốc một trại tù!”
Đứa em con chú Quân tốt nghiệp trường kinh tế nhưng mãi không tìm được việc. Nó giống như đám thanh niên trẻ bây giờ đều mơ đi ra nước ngoài tìm việc. Nhiều lần, nó hỏi Quân để đi sang Đức, Quân đều khuyên gắng kiếm công việc trong nước. Không ngờ ma đưa lối, quỷ dẫn đường nó theo cái nẻo đoạn trường nhập lậu do bọn Ngọ tổ chức qua Nga bằng visa du lịch, đến làm cho xưởng may Mikhaylovka với lời hứa hẹn lương cao, ít năm sẽ được nhập tịch. Đến Nga, bị thu hết hộ chiếu, dồn vào ở trong kí túc xá là những thùng container cũ chồng lên nhau hết sức chật chội. Thiếu nước sạch, mỗi tuần chúng chỉ cho tắm một lần. Mấy chục người dùng chung một phòng vệ sinh…
Vì Nhiên học tài chính ra, nên Ngọ cho vào phòng kế toán, phụ tính sổ sách. Làm việc hơn 12 giờ/ngày, hai tháng đầu chưa nhận được lương, hết sạch tiền ăn. Nó hỏi vay tiền một anh lớn tuổi ở văn phòng, thì anh ta chỉ ra mấy chồng áo sơ mi, giày, túi xách đặt dọc lối đi vào xưởng, bảo: “Mang ít sản phẩm về kí túc xá sẽ có người đến mua. Sẽ có tiền ăn.” Hỏi mấy người khác trong công ty, đều nhận được lời khuyên như vậy. Quan sát, thấy nhân viên, công nhân xưởng nhặt đồ cho vào túi bê đi không thấy bảo vệ, quản lí nói gì. Rụt rè hỏi một công nhân đang dồn mấy cái giày thể thao vào túi: “Lấy được à?” Trả lời: “Mấy món này, ở đây, ai thích thì cứ lấy!” Đã nhịn ăn hai ngày, đang đói, con bé bèn cầm hai cái áo sơ mi về. Tối đến đúng có người qua phòng kí túc xá gặp nó hỏi mua, giá bằng một phần giá của xưởng bán cho các đối tác. Con bé sống nhờ hai cái áo sơ mi khoảng nửa tuần thì được phát lương. Tiền lương chỉ bằng 1/3 mức lương được hứa hẹn trước đấy. Hỏi bên nhân sự thì bảo: ở đây, lương ai cũng vậy, tranh cãi một hồi, họ bảo nếu chủ tịch hứa mức lương đó thì lên gặp ông ấy. Con bé xăng xái qua gặp tay Ngọ. Thằng đó trơ tráo bảo: Chắc ở Việt Nam cô nghe nhầm, làm gì có lương như vậy. Nếu trả mức lương đó thì xưởng máy này phá sản từ lâu rồi. Con bé ngây thơ bảo: Lương đang trả, nó không đủ sống. Thằng Ngọ nhăn nhở: Cả xưởng này hơn ngàn người có ai chết đói đâu, nếu cô thấy khó sống quá, thì đi nơi khác. Con bé đòi hộ chiếu, nó bảo qua bên phòng bảo vệ mà lấy, rồi ở đó, chở nó đến nơi nó muốn đến.
Nó qua phòng bảo vệ. Tay trưởng phòng cười cười: “Ừ, nếu có chuyên môn cao vào trong “Mat”3 kiếm việc cũng dễ. Nhiều công ty đang cần người. Để xem hồ sơ cô Minh Nhiên xem nào. Ô, thôi chết bên bảo vệ có báo cô lấy cắp hai cái áo sơ mi xuất khẩu!”
Con bé giật mình, không ngờ hai cái áo sơ mi đã vào hồ sơ:
“Mấy anh nhân viên cũ nói đấy là hàng phế phẩm!”
“Không đúng. Hàng xuất khẩu đấy. Cũng không có gì. Ở đây, ai cũng lấy mà. Nhưng anh em bảo vệ đã báo lên, tôi phải lập cái biên bản cho đúng thủ tục, bên tài chính khi quyết toán tiền lương của cô sẽ trừ đi chút tiền thôi…”
Rồi một cái biên bản được đưa ra. Biên bản ăn cắp tài sản công ty. Con bé phân vân, nhưng được thuyết phục chỉ bị trừ ít tiền cho xong thủ tục thôi nên cầm bút kí.
Nó vừa kí xong, hai thằng bảo vệ to như trâu mộng bước vào, túm lấy, trùm kín đầu bằng bao bố rồi tới tấp đấm đá như bị bông, cho đến khi ngất xỉu. Tỉnh dậy, chúng lôi xềnh xệch qua phòng bên cạnh, trói vào cái ghế tựa, bật tivi bỏ đi ra ngoài… TV chiếu cảnh nó lấy mấy cái áo sơ mi và dòng thuyết minh ở dưới: nhân viên Minh Nhiên đã ăn cắp 200 bộ áo sơ mi xuất khẩu, trị giá, hơn hai triệu rúp, tính theo tiền Eur là 40.000.
Chúng bỏ đói con bé trong căn phòng đó qua đêm. Sáng hôm sau, hai đứa bảo vệ vào cởi trói, xốc nách nó ra phòng tổ chức. Tay trưởng phòng cười đểu:
“Giờ, cô có muốn lên phòng tài chính tính tiền lương để đi kiếm việc mới không?”
“Tôi sẽ đi! Các ông là đồ độc ác, lừa đảo. Nhưng, các ông chỉ trừ được tôi 2 cái áo sơ mi. Tôi lấy có 2 cái sơ mi.”
Tay trưởng phòng lại cười đểu, chìa ra tờ biên bản, ở đấy, 2 cái áo sơ mi đã được thêm hai số không, thành 200 bộ áo sơ mi xuất khẩu.
Gã trưởng phòng, dằn mạnh tờ giấy trước mặt con bé.
“Cô cứ làm như chúng tôi là đám trẻ con hử! Cô cứ làm như chúng tôi là đồ ngu hử. Mất cả đống tiền đưa cô từ bên đó qua đây để cô đi tìm công ty khác làm cho chúng hả. Với tội ăn cắp 200 bộ sơ mi, có camera ghi hình, với tờ biên bản này, chúng tôi dễ dàng tống cô vào tù. Nhưng ông chủ tịch nhân đạo chỉ yêu cầu cô làm việc trả lại cho công ty 400 ngàn Eur tiền đền bù, tiền phạt rồi cô muốn đi đâu thì đi!”
*
Sau này, khi làm việc khoảng hơn năm, quen với nhiều nhân viên cũ công ty. Nó mới biết cái đống quần áo phế phẩm kia là một cái bẫy của tay Ngọ. Chỉ trừ bọn tay chân thân tín của nó, còn tất cả công nhân, nhân viên xưởng may không ai thoát được cái bẫy đó.
Thủ đoạn của nó, trả lương thấp, trả lương chậm… Với đồng lương chết đói, công nhân, nhân viên không ai có thể sống bằng lương. Những thứ có thể lấy cắp được nó để hớ hênh khắp nơi từ quần, áo, giày, đến vải vóc, phụ kiện may… Tất cả đều được đặt camera quay lén. Tất cả đều được bọn bảo vệ quan sát qua camera từng giây. Chúng sẽ ngăn chặn ngay nếu ai đó ăn cắp với số lượng lớn, còn thì chúng làm như không biết. Ăn cắp sản phẩm thành một cách kiếm thêm của nhân viên, công nhân xưởng. Sau lần ăn cắp đầu tiên bị đưa vào hồ sơ, bị đánh đòn, hạ nhục… và biết không còn đường thoát khỏi Mikhaylovka, họ đành chấp nhận mức lương chết đói, rồi bù thêm bằng cách ăn cắp để đủ tiền trang trải cuộc sống. Cái bọn đi gom lại đồ công nhân ăn cắp thực ra là người của Ngọ. Ngọ coi như đó là phần tiền hắn trả thêm ngoài lương để đám nhân viên, công nhân đủ sống lay lắt. Lẽ ra, hắn phải trả phần thu nhập đó qua lương chính thức, thì hắn biến khoản thu nhập ấy theo kiểu: bọn mày muốn sống thì phải ăn cắp. Bọn mày ăn cắp thì tao cho vào hồ sơ, tao biến chúng mày thành tội phạm. Đã là tội phạm thì mất hết quyền làm người, phải câm lặng và nghe lời. Đấy là cách cai trị của Ngọ ở Mikhaylovka!
Bây giờ, tôi hiểu sao khi nhìn họ, ánh mắt đều u uất, buồn, đau đớn…
*
“Thật kinh tởm! Đúng là Ngọ!”
“Xưa đi học nó đã vậy hả?”
“Chưa làm những chuyện khủng khiếp như vậy. Nhưng bản chất đã vậy… Không ai dám tố cáo nó à!”
“Nghe nói, khoảng 10 năm trước, có một nhân viên tin mình biết luật, đã gửi thư tố cáo. Lá thư quay lại tay Ngọ. Người nhân viên kia bị bọn nó nện một trận thừa sống, thiếu chết”. Ít bữa sau, thì bị điện giật chết khi tìm cách vượt qua hàng rào mang đồ lấy cắp ra ngoài. Ai cũng biết là bọn nó giết rồi dựng hiện trường giả.”
“Khốn nạn!”
“Có một cô gái khi bị lừa, chấp nhận trả hết tiền phạt cho chúng để rời đi . Nghe nói, anh em cô ấy đều khá giả, nên góp đủ 300 ngàn Eur theo yêu cầu của bọn Ngọ. Nhưng nhận đủ tiền, bọn nó không thả, chúng đưa hồ sơ ra toà, cô gái kia phải ngồi tù thêm mấy năm… Ai cũng biết, ở đây, quan chức cảnh sát, toà án… đều bị Ngọ mua hết. Một tay nó che mặt trời… Nên đã sa vào Mikhaylovka đành cam phận trâu ngựa mà không dám hé hó gì!”
“Đẩy con người vào hoàn cảnh tận cùng, biến người lương thiện thành kẻ cắp, rồi siết lên đầu họ cái vòng kim cô tội phạm… để khống chế họ, giam cầm họ, bịt miệng họ. Biến họ thành nô lệ trong xưởng máy, ăn cướp sức lao động của họ. Và, khi nào muốn thì đẩy họ vào tù. Kinh tởm và khủng khiếp!”
*
Bây giờ, là chuyện tao và mày:
“Phải cứu Minh Nhiên khỏi địa ngục Mikhaylovka. Mày phải giúp tao và chỉ có mày mới giúp được việc này!”
“Cứu Minh Nhiên?”
“Chứ sao! Không lẽ mày và tao để con bé trong địa ngục đó. Không ai trong bạn bè tao có thể ra vào Mikhaylovka. Chỉ có mày với tư cách bạn của tay Ngọ có thể làm được điều ấy. Chính sự xuất hiện của mày, mà Minh Nhiên nhận ra hôm qua, tao mới bay sang đây để cứu nó. Chuyện này, chuẩn bị từ lâu rồi mà chưa có cơ hội để thực hiện. Tao đã lo đầy đủ hộ chiếu, visa cho Minh Nhiên. Chỉ cần thoát được khỏi địa ngục Mikhaylovka là ra sân bay về Đức, nhưng mấy năm qua không có cách nào thực hiện… Bây giờ, có mày, tao có một cơ hội. Hôm qua, tao, Minh Nhiên đã trao đổi, lên kế hoạch từng chi tiết. Mày và tao sẽ thuê một chiếc xe du lịch, ghế sau, có thể gập xuống để chui vào cốp xe. Mày chạy xe đến Mikhaylovka, vào cổng quẹo trái trên lối vô văn phòng thằng Ngọ, mày đếm đúng cây sồi thứ 12 thì đậu xe lại đấy. Đó cũng ngay gần nhà vệ sinh. Xe không khoá cửa. Mày đến đó đúng 11h15 là thời điểm xưởng sắp nghỉ ăn trưa. Mày vừa vào đến văn phòng thằng Ngọ là nhà máy kéo còi nghỉ trưa. Cái Nhiên sẽ tìm cách vào xe, chui vào cốp xe. À, phải thuê xe kính dán màng chống nóng màu đen nhìn ngoài vào không thấy gì. Mày, rời khỏi xưởng hoảng 12h10-12h15. Khi chúng phát hiện ra, con Nhiên không có ở nơi làm việc, mày đã cách Mikhaylovka khoảng 30-40km. Tao sẽ đón mày ở đâu đó trên đường, cái Nhiên qua xe tao. Mày về trả xe và biến khỏi Moskva.”
“Tự nhiên tao đến đó, Ngọ nó nghi ngờ ngay…”
“Đúng vậy. Nó mời bao nhiêu lần mày không tới. Hôm kia, đến là do bị thằng kia Tim bắt cóc. Đến phải có lí do hợp lí… Mày nghĩ ra lí do gì không?”
“Không!”
“Phải kích hoạt trí thông minh của một thằng nghiên cứu vật lí đi…”
Tôi hoàn toàn bị đơ vì căng thẳng. Không tìm ra một lí do gì cho xác đáng. Quay lại hỏi nó địa chỉ một đứa bạn nào đó ư? Cái này chỉ cần nhắn tin! Hỏi xin Ngọ cho một đứa cháu nào vào xưởng làm chăng? Gọi điện cũng được chạy xe tới gặp nó không hợp lí! Hay, hỏi vay nó ít tiền… Cái này, hơi nhục, nhưng có vẻ phù hợp nhất… Vì vay tiền phải qua gặp nó mới được.
Tôi nhìn qua Quân:
“Hơi nhục. Tao sẽ đến hỏi vay tiền nó với lí do phải mua vé máy bay về gấp mà bọn trường kỳ này chưa thanh toán ngay vì kế toán có việc…”
Quân cười:
“Ừ, có vẻ hợp lí! Nhưng tại sao mày lại đến xưởng vay tiền nhỉ? Nó sẽ nghi ngờ. Sao mày không hỏi qua điện thoại. Tiền nó chuyển khoản cho mày! Mà không được. Một thằng khái tính như mày nếu khó khăn về tiền bạc sẽ nhờ bạn bè, chứ sao đi nhờ nó! Không được!”
“Vậy thì bế tắc!”
Cả hai chúng tôi vò đầu bứt tai khá lâu. Bỗng Quân hét lên: Ureka!
“Tao nghĩ ra lí do này, mày thấy ổn không! Mày chạy xe gấp đến nó với lí do ngay chiều nay mày thảo luận về… mà cái ở usb biến mất. Mày đã tìm kiếm những nơi cần tìm không thấy. Cái usb hôm qua xuống thăm nó, mày bỏ ở túi áo ngực, chắc đã rơi khi mày cúi xuống buộc dây giày ở… ở gần gốc cây... Không có cái usb thì coi như mày toi, nên phải chạy xe gấp xuống…”
Phải nói cái lí do Quân đưa ra có lí, tôi đồng ý luôn:
“Hay, mày giỏi!”
“Nếu mày đi vay tiền. Nó giữ lại khó thoát. Còn mày đi tìm cái usb bài thuyết trình. Mày có lí do phải rời đi ngay vì buổi thuyết trình tổ chức đầu giờ chiều. Mày có lí do để rút đi lúc 12h10-12h15 như kế hoạch!”
Thực ra, tôi run, cả cuộc đời làm nghề nghiên cứu, dạy học của tôi mọi thứ đều bình lặng. Các mối quan hệ đều bình lặng và đơn giản. Phải dấn thân vào một vụ giải cứu như thế này thật là quá sức tôi, một công việc quá khó với một kẻ từ xưa nay “trói gà không chặt”. Nhưng tôi không thể từ chối Quân, không thể không giúp Minh Nhiên. Hình ảnh cô bé Minh Nhiên chục năm trước vẫn luôn đẹp trong kỉ niệm…
“Nếu nó phát hiện tao chở Minh Nhiên thì sao!”
“Khi đó cứ lao thẳng ra cổng, chạy thục mạng!”
*
Tôi và Quân tìm nửa buổi sáng được chiếc xe đúng như yêu cầu. Sau khi trao đổi cụ thể thêm một số chi tiết cần thiết, tôi lên đường. Xe tôi bị chặn ở barie cổng như bất cứ chiếc xe nào ra vào Mikhaylovka. Dù tôi đã nói đến gặp Ngọ, và chúng nhớ mặt vị giáo sư khách quý hôm qua. Tôi vẫn phải mở cốp xe, cửa xe cho chúng kiểm tra. Tôi đậu xe tại cây sồi số 12, ngay gần khu vệ sinh chung như kịch bản. Ngọ rất ngạc nhiên khi thấy tôi, nhưng hắn hiểu ra vấn đề. Hắn cho luôn khối văn phòng nghỉ sớm 15 phút để đi tìm cái usb quan trọng của nhà khoa học giáo sư Nguyên. Tôi bới từng cọng cỏ nơi vỉa hè gần văn phòng, nơi tôi nói với Ngọ tôi cúi xuống buộc dây giày, có thể cái USB để ở túi ngực rơi xuống.
Đúng 12h15 tôi buồn bã chia tay Ngọ.
“Sao vội thế! Ở lại ăn trưa với tao. Chiều nay, tao cho cả xưởng máy nghỉ việc đi tìm cho mày!”
“Thực ra, nếu rơi, là rơi chỗ tao buộc dây giày. Không có đấy, có khi tao lại làm rơi ở giảng đường hôm qua tao thuyết trình. Bây giờ, tao phải về gấp, nếu tìm được ở đó may còn kịp.”
Tôi chào Ngọ bước ra xe.
Dù cố giữ bình tĩnh, chân tôi vẫn hơi run hơi quýnh lại. Không biết Ngọ có chú ý đến cái dáng đi không được bình thường của tôi không.
Bọn gác cổng, bắt tôi dừng lại. Tôi cố chạy xe đến sát thanh chắn ngang và hạ hết cửa kính xuống. Hai tên bảo vệ áp sát hai bên xe thò đầu vào kiểm tra. Tôi kéo kính lên ngay khi chúng rụt đầu ra. Và, tỏ vẻ như việc kiểm tra đã xong, dợm chân ga. Nhưng, một tay Nga để râu như dân Checchen4 gõ của kính yêu cầu tôi mở cốp (tôi biết chúng sẽ kiểm tra cốp).
“Anh là bạn của chủ tịch Ngọ. Anh không mua bán hàng hoá gì bọn em kiểm tra trong xe là được rồi!”
“Không. Ngài phải mở cốp. Quy trình là vậy!”
Gã râu Checchen gõ gõ tay vào cốp xe. Hôm qua, chúng tôi đã tìm thuê một chiếc xe cũ phải mở cốp xe bằng khoá cơ. Tôi cố tìm chìa khoá lâu thêm mấy giây, loay hoay tra vào ổ, nhầm chìa khoá vài lần. Đó chính là thời gian theo kịch bản để Nhiên có thể chui ngược vào trong xe và dựng ghế sau lên.
Khi tôi mở được cốp hai tên bảo vệ lao đến: trong đó hoàn toàn trống rỗng.
Barie được nâng lên.
Tôi vào xe vẫn còn run.
Tôi cho xe chạy chầm chậm một đoạn ra khỏi camera quan sát. Rồi lao đi với tốc độ hơn trăm km.
Tôi thở phào, nhưng chưa hết lo lắng:
“Minh Nhiên em có sau xe không?”
“Có anh!”
Con bé nói như mếu từ gầm ghế sau.
“Anh cứ sợ em không vào được xe! Em chui ra khỏi cốp lúc nào?”
“Khi anh tra khoá vào ổ nhầm chìa lần đầu! Em run, em sợ lắm anh Nguyên!”
“Anh cũng sợ, cũng run. Nhưng chúng ta thoát rồi em!..”
Tuyết rơi nặng hạt. Ngày càng dày. Nhìn xa trăm mét đã không còn thấy gì nữa. Tôi cố giữ tốc độ cao nhất có thể… Đường trơn trượt, nhưng bánh xe vẫn bám được, mỗi góc cua là một thử thách nghẹt thở. Tiếng gai vỏ xe cào trên tuyết dội lên âm thanh ghê rợn, nhưng chiếc xe vẫn lướt đi trong màn mưa tuyết…
--------------
1. Khi học phổ thông, học sinh hay nói đùa thành “day dứt”.
2. Cách gọi đùa mấy chữ viết tắt: GSTS (Giáo sư, Tiến sĩ).
3. Một cách gọi Moskva của lao động Việt.
4. Chechen nước Cộng hòa Chechnya.
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |